add this

Thursday, November 24, 2022

Đa Nản Trump

Donald = Đa nản

Tôn Thất Tuệ  Nov 14 2022

Một thiếu nữ đi vào dạ hội không được chú ý bèn ném cái ly vào tường gây chú ý. Khi thuyết hiện sinh bị bỏ quên nhường chỗ cho trào lưu khác, Jean Paul Sartre viết một cáo trạng chống chính phủ Pháp và chính ông trong đêm lạnh đi rải ngoài phố. Ông hy vọng bài viết sẽ gây nhiều bút chiến. Nhưng cảnh sát đã quơ cào hết đem đốt và cảnh cáo JPS về tội xả rác, chỉ lưu ý nhưng chưa phạt vạ.

Tâm trạng của cô gái và nhà văn có phần nào giống Donald Trump. Cứ chủ quan mà nói, DT sợ bị bỏ quên đồng thời bị ám ảnh bởi White House. Ông có dịp tốt để chứng minh ông là một nạn nhân, victimized, của Joe Biden trong vụ lục xét tư gia, một lối gây cảm tình hữu hiệu. Nhưng ông không làm.

Ông đã để lộ quá lố ý muốn trở lại White House, đáng lẽ ông nên bình thản nói cái gì đến sẽ đến, người nghe sẽ hiểu cái gì là tiềm năng sẽ đến. Ông đã sợ những đối thủ nhưng ông quên rằng cách đối xử đối thủ trong đảng khác với ngoài đảng. Nhưng ông đã đối xứ với thống đốc Florida như cha con ông Bush đã đối xứ với ông tuy hai bên đều ngóc đầu lên nhờ GOP (Grand Old Party).

Ông không để ý trí khôn Á Châu: bạc như dân, cho nên ông vẫn tin rằng dân chúng vẫn cùng ông mang hận thù bị cướp ghế tổng thống. Trong quá khứ rất gần, vụ gian lận ở Florida gọi là lá phiếu bươm bướm giúp Bush thế chân cha, người ta đã quên và cho Bush thêm bốn năm nữa là tám năm ngon trơ.

Vận động trên lập trường “bị cướp ghế tổng thống” chỉ giúp cho một số rất ít, rất ít ứng cử viên thành công; những vị trí quan trọng đều về tay DC. Đảng CH đã mất quá nhiều ghế dân cử. Những thất bại nầy rất chua chát.

USA Today cho rằng năm 2021, CH đã sẽ không mất đa số thượng viện nếu DT không can thiệp vào Georgia, sau khi ông đã thất cử. Tôi không nhớ rõ chi tiết, nhưng kết cuộc làm cho mục sư Warnock thắng runoff. Thành công nầy một phần vì thống đốc Kemp và phe phái đã tách khỏi đảng CH.

Trump không sai lầm khi ủng hộ ứng cử viên nhưng sai lầm vận động chủ quan về gian lận.  Có bài trách Trump nhúng tay, khác với tiền lệ cựu tổng thống rút lui hoàn toàn. Không có tiền lệ nầy; trong cuộc bầu cử nầy Obama đã công khai ủng hộ Fetterman tranh cử thượng viện Pennsylvania; 2020 cả gia đình George Bush, cha lẫn con đã vận động cho Jeff Bush, không thành công thì quay qua chống Trump kịch liệt. Obama sẽ đến Georgia tranh cử cho mục sư Warloc trong kỳ tái bầu ngày Dec 8, 2022 (runoff), đối đầu thể tháo gia Walker, CH.

Vụ thất bại midterm năm nay làm nhớ đến thất bại thảm thiết của Newt Gingrich, midterm 1998. Báo chí cho rằng Newt mới là người quyền hành chứ không phải Clinton. Ông đã lấy lại hai viện cho đảng CH trong tay DC từ 1964,  ông đã thực hiện việc đóng cửa chính phủ (shutdown). Ai cũng tin rằng Gingvich sẽ đi lên và Clinton sẽ tiêu ma. Ông đã điều khiển việc tái tranh cử và đoan chắc sẽ tạo ra làn sóng đỏ, sẽ vượt trội DC từ 6 đến 30 ghế hạ viện. Đề tài tranh cử là sự tồi bại của Clinton qua vụ tình ái lem nhem với Monica. Nhưng kết quả đã mất sáu chỗ. Gingvich phải từ chức Speaker (chủ tịch Hạ Viện) Gingvich chủ quan, dựa vào thăm dò dư luận mà không biết rằng lúc ấy nền kinh tế đang lên và công trạng nhờ Clinton, hơn nữa dân chúng xem chức vụ tổng thống là một cái “job”, không thần thánh như xưa. New York Times đã viết: hãy bỏ phiếu cho Clinton, đồng thời không cho vợ và con gái đến gần để khỏi bị bóp vú sờ mông (for not having unwanted passes).

Vụ bê bối vì gái nầy còn rõ ràng hơn lời buộc tội gian lận bầu cử. Gian lận Florida của Bush cũng rõ hơn lời cáo buộc của Trump; việc kiểm phiếu đã bê bối như mất thùng phiếu khi di chuyển. Những kết quả rõ ràng đã làm cho Tối Cao Pháp Viện ra lệnh ngưng để cho Bush trúng cử, một việc trái với hiến pháp.

Như vậy Trump đã không học bài lịch sử sờ sờ cận kề; không biết mình biết ta. Không biết Biden đã dùng cuộc điều trần 6 Jan để xóa lời ông nói: đã tổ chức hệ thống gian lận bầu cử.

Theo nguyên tắc, được đảng chấp nhận đại diện tranh cử là lãnh tụ của đảng; ủy ban thường vụ chỉ như nha tổng thư ký. Clinton vẫn điều khiến đảng DC và ủy nhiệm Mc Aucliff trông coi nhà nầy. Cái nha nầy của CH hoạt động độc lập, báo trước sẽ không cho Trump tiền trả luật sư và án phí.

Obama điều khiển trong bóng tối. Do đó DC im lìm nhưng hoạt động nhịp nhàng. Lãnh tụ Đa Nãn Trump, một mặt không tạo được cho mình một huyền thoại như Obama giải phóng dân da đen, một mặt không làm cho đảng CH có bộ dạng hiền hòa.

Lauren Boebert

Người em gái hậu phương Boebert, nữ dân biểu Colorado, chủ tiệm ăn mà tiếp viên đeo súng, cô cũng đeo súng khi vào tòa nhà quốc hội. Đảng CH đã chứng tỏ hậu thuẫn mạnh mẽ giới buôn bán súng đạn, quảng cáo súng liên thanh (assault weapon) trong khi hầu như cứ hai tuần có một vụ bắn chết nhiều người (mass shooting). Trong khi Putin tuyên bố đánh Ukraine là để trị bọn homosexual thì CH sống chết với chuyện nầy để vừa lòng tôn giáo lạc hậu. Ukraine không phải là một vấn đề trọng đại như Afghanistan hay VN. Dư luận Mỹ thừa biết Ukraine là nạn nhân, nếu họ không quyết liệt chủ trương gởi súng đạn, họ vẫn giữ thương cảm cho dân tộc nầy, họ biết lạm phát do Nga mà ra. CH đã mắc mớp DC khi Biden nói nếu CH đa số quốc hội thì CH sẽ không viện trợ. Sướng miệng, nữ dân biểu Georgia là Majorie Taylor Green (và nhiều người khác nữa) còn to tiếng hơn Biden. Đa ngôn đa quá.

