add this

Thursday, May 13, 2021

Bà Tôn-Lò

 

Nha Địa Dư

Bà Tôn-Lò Nguyn Hoàng Sơn

Sau Tết Mậu Thân, xóm Thi Sách Đà Lạt bỗng có đông người đến ở. Phía gần đầu dốc nhà mình thì có bà Hành, giận chồng có vợ bé nên cắm dùi miếng đất hoang bên đường, phác mấy bụi hoa quỳ, xây cái nhà gỗ, mở quán bán tạp hoá, kiếm sống nuôi con. Sau 75, nghe kể con Xuân, con bà Hành về Sàigòn, làm ăn giàu lắm. Thằng Nhân, học Văn Học, đi lính tử trận ở Cai Lậy. Cạnh đó là gia đình ông bà Phúc, lính thổi kèn trumpet của đội kèn đồng Võ Bị, cắm dùi một căn nhà gỗ với một lố con. Ngày ngày cứ nghe ông ta tập thổi kèn tò tí te khiến dân xóm chán mớ đời.

Thằng con đầu tên Khánh Ù, chơi thân với mình, đi ăn cắp buồng chuối của bà bắc kỳ, dú không chín, đem trả lại, bị chửi hai lần. Lần đầu ăn cắp rồi trả lại vẫn bị chửi. Bà con đông nên mượn tiền bà Vinh, đi bán bún bò, bị bà này hoạch hoẹ, thấy thương. Sáng là gánh ngang nhà bà Vinh cho gia đình bà này làm một chầu trừ tiền lời 2 phân, rồi gánh qua Chợ Nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, ngồi bán trước tiệm của bà Phú, chị của bà, cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên. Gia đình bà Phú khi xưa ở cạnh nhà mình, rồi dọn qua bên đường Phan đình Phùng, nay ở Seattle.

Kế đó là bà Thới cắm dùi, mẹ của Minh tây lai, học Thái Cực Đạo với mình, học Văn Học trên mình 2 lớp. Nghe kể bà Thới sau 75, dựa hơi bà Thủ, mẹ thằng Vui, theo Việt Cộng làm cm30 (cách mạng ba mươi), hành gia đình mình như điên, khi con chó nhà mình, thuộc loại chó phản động, ngửi thấy mùi cm30 là cắn.

Đi xuống một chút, phía hướng xóm ông Ba Tây, ở cuối xóm mình thì anh Bình, sau khi trả nhà lại cho gia đình ông Tước đến ở, cắm dùi mảnh đất sau cầu tiêu công cộng của xóm, làm nhà ngay sát bên chuồng heo của nhà bà làm vườn bắc kỳ, chửi mình và thằng Khánh Ù, ăn cắp buồng chuối La-ba của bà. Sau này có chút tiền, khi bố mẹ bà Bình chết, xây cái nhà bằng gạch, nay vẫn ở đó với con Thu-em. Gia đình ông V cũng cắm dùi xây căn nhà hai tầng thêm cái nhà xe, để cái bàn bóng bàn cho cả xóm đến chơi. Sau này, có tiền chạy xuống Chi Lăng xây căn nhà to đùng rồi đi tù vì bị tố tham những.

Dạo ấy, Đà Lạt thêm dân cư, sau Mậu Thân chạy loạn VC vào thị xã, cắm dùi, xây nhà, khắp nơi. Ngay đường Hai Bà Trưng, đối diện cư xá Pasteur, có vạc đất của ai, cày lên để xây nhà chi đó, bị thiên hạ cắm dùi chiếm đất, không biết chính quyền có đền chi không. Như báo hiệu VC vào sẽ mất hết của cải. Mình có tên bạn, sau hiệp định Paris, ông bố bỏ tiền đi mua mấy chục mẫu đất ở Cam Ly, hy vọng thắng lớn khi hoà bình đến. Ai ngờ 75, VC vô, không dám hé miệng tự xưng là chủ. Hát bài đừng nhìn đất nữa anh ơi.

