bóng mây trên chùa
thuongcangthuquan wordpress
Khi mới gặp lại, hai vợ
chồng Uyển định gọi tôi sang Seoul chơi một lần cho biết. Tôi chưa được đi Hàn
Quốc nhưng biết có lẽ mình sẽ không bao giờ bay qua bên đó hay qua một nước
khác xa xôi kể từ lúc bấy giờ. Bởi mấy năm nay già yếu, nên khi vừa nghĩ đến cảnh
ngồi lên máy bay là tôi liền cảm thấy ngộp thở.
Chợt nghĩ, chuyến đi xa
cuối cùng của tôi có lẽ sẽ là đi thẳng ra sông Sài Gòn. Tôi có dặn các con khi
nào tôi ra đi chơi thực sự thì hãy đốt hết trơn và thả tro xuống sông Sài Gòn…
cho nó nhanh và rẻ, cho trọn một kiếp người chuyên mặc xà lỏn, xi líp nhảy từ nắp
xà lan này sang nắp xà lan khác đã mấy chục năm nay.
Cuộc đời tôi không được
sang trọng giống mấy người Hàn Quốc như anh Kim hay giống người có chồng nước
ngoài như Uyển. Cuộc đời tôi mấy chục năm rồi ít khi được áo quần tề chỉnh, cuộc
đời tôi chuyên mặc mấy món xàlỏn-xilíp-xúchiên. Hôm đó, ba người chúng tôi đang
ngồi uống cà phê bên quận Một, nghe tôi hò xà-xi-xú như vậy Uyển liền bật cười:
Nghe anh nói sao sến sến giống một bản vọng cổ dưới quê ghê đi.
Sau những năm tháng xa
nhau biền biệt, những người trong quá khứ chúng tôi đã được ngồi bên nhau nhiều
lần suốt hai năm nay, không biết đó là vui đoàn viên hay ngỡ ngàng gặp lại. Hai
năm trước, khi gặp lại vợ chồng họ và cảm nhận được những điều không vui vẻ
không an lạc giữa hai người đó, tôi nói: Cứ tưởng chừng như ai đó đau khổ, cứ
tưởng chừng như ai đó hạnh phúc, cuối cùng xem trong bản thân của bất cứ ai đó
cũng chỉ là những hư vô.
Anh Kim lúc này làm ăn
hay dạy học lúc ở Seoul, lúc ở Bangkok, có lúc ghé sang Sài Gòn… để thăm vợ và
ba đứa con, khi nghe tôi nói vậy liền góp vài câu diễu cợt: Cứ tưởng chừng như
ai đó được, cứ tưởng chừng như ai đó mất, cuối cùng ai đó cũng chẳng là ai.
Từ lúc gặp lại hai người
đó, tôi có cảm giác rất nhạt nhẽo khi nghe những câu chuyện Hàn-Việt oái oăm mà
anh Kim hay kể, thí dụ như: Người đàn bà dân tộc Mèo còn trẻ tuổi quê ở Hà
Giang đã có chồng ở Việt Nam mà anh tình cờ gặp được ở một cái chùa lớn bên
Hàn. Lúc ấy cô gái Mèo này hết sức hoang mang, cô độc… vì bị chồng Hàn đuổi ra
khỏi nhà phải lang thang lên chùa xin tá túc.
Chồng Việt của cô người
Mèo này mất vì nghiện nặng ở Hà Giang. Hai năm sau khi chồng mất, qua môi giới
cô ta kết hôn được với một người thanh niên Hàn quốc trẻ. Sang Seoul được hai
tháng thì phải ra tòa ly dị vì người chồng phát hiện cô ta đã có chồng ở Việt
Nam, mà người chồng cũ ấy lại chết vì bệnh nghiện ma túy.
Anh chồng người Hàn của
cô gái người Mèo, khi ra tòa, nói với quan tòa rằng anh ta rất ghê sợ bệnh
Sida, anh ta nghi ngờ vợ mình đã nhiễm Sida từ người chồng cũ. Quan tòa hỏi: Vậy
từ khi cô ấy qua Hàn Quốc, anh có chăn gối thường ngày với cô này chưa? Anh ta
lấp liếm: Hình như có chút đỉnh.