Al Gore không rút bài học Newt Gingvich dùng vụ Monica làm đề tài. Tuy nhiên Al Gore chỉ khai thác gián tiếp với khẩu hiệu “giá trị gia đình”, ông cho rằng cả nước Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ai ghét Clinton; Al đã xa lánh Bill tuy dư luận cho rằng nếu được phép, Bill có thể đi thêm 4 năm.

Thành bại là chuyện khá thường, sai con toán bán con trâu. Nixon đã thất bại thê thảm, sau lần thua Kennedy, ông còn thua trong cuộc tranh chức thống đốc California. Nhưng ông đã gượng được và trở thành tổng thống, thuộc hàng đầu trong lịch sự HK, tuy thương ghét không thiếu chi.

Người ta quan ngại rằng ông Đa Nãn không còn bình tĩnh để kéo màn làm lại. Ông đã tấn công De Santis rất sớm, ông lại tào lao chỉ trích thống đốc Virginia, và diễu cái tên Glen Youngkin rất Tàu. Ông đã nói quá, đã chạy vạy hậu trường cho De Santis trúng cử, là một điều bất hợp pháp, có người đang kiện.

Gà của Trump nói riêng và của CH nói chung chỉ lo chỉ trích đối thủ mà không nói gì về mình, lập trường, chính sách ra sao trước tình hình nguy khốn của cả thế giới. Doctor Oz suốt ngày chỉ có một luận điệu: đối thủ Fetterman chỉ làm một việc là cho các tội nhân tự do đi khắp Pennsylvnia qua chính sách cho probation và nếu trúng cử sẽ đưa lũ ác ôn nầy vào tòa nhà quốc hội ngồi chung với các thượng nghị sĩ. Trong lúc ấy các luật sư và các hội thiện đều biết Fetterman đi từng nhà tù cho tù nhân tiền để làm thủ tục xin probation, và giải quyết nạn nhân mãn nhà tù; trong vòng 10 năm từ 50 đến 5.000 kẻ bị giam giữ. Cử tri không biết CH muốn làm gì.

De Santis đang được khen ngợi như kẻ cứu đảng CH, nắm chắc White House. Nhiều người đã lưu ý rằng cái bầu khí nóng nầy (the hype) coi chừng có thể quá nóng.

Trước tiên, DC vẫn xem DT là một đối thủ lợi hại của Joe Biden, tìm cách nâng De Santis để bêu xấu Trump.

Cái Hype ở Florida nầy làm người ta nghĩ đến trường hợp hơi giống. Người con trưởng của phó tổng thống thứ 23 Stevenson Sr được bầu làm thống đốc Illinois 1948 với số phiếu đè bẹp đối phương. Stevenson Jr đã làm rất nhiều việc cho tiếu bang, bài trừ cờ bạc buôn lậu, mafia … Ông có tài hùng biện. Ông cũng sáng rực (flamboyant) như De Santis. Ông không tham vọng làm tổng thống nhưng thiên hạ cứ đốc thúc, thổi phồng; mà đại hộị DC 1952 tổ chức tại Chicago tỉnh nhà, ông được đề cử ứng viên TT một cách bất bình thường. Stevenson thua Eisenhower long trời lở đất, kỳ sau 1956 cũng không khác. Stevenson chết vì đột quy giữa thành phố London khi làm đại sứ Mỹ tại vương quốc nầy.

Thêm một trường hợp sáng chói là Jeff Bush, cựu thống dốc Florida đã phải rời primary 2020 tuy có sự hậu thuẩn của đế quốc “Bush”.

De Santis điềm đạm, công nhận số phiếu Florida dành cho ông ít hơn số phiếu dành cho Trump. Ông biết ở đời nương nhau mà sống, khi thế nầy khi thế kia.

Để giúp vui, hiện nay các tổ chức đánh cá đều cho De Santis có tỷ số cơ hội cao nhất để - được CH chỉ định và để được bầu làm tổng thống, đứng trên Trump và Biden.

Quan sát viên cũng nên cẩn thận; chỉ giới hạn trong primary mà nói, khó đoán trước ai ăn ai.  Có bài báo nói rằng MAGA (make America great again) là một tôn giáo, “a cult” như một số người đã vũ trang đi biểu tình ủng hộ Trump, như chúng tôi đã mang gậy đùi dao găm đi biểu tình ủng hộ Ngô Tổng Thống và hát nhạc Gô Ganh: VC tới làng gậy đùi lựu đạn súng trường giết đi. Những bê bối trong tổ chức không một sớm một chiều làm cho các tôn giáo sụp đổ.

Cái “hype Florida” có thể xem như phong trào mà Hồ Chí Minh khuyên đảng phải coi chừng, nó như lửa nhưng mau nguội, không chỗ dựa; HCM không kịp cản Nam Kỳ khởi nghĩa khi chưa tổ chức xong hệ thống nằm vùng. Hệ thống nằm vùng theo ngôn ngữ Mỹ gần như grass roots, những chi bộ địa phương, từ quận hạt đến tiểu bang. Mạng lưới ‘grass root’ cùng tinh thần “cult” có thể giúp Trump cởi voi đấu với lừa.

Tuy từ khi lọt lòng mẹ là một người thành phố, Trump được giới nông thôn cảm tình và được chính quyền các tiểu bang ưa thích. Trong khuynh hướng chung của CH, Trump muốn các tiểu bang có nhiều quyền hạng, ví dụ các ông bà tòa tối cao do Trump chỉ định không để cho liên bang quyết định chuyện phá thai mà đưa cho các tiểu bang đảm trách gần với ý kiến địa phương. Các tiểu bang cùng Trump cho rằng các thị xã, các city, không phải là những thực thể Hiến Pháp quy định, các city đã lấn quyền của tiểu bang, nhất là trong việc phân vùng (zoning); các city không có quyền cấm dùng shopping bags, tui nylon đựng hàng. Nếu tiểu bang có nhiều quyền thì họ có thể chi tiêu theo ý muốn những trợ cấp trung ương.

Những bất đồng tương tranh nội bộ không thể tránh. Nhưng có lẽ không ô dề như bà Harris nói đã bị Biden thọt ngón tay vào cửa mình, rồi cũng đi với nhau (he finger-penetrated me).

Sau cửa ải primary là chuyện khác.

Hy vọng, Biden sẽ thành ứng cử viên DC. Ông không được tươi trẻ mới mẻ như thống đốc Florida. Nhưng với nhịp độ bỏ phiếu trong kỳ midterm nầy, Biden có thể giữ nguyên chức vụ cũ.

Nếu là Trump, thì cũng đừng đoan chắc Trump về nhất. Biden đã thắng Trump một lần thì ông có thể thắng lần thứ hai; dù đã thắng trung thực thì sẽ thắng trung thực, dù đã thắng gian lận thì sẽ thắng gian lận luôn, vì các máy kiểm phiếu Dominion vẫn còn dùng, người ngợm vẫn còn, mà lần nầy kinh nghiệm hơn.

