
Sài Gòn
cái tên của
ngày hôm qua
Không biết từ bao giờ, trong phòng lưu niệm trên tầng
chót của tháp Eiffel, Paris, đã có tên Sài Gòn trên bảng ghi khoảng cách từ đây
đến những thành phố lớn trên thế giới. Trong khi đó, tại đài thiên văn
Greenwich, London nằm ngay trên kinh tuyến gốc số 0, tên “Sài Gòn” được khắc
trên bảng tọa độ các đô thị tiêu biểu cho các múi giờ. Tọa độ Sài Gòn là kinh
tuyến Đông 106 độ – 43 phút.
Sau năm 1975, nhiều bản đồ thế giới có ghi tên địa điểm hcm city với hàng chữ chú thích: “formerly
Saigon“ . Thế nhưng, trong mắt nhiều người Việt trong và ngoài nước, tên Sài Gòn không chỉ là địa danh, không chỉ là hoài niệm xa vắng mà cao
hơn nữa từ lâu rồi, đó còn là một địa chỉ quốc tế, một icon – biểu tượng – đầy
sức sống kỳ lạ của Việt Nam qua nhiều thế kỷ thương đau.

Mở cửa 200 năm trước
Tên Sài Gòn được người Anh viết là “Sai-gong” trong
quyển A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 của John Barrow, in
năm 1806, cách đây 209 năm! Có lẽ đây là quyển sách xưa nhất bằng tiếng Anh viết
về Việt Nam và cũng là quyển sách nước ngoài xưa nhất nhắc đến tên Sài Gòn. Tác
giả quyển sách là một nhà nghiên cứu Anh đã từ Batavia (Jakarta-Indonesia) cập
bến Sài Gòn vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang xây dựng kinh thành Gia Định trở thành
hậu cứ lớn để tấn công Tây Sơn. John Barrow ghi nhận “Sai-gong” là nơi nhà vua
xứ Đàng Trong đóng đô, hơn nữa còn là thương cảng nhộn nhịp tàu bè đến mua bán,
nhất là xuất cảng gạo. Mặc dầu còn mới mẻ, Sài Gòn đã thay thế Hội An và Quy
Nhơn, hai thị tứ tiêu điều vì chiến
tranh, để mở cửa Đàng Trong ra với bên ngoài. Rất đáng kể, Sài Gòn còn có xưởng
đóng tàu theo kiểu Tây dương (châu Âu) và có quân cảng, hậu cứ của hải quân nhà
Nguyễn. Khi tác giả có mặt tại “Sai-gong”, tại cảng đã có 7 thương thuyền của Bồ
Đào Nha, một chiến hạm Pháp thuộc đội quân của Giám mục Bá Đa Lộc và nhiều
thương thuyền khác. Chính chiến hạm Pháp đã đưa Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đi cầu
viện vua Napoleon đệ tam…
Tòa Đô Chánh
Và rồi, hơn 50 năm sau cuộc gặp gỡ Việt-Pháp đó, éo le
thay, Pháp đã xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Không hạ được Đà Nẵng để tiến chiếm
kinh đô Huế, quân Pháp chuyển qua đánh Sài Gòn. Quân nhà Nguyễn gắng sức nhưng
rồi thành Gia Định thất thủ ngày 17.2.1859. Cuộc chiếm đóng của người Pháp ở
Sài Gòn và đất Nam kỳ sau đó không dễ dàng. Sau bốn năm bình định, đến ngày
15.6.1865, chính quyền Pháp mới chính thức ban hành sắc lệnh lập ra “Ville de
Saigon ” – Thành Phố Sài Gòn. Từ đó, Sài Gòn chuyển qua một quỹ đạo văn minh mới.
Kỹ nghệ hóa sớm nhất
Người Pháp đã đem văn minh phương Tây đến Sài Gòn trộn
với chất phương Đông sẵn có của nó để tạo ra một Sài Gòn mới mẻ và độc đáo. Rất
thuận lợi, Sài Gòn đi vào kỹ nghệ hóa cùng thời những phát minh to lớn của loài người: xe lửa, máy bay, đèn điện, đường
dây thép, điện ảnh… Sau 30 năm xây dựng, người Pháp đã cải biến Sài Gòn thành
đô thị tân tiến đầu tiên ở Việt Nam sánh vai cùng nhiều đô thị châu Á đã phát
triển trước đó như Singapore, Penang, Hồng Kông, Thượng Hải, Tokyo.
Cho đến đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã có cơ sở hạ tầng tân
tiến và hoàn chỉnh: bưu điện, nhà máy điện, nhà máy nước, kỹ nghệ đóng tàu, đường
nhựa, đường xe lửa, giang cảng và sân bay… Chính nhờ kinh nghiệm xây dựng Sài
Gòn và ngay cả phương tiện và nhân lực của Sài Gòn mà người Pháp đã xây dựng tiếp
“Ville de Hanoi”, “Ville de Tourane ” (Đà Nẵng) và một loạt thành phố khác vẫn hiện còn ở Việt Nam.
Saigon thập niên 1920

