add this

Friday, February 26, 2021

vong quốc hận

Quảng Điền, Huế

 





Vong Quốc Hận 

Phạm Đạt Nhân


            Thương nữ bất tri vong quốc hận
            Cách giang do xướng Hậu đình hoa 

Hai câu cuối vừa nêu của bài thơ Bạc Tần Hoài (Tần Hoài Dạ Bạc) đã từng gây hoang mang tranh luận cho hậu thế. "Không biết mối hận mất nước” thì đã rõ, nhưng khúc Hậu Đình Hoa là gì mà ghê gớm lắm vậy?  Xin thưa là vì bài ca nầy liên quan đến việc mất nước, đến người sáng tác, đến thân phận ca nhi, đào hát, đến thái độ của thi hào Đỗ Mục trong bài Bạc Tần Hoài và dư chấn âm vọng của bài thơ.
Hậu Đình Hoa là một trong ba tập thơ do Trần Thúc Bảo [thường được biết trong sử sách là Trần Hậu Chủ đời hậu Trần, thời Nam Bắc triều (420- 587) bên Tàu] tập hợp các bài thơ sáng tác trong các buổi tiệc tùng, vui chơi giải trí cùng các quan học sĩ. Khúc Hậu Đình Hoa được phổ nhạc từ một bài thơ hay nhất trong tập thơ cùng tên. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của Trương Lệ Hoa, người được Trần Hậu Chủ đặc biệt sủng ái. Bài hát mang những lời tình tứ, du dương nhất.Trong các cuộc dạ tiệc thâu đêm, các ca nương, đào hát rất thích trình diễn bài nầy.
Trần Hậu Chủ (583- 587) là vị vua cuối cùng của họ Trần, nổi tiếng phong tình, ham mê thi ca, nhạc tửu, nhất là gái đẹp. Ông bị mất nước trong một cơn say khước: say rượu, say thơ, say nhạc, say tình bên cạnh người đẹp Trương Lệ Hoa đang hát khúc Hậu Đình Hoa. Từ đó, tên Trần Hậu Chủ gắn liền với tên Hậu đình hoa, trở thành điển tích của vết nhơ vong quốc.

Mãi đến 200 năm sau, ca nhi vẫn còn mê hát khúc hát nầy trong các cuộc vui chơi trác táng, yến tiệc linh đình. Dù trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, thương nữ vẫn bình nhiên hát khúc nhục ca nầy. Thi hào Đỗ Mục (803 - 852) một đêm đổ bến Tần Hoài gần kề quán rượu bỗng nghe vẳng lại từ bên sông tiếng hát của một thương nữ đang hát khúc ca Hậu đình. Động mối cảm hoài, Đỗ Mục sáng tác bài thơ Bạc Tần Hoài (Tần Hoài Dạ Bạc).

        Yên lung hàn thy nguyt lung sa
        D bc Tn Hoài cn tu gia 
        Thương n bt tri vong quc hn 
        Cách giang do xướng Hđình hoa 

Dịch xuôi :  Khói lan tỏa trên mặt nước lạnh, ánh trăng lan tỏa trên cát. Đêm (ta) đậu thuyền trên bến sông Tần Hoài gần quán rượu. Ca nhi không biết mối hận mất nước nên ở bên kia sông còn hát khúc Hậu đình hoa.
 
T
rong thể thất ngôn tứ tuyệt, thường câu thơ cuối chứa đựng nội dung biểu đạt mà tác giả muốn gởi gắm tâm tình. Về sau bài thơ nầy được nhiều người dịch, mỗi người dịch đều trung thành với nguyên tác, song thái độ đối với nhân vật "thương nữ" thì mỗi người mỗi khác. Có người vừa trách móc vừa thương hại, có người vừa trách móc vừa khinh miệt.

Nhóm thứ nhất gồm có những dịch giả sau đây:

- Lâm Trung Phú :
            Cô gái vô tình quên mất nước 
            Hậu đình hoa hát vọng sang sông 

- Trần Trọng San :
            Cô gái không hay buồn mất nước 
            Bên sông còn hát Hậu đình hoa 

 - Nguyễn Hàm Ninh :
            Thương nữ biết chi sầu mất nước
            Cách sông hát khúc Hậu Đình hoa 

   
- Khương Hữu Dụng :
            Cô gái biết chi hờn mất nước
        Cách sông còn hát Hậu đình hoa


 Nhóm trên có người để nguyên chữ "thương nữ" có người dịch là "cô gái". Điều đó chứng tỏ có sự nhẹ tay, châm chước và cảm thông. Thật ra thương nữ có nghĩa là con hát, đào hát.
           
Nhóm thứ hai gồm có những dịch giả sau đây
:

- Mộng Sơn :   
                     Gái đêm quen sóng khuynh thành 
               Bên sông hát khúc Hậu đình hoa chơi 
Hoàng Giáp Tôn  :
                     Gái còn hát Hậu đình hoa 
               Hờn mất nước chẳng xót  xa trong lòng
 
- Phí Minh Tâm :
               Cô ả biết đâu hờn mất nước
               Bên sông còn hát khúc Đình hoa 

Nhóm dịch giả trên dịch “thương nữ” ra “Gái đêm, Gái , Cô ả”, thể hiện thái độ coi khinh người ca nữ. Nhất là Mộng Sơn dùng chữ Gái đêm hơi nặng tay.

Dù dịch kiểu gì hay là diễn theo cách nào, cô gái hát khúc nhục ca vong quốc giữa hoàn cảnh nước nhà nghiêng ngả vẫn bị chê trách. Do đâu và vì sao cô gái phải chịu nỗi hàm oan nầy? Phải chăng đây là định nghiệp của kiếp cầm ca. Vì nghệ thuật và vì kế mưu sinh - phải làm đẹp lòng khách mua vui. Chẳng qua là vì khúc hát đã biến thành vết nhơ của Trần Hậu Chủ. Trần Hậu Chủ vì ham tửu sắc, thi ca để xảy ra mất nước, bị người đời sau nguyền rủa. Trách hôn quân sao không trách nịnh thần, đám học sĩ bao quanh. Giữa lúc đất nước ngả nghiêng, dân tình điêu đứng, đám học sĩ không dùng tài học của mình để can gián vua mà lại bẻ cong ngòi bút, làm thơ xướng họa, vịnh nguyệt thưởng hoa hầu hưởng chút hương thừa rượu cặn. Thời nào cũng vậy, ngụy trí thức tuy hàm học vị mà cam chịu kiếp sống vong thân, làm con rối cho quân quyền giựt dây.

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách,
 câu nói của người xưa vẫn còn tươi nguyên giá trị. Sự hưng thịnh hay tiêu vong của nước nhà thì kẻ thất học cũng phải có trách nhiệm huống chi người có học. Yêu nước là trách nhiệm của mỗi công dân. Không ai được quyền thoái thác trách nhiệm nầy cho người khác và cũng không ai được độc quyền yêu nước. Yêu nước không nhất thiết là phải cầm súng. Mỗi người thể hiện quyền yêu nước theo cách của họ và tùy vào khả năng điều kiện có thể. Trút hết trách nhiệm cho thương nữ là không công bằng.
Bài Bạc Tần Hoài cách chúng ta hơn một ngàn năm mà chừng như nỗi sầu mất nước vẫn còn âm ỉ: Mất biển đảo, mất những vị trí chiến lược trên đất liền, mất nguồn nước sông Mê-Kông, mất ngư trường đánh cá, mất nguồn hải sản, mất an toàn thực phẩm chẳng ngang bằng mất nước ư ?

H
ai câu thơ cuối trong bài thơ của Đỗ Mục như một lời chê trách, lời cảnh giác những ai quay lưng lại với mệnh nước; những ai bằng lòng với những quyền lợi nhỏ nhoi, bình an giả tạm để đắm mình trong những trò vui chơi giải trí. Bộ máy công quyền nắm vai trò định hướng thông tin đại chúng, bám sát các hoạt động giải trí tuyên truyền. Do vậy người dân chỉ có thể nói một chiều, nghĩ một hướng, làm một kiểu…
Những ai còn lương tri, lương thức, còn băn khoăn đến vận nước, đến dân tộc, tổ quốc đều bị nhóm quyền lực quy kết là âm mưu lật đổ chính quyền. Biết hận mất nước là một chuyện, nhưng làm thế nào để cứu nguy dân tộc lại là điều không dễ!  


hình nhà, hồ sen, vịt nuôi, ngỗng trời
Đôi lời cáo bạch
của người giữ vườn
ttt

Như anh Lý Toét ngu ngơ ra tỉnh, khi mới làm quen với internet, tôi bấm tay vô Next Blog đầu góc trái mỗi trang mới biết rất nhiều blog thiên hình vạn trạng, mọi thứ ngôn ngữ; có nhiều blog tiếng Việt nói chuyện khâu vá da thịt của các cô. Đi thêm nữa tôi gặp web Phạm Hạnh với đường hướng (thiếu chữ): Rằng từ vô ảnh vô thanh. Hát vu vơ giữa phong phanh cõi Người. Nghe như mục đồng ngồi mình trâu hát tự nhiên; nếu một ai ghi lại được thì có thể dùng làm những nhạc đề (theme, motif) cho những tác phẩm vĩ đại. (Thật vậy, mọi nhạc phẩm đơn giản hay phức tạp, ngắn dài đều được khai triển từ những motif /melody ngắn gọn ai cũng có thể tự huýt sáo miệng mà thành). Chủ xị (gọi yêu) Phạm Đạt Nhân ngồi trên lưng vô ảnh vô thanh rong ruổi trong cõi Người. Câu nầy đưa đến "Le Petit Prince" Saint Exupéry bay trong đêm (Vol de Nuit), trong chiến tranh (Pilot de Guerre) khắp cả cõi người (Terre des Hommes).