Anh Kim phân tích thêm:
Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất của việc ly dị này không phải là sợ Sida, mà là
vì người đàn ông Hàn quốc ít khi muốn lấy một người đàn bà đã có chồng, mà là
vì cái quan niệm “trinh tiết” đối với họ vẫn còn quan trọng lắm. Họ chỉ muốn kết
hôn với người con gái nào còn “origin”. Khi khám phá vợ mình không còn trinh tiết
họ sẽ kiếm mọi cách để ly hôn.
Anh Kim tiếp: Cứ tưởng
chừng như đàn ông Nhật giống đàn ông Hàn, té ra không phải. Người đàn ông Nhật
không bao giờ quan tâm đến quá khứ của vợ, họ không màng vợ họ ngày trước đời sống
tình cảm ra sao, có gia đình chưa, bồ bịch nhiều không. Họ chỉ quan tâm đến hạnh
phúc hiện tại. Người Nhật không ghen với quá khứ, có người kết hôn cả chục lần
và cuối đời vẫn sống hạnh phúc. Nhưng người đàn ông Việt và người đàn ông Hàn
thì khác, họ ưa ghen với quá khứ của vợ mình.
vườn Huế |
Tôi hỏi lại: Anh cũng
hay ghen tuông giống vậy à? Kim đáp không buồn cũng không vui: Ngày đó tôi yêu
Uyển lắm, mà lấy được Uyển rồi tôi lại luôn có cảm giác mình đã giật vợ của người
khác. Tôi không nghĩ tới chuyện “origin”, tôi quen biết cả hai vợ chồng Uyển
lâu rồi mà. Tôi chỉ tiếc sao mình không phải là người chồng đầu tiên của Uyển.
Tôi cũng tiếc nuối thứ tình cảm kéo dài hai mươi mấy năm bỗng một ngày tan vỡ.
Anh Kim kể chuyện cô
gái người Mèo cho vợ là Uyển nghe một lần, hai lần rồi ba lần. Lần thứ tư thì
Uyển phát chán: Thôi, đừng kể chuyện đó nữa, nói chuyện khác đi. Kim làm như
không nghe thấy lời phàn nàn của vợ, cứ tiếp tục: Dù cho em có rớt vô hoàn cảnh
như người đàn bà dân tộc Mèo đó tôi vẫn không thể xa em, tôi không thể thiếu em
được nữa rồi. Với lại chúng ta đã có ba con.
Kim đau khổ kể lại với
tôi là Uyển không hề cảm động chút nào về câu nói đó, cô cứ nhắc mãi với chồng
tới chuyện bao giờ có thể ly hôn. Sau hai mươi năm sống với nhau và có ba đứa
con, Uyển không còn yêu Kim được nữa hay từ trước tới giờ cô không hề yêu chồng.
Hồi xưa đó, cô chỉ cần lấy một ông chồng nước ngoài để thoát ra khỏi một Sài
Gòn u ám cách đây hai mươi mấy năm. Hồi đó, Uyển cũng đã có một anh chồng người
Việt, nhưng có lẽ anh này cũng u ám như cái không khí bao chung quanh anh ta
nên Uyển không chịu nổi mà phải bỏ Sài Gòn đi theo anh Kim.
Tôi có vị trí khá đặc
biệt, tôi quen biết Uyển và anh chồng người Việt từ khi chúng tôi còn học chung
trường. Ra trường, ba người chúng tôi mỗi người một việc ít liên lạc với nhau.
Tôi tình cờ cũng thành bạn làm ăn của anh Kim, một người Hàn Quốc đẹp trai sang
Việt Nam đi học tiếng Việt và tập làm ăn buôn bán vào những năm 1990. Anh Kim lớn
hơn ba người bạn Việt chúng tôi gần con giáp.
Đám cưới của Uyển với
anh chồng đầu tiên người Việt vào năm 1988 tôi có đến dự, tôi nói với họ: Hôm
nay là ngày mình rất buồn hai người có biết không? Tôi còn nhớ mãi anh chồng
người Việt cà khịa nói: Trong cuộc đua bao giờ cũng có kẻ thắng người thua, mày
buồn cái gì? Chắc tôi say nên bảo: Tôi có dám đua với anh đâu nào?
