add this

Wednesday, September 26, 2018

kinh tế Phật giáo, Buddhist Economics




kinh tế Phật Giáo
BUDDHIST ECONOMICS
Ernest Friedrich Schumacher

Chánh mệnh là một yếu tố trong Bát Chánh Đạo. Cho nên phần nầy cũng bao hàm những sinh hoạt kinh tế. Các xứ Phật Giáo (PG) thường xác nhận ý nguyện trung thành với di sản lịch sử của mình. Miến Điện nói: Một nước Miến Điện mới không thấy có sự đối nghịch giữa các giá trị tôn giáo và tiến bộ kinh tế. Chúng tôi sẽ thành công trong việc dung hợp những giá trị tôn giáo và tinh thần trong di sản quốc gia với các lợi ích của nền kỹ thuật tân tiến. Người Miến có nhiệm vụ linh thiêng là xếp đặt những ước vọng và hành động đúng với đức tin. Chúng tôi sẽ làm như vậy.

Đồng thời các xứ trong khung cảnh tinh thần giống vậy luôn luôn hiểu ngầm rằng họ có thể thiết lập các dự án phát triển kinh tế theo mô biểu của các nền kinh tế tân thời; họ kêu gọi các nhà kinh tế ở các nước gọi là tiến bộ đến làm cố vấn. Ví như trong việc đưa ra các chính sách sẽ theo đuổi; lập các dự phóng lớn như kế hoạch năm năm v.v…

Hình như không ai có thể nghĩ rằng một lối sống PG có thể kêu gọi hình thành một đường lối kinh tế PG, đối diện với những lối sống vật chất do nền kinh tế tân tiến đem lại. Các kinh tế gia, chẳng khác những chuyên viên, nói một cách bình thường, bị chứng mù về siêu hình, khẳn định rằng khoa học của họ là một khoa học mang một sự thật tuyệt đối và bất biến, không cần một tiền đề nào. Vài người đi xa hơn và nói rằng các định luật kinh tế không vướn bận gì đến siêu hình, như các định luật về sức hút của quả đất.

Dĩ nhiên, chúng ta không việc gì phải tranh biện với họ về phương pháp luận. Thay vào đó, chúng ta hãy làm những điều nòng cốt và hình dung các nhà kinh tế nầy dưới nhãn quan kinh tế tân thời và của PG.

Điều phổ quát được đồng ý chung là nguồn tài nguyên chính yếu là nhân lực. Nhà kinh tế tân thời xem lao động chỉ khá hơn điều tai ách phải chịu. Dưới mắt ông chủ, nhân công chỉ là một chi phí có thể giảm thiểu tối đa nếu không thể loại bỏ. Dưới mắt người làm công, đó là một sự “phi dụng”; đi làm là hy sinh sự an nhàn và thoải mái; tiền lương chỉ để bù trừ sự hy sinh nầy. Do đó lý tưởng của chủ là vẫn có sản phẩm mà không cần thuê mướn; lý tưởng của thợ là có tiền mà không cần làm lụng.

Hai thái độ nầy về lý thuyết và thực tế đưa đến nhiều hậu quả sâu xa. Nếu lý tưởng là loại bỏ thuê dụng, mọi phương pháp giảm thiểu giờ làm đều tốt đẹp. Lúc chưa có tự động hóa, phương pháp hữu năng nhất là “chia việc”; và ví dụ cổ điển nầy trong một xưởng được Adam Smith ca ngợi trong cuốn Wealth of Nation [tài nguyên quốc gia]. Đây không phải là việc chuyên môn hóa đã có tự ngàn xưa; trái lại đây là sự chia cắt diễn trình chế biến thành những phần li ti, ngõ hầu sản phẩm thành hình với tốc độ nhanh nhất mà không ai góp công sức gì hơn một hành động vô nghĩa của bàn tay không chuyên môn.