Phạm Quân đã nhiều lần nghĩ đến kẻ khốn cùng như qua ẩn dụ của văn sĩ trời cao nầy: Mozart bị ám sát (Mozart Assasiné), triệu triệu trẻ con bị đọa đày, chết trong tăm tối kéo xuống mồ những thiên tài như Mozart. Những bài về xã hội mang những lời chừng mực, nói ít để người tự đào thêm, đúng như câu nói tiếng Anh: Still water always is deep, nước không giao động là nước rất sâu. Số bài loại nầy, tuy vậy, không nhiều bằng bài về triết học và văn hóa Đông Phương.  Lời vinh danh thầy cũ trên web nầy cho thấy Phạm Quân là học trò của GS Nguyễn Đăng Thục chuyên triết Đông, khoa trưởng Văn Khoa ngày nào. Tôi đã tự nhiên “như người Hà Lội” chộp vài bài của Phạm Hạnh đưa vô khu vườn mới vỡ đất ươm cây. (Tích Hợp hay Cưỡng Hôn và Bất Bình Tấc Minh).

Vô ảnh, vô thanh không mang nghĩa néant, nihilist. tự hoại, hủy hoại.  Hình ảnh và âm thanh đã được tinh lọc, giữ phần tinh lý không góc cạnh, để không còn riêng biệt mà thành "vô". Vô thanh ấy giúp Phạm Quân nghe, như Đỗ Mục nghe, bài Hậu Đình Hoa từ miệng ca nữ “bất tri vong quốc hận”.
Từ cuộc rượu mất nước đến lúc neo thuyền bến Tần Hoài, có lẽ người đời cũng như Đỗ thi nhân hiểu “mất nước” một cách đơn giản, nước khác đem quân đến chiếm, chấm dứt triều vua đương quyền. Nhưng xã hội hầu như giữ nguyên, gần giống như nhà Trần diệt nhà Lý.

Các cuộc mất nước thời cận kim hay hiện kim không đơn giản như thế mà xã hội, nhân quần, tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật … nhất nhất đều bị mất, có thêm những thứ mới như đạo đức cách mạng chẳng giống bất cứ thứ đạo đức nào từ mấy chục ngàn năm.
Phạm Quân nhìn sự mất của một nước, một quê hương nhân bản theo nghĩa sinh cảnh học (ecology) lấy sự sống của người dân làm mục tiêu nghiên cứu: trích Mất biển đảo, mất những vị trí chiến lược trên đất liền, mất nguồn nước sông Mê-Kông, mất ngư trường đánh cá, mất nguồn hải sản, mất an toàn thực phẩm chẳng ngang bằng mất nước ư? ngưng trích

Nhưng vẫn còn nhiều, nhiều và nhiều con cháu của Vua Hùng vẫn hiểu mất nước quốc hận trong nghĩa xưa và nay, cng thêm nghĩa sinh cảnh học; nói khác, mất nước toàn diện, đầy đủ mọi khía cạnh, mất hết.- (bài cũ Sept 2016)
.....................................................



Saturday, February 13, 2021

Bầu cua

 

bầu cua

Tôn Tht Tu

Đầu thập niên 1960, từ Huế tôi vào Saigon học, quen bà đầm tương lai nhà ở sau nhà thương Bình Dân, tạm gọi là mặt tiền. Bên hông có một hẻm nhỏ chỉ vừa cho xe xích lô hay ba gạt. Ngày ngày, từ trong xóm ấy, một nhóm trẻ con chừng mười đứa, cầm đầu bởi thằng Tỵ ghẻ, tụ tập trước nhà. Chúng không phá phách, khi người lớn đi qua chúng đều kính thưa. Mười ngày như một, các em bắt đầu bởi bài đoàn ca, và lập đi lập lại nhiều lần.

"Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua; lắc một cái thì ra ba con gà mái; không có chồng sao có bầu".Đầu thập niên 1960, từ Huế tôi vào Saigon học, quen bà đầm tương lai nhà ở sau nhà thương Bình Dân, tạm gọi là mặt tiền. Bên hông có một hẻm nhỏ chỉ vừa cho xe xích lô hay ba gạt. Ngày ngày, từ trong xóm ấy, một nhóm trẻ con chừng mười đứa, cầm đầu bởi thằng Tỵ ghẻ, tụ tập trước nhà. Chúng không phá phách, khi người lớn đi qua chúng đều kính thưa. Mười ngày như một, các em bắt đầu bởi bài đoàn ca, và lập đi lập lại nhiều lần.

"Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua; lắc một cái thì ra ba con gà mái; không có chồng sao có bầu".

Lúc ấy tôi chưa biết bầu cua, mà sao cứ nghe bầu cua cá cọp. Sau mới biết là ba khối lục lăng sáu mặt có những hình rất bình dân đáng mến. Tôi nhớ lại món cờ bạc ngày Tết ở Huế có nguyên tắc giống vậy. Nhứt lục dùng ba hột xương sáu mặt, tương ứng với sáu cửa; trúng hai mặt như nhau chung gấp đôi. Ít năm sau về Huế thì thấy bầu cua thay cho nhứt lục, mà bài vụ cũng đi mất tiêu.

Thời ấy truyện kiếm hiệp Kim Dung như nước lũ chảy qua cả nước; ai cũng đi thuê mà đọc. Văn gia đều lấy tên các nhân vật làm bút hiệu. Chu Tử ký là Kha Trấn Át; người khác lấy tên Hồng Thất Công. Con cà cuống chết, cái đít còn cay: ngày nay bà con gọi “nàng” là Bể Lốp Xe chưa vừa còn thêm Mai Siêu Phong. Hồi đó có kẻ đề nghị Bộ Chiêu Hồi in kiếm hiệp nhỏ hơn sách bỏ túi, thả vào mật khu thì cán binh BV say mê, quên đánh đấm. Nếu bây giờ giao việc nầy cho ông chủ Facebook hay Twister thì có thêm cấy chi như một tia la de (bière) để truy tìm mấy khứa nón cối rúc vô bụi mô mà đọc.

Đám Tỵ ghẻ thì thích cô gái Đồ Long. Lắc một cái ra ba con gà mái, không có chồng sao có bầu.

Tỵ ghẻ (nhưng rất sạch sẽ không có ghẻ) vẫn theo cung cách, quy củ xưa: không có chồng sao có bầu. Trẻ em hồn nhiên, là phát ngôn viên của thời đại. Vui như lũ trẻ nầy. Buồn thì “mẹ ơi - mẹ ghẻ - chớ đánh con đau để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ’.

Tỵ ghẻ (sạch sẽ không có ghẻ) năm nay cũng quá bảy bó; lớn dần, già dần theo biến đổi xã hội. Bây giờ thì không chồng có chửa mới hay. Lối sống tự nhiên của "live in lover" đã lan truyền khắp thế giới từ xứ Mỹ. Nhưng thế giới không học tiếp rằng Mỹ đã điều chỉnh các di lụy bằng cách ghép vào luật nhân thân. Nếu sống chung một năm thì thành vợ chồng, có quyền lợi và nghĩa vụ như có hôn thú. Mỹ đã la làng quan niệm marriage dissolution (giải thể hôn khế) đưa đến ly dị quá dễ dàng đóng góp nạn homeless, đã đưa “throwaway society” có đối tượng là lon nhôm lên đối tượng nhân thể là vợ hay chồng, vất đi rất dễ.