Wednesday, November 23, 2022

It's America

 

Colorado Spring, Colorado, gay bar
It’s America 

Tôn Thất Tuệ

Colorado, Spanish là màu đỏ, đã trở xanh hơn (Dân Chủ mạnh) nhưng tối thứ bảy Nov 19 máu đỏ đầy câu lạc bộ đồng tính (gay club) khi một thanh niên 22 tuổi xả súng bắn; có thêm 16 kẻ bị thương; hung thủ bị thương, bị bắt, không rõ ai bắn tuy cảnh sát đến 5 phút sau.

Mass shooting (bắn chết nhiều người) nầy là lần thứ sáu trong tháng, đúng là 20 ngày qua, còn 9 ngày nữa mới tới tháng chạp đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Không khéo còn 1/3 số ngày sẽ có 1/3 vụ nổ súng. Còn nhớ một năm trước là vụ bắn tại một trường học ở Texas, 21 thương vong. Còn nhớ vụ bắn tại một ‘gay bar’ ở Orlando, Florida 2012 với 49 mạng người đi đong vô lối. Chính tại Colorado, trung học Columbine năm 1999 là nạn nhân vụ nố súng thê thảm, rồi đến bắn trong rạp ciné 2012 ở ngoại ô Denver, và năm 2021 bắn lớn ở một siêu thị của Boulder.

Thượng Viện đang thảo luận dự luật cho phép same sex marriage. Sẽ thông qua vì DC đa số. Nhưng không ai đoán có liên hệ với vụ bắn ngày thứ bảy nầy. Với ông thống đốc Colorado, vụ nầy còn đau hơn vì Jared Polis là người ‘gay’ công khai đầu tiên được bầu vào chức vụ nầy..

Mass shooting nầy lồng vào khung cảnh thần học đặc biệt của Mỹ. Christianity lên án homo là một tội trọng (a sin) trái với Bible. Hai lãnh tụ số một Roberton và Graham đã ủng hộ Putin đánh vào Ukraine vì Nga cho biết mục tiêu là dẹp bọn homo. Putin is on God’s side; Putin đứng về phe của God, Roberton tuyên  bố.

Khi tôi làm cu li trong một college, chuyện tôn giáo và homo cho tôi một bữa ăn trưa no đủ. Ở góc nầy một nhóm chống homo, có vài người ôm Bible chờ lên đọc, tôi không hiểu nhưng đoán là kết án homo. Họ có mời hot dog và cánh gà chiên. Ở góc kia thì trưng cao dấu hiệu cầu vồng bảy màu của phong trào homo. Tôi đến kiếm hamburger; một cô khá ôn hòa nói với tôi: Nếu Bible không nói rõ chấp nhận homo thì không có chỗ nào Jesus chống và lên án homo. Để tôi cho ông một cuốn Bible coi chơi”. Tôi nghi có hai thứ Bible bèn đem đến đọ với nhóm kia thì giống nhau. Thì ra họ chỉ khác nhau ở món ăn mời khách, hot dog versus hamburger.

Khung cảnh thần học nầy không xa cách khung cảnh chính trị. Clinton lượng định rằng một trong những yếu tố giúp ông vào White House là chủ trương tiến bộ chấp nhận homo là một lối sống mà hiến pháp cần bảo vệ. Chủ trương kiểm soát vũ khí cũng giúp ông một tay. Các công ty lớn ủng hộ ông và theo lối thực tiển để duy trì nhân viên bằng cách cho các domestic partner (nam nữ) như người phối ngẫu đầy đủ các quyền lợi của công ty.

Tiếp theo chủ trương cho phá thai do cậu út Kennedy đưa ra, chủ trương gọi là tiến bộ nầy làm cho giới bảo thủ và tôn giáo lo ngại. Bằng chứng, thủ lãnh Tối Cao Pháp Viện Rehnquist đình hoãn về hưu và ở lai đến khi chết vì ông sợ Clinton bổ nhiệm người thay thế “rất tiến bộ”. Ông hy vọng, và toại nguyện, một tổng thống CH sẽ đưa vào tòa tối cao một thẩm phán bảo thủ. George Bush đã giúp ông khi ông chết tại chức 2005.

Sự xuất hiện của Bush Jr đánh dấu khuynh hướng chống homo, tuy âm thầm, và khuynh hướng giảm thiểu sự tách biệt chính phủ và tôn giáo.

Tuần nào tôi cũng nhân email của nhiều tổ chức xin tiền để vận động phá sập bức tường nầy, tuy đó là lý tưởng của những người soạn thảo hiến pháp HK, trong khuynh hướng cách mạng tư tưởng của Pháp thế kỷ 18.

Tôn giáo ở đây không phải là muslim cũng không phải Vatican mà là American Christianity, vì Mỹ vĩnh viễn là một Christian Society. (Obama không đồng ý tính chất thường tồn nầy, ông nói xã hội Mỹ ngày một đa dạng, tiếp nhận nhiều tín ngưỡng nhất là từ Á Châu).

Đảng CH đã cộng hòa hóa Tối Cao Pháp Viện, tìm mọi cách phá đổ những định chế pháp luật, cho phép các trường cầu nguyện theo đường hướng Christian trước khi luyện tập thể thao hay các trận banh; cho phép tiểu bang tài trợ các tư thục và tổ chức văn hóa xã hội Christian, ngay cả những doanh nghiệp kê khai mục đích hổ trợ các nơi nầy.

Một khi không còn tách biệt giữa tôn giáo và chính phủ thì HK không khác gì Iran. Afghanistan lấy giáo luật Koran làm luật pháp quốc gia.

Nếu tôn giáo chống homo thì chính quyền phải diệt trừ, không cần thanh niên 22 tuổi xách súng vào ‘gay bar’ bắn lung tung. Như đã nêu trên, vụ mass shooting mới nhất nầy nằm trong khung cảnh thần học và chính trị HK hiện thời.

HK kỳ vừa can qua cuộc bầu cử Midterm, kết quả chưa có, đang còn kiểm phiếu lai rai. Nhưng thời gian vận động cho thấy homo là một đề tài chính ở nhiều tiểu bang. Ứng viên thất cử ví quá khích và bỏ qua những vấn đề sống chết khác như lạm phát, giáo dục thoái hóa, bạo động. Hiên nay Georgia chuẩn bị bầu lại, runoff, ghế thượng viện. Anh hùng football Walker đem chuyện đổi giới tính, homo làm đề tài tranh cử chống với mục sư Warloc.

Lauren Boebert chủ quan Shooter Grill
Nữ dân biểu Taylor Majorie Green, Georgia không ngừng bày tỏ hận thù với Homo trên các khung internet. Nhiều người người nói Green sẽ là speaker trong bóng tối điều khiển McCarthy seven days a week. Em gái hậu phương của Trump, nữ dân biểu tại Colorado không ngừng chống đối đồng tính luyến ái. Cô Boebert chủ quán luôn mang súng và các tiếp viên cũng phải làm vậy như phim cao bồi Viễn Tây. Boebert sau khi tái kiểm phiếu hơn đối thủ chừng vài trăm phiếu. Boebert mang súng đi họp hạ viện; hạ viện mới có một chàng “gay” trúng cử, chàng nói sẽ tránh Boebert trong tòa nhà lập pháp, hãi quá, run quá.