Quan điểm của PG về việc làm gồm ba điều liên hoàn: - giúp công nhân có cơ hội dùng và phát triển tài năng; - giúp người nầy vượt qua sự hướng ngã bằng cách cùng làm việc với nhiều người khác và - tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ cần thiết cho sự sống chung.

Quả là tội ác nếu tổ chức công việc của công nhân thành một thứ vô nghĩa, nhàm chán, mất năng lực và gây căng thẳng thần kinh. Lối nầy chỉ để ý đến sản phẩm chứ không phải người, không chút lương tâm, trái lại còn hủy hoại tinh thần và nghị lực.

Mặt kia cũng không kém nguy hại; cố tìm nhàn hạ thay cho việc làm được xem là một cách hiểu lầm về một trong những sự thật của đời người; nói rõ hơn, nhàn hạ và việc làm là hai điều bổ túc cho nhau trong diễn trình sinh sống và không tách nhau, nhờ đó mà thấy sự vui vẻ của công việc và sản khoái của nhàn nhã. Theo tầm nhìn PG, có hai thứ vận hành cần phân biệt rõ rệt. Một thứ bên nầy giúp phát triển kỹ năng và nội lực của con người và một thứ bên kia biến công việc thành một thứ nô lệ máy móc và con người đặt trong vị trí phải phục tòng thứ nô lệ ấy.

khung dệt thảm cổ điển
Hai điều trên khác nhau chỗ nào? Ananda Coormaraswamy, người có thẩm quyền chuyên môn bàn về Tây Phương nay và Đông Phương xưa, giải thích như sau. “Nếu không bị ngăn trở thì chính người thợ luôn luôn có thể vạch một đường rất tế nhị giữa cái máy và dụng cụ. Khung dệt thảm là một dụng cụ, một sáng chế để căng hàng chỉ dọc và người thợ dùng ngón tay dệt đường ngang. Nhưng khung dệt chạy bằng động cơ là một cái máy; sự tàn phá văn hóa nằm trong sự kiện là cái máy làm công việc của người.

Điều nầy cho thấy kinh tế PG khác với kinh tế dựa trên chủ trương vật chất hiện nay (modern materialism). Tinh túy của PG không nằm trong sự gia tăng nhu cầu mà nằm trong sự tinh khiết hóa phẩm hạnh và nhân cách. Đồng thời việc làm đóng góp một phần lớn trong việc hình thành tư cách phẩm hạnh. May cho những ai làm việc trong những điều kiện tôn trọng giá trị và tự do con người.

See the source image
khung dệt máy

Kinh tế gia kiêm triết gia Ấn Độ J.C. Kumarappa đã tóm gọn việc nầy như sau.
Nếu được trân quý và nằm trong sự áp dụng các quy chuẩn tốt đẹp thì việc làm quan trọng cho các khả năng tinh thần cao trọng, không khác vai trò của thực phẩm đối với cơ thể. Nó nuôi dưỡng và làm sinh động con người cao trọng và thúc đẩy sản xuất tốt đẹp tối đa vào mức có thể. Nó cung cấp một môi trường, một khung cảnh cho con người bảy tỏ những giá trị riêng và phát triển nhân tính.
Một thể nhân không có việc làm sẽ ở trong tình trạng thất vọng, không những chỉ vì thiếu lợi tức mà còn vì mất yếu tố làm sinh động và nuôi dưỡng nầy.