Trở lui chuyện cờ bạc, tui thích nhứt lục vì nhà cái úp ba hột dưới cái chén, đưa chén dĩa lên cao lắc lắc như cáo với trời: ôn ơi cho tui ăn, tui sẽ cúng. Nhưng ảnh hưởng của nó là âm thanh nghe vui hơn sáu cục bầu cua bằng giấy. Về âm thanh hay hơn nữa là bài vụ. Bài vụ? Âm thanh là cái chạch “yên bề gia thất”. Số là cái chén úp bài vụ bằng gỗ tiện, chủm đít rất nặng, nhà cái hất lên trời, tay kia còn cả nắm xu đưa ra hứng, đít chén xuống trước; đó là lý do mình nghe cái chạch, rất hoang vu như trái mít rụng.

Trong Quảng, nghe kể, có ông kia xách chiếu ra ngõ chợ gần nhà mở sòng chẳn lẻ như xin xăm Chùa Tàu. Sau dăm ba lần xóc, lần nầy ông xóc xong thì chạy vô nhà lấy thêm tiền chung. Có thằng bé mở ra xem, hô to kết quả, bà con nhìn không sai; chén đậy lại, ai cũng dồn vô cửa trúng, móc tiền đánh thêm. Nhà cái ra, dở chén thì ai cũng thua. Lý do nhà cái khi dở chén đã dùng ngón tay khều ngược một đồng tiền. Méo mó nghề nghiệp, dưới con mắt của cô con gái rượu Ivanka Trump, thằng bé nghịch ngợm dỏm, hắn không thuộc phe con, mà thuộc phe cái; hắn là một Rino như ông thượng Graham biếu nửa triệu đô vào quỹ kiện tụng bầu cử nhưng vẫn bỏ phiếu cho ông JB, lấy vô trừ tiền chi ra còn khắm khá.



Chính trị gia Hà Thúc Ký cho rằng thời ông Diệm, vì độc tài, dân chúng nói trớ mà chửi. Một nông dân đặt tên cháu nội là Vịm, suốt ngày say rượu cứ chửi thằng Dịm (Diệm). Cách nữa là dạy trẻ con chơi vụ đồng xu một bên là hình lúa, một bên hình Ngô TT nhưng cứ la to Diệm lúa (lúa là chết toi) Diệm chết tới nơi. Nhà em thày lay kể lại thì bị vô số comment đào cả mả cha lên mà chửi và cho cái tên “con của Trần Chung Ngọc” thuộc nhóm Giao Điểm. Một bình sĩ nói rằng trẻ con Saigon chỉ hô : hình hay lúa, không gọi tên Diệm. Một vị khác bảo hình trên đồng tiền là cây trúc, tượng trưng cho quân tử, ngay thẳng và chính là Ngô Chí Sĩ, ba cây trúc là hình ở giữa các khuôn dấu tròn các cấp; không có lúa gạo cơm cháo gì ráo trọi.

Dạ thưa, bữa ni còn hai ngày nữa là tết, nhà em không chết vì vaccine Moderna; “so far so good”, rứa cái đã, còn mũi nữa tháng sau, nhỡ mà tiền kiết hậu hung thì bỏ mạng sa trường. Nay còn sống làm phiền bà con bằng những chuyện ba vớ; hành động nầy nếu thi hóa thì:

đen như mực mây qua một nét

điểm tóc em với những giọt nước u huyền

nằm yên nếp trong điệu ru trên áo

phủ vai em phủ kín một trời.

Vâng, trong trời ấy có ông Diệm, thằng Tỵ Ghẻ, có tiểu nhân có quân tử …. Nhưng rồi ra, sẽ không còn chi nữa. May ra mong được như thiền sư Mãn Giác (1052-1096): 

Đừng nói hết xuân hoa rụng hết; sân trước đêm qua còn cành mai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

 

============================================================================


======================================


Friday, February 12, 2021

VN sáp nhập Cambodia

 

poppy làm thuốc phiện đen






Xét lại VN sáp nhập Cambodia

REVISITING THE VIETNAMESE ANNEXATION OF CAMBODIA

Lê Minh Khai

(tiếp theo và hết)

6.- C bc và thuc phin

Tiếp tục bài đăng trước, một cuốn sách khác đề cập việc quan viên Khmer mặc áo theo lối VN, bằng tiếng Thái “Anam Sayam yut อานามสยามยุทธ = Cuộc Chiến Việt Xiêm, xuất bản lần đầu 1907, tái bản 1971. Cuốn sách được đúc kết bởi K. S. R. Kulap Kritsananon, nhà văn và nhà xuất bản. Đáng chú ý tác giả là khuôn mặt duy nhất thuộc giới thường dân đã viết sử trong lúc xưa nay việc nầy dành cho hoàng tộc.

Tuy vậy, Kulap viết xong tác phẩm nầy nhờ các tài liệu gom góp bởi Chao Phraya Bodindecha, một tướng lãnh cao cấp Xiêm thời tiền bán thế kỷ 19 và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Việt Xiêm thời ấy.

Chương có nói đến việc quan lại Khmer mặc y phục VN mang nội dung là các biến cố năm 1839.

Một trong những nét chính yếu của lịch sử tiền bán thế kỷ 19 là sự kiện hoàng gia Khmer chia rẻ, lòng trung thành phân tán theo từng nhóm. Vua Nặc Ông Chân – NOC - (trị vì từ 1806 đến 1834) có hai người em trai tên Duang và Im (Nặc Đôn và Nặc Yểm). Hai nhân vật nầy sống nhiều năm ở Thái Lan trong lúc vua Miên duy trì sự cai trị bằng cách đồng thời làm chư hầu của Xiêm lẫn của triều Nguyễn.

NOC chết trong giai đoạn gọi là VN sáp nhập Cambodia. Nguyễn vương không muốn bất cứ người em nào của NOC kế vị, vì cả hai đều thân Xiêm. NOC có ba người con gái. Cô cả là công chúa Ang Baen (Ngọc Biện) được xem là thân Xiêm. Cho nên cô thứ hai, công chúa Ang Mei (Ngọc Vân), được làm vì, quận chúa Cambodia.

Năm 1839, Nặc Yểm tấn công một đồn lính Xiêm ở Battambang, nơi ông cư ngụ, bắt hết quân sĩ, đem về Cambodia nạp cho chính quyền triều Nguyễn, tự nạp mình cùng mấy ngàn người (gồm thân nhân gia tộc, lính và tùy tùng).

Tại sao Nặc Yểm hành động như vậy? Theo Đại Nam Thực Lục, ông chán ghét sự kiểm soát của Xiêm, muốn chống Xiêm. Nhưng Kulap có lối giải thích khác.

Theo đó, khi cư trú ở Battambang, Nặc Yểm nghe rằng bọn Yuon (Việt Nam) đã chỉ định công chúa Ngọc Vân đứng đầu chính sự ở Phnom Penh và cai trị toàn xứ Cambodia. Tuy vậy bọn Yuon điều khiển và chỉ cách cai trị vì công chúa thuộc phái nữ. Minh Mạng đã ra lệnh quý tộc Khmer ở Phnom Penh mặc như Yuon; chúng được gọi là “Yuon mới”. Dân chúng Khmer được lệnh phải tuân theo luật pháp của Yuon. Qúy tộc và thường dân Khmer không muốn làm thần dân của Yuon vì chúng gây nhiều khổ nạn hà khắc. Dân Khmer khắp thành thị và thôn quê đang chuẩn bị nổi loạn.

Kulap tiếp tục rằng Yểm tin một khi về xứ, ông ta có thể cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống Yuon. Yểm đã gởi thư cho đại diện triều Nguyễn tại Phnom Penh rằng ông muốn cầm quyền xứ sở. Để tỏ bày lòng trung thực, Yểm xin đem nạp quân sĩ Thái, cũng như gia đình và đoàn tùy tùng.

Kulap viết tiếp, một viên chức nhà Nguyễn đã gởi thư trả lời rằng nếu bỏ xứ Thái mà về Cambodia, Yểm có thể lên làm vua; hiện nay một công chúa trị vì vì hoàng gia Khmer không có con trai thừa kế.

Về y phục, Kulap, cũng như Gabriel Auberet, cho rằng Minh Mạng ra chỉ thị dân Khmer phải theo lối VN trong lúc thực sự các quan lại Khmer mới theo Hoa phong vì vua Khmer đã chịu làm chư hầu.

Danh từ “Việt mới” cho thấy trong khu vực Khmer có hai khối người không ưa thích nhau: kẻ cộng tác với triều Nguyễn và kẻ đứng ngoài. Nhóm thứ hai trông chờ một người đủ sức giúp họ lấy lại quyền năng; họ đã nghĩ tới Yểm nhưng không kết quả.

Năm 1838 Minh Mạng cấm cờ bạc và thuốc phiện ở Cambodia. Hai thứ nầy đã thành bất hợp pháp trên đế quốc Nguyễn triều. Cho nên khi nghe cờ bạc và thuốc phiện ở Tây Trấn Thành vua ra lệnh luật pháp của VN phải được thi hành khắp nơi và cấm cờ bạc và thuốc phiện.

