bình an
vô danh
Ngày xưa có một vị vua treo giải thưởng lớn cho họa sĩ nào có thể vẽ được một bức tranh ý nghĩa nhất mô tả sự bình an. Rất nhiều họa sĩ dự thi. Nhà vua xem xét hết mọi bức tranh nhưng chỉ có hai bức là nhà vua thích nhất và vua phải chọn một bức thắng giải.
Một bức tranh vẽ một hồ nước tĩnh lặng. Hồ nước trong tranh như một tấm gương tuyệt hảo, phản ảnh những ngọn núi hùng vĩ bình yên, vững chãi bao bọc xung quanh. Trên cao là bầu trời xanh trong với những đám mây trắng như bông tuyết. Mọi người xem bức tranh đều nghĩ đây quả thật là bức tranh tuyệt vời diễn tả sự bình an.
Bức tranh kia cũng có núi non hùng vĩ, nhưng chúng rất hiểm trở, gồ ghề và trơ trụi. Bên trên là một bầu trời xám xịt, mưa rơi tầm tã và sấm chớp đầy trời. Bên hông núi có một thác nước ầm ầm chảy. Cảnh này chẳng có vẻ gì bình an cả. Nhưng khi xem kỹ, nhà vua thấy sau thác nước là một bụi cây nhỏ mọc bám vào kẽ nứt của tảng đá. Trong bụi cây, chim mẹ xây tổ và an nhiên ngồi trong tổ giữa cuồng phong bảo tố...thật là bình an. Nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai bởi vì “bình an” không có nghĩa là sống nơi không ồn ào, không phiền phức hay không khó khăn. Bình an có nghĩa là đang sống trong lòng của những hoàn cảnh trên, nhưng tâm vẫn an nhiên tự tại. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình an.
bình loạn về bình an
tôn thất tuệ
Viễn tượng 1 Có anh họa sĩ biết ông vua nầy lắc léo như các thiền sư, nên anh đem mực, sơn...đổ lên mình rồng và nói: - Tâu bệ hạ, thần đã vẽ xong. May cho bệ hạ, hôm nay bệ hạ ăn chay có phước còn không thần còn bạt tai bệ hạ vì đề tài ngớ ngẩn. - Xin họa nhân cho ta biết vì sao ngớ ngẩn. - Thần mới học lóm hôm qua ngoài chợ. Tâm của bệ hạ không bình yên thì có trời mà vẽ cho vừa lòng thánh thể. Cây vốn lặng mà gió thổi liên hồi. - Nhưng quả nhân muốn có một bức tranh cho người đời thấy bình yên là cái chi chi. - Với bậc thánh nhân, tâm thân là một. Đệ tử chúng đẳng không thấy cái tâm mà thấy cái thân mà cái tâm cũng chính là cái thân. Tâm bệ hạ bình yên thì thân bệ hạ bình yên. Thằng chăn trâu nó thấy bệ hạ, nó tưởng ông địa nó tới nó ôm, ngoáy ngoáy cái lỗ rún của bệ hạ, kêu cả lũ kéo bệ hạ chơi trốn tìm. Thân bệ hạ là bức tranh yên bình. Ngồi trên ngai vàng mà nghĩ đến tù nhân đói lạnh, không nghĩ chuyện lấy đất của cải của ai, không nghĩ chuyện cướp vợ của thằng tù mình giam vô lối. Có kẻ nói ông Cồ Đàm ngông: xứ cực lạc không có tên tội ác huống là tội ác, bệ hạ có thể làm cho vương quốc mình có ăn có học thì vô tam ác đạo chi danh hà huống hữu thiệt. Ông Cồ Đàm nói không sai. Xóm làng đất nước bình yên thì tranh nào đẹp hơn. Tâm bình thế giới bình. Thần là thợ vẽ, ngày ngày vẽ mấy con nộm thợ mã ngoài chợ, tô phết những cái mặt không hồn, có bình yên nhưng bình yên chết; thần muốn vẽ trên thân người sống như long thể của chúa thượng. - Quả nhân sẽ chết, bức tranh của họa sư (bây giờ lên chức) mất luôn, không có chi để dạy đời. Về cái lẽ vô thường, luận vương Long Thụ biết hơn mọi người chỉ sem sém em em ông Cồ Đàm. Rứa mà ông đứng bảy năm trước cửa thành chờ có dịp nói chuyện với nhà vua về đạo lý để tái lập và duy trì cái bình yên cho thần dân muôn loại. Một ngày tâm lành dáng thiện của quân vương giá trị hơn thế kỷ cai trị của kẻ mặt mày ó đâm. Lo chi chuyện sống chết. Nhà vua đồng ý rằng đề toán hình học phẳng Euclide đặt sai trong không gian có hơn 3 chiều nên bãi chầu. Vua bình yên tha tội chết phạm thượng cho kẻ khùng.
