add this

Monday, February 24, 2025

An ninh Âu Châu khi Mỹ rút lui



Pháp và Tây Ban Nha thao diễn chung, Feb 2025


Âu Châu cần 300 ngàn lính giữ nhà nếu HK không can dự
Jason Ma *
Fortune Feb 2025 

Cố gắng của Donald Trump cải thiện bang giao với Nga để chấm dứt chiến tranh Ukraine đã làm cho Âu Châu (AC) nghĩ đến chuyện chưa bao giờ nghĩ tới: chấm dứt sự can dự của Mỹ về an ninh với 80 năm lịch sử. Một nhóm nghiên cứu đã ước lượng chi phí tài chánh và nhân lực của AC trong việc tự đảm trách an ninh mà không cần nhờ đến đồng minh HK.
Sức mạnh của AC đang được xem xét lại. Nhưng khả năng chiến đấu của lính Mỹ vẫn cao hơn tổng gộp sức mạnh của mọi quốc gia AC; nói khác quân lực tổng hợp mới nầy không thể sánh bằng quân lực HK dành cho AC, không thể cân bằng một đổi một. Đó là tóm lược ý kiến của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thế Giới Kiel và Bruegel.
Tường trình của Viện nầy cho biết rằng quân đội Nga trở nên lớn mạnh hơn, kinh nghiệm hơn, trang bị đủ hơn từ khi khơi động một cuộc tương tranh đẫm máu nhất từ thế chiến 2 cách nay 3 năm ở Ukraine. Nato và nhiều quốc gia đã nhận định rằng việc Nga tấn công Liên Hiệp Âu Châu EU là một điều quan niệm được, thấy được.
Đan Mạch đã tăng 70% chi phí quốc phòng khi tình báo tháng rồi cho biết Nga có thể phát động cuộc chiến địa phương chống các quốc gia cùng biên giới trong vòng sáu tháng tới; cuộc chiến cấp vùng như các xứ Baltic trong vòng hai năm, và tấn công toàn diện AC trong vòng 5 năm tới, nếu HK không tiếp tục can dự trong vấn đề an ninh của lục địa nầy.
Trong trường hợp Nga tấn công AC lúc nầy, 100 ngàn lính Mỹ hiện đồn trú ở AC sẽ được tăng viện bởi 200 ngàn quân khác. Nhưng nếu không có Mỹ, thì bài tính của AC sẽ khác đi. Các kế hoạch gia nêu trên nói rằng 300 ngàn lính Mỹ mạnh hơn tổng gộp sức mạnh của 29 quốc gia AC. Quân đội Mỹ sẽ đến theo từng đại đơn vị dưới một quyển chỉ huy thống nhất và sít sao hơn bộ chỉ huy Nato. Hơn nữa quân lực Mỹ còn được yểm trợ chiến lược của HK gồm không quân và không gian, những thứ nầy AC không có.
Muốn bù đắp chỗ thiếu hụt ấy, AC phải gia tăng quân số nhiều hơn 300 ngàn và nhanh chống thực hiện sự phối hợp quân sự hữu hiệu ngay lúc nầy.
AC cần vũ khí để chống trả Nga, nhưng còn cần thêm khả năng vận tải, truyền tin và tình báo. Những gia tăng nhân lực và vật lực nầy dĩ nhiên rất tốn kém. AC phải chi thêm mỗi năm 250 tỷ E hay 3,5% tổng gộp lợi tức quốc gia.
Từ khi Donald Trump thắng cử, thị trường chứng khoán quốc phòng vững mạnh thêm, các nhà thầu quốc phòng như BAE System, Thales, Leonardo, Saab làm ra tiền nhiều hơn các công ty Mỹ như Lockheed Martin, Northrop Grumman.
Những kế hoạch tài trợ to lớn khó thực hiện vì Đức đã ấn định mức nợ tối đa, đồng thới Pháp đang gặp khó khăn trong thị trường công khố phiếu. Philippe Legrain, cố vấn kinh tế của chủ tịch EU, đề nghị các quốc gia AC cùng tập thể mượn nợ để thực hiện mục tiêu chung như đã mượn nợ giải quyết chung nạn Covid. Chủ nợ, nếu được, sẽ là  European Investment Bank đã từng cho vay vào mục đích dân sự hay quốc phòng.
Cách nầy hay cách khác, AC phải tái vũ trang ngay lúc nầy. Gia tăng chi phí quốc phòng để phòng thủ hay ngăn chận Nga xâm lấn vẫn ít tốn kém hơn một cuộc chiến dốc toàn lực như ngựa phi nước đại.
Tôn Thất Tuệ dịch

===================================================

Trung Học Châu Văn Tiếp Long Xuyên, trước 1975

===============================





Wednesday, February 19, 2025

Biển Nha Trang của tôi


Hàng dừa bờ biển Nha Trang, thời xưa êm đềm

Biển Của Tôi

Lê Ký Thương * (tạ thế 14.02.2025)

Tôi về Nha Trang gặp lại cơn gió biển mùa hè. Gió không hào phóng nhưng cũng đoán được lòng người khát gió, chừng mực thoảng qua vừa đủ mát, đủ thương. Ngồi dưới gốc dừa nhìn suốt biển đêm, hàng đèn câu ngoài khơi sáng trưng như thành phố nổi.

Tôi nhặt chiếc vỏ nhẵn nhụi, ném xuống mặt biển dát vàng trăng mười sáu Kiều xinh. Biển như tấm thảm nhiệm mầu trong thần thoại Ba Tư. Thảm đưa tôi bềnh bồng bay về chốn thần tiên tuổi học trò trốn học cùng bạn đi hái trái mai dương dọc bờ biển vắng, gai đâm ứa máu bàn tay, bị phạt cấm túc làm vệ sinh sân trường ngày chủ nhật, dấu cha dấu mẹ vì sợ đòn roi. Những giờ nghỉ học, bốn năm bạn rủ nhau xuống biển ôn bài rồi cởi hết áo quần tồng ngồng tắm. Mười hai, mười ba tuổi đầu vẫn hồn nhiên như trẻ lên ba không hề mắc cở. Tha hồ bơi, tha hồ đùa với sóng, tha hồ vo tròn viên cát chia phe ném nhau chí tử. Khi nư với biển lại chạy lên bờ ăn dĩa bò khô cay ứa nước mắt rồi uống ly sữa đậu nành mát rượi.

Đến mùa thi trung học, tú tài, buổi tối chín giờ phố đã vắng người, đứa ra phố, đứa lên nhà thờ đá, đứa xuống biển tìm riêng cho mình một ánh đèn đường đủ sáng học bài thi. Lâu rồi ánh đèn điện bóng tròn trên đường phố Nha Trang như người tình đã vĩnh biệt ra đi. Học là học thật tình chớ không phải đợi một bóng hồng qua. Nửa đêm đói bụng ăn bánh ú hay hột vịt lộn của người bán hàng rong bận áo dài đen đi dọc bờ biển rao giọng Huế mùi tai. Vẫn nhớ như in ngọn đèn hột vịt, sáng lập lòe trong đôi mắt các chị, các o và câu hò chạy suốt những đêm hè dài theo đường biển: ”Học trò sắp sửa đi thi. Không ăn bánh ú chắc gì đậu cao”. Cảm nhận câu hò đêm khuya mà gắng công học. Ai lỡ có người yêu cũng hạn chế hẹn hò. Thi xong tha hồ dung dăng dung dẻ. Giỏi dỡ cũng phải ôn thi đến sói đầu mờ mắt. Không có chuyện học trước những đề thi ôn tập. Lòng tự tin được học từ lớp vỡ lòng. Nhưng năm nào cũng có chuyện ”học tài thi phận”, cũng nghe câu thơ ”thi không ăn ớt thế mà cay”, cũng có người tự tử vì hỏng làm cô tú cậu tú chứ không phải vì người tình phụ rẫy !