Tuy nhiên vẫn còn chút rắc rối. Người nhà Nguyễn đưa lên làm vì với tư cách quận chúa Cambodia, công chúa Ngọc Vân, đích thân kiếm tiền nhờ buôn bán thuốc phiện và tổ chức sòng bài. Cho nên vua phải tìm cách an lòng cô ấy.

Đại Nam Thực Lục ghi rằng:

Vua được tin quận chúa Ngọc Vân – để trục lợi - cho phép các chủ tiệm người Tàu (theo nhà Thanh) nấu bán thuốc phiện và cho phép dân địa phương mở sòng bài. Vua ra lệnh tướng quân Trương Minh Giảng và tham tán Dương Văn Phòng điều tra và trình kết quả. Hai vị nầy trình rằng theo phong tục Phiên (Khmer), đấy là hai cách kinh doanh kiếm lời. Lương lính, chi phí làm vũ khí đóng tàu đều do đó mà ra, cho nên hai thứ ấy vẫn tiếp tục chưa hủy bỏ được.

Vua phê rằng: thuốc phiện và cờ bạc làm lòng người mê đắm, mất hết gia sản. Lọt vào hai cái bẩy ấy thì mất hết lý trí. Triều đình đã có luật cấm ngặt. Trấn Tây đã được ghi vào đồ bản số sách nên phải theo luật lệ, không thể sai chạy. Chúng chỉ ham lợi nhỏ mà không thấy nguy hại lớn. Có hàng vạn người Việt ở Tây Thành làm lính, làm quan viên hành chánh, thương gia; như vậy, không những người địa phương mà người Việt mắc tật ghiền thuốc phiện và mê cờ bạc. Điều nầy đưa đến các tệ trạng khác.

Vua sai hai nhân viên cao cấp thuộc bộ Lại (Lê Khiêm Quang) và bộ Hộ (Nguyễn Hữu Trì) xuất một vạn quan thưởng cho công chúa Ngọc Vân, hai chưởng vệ Trà Long và Nhâm Vu cùng các đầu mục Khmer thi hành việc nghiêm cấm nầy. Số tiền nầy thuộc công khố trung ương của triều đình, việc chi xuất nầy cho thấy nền hành chánh bắt đầu được quốc gia hóa.

Ngoài sự ngăn chận tệ trạng xã hội, quyết định của Minh Mạng mở đầu lề lối tuyển trạch dựa vào khả năng thay vì dùng tiền bạc từ các dịch vụ hợp pháp là thuốc phiện và cờ bạc như trước.

Ghi thêm của người dịch:

Ba người em trai của NOC đều ở đất Xiêm, làm con tin bán chính thức. Người lớn nhất là Nặc Nguyên đã chết. Hai người còn lại Đôn và Yểm mưu toan lên ngôi vua theo phương cách riêng, nhờ vua Nguyễn hay vua Xiêm. Yểm, theo Kurap, đã cướp trại Xiêm về đầu thú vua Nguyễn nhưng cố gắng của ông không được nhắc tới trong các sử liệu chính. Nặc Đôn đi theo đường Xiêm và thành công.

Năm 1840, công chúa Ngọc Vân bị hạ bệ, bị bắt và lưu đày ở VN. Xã hội Khmer phân tán ít nhất theo con đường hợp tác và bất hợp tác với VN, cộng thêm những bất mãn của các nhóm lợi ích sau các cải cách của Minh Mạng.

Nhân sĩ và dân chúng Khmer nổi dậy chống VN và kêu gọi Xiêm ủng hộ. Vua Xiêm Rama III đã ưng thuận, cho quân lính hộ giá Nặc Ông Đôn (Ang Duong) lên làm vua Cambodia.

Quân VN vừa phải đối đầu hai gọng kìm Khmer và Xiêm; tệ hại hơn nữa, nguồn chủ lực đã rút về Gia Định dẹp loạn. Yếu thế, vua Thiệu Trị mới lên ngôi chấp thuận hòa hội. Cambodia đặt dưới quyền bảo hộ của VN và Xiêm. VN thả công chúa Ngọc Vân và tùy tùng, đồng thời rút quân khỏi Cambodia. VN mất quyền kiểm soát xứ nầy. Tuy quân Xiêm chưa rút hết, vua Cambodia Nặc Ông Đôn từ nay có nhiều quyền tự quyết hơn trước.

Vài chục năm sau, xẩy ra cuộc thực dân hóa của người Pháp trên bán đảo Đông Dương đem lại một khuôn mặt chính trị mới và chấm dứt việc gặm khới lãnh thổ Khmer từ hai địch thủ Xiêm Việt. Trái với Minh Mạng, người Pháp trực tiếp khai thác thuốc phiện khi thành lập quốc doanh (Régie d’Opium); nơi nơi đều có chỗ hút lẻ; khách vào RO kéo “ro ro” (RO = Régie d’Opium), thuốc phiện đựng trong nghêu hến; từ đó có danh từ “ngao” chỉ việc hút thuốc, dù thuốc lào hay thuốc tây. Người Pháp cho mở sòng bài. Danh tiếng là Kim Chung và Đại Thế Giới. 1954, chính phủ Ngô Đình Diệm dẹp bỏ trong dịp giải giới các lực lượng võ trang Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài.

Nhìn trên bản đồ ngày nay, Cambodia là một ốc đảo giữa biển Thái Việt. Xét theo ngôn ngữ, kiến trúc tôn giáo và nhân dạng, Cambodia thuộc nền văn minh Nam Ấn với người Ấn đen Dravidien. Vương quốc nầy chạy từ vùng người Chàm qua đến Ấn. Thái Lan - tuy hình thái văn hóa bên ngoài, mẫu tự và tôn giáo mang hình thái Ấn – khác với dân tộc Khmer.

Qua nhân dạng và ngôn ngữ, Thái Lan bà con rất gần với Việt Nam. Một lý thuyết nhân chủng học cho rằng người Việt và người Thái xuất phát từ lưu vực Dương Tử, người Thái thuộc nhóm Âu Việt, người Việt thuộc Lạc Việt. Tuy cùng đến đồng bằng Hồng Hà, nhóm Lạc đi xuống hướng Nam; nhóm Âu hướng Tây Nam, hai nhóm đều có gốc ngôn ngữ “Tai”. Cấu trúc văn phạm Thái và Việt giống nhau: Ăn cơm chưa? Kinh khao dang? Hơn phân nửa tiếng Thái là chữ Tàu; hai = xóng = song; mười chập = thập; ba xám = tam.Học giả Thái cho rằng tổ tiên của họ thuộc giống Nam Chiếu từ trung tâm nước Tàu mà đi xuống, ngang qua Miến Điện.

Hai nhóm người nầy lấn đất như tằm ăn dâu; nếu không có người Pháp và phong trào thuộc địa, biết đâu Cambodia bị xóa.

Nhưng bây giờ người Khmer vẫn tin trong tương lai Khmer tiếp tục bị diệt chủng; số còn lại không đủ vây quanh gốc bồ đề.

VN lấy Thủy Chân Lạp 水真臘 Water Chenla

Thái lấy Lục Chân Lạp 陸真臘 Land Chenla.

Sách Tàu gọi Cambodia là Chân Lạp 真臘 Chenla. 

==========================================================

Thursday, February 11, 2021

cành đào trong quái sử

ảnh của Võ Văn Dật (Võ Hương An)

 








cành đào trong quái sử

Tôn Tht Tu

Dạ,

Dạ cũng là đêm như Dạ Khê (Công Tằng Tôn Nữ), khe nước rỉ về đêm; cũng như dạ khúc, nocturn. Nhưng bây giờ VN đã vào đêm cuối năm; niên dạ (?) tiếp theo tuế mộ.

Dạ, nhánh đào của bác Dật có họ với rừng đào thượng du BV hơn là anh đào tiêu chuẩn thế giới biết qua Nhật Bổn loại Yoshino cherry blossom.

Có người lính biệt kích ôm một cành đào mãi từ Lai Châu đến Saigon để dâng tặng tổng thống Ngô Đình Diệm. Cả nước mừng vui, chia nhau bức hình Tổng Thống bên cạnh bình cổ có nhánh hoa đào rực rỡ, tươi nguyên.

Để biết công trình vĩ đại nầy, chúng ta nên thấy cái khó khăn của người biệt kich từ phía bắc vĩ tuyến 17.

Vào quán phở ở Hà Nội, anh biệt kích gọi tô thứ hai; tô phở chưa nấu xong, công an đã đến bắt vì có ai ăn đến tô thứ hai, vì không tiền, hoặc không dám ăn để khỏi bị báo cáo giàu có. Chỉ có bọn biệt kích xâm nhập từ miền Nam đem theo nhiều vàng.