Mình hay xuống sân này đá banh với đám con nít của xóm Địa Dư, mà mình có kể về thằng Hùng, anh của thần tượng một thời của Huỳnh Kim Sang. Trước Mậu Thân, Đà Lạt chỉ có độ 40.000 người mà 6 năm sau khi mình đi tây thì dân số thị xã lên đến 100.000 người.

Xuống khúc nhà ông Ba Tây thì có gia đình bà Tôn, người Huế, không biết từ đâu đến. Con đông lóc nhóc, lúc nhúc, không có quần áo, năm đứa. Thấy tội lắm. Họ xây tạm cái nhà bằng gỗ nhỏ rồi cả gia đình chung sống trong một cái phòng, có cái phảng, vừa làm chỗ ngủ chỗ ăn. Họ có nuôi con gà mệ và con gà trống, thấy chúng vào nhà, nhảy lên cái phảng, cứt gà đầy nhà.

Sau 75, ông Tôn Lò được Việt Cộng trọng dụng, nghe nói nay lãnh hưu của nhà nước, có công với cách mạng. Nghe nói chạy chọt với các đồng chí nên lãnh được lương cách mạng.

Một hôm, đang ngồi ở phòng, đọc truyện vớ vẩn, mướn từ tiệm sách Mình Thu, đường Phan Đình Phùng. Phòng mình có cửa sổ mở ra đường Thi Sách nên hơn chuyện hay xem thiên hạ đi qua phòng mình. Bỗng nhiên mình nghe tiếng la ó xa xa nên tò mò, chạy lên đường Thi Sách. Gặp thằng Khánh Ù, kêu đi, đi, bà Tôn Lò đang chửi ai.

Xóm mình khi xưa, ít người lắm, yên tĩnh không như ngày nay là khu phố Văn Hoá, với mấy biểu ngữ “cương quyết xây dựng khu phố Văn Hoá,...”. Khi nào mà có chuyện là con nít chạy đi xem như ngày hội. Người lớn kêu con nít chạy đi xem chuyện gì, về báo cáo.

Đài truyền hình ít ai có mà chỉ mở vào buổi chiều. Trong xóm chỉ có độc nhất nhà ông Vinh là có máy truyền hình. Do đó các chuyện xe cán chó bên đường là trọng tâm của xóm Thi Sách. Đánh ghen, hàng xóm chửi lộn là chương trình thực tế, mục thị, hiển thị của dân trong xóm.

Mình và thằng Khánh vừa chạy đến khúc nhà Đinh Gia Lành, là đã thấy xa xa, bà Tôn Lò đang cầm cái chổi, quơ quơ, chửi đổng:

Bơ....kỳ thằng ăn trộm, ăn cướp

Bơ....mấy kỳ đứa rình đớp của tau

Mi nghe được thì đến trả đây mau

Không tau xưởi cho trúc mồ, trúc mả.

Mình nghe tới đây là quýnh lên liền vì bà này chửi giọng Trung khá nặng, nhất là tâm lý đang hừng hực nổi máu nên cố vểnh tai ra nghe. Mà lạ, khi người ta chửi, họ đều chờ tới giờ ăn trưa mới đem cái loa cá nhân ra đường để báo cáo cho láng giềng, tình hình chiến sự của họ. Có lẽ đó là thời gian linh thiêng nhất, khi cha con, vợ chồng sum họp, quây quần bên mâm cơm, để chào đón, tiếp nhận những lời khuôn vàng thước ngọc của bà Tôn Lò. Giọng bà chửi vi vu như tiếng dương cầm trong các tiệm ăn sang trọng mà mình có dịp thấy trong xi-nê ở Âu châu.

Bà Tôn Lò, tên này do đám con nít trong xóm đặt. Họ kêu mồm bà này to nên thêm chữ lò sau chữ Tôn cho hợp tính nhân văn của bà ấy. Bà Tôn lò bận áo dài, đi chân đất, cầm cái nón lá bài thơ, quạt quạt, miệng ngậm điếu thuốc Cẩm Lệ, [Cẩm lệ được ông Võ Quang Tiềm, khởi xướng khi xưa, mua sĩ về Đàlạt để bán lại. Các người cháu của ông như cậu Liễu, dì Tân, phụ giúp rồi sau ra chợ bán, lấy hàng từ ông Tiềm, kiểu franchise như ngày nay].