Nha Trang ngày xưa
Biển Nha Trang tắm được bốn mùa, ngày đêm bất kể. Chỉ có một năm mùa đông sóng dữ. Chín mười giờ đêm rũ bạn bè đi coi sóng đánh. Đã nghe từ khơi xa tiếng sóng vọng vào, những âm thanh dòn dã như tiếng pháo giao thừa, khi đến bờ sóng chồm lên trắng bờm ngựa chứng. Một tiếng nổ vang rền tưởng sét đánh mưa giông, nước vượt qua kè chắn sóng ào lên đường liếm ướt gót chân. Một hai tảng đá to bằng chiếc bàn ăn bị sóng thần ném vào sân Bưu Điện tỉnh, ai thấy cũng lạnh người. Những quán nước dọc theo bờ biển nát tan… Huyền thoại Ông Tư Yersin dùng súng thần công bắn chết sóng thần cứu dân được nhắc lại.

Qua khỏi mùa đông, biển lại hiền hòa, nhu mì như thôn nữ tròn trăng.

La Joconde (Mona Lisa)
Biển Nha Trang cưu mang những mối tình lãng mạn. Đôi tình nhân nào cũng có một chỗ ngồi riêng, một góc dừa, một cụm dương mái ấm , một bãi tắm riêng… – một thế giới thơ mộng riêng trên bờ biển bao dung. Ngày, đêm, sóng, gió và cát đều thuận lòng với lời tỏ tình ngây ngô, với nụ hôn tình yêu đầu đời vụng dại. Có ai muốn tìm lại chính xác chỗ ngồi xưa để hồi tưởng một tình yêu sâu đậm cũng hoài công dã tràng xe cát. Nhưng cần gì tìm chính xác chỗ ngồi xưa, tiếng sóng rì rào kia sẽ kể lại hết những kỷ niệm ngày nào nếu ai biết lắng lòng nghe tiếng sóng…

Biển bây giờ đã đổi khác cảnh quan, nhưng với tôi vẫn là nàng La Joconde quyến rũ với nụ cười bí ẩn.

===================================



Tuesday, February 18, 2025

Nguồn gốc lễ Phục Sinh

Resurrection, He Qi

Nguồn Gốc Lễ Phục Sinh
The roots of the Easter story

Phục Sinh sắp đến, tín hữu Thiên Chúa Giáo (Christian) nghĩ đến hai nền móng căn bản trong đức tin của họ là: cái chết và sự sống lại của Jesus, xứ Nazareth. Việc nầy không có gì mới vì sự chú tâm nầy đã xuất hiện ngay từ thời Jesus bị hành hình. Tín đồ tin rằng phục sinh không những là một phép lạ mà là bằng chứng cụ thể rằng Jesus đích thực là vị cứu tinh người Do Thái (DT) mong chờ từ lâu để cứu họ khỏi bàn tay của bọn áp bức.
Nhưng phải chăng ý niệm phục sinh tự nó là một tin tưởng duy nhất trong thế kỷ đầu tiên của người DT?
Ý niệm TCG về một Jesus chết đi và sống lại không những làm nòng cốt của toàn thể giáo lý mà nó còn làm cho đức tin TCG tách khỏi Do Thái giáo. Tuy vậy, ý niệm phục sinh đã có từ bao nhiêu thế kỷ trước khi Jesus sống lại.
Isaiad, tìm thấy ở Dead Sea, viết thế kỷ 2 sau JC


Trong huyền sử Ai Cập, thần Osiris được bà vợ tên Isis làm sống lại. Từ đấy mà sinh ra ý niệm phục sinh: "Người thân của ngươi chết sẽ sống lại". Sớm nhất trong các tài liệu bằng chữ viết nói đến sự tái sinh là Chương Isaiah (Book of Isaiah) trong Thánh Kinh. Tập nầy đề cập tương lai tức là thời phán xét cuối cùng, vào lúc người chết sống lại để nhận phán quyết tối thượng của God. Isaiah tiên tri: Người thân của ngươi sẽ sống lại, thân thể ngóc lên đứng lên. Những kẻ chìm sâu trong đất bụi sẽ đứng lên, ca vang sung sướng".
Sau đó Chương Daniel lập lại ý niệm nầy.


Lúc Jesus còn sống, có rất nhiều hệ phái Do Thái giáo tranh nhau ảnh hưởng. Mạnh nhất là nhóm Pharisees đã đưa ý niệm phục sinh vào tư tưởng Do Thái. Theo sử gia thế kỷ thứ nhất Josephus, Pharisees tin rằng linh hồn là bất diệt, sẽ nhập vào thể xác sống lại. Lý thuyết siêu hình nầy đã làm người Do Thái dễ dàng chấp nhận ý niệm Jesus đã sống lại từ xác chết.
Vài thế kỷ sau, các đạo sĩ (Rabbi) đã kết nạp những sơ phát trong Thánh Kinh vào việc sống lại thể xác chết trong thời đại cứu thế (messianic era).

Một nghĩa địa ở Jerusalem
Người  DT tin rằng vị cứu thế đích thực sẽ phải là hậu duệ của vua David sẽ tiêu diệt kẻ thù và tái lập vinh quang hào nhoáng xưa của DT. Trong mấy thế kỷ sau khi Jesus chết, các đạo sĩ giảng rằng linh hồn sẽ sống lại khi vị cứu thế xuất hiện trên quả đất.
Chừng 500 năm sau khi Jesus chết, sách Talmud - tuyển tập quan trọng nhất về giáo luật sau Thánh Kinh - dạy rằng nếu không tin sự hồi sinh, ngươi sẽ không có chỗ đứng trong Thế Giới Sẽ Đến (Olam Ha Ba). Olam Haba là cảnh giới sống của các linh hồn sau khi chết. Đặc biệt, địa ngục không có trong dòng tư tưởng chính thống DT.

Cho đến nay, quan niệm God cho kẻ chết một đời sống được xác nhận trong Amidah, lời cầu nguyện của DT trong các thánh lễ sáng, chiều, tối mỗi ngày.

Đệ tử đầu tiên của Jesus là người DT, những người nầy đã đưa quan niệm phục sinh vào tư tưởng TCG. Tuy vậy, sự hiểu biết về phục sinh trong giới TCG đã đạt những mức độ chưa từng có sau khi Jesus chết.