Uyển chắc cũng uống say
nên không dấu diếm cái cảm giác hết sức chua chát mệt mỏi của mình: Đua cái gì
mà đua, mấy anh đang chơi trò mèo bắt chuột, chuột thì chỉ có một con nên sẽ có
con mèo thua. Chỉ tội con chuột cái, từ đây nó sẽ phải phục dịch con mèo thắng,
nó phải chui rúc hết chỗ này tới chỗ kia kiếm miếng ăn để đem về nhà nuôi con
mèo đực.
Người chồng Việt của Uyển
ngày đó khá lười, anh ta không làm gì hết kể từ ngày bước chân ra khỏi trường.
Chưa lấy nhau nhưng sống già nhân ngãi non vợ chồng, Uyển đã phải tần tảo làm hết
việc này việc kia để nuôi anh ta. Cô có lần nói với tôi: Tiền kiếm được em chia
cho anh ta phân nửa, phân nửa còn lại đi chợ nấu ăn chung. Tôi hỏi: Chia cho
anh ta lắm tiền thế để làm gì? Uyển thở dài: Để anh ta đủ tiền uống rượu và thù
tiếp bạn bè.
một cô gái Mèo, Hà Giang
Còn anh ta có lần nói với
tôi: Tao không thể chịu nổi cảnh đi làm việc trong công sở hay trong nhà máy,
tao không thể làm đầy tớ cho mấy thằng ngu, tao thà ở nhà thất nghiệp vợ nuôi.
Với lại đi làm mà không chấm mút tham nhũng thì làm sao đủ tiền nuôi vợ con, thế
là lại dơ bẩn. Nghĩ tới chuyện đi làm lính cho mấy thằng ngu là tao muốn chửi
thề. Thôi ở nhà ngủ vùi cho nó khỏe.
Lấy nhau xong… Uyển vẫn
tần tảo làm đủ thứ việc kiếm cơm nuôi anh chồng làm biếng như ngày chưa cưới chồng.
Khi thì đi dạy kèm, khi thì xin đi dạy chính thức, tối có khi làm yaourt bỏ mối…
Một hôm hồi xa xưa đó,
thấy Uyển bơ phờ chạy xe đạp trên đường, tôi chặn lại mà thở dài: Bỏ chồng đi
em, thấy em khổ sở anh rất xót xa mà cũng oán hận sự hèn nhát của chính anh
ngày trước. Ai đời vợ làm việc như con trâu trong khi chồng chỉ biết nằm ngủ và
đi nhậu? Uyển chua chát: Cái gì đến thì sẽ đến, anh không cần phải quan tâm.
Ngày nào đó có ai tốt hơn đến với em, chỉ cần nói thương em mà không quan tâm
chuyện em đã có chồng, chắc chắn em sẽ chọn người đó và bỏ hẵn anh chồng làm biếng.
Nói như thật, mấy năm
sau trong lúc lao đao tuyệt vọng Uyển gặp anh Kim rồi ly dị anh chồng Việt. May
mắn Uyển chưa có con với anh chồng làm biếng. Biến đi một khoảng thời gian rất
dài tôi không gặp cặp vợ Việt chồng Hàn vì hai người dắt nhau về Seoul sinh sống
làm ăn, sinh con đẻ cái bên đó. Hai người đã tìm cách đi học tiếp và sau đó vừa
đi dạy học, vừa kinh doanh, vừa nghiên cứu, nhưng có điều…
Hai năm trước gặp lại,
biết có một cái gì đã đổ vỡ giữa anh Kim và Uyển, tôi nói với Uyển: Anh Kim rất
tốt, tốt hơn những người đàn ông Việt và Hàn mà anh từng được gặp. Rõ ràng anh
ta tốt hơn người chồng cũ làm biếng của em. Anh ta không thô lỗ như nhiều người
Hàn Quốc lấy vợ Việt, chắc anh ta thuộc con nhà có ăn học đàng hoàng.
