Đường Trần Thúc Nhẫn Bến Ngự Xưa
Tôn Thất Tuệ
Tôi chỉ lẻo đẻo theo sau thiên hạ, “đánh hôi, đánh ké
mà không đánh lén”. Mọi đề tài đều do người khác gợi lên. Tuy nhiên tôi vẫn có
những câu hỏi vô duyên, ví như bên Hữu Ngạn có mấy cái công viên tam giác? Bạn
có nhớ trong sân Từ Đàm ngay trước giảng đường có cây me, hai đứa con nít lớp
ba ôm không giáp vòng, phải kêu thêm một đứa nữa.
Lủi thủi trở về Bến Ngự sau mấy năm lưu lạc, tôi nào
biết, nào cần biết, tên đường nhưng nạp đơn thi vô đệ thất, phải ghi chỗ nầy.
Tôi ở ngay cạnh Vườn Bông, một cái tam giác nói trên, hỏi các anh lớn con cậu
trưởng tộc thì được dạy là “số 8 đường Van Vollenhoven”. Vô được rồi thì ông
giám học Thân Trọng Hy là cậu của tui lúc xưa nhà liên ranh; cậu bảo sửa lại là
đường Phan Bội Châu.
Ôi những nẻo đường, những dòng đời, những dòng lịch sử.
Mấy ông anh của tôi khá ấm ớ. Về sau tôi xem lại tên xưa, Van Vollenhoven chỉ
là khúc đường mép hông trường Quốc Học từ đường Lê Lợi đến ngã ba Ngô Quyền.
Khúc nầy ngoài cổng nách học sinh ra vào, bên kia chỉ có hai biệt thự hạng vừa
mở ra đường. Tiếp đến có một cổng khác của sở công chánh, lục lộ. Cổng nầy bắt
đầu một con đường chạy qua cầu lên dốc Bến Ngự mãi đến Đàn Nam Giao. Bản đồ xưa
gọi là Rue de Phủ Cam. Bây giờ nghe nói hơi lạ vì Phủ Cam chính là khu TCG đặt
trên đồi Phước Quả; từ ngã ba gần chùa Linh Quang có đường lên Nỗng qua Phủ
Cam. Đường nầy sau 1954 đã bị chận vì nó đạp qua lưng con rồng đang bao quanh
gìn giữ nghĩa trang gia đình của Ngô Tổng Thống và nhà thờ chánh tòa Phủ Cam.
Sau khi vua Bảo Đại thành lập Quốc Gia VN 1949, Huế có
tên đường VN và Phan Bội Châu thay cho Van Vollenhoven và rue de Phủ Cam. Tính
từ ngoài sông vô, hai ngôi biệt thự là số 2 và số 4, đến sở lục lộ là số 6, qua
đường Khải Định là đến chỗ tui ở là số 8, tính đúng không sai một ly.
Sáng nay, tôi mất định hướng từ chỗ muốn nói đến Trần
Thúc Nhẫn chạy qua Phan Bội Châu. Những con đường tạo nên Bến Ngự xưa đều có nét
riêng, như San Francisco có nét riêng, có identity riêng. Rộng ra, BN gồm những
con đường như Dốc BN, hai bờ sông Phan Đình Phùng và Phan Chu Trinh, Khải Định;
nhưng chính yếu là PBC và Trần Thúc Nhẫn. Dĩ nhiên không quên Chợ Bến Ngự.
Nói cho “le”, TTN và PBC gặp nhau làm thành một trụ
xoay (tiếng Anh: hub) cho dân sinh BN, vì nằm ngay bên ngoài chợ BN. Khởi đầu
là hai đường thẳng vuông góc với Lê Lợi, đường PBC đã bẻ góc từ Ngô Quyền để gặp
TTN; hai đường song song sẽ gặp nhau ở vô cực.
Quanh cái trục ấy là dãy phố bên PBC ngó qua dãy phố của
TTN. Quốc Học đi vô, bên trái, dãy phố PBC bắt đầu từ kiệt 1 có chỗ xe buýt đậu
gồm có: xe đạp bác Xoáy, nhà bác Hanh bố
anh Ủy trước kia là buvette Ngạc, tiệm vàng bác Hồi, xe đạp bác Hòa và tiệm guốc
bác Cặn; rồi đến đình gạo của chợ BN. Nhà bác Xoáy là lầu gỗ xưa rất đặc biệt
mà người cháu nội đã viết khá nhiều. Nhưng cái nhà lầu oai vệ bằng xi măng bê
tông cốt sắt là của bác Soạn thuốc cẩm lệ. Hai nhà lầu nầy lại ngồi ‘’su gia”,
anh Tập con bác Xoáy làm chồng con gái bác Soạn.
