bánh mì bến xe Saigon Miền Tây |
ngừng tay ám sát
Hai Le
Ba Lé uống một ly, rượu cay làm mắt ông đỏ ngầu, rồi
có lẽ men cay làm ông nhăn mặt. Cả bản mặt rúm ró lại như con khỉ ăn ớt. Tôi
còn chưa kịp hiểu tại sao ông có phản ứng như vậy khi nghe tôi hỏi về thời trai
trẻ của ông có từng ám sát ai không. Ba Lé là một Việt cộng có tiếng, đắp mô đường
tỉnh lộ và giựt mìn cầu. Cây cầu Đúc Sập có tên đó là do ông giật sập để làm
cho xe nhà binh không qua được. Nhưng nhà Ba Lé bây giờ nghèo xơ xác như cái giẻ
rách. Chỉ có cái tủ thờ của ba má ông là gọn gàng sạch sẽ, còn lại thì trống
hoác như cái chuồng gà mục nát. Tôi thường tới thăm để đem cho ông mấy thứ linh
tinh và nghe ông kể chuyện.
Nếu ông như mấy tay cựu chiến binh khác, chắc là cũng
được cái nhà cấp bốn tí tí hoặc một giò trong huyện đội này nọ. Nhưng không, Ba
Lé sống như trời đày, hay nói đúng hơn ông tự đày đoạ mình, không khác gì một
tù nhân khổ sai trong chính căn nhà mình.
Ba Lé không có vợ con, ông tự xây kim tĩnh và xẻ ván đóng sẵn một cái hòm nho nhỏ nằm vừa, trả sẵn tiền cát đá xi-măng cho đại lý, để dành sau này làm mả cho chính ông. Mối cơ duyên của tôi và ông cũng khá kỳ lạ, bởi thường không ai dám tới gần vì ông cục súc như “con chó già điên” - cách mà ông tự mô tả về mình rồi ngửa cổ cười khanh khách.
Tôi nghĩ ông bất đắc chí chuyện gì đó, và thấy tính
ông khá là bạo lực, mỗi lần nghe tôi kể có quan chức nào bị bắt là ông luôn hỏi
khi nào xử bắn. Nhưng hôm nay khi hỏi ông có từng ám sát ai chưa, thì ông chùng
xuống và dịu lại, lẽ ra phải ngược lại mới phải. Thời gian như im lặng ít lâu,
rồi ông trầm ngâm:
- Tui thiệt với chú em, đời tui hại người ta chết oan
ngoài ý muốn chắc cũng có, nhưng cố tình đi giết người thì có một lần một, mà lần
đó về tui bỏ nghề Việt cộng!
- Ủa sao vậy bác Ba? Kể con nghe đi bác Ba!
- Lần đó tui được giao một trái lựu đạn, để ám sát quận
trưởng. Ông đó mà không đi đâu xa nhiệm sở thì sáng nào cũng ghé chợ chỗ sạp
trái cây của anh ổng nói mấy câu rồi mới đi. Tui chỉ cần canh me dục trái lựu đạn
tới chỗ ổng rồi chạy thẳng ngả sau chợ phóng xuống sông là thoát.
chợ Đông Ba Huế (1930-1940) |
- Thì tui cũng hỏi thằng Nguyễn Văn Long y như chú,
cái nó nói mấy người không liên can có chết là hy sinh cho cách mạng, nợ máu
thì đổ lên đầu thằng quận trưởng, còn phần tui thì phải thi hành bản án tử mà
toà cách mạng đã ký. Tui đi mà trong bụng rối beng. Mấy người mua gánh bán bưng
cả đời có nợ máu gì mà làm người ta chết cho đặng? Hồi xưa má tui cũng đi bán
gánh như vậy nuôi tui lớn. Lỡ tui làm chết mấy người đó thì ai nuôi con họ?
Trong bụng tui tan nát hết, bây giờ không thối thác cho đặng, nếu tui mà không
làm thì cỡ nào tui cũng bị thằng Long nó thủ tiêu, mà làm thì tui thấy mình
không ra con người nữa.
- Trời, ác quá, rồi bác làm sao?
- Thì tui cũng đi sớm từ hừng đông, tới chợ TT giả đò
ngồi ăn bún, chờ cơ ra tay. Thì cỡ nửa tiếng xe ríp của ông quận trưởng cũng trờ
tới. Tui thò tay vô túi áo, rờ trái lựu đạn cho yên tâm. Nhốm đít lên chờ cơ là
rút chốt dục liền, rồi sẽ bỏ giò chạy xuống sông. Tui vừa tính làm, thì ngó kỹ
thì thấy ổng đứng ngay ngắn khoanh tay trước mặt anh ổng, khoanh tay ngay ngắn
rồi nói “Thưa anh hai em đi làm!”. Tự nhiên giờ đó trống ngực tui đập liên hồi
muốn xỉu. Ông anh hai của ổng chỉ ừa một tiếng rồi lo dọn hàng, còn ổng thì
ngoan như thằng con nít cúi đầu cái nữa rồi mới lên xe đi. Giờ đó tui biết tui
quá sai khi theo đám thằng Long rồi, mà có muốn thay đổi chiêu hồi cũng không
còn kịp nữa...
- Thôi chuyện qua rồi mà bác, rồi sau đó sao nữa bác?
- Thì ổng bình an không bị quăng lựu đạn. Tui thì mới
mệt, rút êm rồi tui đi trốn biệt xứ chớ có dám về đâu. Kiểu gì cũng bị thủ
tiêu. Đi mười mấy năm, rồi hoà bình lập lại lâu lắm tui về xứ thì ba má tui chết
hết trơn rồi, nhờ lối xóm chôn giùm...
Ông nói tới đó thì tự nhiên mếu máo rồi khóc, tôi tự
nhiên thấy ông Ba Lé hiền khô, tôi tin sự thiện còn sót lại ở ông và ông đang tự
trừng phạt mình bằng cách sống “trời đày” bao nhiêu năm nay. Có lẽ ông muốn tôi
ghi chép lại những điều này như một lời thú tội trước những linh hồn uổng tử vì
ông. Tôi cũng chợt nghĩ lối giáo dục hiếu thuận của nhà ông quận trưởng đã cứu
sống ông ấy mà chính ông không hề hay biết. Tự nhiên thấy thương thương những
nhà mà anh em thuận hoà hiếu đễ đến già, có lẽ sự nhu thuận và thương yêu nhau
có công năng cảm hoá chính mình và cả tha nhân.
Những người của năm xưa có lẽ bây giờ đã qua đời hết,
ông Ba Lé khi tôi viết lại những dòng này cũng đã xanh cỏ ít năm. Trong cõi
thiên niên vĩnh cửu, chẳng biết người ta có gặp lại nhau?
(Hồi
Úc về Một Vụ Ám Sát Hai Le Facebook)
========================================================================
No comments:
Post a Comment