Theo Phúc Âm Matthew, Jesus, một người DT gốc Galilée đến Jerusalem vài ngày trước lễ Quá Hải (Passover). Ông bị kết tội ly khai chống chính quyền La Mã cùng tội phỉ bán, gây xáo trộn trong dân chúng chuẩn bị hành lễ; lúc ấy Passover là lễ hành hương lớn, dân tứ xứ tụ tập ở Jerusalem.
Jesus bị bắt đưa ra tòa, bị kết án tử hình. La Mã muốn duy trì trật tự La Mã (Pax Romana), ngại rằng các xáo trộn nhỏ trong đám dân hành hương có thể đưa đến nổi loạn; nhiều người cho rằng Jesus là vua của Do Thái.
Jesus bị hành quyết vào ngày thứ sáu (Good Friday) và sống lại ba ngày sau. Cho nên Lễ Phục Sinh vào ngày chủ nhật (Easter Sunday).
Hàng đệ tử đầu tiên không những tin rằng Ngài đã sống lại mà còn tin Ngài là vị Cứu Tinh của người DT mong chờ từ lâu, Ngài thực hiện các lời tiên tri. Tiếp đến Ngài được tin là Đứa Con Thánh Linh của God (The Divine Son of God).
Bản chất của sự sống lại của Jesus là đề tài tranh luận của các học giả và các nhà thần học. Tín hữu tin gì? Phải chăng là một thân xác sống lại làm bằng thịt và máu? hay phải chăng đó là một thực thể tâm linh thuần túy?
Tuy nhiên, sự phục sinh nầy mang một ý nghĩa rộng lớn hơn trong bốn Phúc Âm mà ngày nay làm đức tin của 2 tỷ giáo đồ TCG. Đó là: Jesus đã thắng cái chết; một viên đá nền móng lớn nhất của đức tin TCG.-

====================================================

Nhà Sách Saigon, đường Lê Lợi
=============================



Monday, February 17, 2025

Xin người ghé lại, thơ



    Phan Quận Châu, hiền lành, miền Nam xưa

XIN NGƯỜI GHÉ LẠI
Phan Hòa

Em có về, xin ghé lại nhà anh
Thăm mái lá vẫn đêm ngày chờ đợi
Mẹ viết thư hỏi anh: Sao lâu rồi em không tới?
Lần đầu tiên anh dối Mẹ, rằng em bận việc gia đình.

Em có về, hãy mặc áo thư sinh
Màu áo trắng như trong hình kỷ niệm
Mẹ sẽ nhận ra em với làn môi chúm chím
Đôi mắt hay cười... và mái tóc dài bay.

Nhưng hãy vì anh, xin em dối Mẹ điều này
Điều mà anh đã nhận được, bằng tấm thiệp giữa chiều biên giới
Mẹ chỉ biết lâu rồi em không tới
Vì em buồn trong chuyện vắng xa anh.

Hè năm này, công việc ở trường xong
Em thu xếp và xin chồng ít bữa
Sợ mai mốt anh không về được nữa
Mẹ sẽ buồn vì hai đứa vẫn còn xa.

Nếu có về, em hãy ghé qua
Bảy ngày phép, anh nhờ em chút nhé
Một buổi làm cơm rồi ta cùng ăn với Mẹ
Cho Người vui trọn vẹn cuối cuộc đời.
Nhớ có về... xin ghé lại em ơi!

================================




Saturday, February 15, 2025

 Facebook

Ai ăn của Mỹ 350 tỷ?

Trong video nầy, TT Trump đòi Ukraine trả lại 350 tỷ. Ukraine sẽ kéo mấy chiếc xe tăng cháy và gạch vụn qua Mỹ trừ nợ. Tuy nhiên, theo cách riêng, chúng tôi hiểu câu chuyện thế nầy.

TT Zelensky nói ông chỉ nhận 85 tỷ; thôi hãy nói tròn là 100 tỷ cho dễ. TT Trump nói con số HK viện trợ là 350 tỷ. Ông nói rõ là cho không nhưng Ukraine nhận viện trợ là món nợ. Vậy thì HK đã trao 350 tỷ cho một đệ tam nhân, không ai khác là tổ chức Âu Châu European Union, lúm xúm với nhau, không có Anh; thành viên mạnh nhất là Đức.

EU viện trợ Ukraine dưới hình thức nợ. Nếu cả hai ông tổng thống nói đúng thì EU ăn trọn 350 triệu. Gồm 250 tỷ không chứng minh và 100 tỷ sẽ thu hồi sau vì là cho Ukraine vay. Chúng tôi dự đoán Ukraine nhận tiền mặt và hiện vật. Tiền mặt để điều hành quốc gia và trả lương quân nhân. Hiện vật là phần chính, tức là quân cụ, quân dụng.

Hùng hổ và lớn tiếng nhất là Đức đã huy động các nước như Ba Lan cho Ukraine vài chiếc phóng pháo cơ Mig cũ đã mua từ thời còn là chư hầu của Nga và ở trong minh ước Varsovie. (Nga đã giải thể từ khuya); Ukraine phải huấn luyện phi công.

Đức, Ba Lan và Pháp gởi đến Ukraine những quân dụng xưa cũng do Nato cung cấp nhưng đã lỗi thời.

Đức đã kéo ra khỏi nhà kho mấy chục chiếc xe tăng để "tune up", vô dầu mỡ rồi đưa đi viện trợ. Nhiều chiếc xe không chạy được Đức phải gởi mechanic đi sửa. Khôi hài nhất là những xe tăng hay súng Đức gởi đi đều không có đạn, mặc dù Đức còn tồn kho rất nhiều. Vì sao? Số đạn nầy do Thụy Sĩ sản xuất theo tinh thần các hiệp ước về nền trung lập của Thụy Sĩ. Thụy Sĩ được quyền chế tạo vũ khí và đạn dược cho các nước để tự vệ; các nơi nhận không được chuyển cho nước thứ ba.

Những khí giới và cơ giới tân tiến Ukraine dùng đều do HK trực tiếp gởi đến.

Những thứ quân dụng Ukraine nhận không nghe nói tính ra tiền nay ông Trump nói mới vỡ lẽ.

Ông Trump có đòi thì đòi 250 tỷ trong tay EU, chớ Ukraine có cái đếch gì mà trả, hơn nữa đã nói cho không.

Phát giác nầy không phải là chuyện đùa. Tuy nhiên nó không nằm hoàn toàn trong chuyện tiền nong. Đó là lòng tin giữa đồng minh và khả năng điều hành quốc gia của ông Biden. Vì sao cần một tay mại bản cai thầu (compradore) là EU? Mất đi đâu 250 tỷ. Các cai thầu nầy có ''lợi quả'' (kick back) cho các nhân vật trội yếu ở White House, Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng hay không?

Sư bất tín nầy phần nào giải thích sự coi thường của PTT Vance. Tuy đến dự hội nghị ở Đức, Vance không gặp thủ tướng Đức mà gặp đối thủ chính trị, chỉ trích Âu Châu đủ thứ tại hội nghị quốc tế về an ninh ở Munich. Elon Musk không ngại nhảy vào chính trường Đức chẳng coi ai ra gì.

Thursday, February 13, 2025

Saigon và tình yêu em ...

cây nhạc ngựa hay dái ngựa

SÀI GÒN và TÌNH YÊU EM...

Trần Dzạ Lữ
(để tặng vợ)

Cứ như là trời Huế vào đây
Để Sài Gòn tinh mơ se lạnh
Em ra đường khoác thêm áo ấm
Hóa dịu dàng như Tôn Nữ nào đây?

Tháng Giêng Sài Gòn mà có mưa bay
Trong mắt ai thành chiều Vỹ Dạ
Qua cầu Thị Nghè trút hết đắng cay
Khi gặp nhau không còn xa lạ.

Nhắp ly cà phê dưới tàn bóng cả
Của hàng cây nhạc ngựa bên đường
Tự dưng ấm lòng khách lữ
Một thời yêu cô gái Sài Gòn.