Anh Kim làm nghề kinh
doanh rồi dạy học thêm bên Hàn, vừa là nhà nghiên cứu đầu ngành về lịch sử Đông
Nam Á bên đó. Còn có lần hỏi Uyển đang làm gì và đang sống nhiều ở đâu giữa Sài
Gòn hay Seoul, cô ấy trả lời tôi: Em làm thinh mọi lúc mọi nơi.
Mấy lần nghe anh Kim kể
đi kể lại chuyện người đàn bà Mèo lấy chồng Hàn, tôi cười: Tôi cũng nghe vợ anh
nói chuyện đó với tôi mấy lần rồi, hình như vợ anh còn phàn nàn với anh “Thôi,
đừng kể chuyện đó nữa, nói chuyện khác đi” phải không? Anh Kim không khó chịu
chút nào, chỉ tỏ vẻ buồn phiền: Thế mới biết, vợ tôi cũng đã kể câu chuyện nhàm
chán đó cho rất nhiều người bạn nghe rồi. Thế mới biết, cô ta không còn thích
thú nghe tôi nói chuyện như cách đây hai mươi năm, cô ấy thích nói chuyện với
những người khác hơn tôi.
Hình như Uyển hay nói với
nhiều người nữa chứ không phải với riêng tôi là cô đang chán ngán cuộc sống với
một anh chồng người Hàn Quốc già cổi và ưa lải nhải lắm rồi. Mà thế giới đổi
thay, con người đổi thay, biết đâu tôi cũng đang chán ngán một “cái tôi” già cổi
của chính tôi lắm rồi mà mình không chịu nhận rõ ra.
Vào buổi hoàng hôn chập
choạng, có những cái mà mình cảm thấy thích vào buổi ban mai tới buổi chiều bỗng
thấy vô duyên lạ, cũng như cách đây ba mươi mấy năm khi thấy Uyển cận thị xanh
xao ốm yếu trong sân trường Văn Khoa tâm trạng tôi luôn thấy nao nao, mỗi ngày
không thấy Uyển đi học tôi lo như phát sốt…
Ngày xưa đó một hôm biết
chuyện của tôi, Uyển hỏi tôi: Anh đang lo lắng cho mấy người trong trường giống
như em vậy? Tôi phì cười: Ba hay bốn cô cận thị gì đó anh không nhớ rõ, anh
đang trong thời đói meo nên thấy ai cũng ngon cũng đẹp cũng đáng yêu, miễn là
có đeo kính cận cho nó ra vẻ trí thức. Uyển cũng cười: Được như vậy em cũng sẽ
không còn lo lắng khi nói cho anh biết rằng em đang thương người khác chớ không
phải thương có mình anh. Tôi lại đùa: Có bao nhiêu người khác vậy?
Marie Curie, Saigon, 197...
Nói chung, thời đi học
tôi để ý tới một Uyển xanh xao thơ mộng nhiều lắm. Nhưng… Cách đây hai năm, khi
gặp lại Uyển và anh Kim, thấy Uyển tròn trịa trong bộ áo quần xúng xính, tôi buộc
miệng than: Sao lúc này em mập thế? Uyển đớp chát: Hết yêu nổi em rồi phải
không? Nhưng em không hề ngạc nhiên. Thời gian có thể thay đổi tất cả, những
cái gì mình thích mình cần lúc ngày xưa có khi bây giờ mình không cần và mình rất
ghét.
Tôi lén nhìn và thoáng
thấy nét đau đớn trên khuôn mặt đẹp lão của anh Kim… tôi biết ngay đã có cái gì
đó đổ vỡ giữa hai người rồi. Mà thú thực, tôi không hề vui khi thấy điều tan vỡ
đó.
Một lần khác anh Kim hỏi
tôi: Anh còn nhớ câu chuyện cô gái trẻ người Mèo quê ở Hà Giang không? Tôi hửng
hờ: Sao, có gì mới hả?
Anh Kim: Tôi giúp cho
cô ấy xuống tóc xin đi tu chính thức trong chùa ở Incheon rồi. Tôi: Sao anh
quan tâm quá vậy? Anh Kim: Thấy tội nghiệp cô ấy từ lúc mới gặp ở chùa nên tôi
theo dõi người ta mãi. Hồi đó cô này không biết tiếng Hàn nên khó khăn giao tiếp
lắm, tôi thì biết tiếng Việt nên giúp cô ta chuyện này chuyện khác. Hồi đó bị
đuổi khỏi nhà chồng nên cô ấy lang thang lên chùa, tôi gặp cô ta ở đó.