Bà ta vừa chửi vừa nhai trầu, lâu lâu quay qua bên trái, nhổ phẹt một bãi trầu xuống bụi cỏ, lấy cái tay áo, quẹt một đường để chùi cái loa cá nhân, rồi tiếp tục cất tiếng chửi độ 120 decibel.

Hồi nhỏ, mình không rành mấy vụ nói lái, đến khi chơi với anh Toàn, con ông Tô và Đinh Gia Lành thì mới nghe hai ông thần này, nói lái trước mặt bố mẹ chúng để mấy ông bà không hiểu. Từ đó, mình nhận thằng Bi, con đại uý Hải làm thầy, dạy nói lái. Nay hắn ở tiểu bang Washington, cách Seattle đâu 3 tiếng lái xe. Mình có gặp hắn hai lần ở Cali.

cine Đà Lạt xưa
Bà Tôn Lò đang rống mấy tiếng để chửi tên nào trộm gà nhà ba ta thì thằng Rị, chạy ra nói gì với bà Tôn-Lò nên bà ta phải ngưng bắn đơn phương, hỏi thằng Rị chi rứa, rồi đuổi thằng con và mấy đứa em vào nhà, một mình bà ta ở lại ngoài đường như Quan Công, trấn giữ cầu. Bà tiếp tục khúc dạ hành.

Bà con ơi rứa cò tức khung nạ

Lo dịn ăn nuôi được mấy con ga

Túi bựa qua đạ dốt vô troong già

Rứa mà hần lẻn vô bắt chò được.

Bà quơ quơ cái nón lá bài thơ trước đám con nít như phân trần, kể nỗi khổ của bà, dành dụm, lo nuôi con gà, bắt thằng Rị, đi bắt giun về cho gà ăn hàng ngày để có protein mà tên nào ghé nhà vớt mất.

[Gà nhà mình cũng hay bị một tên trong xóm, nghiện thuốc phiện, hay ghé lại ăn cắp, đồ phơi trước nhà phải canh chừng vì hắn đi ngang là chôm ngay. Có lần hắn vớt cái áo blouson của ông cụ khiến ông cụ chửi mình quá cỡ thợ mộc, kêu chơi ngoài sân mà không xem chừng. Sau này, cứ thấy tên này là mình đem đồ vào nhà ngay. Mình trả thù bằng cách dụ chim bồ câu của hắn lại chuồng chim bồ câu nhà mình, bắt chúng đem ra tiệm Chic Shanghai bán kiếm tiền].

Rồi bà Tôn Lò tiếp tục. Bà đưa cái chổi lên trời như để mắng vốn ông trời không có mắt, khiến thằng nào chôm con gà của bà.

Bơ....mấy kỳ thằng đầu trộm đuôi cướp

Ăn ga tau bây mắc cổ cho coai

Cố tổ, cao tằng mi răng đẻ ra kỳ nòi

Dác mần, siêng ăn vô già tau ăn trộm.

Hu...ba hồn bảy vía mấy kỳ thằng mặt lợn

Nỏ chộ đàng...đi ăn cắp của mụ tra

Bây dem lả...lả hần cháy mất già

Bây ra đàng xe hần tôông loại cẳng.

Chửi đến đây thì thằng cu Rị, con bà ta bế đứa em đang khóc vì đang ngủ, bà mẹ ngứa mồm lại lên cơn chửi, khiến nó thức giấc, khóc đòi sữa hay sợ quá tè trong tả chi đó. Bà Tôn Lò đưa cái nón lá cho thằng Cu Tị cầm, rồi bế đứa con đang khóc, rồi vạch áo ra, cho con bé bú. Rồi bà tiếp tục ru con với giọng chửi qua dòng sữa tươi của người mẹ kinh thiên.

Bơ.......mấy thằng trộm, chừ tau mì nói thẳng

Bây ở mô? xóm đưới hay xóm trên

Trộm ga tau bây mần thịt ăn liền

Hay đang dốt thì mau đem trả lại.