Tiệm thuốc cẩm lệ nầy mở đầu TTN với một dãy phố. Dãy
nầy về sau chỉnh trang vừa là khu gia cư vừa là khu thương mại. Trội yếu nhất
là tiệm vàng của chị Bé, xuất hiện khi bác Hồi đang giữ uy thế thị trường. Về
sau bác Hồi đã bán địa điểm nầy cho bác Chúc mở trạm thuốc tây (dépôt de
pharmacie). Cuối dãy nhà trệt nầy là ông Mầu thợ giày, người Phủ Cam, người đạo
mạo như một nhà tu che dấu một mối tình vụng trộm, trẻ già.
Tôi không thể quên sự hiện diện mơ hồ của cái “strip
mall” nầy. Khi về BN sau chiến tranh, tôi đã đứng từng giờ trước một tiệm kẹo
bánh với những thùng bánh kẹo làm bằng thùng dầu hỏa có mặt kính, tôi nhớ có hiệu
kẹo con én và kẹo Nougat. Đứng hằng giờ ước mong thành con của bà chủ bán kẹo,
mở đầu định mệnh thèm chất ngọt, thèm cục đường đen trong những năm tháng trong
rừng.
Ngay tại cái “hub” nầy, khi tôi rời Huế vô Nam 1962, vẫn
còn một ngôi nhà sập, nghe nói từ thời Pháp là một hotel. Trước chiến tranh, chừng
sáu tuổi tôi có lên trên lầu nầy và lần đầu tiên thấy máy hát dĩa quay tay.
Nhưng lần lên lầu ý nghĩa nhất của tôi là lên lầu gỗ nhà bác Xoáy để chờ hai
anh tôi đánh trống trong đám rước Phan Bội Châu từ trên dốc xuống. Tôi đủ thông
minh mà biết bức ảnh trên kiệu là ảnh HCM tuy không biết hình ảnh của PBC. Hotel
nầy đã cháy sập khi vỡ mặt trận 1945.
Về đường TTN tiếp đến tôi chỉ sẽ nói đến người vì thiết
nghĩ rằng một bài mô tả đơn sơ về một khu vực có ghi bà già mù ngồi xin tiền
góc đường vẫn sống động hơn bài tường trình kiến trúc, mái cong mái thẳng, lưỡng
long chầu nguyệt v.v… Tiếp theo tiệm giày ông Mầu là một khu vườn với một ngôi
nhà khá kiểu cách như villa. Đó là nhà ông ngoại của anh Đường, anh Bản, chị
Hà…Bạch Liên tức là nhạc phụ của ông Tôn Thất Tùng, quản đốc công trường (chef
de chantier), người có nhiều nhà cho thuê.
Đối diện nhà ông ngoại là sáu căn nhà cho thuê của ông
Tùng xây theo ba cặp, vì vậy căn nào cũng có lối vô ra từ phía bếp. Hy vọng cặp
nhà phía giữa là nơi anh Phạm Bá Hiền thuê tạm cho chị nhà ở khi anh đi Mỹ tu
nghiệp quân sự. Nói vậy, tôi nhớ hai căn nầy một thời chỉ là nơi ở của học sinh
các nơi, chứ không phải là các gia đình như bốn căn hai bên, có tính cách lâu dài.
Nếu hotel sập không tính thì căn nhà đầu tiên là của
Nguyễn Mạnh Diệu sống chung với bố là ông Nghè Huy; một trong hai em trai Diệu
là Cường; Khuê chị cả cả của Diệu cũng ở chỗ nầy với bố. Nhưng quan trọng với
tôi là Thắm thay vì ở vùng chùa Tường Vân về BN sống với bác ruột là ông Nghè
Huy để đi học cho gần.
‘’Time out” xin nghỉ 30 giây, vì nghẹt thở, rồi ‘’second down and
ten’’ tính sau. Có noái cũng không cùng. Nhưng để tôi tìm một chi tiết vu vơ
trong tâm cảm. Tôi lặng lẽ rời Huế như đi xa tìm chức phận (tế mịch công hầu),
nàng biết giờ tàu rời bến. Cho nên tôi đứng ở cửa toa, hy vọng khi tàu ngang
qua dốc Bến Ngự có nàng đứng dưới đường chào khách viễn du. Nhưng tôi chỉ thấy
phía xa kia nơi sầm uất trục xoay dân sinh đời người BN.