Tôi lại hỏi: Có khi nào
cô ấy chỉ đi tu một thời gian rồi bỏ tu không? Anh Kim: Không, chắc là đi tu
luôn rồi đó. Mà chuyện cũng đơn giản thôi… Sau khi được tôi giới thiệu, cô người
Mèo được sư trụ trì nhận làm tạp vụ trong chùa. Một hôm có nhà sư Việt nào đó
qua bên này thuyết giảng, nghe xong thuyết pháp cô gái ấy khóc năm ngày năm đêm
rồi quyết chí đi tu suốt đời.
Tôi hửng hờ: Ông sư nào
mà tài giỏi quá vậy, bài thuyết pháp đó tên gì vậy? Anh Kim mau mắn: Tên ông sư
dù đang nổi tiếng nhưng dài quá nên tôi quên mất rồi, tôi chỉ nhớ bài thuyết
pháp đó có tên là Bóng Mây.
Tối hôm đó ở Sài Gòn
tôi đi tìm kiếm bài thuyết pháp Bóng Mây
trên mạng. Trong tâm thức ưa xét nét của một người học văn chương, khi nghe hết
xong tôi thấy bài thuyết pháp đó không có gì hay và sâu sắc lắm như anh Kim
nói, chỉ có điều nhà sư trẻ tuổi này có tài nói chuyện khá lôi cuốn và có duyên
thu hút được mấy cô gái Việt thuộc lớp người nông thôn bình dân đang hết sức cô
đơn vì đang bị ganh ghét hay ruồng bỏ bên xứ người giống như cô gái dân tộc Mèo
kia.
Nhà sư này nói giọng miền
Tây ấm áp… thỉnh thoảng lại biết pha trò một cách hiền hòa, mà trong cuộc sống
của những người đàn bà Việt xa xứ cô đơn ở bên Hàn người ta đang rất thiếu vắng
những tiếng cười ấm áp thân thiện ủi an từ những người đồng hương tử tế. Mỗi
ngày qua, bọn họ đang sống trong sự ghẻ lạnh của một xã hội mà họ chưa kịp làm
quen. Nhiều người không biết nói tiếng Hàn, cái trở ngại ngôn ngữ ấy càng làm họ
khó khăn hòa nhập.
Tôi có nói lại cái cảm
giác, cảm thụ văn chương của riêng tôi khi nghe bài thuyết pháp Bóng Mây này với Uyển: Anh thấy tội nghiệp
cho cô gái người Mèo đó quá, chỉ nghe một bài thuyết pháp khá bình dị như vậy
thôi cũng đã là một niềm an ủi hạnh phúc lớn lao, tạo ra được một ngã rẽ cuộc đời.
Mà không biết cô ấy suy nghĩ có đúng hay không, hay chỉ vì một phút động lòng
do cô đơn trống vắng lâu ngày, tình cờ gặp được một người đồng hương tử tế an ủi
mình mà đã đi đến một quyết định vội vàng.
Uyển bảo cô cũng nghe
qua bài thuyết pháp Bóng Mây lâu rồi
và cũng có những cảm xúc về văn chương giống y như tôi, nhưng rồi Uyển trầm tư:
Giống như nhạc bolero, khi nào mình rớt vào đúng hoàn cảnh bi lụy của bài hát
đó thì mình sẽ thấy nó đau đớn thiết tha, khi mình không rớt vào đúng hoàn cảnh
đó thì mình sẽ chê nó sến. Anh là đàn ông và sống đời đơn giản ở Việt Nam,
chúng em lấy chồng sang đây như rớt vào một cái hố xoáy của hai nên văn hóa
khác biệt, những cư xử ghẻ lạnh của người Hàn bên xứ lạ thường làm chúng em bị
tổn thương sâu sắc. Có một người đồng hương
sang Hàn thuyết giảng cho mình nghe, dù người đó là một nhà sư hay một linh mục,
nếu họ biết nói một cách tử tế thân thiện sự an ủi của Phật hay của Chúa đối với
cuộc đời lấy chồng xa xứ bẽ bàng của chúng em, thì chúng em sẽ biết ơn vô cùng
anh à.
