Tiếng Việt tiếng Tàu
Tôn Thất Tuệ
Ref:Les Origines et le Caractère de la Langue Annamite,
par Abel des Michels, Paris 1887
Trang 70 của Hàn Lâm Thiếu Vi Thông Giám có ghi rằng:
“Thời Thành Vương, người Việt Thường ở phía Nam Giao Chỉ đem theo nhiều thông
ngôn trong phái phái bộ nạp triều cống. Đoàn người Việt Thường vô thành yêu cầu
gặp Thành Vương nhưng Châu Công ra tiếp. Hoàng thúc nói quý vị đâu có mệnh trời
để đủ tư cách triều cống. Ba thông ngôn cùng nhau thông biện lời của sứ thần
Giao Chỉ: nước của chúng tôi đã nhận thiên mệnh từ các hoàng cẩu (các vua xưa).
Sự việc nêu trên xẩy ra 11 thế kỷ trước JC theo sách của
Tàu được Abel Des Michels (ADM) dùng làm bằng chứng VN có ngôn ngữ riêng khác với
tiếng Tàu nên cần thông ngôn. Trong cuốn Les Origines et le Caractère de la
Langue Annamites, xb Paris 1987 ADM xem đây là bằng chứng lịch sử bên cạnh bằng
chứng ngữ pháp. ADM dùng hai bằng chứng nầy để mở mắt số đông người cho rằng Việt
ngữ chỉ là một phương ngữ của Hoa văn. Nếu ý kiến nầy xác thực, thứ tự các chữ,
cách sắp đặt ngôn từ phải giống nhau. Nhưng Việt ngữ và Hoa ngữ đều có ngón nghề
tinh anh riêng về ngữ văn và cách xếp đặt từ ngữ đối nghịch nhau.
ADM cho rằng Giao Chỉ không phải là sắc dân duy nhất
không thuộc chủng tộc Tàu; ít nhất còn Phúc Kiến có tiếng nói hoàn toàn khác tiếng
Tàu. Phúc Kiến và Giao Chỉ ở gần nhau và được lợi thế địa dư giữ được tối đa độc
lập văn hóa. ADM nêu gọn ý của Bouillevaux rằng Việt Thường là một sắc dân từ
Mã Lai tiến lên hướng Bắc và phát triển cách riêng so với các xứ bà con Mã Lai
khác. ADM không dùng ý nầy công khai để hậu thuẫn sự khác biệt ngôn ngữ Hoa Việt.
Mà Phúc Kiến khác tiếng Tàu, phải chăng Phúc Kiến cũng
từ phía nam mà lên? Chúng tôi nhớ Đào Duy Anh đã cho rằng Lạc Việt từ vùng Phúc
Kiến đi xuống Châu Thổ Hồng Hà. Lạc Việt và Phúc Kiến có liên hệ gia đình, bộ tộc.
Sau bằng chứng lịch sử là bằng chứng ngữ học. Tóm lược,
cách lập tự Việt tương phản hoàn toàn lối Tàu. Bắc Kinh thành / thành Saigon.
Nhân thư / cuốn sách người. Hảo nhân / người tốt.
ADM tìm thấy trong địa hình địa vật Tàu một ân sủng trời
cho Phúc Kiến và Giao Chỉ sống tương đối độc lập với Trung Hoa để có một ngôn
ngữ riêng khác với Hoa Văn. Nhưng Giao Chỉ hưởng lợi nhiều hơn.
Bắt đầu từ cao nguyên Đông Nam Tây Tạng, Hy Mã Lạp Sơn
tách ra hai cánh tay nối dài. Cánh tay thứ nhất gọi là Nam Lĩnh chạy từ tây
sang đông, đi được 2/3 đoạn đường tới biển thì đổi hướng đông bắc, gần như song
song với Hoàng Hà. Cánh tay thứ hai thì đi xuống hướng Nam cho đến biên giới VN
thì ngừng. Từ đĩnh là Tây Tạng, hai dãy núi nầy đã cùng bờ biển tạo ra một tam
giác mà một phần quan trọng của cạnh đáy là bờ biển vịnh Bắc Việt. Phần còn lại
phía bắc của bờ biển nằm trong vùng đất Phúc Kiến.