Kinh tế gia tân thời sẽ tính toán tinh vi tài tình để xem phải chăng sự toàn dụng làm ra tiền hoặc tốt hơn là bớt thuê mướn nhằm bảo đảm sự luân lưu lao động, ổn định lương bỗng v.v…. Nhưng theo giải đáp nào, tiêu chuẩn thành công duy nhất của ông ta vẫn là số lượng hàng hóa sản xuất trong một giai đoạn nào. Trong cuốn The Affluent Society (xã hội sung mãn), Galbraith nói: Nếu sự khẩn thiết biên tế về phẩm vật thấp, thì sự khẩn cấp phải thuê người cuối cùng trong lực lượng lao động cũng thấp không kém”. Ở chương khác ông còn nói tiếp:  nếu chúng ta có thể theo đường lối khiếm dụng để bảo vệ sự ổn định, chúng ta có khả năng cung cấp cho người thất nghiệp những vật phẩm khả dĩ cho phép họ duy trì mức sống hiện có”.  Như thế đã quá rõ sự thật rằng đầu óc của họ xem vật phẩm quan trọng hơn con người, xem sự tiêu thụ quan trọng hơn các sinh hoạt có tính chất sáng tạo. Nói khác, sự chú tâm đã chuyển từ công nhân qua vật phẩm, từ người qua người thứ cấp; và đó cũng là sự đầu hàng các sức mạnh quỷ quái.


Khởi điểm trọng yếu nhất của kế hoạch kinh tế PG là dự án toàn dụng, mục đích hàng đầu là cho mọi người có việc làm ”bên ngoài” (gia đình). Nhưng vấn đề không phải là sự tối đa hóa nhân dụng hay sản xuất.  Một cách tổng quát, phụ nữ không cần việc làm “bên ngoài”. Việc tuyển dụng ở mức độ lớn phụ nữ trong văn phòng hay công xưởng, đánh dấu sự thất bại kinh tế trầm trọng. Dưới nhãn quan PG, sự thể các bà mẹ vào công xưởng trong lúc trẻ con chạy rông là một điều phi kinh tế cũng như dưới con mắt nhà kinh tế tân thời đưa công nhân lành nghề vô lính là một điều phí phạm. Nếu nhà duy vật chú tâm vào sản phẩm, người PG chú tâm đến giải thoát.

Nhưng PG là Trung Đạo, không chống sự an lạc của thể xác. Chận đường giải thoát không phải là sự giàu có mà là sự đam mê giàu có.

Nòng cốt của kinh tế PG là sự đơn giản và bất bạo động. Đối với nhà kinh tế tân thời, thật rất khó hiểu sự kỳ diệu của lối sống PG và tính cách duy lý toàn diện, thật khó hiểu phương tiện tối thiểu đưa đến kết quả thỏa đáng trên mức bình thường. Nhà kinh tế luôn đo mức sống bằng số lượng tiêu thụ hằng năm; theo ông, kẻ nào tiêu thụ nhiều sẽ sung sướng ngon lành hơn kẻ tiêu thụ ít. Nhưng quan niệm nầy hết sức phi lý. Tiêu thụ chỉ là phương tiện của sự an lạc; mục tiêu của cuộc sống là đạt tối đa an lạc bằng tối thiểu tiêu thụ. Mục đích của áo quần là giữ cho cơ thể một nhiệt độ thích hợp và một bề ngoài dễ mến. Để đạt được, chỉ cần một cố gắng tối thiểu, không làm hao hụt vải và kiểu mẫu phải đơn giản để khỏi tốn công thợ, dành thì giờ làm việc khác. Ngày nay Tây Phương áo quần phức tạp đến mức rùng rợn và có khi đến man rợ. Chuyện áo quần nầy cũng xẩy ở các nhu cầu khác.

Làm chủ và tiêu thụ các sản phẩm chỉ là phương tiện đến một cứu cánh. Kinh tế PG nghiên cứu cẩn thận đầy đủ phương cách đạt các cứu cánh với những phương tiện tối thiểu. Ngược lại, kinh tế tân thời xem tiêu thụ là mục đích duy nhất của mọi sinh hoạt kinh tế và dùng các phương tiện sản xuất như đất đai, nhân công và tư bản. PG tìm đến sự thỏa mãn tối đa bằng một phương thức tốt nhất. Cố gắng dùng mô thức tối hảo kết quả và tối thiểu chi phí ít mất sức hơn số gằng tìm đến tiêu thụ tối đa. Cho nên chẳng ngạc nhiên khi thấy ở Miến ít căng thẳng và áp lực so với Hoa Kỳ tuy quốc gia Á Châu này dùng rất ít máy móc tiết kiệm sức lao động, không như ở Mỹ.