Không khí chính trị và thần quyền nằm dưới áp lực của súng đạn. Al Gore đã thất cử tại tiểu bang nhà Tennessee vì theo chủ trương kiểm soát vũ khí khi làm phó của Clinton. Dại quá, Gore không biết kiếm ăn như thống dốc Georgia. Georgia đặc biệt là trú sở của các đại công ty như Coca Cola, UPS và Delta Air Line. Delta chống việc quảng cáo súng trong giới trẻ. Thống đốc Kemp ra lệnh cấm mua vé Delta nếu dùng tiền của ngân sách tiểu bang. Ok Sir, I will move. Delta đã dọn nhà đi chỗ khác.

Nói chung vụ mass shooting tuần nầy không tự nhiên mà có. Mọi việc hôm nay đã bắt đầu từ hôm kia. Ông ngoại của sát thủ là một nhân viên lập pháp tiểu bang California, San Diego thuộc đảng CH, mẹ của anh cũng là một giới chức trong nhà con voi GOP.

Dựa vào cái nhìn duyên khởi, không có phân biệt giữa duyên và nhân, bối cảnh thần học, tôn giáo và chính trị chịu trách nhiệm mọi bạo hành mọi bạo đối với công đồng homo.

Bối canh nầy không nhiều thì ít vẫn có bóng dáng của white supremacy. “White soup” = white meat + súng + tôn giáo lạc hậu.

Dinosaur, loài khổng long, tuy to lớn, đã biến mất khỏi mặt đất vì chúng tàn bạo ăn thịt lẫn nhau. Văn minh Inca Nam Mỹ đã biết làm những cái tháp đúng theo thiên văn và toán học, tiến bộ y khoa, … đã tàn lụi vì quá bạo tàn. Họ dùng người để tế thần, có những nơi mới khai quật, mỗi nơi có hằng trăm bộ xương người.

Nền văn minh HK đã có nhiều dấu hiệu suy tàn như New York, nắm ruột kinh tế tài chánh của thế giới đã chuyển qua Thượng Hải, HK không có đủ thương thuyền để chuyển vận cho chiến tranh như thương thuyền đệ nhị thế chiến. Nhưng mầm mống sụp đổ từ tâm thức mới thật sự nguy hại. Nếu văn minh nầy không mất dạng như Dinosaur hay Inca thì nó cũng trở nên thứ yếu, vang bóng một thời như Spain, như Hy Lạp ngày nay.

It's America. HK là thế đó. Cựu thượng nghị sĩ Bob Dole dùng câu ấy để trả lời khi bị chê và khi bị khen trong kỳ tranh cử tổng thống với Clinton. Yes, it’s America. I am America too. I, I’m Dole like Dole Banana, Dole Pineapple in grocery stores. It’s America again. Vâng thưa ông, HK là thế đó. Mà tôi là HK đây. Tôi tên Dole, Dole như chuối Dole hay thơm Dole trong siêu thị. Một lần nữa, HK là thế ấy, thưa ông.



===================================================

Nha Trang, đường Độc Lập 1970
==================================





Tuesday, November 15, 2022

Ai cách mạng hơn ai


    Chân dung Phan Quang Sán

Ai cách mạng hơn ai?

The True Vietnamese Revolutionaries

Liam Kelley Nov 3, 2016  Tôn Thất Tuệ dịch

Lch sử VN cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 được mô tả như sau. Nhà Nguyễn đã không thể đối đầu với người Pháp. Do đó thế giới xưa cùng nền Hán học cổ điển phải tiêu diệt, nhường chỗ cho một thế giới mới của các nhà cải cách, các nhà cách mạng như Phan Bội Châu; các vị nầy đã lập Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội để quảng bá quốc ngữ.

Nhưng hãy nghĩ lại thử xem có gì không đúng hay không.

Phan Bội Châu sống trong nước một thời gian rất, rất ngắn đầu thế kỷ 20; tác phẩm của ông lúc ấy chưa được xuất bản. Cho nên hậu thế có thể tự hỏi PBC ảnh hưởng như thế nào. Thứ đến, những người thuộc thế giới cũ xưa uyên thâm Hán học và thừa kiến thức để thi vào làm nhân viên của hoàng triều, những vị nầy không biến mất. Họ là thành phần ưu tú có học, đóng những vai trò quan trọng nhưng sử không nói tới.

Sự bỏ qua nầy có lý do là lớp sĩ tử nầy tiếp tục viết Hán tự mà sử gia không thể đọc và hiểu được. Do đó những tài liệu bằng Hán tự bị bỏ quên, không ai dùng tới vì không hiểu. Theo thiển ý, lớp sĩ tử gọi là xưa nầy là những nhà cách mạng thực sự, vì họ đã làm thay đổi lối suy tư của người Việt. Trong lúc những người như Phan Bội Châu sống xa đất nước, tầng lớp “tại chỗ” nầy đã cố sức làm cho xã hội VN chuyển hóa tốt đẹp.

Một ví dụ sống động và đầy ý nghĩa là ông Phạm Quang Sán. Sinh năm 1874, PQS đậu kỳ thi hương năm 1900 và làm quan giữ nhiều trách vụ khác nhau ở nhiều địa phương Bắc Việt trong hơn 20 năm kế tiếp.

Từ những năm nguyên sơ của thế kỷ 20, PQS học được nhiều điều về Tây Phương và các kiến thức của Tây Phương. Ông muốn chia sẻ những điều vừa học cho giới có học bằng cách xuất bản một cuốn sách ngắn, giới thiệu những tư tưởng mới.

Thật vậy, năm 1908 đánh dấu lần xuất bản cuốn 幼學普通說約 Ấu học phổ thông thuyết ước (bàn về kiến thức tổng quát sơ đẳng). Mục đích của sách, PQS giải thích như sau:

今當學界一新之日,而民間講習,猶多株守舊套。蓋以我國千餘年來,漢文傳習久已,印於國民之腦中,而國語新學汗漫難通,進化之阻力,實根於此

Kim đương học giới nhất tân chi nhật, nhi dân gian giảng tập; do đa chu thủ cựu sáo. Cái dĩ ngã quốc thiên dư niên lai, Hán văn truyền tập cửu dĩ, ấn ư quốc dân chi não trung; nhi quốc ngữ tân học hãn mạn nan thông, tiến hóa chi trở lực thật căn ư thử.

[Lúc nầy vào giai đoạn mới của nền học vấn, giáo dục vẫn theo đường lối xưa cũ, vì tại nước mình hơn ngàn năm nay, Hán tự được truyền từ đời nầy qua đời nọ, đã ăn sâu vào trí não người dân. Do vậy việc quảng bá quốc ngữ không dễ thực hiện; trở ngại là ở chỗ nầy].

Nói khác, theo PQS, mặc dầu các tư tưởng mới được truyền bá bằng quốc ngữ, nhiều người vẫn không thể đọc và họ tiếp tục học Hán tự cổ điển.

Vì vậy PQS đã dịch qua Hán tự và chú giải rộng rãi cuốn sách bằng quốc ngữ nhan đề: Ấu học quốc ngữ tân thư 幼學國語新書, để cho người không biết quốc ngữ có thể đọc những tư tưởng mới.

