add this

Tuesday, October 11, 2022

Thạch thảo, l'Adieu và Adieu

 


Thạch thảo, L’Adieu và Adieu

Tôn Thất Tuệ

 

Mới rồi bà con thảo luận về danh từ thạch thảo từ câu dịch “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo” và tựa vào chữ “bruyère” trong bài thơ L’Adieu của Apollinaire. Thiết nghĩ bruyère khá xa lạ với VN. Bruyère là loại cây lúp xúp, cho đúng thực vật học, tiếng Pháp abrisseau, không có thân chính mà các nhánh mọc ra từ gốc để bành trướng, cao chừng ba mét trở lui. Gốc bruyère lâu năm là một loại gỗ quí để làm ống dố, ít nóng tay và nhẹ.

Nói cho đúng, bruyère là tên cây, hoa của nó là fleur de bruyère cũng như cho chính xác: fleur de rose. Trong lần thảo luận trên có một vị đã tra cứu các bách khoa từ điển và cho biết: bruyère thiên hình vạn trạng, khác nhau về cây cành, về hoa, và nhiều màu sắc; có cả xanh lục nhạt; nhưng thông thường nó ở trong ‘game’ đỏ nhạt, pha tím lung tung.

Apollinaire

Một nữ tham luận viên trích lời một nhà giáo VN ở Cali, vị nầy đưa ra một bức hình và xác quyết đó là hoa bruyère của Apollinaire; không thể khác hơn, chắc như bắp. Bà hỏi có thế dứt điểm ở chỗ nầy không, nhưng không nêu phương pháp nghiên cứu của vị thầy ấy.

Bài thơ viết năm 1913, hơn 100 năm rồi. Phương pháp nghiên cứu có thể đi tìm tài liệu cho biết tác giả có trồng cây ấy hay không, trồng loại nào, có sống vùng đất nhiều sỏi và nhiều chất xi lít (silica) hay không. Trong nhà có treo bức tranh “tĩnh vật” có hình hoa nầy hay không.

Riêng cá nhân tôi sau khi đọc ý kiến của vài vị, kiểm chứng bằng sách báo thực vật, tôi xin nói rằng câu hỏi của nữ bình luận gia sẽ được trả lời có, yes. Chúng ta có thể dứt điểm về thạch thảo, bruyère bằng cách nói sẽ không có dứt điểm nào, đối diện 200 loại. Phi Châu và Âu Châu rất nhiều giống thạch thảo và hiện đang trồng làm dược liệu.

Tôi xin mách một đường nghiên cứu. Bruyère cùng ý niệm chờ đợi, trong bài thơ của Apollinaire, bắt nguồn từ một bài thơ của Victor Hugo.

Victor Hugo

Ngày16 tháng 9 năm 1913, Apollinaire đến nghĩa trang Villequier, thăm phần mộ của Léopoldine Hugo, con gái của Victor Hugo; Léopoldine Hugo được bố tặng bài thơ sau đây.

Demain dès l'aube  * Victor Hugo

Demain, dès l’aube, à l’heure où blanchit la campagne,

Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m’attends.

J’irai par la forêt, j’irai par la montagne.

Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps.

Je marcherai les yeux fixés sur mes pensées,

Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit,

Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées,

Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit.

Je ne regarderai ni l’or du soir qui tombe,

Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur,

Et quand j’arriverai, je mettrai sur ta tombe

Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.

 

Ngày mai, lúc hừng sáng (ttt dịch)

Ngày mai lúc hừng sáng, giờ khắc đồng quê từ từ sáng trắng,

Cha sẽ lên đường. Con biết như cha biết rằng con đang đợi cha. Cha sẽ băng rừng, băng núi

Bởi lẽ cha không thể sống xa con thêm một phút nào nữa.

Cha sẽ cất bước, mắt quay vào trong, dán lên tâm tư,

Không thấy gì bên ngoài nữa, không nghe thêm gì nữa,

Một mình, không ai hay, lưng khòm, tay khoanh, và buồn.