Tam giác nầy lại được chia ra làm hai bởi một dãy núi
khác. Nửa thứ nhất phía Bắc là lưu vực sông Tây Giang gồm Vân Nam, Lưỡng Quảng
và Phúc Kiến. Nửa phía Nam là lưu vực sông Hồng Hà tức là nước Nam. Dãy núi nầy
không quan trọng về địa dư bằng Nam Lĩnh nhưng cần chú ý vì đó là hàng rào chia
cách An Nam khỏi nước Tàu. Giao Chỉ bớt sợ xâm chiếm của Bắc Phương, nhưng họ vượt
qua các khe núi buộc các bộ lạc công nhận vương quyền của mình, và thống lãnh
Quảng Đông nhưng chưa “thực dân” Phúc Kiến. Có thể dự đoán đấy là lúc mở đầu Trăm
Nhà (Bách Việt).
Trong lưu vực rộng lớn của Tây Giang, hãy chú ý đến
khu vực Hạ Môn (mà sử sách thường gọi là Amoy). Người Amoy đọc Hán Tự gần giống
với cách người Việt đọc Hán tự qua âm Việt. ADM cho đó là bằng chứng ảnh hưởng
của An Nam áp đặt trên các bộ lạc địa phương văn minh của mình và cách dùng ký
tự âm ngữ học của An Nam. Người An Nam cổ đại đã có hệ thống ký âm tự (écriture
phonétique). Có bằng chứng rõ ràng tìm ra trong các phế tích; đặc biệt là Núi Đá
Bia.
Nhưng một ông tướng Tàu sau khi xâm chiếm Nam Việt đã
du nhập chữ Tàu và văn chương mẫu quốc và được tặng danh hiệu Vua Chữ, Sĩ Vương.
Từ đó ngôn ngữ cố hữu của Nam Việt có thêm một số danh tự Tàu tuy người dân vẫn
khác biệt với kẻ xâm chiếm, dùng tiếng nói riêng. Những chữ mới nầy được dùng vì
nhu cầu mới như để chỉ các vật mới lạ hay để giao tiếp với chính quyền mới, dùng
Hán tự là ngôn ngữ hành chánh công quyền; tiếng địa phương không còn giữ nguyên
như xưa. Tuy vậy cho đến ngày nay, không thể nói chữ nào gốc Tàu, chữ nào gốc
Việt một cách chính xác.
Việc ghép thêm danh tự của Thiên Quốc không đơn thuần
chỉ là bài toán cộng. Một mặt Hán Tự được truyền bá để hiểu các luật lệ, văn chương,
tri thức của phương bắc. Một mặt người Nam Việt muốn phát triển tài năng văn học
riêng của mình, dùng những chữ mới theo cách riêng, không hoàn toàn lệ thuộc vào
ngoại xâm. Văn chương Nam Việt lèo lách giữa hai hệ thống ngữ văn Hoa Việt. Những
tài liệu sách tập viết bằng Hán Tự dù để phục vụ lợi ích của người Nam Việt vẫn
không được xem là văn chương quốc gia, quá lắm là các tác phẩm Hoa Việt vì có nội
dung là Nam Việt.
Ở điểm nầy ADM cương quyết hơn so với vấn đề đang thảo
luận gay cấn là tác phẩm chữ Hán của người Việt có được xem là văn chương VN
hay không.
ADM đi khá nhanh từ Sĩ Nhiếp đến Gia Long. Nguyễn Ánh
khi lên ngôi đã ra lệnh phục hồi chữ Nôm, luật lệ, văn thư triều đình phải dùng
chữ Nôm. Nhưng vua con là Minh Mạng theo các sĩ tử trong triều không theo đường
lối của phụ vương.