Nói tiếp cặp nhà phía kia, một thời người đẹp Mỹ Nhật
con thầy Trần Trọng Sang, kín cổng cao tường, ong bướm đi về mặt ai; nhưng
chúng tôi qua lại kéo đôi guốc gỗ mòn như dao cạo râu. Căn bìa cuối một thời
làm chỗ ở cho thầy Hồ Văn Lê, hiệu trưởng tương lai trường Hàm Nghi.
Theo ký ức của Nguyễn Mạnh Diệu, Như Ngoạn một thời
trú tại căn bìa nầy. Như Ngân và Như Ngoạn là hai người trong hình của Life
đang dạo phố Saigon.
Đi tiếp là một khu vườn có nhà lầu kiểu xưa to hơn
nhưng không kiên cố như nhà đúc của Mụ Soạn. Chủ nhà là ông bà Viên Lang, hy vọng
viên là chức vụ, bác Viên Lang là anh ruột bác Trần Duy Hồi có tiệm vàng nói
trên. Con trai của nhà nầy là Nô Ba, thuộc loại con cưng nhỏng nhẻo với bác gái.
Hai bác là người duy nhất chào chị tôi quần rách áo xơ, hai bác không có thương
vụ gì nhưng khác với những người cùng thời vinh hiển với cha tôi, hai bác chào
hỏi chị tôi rất ân cần.
Xưa lắm tôi có lên lầu nầy, nó mở rộng tầm mắt, nhìn
qua bên kia té ra đã là vườn bông bên Phan Bội Châu và từ đường bên ngoại sau
tôi về tá túc ở đó. BN nhỏ như lòng bàn tay.
Tới nữa cũng là cái vườn nhưng nhà gạch bên trong
không xây theo kiểu villa. Phía sau là đầm lầy khi mưa, giáp ranh với nhà tôi.
Nghe nói trước 1945 chị Mẫu Đơn ở đây và theo kháng chiến không trở về làm thầy
Hồ Văn Tùng thất tình, bị trầm mặc, không nói cười với ai nên thiên hạ ác độc gọi
là Tùng điên, thầy Tùng em thầy Lê nói trên dạy vạn vật thời 1952. Nhưng thời của
tôi chỗ nầy Cô Chín ở cùng đứa con trai với ông Viễn Đệ, đẹp như hoàng tử; cô
Chín người Quảng Nam ly dị ông Viễn Đệ.
Cứ tiếp mà tới có lẽ có một khu vườn nữa thì tới nhà
bà Thị Đài ở góc đường với Khải Định. Đấy là ngôi nhà khá to, nền cao, lối vào
chia đôi tam cấp hai bên. Khi tôi thấy thì ngôi nhà có mặt trước rất cao nhưng
trong lợp tranh. Khổ thật, chiến tranh Việt Pháp làm cho BN thiệt hai nhiều
nhất trong những khu vực chạy theo sông Lợi Nông đánh dấu bởi những cây cầu sập,
Ga, Nam Giao, Phủ Cam, Kho Rèn và An Cựu.
Ngôi nhà nầy cháy, hư chung số phân với cái Hotel gần
chợ nói trên. Ngay sau nhà lầu Bác Soạn ra đến cầu góc đường Phan Bội Châu và bờ
sông Phan Đình Phùng đến chỗ về sau là Trường Mỹ Thuật cũng cháy sập. Về phía
vườn bông thì có nhà ông ngoại tôi ra tro, hư khá nhiều là nhà ông tây Marbeuf
và nhà ông Thị Ngộ, thân sinh của anh Thiệu cao, trưởng ty ngân khố Vũng Tàu.
Bác Ngộ gái là em của ông TT Bằng, nhà thầu giàu, làm chủ rất nhiều villa cho
thuê.
Chỗ lợp tranh nhà bà Thị Đài chia làm hai. Một nửa cho
thầy Dõng thuê, một nửa cho Cô Thông Xấu thuê. Cô Thông Xấu vì đẹp quá mà có
tên nầy sợ ôn mệ bắt là chị em chú bác ruột với mẹ tôi, vai em, là mẹ của người
đẹp Trần Thị Xuân Lan, chú bác ruột với Lục Hà tức là ca sĩ Hà Thanh. Thầy Dõng
hình như thư ký sở lục lộ, không thuê nữa, dọn nhà về dãy phố ngó qua Chợ An Cựu
trên đường cái chính. Dì tôi thuê luôn vì cần chỗ ở cho ba con và một gia sư
(précepteur).
