add this

Sunday, November 15, 2020

Mỹ bỏ rơi Tây Tạng

Arrested Histories: Tibet, the CIA, and Memories of a Forgotten War (McGranahan)

 Mỹ bỏ rơi Tây Tạng

Tibet: The CIA’s Cancelled War
Jonathan Mirsky, ttt dịch

Hơn một thế kỷ nay, bang giao của Mỹ với Tây Tạng (TT) được đánh dấu bởi hai đặc điểm là HK cúi lạy Bắc Kinh và HK gởi đến Đạt Lai Lạc Ma (ĐLLM) những lời chúc tụng rỗng tếch. Năm 1908, nhà ngoại giao Mỹ tên William Rockhill đã khuyến cáo ĐLLM thứ 13 rằng: liên lạc mật thiết và thân thiện với Tàu là điều tuyệt đối cần thiết, bởi lẽ Tây Tạng – vì lợi ích riêng của chính mình - hiện là, và phải tiếp tục như vậy, một phần của đế quốc Đại Thanh (Mãn Châu).  Hơn trăm năm sau với vị ĐLLM thứ 14, cũng ngần ấy không sai chạy. Năm 2011, sau cuộc gặp mặt với Obama ở White House, ĐLLM được dẫn ra cửa sau ngang qua các thùng rác để ra về. Điều nầy xẩy ra nhằm tránh lời kết án của Bắc Kinh, vì với Tàu một lời chỉ trích qua loa về Tàu và TT là can thiệp nội bộ.

 Tuy nhiên, trong suốt 20 năm từ khi Tàu thôn tính TT, CIA đã thực hiện một hoạt vụ ngầm để huấn luyện người Tây Tạng chống đối và thu lượm tin tức về Tàu, đồng thời ngăn chận sự bành trướng của CS trên thế giới. Dù không được biết nhiều, chương trình nầy tối thiểu đã tạo được một “cú tình báo” ngoạn mục cũng như gây hậu thuẩn cho ĐLLM. Nhưng chiều hôm trước ngày Nixon gặp Mao năm 1972, chương trình đột nhiên bị hủy bỏ và HK trở lại chính sách xa cách truyền thống đối với Tây Tạng. Tuy nhiên quyết định nầy không chấm dứt mối nghi kỵ truyền kiếp nằm lòng trong bang giao Tàu Mỹ. Không những biết, Tàu còn công bố bạch thư về chương trình nầy của CIA. Tuy kê rõ các nguồn tin Tây phương đáng tin cậy về các hoạt động kín kia, ấn phẩm nầy chỉ lên án phản loạn là do “bè đảng ĐLLM” danh hiệu ngày nay Tàu vẫn tiếp tục dùng.

Cuộc nổi dậy bắt đầu sau khi Hồng Quân Tàu đánh bại phe quốc gia, chiếm đóng TT và sau khi Bắc Kinh ép chính phủ ĐLLM công nhận nền hành chánh cai trị của Tàu khắp xứ. Năm 1955, một nhóm lãnh tụ TT địa phương đã bí mật chuẩn bị cuộc nổi dậy có vũ trang và một năm sau thì hành động, bao vây trụ sở chính quyền địa phương, giết hằng trăm nhân viên và người Hán. Tháng 5, 1957, một tổ chức phản loạn và một lực lượng tấn công được hình thành, giết nhiều CS, gián đoạn lưu thông, đánh các cơ sở dân sự và quân sự của Tàu đồn trú tại chỗ.

Vào lúc nầy, phe phản loạn được HK ủng hộ. Đầu thập niên 1950, CIA đã tìm cách giúp người TT, trong đường lối chung là bao vây CS Tàu; những năm cuối thập niên, “dự án xiệc” (Project Circus) đã chính thức được xúc tiến, kháng chiến quân TT được không vận ra ngoại quốc huấn luyện, vũ khí và đạn được thả xuống các vị trí chiến lược bên trong TT. Năm 1959, CIA đã mở trại huấn luyện bí mật dành cho người TT mới được tuyển, gần Leadville, Colorado (lý do chọn nơi nầy, một phần vì nó có độ cao 10 ngàn feets tương đương độ cao Hy Mã Lạp Sơn của TT). Theo một nguồn tin, 170 “du kích quân Kamba” đã học hết chương trình huấn luyện nầy.

Các cố gắng của CIA không tạo được cuộc nổi dậy của quần chúng đuổi quân Tàu chiếm đóng. Nhưng CIA đã đạt một trong những thành quả tình báo lớn nhất trong Chiến Tranh Lạnh. Kháng quân TT đã thu thập với khối lượng khổng lồ các tài liệu của bộ binh Tàu và chuyển cho CIA năm 1961. Nhờ vậy Mỹ biết rằng lính Tàu mất tinh thần sau khi hay tin nạn đói trầm trọng hoành hành toàn quốc trong chiến dịch Bước Tiến Nhảy Vọt. Tuy nhiên thập niên kế, giới chức HK không đồng ý với nhau về các hoạt động của CIA ở TT. Từ 1971, khi Kissinger sắp xếp cho Nixon gặp Mao, chương trình thu nhỏ lại.

“Mặc dầu TT không được đưa lên bàn thảo luận ở Bắc Kinh, thời kỳ Mỹ ủng hộ chính nghĩa TT đã qua rồi”; đó là ý kiến trong hồi ký của John Kenneth Knaus, 40 năm trong nghề tình báo; ông nói tiếp: Không có một vai trò nào dành cho TT trong phương trình của Kissinger. Năm 1975, TT Ford trịnh trọng nói với Đặng Tiểu Bình: Tôi xin bảo đảm với Phó Thủ Tướng rằng chúng tôi phản đối và không ủng hộ bất cứ hành động nào của chính phủ HK liên quan đến TT”.