Đơn giản và bất bạo động liên hệ mật thiết. Mô thức tiêu thụ tối hảo để đạt tối đa thỏa mãn làm cho cuộc sống không bị một áp lực nào, người người không bị đòn cân não; ai cũng có thì giờ suy nghĩ và thực hành một trong những lời dạy căn bản của Phật: Không làm việc ác mà làm việc thiện. Những kẻ sống trong sự sử dụng tối thiểu các tài nguyên ít có khả thể siết cổ nhau, so với lớp người sử dụng tài nguyên tối đa. Cũng vậy, những kẻ sống trong các cộng đồng tự túc ít có khả thể dùng bạo động so với số người lệ thuộc hệ thống mậu dịch quốc tế. Do đó, sản xuất từ những tài nguyện địa phương để thỏa mãn nhu cầu địa phương là đường lối kinh tế hữu lý nhất. Sự lệ thuộc nhập cảng và sản xuất để xuất cảng đến các nơi xa cách và xa lạ hết sức phi kinh tế; chỉ hợp lý trong những trường hợp đặc biệt và trên quy mô nhỏ.

Một nét khác biệt sâu rộng giữa hai quan niệm kinh tế có thể tìm thấy trong cách dùng tài nguyên thiên nhiên. Triết gia chính trị Pháp, Bertrand de Juvenal, đã vẽ chân dung “người Tây Phương” với các điều đặc hữu, nay có thể dùng để tả kinh tế gia tân thời.

Ông ấy chỉ lo có một thứ chi phí là trả tiên công thợ; ông không quan tâm đã phung phí bao nhiêu khoáng chất, và tệ hại hơn nữa là không để ý đến số sinh vật bị hủy diệt. Ông chẳng biết đời sống con người là một phần bộ không thể tách khỏi môi sinh, dưới mọi hình thức, dưới mọi điều kiện. Cảm thức về sự tương hợp với môi sinh đã không được khơi dậy vì thế giới được điều khiển từ trung tâm thị thành, nơi dân cư không thấy một hình thức nào khác về đời sống, ngoài việc thấy các nhân thể xung quanh. Hậu quả tai hại là thái độ hung bạo đối với những thứ mà con người phải lệ thuộc để sống còn; đó là nước và cây.

Giáo lý của Phật không những chú trọng đến từ bi với chúng sinh mà cả với cây cỏ vô tri. Mỗi người theo Phật cứ vài năm phải trồng một cây, chăm sóc cho đến khi nó tự sống. Nhà kinh tế PG không thấy khó khăn khi chứng minh rằng sự thi hành giới luật nầy sẽ đưa đến sự phát triển kinh tế thực sự to lớn và không lệ thuộc ngoại viện. Nhiều sự lụn bại kinh tế ở Đông Nam Á (cũng như các nơi khác trên thế giới) bắt nguồn từ sự khinh thị cây cối. Kinh tế tân thời không phân biệt vật liệu tái tạo được và không tái tạo được vì chỉ xem mức thành công bằng giá thành. Các thứ nhiên liệu như dầu hỏa, than đá, củi và sức nước không có gì khác nhau ngoại trừ chi phí. Thứ nào rẽ nhất là tốt nhất, không chọn là phi lý là phi kinh tế.  Kinh tế PG không suy nghĩ theo lối ấy, tức là lối không thấy, hoặc bỏ lờ, sự khác biệt căn bản giữa một bên là nhiên liệu không tái tạo được như dầu hỏa, than đá và bên kia là nhiên liệu tái tạo được như củi và thủy lực. Sản phẩm không tái tạo được chỉ nên dùng trong trường hợp đối đế nhưng phải rất cẩn thận và chú ý việc bảo tồn. Còn như nếu dùng bừa bãi và ngông cuồng là một hành vi bạo động.