Những tư tưởng nào? Những tư tưởng về chủ nghĩa quốc gia. Sau khi đề cập ngũ luân của Khổng Mạnh (liên hệ cha con, vua tôi, vợ chồng, anh chị em, thân hữu), tác giả viết: dòng họ và xã hội là đồng bào của chúng ta hợp quần để thương yêu đất nước.  親族社會,皆吾同胞,合群愛國 : thân tộc xã hội, giai ngộ đồng bào, hợp quần ái quốc.

Đó là chủ nghĩa quốc gia tân thời, chưa từng có trước thế kỷ 20. Từ nay, những ý tưởng mới nầy bắt đầu ăn sâu vào trí não người Việt.

Một năm sau tác phẩm của PQS, 1909, vài quan lại của triều đình đã kết tập những luận văn mang tư tưởng mới thành một cuốn sách: Ấu học Hán tự tân thư 幼學漢字新書.

Các quan lại triều Nguyễn thực tế đã thấy nhu cầu quảng bá các tư tưởng mới. Họ dùng Hán tự vì Hán tự lúc ấy là ngôn ngữ chính. Họ thấy quảng bá bằng quốc ngữ sẽ rất chậm vì hiện thời giới trí thức có học chỉ biết Hán tự.

Trong khi giới sĩ tử vẫn ở trong nước và truyền bá tinh thần quốc gia, lòng ái quốc, các nhà cách mạng như Phan Bội Châu cũng nói đến quốc gia nhưng nói ở xứ người, xa cách quần chúng.

Những người như PQS, những quan lại triều Nguyễn phổ biến chủ nghĩa quốc gia dân tộc há không phải là cách mạng hay sao? Chắc chắn họ có ảnh hưởng nhiều hơn các lý thuyết gia du thuyết khắp nơi, ngoại trừ quê hương xứ sở.

==================================================================

Nha Trang, đường Độc Lập, 1970

====================================





Saturday, November 5, 2022

đường Trần Hưng Đạo Huế Xưa


Trần Hưng Đạo Huế Xưa 

Tôn Thất Tuệ

Khai đề: tôi có gởi bài viết về đường Trần Thúc Nhẫn đến các bạn cũ QHĐK. Võ Hương An (thầy Võ Văn Dật) ra lệnh: “Ngon trớn, ôn kể tiếp đường Trần Hưng Đạo, đi từ tiệm Đồng Hiên Vạn Ích bên cạnh Thông Tin Trung Việt tới La Cảnh Lưu cho bà con nghe chơi. WD”. Tôi xem đây như một đề thi, không lẽ nạp giấy trắng mà về. Nghĩ mãi, tôi chợt nhớ một sự thay đổi trong nghề làm báo bắt đầu bởi một lời chỉ dạy của một chủ bút. Khi tường thuật, anh viết những điều thấy được biết được đã đành; nhưng anh phải nói những điều cần biết mà anh không biết. Nó không giống câu nói của Khổng Tử biết điều không biết là biết vậy.  Được, tôi sẽ viết những điều tôi không biết về con đường nầy. Hơn nữa có thế kéo dài như kẹo kéo Bắc Kỳ, hay chơi món trộn, tả pí lù, thời gian không cần mốc giới.

Thưa thầy cựu hiệu trưởng Hàm Nghi,

Tôi ở Bến Ngự nhưng thường qua Tam Tòa vô cửa Thượng Tứ đến thăm bà nội, đi bộ hay xe kéo cùng ông già. Qua cầu Trường Tiền thì quẹo trái. Sau chiến tranh 1945, ông già đã ‘đi phép’, tôi mới một mình qua cầu có ba vài tạm thay khúc đã sập, nó rung rung, chỉ có một sợi dây cáp (cable) thế thành cầu, sợ rớt xuống sông; nhưng rồi cũng đến đất liền và rẻ phải về phố lần đầu tiên. Điều kỳ thú nhất là ở cái tiệm kia có treo cuộn dây dừa làm bằng xơ dừa, có một đầu cháy từ từ. Ít lâu sau có bà bán gánh ghé lại châm điếu thuốc. Lúc ấy tôi mới biết là hàng cẩm lệ, nay vẫn không nhớ là Bà Cửu Ới hay Mụ Thôi.

Tôi không ở phố nên không biết chi về khúc đường nầy, dẫu rằng đó là mạch sống kinh tế và tình cảm; và có tác động giống như Ngả Giữa. Cho nên làm theo lệnh của thầy, e chợt ruột.

Tôi rất cô đơn không có bồ. Mỗi lần từ Saigon về ăn Tết Huế thì áo quần bảnh bao đứng ở nơi hai con đường nầy gặp nhau, thường trước tiệm ảnh La Cảnh Lưu. Nhìn vô thì rất nhiều chân dung nữ học sinh Huế, có vài người quen, thèm chảy nước miếng. Nhìn ra thì thấy các nường diễn hành rất vui nhộn, đẹp hơn trong hình nhiều. Lắm sinh viên sư phạm mặc nguyên đồng phục đại lễ, làm tôi mặc cảm thua kém. Vì các bà mẹ có con gái gặp bạn thì hỏi sư phạm nào, sử địa? Anh văn? …còn văn khoa luật thì xin đi khỏi nhà cho nhanh.

Những buổi trời lạnh mà âm u, đường Trần Hưng Đạo là một bức tranh Matisse, muôn màu muôn sắc. Thằng bé cảm thấy một nguồn sinh lực như sóng đập vào ý tưởng. Đúng chứ, sức sống lam lũ trong thúng gánh nằm bên kia đường trong chợ Đông Ba, cái nghèo èo uột thì nơi bờ hồ sau lưng dãy phố nầy, muốn đi vô phải lên gần Pharmacie ông Thăng có hẽm hay lên cống cửa Thượng Tứ, hay xuống cống cửa Đông Ba. Nhưng những linh hồn trên lề phố nầy là tinh hoa của xã hội, vui tươi đời hồng; la vie en rose.

Thầy Dật nói tiệm Đồng Hiên Vạn Ích tôi không biết là gì, e là một tiệm thuốc bắc, tiếp nối pharmacie Nguyễn Cao Thăng hướng về ciné Tân Tân. Gần đó có nhà thuốc tây Đông Ba của thầy Lưu Sơn vừa tốt nghiệp trường dược Saigon về mà tôi cứ tưởng hiệu Chánh Đông của thầy Lê Bá Nhàn; thầy Nhàn bỏ dạy đi Saigon học xong về Huế kinh doanh. Hình như hai thầy đẩy lui vào hậu trường thế giới pharmacie cũ. Chừng 1950 …Huế chỉ có ba hiệu thuốc Nguyễn Duy Huề, Nguyễn Duy Hối và Nguyễn Duy Hân. Ông Huề ở Ngả Giữa, ông Hối ở Trần Hưng Đạo gần với La Cảnh Lưu; ông Hân thì ở gần Sân Vận Động Bảo Long, góc đường về sau mang tên Đội Cung.