Có lẻ hăng tiết lên bà Tôn Lò múa tay múa chân khiến cái vòi sữa bật ra, đứa bé lại ré lên khóc, bà lấy cái vòi vú mớm cho con bé bú rồi tiếp tục đọc diễn văn của người mất gà.

Bây khun trả thì tau đây xưởi mại

Đến khi mô bây cảy cổ thì thôi

Tau xưởi cho già mi tiệt hết kỳ nòi

Dác mần ăn chỉ đi rình trộm cắp.

Bà bắc kỳ Nam Định chửi thì mình nghe được, còn mệ Tôn Lò thì khó nghe, không biết giọng xứ nào. Dân vùng Sịa thì phải. Xóm mình có nhà ông Hoà, hình như dân xứ Nghệ hay Hà Tỉnh chi đó, nói cũng khó nghe lắm. Không biết sao bà ta biết là thằng nào ăn trộm, mà kêu ba hồn bảy vía của hắn ra để trù ẻo. Con gái thì họ réo chín vía.

Hu...ba hồn bảy vía kỳ thằng chết rấp

Đêm bựa qua bắt trộm ga của tau

Lo liệu hồn đem mà trả chò mau...

yên bình Đà Lạt thuở xa xưa
Hình như chửi nhiều quá nên bà ta mất sức hay con bé đói quá, bú hết sữa nên ré lên, bà đưa tay thổ thổ con bé nhưng có lẻ có giọng chửi của bà hơi cao, hơi trật hợp âm Fa Chửi nên con bé càng ré to hơn tiếng mụ chửi. Hổ cái sinh hổ tử. Mình không biết mấy đứa con bà ta sau này có tiếp tục nghề gia truyền, gia phong hay không.

Xưởi mệt rồi bựa chừ nghỉ cấy đạ.

Nói xong bà ta bế con bé vào nhà, khiến cuốn phim đang đến độ gây cấn, vì đám con nít như mình muốn biết thằng nào ăn trộm gà của bà ta vì bà réo 7 vía, bị đứt dây giữa chừng, khiến đám con nít hàng xóm đang tụ năm tụ bảy như mình bàn tán, ai hè ai hè, rồi từ từ rả đám, không ai nói, tự động rã đám, đi về. Thằng Khánh Ù kêu chắc thằng Bi, con bà Chi ăn cắp.

Bà này cũng thuộc loại còn sân si, còn cay đắng, tiếp tục chửi đến cả tuần nên trưa nào ăn cơm xong, đám con nít không ngủ, được đi xem xi-nê miễn phí, vừa trau dồi, “bồi dưỡng văn hoá nhân bản chửi” nhưng không thấy ai đem trả con gà nên tự đình chiến.

Phải chi bà ta học chửi như mẹ tên nào đoạt giải thi chửi, mong gà bị ăn cắp to béo, giúp dòng họ của chúng giàu có lên, biểu thị tính nhân văn của giới lao động. Sau 75, bà Tôn-lò nhờ kinh nghiệm chửi nên được làm lớn trong tổ dân phố, đi từng nhà khuyến khích toàn dân, xây dựng một tổ dân phố văn hoá phường 6, bật nhất Đà Lạt.

Mình về đi thăm hàng xóm, đều thấy ghi bằng khen thưởng là gia đình văn hoá do chồng bà ta ký. Nghe nói phải chung tiền mới được bằng khen. Nhà nào không có bằng khen thì họ đến bồi dưỡng tinh thần, củng cố tư tưởng, bắt phải học tập tư tưởng bác Hồ, bú xấu la mua nên cúng tiền cho khoẻ. Kinh quá!

Có lần điện thoại về nhà, nói chuyện với ông cụ. Ông cụ rên là con gà trống nuôi để làm giỗ, bị thằng nào ăn cắp mất. Mình nói sao không nhờ bà Tôn Lò. Bố mình kêu “con mẹ đó”. Chán mớ đời!

**********************************

 

No comments:

Post a Comment