Đành rằng bất bạo động hoàn toàn khó có thể thực hiện, nhưng người có ý thức phải để ý đến khía cạnh bất bạo động trong mọi hành vi. Dùng một ví dụ, các kinh tế gia Âu Châu tân thời không chấp nhận là một thành đạt to lớn nếu đem hết gia sản nghệ thuật đưa qua Mỹ bán và hốt bạc; cũng giống vậy, một nhà kinh tế PG sẽ nhấn mạnh rằng lớp người theo một đời sống kinh tế dựa trên nhiên liệu không tái tạo được là những kẻ ăn bám tư bản.

Lối sống nầy không có tính cách bền lâu, thường tồn, mà chỉ được biện minh như một lúc xung động tạm thời. Các tài nguyên không tái tạo được trên thế giới, nơi có nơi không, nhưng đâu đâu số lượng cũng chỉ rất giới hạn. Do đó việc khai thác theo nhịp độ gia tăng là một hành vi bạo động chống thiên nhiên, đồng thời việc nầy cũng đưa đến bạo động giữa người với người.

Sự kiện đơn thuần nầy là một để tài cần được kêu gọi suy nghĩ, kêu gọi những người dù sống trong các xứ PG mà không giữ gìn các giá trị tôn giáo và văn hóa quốc gia để rồi chỉ trong phút chốc quy phục đường lối vật chất của nền kinh tế tân thời. Trước khi từ chối lý thuyết kinh tế PG và xem đó như một hoài niệm, họ cần soát xét lại, suy nghĩ lại xem đường lối kinh tế phát họa bởi các kinh tế gia tân thời phải chăng khả dĩ đủ sức đưa đến nơi mong muốn hay không.

khúc cuối của cuốn The Challenge of Man’s Future giáo sư Harrison Brown thuộc California Institute of Technology đưa đưa ra một sự lượng định giá trị như sau.

Tại căn bản, xã hội kỹ nghệ không vững vàng và cần được hướng trở lại nông nghiệp. Những điều kiện tự nhận đã đem lại tự do cá nhân thì lại bất ổn lung lay không thể giúp các cá nhân tránh xa các tổ chức cứng cỏi và sự kiểm soát toàn diện cay nghiệt. Khi duyệt xét những mối đe dọa sự sống sót của nền văn minh kỹ nghệ, ai cũng nhận rằng sự bảo vệ tự do cá nhân khó mà đi chung với sự tái lập sự ổn định.

Đồng ý hay không đồng ý với Brown không làm độc giả bỏ rơi câu hỏi phải chăng sự tân tiến hóa không kể đến những giá trị tôn giáo và tinh thần, phải chăng có thể đưa đến các kết quả tốt đẹp. Quần chúng bình dân đủ sức thấy những hậu quả tai hại: hủy diệt nền kinh tế nông thôn, ngọn sóng thất nghiệp lên cao trong đô thị với một khối người bần cố không có thức ăn cho thể xác và linh hồn. Kinh nghiệm thực tế và các viễn ảnh dài hạn, thôi thúc chúng ta trình bày (và mong được nghiên cứu sâu rộng) cả với những ai tin tưởng rằng sự tăng trưởng kinh tế quan trọng hơn bất cứ giá trị tinh thần và tôn giáo nào.

Image result for Poverty in America

Vn đề không phải là lựa chọn hoặc sự tăng trưởng tân thời hoặc sự nằm yên cổ truyền. Vấn đề là tìm một lối đi đúng, tức là “Trung Đạo” giữa sự tôn sùng vật chất ngày nay và sự bất động cổ truyền. Tóm lại là tìm ra “chánh mệnh”, đường lối tốt đẹp, không chỉ bắt chước mù quán lối sống vật chất của các xứ gọi là tiến bộ.