Có ai mà dám chơi một cành đào to tổ bố. Có chứ nhưng dành cho cấp lãnh đạo thì đã có “bộ phận gia dịch” nâng niu bằng xe. Do đó, người lính biệt kích nầy phải đi theo đường rừng, xem thân mình không quan trọng bằng nhánh đào; chen qua bụi rách mặt, nhưng phải đưa cành đào qua lọt để đến Saigon, hay đúng hơn qua đến phía Nam Bến Hải.

Cái tài của anh là giữ cho cành đào tươi dù đi bộ xuyên qua rừng từ Lai Châu.

Đà Lạt, dốc Đa Quý xa xưa
  Trong truyện Tam Quốc, gia đình Lưu Bị gồm mấy người vợ và đứa con nhỏ bị địch đánh, các ái thê của chủ tướng chết, mặc dù Triệu Tử Long đã xung trận can thiệp. Tướng quân họ Triệu bỏ thằng bé vào túi trước ngực và cứu sống đem về cho Lưu Bị. Lưu Bị bèn ném A Đẩu xuống đất (có lẽ vào bụi cây rậm) mà nói:

- Thằng bé nầy khốn kiếp, vì mi mà một danh tướng của ta phải khổ cực, tả xung hữu đột, thập tử nhất sanh.

Ngô Chí Sĩ nhận cành đào liền ném xuống đất nói:

- Cành đào khốn kiếp vì mi mà chiến sĩ anh dũng của ta phải khổ từ Bắc đem vào Nam.

TT truyền lệnh đem đốt. Không rõ tên gì, một quân sư hiến kế, tức tốc cho chiếc DC3 đi Đà Lạt mật mua một cành đào đem về chưng để tỏ lòng thành và tri ơn Ngô Chí Sĩ lèo lái con thuyền quốc gia, không như Bảo Đại chỉ ôm ca ve mặc xí líp xú chen.

Có ai hỏi vì sao đường xa mà hoa tươi thì trả lời vì Tổng Thống có thiên mệnh. Quá lắm một tháng là tới nơi; vào lúc thịnh thời, bên Tàu hoa đào của triều đình tươi quanh năm. “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Miền Nam đã đặt một đường dây, chính yếu qua các Xóm Đạo; những nơi nầy nhất quyết đưa cho được nhành đào kịp tết để tỏ ơn với TT mong TT sớm giải thoát miền Bắc.

Lại đến phiên ông Đỗ Mậu

Ông Mậu nói Phạm Hùng, chính ủy miền Nam, để tỏ tình thân thiện, đã trao cho ông Nhu một cành đào biếu bào huynh. Chuyện gặp mặt Phạm Hùng và Ngô Đình Nhu, theo tôi, là có thật tin từ phía tình báo Mỹ Saigon; và nay ông Cao Xuân Vỹ ởm ở, chỉ nói ông đã cùng cố vấn Ngô Đình Nhu đi săn ở vùng Phước Long Bình Long. Ai lại đi săn vào lúc dầu sôi lửa bỏng, bỏng thật như Thích Quảng Đức tự thiêu. Ai lại săn bắn vui chơi vùng bất an.

Hai tỉnh nầy là bản danh của BV chỉ huy trận đánh cuối cùng 1975; chúng tiếp giáp với hậu cứ quan trọng nhất, trên đất Cambodia, tái thiết và tăng cường sau khi bị tiêu diệt 1972 vì Nixon cho oanh tạc. Dẫu sao “hai con rồng nầy” từ lâu là nơi dụng võ của quân đội BV, là nơi an toàn cho các lãnh đạo cao cấp CS đến.

Hai anh em nhà Ngô đã chết ngày 01.11.1963 tức là ngày 16 tháng 09 năm Quý Mão. Ông Nhu muốn đi đêm với BV khi tin rằng Mỹ sẽ bỏ rơi gia đình ông qua vụ Phật Giáo đấu tranh; có nghĩa cuộc gặp gỡ Nhu Hùng, nếu có, xẩy ra vào mùa hè 1963.

Quý Mão là Tết cuối cùng ở Dinh Gia Long của ông Diệm nhằm ngày 25 tháng 01 năm 1963. Như vậy nói Phạm Hùng gởi cành đào cho ông Diệm mừng xuân là không đúng dịp, vã lại lúc ấy đào chưa nở.

Ông Mậu tự nhận là người biết quá nhiều (l’homme qui en savait trop) đưa cành đào ra để chứng minh ông Nhu thật sự đã tiếp xúc với BV, vào thế kẹt nhưng càng gây nhiều ác cảm từ phía đồng minh. Ông Mậu thường đi từ vài sự việc nhỏ có thật rồi xem như lý do nguyên ủy của các diễn tiến chính trị. Ông nói rằng ông Diệm đã tiếp Sihanouk mà không cười nên vua Miên quay lưng 180 độ và hướng về Bắc Việt. Hai ngày sau lần hội kiến nầy, Sihanouk đi Bắc Kinh và Hà Nội kết ước hợp thức hóa hành động âm ỉ của Hà Nội, di chuyển quân trên xứ Miên. Nhưng một hiệp ước quan trọng không thể thành hình bốc đồng trong vòng ba ngày.

Dạ thưa, cành đào của anh biệt kích và của Phạm Hùng thuộc quái sử.

Cành đào của Võ Hương An có thật nở trong góc vườn khiêm tốn, nhưng không khiêm tốn trong ý thiện muốn hiến dâng. Nhà em xin chuyển với ghi chú lai căn: “For the Sake of the Goodness”, chỉ vì cái thiện mà thôi.

Ngày 30 tết đi vào Tân Sửu

Xin xem thêm Sihanouk em chả em chả



đào rủ quanh hồ nhà

Monday, February 8, 2021

Chị Mè, truyện ngắn

 

Đà Nẵng 1969






Chị Mè

Nguyn-Đi-Thut * Paris 2019

Đầu năm tôi vào học lớp nhất trường tiểu học, gia đình tôi có thêm một người giúp việc. Lúc bấy giờ gia đình tôi đã có một chị giúp việc lớn tuổi chuyên lo về công việc đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo, lo giữ nhà cửa sạch sẽ.

Cha mẹ tôi có tất cả năm người con, và trong tương lai gần mẹ tôi sẽ có thêm một đứa con nữa. Có lẽ vì vậy mẹ tôi đã thuê thêm chị Mè. Cha mẹ tôi có cơ sở làm ăn tương đối lớn, bận rộn công chuyện suốt ngày, mấy anh chị em chúng tôi thiếu người săn sóc, nên chị Mè được giao cho công việc nầy.

Chị Mè còn trẻ lắm, chị khá đep, tóc ngắn ngang vai, kiểu tóc mà thời bấy giờ người ta gọi là tóc thề. Chị gốc người làng Trà Kiệu, thuộc tỉnh Quảng Nam, cả làng theo đạo Thiên Chúa, nơi người ta nói đã có lần Đức Mẹ hiện ra.

Hàng ngày chị Mè tắm rửa, thay quần áo, lo cho ăn uống và đưa đón anh chị em tôi đi học. Chị Mè không biết chữ, nhưng chị thuộc kinh Chúa, đêm nào chị cũng đọc kinh trước khi ngủ. Cha mẹ tôi gốc đạo Phật, nhưng tôi chưa có dịp đi chùa lần nào, cũng chưa biết ông Phật là ai, nhưng qua chị Mè, tuổi thơ tôi thấm nhuần rất nhiều về đạo lý của Thiên Chúa do chị kể. Chị đã dạy cho tôi học thuộc kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha và tôi đã được nghe chuyện rước mình Thánh Chúa, nếu ai nhận mình Thánh Chúa không để tụ tan trong miệng, nuốt liền vô bụng thì mình Thánh Chúa sẽ biến thành lửa đốt cháy ruột để trừng phạt. Chị khuyên tôi làm điều tốt, không nên làm điều ác, làm điều tốt sẽ được lên thiên đàng gặp Đức Chúa Trời, làm điều ác sẽ bị đọa vào hỏa-ngục, bị quỷ ăn thịt, bị đốt thành lửa.

Mỗi sáng chủ nhật, chị được cha mẹ tôi cho phép đi dự thánh lễ ở nhà thờ Con Gà. Khi trở về nhà, chị thường kể lại cho tôi nghe những gì chị được nghe cha xứ đã giảng. Có một buổi sáng chủ nhật chị chuẩn bị đi lễ nhà thờ, lúc bước xuống cầu thang thì guốc chị bị đứt quai, chị không có guốc khác thay thế, chị không đi dự lễ nhà thờ được, chị ngồi khóc bên chân cầu thang. Tôi phải xin phép mẹ tôi cho chị mượn guốc thay thế. Chị mừng quá, ôm tôi hôn rất nhiều lần vào má và không quên lắp bắp nói lời cám ơn. Có lẽ nhìn cảnh chị mừng rỡ khi có guốc tạm thay thế vào buổi sáng hôm đó nên vào lúc chị từ nhà thờ về nhà, cha tôi bảo mẹ tôi cho tiền chị mua đôi guốc mới. Tôi nghe cha tôi nói với mẹ:

- Mình cho con Mè tiền mua đôi guốc mới, guốc nó mòn và đứt quai không đi được.

