add this

Tuesday, October 14, 2014

trống không và cách mạng


sự trống không và cách mạng
Henry Geiger. tôn tht tu dịch
Vacuum and Revolution
Vấn nạn ngày nay chỉ đơn thuần là sự kiện người đương thời bị ép vào con đường không có một sự tin tưởng nào. Văn hóa thời đại, ngoài việc cho con người những đau đớn, không cho cái gì cả để giúp con người đi tìm một nền móng cho sự sống.
Trong cuốn Outrage, Charter đã nhận dạng căn bệnh sâu rộng nầy là sự mất đức tin; ông đã viết:
Mỗi một người trong chúng ta cần một sự tin tưởng vào một điều gì to rộng hơn chúng ta, để nó cung ứng một nội dung cho cuộc sống, một nội dung cho nhu cầu sống và cho tương lai. Nhu cầu đó là một hằng số, một sự không thay đổi trong đời người, chừng nào các cá vị còn giữ được tính người và cá thể. Theo thiển ý, nhờ nhu cầu trực khởi từ tiền sử, quan niệm bởi con người về Thượng Đế đã đánh dấu như một sáng kiến vĩ đại nhất của loài người.
Rồi chuyện gì xẩy ra?
Từ thuở ban đầu, ý niệm về Thượng Đế nầy bị đánh cắp vào tay giới tăng lữ; lớp nầy, bằng hăm đọa và hứa hẹn, đã áp đặt quần chúng vào cái khung của nghi lệ rườm rà phi nghĩa, khước bỏ các việc hành đạo đúng theo tín ngưỡng. Khắp nơi trong bao thế kỷ, các tôn giáo lớn có tổ chức sinh sôi nẩy nở, ngày nay trên thế giới, (tinh thần của) các tôn giáo phai mờ, tuy nhiên con người vẫn cần tin tưởng vào điều gì lớn hơn chính con người tại mỗi cá nhân.
Theo thiển ý, một trong những lý do tôn giáo phai mờ, chính là sự thể các tôn giáo đã ra khỏi vị trí của nguồn đức tin; trong hằng bao thập niên qua, các tôn giáo đã làm việc “tản cư” nầy trong khi tự chứng minh không khả năng dẫn đường và tạo hy vọng cho con người và quả đất. Các tôn giáo có tổ chức đã ngoại hóa, đã phi nhân hóa; bỏ trong lấy ngoài; ngày một thêm nhiều người coi rẻ lời hứa hẹn và coi thường sự hăm dọa của tăng sĩ.
Chúng ta đặt để đức tin theo phương cách cá nhân, hơn là đặt tin tưởng vào các tôn giáo có tổ chức, hay Thượng Đế. Nhưng đường lối và cách thức riêng của chúng ta lắm lúc không đầy đủ; nhiều khi phải thay đổi, nhiều khi không thích hợp như ý muốn.
Tuy nhiên, không có đức tin là bềnh bồng trôi nổi trong chính mình, trong thế giới và trong vũ trụ; không một chỗ nào bám víu để hiểu chính mình, để biết thêm vài điều về một viễn quan cá nhân hay sự lớn mạnh của chính mình. Sau cùng, không thể sống một cuộc sống trong sự trống không.
Điều nầy giải thích tại sao đột nhiên nhiều giáo phái, nhiều nhóm tà đạo danh tiếng như cồn, nở như nấm. Quần chúng cần đắp đầy lỗ trống. Charter nhận định về các nhóm nầy như sau:
Tín đồ của họ nói chuyện linh thiên tinh thần một cách máy móc, họ không có đức tin mà chỉ có lễ nghi. Các nhóm nầy rõ rệt nguy hại cho cá tính và nhân tính của những người mà họ ép thành môn đồ.
Tuy vậy, Charter tự hỏi có thể chăng những lời phát biểu vừa nêu – tuy lệch hướng – về suy nghiệm, về ý thức, về nhận thức cũng hàm chứa một căn lành đang hình thành. Ông đã viết trong đoạn kết như sau:
Quả thật rõ ràng cần một ý niệm khác về chính mình, một đức tin khác nhưng không đối kháng với cái bao la nội tâm và ngoại cảnh mà trái lại liên hợp với cái bao la ấy; đối kháng mang ý nghĩa kình chống; liên hợp mang tính cách hòa nhịp. Chúng ta cần có niềm tin, một niềm tin cá nhân, rằng chúng ta còn đủ khả năng nắm chụp những thực tại về tính cách rộng lớn của nội tại, ở trong nội tại, vượt qua chính nó và cả thời gian; dĩ nhiên bắt đầu lắm lúc vấp ngã nhưng rồi cũng vươn lên để nhận chân thân phận người.