Ngôi nhà nầy có phần nhà phụ (dépendant) còn mái ngoái
cho gia đình bác Quy thuê, có lối ra Khải Định. Đây là gia đình Roman Catholic
duy nhất trong vùng. Con gái trưởng của hai bác là cô Thung, hoạt động mạnh
trong Đạo Quân Đức Mẹ Phủ Cam, đã hớp hồn một người bạn của tôi. Sau Thung là
anh Thăng, rồi đến cô Thiện và út là câu Tiến. Cô Thiện là bồ của tui đó nếu
Thu Vân Nhã Ca nói đúng.
Khi dì Thông của tôi dọn qua nhà mới xây gần Vườn
Bông, và khi bác Quy dọn lên Kim Long, tôi mới biết chủ nhà là bà Thị Đài mẹ của
cô Chi và người em trai tên Xe.
Từ nhà góc đường nầy tôi sẽ băng qua Khải Định đi thêm
một bloc nữa là hết. Góc đường cùng bên chỉ là hai bức tường gặp nhau, hai bức
tường của Travaux Publics kéo qua số 6 Phan Bội Châu. Nhưng có một cổng ra vào
nhiều sinh hoạt nhân sinh, nhiều nét người hơn phía công sở của ty lục lộ nầy.
Tôi muốn nói bên trong có một số chỗ ở cho gia đình nhân viên.
Một trong những người nầy là thân sinh của Trần thị
Thu Vân (nữ văn sĩ tương lai tên Nhã Ca). Ông cụ có nhà dốc Nam Giao chân đồi Bảo
Quốc. Thật tình tôi không biết ngoài Thu Vân có ai về đấy hay không, tôi không
thấy anh Lễ con trưởng.
Thu Vân qua chơi với Thiện và lắm lúc chúng tôi ù mọi
hay trốn tìm. Không hiểu vì lý do gì, một lần Thu Vân tuyên bố: “con Thiện là của
thằng Tuệ đó”. Thiện ơi, có thiệt không noái cho tau sướng cái lỗ tai. Tôi có gặp
lại Thiện một lần ở Kim Long trước khi đi Saigon. 1988, Thu Vân nói với tôi ở Mỹ
rằng rằng Thiện đã chết ở tuổi 43, tính ra giữa thập niên 1980.
Thúy đã đi rồi, Thiện đã chết rồi. Hết lục lộ là bờ
hông của dinh ông sáu hai sao (thiếu tướng Tây) về sau là dinh tỉnh trưởng Thừa
Thiên. Bờ đường bên kia cũng chỉ là vách tường của Võ Phòng Phủ Thủ Hiến sau là
trường Văn Khoa. Nhưng hình bóng nhân thể duy nhất chỗ lạnh lùng đó là ông bếp
nấu ăn cho ông sáu hai sao. Như lái một chiếc Mercedes, từ cửa hẹp sau, ông bếp
cởi chiếc xe đạp Alcyon Saint Étien, phanh đủa, chiếc xe mà mấy ông nhà giàu đi
về chùi sạch treo lên ở phòng khách để khỏi nặng lốp xe; ông đi chợ Bến Ngự mỗi
ngày trên đường TTN. Bếp nhà quan cũng lây máu trịnh trọng của chủ, trông rất
quan (statesmanship).
Lui lại phía chợ nhé, nói về phía phải từ sông Hương
đi vô. Sau võ phòng là một ngôi nhà kiểu mới tạm gọi là biệt thự mấy ông Mỹ làm
cho viện đại học thuê. Tôi biết ông Vogel lấy tên Việt là Vọng, nói tiếng Việt
kha khá làm trong tòa viện trưởng mà không đi dạy. Tôi có cảm tưởng ông đại diện
cha Jacques Emanuel ở Chicago, một linh mục nhiều quyền lực trong việc đưa người
qua Mỹ học để trở thành nhân sĩ chrétien.
Lui ngay từ đó là một biệt thự cũ góc Khải Định. Có bản
hiệu rất lớn: Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Chỉ có một lần tôi thấy nơi nầy sống
động. Nhiều biểu ngữ, những thứ cổ động cho ứng cử viên quốc hội Hoàng Trọng Bá
và về sau ông nầy đã lặng lẽ rời cõi đời từ tòa nhà quốc hội, có người nói đi
mò tôm. Hồi đó chủ tịch PTCMQG Thừa Thiên là ông Nguyễn Hoài cựu tổng giám thị
Khải Định. Chia nhau ngã tư là PTCMQG, sở lục lộ, nhà bà Thị Đài và một ngôi
nhà không làm tôi chú ý, có lẽ không có giai nhân nào. Cách vài nhà trên Khải Định
có Túy và Liên hai cô tây lai con ông Mouton lúc nhỏ sống ở gần Chùa Thiên Minh,
có quen nhau. Dĩ nhiên nó bị lu mờ vì liên ranh là nhà của Kim Nhơn, Kim Phú và
Kim Liên. Về kiến trúc tôi thường ngắm ngôi nhà rất đẹp nhưng trách không có ống
khói lò sưởi như các nhà khác ở Hàng Đoát v.v…nhìn vô ống khói thì đã thấy ấm
người. Nhiều người chỉ vào đấy mà nói của cha tôi. Ấy, cha tôi e bán nuôi bồ
nhí chứ gì; mà đôi ba nhà nữa cũng bị chỉ là của cha tôi nên tôi hiểu có lẽ cha
tôi đứng ra xây cất.