Một thời nào ta cứ lang thang
đời vô định trước ngã năm ngã sáu
khi không mình thành chồng vợ
em về xứ Huế cùng anh.

Bây giờ tóc đã thôi xanh
Sài Gòn vắt vai thêm những cư dân
Anh vẫn không quên tháng Giêng ngày ấy
Nắng vàng hanh ngõ nhà em...

Mình về không có trầu têm
Không có pháo hoa ngày cưới
Nhưng tấm lòng trước sau như một
thủy chung gần hết trăm năm.-


Ghi chú: không biết xuất xứ, bài gởi qua email. Ngã năm, ngã sáu, đã sửa lại từ dấu hỏi.




Thursday, February 6, 2025

VN chịu chơi bom


VN chịu chơi, cấy chi cũng chơi, muốn ôm bom tự sát theo Allah

Bản tin ngày Feb 4 2025 của Bộ Tư Pháp HK

Minh Quang Pham (PQM) cũng được gọi là Amim, 44 tuổi, bị kết án 44 năm tù và chung thân theo dõi sau khi mãn tù vì tội dự mưu nổ bom tự sát theo lệnh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Arabian (AQAP).
PQM phối hợp với một tay khủng bố nhiều người biết là Anwar al-Aulaqi sắp xếp cuộc nổ bom tự sát tại phi trường Heathrow nhưng may chúng không đạt ý muốn, nếu không thì gây nhiều thương vong. PQM cố gắng thu nạp nhiều người và xúi dục khủng bố. Hành vi của PQM vào tháng Dec 2010 nhằm phá vỡ thành trì an toàn của chúng ta và các nguyên lý hòa bình an lạc chúng ta nuôi dưỡng.
Trong khi cư ngụ ở Luân Đôn, vào tháng Dec 2010 PQM cho biết ý định du lịch Ireland. Từ đó anh ta đi Yemen, căn cứ chính yếu của AQAP để gia nhập tổ chức nầy trong mục đích nhân danh AQAP xúc tiến thánh chiến và trở thành thánh tử đạo. Anh ta đã tuyên thệ trung thành dưới sự chứng giám của một lãnh tụ cao cấp.
Ở Yemen từ 2010 đến 2011, PQM giúp đỡ, và được huấn luyện bởi,
Anwar al-Aulaqi, một lãnh tụ cao cấp, sinh ở Mỹ. Người nầy khuyên PQM trở về Anh liên lạc với những cá nhân muốn đi Yemen. Ông cho PQM một số tiền, số điện thoại và địa chỉ email. Ông ấy giữ laptop của PQM để đổi một cái khác tinh hảo sạch sẽ, phòng khi bị lục soát thì không có gì gây khó khăn.
Chừng giữa năm, trước khi về nước, Phạm diện kiến al-Aulaqi để xin chỉ dẫn về cách tự sát phục vụ AQAP. Ông đích thân chỉ dạy cách làm bom nổ có tầm sát hại bằng những hóa chất gia dụng và chỉ cách châm ngòi khi đến phi trường Heathrow. Ông khuyên giữ chất nổ trong túi xách và định mục tiêu là cổng đến của du khách từ Mỹ hay Do Thái.
Trong thời gian nầy, PQM làm nhiều video mô tả sự chuẩn bị tấn công đang dự định. Có cảnh đang quấn dây điện, có cảnh mang túi xách trên vai có chất nỗ và dây điện quanh người.
Một video cho biết kết quả PQM khuyên dụ kẻ khác thi hành thánh chiến ở trong nước hay ngoại quốc. Một video dài chừng 13 phút ghi lại độc thoại của PQM. "HK không chống lại một nhóm nào, một tổ chức nào. HK chống lại toàn thể đạo quân của Allah, những kẻ tin Allah. Chúng ta có ân huệ là ở ngay trong lòng địch, trên đất của chúng. Vậy hỡi người anh em, theo ý của Allad, inshallah, hãy đoàn kết, sẵn sàng đánh địch trên đất của chúng, cho đến khi theo ý Allah, chúng đổ máu mà chết sạch.
Trong thời gian ở Yemen, PQM tiếp tay Samir Shan, công dân Mỹ nay đã chết, viết và phát hành tạp chí Inspire, cơ quan tuyên truyền của AQAP, nhờ chuyên môn trang trí và vẽ hình hoạt họa đã học ở trường cao đẳng Anh quốc.
Al-Aulaqi đã cấp cho PQM tập huấn thị 6 trang, chỉ cách ôm bom tự sát ở phi trường Heathrow. Hoặc giả chưa làm gì được thì mai phục, không làm gì trong ba tháng đầu mà hãy chờ đến Noel hay Tết dương lịch ở chỗ đông người hiệu quả hơn. Hãy dùng bom có mảnh mới giết được nhiều chứ bom hơi thì sát hại ở tầm rất gần.
Ngày July 27, 2011, PQM trở về, đến phi trường thì bị chận hỏi. Chính quyền lục soát, tịch thu nhiều thứ. Đặc biệt là một băng đạn con nguyên, cở 7,62 mm có thể dùng với AK tấn công, loại vũ khí mà PQM đã được huấn luyện tại Yemen. PQM không bị câu lưu nhưng đến dầu Dec 2011, PQM bị bắt về tội vi phạm luật di trú, xuyên qua việc mang theo đạn tươi còn sử dụng được. Lục soát nhà ở, những nơi PQM lui tới, xe, chính quyền tịch thu nhiều vật dụng điện tử dùng trong thông tin. Sau đó, giảo nghiệm cho biết PQM vẫn tiếp tục đọc những diễn văn, bài viết của al-Aulaqi, từ khi rời Yemen.
Ngày May 24, 2012, đại bồi thẩm đoàn đã cáo buộc PQM có tội khủng bố ra lênh tạm giam trong khi Anh quốc chưa quyết định dẫn độ theo yêu cầu của Mỹ.
PQM đã thực sự bị dẫn độ về Mỹ ngày Feb 26, 2015. Ngày Jan 28, PQM nhận tội và bị tuyên án 40 năm tù. Sau nhiều lần kháng cáo và xử lại, PQM vẫn tiếp tục nhận tội. Bản án cũ bị hủy bỏ để xử lại. Nhưng lần nầy cộng thêm những tội trạng khác và chung cuộc ngày Feb 4, 2025  PQM mang án tù 44 năm.


Tuesday, February 4, 2025

Cô hàng xóm, thơ

Đông Ry Nguyễn

CÔ HÀNG XÓM
Đông Ry Nguyễn

Năm xưa vào lính ta còn trẻ
Giữa lúc đang còn học dở dang
Những lần nghỉ phép về thăm mẹ
Quanh quẩn chơi cùng một lũ em.
Nhà bên vừa lớn cô hàng xóm
Má lúm đồng tiền duyên lắm thay
Mẹ bảo khi nào tan chinh chiến
Mẹ sẽ cau trầu hỏi cưới ngay.
Nghe nói ngượng ngùng em đỏ mặt
Chẳng dám chuyện trò, chẳng ngó nhau
Mai ta đi lúc sương mờ đất
Em còn ngủ nướng có hay đâu.
Đồn xa đôi lúc hình như…nhớ
Định viết thư về, nghĩ lại thôi
Đời lính phong sương nhiều gian khổ
Lỡ chuyện không may vướng lụy người!