Ngày của cha tối mò như đêm đen.

Cha sẽ không màng nhìn ánh vàng trời chiều đang xuống dần

Hay những cánh buồm xa xa từ biển cả đang xuống dần hướng về bến tàu Harfleur.

Khi đến, cha sẽ đặt trên mồ con

Một bó “giáng sinh” xanh lục với trái trâm đỏ cùng một nhành thạch thảo trĩu hoa.

Trong ngôn ngữ qui ước về thảo mộc, thạch thảo tượng trưng chờ mong, mối tình (và thương yêu) bên vững không mờ phai. Victor Hugo đã dùng hai thứ cây cành. Houx, (tiếng Anh là Holly), lá rất bền hầu như vĩnh viễn, khi rụng xuống rất lâu mục, thường được dùng trang trí vào dịp Noel, có hột đỏ (red berry). Bruyère so với houx rất mong manh nhưng tha thiết. Con gái lớn của Vicor Hugo chết lúc 19 tuổi cùng chồng khi thuyền bị lật, không lâu sau đám cưới. Lúc ấy nhà văn du lịch ở miền Nam và đọc tin nầy trên báo trong quán cà phê. Apollinaire có hai chỗ giống Hugo là sự chờ đợi và cây thạch thảo trong qui ước văn chương.

Hugo tặng (dédier) bài thơ cho con gái chết yểu. Nhưng Apollinaire nhắm đến nường nào khi viết L’Adieu? Không ai xa lạ, Annie Playden, cô quản gia người Anh lãnh đạm, hửng hờ trước tình nồng của thi sĩ gốc Ba Lan. Nàng đã qua Mỹ năm 1905.

Bài thơ không rõ sáng tác lúc nào nhưng xuất hiện trong thi tập Alcools, xb 1913

L’Adieu

J’ai cueilli ce brin de bruyère

L’automne est morte souviens-t’en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens-toi que je t’attends

 

Lời vĩnh biệt Bùi Giáng dịch

Ta đã hái nhành cây thạch thảo

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó.

 

Bà thơ tiếng Pháp có năm câu gọi là quintil mỗi câu 8 vần (octosyllabique) nhưng Bùi Giáng dịch thành sáu câu, ông hơi áy náy. Tuy nhiên từ bài gốc, huyền thoại thi ca nầy đã viết thêm nhiều bài thơ khác.

Hai câu đầu của Bùi Giáng:

Ta đã hái một nhành cây thạch thảo

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi.

Phạm Duy đã đổi câu đầu:

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo.

Nhắc lại câu Pháp ngữ

J’ai cueilli ce brin de bruyère

L’automne est morte souviens-t’en

Thiết nghĩ BG nắm vững hơn vì bruyère là cây thạch thảo, có và không có hoa cũng vậy. Hugo nói rõ bruyère en fleurs. Nhiều người kể cả Wikidepia lấy câu sửa của PD thành bản dịch gốc của BG. PD dùng chữ cụm, bao hàm một số nhiều, có người nói là cả bụi cây, cả lùm cây. Chữ brin của Pháp có nghĩa rất ít, un brin d’herbe, một cọng cỏ, un brin de connaissance một chút hiểu biết giới hạn. “Ta ngắt đi” mang ý nghĩa cắt bỏ, vất đi. Thạch thảo không nhất thiết là mùa thu, nhưng thu không còn nữa thì dẹp nó đi cho xong chuyện, đừng gợi thương nhớ. Trong lúc ấy cả hai bài thơ của Hugo và Apollinaire, thạch thảo tượng trưng chờ mong, ta giữ lại. Hái và ceuillir mang ý nghĩ trân quý như hái hoa cúng Phật, hái hoa dâng mẹ, tặng người yêu. Không ai nói ngắt hoa cúng ôn mệ.

