Sa mạc Sahara |
Đường Hàng Đoát Huế Xưa
Tôn Thất Tuệ * Georgia Oct
3, 2022
Thiết nghĩ “đoát” là do tiếng Pháp “datte”. Datte là
trái chà là, rất ngọt (khác với date, một t, ngày tháng năm). Cây chà là là
dattier, thuộc gia đình palm, họ dừa. Hàng Đoát, Hàng Me, Hàng Muối khác với
Hàng Đường, Hàng Bè; một bên là dãy cây, một bên là vật phẩm thương mãi. (Có
hàng long não trên đường Nguyễn Trường Tộ từ Đồng Khánh và Quốc Học đến cầu Phủ
Cam, không được gọi hàng long não). Ở Huế, theo tôi, có hai chỗ trồng đoát, thứ
nhất là Hàng Đoát sẽ nói sau. Thứ hai là đường nhỏ bên hông BV Trung Ương (đường
Hai Bà Trưng) cùng công viên liên ranh chạy đến đường Lê Thánh Tông (nay đường
Hà Nội) trùm qua chỗ ở của Cha Luận Viện Trưởng đại học. Có một hồi ký
mang tên Đường Đoát để chỉ khu vực nầy, tuy nhiên Đường Đoát không có trong
ngôn ngữ hằng ngày bên cạnh năm “Hàng” vừa nêu. Chỉ có đường Hàng Đoát mang tên
Đống Đa qua hai chế độ chính trị trước và sau 1975.
Bây giờ, đường Đống Đa chạy tiếp băng qua Đồng An Cựu
nhập với Hùng Vương thành ngã sáu. Hàng đoát xưa không còn một dấu tích nho nhỏ nào.
Đống Đa với cái tên “bạn lòng thân mến” Hàng
Đoát rất ngắn và chỉ một bên có cửa ngõ mở ra. Nói là thơ mộng thì không đúng nhưng
khúc đường rất thanh thoát, thẳng thớm, cao thượng như những cây palm cô đơn trong nắng nóng bên cạnh
những ốc đảo sa mạc Sahara, Bắc Phi.
Cho lãng mạn một chút, khách lữ hành cô đơn sau khi rời
Bến Ngự vào đường xưa tên Khải Định, mới là Nguyễn Huệ, hướng về An Cựu. Sau
khi qua Nguyễn Trường Tộ, cặp theo Tiểu Khu Quân Sự Huế (trường Bá Công thời
Pháp) chàng sẽ gặp một ngã năm biến thể từ ngã tư. Ngã tư với hai đường gần như
thẳng góc là Nguyễn Huệ và Hàng Muối (Hai Bà Trưng). Góc trước mặt bên trái, hướng
về Chaffenjon, bị chia bởi một đường phân giác tên Hàng Đoát; từ đó có ngã năm.
Khúc đường nầy chấm dứt ở đường Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ và
Hàng Đoát tạo nên một khu gia cư tam giác, ngó qua Nhà Đèn bên kia đường Nguyễn
Huệ.
Trên khu gia cư nầy, tôi chỉ biết có một biệt thự lầu,
ngay ngã năm nầy, có hai cổng mở ra hai đường Hàng Đoát và Nguyễn Huệ. Số là từ
Bến Ngự đi học Nguyễn Tri Phương gần nhất là theo Ngô Quyền đến Ngã Sáu
Chaffenjon nhưng qua nhà xác sợ quá, lại có lần thấy người treo cổ bên nhà
thương lao của các bà xơ. Cho nên mấy đứa con nít rủ nhau đi đường Hàng Đoát bọc
theo Lý Thường Kiệt cũng đến Chaffenjon vậy, rồi đi tiếp. Đó là dịp tôi biết đường
Hàng Đoát. Ngôi biệt thự nầy có bản hiệu: Nhà Sách An Phong. Bẵng đi vài năm
thì thấy biệt thự nầy là chỗ đậu xe buýt Renault xanh mà ở cánh cửa có ba chữ
HĐT, tìm hiểu là Hoàng Đồng Tịnh, chỉ biết tên thôi. Đến khi có viện đại học
thì biệt thự thành chỗ ở của bà Tăng Thị Thành Trai khoa trưởng trường luật và
chồng là giáo sư Lê Thanh Minh Châu (phó viện trưởng?).
Nếu trí nhớ tôi còn tươi, thì Hàng Đoát chỉ có một cổng
nhà mở ra như trình bày trên. Phần còn lại cả hai bên đều là hông vườn của các
biệt thự. Nói về phía đối diện với nhà sách An Phong. Nối tiếp một khúc bờ ruộng
là hai hông vườn của hai biệt thự mở cổng ra Lý Thường Kiệt, đầu kia ra Hàng Muối.