Chúng ta tự hỏi lấy cách gì để cá thể hòa trong thế giới và thế giới hòa trong cá thể? Chắc hẳn, chúng ta sẽ gặp các cảm quan đa thần của những kẻ đang tìm cách tái lập sự quan hệ nhân bản với quả đất, hành tinh tự nhiên và duy lý (duy lý trên quan điểm tâm linh). Trong những sinh hoạt nầy, có những cội nguồn tôn giáo, một thứ tôn giáo mang tính cách triết lý nhiều hơn. Nói vậy, chứ vẫn cần thời gian để tới mức thuần nhuyễn về hình thức lẫn nội dung.
Mặc dù còn sớm, hãy cứ nói đó là một tôn giáo tự nhiên mới. Đã từ lâu có kẻ đã nói tới rồi. Trong cuốn Man On A Rock Richard Hertz đã mô tả một thứ tôn giáo đã có khắp nơi trên thế giới, rồi đây sẽ trở lại, tuy sẽ có thay đổi chút ít về âm lượng, âm sắc. Ông viết:
Mỗi sáng khi lên núi hái chè, nông dân Tàu hát một khúc nhạc để ca ngợi công việc làm ăn, họ xem việc xuất hành nầy như cuộc hành hương vào Tây Phương Thế Giới. Những người chèo thuyền trên sông Volga chấp nhận (sự hiện hữu của) vũ trụ. Phụ nữ Madagascar làm việc ngoài đồng, cuốc cào nhịp nhàng như các vũ công hát múa trong đền làm đẹp lòng thần linh.
Các tổ chức huynh đệ thời Trung Cổ ở Flanders, Lyon sống trong tinh thần siêu hình thực tiển, tự tạo một kỷ luật cá nhân, sống trong kiên nhẫn và không lệ thuộc vật chất.
Xưa là thế; không như bức tranh hiện tại của Richard Weaver trong cuốn: Ideas Have Consequences. Đó là sự sa sút các truyền thống văn hóa; một điều rất dễ thấy qua báo chí hằng ngày. Richard Weaver chỉ là một nhà phê bình, không đưa ra một giải đáp nào.
Nhưng thái độ người Mỹ ngày nay thay đổi nhiều. Đây là một ví dụ tìm gặp trong cuốn Conversations in Maine ghi lại buổi trò chuyện tự nhiên của bốn người chủ trương cấp tiến về các cuộc cải cách cộng đồng. Họ tự giới thiệu như sau:
Bốn người chúng tôi – một người thợ da đen, /một hậu duệ của Robert Treat Paine*,/ một thiếu phụ Tàu, /một thiếu phụ Do Thái (đã là nhà tổ chức nghiệp đoàn) – có cơ hội gặp nhau như thế nầy vì đều bắt đầu cuộc đời bằng hoạt động trong phong trào Mát xít. Lúc đầu chúng tôi được dìu dắt bởi (C.L.R. James) một người Trinidad Âu hóa, cũng là một người Mát Xít tin tưởng rằng Hoa Kỳ là nước đầu tiên đi đúng lý thuyết cách mạng Mát xít. Thực tế cho thấy dự đoán trên hoàn toàn sai; chúng tôi xa lìa lý thuyết ấy nhưng vẫn tiếp tục hoạt động vì một cuộc cách mạng xã hội chính danh của nước Mỹ; chúng tôi đã tìm thấy tính chất đa dạng, phong phú nhiều khía cạnh nhiều sắc thái của quốc gia nầy.
Bốn người ấy – Grace & James Boggs; Freddy & Lymam Paine – đã thảo luận lâu dài trong các buổi sinh hoạt chung. Căn bản, nền móng suy nghĩ của họ có thể tóm lược như sau:
Ngày nay, chúng tôi có thể nói không chút do dự rằng những sự thay đổi (có tính cách) cách mạng ở xứ nầy xẩy ra không phải vì giai cấp mà bởi vì tuyệt đại đa số người Mỹ, ở mọi tầng lớp xã hội, ngày càng được thỏa mãn nhu cầu làm người và làm dân. Nói khác, cuối cùng chúng tôi đã tự giải thoát khỏi lý thuyết Mát Xít và Âu Châu về giai cấp và về quần chúng cá đối bằng đầu không diện mạo riêng.
Cách mạng là thay đổi nhưng không phải thay đổi nào cũng giống nhau. Cuộc cách mạng Hoa Kỳ rất sâu rộng vì nó thay đổi quan niệm của dân chúng về ý nghĩa thế nào là làm người, làm một nhân thể.
Như vậy không có gì quá đáng khi nói cuốn sách đã mang theo những hạt giống của một cuộc cách mạng cấp tiến thực sự. Tác phẩm ấy đã bù đắp khoảng trống tâm linh bằng sự tin tưởng vào những tiềm năng của con người.-