Thời xa xưa ấy, ba thứ thuốc trị bệnh hết sức tầm thường phải có toa: aspérine, đau đầu, ganidan, đau bụng, dagénan trị ghẻ làm độc ngoài da; khó khăn để không đưa vô chiến khu. À quên, thế nào cũng giới hạn là ky nin viên (quinine) và quinobleu (quinine nước màu xanh như áo em xanh, trong các ống thủy tinh ampoule, dùng cái cưa bẻ cái bụp, chích ven) trị sốt rét.

Lúc ấy thịnh hành Bévitine (sinh tố B1) và Vitascorbol (sinh tố C). Lúc thầy Lưu Sơn mở tiệm, có lẽ thị trường đầy trụ sinh khởi đầu bởi penicilline rồi đến thần dược steptomycine, nhưng không ai bán Tobiamycine (hòm Tobia).

Đâu đó bên cạnh là tiệm may Tân Lập, chuyên trị côm lê, chúng tôi những kẻ bị bỏ rơi phải đến nhờ Tân Lập đối trị với mấy cái veston chiếm tình của sư phạm. Hận thù đằng đằng nên hòa hay nên chiến? 

Tôi không có tiền mua sắm nên không biết tên các hiệu và bán những thứ gì. Thái Lợi và Lý Lâm Tinh có lẽ bán hàng sắt như hardware của Mỹ; Rồng Vàng cũng thế chăng. Nhưng đừng quên cà rem Thanh Quỳnh. Đầu tiên là cà rem cây, đựng trong những thermos rộng miệng, hình tròn có sáu khía có que tre. Nhưng oai dũng mở đường mới là kem gói, hình lập phương như cục xà bong, gói giấy không thấm nước, kem có sữa. Tại đây chỉ bán sỉ cho các cậu bé bán kem dạo.

góc trái trên là Nha Thông Tin Trung Việt

Tôi quý những con người nên nêu vài nhân vật.

Chị Khánh, gọi theo tên chồng, có tiệm uốn tóc trong lobby ciné Tân Tân. Anh Bùi Ngương Khánh, nhà ở Hàng Đường là huynh trưởng hướng đạo, về sau làm phó thị trưởng Huế hay phó tỉnh trưởng Huế. Hình như chị là con gái của "Cậu Cả Điên", một "Thân Trọng" không có gì điên, chỉ có tội mặc áo dài đen rất bệ vệ, luôn cười vui với mọi người. Hình như người quản lý Tân Tân cũng con vị nầy. Cậu Cả trong gia đình mẹ của bà Ngô Đình Nhu. Chủ ciné là ông Tôn Thất Đệ. Cậu Đệ thích Nha Trang nên đã mở thêm rạp Tân Tân đường Độc Lập, xây một biệt thự rất đẹp trên bờ biển Khánh Hòa, sau khi nhường cơ sở làm ăn nầy cho người em là Tôn Thất Ngọc.

Anh Hướng cũng hướng đạo như anh Khánh, đứng bán hàng cho Lý Lâm Tinh. Anh rất cao và đi một chiếc scooter không ai có, nó to hơn Lambretta. Anh là chồng chị Vẽ, trung tá nữ quân nhân.

Lại một ông hướng đạo nữa cùng làm thiếu trưởng Đinh Bộ Lĩnh. Lúc mới qua phố, tôi cứ nghĩ anh Tường là chủ nhà sách Tinh Hoa vì anh đứng bán; như vô lò rèn thì ông thợ rèn là chủ chứ gì. Anh Tường trắng trẻo mập như con ông Địa. Tôi có tham dự lễ lên đường của anh Tường. Dạo ấy chừng 1957, hướng đạo Huế như muốn trở mình. HĐ Huế có một câu lạc bộ riêng một nhóm bô lão gồm các tráng sinh lên đường mang hai chữ RS (Rover Scout, rửa son, rờ súng). Bỗng nhiên một đợt tráng sinh trẻ được lên đường. Các giáo viên như anh Tôn Thất Lôi, anh Ngọ, các thương gia như anh Chỉ, hiệu xe gắn máy, anh Ngọc tiệm may, nhân viên thương trường như anh Hướng anh Tường.... Tráng sinh lên đường lập lại ba lời hứa. Chỉ một mình anh Tường có nói thêm: cùng quyết tâm không rời Tam Bảo, tôi xin lập lai ba lời hứa như sau. (Anh Lôi gần 100, qua Cồn Hến trồng bắp bị ong cắn mà chết).

Ty Thông Tin Thua Thiên, trước là TT Trung Việt

Lại không thể quên nhà sách Tinh Hoa với ông chủ Tăng Duyệt. Ông mở cửa trên lầu, ra xem chiến trận Mậu Thân tới đâu vào lúc đang đổ quân tái chiếm Huế, ông bị một viên đạn chết ngay. Cũng giống như một mình Chu Tử đứng ở bong tàu di tản 1975 qua Rừng Sát bị một phát súng chết tươi. Ông Duyệt có công mở đầu xuất bản "nhạc tờ" và thành lập Tinh Hoa Miền Nam ở Saigon mở rộng ngành nầy và giao cho Lê Hoàng Long phụ trách. Con gái của ông Tăng Bảo Hương hiện ở Texas.

Tôi được biết ông Thái Lợi là một ông nghè, kinh doanh hàng sắt, trở nên giàu có. Ông ban nông cơ nông cơ nông cụ của Nhật hiệu Kubota và Yanmar và một số hàng nhập cảng khác như thực phẩm. Phải chăng vì vậy ông bị đố kỵ. Huế tung tin ông Thái Lợi rất dốt tiếng Tây. Ông nói J’ai Thái Lợi (tôi có Thái Lợi) thay vì Je suis Thái Lợi (tôi là Thái Lợi). Mà dù ông có nói vậy thì nào có gì sai. Tôi có cái tiệm Thái Lợi thì tôi là ông Thái Lợi, ông Tăng Duyệt làm chủ nhà sách cũng gọi là ông Tinh Hoa. Sông Lợi Nông qua Bến Ngự là sông Bến Ngự, qua Phủ Cam là sông Phủ cam.

Về bà xẩm Lý Lâm Tinh, câu chuyện khá dài nên xin để cuối bài.

Đường Trần Hưng Đạo, nghe vậy ai cũng nghĩ đến dãy phố từ Thông Tin Trung Việt đến Gia Long, ít ai chú ý đoạn phía trên đến đường vô cửa Thượng Tứ. Đoạn trên nầy có những thương vụ “hàng nằm” không chảu lảy, như tiệm đóng sách, làm khuôn dấu, làm đàn, chỗ sửa xe của thầy Phạm Văn Hương và có nhà sách Ưng Hạ. Tuy cũng mang tên Trần Hưng Đạo, khúc đối diện có nhà hay không từ cầu Trường Tiền đến Bến Xe Buýt gần cầu Gia Hội xem như một thực thể riêng biệt, thu vào khối nam châm là Chợ Đông Ba. Cà phê Lạc Sơn như cây kim sắt trên từ trường nầy. Phan Bội Châu (Gia Long) thì phố xá hai bên không tách riêng mà cùng tạo nên một sức hấp dẫn chung. Thì ra hai con đường có hai cá tính.

Người cuối cùng là Chị Dương mạ tui.