Viễn tượng 2
Cách đây hơn mười năm, đệ có đọc một bài trên Los Angeles Times trình bày mấy chục bức tranh tàu vẽ làm sao mà người nhìn thấy như đang động, cái động tự nhiên không phân chia kiểu xuân hạ thu đông, trúc cúc mai lan, ngư tiều canh mục. Nếu nhà vua của chúng ta muốn cái động có trong tĩnh như một chân đứng yên cho chân kia bước tới, họa sĩ nên vẽ kiểu nầy. Lão Tử lấy mặt hồ (thủy tĩnh) tượng trưng cho an bình, cho công lý bình đẳng, tĩnh trong ý thức chận sự bất tĩnh, chận sự vô đạo thượng điền tích thủy hạ điền khan. Nhà vua thích bức thứ hai là phải. Quân vương đã bao lần ngồi trên mình ngựa, quát thét ba quân. Nhà vua đã thấy cái ồn ào cái giận dữ ở tâm lẫn cảnh. Con ngựa hồng chạy êm theo gió, vua không thấy nó xao động nữa. Lúc nầy vua như bầy chim mẹ con trong bức vẽ. Ngài không chú trọng vũng nước dưới vực sâu, như bầu chứa tất cả những gì trên đổ xuống, đồng thời chia nước xuống thấp hơn nữa. Ngài không tha thiết ruộng trên ruộng dưới nhiều ít nước. Ngài chẳng quan tâm có kẻ mua chiếc xe hơn triệu đô la trong khi cả một gia đình khác sống qua ngày mỗi tháng chưa được ba chục đô. Bức thứ hai phù hợp với bộ dàn bên trong nên vua chọn làm giải nhất. Triết-gia-vua phán: Bình yên không có nghĩa là không ồn ào, không giận dữ. Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp, ta vẫn cảm thấy còn có sự yên tĩnh hiện diện trong trái tim ta. Như những lời khác của đại thánh nhân, câu nầy được hiểu tùy theo trình độ của người nghe. Tâm hay cảnh là nét chính ở đây. Chẳng phải phướn hay gió động mà tâm động. Bị vợ chưởi mắng om sòm, đã né ra thềm mà còn bị cả thau nước đổ lên đầu, Socrate bình thản nói: sấm sét rồi, bây giờ trời mưa. Người phàm như đệ chưa thấy cái điều, cái sự giữa một bên là thau nước cùng sự la hét và một bên là sự an bình trong đại triết gia Hy Lạp. Đệ vẫn còn thấy là hai như một bên bùn và một bên hoa sen. Đệ vẫn còn trong vòng tục đế chưa đến chân đế để thấy hoa sen và bùn là một, quá lắm là liên đới cọng sinh. Đệ thường nghe giấy rách phải giữ lấy lề, phong ba bão táp, bùn nhơ mình phải giữ mình. Xin được ba điều: phân biệt phải trái, chấp nhận điều không thay đổi được và can đảm làm điều thay đổi được. Điều không thay đổi được theo kiến thức nhỏ bé của đệ vẫn ở ngoài ta tuy kề sát nách, đệ chưa đến chỗ nhận chúng nằm bên trong vì vòng cọng nghiệp. Cứ giả định nhà vua chánh chủ khảo đã làm bao việc tàn phá cuộc sống để có ngôi vua, hay ít ra nhà vua đã sống trong những dòng thác kinh hoàng của cuộc đời và tha thiết sự sống. Nếu giác ngộ là hành vi nhanh như cái chớp, cái nhìn của nhà vua nơi tổ chim làm cho ông giác ngộ sự yên bình sống động, không phải là tĩnh vật, không phải là nature morte, không phải là still life trong hội họa. Ông chọn bức tranh vì nó hợp với khuôn dạng nội tâm, một tâm thể. Hy vọng kinh nghiệm tâm linh nầy cũng là chứng nghiệm của một vị vua có thật trong lịch sử. Asoka, sau bao trận chiến tàn ác, đã trở về sự bình yên của nội tâm, đem sự bình yên cho ngoại cảnh. Giờ đây Asoka không muốn bão táp nữa, sợ quá rồi, giờ đây xin "kỷ sở bất dục vật thi ư nhân". Nhà vua muốn cái gọi là yên bình, độc lập không bị điều kiện hóa bởi, và không đối đãi với, bão táp, giận dữ. Viễn tượng 3
Đức Phật gặp đống xương vừa của đàn bà vừa của đàn ông, Ngài bảo đệ tử tách chôn riêng. Đó là một sự phản kháng vì trái với tập tục đương thời dù không đi kèm với bão táp và giận dữ, tâm của Ngài bao giờ cũng không giao động.
Nhân danh cái bình yên nội tâm, người ta có khuynh hướng buộc tội những phản kháng tự nhiên trước những thảm trạng của nhân loại. Phải biết phẩn nộ, phải can đảm nói cái bất thiện song song với việc ca ngợi cái thiện. Bạn không nên vì những châm ngôn rất kêu như xóa bỏ, hòa hợp để khóa miệng những kẻ nói lên bất công, nói lên tiếng nói của kẻ bị đày đọa. Nhưng lại nữa, chỉ có bình yên nội tâm mới giúp mình thấy cái thiện cái bất thiện, không bị tà kiến che lấp. Nếu định nghĩa của nhà vua không vừa lòng một ai, ông cũng đã đặt một vấn đề cần thiết. Trong vòng đối đãi, không thể nói an bình mà bỏ quên thác lũ. Nếu bạn không thích thác lũ (ai mà thích!) bạn nên thương những người đang ở trong sự chi phối của thác lũ dù họ la to hay câm miệng. |
No comments:
Post a Comment