Có lần tôi nói với anh
Kim: Bóng Mây… hình như đời ai cũng có bóng mây, nên cô gái dân tộc Mèo kia
khóc năm ngày năm đêm trước khi đi đến quyết định bỏ tất cả để đi tu suốt cuộc
đời sau khi thấy và biết được cái bóng mây của đời mình anh có biết không?
Anh Kim: Bóng Mây còn
là sự xung khắc giữa hai nền văn hóa Hàn và Việt. Hai mươi năm nay vì hoàn cảnh
đói khổ nhiều người đàn bà miền quê Việt Nam đã sang Hàn Quốc lấy chồng. Trong
con mắt của gia đình chồng họ thường là những người nghèo đói ít học kém văn
hóa phải tha phương cầu thực bằng cách kiếm chồng kiếm tiền ở bên Hàn, sau đó
có dư chút đỉnh thì gởi tiền về quê phụ giúp gia đình. Những người đàn bà Việt
dù ít học ngu dốt hay quê mùa cách mấy cũng biết rõ sự rẻ rúng của gia đình chồng
và những người hàng xóm bên Hàn đối với họ. Họ hận lắm…
Anh Kim tiếp: Những người
Việt bên Hàn thường tìm cách lãng quên sự rẻ rúng khinh thường của xã hội Hàn
Quốc đối với họ bằng tôn giáo, bằng cách siêng năng đi chùa và tìm quên trong
kinh kệ. Có mấy chùa lớn bên này người Việt góp tiền lập riêng một khu nhỏ để tiếp
đón nuôi ăn miễn phí những người Việt cô đơn bị ruồng bỏ, những người Việt
không có giấy tờ nhập cư hay đi lao động chui… Những người quan tâm tới người
Việt xa xứ như tôi hay vợ tôi thường đi đến những ngôi chùa này để tìm cách
giúp đỡ họ.
Bỗng anh Kim thở dài…
Nhưng rồi, một hôm đi chùa Uyển nói với tôi: Anh dù có tốt cách mấy cũng không
làm em quên được cái ánh mắt ghẻ lạnh của gia đình anh khi em mới sang đây.
Cũng may em không phải lên chùa mà sống, cũng may em không bị anh đuổi ra khỏi
nhà như cô gái Mèo kia.
Uyển có nói thêm với
tôi: Bên đó, mỗi khi lên chùa em vẫn tìm cách nói chuyện riêng với cô gái Mèo
này. Một hôm cô gái ấy nói: Chồng của bà thật tốt, ông ấy giúp đỡ tôi nhiều lắm.
Ngày tôi bị đuổi ra khỏi nhà lang thang lên đây vì không biết tiếng Hàn nên
không biết ăn nói làm sao để người ta cho ở lại Cửa Phật thì ông ấy tình cờ đi
chùa nên nhận giúp đỡ tôi. Nhờ ông ấy mà sư trụ trì cho tôi ở lại đây làm công
quả, tới giờ tôi có biết nói tiếng Hàn đâu, tôi dốt lắm bà à.
Tôi thở dài: Vậy mà sao
em cứ đòi ly dị anh Kim, anh ấy quá tốt đi chớ? Uyển cũng thở dài: Em quyết định
hết rồi, em về lại bên này còn ba đứa con em sẽ tiếp tục qua lại bên đó học
hành. Chúng nó sẽ sống với cha, anh Kim sẽ không cô đơn đâu… Chỉ tốt bụng không
chưa đủ anh à, còn nhiều cái khác nữa để hai người có thể đến với nhau và mãi
mãi bên nhau. Thú thực với anh hai mươi năm nay em đã cố gắng yêu nhưng không
thể yêu chồng dù biết chồng rất yêu mình. Có phải đó là vì hai nền tảng văn hóa
cũng như quá khứ của chúng em quá khác biệt?