Ngoài chỗ bất bất đồng về câu đầu, lời nhạc của PD trôi chảy hơn, không dùng Hán Việt như mộng trùng lai. Phạm Duy đã rút ngắn hay ho nhiều bài thơ rườm rà như Động Hoa Vàng, nhưng ở đây ông dùng kỹ thuật âm nhạc kéo dài một bài thơ năm câu cho đủ số trường canh (mesure) tối thiểu.

Người Pháp đã phổ nhạc đầy đủ bài thơ nầy nhưng không réo rắc như Mùa Thu Chết, có lẽ cần Lara Fabian réo lên tận trời hay Tham Lam hét như sét đánh Huế đô…

Vì tính cách tha thiết, L’Adieu thường được đọc trong các tang lễ như một điếu văn.

L’Adieu và Adieu

Louise de Coligny Chatillon

Rất nhiều và hầu như mọi web VN đều cho đầu đề bài thơ là Adieu nhưng chính xác là L’Adieu, một danh từ cộng mạo từ chỉ định. Hai năm sau thi tuyển Alcools, Apollinaire xuất bản thi tập Poèmes à Lou, năm 1915 gồm bài Adieu dài hơn. Nàng thơ ở đây là Louise de Coligny Chatillon, chia tay tòng quân Thế Chiến thứ nhất.

 

Adieu

L’amour est libre il n’est jamais soumis au sort

O Lou le mien est plus fort encor que la mort

Un cœur le mien te suit dans ton voyage au Nord

Lettres Envoie aussi des lettres ma chérie

On aime en recevoir dans notre artillerie

Une par jour au moins une au moins je t’en prie

Lentement la nuit noire est tombée à présent

On va rentrer après avoir acquis du zan

Une deux trois A toi ma vie A toi mon sang

La nuit mon coeur la nuit est très douce et très blonde

O Lou le ciel est pur aujourd’hui comme une onde

Un cœur le mien te suit jusques au bout du monde

L’heure est venue Adieu l’heure de ton départ

On va rentrer Il est neuf heures moins le quart

Une deux trois Adieu de Nîmes dans le Gard

4 fév. 1915

Tử biệt  (ttt dịch)

Tình yêu là tự do, không bị khống chế bởi số phận.

Lou ơi, tình của anh mãnh liệt hơn cái chết

Tim của anh theo suốt những bước chân em đạp trên đất Bắc.

Viết thư nhé, êm yêu hãy gởi cho anh những lá thư,

anh trong trung đội súng cối thích nhận thư em.

Mỗi ngày một lá thư, ít nhất một tháng một lần, nhớ nhé.

Giờ nầy đêm đen đang xuống chậm

Anh trở về phòng trại sau khi đi mua kẹo.

Đếm nhịp bước, một hai ba mà nói: biếu em cuộc đời của anh

biếu em dòng máu nóng của tình yêu.

Còn đây đêm dài và tim anh.

Mà đêm thì đêm dịu dàng như mái tóc hung vàng

Lou em này, hôm nay bầu trời trong sạch như biển nước sóng êm

Tim anh vẫn theo gót chân em đến tận cuối trời.

Từ giả giờ em lên đường, giờ ấy như giờ chung mệnh, đóng nắp hòm.

Nhưng thôi, anh phải trở về; chín giờ kém mười lăm rồi.

Đếm bước chân đi, một hai ba. Từ thành phố Nime gởi em lời từ biệt, cũng là lời từ biệt từ quận Gard miền Nam nước Pháp.

Theo tôi bài thơ không có gì đặc sắc. Tác giả dùng vài chữ bạo như “l’heure est venue”, nghĩa bóng là giờ chết lìa đời, giờ phán quyết cuối cùng, giờ định mệnh tuy mở đầu ông viết tình yêu không bị khống chế bởi số phận.

Bài thơ phân đoạn thành những nhóm ba câu; mẫu tự của ba chữ đầu câu chung lại thành LOU, tức là Louise de Coligny Chatillon

Thể loại nầy gọi acrotiche.

Văn đàn Pháp và thế giới “adieu” Guillaume Apollinaire ngày 9 Nov 1918 ở tuổi 39.

 

No comments:

Post a Comment