Đây là người đàn bà duy nhất ngoài gia tộc mà tôi luôn nghĩ đến mỗi khi nghĩ về Huế. Chị Dương, kêu theo tên chồng, làm chủ hiệu sách Gia Long, Ngả Giữa ngó qua Tân Hợp Mỹ, Mỹ Thắng.

Chị Dương mở đầu việc bao sách bằng giấy dầu mọi sách bán. Tôi đã đứng hằng giờ xem chị bao sách, bao nhanh như máy. Mua sách ở đây khỏi tìm giấy xi măng, Thế Giới Tự Do mà bao. Nhưng không phải các nhà sách khác đều theo, chỉ có Gia Lâm, hóa thân của Gia Long, làm theo.

Một lần tôi đến thì có hai cô bé đồng phục đi về chạy vô nhà trong. Tôi hỏi chị Dương ai đó và được trả lời là con gái đầu và con thứ. Tôi tinh nghịch buột miệng nói: em gọi chị bằng mạ hý. Mấy chục năm sau tôi mới biết là cô Hồng nay là một nữ bác sĩ ở HK. Nào có nợ gì nhau mà quen nhau.

Nhưng Gia Long đâu phải vì thế mà giữ tâm hồn tôi như kẻ tù chung thân. Lên lớp nhất, tôi quá đổi vui mừng khi được cho cái áo tơi nylon, chẳng khác cái bao nylon ngày nay phủ bộ đồ veste ở tiệm dry clean, có hai chỗ xẻ thò tay ra mà gài nút. Tôi đi bộ qua Tam Tòa, bà nội tôi đã mất chỗ nầy các con của bác tôi ở, xin tiền mua sách. Chị Lê, sau là vợ của nhà văn Đỗ Tấn (Đỗ Tấn Xuân) cho tôi đủ tiền mua cuốn sách toán của Trần Tiếu, tôi đi bộ ra cửa Đông Ba vô Ngả Giữa lên nhà sách Gia Long. Vô nhà sách như vô một thế giới mới, đủ thứ viết mực, giấy dậm, thước vuông thước tròn mà chị Dương ân cần vỗ đầu như con, bảo về ngay kẻo mưa lạnh. Nhà sách có mùi hương thơm nhẹ, sau mới biết la hương giấy, loại giấy vàng. Nghĩ lai mà thương, bây giờ sách mới mua từ Amazon trắng tinh nhưng hôi tanh.

Sau 1954, nhiều căn phố lên lầu và chị Dương dời tiệm sách ra Trần Hưng Đạo, chỗ cũ để cho cô em họ mở nhà sách Gia Lâm.

Từ 1962 tôi xa Huế và hầu như không về Huế. Có lần tôi đi ven bờ sông mưa phùn tự hỏi nếu xa dòng sông thì sao, tôi tự bảo e chỉ có chết thôi. May không phải là lời thề nên tôi không trở về mà không chết, còn sống nhăn răng. Một số người quen vẫn còn.

Lần tôi về Huế, 2010, chiều hôm sẵn sàng ngày mai lên tàu hỏa về Saigon mà quy hồi Mỹ quốc. Tôi thấy nao nao buồn vô cớ, bỗng nhiên thích bước vài bước trên lề đường Trần Hưng Đạo. Tôi nhờ đứa cháu chở Honda từ Đàn Nam Giao xuống phố. Tôi không chủ định đi đâu nhưng cứ bước tới. Lúc ấy đã tối, phố xá ít người. Kìa chị Dương bắc ghế ngồi ngay trước tiệm. Chị Dương, mạ tui, vẫn như xưa nếu không muốn nói trẻ hơn, vẫn tươi vui, còn nhớ tôi cậu học trò tinh nghịch. Chị nói với tôi đang làm sui gia với nhà sách Ái Hoa, có lẽ hôn nhân cho thế hệ cháu, chứ con của chị nay đã lớn lắm rồi. Phạm Túy Hoa, cháu của bác Siêu trong nhóm Tân Hợp Mỹ cho tôi biết tên và ngày quá vãng của chị Dương, tôi quên hết.

Dạ thưa, không phải cô Ri nhà sách Ưng Hạ, không phải bà Cửu Ới, không phải bà Lý Lâm Tinh ... mà trong tôi, chị Dương, mạ tui, là linh hồn đường Trần Hưng Đạo, thuở xa xưa khi trái táo huyền thoại chưa bị cắn, là linh hồn đường Trần Hưng Đạo, khi Bàn Cố phân định âm dương, quân bình cho thế sự, khi loài người có biết sự an bình nội tâm và ngoại cảnh.-

Lý Lâm Tinh

Trước 1950, bà xẩm nầy thường đi xe hơi với người con trai là Chú Chô lên chùa Từ Quang gần Tường Vân. Chùa có nhiều bổn đạo bự như bà Lý Lâm Tinh, đại sứ Tôn Thất Hối, bác sĩ Bửu Hiệp. Tôi không nhớ lúc nào bà chết và cửa tiệm hình như muốn đóng. Tôi nghe kể bà chết không lâu sau khi mua miếng đất xưa của ông Bát Tấn, cách chùa Thuyền Tôn một trũng thông thủy khá lớn mùa nắng có lạch nhỏ mà thôi. Thảo nào, nói theo kiểu vùng lưu vực Hồng Hà. Thảo nào, hèn chi ...

Từ Đàn Nam Giao đi lên theo con đường đất qua khỏi Chùa Quy Thiện đến ngã ba, bên trái vô Thuyền Tôn, bên phải đi tiếp đến lộ đất lớn từ Ngự Bình qua để vào Khu Chín Hầm. Ở giao lộ nầy là đất ông Bát Tấn, đã bỏ hoang, chỉ còn cái nền nhỏ của kiosque gọi là nhà xem trăng. Quan bát phẩm tên Tấn mở khu đất nầy thành tài sản của gia đình, nhưng ông đã chết và sạt nghiệp khi chưa xây cất gì nhiều; đất bỏ hoang, đám chăn trâu cũng né, không dám vô hái ổi mà chủ nhà đã trồng khi khai khẩn.

Nhưng Chú Biên điếc không sợ súng. Chú Biên trước kia tu trong chùa Thuyền Tôn chưa đến sa di thì hoàn tục, tôi biết chú Biên khi 1945 lên tá túc chùa nầy sau chiến tranh. Chú Biên lấy vợ và thấy đất trống vô chủ đã cất mái nhà tranh cho hai quả tạ tim vàng. Mái tranh còn giữ màu vàng, chưa sậm chưa mòn vì mưa nắng, thì vợ chồng chú đều đau trối chết, vài bổn đạo của chùa đã khuyên chú bỏ mà đi, nếu cứ đeo thì sẽ theo ông Bát Tấn lên ngồi bàn thờ. Chú nghe lời và sống an toàn.