Người cô đơn mãi mãi
chính là em. Về bên này em cũng sẽ cô đơn nhưng có một Sài Gòn dù còn rất u ám
nhưng là thứ quá khứ thân thuộc luôn ở bên cạnh để làm bạn. Nếu em ở lại bên
kia, vì xa lạ vì cô đơn em cũng sẽ lên chùa và có khi giống như cô gái Mèo kia,
một hôm thấy được Bóng Mây em sẽ cạo trọc đầu xin đi tu mãi mãi.
Tôi hỏi: Em có còn một
chút cảm tình nào với người chồng Việt hay không? Anh nghĩ thời gian trôi đi,
em cũng bỏ đi, anh ta chắc đã có những thay đổi tốt đẹp nào đó rồi? Em có liên
lạc thường xuyên với anh ta hay không? Hay vì sợ người chồng Hàn buồn mà em cắt
đứt dây chuông? Rồi ngập ngừng tôi hỏi tiếp: Chuyện ly dị với anh Kim và quay lại
Sài Gòn có liên quan gì tới người chồng cũ hay không?
Uyển: Không, cái gì chết
thì đã chết. Tình yêu đã hết là tình yêu đã chết, không còn gì nữa đâu, có muốn
đào lên tình yêu cũng không hề sống lại. Sự nhẫn nhục chịu đựng bất công của
người đàn bà trong gia đình lâu ngày biến tình yêu đầu tiên thành nỗi căm phẫn
oán ghét cho tới chết. Ở Việt Nam cũng vậy mà ở xứ người cũng thế, cứ mỗi lần
nhớ tới những ngày trẻ lao đao nuôi chồng ở không tại Sài Gòn là em lại oán em:
Sao hồi đó mày ngu thế?
Uyển kết luận tình cảnh
bên Hàn: Chúng em không thể quên được sự tổn thương mà em phải chịu những ngày
mới qua Hàn. Cũng như cô gái dân tộc Mèo có lần nói với em: Chồng bà thật tốt,
nhưng dù ông ấy có giúp đỡ tôi nhiều cách mấy đi nữa thì tôi vẫn không thể quên
chuỗi ngày tuyệt vọng khi bị người ta đuổi ra đường vào một ngày mùa đông giá lạnh.
Mà thôi, hãy xem đó là
một bóng mây.
Sài Gòn, ngày 13 tháng
08 năm 2016
Mấy lời vụng về, ttt
Có lần tôi đã nhắc lại ý kiến của một người khác nói rằng tiểu thuyết lắm khi làm mình hiểu lịch sử nhiều hơn là sử ký, ông nêu trường hợp Chiến Tranh và Hòa Bình của Leon Tolstoy. Đem điều nầy vào trường hợp "Bóng Mây Trên Chùa" thì quá lớn. Mượn chút xíu thôi, bài nầy với một đề tài đã có cả không biết bao nhiêu lần nói tới dưới nhiều hình thức, chuyện gái Việt lấy chồng Cò Ria, nhưng thiển nghĩ nó cho mình ý niệm rõ ràng hơn như Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam cho thấy sự cùng tận của cảnh nghèo. Không mắc mớ gì phải hỏi chuyện thật hay hư, nhưng lối viết có khác hơn lối "nhiếp ảnh", như Nguyễn Đức Lập có nói với chính tôi ông viết lại như ống kính. Nơi đây, tác giả hay đúng hơn là người kể chuyện (narrator) cho thấy chính mình cũng tham dự vào điều gọi là trùng trùng duyên khởi. Thấy Uyển mặt mày xanh xao trên chiếc xe đạp cũ tần tão nuôi chồng nhậu nhẹt, "tôi" đã phải nói thẳng với nàng rằng "tôi" tự trách không can đảm đưa nàng vào vòng tay che chở của "tôi".
Thiếu nữ người Mèo làm tôi nhớ đến Ikeda Daihatsu, chủ tịch hội cư sĩ Nhật kể chuyện một thiếu phụ Nhật đã tự tử vì nghèo nhưng nhật ký cho biết vì không chịu được sự cô đơn; do đó nếu bà đã gặp một hội viên cùng khai mở năng lực nội tâm thì đời sẽ khác và có khi giàu có hơn. Ông Kim đã đưa cô Mèo qua một khúc quanh, không hiểu "issue" của cô có được giải quyết tận cùng hay không. Cứ như trong bài, cô và Uyển không bao giờ quên những mối hận thù.