ADM chứng minh sự độc lập hay tính cách tân kỳ của người
Việt bằng một bản lược kê văn học cho đến thời người Pháp đến cai trị. Ông thán
phục người Việt viết các đề tài của Tàu một cách rất VN ví như Kiều, mà ông là
người dịch ra Pháp Văn đầu tiên. Ông nói với người Pháp thuộc địa và mẫu quốc rằng
dân tộc Việt từ thượng cổ thời đại đã là một dân tộc văn minh, đầu óc thi ca và
thẩm mỹ. Họ có một xã hội trọng luân lý như chuyện Thạch Sanh; các tập thơ như
Gia Huấn Ca, Thơ mẹ dạy con; Thơ dạy làm dâu. Ông đã phải lắc đầu ngớ ngẫn khi đọc
Hàn Nho Phong Vị Phú, VN quốc sử diễn ca.
Chúng tôi muốn dành phần cuối bài cho phần đầu của ADM
thuộc về ngữ học nhiều hơn. ADM viết: le chinois écrit; l’annamite parlé (Tàu
viết, Việt nói). Chuyên môn hơn thì gọi là văn (viết) và ngôn (nói). Ngay trên
xứ Tàu vẫn có phân biệt kỳ thị nầy. Học giả xưa nói rằng Khổng Tử chỉ có văn mà
không có ngôn tuy Khổng Tử giảng dạy không mỏi miệng.
Écrit hay văn là ngôn ngữ chính thức, như tiếng Pháp là
‘’langue officielle’’ của Congo, tuy xứ nầy hiện có hơn 200 thổ ngữ và 5% dân
chúng nói và hiểu tiếng Pháp. Ngôn ngữ ”nói” ADM hiểu là tiếng phát ra từ miệng
người hoàn toàn không biết chữ hay có trình độ hiểu biết rất hạn hẹp. Trong lúc
ấy giới có học, các sĩ tử vẫn nói như đồng hương nhưng thêm vào những danh từ đã
học trong trường Tàu. Tuy vậy giới bình dân chẳng tha thiết gì, nào khác tiếng Thổ
Nhĩ Kỳ và Ba Tư so với Arab của người muslim thống trị. “Loài người ta” được
thay thế bởi nhân loại; “giữ miệng bởi thận ngôn”. Không thể vì vậy mà nghĩ rằng
người Nam Việt nói tiếng Tàu. Tương tự, người Pháp nói railway thay vì chemin
de fer, tùy hứng. Những danh tự Hán ngữ nầy du nhập dễ dàng vì hai thứ tiếng đều
là độc âm monosyllabe. Những danh tự đó đã được Việt hóa về cách đọc và mang
nhiều ý nghĩa gần với cuộc sống thực tế, khác với ý nghĩa dùng trong các văn kiện
chính thức. ‘’Hạ” không những đọc khác Tàu mà còn được hiểu là (mùa) hè. Sáng
kiến nầy giống như La Tinh trong tiếng Pháp. Homos -> homme. Người Nam tiếp
nhận những châm ngôn tục ngữ của Tàu và Việt hóa một cách êm xuôi tự nhiên, không
khó khăn như các ngôn ngữ Âu Châu với cổ học La Hy.
Một đoạn văn ngắn nói về những công việc tầm thường
theo lối đàm thoại gồm 167 chữ thuần túy gốc Việt; 39 chữ gốc Tàu và 2 chữ không
rõ nguồn gốc. Một đoạn khác dài giống nhau nhưng nội dung cao một chút gồm 135
Việt, 55 Tàu và 5 không rõ từ đâu. Chỉ dùng hai tiếng Việt Hoa, chúng ta có tỷ
số trung bình là 3, 15 / 1. Nói khác, trong ngôn ngữ bình thường, trong mười chữ
có 3 chữ Hán. Thống kê nầy có giá trị vô cùng giới hạn vì các ký tự và phát âm
thay đổi tùy vùng, nhất là không thể nói một chữ nào đó chính xác do ngôn ngữ nào
mà ra.
Ý kiến của ADM rất đúng về phương pháp luận, lấy hoài
nghi mở đầu, chứ không như người VN nhất nhất do Tàu mà ra. Cái chi cũng phải Tàu.