Kim Nhơn có lẽ vào tuổi của Minh Đức Hoài Trinh. Kim
Phú sexy nhất, có nghĩa nẩy nở đây đủ e chừng lớn hơn Xuân Lan ba bốn tuổi. Trẻ
nhất là Kim Liên, ngang ngang Phùng Thăng. Hình như gia đình nầy cũng hoàng
phái. Nghe nói bà con gần với Minh Đa, cách nhau đường kiệt rất nhỏ vừa cho xe
đạp đi qua. Minh Đa thì vàng hơn nghệ, hoàng gia thứ thiệt, được Bà Từ Cung chọn
lên lưng voi đóng vai Bà Trưng. Anh của Minh Đa là Bửu Phương từ Lycée français
Đà Nẵng qua đệ nhị C Quốc Học. Hai ngôi nhà nầy hình như có tên như cấy gì viên kiểu Lạc Tịnh Viên của Bửu Tôn. Đã lắm giai nhân mà còn thêm Kim Thành từ Đà Nẵng
ra trọ tại nhà Minh Đa học cho hết đệ nhị cấp. Kim Thành có khiếu sân khấu
trình diễn văn nghệ cho trường.
Kiệt nhỏ xíu giữa Minh Đa và Kim Phú từ TTN nối qua bờ
sông Phan Đình Phùng; hồi nhỏ tôi đôi lần nghe nói là kiệt bà mụ.
Ngay sau lưng nhà Bửu Phương kề lưng nhau là nhà của kỹ
sư hầm mõ Âu Ngọc Hồ ngó ra sông. Cô em Âu Thị Thúy Toan cũng ở đấy. Giống như
trường hợp Bửu Phương, nhà Kim Phú nối lưng với nhà ông Nguyễn Hoài cũng ngó ra
sông. Nhưng khác với nhà ông Hồ, nhà nầy gồm ba hay bốn gian như một trường học
như kiểu một nhà thương. Tôi đến đấy rất nhiều lần, ở lại học thi nhưng không
bao giờ hỏi về ngôi nhà nầy. Nếu đúng đó là nhà hộ sinh thì mẹ tôi sinh em gái tôi
ở đó nhiễm trùng và chết, vì nghe nói mẹ tôi không sinh ở nhà thương mà ở một
nhà hộ sinh trong vùng BN.
Bên phía bờ sông, tiếp theo nhà Thúy Toan, dinh thự Viễn
Đệ chạy đến TTN mà không bị chia đôi như nhà Bửu Phương và kỹ sư Hồ. Nó đưa
lưng ra Trần Thúc Nhẫn, trước mặt nhà người vợ cũ của chủ nhân.
Hết bức tường nầy, chúng tôi trở lại nhà ông ngoại của
anh Đường, của chị Hà, rồi đến tiệm giày ông Mầu, rồi đến tiệm vàng chị Bé, rồi
đến cẩm lệ Mụ Soạn. Quên nói trong dãy nhà nầy có nhà ông bà Duấn, bố mẹ của
người đẹp Bạch Yến, hiền thê của BS Lê Tập.
Quanh cái vòng xoay nầy, quanh cái hub nầy tôi không biết
để Xuân vào đâu trên bản đồ BN. Xuân, em gái Paul, Bôn, xưa ở bên giếng Long
Tuyền của Bảo Quốc, khi Bôn và tôi giữa năm cùng ngày vô lớp vỡ lòng của thầy
Liên khi trường Nam Giao còn mượn phòng học của Bảo Quốc năm 1947.
Quanh cái hub nầy còn có câu chuyện Lung Dinh, con dại
có cháu ngoại nuôi chơi, còn có người đời và đời người …. Nói sao ngạ, đứt ruột
vì nhớ thương, người ơi!
No comments:
Post a Comment