add this

Friday, June 30, 2023

suy cảm ngày thu sớm

 


suy cảm ngày thu sớm

Tôn Thất Tuệ

Nơi tôi ở, năm nay mát hơn, lá vàng đợt nhất đã rụng làm cho những ngọn trên cao xanh hơn và đất vàng hơn. Thu sớm và thu không muộn như mấy năm trước, năm ấy hơi nóng chận cửa thu sang. Quanh quẩn trong tâm hồn, không còn gì để vẽ voi khi thừa giấy. Rứa mới là hay chứ, mình sẽ trở nên như cây cỏ. Chẳng vui chẳng buồn, chẳng nợ gì ai. Nhưng đó là một thứ hòa bình tạm bợ, giống như các hệ thống hòa bình chính trị không thể kéo dài, ngay cả trật tự La Mã Pax Romana. Sau hòa bình là tiềm thức sống dậy, bão táp giữa ngày, là một thứ hổn độn của những gì đã thấy, đã sống, với thực tế “một lần vui vạn lần buồn”.

Suy cảm hôm nay không vô hình như đã viết về một thiếu nữ không quen ở Canada. Suy cảm hôm nay hướng về một bà

“Mẹ tần tảo một mình nuôi các con khôn lớn. Vất vả làm lụng cộng với ăn uống kham khổ mẹ cũng chết trẻ. Đêm ấy mẹ cảm thấy mệt, đi ngủ sớm. Mẹ ngủ một giấc ngủ thiên thu không bao giờ thức dậy nữa. Rốt cuộc đời mẹ chưa có một tấm áo đẹp, một bữa ăn ngon”.

Không kể câu thơ hờ của Nguyễn Trải, Xanh Đoàn đã dùng lời nầy kết thúc đoản văn Đêm nghe mưa rả rích trên tàu lá chuối.  

Trước đó ba bốn hôm, Xanh Đoàn đã phóng một hoài niệm về bến đò sông cạn, không cạn nước nhưng cạn cơ duyên hiện tồn mang theo rất nhiều hình bóng nhân thể. Vợ chồng anh Lé đưa đò, cô hàng nón đội cả cây nón sang sông, bà già bán bánh kẹo… Những nhân thể ấy nay được thay thế bằng những ‘’người’’ đất nung ngủ yên dưới gốc cây sung; những ông, những mè xừ, những mit tơ: ông Táo đen sì, Mr Địa sứt mép, Monsieur Thần Tài rỗng túi …

Những con người sống ấy quý thật, nhưng vẫn còn xa, mà Xanh Đoàn dùng để chuẩn bị để nói về một người sống ngay bên hông mình, bất khả ly, nhưng phải xa lìa vì ngoại cảnh. Đó là thân mẫu của Xanh Đoàn. Xanh Đoàn không lê thê lướt thướt khi nói về “biến cố” nầy vì có nói cũng không cùng, có nói cũng không cùng.

Sức mạnh của người đàn bà là quyết sống trong trách nhiệm làm mẹ. Gà mẹ bảo vệ vịt con do mình ấp ngang bằng với gà con của chính mình. Ý lực ấy đã duy trì loài người từ thuở chưa có thời gian. Ý lực đã được chứng minh bằng những hành động phi thường như một bà mẹ ốm yếu ở Florida đã nâng chiếc xe jeep để cứu con. Nhẹ hơn là buồng chuối sẽ đè nặng trên đôi tay của một cựu đả tự viên (đánh máy chữ). Trong vùng chuyên nghiệp chuối, thanh niên lực lưỡng đưa lưng dưới buồng chuối và người thứ hai dùng dao liềm cắt cuống cuối. Nhưng hãy xem thân mẫu của Xanh Đoàn một mình xoay xở ra sao:

Trước khi cắt buồng chuối mẹ lấy dây cột cây dao sắc vào đầu ngọn sào tre. Rồi mẹ bắc thang trèo lên lấy dây thừng cột buồng chuối vào một nhánh cây. Không làm như vậy khi đốn buồng chuối sẽ rớt xuống đất hư. Xong rồi mẹ dùng cây sào tre cắm cây dao cắt cuống buồng chuối để nó treo lủng lẳng. Từ từ mẹ mới nới dây cho buồng chuối hạ nhẹ nhàng xuống đất.

Xanh Đoàn đã để phần lớn diện tích bài cho cây chuối, hữu lý vì chính nó là nguồn sống như ánh đèn yếu ớt mà cần thiết. Về xã hội và địa dư, cây chuối, thiết nghĩ, nay đã thay cho cây tre. Cây tre xưa theo ta lúc chào đời vì mẹ dùng dao tre cắt rún rất vệ sinh, đến khi chết, tre làm mộng đóng hòm. Nhưng cây chuối được dùng 100% kể cả củ chuối như nấu canh cá nhám và nấu ốc. Người Tây phương chỉ biết chuối già cui, ăn ngọt nhưng không biết những món ăn khác như chuối chiên, chuối nướng, chúa nấu, canh chuối, và dĩ nhiên chưa biết dưa chuối và chuối chát ăn sống với các thứ rau khác.