Ngày ta thua trận về quê cũ
Em báo tin em sắp lấy chồng
Lấy chồng thì mặc…chồng em chứ
Mắc gì em hỏi ta buồn không?
Làng ta ở cạnh sân ga nhỏ
Những chuyến tàu qua ít lúc dừng
Nửa đêm thức giấc nghe còi hú
Ta nhớ biên cương, nhớ núi rừng.
Giá như được chết ngoài quan ải
Còn mảnh chiến bào bọc lấy thây
Đâu phải bây giờ cam giả dại
Nuốt nhục vào trong chén rượu này.

Mỗi năm tết đến cô hàng xóm
Vẫn dắt con về thăm xóm xưa
Gặp nhau em vẫn cười e thẹn
Ngập ngừng…anh có vợ con chưa?
Thưa em, từ bữa hờn sông núi
Mẹ già thôi nhắc chuyện trầu cau
Đời ta vốn đã mang tù tội
Đâu có cô nào dám lấy đâu!

=====================================




mâm cơm chiếu ba mươi Tết

 

mâm cơm chiều ba mươi tết

Ngô Văn Thu

Khi tôi cùng người bạn đến quán cơm của “Mẹ Huế”, thì bàn trong, bàn ngoài của quán đã đông khách, đành phải chờ.

Quán cơm của “Mẹ Huế” được đông khách như vậy, vì quán không phải dựng lên để bán cho khách thập phương lỡ bước ghé vào, mà quán, gần như riêng biệt bán cho quân nhân và các viên chức chính phủ, làm việc trong toà hành chánh tỉnh ra ăn mà thôi, nên không có bóng dáng thường dân vào quán.

Tôi không thuộc quân số của tiểu khu Quảng Tín, mà thuộc quân số của trung đoàn bộ binh, trung đoàn của tôi lại đồn trú trên lãnh thổ tỉnh Quảng Tín, cách thị xã Tam kỳ 13km, nhưng vì có mấy trạm tuyển mộ tân binh và trạm kiểm soát quân sự do tôi phụ trách, nên tôi thường có mặt ở Tam kỳ.

Quán của “Mẹ Huế” nằm trong một khu bình dân của thị xã Tam-kỳ, cách toà hành chánh tỉnh Quảng Tín vài cây số, tiện lợi cho quân nhân và viên chức từ tòa tỉnh chạy xe ra ăn.

Không ai biết quán (cũng là nhà của “Mẹ Huế”) cất lên tự lúc nào trên khoảnh đất thoáng rộng, đủ chỗ cho hàng loạt xe honda đậu khi vào quán dùng cơm, lại có bụi tre phủ bóng mát trước nhà nữa.

Khi tôi biết được quán của “Mẹ Huế” và thường xuyên đến ăn thì quán đã đông thân chủ. Tôi nhập cuộc vào chốn cơm hàng cháo chợ nầy, vì đời lính xa nhà. Lần hồi, cơ duyên đưa đẩy, tôi như chỗ người nhà của quán cơm “Mẹ Huế” luôn.

Tôi không biết tên của “Mẹ Huế”, chỉ nghe người ta kêu vậy tôi cũng đành theo khuôn phép đó. “Mẹ Huế” ước chừng năm mươi lăm, sáu mươi tuổi gì đó, thân hình “Mẹ Huế” trông mảnh khảnh, nhanh nhẹn so với tuổi đời của mẹ. “Mẹ Huế” lớn tuổi hơn đám khách chúng tôi khoảng mười lăm tuổi. Không thấy “Ba Huế” có mặt bên “Mẹ Huế”. Có lần không nén được nỗi buồn của mình vì tình duyên đứt đoạn giữa đường, ”Mẹ Huế” hé lộ đôi lời tâm sự. Mẹ kể: thời còn con gái, Mẹ có quán cơm bán lưu động trên tàu lửa xuyên Việt. Cuộc đời Mẹ đong đưa ngược xuôi trên con tàu, nay đây mai đó, ”sáng Huế, xế Quảng”. Và đã từng nhỏ giọt buồn cho từng ga, khi phải chứng kiến những cảnh đưa tiễn người thân đi xa. Nhất là thời chiến tranh bùng nổ mạnh trên đất nước.

Đã có hàng chục va-gon tàu, chở quân đội ra tiền tuyến, và cũng có hàng chục va-gon khác, chở thanh niên các miền vào quân trường huấn luyện. Rồi buồn thay! Có những lần tàu trở về, một vài va-gon đó, lại mang theo quan tài của người xấu số trong họ, đã ra đi ngày nào. Bài hát "Biệt Ly" của Doãn Mẫn thật thấm thía trong hoàn cảnh nầy. (Biệt ly tiếc thương từ đây….Ôi, còi tàu như xé tấm lòng!…)

Biết vậy, nhưng trái tim Mẹ vẫn bị thổn thức bởi một chàng trai hào hiệp, đã cứu mẹ thoát một tai nạn, khi tàu bị mìn lật trên đoạn đường Lăng Cô - Huế. Người đó không ai khác hơn là chàng sĩ quan tùng thiết trên tàu lửa, người có nhiệm vụ bảo vệ tàu. Người ấy săn sóc cho Mẹ thật tận tình, không có ơn nghĩa nào đền đáp được. Thế rồi từ đó, hai người dành cho nhau nhiều cảm tình “đặc biệt”. Với hai đứa con, một trai 17 tuổi và một gái 15 tuổi ra đời, là kết quả cuộc tình đó.

Nói đến đây, ”Mẹ Huế” bỗng dừng lại, không kể tiếp phần cuối những ly kỳ, bí hiểm hơn, tại sao “Mẹ Huế” lại có mặt tại Tam Kỳ nầy và, người hùng của “Mẹ Huế” sau đó đã bị mất tích trên chiến trường tết Mậu Thân Huế như thế nào (vì hết thời gian biệt phái qua đường sắt, nên phải trở về đơn vị tác chiến cũ). Hai đứa con của “Mẹ Huế”, chúng biết thân phận mồ côi cha, nên lo toan giúp mẹ mọi bề trong quán cơm nầy.

Tam Kỳ 1960s
Tuy “Mẹ Huế” là người Huế, ước chừng Mẹ không phải gốc chính Huế, nên nhiều khi “Mẹ Huế” nói chuyện, phát âm nhiều chữ hơi nặng không như Huế đại nội. Nhưng dù ở miền nào của Huế, món ăn của ”Mẹ Huế”cũng có thứ đặc biệt như mắm ruốc đầy chất Huế.

Ban đầu ăn, tụi nầy thấy mùi hơi khó chịu vì chưa quen, nhưng “Mẹ Huế” cứ “cưng” hoài món hàng nầy vào các món ăn của Mẹ nên ăn riết đâm ghiền, không còn phàn nàn nữa. Quả là “Mẹ Huế” có tài “lãnh đạo và chỉ huy”.

Thực đơn, bữa ăn của “Mẹ Huế” dành cho thực khách, đám thanh niên xa nhà như chúng tôi vẫn thường là: cá kho mặn, canh bầu hoặc dưa gan, hột vịt dầm nước mắm ớt và một dĩa thịt heo ba chỉ cuộn với rau sống chấm mắm nêm lõng. Bọn ”hạm” chúng tôi tuổi ngoài đôi mươi, thấy món gì “Mẹ Huế” cống hiến trong bữa ăn cũng hài lòng khen ngon cả, vì sức trai, nhai đá cũng giòn kia mà!