Cả hai đều thuộc về ông Tôn Thất Bằng, nhà thầu nầy nổi danh với hằng loạt biệt
thự kiểu Pháp cho giới thượng lưu thuê, từ Pháp qua Mỹ. Nhà phía Lý Thường Kiệt
ông cho cô con gái Tôn Nữ Tiệp Dư; chị Dư lại cho thuê, chị ở cùng cô con gái
Phương Lan trong một ngôi nhà biệt lập chung khu vườn với nhà chính của ông Bằng
ở gần Ngã Năm nầy. Chồng chị Dư (hình như tên Kỷ) đã theo kháng chiến 1945,
không trở về, ra đi khi Phương Lan còn trong bụng mẹ. Không rõ sau 75, bố Phương
Lan có trở về hay không.
Ít nhất một lần một tuần, hàng cây đoát cao nhìn theo
hai mẹ con như hai chị em trong những chiếc áo dài cổ cao theo thời thượng, đi
bộ qua phố rồi trở về. Hai chị em rất mê cải lương. Thời ấy 1956, 1957 ... trên
khu đất ngoại thành gần trường Thượng Tứ, người ta lập những sân khấu dã chiến
đế hát cải lương với Thành Được, Út Trà Ôn v.v… Chị Dư thuộc lớp chị cả của
tôi, chồng chị cũng chung đơn vị vệ quốc quân với hai anh lớn của tôi. Tôi có dạy
kèm (không phải kèm nhé) Phương Lan mấy mùa hè.
Biệt thự ở mút kia to hơn, tôi còn nhớ người thuê là
trưởng phòng thông tin Mỹ USIS thay ông Hitchcock. Lúc ấy USIS có thư viện ở
Chaffenjon cũ trước khi xây chỗ mới. Chuyện tầm thường nhưng cũng nói qua nói về.
Ông Mỹ nầy đã sơn nhà màu trắng thay vì màu vàng (thổ huỳnh) đồng loạt các dinh
thự Pháp vì màu vàng mát mắt thích ứng với khí hậu bán nhiệt đới. Ông lại sơn cửa
xanh lục thay vì màu nâu. Nhà của ông Mỹ ấy bên hông kia là Hàng Muối, gợi buồn
ghê lắm nhưng không phải chỗ nói ở đây.
Trong khu vực đô thị hóa bên Hữu Ngạn, lúc nhỏ tôi
không hiểu vì sao có nhiều chỗ trống giữa các biệt thự, còn dấu ruộng. Sau nầy
mới biết những chỗ ấy để dành làm đường theo họa đồ cái (master plan). Thật vậy, những chỗ trống nầy ở một bên đường Hàng Đoát. Lý Thường Kiệt, nơi gặp Hàng
Đoát, có một chỗ để trống khá lớn. Sau Mậu Thân tôi về Huế thì chỗ nầy biến mất
mà thành con đường kéo dài thẳng nếp với Hàng Đoát mất hút trong Đồng An Cựu.
Nhiều công trình kiến trúc xuất hiện và đáng kể là chủng
viện Thiên Chúa Giáo do cha Nguyễn Văn Thuận điều khiển. Chủng viện nầy di chuyển
từ Kim Long về. Tôi khá thân với vị Hồng Y tương lai nầy khi hoạt động hướng đạo
chung. Tôi nghĩ đoạn đường mới nầy là đường Đống Đa mà không phải Hàng Đoát.
Giao điểm nầy theo Lý Thường Kiệt cũng đi lên Bưu Điện
và đi về Kho Rèn. Tôi đã gặp (thấy thì đúng hơn) “buổi chiều” đạp xe từ Kho Rèn
lên phố ở chỗ đất ruộng trống ấy. Tôi đi bộ, kẹp nách mấy cuốn sách trông rất
“phi lô dốp” bắt đầu chui vào Hàng Đoát, cúi mặt xuống đất vì trước đó chừng nửa
giờ tôi đã thấy Lan trong tiệm bánh croissant Chaffenjon sau bao năm mất biệt;
để cho cậu tú kép không còn ngó lên trời mà nhìn xuống đất để thấy những mong
manh và vô định của cuộc đời (đã trình bày trong một bài viết). Thế rồi như định
mệnh, mong manh áp dụng cho “buổi chiều” nầy. Mấy năm liền tôi đã bồng bềnh giữa
Kho Rèn, Bến Ngự, Cầu Đất và cả Saigon…
Từ Hàng Đoát, từ những cây đoát, tôi đã nhìn lại một
cách tự nhiên nhưng nhà văn Võ Hương An phán là bài thơ tình hay nhất của
tôi. Lạy Chúa tôi, thầy cựu hiệu trưởng Hàm Nghi ơi.
Huế, một buổi chiều, không nắm được tà áo của “buổi
chiều” để “buổi chiều” xuống đò qua sông. ---
Huế thập niên 1960 |
No comments:
Post a Comment