cổ đình Thổ Tang, Vĩnh Phúc
nồi ba mươi ***
Phạm Lưu Vũ ***
Cái nồi ba mươi gắn liền với những ký ức tuổi thơ của
nhiều thế hệ sinh ra từ thế kỷ trước. Đối với mình, cái nồi ấy dường như chỉ
dùng để nấu bánh chưng Tết. Cả làng chỉ vài nhà có, quanh năm hầu như không
nhìn thấy nó đâu, nhưng cứ đến khoảng hăm ba tháng Chạp là cái nồi ấy xuất hiện.
Nó xoay vòng hết nhà này đến nhà khác, nhà nọ vớt bánh đã có nhà kia chờ sẵn để
khiêng nồi về, ngày cũng như đêm, cái nồi “phục vụ” liền liền hai “ca” nấu bánh
chưng, cho tới đêm ba mươi thì dừng, cái nồi lại nằm im trong một xó xỉnh nào
đó, đến năm sau mới xuất hiện trở lại. Nhưng rồi cũng tới lúc cái nồi ba mươi biến mất hoàn
toàn. Những cái xoong lớn gò bằng tôn, đúc bằng nhôm hay cắt ra từ thùng phuy
đã thay thế nó.
Hồi ấy nhà ông bếp Hào, con cụ chánh Xu cũng có một cái nồi ba mươi đúc bằng đồng như thế. Trong nhà ông lại nuôi một con mèo đực béo mượt dùng để bắt chuột. Song trừ những đêm mải đi tơ, thì con mèo ấy cứ tối đến là nó nhảy vào cái nồi ba mươi, khoanh tròn đánh một giấc cho đến sáng, mặc kệ lũ chuột trong nhà muốn làm gì thì làm. Một hôm nó ngủ quên, chưa kịp nhảy ra khỏi nồi thì bỗng một chiếc vung đồng chụp lên, rồi thằng Ngàn, con ông Hào khiêng cái nồi xuống bỏ dưới tầng hầm, cùng với vô số đồ đồng nát khác đè lên, con mèo cũng mất tích từ đó.
Hồi ấy nhà ông bếp Hào, con cụ chánh Xu cũng có một cái nồi ba mươi đúc bằng đồng như thế. Trong nhà ông lại nuôi một con mèo đực béo mượt dùng để bắt chuột. Song trừ những đêm mải đi tơ, thì con mèo ấy cứ tối đến là nó nhảy vào cái nồi ba mươi, khoanh tròn đánh một giấc cho đến sáng, mặc kệ lũ chuột trong nhà muốn làm gì thì làm. Một hôm nó ngủ quên, chưa kịp nhảy ra khỏi nồi thì bỗng một chiếc vung đồng chụp lên, rồi thằng Ngàn, con ông Hào khiêng cái nồi xuống bỏ dưới tầng hầm, cùng với vô số đồ đồng nát khác đè lên, con mèo cũng mất tích từ đó.
Thằng Ngàn lớn lên, học hết lớp bảy thì đi lính. Hết
nghĩa vụ nó được chọn đi học trường hạ sĩ quan, được vài năm thì có bằng tốt
nghiệp bổ túc cấp ba, thế là lại được đi học trường sĩ quan. Binh nghiệp của thằng
Ngàn bắt đầu như thế.
Làng mình vốn thịnh đường binh nghiệp, anh nào khoác
áo lính cũng tiến bộ trông thấy, người chết thì vẻ vang, người sống thì rộng đường
thăng tiến, song cứ đóng đến đại tá là chôn chân tại đó cho đến lúc về hưu, tuyệt
chẳng anh nào lên tướng. Một hôm có ông thầy phong thủy đi qua, trỏ sang cây đa
bên kia dòng kênh mà bảo: đó là nơi tụ khí của văn chỉ, giờ nó bị con kênh này
cắt lìa ra nên làng này chả còn hy vọng quan tướng gì nữa. Quả thực ngày trước
cây đa được trồng ở góc sân văn chỉ của làng, nằm đúng phương tốn, thành hoàng
của làng là Bồ Cấn đại vương nương vào đó mà thu lấy khí lành của trời, tiêu
tán khí độc của đất để nuôi dưỡng khí tướng cho làng. Con kênh thủy lợi chạy
qua văn chỉ, cắt đứt long mạch nên tiệt mất đường ấy. Các sĩ quan trong làng vẫn
lấy điều đó làm tiếc lắm, song chưa biết phải làm như thế nào.
Thằng Ngàn con ông bếp Hào, cháu ông chánh Xu là một
trong số những sĩ quan ấy, từ anh binh nhì học mới lớp bảy, hết nghĩa vụ được
đi học hạ sĩ quan, rồi sĩ quan… tới cấp đại tá thì kể ra sự thăng tiến của ông Ngàn
quả nhanh như lạm phát. Nhưng tiếc là tới đó thì dừng, lương vẫn tăng nhưng phẩm
trật không tăng, hàng chục năm đeo lon đại tá, tới khi lĩnh lương tương đương
trung tướng thì về hưu.