Dòng sông ra biển lớn
Sông Sài Gòn là dòng sông lớn, dễ dàng ngược xuôi ra
biển. Vựa lúa Nam bộ và hàng hóa cả nước theo sông Sài Gòn ra với thế giới. Những
tuyến đường viễn dương lần lượt ra đời: Sài Gòn-Singapore-Marseille, Sài
Gòn-Hongkong-Thượng Hải-Yokohama và xa hơn nữa đến San Francisco và New York.
Chẳng mấy chốc, có thêm đường hàng không Sài Gòn-Paris nối châu Âu, Sài
Gòn-Hongkong nối với Đông Bắc Á và Mỹ. Những tuyến đường biển đường không, báo
chí và viễn thông xuất phát từ Sài Gòn đã mở rộng chân trời, mở rộng tầm nhìn
không chỉ cho người Sài Gòn mà còn cho người Việt Nam, người Đông Dương ra với
năm châu. Đầu thế kỷ 20, một thế hệ thanh niên mới được các sĩ phu yêu nước
nhóm lửa đã mau chóng từ Sài Gòn “xuất dương”, tìm đến những đất nước tiên tiến
cả Đông lẫn Tây để học hỏi, kiếm sống.
Cho đến trước 1945, Sài Gòn đã rõ nét là một trung tâm
giao thương và hàng hải nhộn nhịp, một trung tâm kỹ nghệ lớn, nhất là sơ chế
nông sản, có vị trí quan trọng. Nói như ngôn ngữ bây giờ, Sài Gòn là một móc nối
không thể thiếu trong chuỗi cung ứng từ Á sang Âu và từ Đông Bắc Á xuống Đông
Nam Á. Sài Gòn còn là một thành phố mang phong vị Á-Âu, với gần 500 ngàn dân đến
từ tứ xứ và nhiều châu lục. Sài Gòn là “thủ đô kinh tế” của Đông Dương, nơi có
dinh Toàn quyền, có các tòa lãnh sự và đại diện thương mãi của các cường quốc Anh, Mỹ, Nhật
và nhiều nước khác. Khi chiến tranh Thái Bình Dương xảy ra năm 1941, người Nhật
đã đặt đại bản doanh tại Sài Gòn để điều hành cuộc chiến Đông Nam Á. Sài Gòn đã
hứng bom không quân Mỹ nhưng may mắn không bị nhiều tàn phá. Những diễn biến
chiến tranh khốc liệt hơn 30 năm sau đó càng làm thế giới biết đến tên Sài Gòn
không chỉ liên quan vận mệnh kinh tế mà còn là vận mệnh chính trị của cả Đông
Dương và khu vực.
Yêu kiều giữa chiến tranh
Năm 1948, chính quyền Quốc Gia Việt Nam do Vua Bảo Đại dựng lên, đặt thủ đô ở Sài Gòn. Lần đầu tiên trong lịch sử, Sài Gòn trở
thành trung tâm hành chính và quân sự cả nước. Kế đến năm 1955, Sài Gòn lại tiếp tục làm thủ đô cho miền đất từ vĩ
tuyến 17 trở vào của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong nửa đầu thập niên
1950, phố xá Sài Gòn bắt đầu có biến đổi một ít so với thời kỳ trước 1945. Nhiều
công sở trung ương, công sở ngoại giao, nhiều phố phường thương mại mọc lên.
Sài Gòn bắt đầu có cấp quận. Người các tỉnh đổ về tỵ nạn chiến tranh và kiếm sống
gia tăng làm thành phố từ 500 ngàn dân tăng lên gấp đôi, gấp ba. Nhiều khu ổ
chuột, định cư tạm bợ ra đời: Bàn Cờ, Vườn Chuối, quận 4… Những con kênh lớn
như kênh Tàu Hũ bị nhà dân lấn chiếm hai bên bờ. Thành phố phát triển trong chiến
tranh, không giữ được quy hoạch cũ, mau chóng xộc xệch.


Hãy yêu Sài Gòn hơn nữa, đừng để Sài Gòn bị lãng quên
và sa chân vào những tai ương trên những con đường phát triển đô thị thiếu tầm
nhìn. Đừng để Sài Gòn trở thành một đô thị vắng tên trên bản đồ thế giới. Nguoidothi.net.vn

No comments:
Post a Comment