Tôi nghe tiếng mẹ tôi:

- Cứ sáu tháng tôi trả tiền công cho nó một lần, tôi mới trả cho nó chưa tới năm ngày, nói nó lấy tiền đó mua.

Cha tôi cười, nói:

- Bà nầy hay thật, tiền đó nó nhờ tôi gởi hết về cho cha mẹ nó rồi, bà biết mà.

Tôi không nghe mẹ tôi nói gì thêm. Chiều hôm đó, mẹ tôi dẫn chị ra chợ mua guốc. Đôi guốc sơn màu đen rất đẹp. Khi chị đem đôi guốc bằng gỗ vông của chị vứt đi, tôi nhìn thấy đôi guốc của chị mòn đến nỗi không có đủ bề dày để giữ chiếc đinh khi đóng quai.

Chị Mè không biết chữ, thời đó chính quyền của ông Ngô Đình Diệm khuyến khích dân chúng đi học trong kế hoạch xóa nạn mù chữ, vì vậy có những lớp học bình dân giáo dục mở ban đêm cho dân chúng không biết chữ, bận công việc ban ngày, đêm có thời giờ đi học. Cha mẹ tôi cho chị đi học lớp bình dân giáo dục trong đình của khu phố. Lúc đầu chị không chịu đi, tôi hỏi, chị nói: “chị lớn cái đầu rồi mà còn đi học, mắc cỡ chết đi được".

Rồi trước tết năm đó mấy ngày, cha mẹ tôi cho chị về quê thăm gia đình và phải trở ra làm việc những ngày tết. Sau tết, chị xin được đi học lại lớp bình dân giáo dục. Cha mẹ tôi cũng không hỏi lý do tại sao trước đây chị từ chối nay lại đòi đi. Nhưng sau tối đầu tiên đi học trở về nhà, tôi cắc cớ hỏi chị: "Hôm nay chị Mè vào lớp có mắc cỡ không?"

Chị đập khẽ vào đầu tôi nói: "Có mà ít ít thôi, không bằng hôm trước Tết chị về quê, khi vào làng, bị mấy thanh thiếu niên giăng dây chận đường xem giấy tờ, bắt đọc chữ trước khi cho vào làng. Chị đâu có đọc được, mấy đứa đó đưa chị vào trụ sở hội đồng xã, họ bắt chị làm ký giấy cam kết phải đi học cho biết đọc biết viết. Nếu kỳ sau chị về làng mà bị kiểm soát, không đọc được chữ thì họ không cho vào làng. Hôm đó chị mắc cỡ muốn chun đầu xuống đất luôn. Gặp toàn mấy thanh niên thiếu nữ và người quen trong làng khuyên chị nên theo lớp bình dân học vụ. Kỳ sau về làng, bị kiểm soát, không đọc chữ được chắc là họ không cho vô làng quá, xấu hổ lắm".

Bên cạnh nhà tôi có một hẻm nhỏ, đầu hẻm có một tiệm hớt tóc. Người hớt tóc thuê mái hiên của một căn nhà để mở tiệm. Mấy anh em trai tôi là thân chủ của anh chủ tiệm hớt tóc này. Mỗi một tháng rưỡi, anh em tôi được chị Mè dẫn ra đây giao cho anh chủ tiệm, rồi trở lại trả tiền để đón về. Chủ tiệm là anh Cường, người ta gọi anh Cường chay, bởi vì anh ăn chay, không ăn thịt cá. Theo lời của một bà bán hàng rong bún ốc kể cho mẹ tôi nghe nhân một buổi sáng cả nhà tôi ăn bún của bà. Anh Cường chay ngoài việc hớt tóc anh còn biết nghề xem chỉ tay, được nhiều người tin cậy, trong đó có bà. Anh xem chỉ tay chứ không nhận tiền của một ai. Anh là người cùng làng với bà ở An Cựu, thành phố Huế.

Anh Cường chay có một người cậu đi tu ở chùa Từ Hiếu. Anh học hết năm đệ lục trường Quốc Học thì bỏ học vì nhà quá nghèo. Anh là con trai một nên không bị đi lính. Anh học nghề hớt tóc của người cậu và được người dì em của mẹ đem vào Đà Nẵng hành nghề, vì ở An Cựu có nhiều người làm nghề hớt tóc nên khó kiếm sống. Do tiết lộ của bà bán bún, thỉnh thoảng mẹ tôi mời anh Cường qua nhà nhờ xem chỉ tay. Mẹ tôi thường khen anh Cường chay với cha tôi:

- Thằng Cường chay xem chỉ tay hay thật, nó nói tôi trúng như gần hết".

Tôi không nghe mẹ tôi nói anh Cường chay đã nói đúng những gì, nhưng mỗi lần nghe mẹ tôi nói như vậy cha tôi “hừ” lên một tiếng:

- Bà toàn tin những điều nhảm nhí.

Mẹ tôi còn nhanh nhẩu mời mấy bà bạn đến nhà để nhờ anh Cường chay xem chỉ tay nữa. Những lúc như vậy, cha tôi không vui, mặt ông nhăn nhó, bỏ đi khỏi cửa hàng đang buôn bán. Tuy nhiên, những lúc cha tôi đi Sài Gòn mua hàng trở về đều có quà cho anh Cường chay, có lẽ để trả ơn những lúc anh đã xem chỉ tay cho mẹ tôi.

Khi tôi bắt đầu vào học lớp đệ thất, chị Mè cũng đã biết đọc. Không biết ai cho chị quyển Thánh Kinh, chị nâng niu, giữ gìn rất kỹ. Chị để quyển Thánh Kinh trên đầu tủ, buổi tối, trước khi đi ngủ, chị rửa tay rồi mới lấy xuống đọc. Có lúc tò mò muốn biết trong Thánh Kinh viết những gì, tôi hỏi mượn để xem, chị đồng ý cho mượn nhưng bắt tôi phải rửa tay và nhiều lần nhắc tôi không được để sách trên ghế ngồi, như vậy sẽ bị Chúa phạt,

Rồi có một thời gian, tự nhiên tôi nghe mẹ tôi hay la rầy chị Mè; mỗi lần bị la như vậy tôi thấy chị Mè đứng trong góc nhà bếp khóc, hai mắt đỏ hoe.

Mẹ tôi la chị:

- Sao lúc nầy mi cứ dở dở ương ương, y như người trên mặt trăng, làm trước quên sau, làm gì hư nấy, lúc nào cũng thẫn thờ như bị ai hớp hồn. Chỉ việc pha sữa tới giờ cho em bú mà cũng quên để cho thằng nhỏ khóc ầm cả lên.

Tôi chưa bao giờ nghe chị trả lời mẹ tôi khi bị la mắng như vậy. Chị chỉ im lặng và khóc. Khác với những kỳ đi hớt tóc trước, kỳ nầy chị Mè tự nhiên nhắc tôi đi hớt tóc từ ba ngày trước. Đến hôm chị dẫn tôi vừa ra đến cửa thì cha tôi bảo: "Nó lớn rồi tự đi hớt tóc một mình, khỏi cần đưa đi.

Chị Mè quay lui vào nhà, mặt chì xịu xuống và buồn. Khi tôi bước vào tiệm hớt tóc, anh Cường chay thay vì chào tôi như trước đây, anh bước ra khỏi tiệm nhìn trước nhìn sau con hẽm rồi đi trở vào hỏi tôi:

- Sao nay chị Mè không đưa em đi?

Tôi trả lời: “Cha em nói em lớn rồi không cần chị Mè đưa đi". Tôi nghe anh Cường thở dài. Suốt buổi hớt tóc hôm đó, anh Cường không nói thêm với tôi một lời nào. Khi từ tiệm hớt tóc về nhà, chị Mè gội đầu cho tôi, chị hỏi:

- “Anh Cường có hỏi gì chị không? "

Tôi lắc đầu. Chị lại hỏi lần nữa:

- Bộ anh ấy không hỏi gì chị sao?".

Tôi lại lắc đầu. Tôi lại nghe chị thở dài và chờ mãi không thấy chị giội nước lên đầu khiến tôi phải nhắc chị. Mãi đến tối hôm đó tự nhiên tôi nhớ lại lời anh Cường có hỏi tôi vừa lúc tôi đến hớt tóc. Tôi xuống bếp tìm chị. Chị đang đọc quyển Kinh Thánh.