Những món ăn của Xanh Đoàn không chiếm hết ý tưởng của người đọc, khác với lần trước món sung ngâm mắm đã làm bà con thưởng lãm tận tình mà quên cả trời đất cổ kim. Độc chiêu, đòn độc, tạo nên một nguồn thương yêu tình người. Cá nhân chúng tôi không khác gì hơn.

Tôi thật ngậm ngùi nhưng không muốn dùng những từ ngữ ước lệ để chia sẻ với Xanh Đoàn. Cũng như thâm mẫu anh, vợ tôi ôm một đàn con, đi lượm ve chai. Nhưng vợ tôi còn sống đến bây giờ. Trích dẫn nầy làm tôi nhớ một thắc mắc miên viễn về một câu nói có lẽ của Lão Tử, có lẽ trong Thánh Kinh Do Thái: muốn đến trước thì phải đi sau.

Tôi chỉ tìm ra được một lối giải thích cá nhân: người nghèo đi sau sẽ tới nghĩa địa trước. Thật vậy, người nghèo thiếu ăn làm cơ thể yếu, cơ thể yếu không làm việc được nhiều nên thiếu ăn thêm, không tiền thuốc làm cơ thể yếu hơn, áo quần không đủ ấm... ..những nguyên nhân sinh kết quả, kết quả là nguyên nhân trong vòng lẩn quẩn (vicious circle / cercle vicieux), thì chết sớm là dĩ nhiên. Trên bình diện lớn hơn, các khoa học xã hội đến kết luận sự nghèo đói là hậu quả lề lối điều hành quốc sự; mẹ thiên nhiên không thiếu thức ăn cho đàn con.

Thân cây chuối gồm những bẹ chuối kết tập không như cây mít cây ổi, cho nên khi gió nhiều, các bẹ chuối trở mình, tạo nên những tiếng rít, những tiếng nầy chung với tiếng mưa rơi trên lá chuối... là những âm thanh thiên nhiên đồng thời là khúc nhạc buồn nhớ đến buồng chuối nặng đè lên lưng mẹ. Tâm và cảnh nào có xa nhau. Ta và người nào có xa nhau. Tôi nói ngậm ngùi anh có tin không?

Mẹ tôi trong một hoàn cảnh khác, chừng 1945, đã bào lấy vỏ lụa bên trong những bẹ chuối sứ phơi khô làm băng cứu thương cho hai anh tôi mang theo ra chiến trường. Cả hai đều chết vùng Cổ Bi, Suối Nước Nóng; một người chết vì không cầm máu. Những băng vỏ chuối đã không bít kín cả những vết thương lịch sử. Nó cứ dây dưa dài dài, trong đó anh được cứu sống bằng canh chuối và tài ‘’kinh bang tế thế” của người mẹ yểu mệnh.

Tôi đã xin phép thêm một chữ vào câu nói của Xanh Đoàn để có: Rốt cuộc ĐỔI đời mẹ chưa có một tấm áo đẹp, một bữa ăn ngon”. Chức vụ thư ký đánh máy chữ, tuy không đủ mua gấm lụa nhung sa, không làm cho mẹ phải mặc áo rách vá vai; tuy không rượu chất đỏ, bít tết vẫn cho mẹ những bữa cơm tàm tạm không làm nhục danh vị người.

Vì cốt để làm nổi bật hình ảnh người mẹ, chúng tôi đã không trích câu ngắn ngay phía trước: -- Ba tôi chết trên trại cải tạo --. Đó là một sai lầm tuy thuộc về kỹ thuật. Sự kiện nầy đóng góp một phần rất, rất lớn cho khổ nhọc của bà mẹ đưa đến cái chết non. Trong lý duyên khởi của Á Đông, các sự việc nhỏ to không xẩy ra đơn độc mà là kết tụ từ nhiều nguyên nhân.

Cũng như thân phụ của anh, tôi đã nhiều ngày “trưa nằm rừng tội gà hoang gáy, thương con nhớ vợ ruột đức ngang” nhưng tôi đã trở về thấy vợ con, đã “tự khắc phục” cơn kiết lỵ, khỏi tay tử thần.

Trong một trường hợp khác, 1945, cha tôi cũng ra đi không trở lại. Tuy khác nhau trong khung cảnh, phóng từ nội quan mà nói, Xanh Đoàn và chúng tôi đã xa lìa thân phụ vì cuộc đời đã chia cắt cha con hết sức vô lý và bất công - la vie nous a séparés, injustement séparés, trong thơ của Flavien Sundhauser.