Nhiều người bạn của TT và người ngưỡng mộ ĐLLM (kẻ chủ trương bất bạo động) tin rằng ĐLLM không biết gì về chương trình nầy của CIA. Nhưng Gyalo Thondup, một trong những người em trai của ĐLLM dính líu chặt chẻ với hoạt vụ nầy. Knaus, cũng hoạt động trong cùng chương trình, đã viết rõ: Gyalo Thondup đã tường trình ĐLLM những đường nét tổng quát về hậu thuẩn của CIA. Cũng theo Knaus cơ quan nầy đã trợ cấp ĐLLM mỗi tháng 15 ngàn MK từ cuối thập niên 1950 và chấm dứt năm 1974.

Năm 1999, tôi hỏi ĐLLM phải chăng hoạt động của CIA có hại cho TT. “Có chứ, đúng như thế”, ông trả lời. Ông cho rằng sự can thiệp nầy rất có hại, vì nó chỉ nhằm phục vụ quyền lợi của HK hơn là giúp người TT trong trường hạn. Ông nói: Một khi chính sách về Tàu của HK thay đổi, họ ngưng giúp đỡ. Nếu không thì chúng tôi có thể tiếp tục. Nhiều người TT kỳ vọng CIA sẽ thả dù tiếp viện, nhưng Tàu đến và họ bị tiêu diệt. Mỹ có chương trình riêng khác với TT”.

Đúng vậy, sự khác biệt về mục đích cứu cánh nêu trên đã được Carole McGranahan khai thác tìm hiểu để viết cuốn Arrested Histories: Tibet, the CIA, and Memories of a Forgotten War (2010). Mặc dù dùng nhiều thuật ngữ nhân chủng học khó hiểu, tác giả nói tiếng TT nầy đã cày sâu sự khác biệt giữa kháng quân TT và người hợp tác tình báo ngoại quốc. Bà nêu một ví dụ độc đáo là vụ phục kích một sĩ quan cao cấp Tàu lấy tài liệu. Chiến công nầy được diễn tả trong một bức tranh rùng rợn, khổ lớn, hiện chưng bày tại viện bào tàng của CIA ở Washington. Khối tài liệu nầy cho biết tinh thần lính Tàu suy giảm, đồng thời nói lên mức độ bạo động trầm trọng lính Tàu gây ra ở TT. Chính nhờ chuyện nầy mà chính phủ lưu vong TT mới có bằng chứng cụ thể về sự độc ác của Tàu.

McGranahan, tuy vậy, vô cùng ngạc nhiên trong các lần phỏng vấn cựu kháng binh không đề cập đến vụ trên. Bà tự hỏi: Tại sao một thành đạt hiếm hoi mà HK và chính phủ TT công nhận có giá trị quan trọng không để lại dấu vết nào trong ký ức của họ”.
Một lý do là họ không được cho biết tầm quan trọng và giá trị của các tài liệu nầy, mà họ cũng không được đọc tới. Một người giải thích như sau: quân chúng tôi tấn công đoàn xe vận tải và lấy nhiều tài liệu của Tàu. Sau đó được tăng lương. Không ai biết nội dung mà cũng không ai hỏi đến. Vả lại, hỏi nhiều sinh nghi. Người chỉ huy phục kích nói rằng ông được CIA thưởng chiếc đồng hồ Omega có ngày tháng và ngoài ra không biết gì hơn.
Trong khi không đề cập đến chiến công nầy, kháng binh chỉ cho thấy lòng ngưỡng mộ ĐLLM và muốn ông trở về đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tối cao của một nước TT độc lập.

Sau khi CIA chấm dứt sứ mệnh nầy, TT đã bị đẩy ra khỏi rìa của chính sách Mỹ đối với Tây Tạng. Tác giả Knaus tiếp tục trình bày sự lạnh nhạt nầy trong cuốn sách thứ hai khác. Thực trạng bây giờ Mỹ đã xem Tàu là một cường quốc. Theo Knaus, lời tuyên bố sau đây của phụ tá bộ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Á Châu Marshall Green có thể tóm lược các lời biện minh lui lui tới tới về việc Mỹ bỏ rơi TT. “Chúng tôi không thể làm gì hơn để giúp TT, ngoài cách cải thiện bang giao với CS Tàu để thuyết phục họ nhẹ tay với người TT. Đây rõ là một sự hợp lý hóa”.

Bill Clinton đã nói với Giang Trạch Dân lúc ấy chủ tịch CS Tàu trong cuộc gặp gỡ 1998: “tôi đồng ý rằng TT là một phần của Tàu, một vùng tự trị của Tàu; và tôi hiểu vì sao quý quốc xem đó là điều kiện tiên quyết để đối thoại với ĐLLM”. Bill nói tiếp: Tôi đã nhiều lần thảo luận với ĐLLM; tôi tin ông ấy là một người ngay thẳng, tôi cũng tin tưởng rằng nếu ông có dịp gặp Giang chủ tịch thì nhị vị sẽ quý mến nhau”. Giang Trạch Dân ngửa người cười rộ. Lời nói của Bill đã bị gạch bỏ khỏi bản chuyển ngữ chính thức của Tàu. (Tibet: The CIA’s Cancelled War)


No comments:

Post a Comment