Tôi nói với chị:

- Bữa ni anh Cường có hỏi, sao chị Mè không dẫn em đến hớt tóc, em trả lời cha em nói em lớn rồi đi một mình được, không cần chị Mè đưa đi. Tôi thấy mặt chị rạng rỡ lên, chị nâng quyển Thánh Kinh lên hôn. Lúc tôi ra khỏi bếp, tôi nghe chị nói vọng theo:

- Lần sau đừng quên như vậy nghe em, tội chị lắm!”.

nhà thờ Con Gà
   Mấy hôm sau, ngày chủ nhật, sau khi chơi đá banh trở về, lúc đi ngang nhà thờ Con Gà, chen lẫn giữa những người dự thánh lễ ra về, trên đường đi, tôi nhìn thấy anh Cường chở chị Mè sau xe đạp. Buổi trưa khi chị Mè gọi cửa để vô nhà, tôi mở cửa. Chị vừa vào trong cửa, tôi cười và nói lớn:

- Lúc nãy em thấy anh Cường chở chị sau xe đạp!.

Chị nhào tới đưa tay bịt miệng tôi, nhưng cha mẹ tôi đã nghe và đã thấy. Mặt chị đỏ gay, cúi đầu đi một mạch vào trong. Vừa lúc đó mẹ tôi nói với cha tôi:

- Hèn chi mấy tháng ni nó cứ thẫn thờ, quên trước, quên sau, nó thương thằng Cường chay rồi...mới có bấy nhiêu tuổi!

Cha tôi cắt ngang lời mẹ tôi, nói diễu:

- Hay ghê! chớ bà yêu tôi lúc bao nhiêu tuổi? Con Mè năm ni nó mười bảy tuổi rồi, lúc đó bà còn nhỏ thua nó một tuổi...bộ quên rồi sao?

Tôi chỉ nghe mẹ tôi "hừ” một tiếng rồi bỏ lên lầu.

Chuyện anh Cường chay và chị Mè thương nhau những ai ở trong hẻm gần tiệm hớt tóc của anh Cường cũng biết. Bà chủ nhà cho anh Cường thuê mái hiên trước nhà để làm tiệm hớt tóc đã có lần kể cho mẹ tôi nghe lúc đó có tôi bên cạnh. Mấy ngày trước đó, ông thầy tu, cậu anh Cường ngoài Huế vào thăm anh Cường, có đến tiệm hớt tóc chơi, bà nghe người cậu nói chuyện với anh Cường: "Cậu và có thể cả mẹ cháu cũng không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Cháu, con nhà thờ Phật bao nhiêu đời nay rồi mà cưới con Mè gốc đạo Thiên Chúa đến khi cháu chết thì ai cúng cơm cho, bộ cháu muốn làm ma đói?

Anh Cường phân trần:

- Đâu có sao, lấy chồng thì phải theo đạo chồng, cùng lắm thì đạo ai nấy giữ, cậu nói giúp cháu để bà chấp thuận hai cháu cưới nhau".

Người cậu lắc đầu lia lịa:

- Cậu biết là không được đâu, nhưng cậu sẽ cố nói giúp cho cháu, được hay không thì cậu chưa biết.

Rồi ông gằn giọng:

- Hết người thương sao lại thương con nhà theo đạo Chúa!"

Ông hỏi anh Cường tuổi của chị Mè, bấm đốt ngón tay, miệng lẩm nhẩm: "Tuổi hai đứa không có gì xung khắc, nhưng cái đạo của ông Chúa và ông Phật xung khắc...không biết tính sao đây?"

Không bao lâu sau khi nghe lõm được chuyện anh Cường chay muốn cưới chị Mè, chị xin phép cha mẹ tôi nghỉ vài hôm để về Trà Kiệu chờ ngày gia đình anh Cường từ Huế vào xin lễ hỏi. Thời gian đó anh Cường chạy cũng nghỉ hớt tóc.

Ngày trở lại làm việc, chị Mè buồn thiu, chị không nói chuyện với ai, ngay cả tôi chị cũng không nói một lời. Ngày chủ nhật chị cũng không đi lễ nhà thờ. Càng ngày chị càng thẩn thờ hơn. Mẹ tôi cũng la rầy chị nhiều hơn vì chị lơ là công việc hàng ngày, đến nỗi cha tôi phải ngăn mẹ tôi nặng lời với chị:

- Mình hãy thông cảm cho con Mè, gia đình nó không cho thằng Cường chay cưới nó vì thằng Cường chay không chấp nhận bỏ Phật theo Chúa, nó mất tinh thần nên xao lãng công việc nhà, lần hồi tinh thần nó sẽ ổn định, làm việc bình thường trở lại.

Định kỳ hớt tóc của tôi tháng đó bị gián đoạn, anh Cường chay đóng cửa tiệm không rõ lý do. Ngày anh mở cửa làm việc trở lại cũng là ngày bà chủ nhà cho anh Cường chay thuê mái hiên làm tiệm hớt tóc qua nhà nói chuyện với mẹ tôi và tối hôm đó mẹ tôi kể lại cho cha tôi trong bữa cơm:  

-Thằng Cường chay đã đổi ý, chịu bỏ Phật theo Chúa để được cưới con Mè. Mẹ thằng Cường chay không chịu, đòi cắn lưỡi tự tử và bà ta đã làm thật. Gia đình thằng Cường chay phải chở bà vào nhà thương Huế cấp cứu, may mà cứu kịp.

Rồi không hiểu sao, chị Mè vui vẻ trở lại, công việc nhà chị làm không còn bị mẹ tôi quở trách nữa. Chị tiếp tục đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật, anh Cường chay chở chị đi lễ và đón chị trở về bằng chiếc xe đạp đầm mới mua. Chị Mè đã tiết lộ cho tôi biết, buổi tối hết công việc, chị sẽ xin phép cha mẹ tôi tập đi xe đạp, chị nhờ tôi: "Tối nào chị tập đi xe đạp, em giúp chị đóng cửa và mở cửa cho chị được không?"

Tôi đồng ý, hỏi chị: "Xe đạp đâu mà chị tập?"

Chị trả lời không đắn đo: "Xe đạp anh Cường mới mua".

Biết được chuyện chị Mè được anh Cường chay đưa đón đi lễ nhà thờ mỗi sáng chủ nhật bằng xe đạp, mẹ tôi nói với cha tôi: "Từ đây ra nhà thờ Con gà chỉ có hai trăm thước mà đưa với đón, bày đặt!”

Cha tôi lại cười: "Nguời ta yêu nhau mà em!"

Tôi học chưa hết năm đệ lục, chị Mè xin nghỉ việc vì giao ước làm việc ba năm chấm dứt. Cha mẹ tôi đồng ý.

Lúc bấy giờ mấy anh chị em tôi đã lớn, đứa em nhỏ nhất ba tuối đã có chị hai tôi săn sóc những khi nghỉ học hay những lúc rảnh rỗi. Cha mẹ tôi cũng không còn cần chị Mè. Mùa hè năm đó tôi lang thang cùng lũ bạn nơi họ đạo Tam Tòa, tình cờ tôi gặp chị Mè, chị cho tôi biết đang cùng chung với người bạn mở một tiệm may quần áo tại đây. Chị đưa tôi và lũ bạn về tiệm may của chị và pha nước chanh cho uống. Đang uống thì anh Cường chay đạp xe đến, vứt xe bên vệ đường đi nhanh vào tiệm may, mặt anh cau có có vẻ bực bội.

Anh nắm tay chị Mè kéo vào sau nhà. Thấy không khí lúc đó không vui, tôi và lũ bạn im lặng rời tiệm may.

Về gần đến nhà, ngang qua hẻm có tiệm hớt tóc của anh Cường chay, nhìn thấy có vài người tụ tập trước tiệm hớt tóc, tò mò tôi dừng lại, tôi biết anh Cường chay không có trong tiệm, anh đang ở tiệm may của chị Mè.

Một người đàn bà tóc đã bạc đang ngồi bệt dưới đất trong tiệm hớt tóc, mặt mày bơ phờ, tóc tai rũ rượi, hai tay đập vào nền đất, miêng rên ư ử: "Con ơi là con! Mè ơi là Mè! con ở đâu mà mấy tháng ni không về với cha mẹ? Cường ơi là Cường! mi giấu con gái tau ở mô? hãy đem nó trả lại cho tau...không thì tau đập đầu chết ở đây cho mi hả dạ..."

Mấy người hiếu kỳ đứng xem nói với nhau:

- Cường chay với con Mè thương nhau, xin cưới nhau nhưng hai bên cha mẹ không thuận vì khác đạo nên hai đứa nó lén lút sống chung. Bữa ni mẹ con Mè từ quê ra tìm nó, đến đây nằm vạ đòi con gái.