 

Thư gởi bố

Flavien Sundhauser

Con chạy quanh, rong theo những kỷ niệm bố để lại cho con

thời thơ ấu, cái thời chưa sống hết trong tình thương của bố.

Khi bố đi thì con lớn nhanh.

Thằng bé năm xưa cũng theo bố đi luôn.

Con không bày ra những ảo tưởng,

vì con thích kể bố nghe những giấc mơ tiếp theo những giờ cầu nguyện

và con hy vọng thư đến đúng nơi nhận là bố.

Con không chờ mong bố trở về, con biết không có được.

Nhưng con tin, tin riêng cho con, bố không xa.

Con không bù đắp sự vắng mặt của bố bằng một sự hiện diện tưởng tượng

Nhưng sắp xếp các thứ làm sao chúng không khác xưa.

Con còn khóc, những giọt nước mắt không quên bố;

Hay quá, chúng nói chuyện với bố giỏi hơn con.

Hôm nay nước mắt không xa con vì hôm nay là

ngày cuộc đời đã chia cắt xa lìa chúng ta,

chia cắt bất công, phi lý.

Bố ạ, lần đầu tiên con viết thư cho bố;

không gì mới, ngoài những gì đã kể bố nghe;

để làm gì con cũng không biết nữa:

mà như thể để ruột gan không nặng một món sợ hãi chưa nói ra,

sợ hải cho ngày mai, sợ hãi vì ngày mai.

Thêm việc nữa con không biết làm sao, nhưng con cần,

cho bố thấy cuộc đời của con.

Cũng không biết cách gì chia sẻ được

Trước thực tế duy nhất, chân lý duy nhất:

(ấy là) đời chỉ gồm thiếu vắng

và nhớ thương bố biết mấy cho vừa. (ttt dịch).


Lettre à mon Papa

Flavien Sundhauser

Je me balade dans les souvenirs que tu m’as laissés,

Dans une enfance qui reste inachevée…

Quand tu es parti j’ai si vite grandi

L’enfant que j’étais, est avec toi, lui aussi parti…

Je m’invente pas des chimères,

Préférant te raconter mes songes, dans mes prières,

J’espère juste qu’elles arrivent jusqu’à ta destination,

Je n’attends pas que tu reviennes, je le sais bien,

Mais j’aime à croire, que de moi, tu n’es jamais loin

Je ne remplace pas ton absence, par une imaginaire présence,

Je remplace juste les choses pour qu’il n’y ait pas trop de différence…

Je pleure encore, mes larmes ne t’oublieront pas,

Et il me plait de te dire, qu’elles te parlent mieux que moi…

Aujourd’hui, elles ne m’ont presque pas quitté,

Puisque c’est le jour, où la vie nous a séparés, injustement séparés.

Alors, papa, et pour la première fois,

Je t’écris, je t’écris tout ce que je t’ai déjà dit,

Pourquoi, je ne sais pas, soulager peut-être mon cœur,

Une inavouée pour demain, peur…

Non, je ne sais pas, mais j’en ai besoin aussi,

Et peu importe comment, partager encore avec toi, ma vie…

Je sais papa, mais je ne sais pas comment faire,

Oui, la vérité, la seule c’est que me manque, tant mon père…


Letter to Daddy

Flavien Sundhauser

I’m wandering in the reminiscences you left to me

during my childhood not yet finished under your care.

Once you gone, I grew up so fast,

the lad I was was gone with you too.

I don’t make up any chimera;

I prefer to narrate my dreams mixed up in prayers.

I only expect these would reach the right destination, you.

I don’t long your coming back; I know the impossible

But I believe, secretly in me, that you are not far.

I don’t replace your absence with any fancy presence;

I only straighten up things to keep them unchanged.

I’m still crying, my tears won’t ignore you;

so glad to say they talk to you better than I do.

Today, these tears don’t leave me, they stay with me

Because today is

The day when the life separated us,

Split us wrongfully, unfairly.

Well, Daddy, for the first time, I write to you

I write what I’ve told you up, nothing else.

For what, I fail to realize what for,

but partly as if faintly unburdening my heart

from an undisclosed specteur,

a fear of, and for, the tomorrow.

And this, neither did I recognize why but I need

To share with you my life.

Again, I don’t know to get it done.

Meanwhile, is self-offered to me the bare reality, the unique verity:

the vacuum in mind, populated by my intensely missing you.

(translated by ttt)

Ref: Đêm nghe mưa ra rả ríc trên tàu lá chuối

=================================================

Đập Đá Huế xưa
=====================





No comments:

Post a Comment