Cứ thế “Mẹ Huế”, nay món nầy mai món khác, “vỗ béo” đàn con của Mẹ vì nghiệp nước phải xa nhà, không nơi nương tựa bữa ăn ấm cúng của gia đình. Đặc biệt có những bữa ăn không trùng ngày lễ lạc giỗ kỵ gì cả, thế mà bỗng dưng thịnh soạn hơn thường lệ. Có thịt heo quay, có cua biển luộc với dĩa muối tiêu chanh hấp dẫn, còn có tô cháo lươn da vàng ngậy trên bàn nữa. Ai nấy cũng lấy làm lạ tò mò hỏi nhau: Cái gì đây? Sinh nhật của Mẹ? hay tình yêu của Mẹ lên ngôi lần nữa? Sai bét hết, không có gì cả: Chỉ là, “Mẹ Huế”vừa gặp mặt ông Huyện Đề. Ông Huyện Đề đẹp trai của “Mẹ Huế” vừa cho Mẹ gặp mặt nên Mẹ vui, Mẹ hỷ xả  “cúng dường” cho chúng sanh là chúng tôi một bữa ăn thật đặc biệt để góp phần vào hạnh phúc riêng của Mẹ. (Hàng tuần “Mẹ Huế” đều vui chơi với ông Huyện Đề).

Chúng tôi thường bảo nhau: cầu cho “Mẹ Huế” gặp ông Đề hoài hoài để tụi mình sướng. Song tiếc thay, đôi khi trông mặt “Mẹ Huế” cũng eo xèo buồn, vì lý do: ông Đề bận đi nghỉ phép xa, không cho “Mẹ Huế” gặp mặt như những lần trước nữa.Trông “Mẹ Huế” buồn mà chúng tôi cũng buồn lây, vì thiếu “hàng xịn” trên mâm cơm.

”Mẹ Huế” tính tình hào phóng, có đồng nào ngoài khoảng tiền căn bản mồ hôi nước mắt của mình làm ra là Mẹ “xả láng” với tụi tôi ngay. Vì Mẹ nghĩ : “Tiền làm ra để trên gác, tiền cô bác để ngoài hiên”.

“Mẹ Huế” có thói quen: dù phải bận rộn với công việc, nhưng trên môi của “Mẹ Huế” lúc nào cũng gắn chặt điếu thuốc lá cẩm lệ của Quảng Nam. Mẹ luôn nheo nheo đôi mắt để tránh làn khói mỏng tỏa ra từ điếu thuốc và miệng thì vẫn bập bập điếu thuốc để tìm cảm thú riêng cho mình. Chính gia đình tôi đã góp phần thú vị nầy vào đời sống của “Mẹ Huế”. Trước khi bị gọi vào quân trường sĩ quan bộ binh Thủ Đức, tôi là người quản lý của gia đình, phân phối thuốc lá Cẩm Lệ-Quảng Nam-Đà-Nẵng đi khắp miền Trung. Nay không ngờ,” Mẹ Huế” lại là khách hàng của tôi và tôi lại là khách hàng của “Mẹ Huế” qua mâm cơm nầy. Chuyện đời có lắm điều thú vị bất ngờ khó nói được!

Tôi không biết có lần nào trong mâm cơm chúng tôi ăn, có “độn” tàn thuốc lá của “Mẹ Huế” vào không, vì môi “Mẹ Huế” luôn gắn chặt điếu thuốc, nhưng nếu chẳng may, có bị “độn” đi nữa thì cũng chẳng ai bị ngộ độc, vì thuốc lá được bào chế với hương liệu không có hoá chất độc hại như ngày nay, mà toàn là thảo mộc quý, tinh chiết ra để ướp thuốc cho thơm ngon mà thôi. Nên, dẫu cho tàn thuốc đó có “độn” vào mâm cơm đi nữa thì, cũng xem như là “bột ngọt” của “Mẹ Huế” nêm vào cho ngon cơm, ngon canh chứ không có vấn đề gì.

Bữa cơm ngon là vậy, còn nước uống thì sao. ”Mẹ Huế” rất cẩn thận lo chuyện nầy. Mẹ thường cho thực khách uống nước chè lá tươi, mà phải là chè lá của núi rừng quận Tiên Phước, Quảng Nam nổi tiếng Mẹ mới vừa lòng. Mẹ nói: uống chè xanh dễ tiêu thực. Do đó, một khạp nước chè tươi được kê sát với bụi tre đổ bóng mát trước cửa. Không biết Mẹ có nghiên cứu điạ hình, địa vật trước không, chứ đặt khạp nước nơi đây quả là đúng “chiến thuật, chiến lược”. Vì ăn xong, người người đều đổ mồ hôi, ra đây vừa nhâm nhi ly chè tươi, vừa hưởng được làn gió mát từ bụi tre tạt vào thì hỏi còn gì thỏa lòng cho bằng.

Quán “Mẹ Huế” gần như có thực đơn bốn mùa. Tinh mắt sẽ thấy: Mùa xuân khi nhà vườn có cải con còn non, ”Mẹ Huế” cho ăn thịt heo luộc cuốn với cải, khế lát, chuối chát, bắp chuối xắt mỏng, rồi chấm với mắm nêm nguyên chất đang còn con mắm cơm đỏ ửng. Tất cả được cuộn tròn vào bánh tráng mỏng, rồi được đưa vào miệng, cắn một miếng, lật thế nhai, nghe giòn tan cọng cải đang trộn với mùi gia vị tỏa ra thấm vào lưỡi, nồng nồng cay cay, khiến mọi cảm giác của tứ chi lâng lâng tê dại. Ôi! còn món cao lương nào cỡ triều đình sánh kịp.

Mùa hè “Mẹ Huế” lại cho ăn đổi bữa các loại cá: nào cá thu, cá ngừ, cá chuồn, cá hố. Nào kho, nào chiên, nào hấp, món nào cũng “đắm đuối” khẩu vị thực khách cả. Ngoại trừ cá sấu. Có lần tôi hỏi đùa “Mẹ Huế”. Chừng nào Mẹ cho ăn cá sấu đây? nghe xong Mẹ rùng mình nói: - ăn cá sấu, chết không đầu thai lại kiếp người được, vì cá sấu ăn thịt người, chẳng lẽ chúng ta ăn chúng ta sao mà đòi ăn thứ dại đó. Ghê qúa!


tiệc cưới Quảng Tín 1970s
Đầu mùa thu, khi các loại bí, bầu, su, mướp còn sum sê lủng lẳng trên giàn thì “Mẹ Huế” lại cho ăn các thổ sản đó.

Đông về, “Mẹ Huế” lại thay món, cho ăn các loại mắm: mắm dưa, mắm cải, mắm cá chuồn và đặc biệt là mắm cá sặc ở Miền Nam.

Tóm lại, “Mẹ Huế” đem tất cả sở trường của người đầu bếp có kinh nghiệm lâu năm trong nghề ra phô diễn tài nghệ, thử hỏi làm sao quán của “Mẹ Huế” không đông khách cho được.

Đám khách trẻ chúng tôi nhờ có quán cơm của “Mẹ Huế” mà được an ủi phần nào thân phận kẻ xa nhà. Một năm chỉ được vài ngày phép eo hẹp, hiếm hoi với gia đình. Thời gian còn lại chỉ trông cậy vào quán cơm của “Mẹ Huế”, ăn để khôn lớn với đời và chiến đấu với nghịch cảnh của chiến tranh.