Các sĩ quan bèn họp nhau lại, bàn nhau tìm cách gỡ gạc
chút danh tiếng với dân làng. Chẳng lẽ cứ giới thiệu cấp bậc, phải kèm theo
lương tướng nữa cho oai thì sợ nghe nó buồn cười. Bèn nảy ra sáng kiến, chế
thêm ra cấp chuẩn tướng, vừa trên đại tá, vừa có chữ tướng là đủ hãnh diện rồi.
Thế là tự quy ước với nhau, anh nào đại tá ăn lương tướng thì giới thiệu là chuẩn
tướng. Thành ra một làng chuẩn tướng là vì như thế.
Chuẩn tướng Ngàn hưu vài năm thì chết, trước khi chết
dặn thằng con trưởng tên Triệu xây cho bố cái lăng tướng quân, đúc cho bố một
pho tượng đồng để đời sau biết lối mà tự hào. Triệu nghe lời cha, chợt nhớ đến
cái nồi ba mươi bằng đồng của ông nội Hào ngày trước, bèn xuống hầm lục ra, thấy
bên trong lục khục mấy khúc xương trắng, chả biết xương gì… Cái nồi ba mươi được
chở xuống phố huyện, nơi có làng đúc đồng nổi tiếng cả nước. Cái nồi đồng được
nấu chảy, hóa kiếp thành pho tượng ông Ngàn.
Ngày hô thần nhập tượng ở lăng tướng quân thật là trịnh
trọng. Một vị sư thầy được mời về làm lễ lúc trời nhá nhem tối. Sư xướng danh
con cháu, họ hàng, làng nước… rồi đọc chú, múa may thủ quyết, rồi đốt sớ, trong
đó viết rõ tên chuẩn tướng Ngàn… Đèn tắt phụt, mọi người im lặng nín thở. Trong
bóng đêm, hai tiếng “cách” gieo đài vang lên. Đèn bật sáng, sư nhìn vào chiếc
đĩa, rõ ràng một đồng sấp, một đồng ngửa, thế là chân linh đã nhập. Sư mừng lắm,
hai tay cầm chiếc đĩa có hai đồng xu đưa lên ngang trán vái tạ mấy cái, bỗng lại
nghe một tiếng “tạch” rất khẽ, nhìn lại thấy đồng xu nằm ngửa vừa úp sấp lại,
thành ra hai đồng sấp, thế là hỏng, lại phải làm lại từ đầu.
Lần gieo thứ hai cũng đồng sấp đồng ngửa, lúc vái tạ
cũng một tiếng “tạch” rất khẽ. Sư hoảng hồn nhìn lại, thấy đồng xu nằm sấp vừa
lật ngửa lên, thành ra hai đồng ngửa. Lại hỏng.
Lần thứ ba sư rút kinh nghiệm, quyết chế ngự trò đùa
giỡn của ma quỷ một phen. Lúc vái tạ, thầy bí mật dùng hai móng tay cái bấm chặt
lấy hai đồng xu. Thế là xong cuộc hô thần nhập tượng.
Lăng tướng quân thờ chuẩn tướng Ngàn nổi bật uy nghi
giữa một đám mồ mả chen chúc, lộn xộn của làng. Pho tượng đồng nom bóng loáng,
lẫm liệt, song cứ đêm đêm lại phát ra tiếng mèo kêu, dân làng lấy làm quái dị lắm.
Con trai trưởng tướng Ngàn là Triệu lục tìm khắp lăng, tịnh không thấy một con
mèo nào, phải mời thầy cúng về làm lễ cúng an lăng.
Bấy giờ có một anh đánh rọ cá rô, về ngang qua đó bèn
rẽ vào xem, mang theo chiếc giỏ đựng ba mươi con vừa mới đổ rọ. Ngồi xem cúng
được một lúc, anh này bỗng thấy rợn người, phía bên hông đeo giỏ cá lạnh toát,
cảm thấy có cái gì vừa chui vào giỏ cá, như thể mèo ăn vụng, nhìn kỹ thì không
có gì. Về tới nhà đổ giỏ cá ra, đếm đi đếm lại vẫn thấy thiếu mất một con.
Trong lúc đó thì ở ngoài lăng, thầy đang cúng thì bát hương bốc cháy, mùi cá rô
nướng tỏa ra thơm phức. Pho tượng bèn yên, không phát ra tiếng mèo kêu nữa. Việc
này hẳn có nhân duyên, viên thầy cúng nghĩ bụng như thế…
Triệu từ đó nghe lời thầy cúng, ngày nào cũng nướng cá
rô đặt lên cúng pho tượng. Quả nhiên hết tiếng mèo kêu, song cũng chỉ yên được
vài tuần, thỉnh thoảng lại xuất hiện tiếng mèo gào, y hệt lũ mèo đi tơ trong
đêm tối, giữa bãi tha ma nghe càng ghê rợn. Thầy cúng hôm trước lại được mời đến.
Người này quả có âm cơ, lần này không bày ra cúng nữa, chỉ khuyên Triệu nuôi một
con mèo cái trong lăng. Từ đó mới yên hẳn.
No comments:
Post a Comment