Rau tập tàng nấu canh phải do hai chữ thập toàn. May xưa phải do mai sơ trong lúc
mai là tiếng Việt tương đương với triêu của Tàu chỉ buổi sáng. Tết phải do tiết
của Tàu mà ra, điều nầy gây khổ tâm cho BS Nguyễn Hy Vọng viết bài rất dài về
chữ Tết.
Theo ADM, cần hiểu biết sau đậm Hán Tự mới hiểu những những
ý nghĩa tinh tế người Việt muốn nói khi dùng chữ Tàu. Chúng tôi hy vọng tác giả
ở trong vị trí nầy. ADM đã viết nhiều tác phẩm bằng Hán Văn, đã phiên âm và dịch
Tam Tự Kinh, dịch Tam Thiên Tự (sách học ba ngàn chữ) và nhiều tác phẩm về văn
chương VN. Nhưng ở một khía cạnh khác, ông tạm xem như thuộc đạo quân “biệt kích
văn nghệ”, nghiên cứu cho chính quyền thuộc địa cai trị hữu hiệu. Ông trình bày
cho người Pháp biết văn học VN liên hệ với Trung Hoa thế nào và ảnh hưởng Tàu đang
xuống dốc trong nền học thuật Cochinchine, chuẩn bị xoay hướng về văn minh mẫu
quốc. Ông xem trường hợp VN độc lập với Tàu là một điểm son của phần đất sở hữu
Pháp (notre possession).
Câu chuyện thông dịch viên đi sứ không phải là bằng chứng
duy nhất cho biết Việt Thường là một sắc dân độc lập. Sách Lã Thị Xuân Thu (300
năm trước Jesus) đã dùng chữ Lạc Việt để chỉ mấy trăm năm trước một số sắc dân
ngoài Hán Tộc sống phía nam Nam Lĩnh. Một chi tiết nhỏ chỉ nhắc qua là khả thể
dân tộc Việt từ phía Nam tiến lên và có huyết hệ với các giống Mã Lai. Nguồn gốc
Mã Lai đã được nêu lên đối đầu với nguồn gốc Tàu do Đào Duy Anh đề xướng được Hà
Nội xem là lý thuyết chính thức về nguồn gốc dân Việt. Môn ngữ học cho thấy ngôn
ngữ Bách Việt đã vượt qua Trường Sơn để đến Lào, Thái và Miến Điện, tiếng Việt cũng
ở trong hệ thống Thái nầy. Ngữ tộc nầy hoàn toàn khác với Tàu.
Rất tiếc ADM không nói gì về cổ ngữ của Giao Chỉ trước
khi Sĩ Nhiếp áp đặt tiếng Tàu làm ngôn ngữ chính thức. Rất có thể cổ ngữ nầy mang
dấu tích ảnh hưởng Ấn Độ như các sử liệu khảo cổ ở Nam Dương. Nếu đúng thì điều
nầy giúp ích lập luận gốc Mã Lai.
Luận văn của ”biệt kích văn nghệ” ADM ca ngợi dân tộc VN
bác học đầy óc sáng tạo xuất hiện bên cạnh nhiều tác phẩm xem người Việt là mọi,
đàn bà VN lấy Tây khi Tây hết tiền thì bỏ thuốc độc cho chết. Nhưng bù qua sớt
lại, người Tây chưa bắt người Việt bỏ vào lồng sắt để quảng cáo kêu gọi tư bản
bỏ vốn đầu tư như Bỉ đã nhốt người Congo da đen trong lồng sắt để giới thiệu nhân
công rẻ mạt ở Phi Châu.
Xem xét mọi bề, luận văn của Abel des Michels đáng được
lưu ý làm các đề tài nghiên cứu, gây thiện cảm và quý trọng tác giả hiểu biết rất
nhiều văn chương và học thuật VN. Chỉ có một điều là viết khó quá, cô đọng quá.
Xin download để đọc nguyên văn Origines de la langue annamite
============================================================
No comments:
Post a Comment