Mấy ông thiền đạo mạo sẽ đến khuyên giải xóa bỏ hận thù. Ôi cô Mèo của tôi! Cô Mèo và cả thế hệ cha mẹ sinh ra và lớn lên trong vùng lấy hận thù làm sức mạnh chính trị gây bao nhiêu tội ác, nay người ta lấy cái xóa bỏ buông bỏ bô bô trong miệng của lũ tu hành giả hiệu để làm bài thuốc an thần "chiến tranh chính trị"; sử gia đầy tớ sẽ ghi đây là thời hưng thịnh của Phật Giáo, ghi những khẩu hiệu suông.
Mong cô Mèo và cả Uyển thấy được chân nguyên, trầm luân gãy cánh với thời gian, tránh xa cái loa đầu ngõ, quán niệm một khúc nhạc vũ trụ thần bí, mà nhạc cụ có bọng đàn là khóm trúc, dây đàn vắt vẻo núi cheo leo, bàn tay ngọc là móng chân con cú vọ.-
Mấy lời vụng về, ttt
Có lần tôi đã nhắc lại ý kiến của một người khác nói rằng tiểu thuyết lắm khi làm mình hiểu lịch sử nhiều hơn là sử ký, ông nêu trường hợp Chiến Tranh và Hòa Bình của Leon Tolstoy. Đem điều nầy vào trường hợp "Bóng Mây Trên Chùa" thì quá lớn. Mượn chút xíu thôi, bài nầy với một đề tài đã có cả không biết bao nhiêu lần nói tới dưới nhiều hình thức, chuyện gái Việt lấy chồng Cò Ria, nhưng thiển nghĩ nó cho mình ý niệm rõ ràng hơn như Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam cho thấy sự cùng tận của cảnh nghèo. Không mắc mớ gì phải hỏi chuyện thật hay hư, nhưng lối viết có khác hơn lối "nhiếp ảnh", như Nguyễn Đức Lập có nói với chính tôi ông viết lại như ống kính. Nơi đây, tác giả hay đúng hơn là người kể chuyện (narrator) cho thấy chính mình cũng tham dự vào điều gọi là trùng trùng duyên khởi. Thấy Uyển mặt mày xanh xao trên chiếc xe đạp cũ tần tão nuôi chồng nhậu nhẹt, "tôi" đã phải nói thẳng với nàng rằng "tôi" tự trách không can đảm đưa nàng vào vòng tay che chở của "tôi".
Thiếu nữ người Mèo làm tôi nhớ đến Ikeda Daihatsu, chủ tịch hội cư sĩ Nhật kể chuyện một thiếu phụ Nhật đã tự tử vì nghèo nhưng nhật ký cho biết vì không chịu được sự cô đơn; do đó nếu bà đã gặp một hội viên cùng khai mở năng lực nội tâm thì đời sẽ khác và có khi giàu có hơn. Ông Kim đã đưa cô Mèo qua một khúc quanh, không hiểu "issue" của cô có được giải quyết tận cùng hay không. Cứ như trong bài, cô và Uyển không bao giờ quên những mối hận thù.
Mấy ông thiền đạo mạo sẽ đến khuyên giải xóa bỏ hận thù. Ôi cô Mèo của tôi! Cô Mèo và cả thế hệ cha mẹ sinh ra và lớn lên trong vùng lấy hận thù làm sức mạnh chính trị gây bao nhiêu tội ác, nay người ta lấy cái xóa bỏ buông bỏ bô bô trong miệng của lũ tu hành giả hiệu để làm bài thuốc an thần "chiến tranh chính trị"; sử gia đầy tớ sẽ ghi đây là thời hưng thịnh của Phật Giáo, ghi những khẩu hiệu suông.
Mong cô Mèo và cả Uyển thấy được chân nguyên, trầm luân gãy cánh với thời gian, tránh xa cái loa đầu ngõ, quán niệm một khúc nhạc vũ trụ thần bí, mà nhạc cụ có bọng đàn là khóm trúc, dây đàn vắt vẻo núi cheo leo, bàn tay ngọc là móng chân con cú vọ.-
No comments:
Post a Comment