Công việc mới nầy, trên hết, đòi hỏi một sự phát triển có ý thức và có hệ thống một trung đạo về kỹ thuật, đã được gọi là “kỹ thuật trung dung”. Kỹ thuật trung dung có nhiều sinh lực hơn, có sức sản xuất nhiều hơn kỹ thuật lỗi thời của Đông Phương thời xưa nhưng không bạo động, hết sức ít tốn kém và đơn giản hơn kỹ thuật tiết kiệm lao động của Tây Phương thời nay. (ttt dịch) 

*********************************


Ghi chú của người dịch

ef schumacher E.F. Schumacher sinh 1911 tai Đức và qua đời 1977 tại Thụy Sĩ vì bệnh tim nhân khi du thuyết xứ nầy. Trốn qua Anh để tránh độc tài Hitler, ông lại bị câu lưu chỉ vì mang dòng máu Đức. Nhưng trong thời gian an trí nầy, Schumacher viết nhiều luận thuyết kinh tế chiếm cảm tình kính nể của John Maynard Keyenes. Học giả Hồng Mao nầy đã can thiệp cho ông ra khỏi tù và dạy đại học Oxford, và sau đó làm trong phái bộ tái thiết Âu Châu sau thế chiến 2.

Schumacher hoạt động thương trường hay giáo dục trong lãnh vực nhiên liệu. Năm 1955, Schumacher đến Miến trong vai trò cố vấn kinh tế cho thủ tướng U Nu và ông đã làm quen với hệ thống tư tưởng Phật Giáo, có lẽ đấy là sự thay đổi tâm linh của một người từ trẻ là một kẻ vô thần, nhưng sự thay đổi quan trọng nhất là ông đã gia nhập giáo hội Vatican năm 1971, tuy điều ông thích thú nghiên cứu – là huyền nhiệm của thời khởi thủy – không phải là căn bản của Vatican. Phải chăng ông đã thấy huyền nhiệm Đông Phương từ khi đến xứ Miến Điện. 


Schumacher đã viết luận thuyết Buddhist Economics khi Miến đã giúp ông hiểu thêm về Đông Phương tuy Đông Phương đối với ông không xa lạ, ông đã biết Gandhi và các học giả khác trong vùng Á Châu. Từ đó nhan đề nầy thành tên một ngành học thuật có rất nhiều ảnh hưởng, thuộc chiều sâu, không ở trong dạng marketing của các tổ chức thiền fitness. Điểm nổi bậc của kinh tế PG là ý niệm tổng gộp an lạc (gross national happines) bên cạnh tổng gộp sản lượng (gross national product). 

Schumacher đã gây được một phong trào kinh tế nhân bản của các tổ chức dưới danh xưng chung New Economics, chú trọng đến môi sinh và kinh tế thiết thực cho cuộc sống chứ không vì sự thổi phồng của một nhóm thủ lợi. Khi Obama đến Cuba, nhóm nầy đã bày tỏ quan ngại rằng nông dân đảo quốc nầy sẽ bỏ canh tác lương thực mà trồng những thứ cần thiết cho kỹ nghệ Mỹ rồi sẽ bỏ trống khi không còn nhu cầu. Cũng giống như nông dân VN đã biến ruộng thành nơi nuôi tôm, đào quá sâu không thể trồng lúa trở lại khi không còn thị trường. Sự thay đổi canh tác nguy hại nhất là thập niên 1930, Ukraine phải trồng theo nhu cầu kinh tế của Nga; hằng triệu người chết đói.
Luận thuyết Buddhist Economics xuất hiện lần đầu tiên một cách khiêm tốn, trong tập kỷ yếu Asia: A Handbook. Về sau Schumacher đã in chung với nhiều bài khác thành cuốn Small is Beautiful.


Xin đọc thêm trên blog nầy: Hột Kê Ngọc

********************





No comments:

Post a Comment