Hậu thư
Vacuum and Revolution xuất hiện như một bài điểm sách cuối năm 1978 của tuần san Manas. Chúng tôi lược dịch mượn cớ để giới thiệu Manas, không biết lấy tên gì mà gọi cho đúng. Nhưng về hình thức có thể xem như một News Letter, đơn giản, chỉ có chữ với chữ, số trang cũng ít, số người đọc cũng ít.
Thật vậy Manas Journal chỉ có chừng ba ngàn độc giả rất trung thành, vẫn là độc giả cho đến ngày cuối, vài tháng trước khi chủ nhiệm chết sau 41 năm không ngừng cầm bút. Manas ngưng xuất bản ngày 28.12.1988 thì Henry Geiger qua đời ngày 15.02.1989.
Henry Geiger không có bằng cấp đại học, ca hát trong ban hợp xướng Broadway, làm ký giả, làm nhà in, diễn giả và lãnh đạo Thông Thiên Học Los Angeles. Các bài đều không ký tên, trừ khi do người khác viết. Manas trong tiếng Phạn và Pali thuộc về thức học, duy thức. Henry Geiger dùng nó để đặt tên Manas Journal vì ngoài ý nghĩa duy thức, manas còn chỉ về con người. Dĩ nhiên Henry Geiger chú ý đến Đông Phương. Những tác giả ông trích dẫn không thiếu một ai Đông Tây Kim Cổ. Nhiều nơi, Henry Geiger tỏ ra hiểu Đông Phương sâu đậm hơn kẻ khác. Ông phê bình Julian Huxley chỉ biết yoga như một thứ tập luyện thể thao mà không biết ý nghĩa thâm sâu của nó. Ông đã được xem là Socrate thời nay.
Có điều rất tiếc, Henry Geiger một mặt sâu sắc về triết học nhưng một mặt không sâu sắc về chiến tranh. Ông đã mặc nhiên công nhận lời giải thích của một ông tướng VC rằng CS chiếm miền Nam vì chủ thuyết Mát Xít Lê Nin Lít vô song. Ngay trong bài Vacuum nầy, Henry Geiger đã biết bốn tác giả đã chạy dài khỏi ách lý thuyết CS.
Kết quả 41 năm viết lách của Henry Geiger hiện được giữ và truyền “on line” bởi Schumacher Society; độc giả có thể mở xem hay lấy bản pdf.

*Robert Treate Paine, đại diện Massachusett ký Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ


No comments:

Post a Comment