Bẳng đi nhiều năm đến 1963 sau vụ cảnh sát dã chiến lùng soát các chùa đấu tranh PG ở Saigon, các trường đóng cửa, tôi được “mời khéo” bởi một người trong gia đình ông Ngô Đình Cẩn về Huế dự bữa cơm do ông cố vấn đãi, và cho tôi tờ phép đi máy bay quân sự. Đến Huế, tôi được xe đưa rước, tưởng là qua tư dinh Phủ Cam mà đi xa lên tận đất ông Bát Tấn mà tôi đã biết. Mươi sinh viên khác đến trước, là sinh viên Saigon của nhiều phân khoa và trường chuyên nghiệp. Tôi mới biết ông cố vấn đã làm chủ khu đất Bát Tấn. Cái nền kiosque bỏ hoang từ xưa, nay trở thành một vọng nguyệt lâu rất đẹp, và dùng lối mẻ sành dán tường như Lăng Khải Định, mái bánh ú hình kim tự tháp, ngói âm dương trán men. Chính giữa là tượng Đức Mẹ. Nơi ngắm trăng nầy đã hoàn tất, xa xa phía trong sâu, nổi lên giữa cây xanh là những sườn cột bê tông (ossement) còn trống chưa có gạch. Ở phía khác, đôi ba xe công binh to đang đào các lỗ đất lớn để trồng những cây khá to có bầu rễ lớn bứng từ nơi khác.

Ông Cẩn nhận ra tôi, kẻ đã ngồi gần ông ăn tré tại Lăng Minh Mạng 1958, trong buổi cắm trại của các hiệu đoàn ở Huế. Đúng như thiếu tá cảnh sát Liên Thành đã khen ông cố vấn có trí nhớ phi thường. Bữa ăn theo kiểu buffet tiếp tân, chúng tôi đứng, ngồi ăn quanh tượng Đức Mẹ. Dịp nầy ông cố vấn nói ông quyết định dùng nơi nầy để dưỡng già, tuy tôi biết ông còn một nhà nghỉ mát ở cửa Thuận. Chỗ ông ở bên Phủ Cam là từ đường có từ thời ông Ngô Đình Khả, là của chung. Tôi thừa biết cuộc họp mặt nầy có tính chất chính trị nhưng ông cố vấn không nói gì, chỉ hỏi thăm như gia đình đông con, ăn xong người cha thường hỏi các con học hành trong ngày ra sao.

Chừng hai hay ba giờ chiều, ông đưa chúng tôi qua phía trũng thông thủy nói trên, nơi đây là một hòn non bộ xưa, nhiều khối đá không tự nhiên, có một bực đất khá rộng như sân nhà. Chỗ nầy cách khu đất chính bằng một con đường công cộng.

Ông cố vấn bỗng nói đại khái như sau: mấy đứa bây đừng lấy vợ sớm, lo mà học cho xong; lo mà đi học, chuyện chi thì đã có Tổng Thống lo. Tôi biết ông ngầm nói đến lời tuyên bố của Ngô Tổng Thống sau cuộc lùng bố; hứa sẽ giải quyết ổn thỏa mọi tương tranh. “Sau tôi còn có hiến pháp”. Tôi nghĩ đó là mục đích bữa cơm nầy, chỉ cần nói chừng đó thôi.

Thật tình hơn nửa thế kỷ tôi không hiểu tôi nói thật hay mỉa mai; nghiệm lại, không mỉa mai, nói thật nhưng pha nhẹ lo ngại, không phải nịnh bợ. Có lẽ ông cố vấn đã biết chuyện ông Bát Tất, chuyện bà Lý Lâm Tinh, không chắc biết chuyện chú Biên.

Tôi nói: Thưa ông Cố Vấn, đất nầy là đại địa, cao địa chỉ để xây chùa nhà thờ của các bậc chân tu hoặc chỗ ở của cao nhân, có sứ mệnh lớn”.

Ông không nói gì nhưng trông hài lòng, đắc chí.

Chỉ vài tháng sau là đảo chính 01.11.1963, hai ông Diệm Nhu chết, ông Cẩn về sau bị xử bắn.

Tuy không muốn làm chứng nhân, tôi không đồng ý khi báo chí Saigon viết rằng dân chúng Huế phải mất hai ngày mới đập phá xong nhà nghỉ của ông Cẩn. Từ bữa cơm nói trên đến đảo chánh chưa được nửa năm, là một phần tư năm, một quý, làm sao xây cất nhiều để dân chúng phải cần hai ngày mà phá.

Về địa lý phong thủy,  khu đất Bát Tấn nằm trên một con rồng thẳng, bên dưới đá trắng rất lạnh. Đầu các con rồng thẳng chỉ xây chùa miếu như Điện Hòn Chén. Lăng mộ chỉ dựa vào lòng con rồng cong. Cách nhà ông Bát Tấn chừng một cây số, trên lưng con rồng thẳng nầy cha tôi đã chôn ông nội tôi. Cha tôi thày lay, ỷ có tiền đã mời thầy địa Tàu từ Hongkong tìm huyệt chôn trước khi tôi ra đời 1939. Ông nội tôi có năm con trai; đến 1945, chỉ còn một người sống là cha tôi và bác bệnh hoạn suốt năm. Cha tôi chết trong chiến tranh, sau đó một năm bác cả cũng ra đi. Thế hệ tôi cũng mất nhiều, gần mười đứa. Do đó năm 1955, anh Tôn Thất Quyền cháu đích tôn của người dưới mồ và là trưởng tộc đã quyết định dời mồ về Núi Ngự Bình. Nhờ vậy, chúng tôi thấy tận mắt bên dưới đá trắng rất lạnh. Chỗ đất tốt có khí ấm cho nên nói ấm mồ ấm mã là vậy. Con rồng nầy thẳng đuột, thân rất lạnh, chớ đụng tới, không phải là nơi làm âm phần (mồ mã) hay dương cơ (nhà ở).----

tranh Matisse

============================================================


 


Friday, November 4, 2022

 

 

Nhật ký tháng tư

Trạch Gầm

 

Hai mươi tháng Tư tin em đi M

Ta biết d dàng mt bé t đây

Em lên máy bay, ta v đơn v

Đt Biên Hòa bun… chết điếng c cây.

 

Hai mt tháng Tư ta vào Quân Đoàn

Ngi nghe thuyết trình, nhn lnh hành quân

Tay áo xăn cao mt đi thám kích

“Kiến la bu đy” nht c đôi chân.

 

Hai hai tháng Tư... ta vào Đi An

Chng kiến cnh dân b xóm b làng

Dân chy đến đâu… đch bò đến đó…

Đâu được như em ch đã thênh thang.

 

Hai ba tháng Tư ta ngược Đng Nai

Sương ôm mt sông lau sy th dài

Đch xua quân tràn gia đêm vng lng

Ta chnh pháo… và thây gic chng thây

Ta lc my ngày trong lòng đt đch

Gi đã khàn hơi chng thy bn bè

Thng nào cũng đang gi tng tc đt

Đâu có thì gi đ cu ta ra.

 

Hai tám tháng Tư ta ra l Mt

Gp ông tướng vùng th sát thăm dân

Ông nói lung tung, ông th sng chết

Ông nói xong ri, ông bay bit tăm.

 

Hai chín tháng Tư Biên Hòa xơ xác

Ta v Sài Gòn ngang qua nghĩa trang

Ta đng nghiêm chào bn ta đã chết

Như t chào mình - nát c tim gan.

Ba mươi tháng tư ta ôm mt khóc

Trên cu Saigon cnh ph Hùng Vương

Mười năm binh đao… mưòi ngày kết thúc.