Ngoài chúng tôi ra, quán cơm của “Mẹ Huế”, đôi khi cũng có những ngoại lệ khác như đón vài khách đặc biệt nữa.

Khách đây là vài gia đình tử sĩ, từ xa về toà hành chánh tỉnh làm hồ sơ nhận xác chồng hay hồ sơ lảnh tiền tử tuất, nhưng gặp phải giờ cơm, nhân viên xã hội đưa họ đến quán “Mẹ Huế” để họ ăn tạm rồi trở vào làm tiếp.

Đối với loại khách đặc biệt nầy, “Mẹ Huế” không những tiếp đãi ân cần mà còn không nhận tiền cơm nữa. Vô hình chung, quán của ”Mẹ Huế” đã biến thành cơ sở xã hội thiện chí của gia đình quân nhân toà hành chánh hồi nào không hay. Tiếng lành đồn xa, ai nghe được cũng dành cho “mẹ Huế” lòng qúy trọng đáng kính.

Tết năm nào không bận công tác đi xa, vì quá lạc lõng, tôi tìm đến quán “Mẹ Huế” để hưởng ké tình xuân. Tuy quán đóng cửa, tôi vẫn được cho vào. ”Mẹ Huế” tử tế cho ăn các món đặc biệt xuân của Huế do tự tay Mẹ nấu nướng, cúng kiếng trong ba ngày tết cổ truyền.

Rồi mùa xuân năm 1970, chiều ba mươi tết, sau công tác trở về từ quận miền núi Tiên Phước, tôi ghé quán ”Mẹ Huế” để biếu Mẹ chút quà lấy thảo: nào hồ tiêu, cau trầu tươi, chè lá xanh, mấy trái mít mật, mấy bẹ vỏ quế rừng thơm có tiếng. (“Mẹ Huế” thường hay pha chút đỉnh quế vào tô nước chấm, vừa ngon vừa trừ được bệnh tháo dạ) cùng vài lít mật ong, thổ sản của rừng núi quận Tiên Phước .

Bước vào quán, tôi thấy trước cửa được bày biện một chiếc bàn tròn đầy đủ lễ vật, hoa quả cùng với mâm cơm thịnh soạn trông trang nghiêm, thành kính đang cúng. Hương, đèn cháy lung linh. “Mẹ Huế” trong chiếc áo dài lam, hai bàn tay chụm lại thành búp sen trước ngực, trong tư thế chánh niệm râm râm khấn vái, tưởng nhớ tới thằng Hiền, thằng Mân, thằng Ngoạn và thằng Tưởng cùng với mấy đứa nữa mà “Mẹ Huế” không nhớ hết tên, đã đến quán ăn của Mẹ, nhưng nay thì ”chúng” đã ra đi vĩnh viễn không về nữa, thật tội nghiệp quá, Mẹ nhớ chúng quá.

Tôi nép mình bên “Mẹ Huế” yên lặng xúc động, vì cứ ngỡ rằng: mâm cơm chiều ba mươi tết của Mẹ, cốt yếu để cúng tổ tiên theo thông lệ rước ông bà của Mẹ mà thôi, nào ngờ mâm cơm nầy, Mẹ chỉ cúng để tưởng nhớ mấy “đứa con” lính, tứ xứ của Mẹ ngày nào.

Tôi cầm tay Mẹ, cử chỉ như đại diện cho những anh linh bạn bè đã khuất, bày tỏ lòng biết ơn đến Mẹ. Vì trong thời gian và không gian lắng đọng của ngày cuối năm nầy, khắp mọi nhà, mọi miền, ai ai cũng bận tâm nghĩ đến tổ tiên ông bà mình, còn mấy ai nghĩ đến người khác. Duy chỉ có ”Mẹ Huế” ngoài việc cúng bái cho gia đình mình, lại còn nhớ đến anh em đồng đội của tôi nữa. Họ đang vùi thân trong lòng đất lạnh, nơi bìa rừng, bên hốc đá nào đó, vĩnh viễn xa lìa mùa xuân, dù mùa xuân của họ còn rất dài…

Thử hỏi, nếu không có mâm cơm của “Mẹ Huế” trong chiều ba mươi tết như thế nầy, thì những vong linh nằm đâu đó sẽ lạnh buốt tê tái đến thế nào! Mâm cơm của ”Mẹ Huế” cúng, còn có ý nghĩa như ánh lửa hồng từ trái tim Mẹ tỏa ra làm ấm áp phần nào bao vong hồn đang lạc lõng ở cõi mù xa.

Qua đó, tôi cảm nghiệm được rằng: “Mẹ Huế” tuy có đời sống bình dị, không điạ vị gì cao sang trong xã hội cả, Mẹ chỉ làm công việc bình thường mà không một ai khi đã học qua vỡ lòng “quốc văn giáo khoa thư” thuở thiếu thời mà không rõ: “Thấy người hoạn nạn thì thương, thấy người đói rét lại càng thương hơn”. Do đó “Mẹ Huế” đã trải trái tim Bồ-Tát của mình ra để bù đắp những mất mát to lớn mà các bà mẹ, bà vợ của lính phải miệt mài gồng mình gánh chịu trong suốt cuộc chiến.

Thế rồi biến cố ba mươi tháng tư xảy ra, mỗi người tan tác mỗi ngã.

Năm 2006, sau khi từ Mỹ về thọ tang mẹ ruột xong, tôi đón tàu lửa vào thị xã Tam Kỳ lân la tìm lại quán cũ của ”Mẹ Huế”, để nhớ lại những ngày xưa, những ngày mà “Mẹ Huế” luôn luôn bận rộn lo từng bữa ăn cho chúng tôi.

Buồn thay, tất cả nơi đây nay đều xa lạ và ngỡ ngàng. Chỉ còn một nhân chứng sót lại cho biết: Sau một chín bảy lăm, ”Mẹ Huế” đã bị việt cộng bắt đi tù sáu tháng về tội giúp đỡ và có liên hệ chặt chẽ với chế độ ngụỵ.

Ra tù, ”Mẹ bị cưỡng bức đi vùng kinh tế mới ở Kontum. Do đã già yếu và buồn phiền, không chịu nổi với sương lâm chướng khí, nên Mẹ đã chết trên vùng đất đau thương đó. Qua đi một đời người rộng lượng, cao cả đáng kính.

Thế mà, Mẹ đã bị những kẻ vô minh, nuôi lòng thù hận nhỏ nhen giết chết đời Mẹ.

Nay sống trên đất Mỹ, hàng năm, tết nào tôi cũng có mâm cơm chiều ba mươi tết, để rước ông bà và rước luôn “Mẹ Huế” về vui xuân với gia đình, tôi coi “Mẹ Huế” cũng là ông bà của mình, để có dịp trả ơn ” Mẹ Huế”. Xin “Mẹ Huế” chứng giám lòng thành của con.

[Không rõ xuất xứ, minh họa của người post]

========================================================

   ♪  Ave Maria – Nam Mô M Huế

Saturday, February 1, 2025

tai nạn máy bay ở thù đô HK

cấp cứu tai nạn máy bay trên sông Potomac

Vài chữ về tai nạn máy bay ở D.C.

Tôn Thất Tuệ

[9 giờ tối ngày 29.01.2024, hai máy đụng nhau trên không phi trường Ronald Reagan tại trung tâm thủ đô HK. Một bên là phi cơ  American Eagle với 60 hành khách và 4 nhân viên phi hành, xuất phát từ tiểu bang Kansas đang chuẩn bị đáp. Một bên là trực thăng quân sự Black Hawk xuất phát từ Fort Belvoir, Virginia gần kề, trong một phi vụ huấn luyện cũng muốn đáp. Ba quân nhân trong "cối xay tiêu" và 67 người khác trên máy bay dân sự đều tử nạn rơi xuống sông Potomac]

1. Hai người Nga Yevgenia Shishkova và Vadim Naumov, một cặp vợ chồng, đã đoạt giải nhất figure skating ở Alberta Canada 1996. Ba năm sau 1998, đôi bạn định cư ở Hoa Kỳ, tiếp tục sống theo nghệ thuật thể thao nầy, trình diễn và sau cùng làm huấn luyện viên. Hai coach đi theo đoàn skating Boston tập dợt tại tiểu bang Kansas và trở về. Đoàn gồm 16 người đều tử nạn. Dù có nhập Mỹ tịch hay không, họ vẫn có dòng máu Nga, cho nên Nga chia buồn thì dễ hiểu. Không có tin hai người nầy hoạt động có lợi cho Nga như tình báo, tuyên truyền ...

2.- Sơ khởi, nguyên do gần là trực thăng nhà binh bay quá cao so với mức ấn định, ở cao độ 300 feet thay vì 200 feet và đã đi ngoài đường bay gần 1/2 mile. Donald Trump được thông báo sớm nhất và ông nói tai nạn nầy có thể tránh được.

DT nhận briefing nhiều hơn báo chí là việc dĩ nhiên. Những tin tức đó đã làm ông đi xa hơn nguyên nhân gần vừa nêu (quá cao và xa đường). Ông đã chỉ trích việc điều hành FAA (cơ quan hàng không) và nhiệm vụ điều khiển phi cơ (air control) từ thời Obama và Biden. Có thể DT đi quá xa, vì giữa ông tiền Obama và ông hậu Biden thì DT có bốn năm múa gậy; ông cũng phải gánh trách nhiệm. Dân Chủ và phe chống không thấy điểm tế nhị nầy mà chỉ nói như máy, trách DT vũ khí hóa (weaponize) mọi thứ mà không nghĩ tới các nạn nhân. DT đã dành một phút mật niệm trước khi họp báo và ông đã huy động hai bộ liên hệ chu toàn vấn đề từ A đến Z, Bộ Quốc Phòng và Bộ Giao Thông. 

3. Donald Trump biết trước báo chí hai điều tạm gọi là nguyên nhân xa; từ đó ông đã chỉ trích tuyển dụng ngoài điều kiện khả năng đã làm tê liệt mọi cơ quan trong đó có FAA, không có người thông minh và ý thức trách nhiệm. Hai điều DT biết trước thế giới bên ngoài là:

        3.1.- Nhân sự trên đài kiểm soát bất bình thường. Công việc của hai kiểm soát viên dồn vô một người và việc ghép chung nầy xẩy ra sớm hơn thường lệ 40 phút; trong thời gian nầy xẩy ra tai nạn. Việc ghép chung đã xẩy ra từ lâu được FAA chấp thuận; supervisor dươc phép quyết đinh lúc nào là luc ít luân lưu (low traffic) để một KSV có thể trông coi trực thăng và máy bay. Các phi công đã từng lên xuống ở đấy cho rằng phi trường nầy không có lúc nảo gọi là lúc low traffic; trái lại luôn bận rộn, nhất là trực thăng đưa các yếu nhân di chuyển từ các bộ đến White House; nhiều máy bay nhỏ loại vừa dành cho công vụ và ngoại giao đoàn. 2024, có 88 ngàn lần trực thăng đáp.

Ma đưa lối quỷ đưa đường hay sao mà một KSV đã quẹt thẻ về sớm hơn thường lệ 40 phút (không rõ có sự đồng ý của supervisor hay không; đồng thời không rõ người nầy phụ trách loại phi cơ nào).

        3.2.-  Ngài "The 47th" (The Fourty Seventh, tên mới mà ngành ca tụng dành cho Trump) nói chúng ta cần những người thông minh. Ông ám chỉ KSV không lưu. DC và báo nói "The 47th" cả vú lấp miệng em. Nhưng theo chúng tôi, DT nói vậy căn cứ vào những điều ông được tường trình rất sớm, trước mọi người.

KSV 30 giây trước khi tai nạn xẩy ra nói với phi công trực thăng: anh có thấy chiếc máy bay dân sự hay không? Thấy một người sắp rơi xuống hồ, bạn phải ra lệnh, ngưng, thối lui, qua trái qua phải, chứ không hỏi: mày có thấy nước sâu trước mặt hay không. Khi bạn vào trong vùng của hoa tiêu (piloting) bạn đã nhờ hoa tiêu hàng hải hay kiểm soát không lưu thấy giúp và trông chờ quyết định chỉ hướng (navigation).

Dù có thấy đi nữa, hai bên không thể liên lạc vì trực thăng dùng UHF (ultra high frequency) trong lúc phi cơ phản lực dùng VHF (very high frequency) do đó cả hai phải nhờ đài không lưu, vừa có UHF và VHF.

Đến giờ đó, đài mới phản ứng thì có thể ức đoán trực thăng đã đi sai đường từ lâu mà đài không không làm gì. Có thể KSV không chuyên về trực thăng, hay bận chú tâm đến phi cơ phản lực. 

Cho thực sự công bằng với KSV nầy, phải nói thêm sau câu hỏi nầy, KSV có ra lệnh trực thăng thay bãi đáp, một quyết định không rõ ràng. Chỉ cần lên xuống qua về trong một khoản cách tương đối nhỏ, tất có thể tránh đụng nhau. Mà đáp bãi nào, phi trường có ba 'run way'.

Những ghi nhận trên đây không thể giải thích tai nạn một cách đầy đủ. Tai nạn nằm trong mớ bòng bong của trùng trùng duyên khởi. Xa và xa lắm như phi trường nầy nằm trong vùng có quá nhiều đèn, quá nhiều ánh sáng làm chóa mắt. Phi hành đoàn trực thăng có đeo "night google"; kính đêm nầy giúp bạn nhìn thấy dưới đất rất rõ nhưng không thể thấy gì ngang tầm mắt như các máy bay khác. Đài không lưu có biết chuyện nầy hay không. Vì sao quân đội lại cho tập dợt trong vùng đầu não, bận rộn về chính trị và bận rộn không lưu? Quân đội không biết night google vừa là thuốc bổ dưới đất, vừa là thuốc độc trên không. Quân đội không nên chơi trò "phúc thống phục sâm tất tử".

Có những bài thơ tôi đi quá nhanh khó hiều về sau phải hiệu đính. Kinh nghiệm nầy cho phép nói Trump đi quá nhanh trong khi có ý kiến về ngành không lưu, nhưng ông không cương ẩu như ba búa của Trịnh Giảo Kim. 

Phụ chú: Thành lập 1968, nghiệp đoàn kiểm soát không lưu  (Professional Air Traffic Controllers Organization) tổ chức đình công đời tăng lương năm 1981. TT Ronald Reagan ra lệnh đi làm, nếu không sẽ bị truy tố, mất việc không bồi thường vì là hành vi phạm pháp. Ông tuyên bố: "They are in violation of the law and if they do not report for work within 48 hours they have forfeited their jobs and will be terminated."