Tôi rời đám đông, ra đến đầu hẻm thì vừa lúc anh Cường chay đạp xe chở chị Mè chạy vào hẻm.

Tối hôm đó chị Mè đưa mẹ qua xin phép cha mẹ tôi cho ngủ nhờ để sáng hôm sau trở lại quê. Anh Cường chay đứng ngoài cửa, tôi nghe anh thở dài, còn chị Mè hai mắt đỏ hoe.

Mấy ngày liên tiếp sau đó tiệm hớt tóc của anh Cường chay đóng cửa, bà chủ nhà lại qua nói chuyện với mẹ tôi:

- Hôm con Mè đưa mẹ về quê, khi qua đò, con Mè nhảy sông tự tử, nhờ nước sông cạn nên con Mè được vớt lên, chở vô bệnh xá quận Điện Bàn cứu chữa. Bác sĩ nói cái thai trong bụng con Mè không bị ảnh hưởng gì. Thằng Cường chay không làm việc mấy bữa ni, nó đi thăm con Mè ở bịnh xá.

Bà lại thở ra: "Trai gái thời này loạn rồi, chưa thành vợ thành chồng mà đã ăn nằm với nhau để có chửa!"

Từ đó, tôi không còn được gặp hay được nghe tin tức nào liên quan đến anh Cường chay và chị Mè.

*****

Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt Quốc Cộng, miền Nam Việt Nam thua cuộc. Chiến tranh chấm dứt, nhưng lòng người lại ly tán. Đất nước như nồi canh chay bị vỡ, người dân xông xáo khắp nơi, tìm đường ra khỏi biên giới, làm người Do Thái lang thang, tạo lập cuộc sống mới nơi xứ người. Trong dòng người nầy có gia đình tôi. Trong những năm tháng tạo lập đời sống mới, lần lượt cha mẹ tôi qua đời, linh-vị được thờ tại một ngôi chùa nhỏ phía Nam thành phố Paris nước Pháp. Chùa có tên Tây Phương. Vị sư trụ trì chùa, thượng tọa Như Hóa mới đây đã viên tịch, một thầy khác, thuợng toạ Giác Miên, được mời từ Népal qua thay thế nhưng tôi chưa có dịp diện kiến.

Rằm tháng bảy âm lịch trong năm 2000, tôi gọi điện thoại đến chùa xin ghi danh lễ cầu siêu cho cha mẹ nhân ngày xá tội vong nhân. Hôm đó, tôi vừa đến chùa thì lễ cũng đã bắt đầu. Tiếng đọc kinh, tiếng chuông mõ hòa quyện cùng khói nhang thơm làm tâm thần tôi thanh thản, tôi cố lắng nghe âm thanh tên, tuổi, cùng pháp danh của cha mẹ tôi sẽ được đọc lên trong buổi lễ...tôi đang chờ...tên của cha mẹ cùng pháp danh của một Phật tử nào đó được đọc lên, kế tiếp ... và kế tiếp...

Tôi giật mình, không tin vào tai tôi...Thérésa Hứa-thị Mè, sinh ngày 12 tháng ba năm 1943 tại làng Trà Kiệu tỉnh Quảng Nam, tạ thế ngày 10 tháng 2 năm 1999 tại thành phố Marseilles, nước Pháp... thầy chủ trì chánh lễ vừa đọc đến đây thì tiếng chuông mõ bỗng ngừng lại, hàng Phật tử dự lễ sát chánh điện ngơ ngác, lao xao. Một tăng sinh còn trẻ nhưng vốn quen việc nghi lễ trong chùa vội vàng thay thế thầy đọc tiếp danh sách cầu siêu trong tiếng xì xào mất trật tự...rồi có tiếng yêu cầu gọi xe cấp cứu.

Khi biết thầy Giác Miên bị ngất xỉu, phản ứng theo thói quen của một bác sĩ, tôi bước nhanh đến bàn thờ Phật. Thượng tọa Giác Miên đang quỳ, nhưng cả phần thân người bên trên gục xuống hàng chuông mõ phía trước. Tôi nâng mặt thầy lên, quàng tay sau lưng thầy, đỡ nhẹ thầy nằm xuống mặt thảm trước chánh điện. Tôi thực hiện những tác động cấp cứu dành cho một người bị ngất xỉu. Vài phút sau thầy bắt đầu tỉnh lại. Một vài Phật tử giúp tôi dìu thầy về phòng riêng. Tôi tiếp tục theo dõi huyết áp và nhịp tim của thầy. Tôi nghe hơi thở của thầy bình thường trở lại, nhưng hai mắt của thầy vẫn nhắm như ngủ. Tôi căn dặn vị thị giả những điều cần thiết phải săn sóc khi thầy tỉnh hẳn. Vừa quay người định ra khỏi phòng, tôi nghe tiếng thầy Giác Miên thều thào: "Bác sĩ, bác sĩ có phải là chú Kính ở Đà Nẵng không?"

Tôi quay người lại, thầy thều thào tiếp:

- Chú không nhớ thầy sao? Nghe cái giọng đặc biệt Quảng Nam Đà Nẵng của chú, thầy nhận ra ngay...Thầy là Cường chay, ngày xưa hớt tóc cho chú đó.

Tôi cúi xuống nhìn kỹ mặt thầy: hai mắt đã mở, hai bên khóe mắt có vài giọt nước chảy dọc theo hai bên sóng mũi. Tôi nhận ra được thầy Giác Miên là anh Cường chay. Tôi ngồi xuống bên cạnh thầy, hai tay nắm hai tay của thầy. Xúc động làm tôi ứa nước mắt...mới đó mà đã hơn hai mươi lăm năm. Cái âm thanh Thérésa Hứa thị Mè vừa được đọc lên trong lễ cầu siêu lại hiện trong đầu tôi...và tôi chợt hiểu, có thể đó là lý do thầy Giác Miên ngất xỉu!

Những tháng năm sau đó tôi viếng chùa Tây Phương thường xuyên hơn, có lẽ vì anh Cường chay là thuợng toạ Giác Miên trụ trì. Một hôm, tôi gặp thầy xin nhận một lễ quy y cho toàn gia đình của tôi. Nhân lúc trong phòng làm việc chỉ còn mình thầy, tôi đánh bạo hỏi:

- Chắc thầy còn nghĩ đến chị Mè phải không?

Thầy không trả lời, mặt trở nên suy tư, xa vắng. Tôi hỏi tiếp:

- Hồi đó, sau khi chị Mè nhảy sông tự tử, thầy có găp được chị ấy không?

Thầy bối rối và do dự khá lâu rồi mới bắt đầu nói chuyện của thầy với giọng buồn rầu:

-  Mô Phật! Mấy mươi năm nay thầy đã chôn quá khứ của thầy trong lời kinh, tiếng chuông tiếng mõ mà hình như nghiệp vẫn chưa dứt được, còn theo mãi cho đến ngày hôm nay...

sông Tam Kỳ
... Trước khi Mè nhảy sông tự vẫn, thầy và Mè đã chuẩn bị sẵn sàng vào Lâm Đồng sinh sống. Lúc bấy giờ Mè đã có thai. Chú biết, thầy và Mè thương nhau. Sự ngăn cản của hai bên gia đình không cho hai đứa cưới nhau càng quyết liệt thì hai đứa càng bất chấp tai tiếng. Sau khi được cứu chữa bình-phục, Mè trở về quê. Hai đứa đã quyết định ngày giờ gặp nhau để bỏ xứ ra đi. Ngày hẹn đã đến, thầy chờ không gặp được Mè.

Ngày hôm đó, đồng bào trong quê gồng gánh cùng gia súc lũ lượt từ trong xóm làng xa xôi tràn ra quốc lộ. Người ta kể cho nhau nghe trận chiến đã xảy ra đêm hôm trước ở làng Trà Kiệu. Quân CSVN đã tấn công làng, đốt phá cơ sở chính quyền địa-phương, bắt dân dẫn đi chỉ điểm những viên chức chính quyền. Đạn pháo binh từ trong đồn địa phương quân cũng như từ quận bắn vào làng. Gần sáng, máy bay từ Đã Nẵng bay vào yểm trợ. Bom đạn quân đội hai bên làm làng Trà Kiệu tan hoang. Không biết dân làng ai chết ai sống, mạnh ai nấy chạy. Cái gì lấy được thì mang theo. Cả mấy ngày tiếp theo, thầy đi đến các làng xã quanh làng Trà Kiệu, vào các bệnh viện lớn, bệnh xá nhỏ tìm Mè, Mè vẫn biệt tăm. Nửa tháng sau thầy theo chân dân làng được cho phép trở về đến trước nhà Mè, ngôi nhà đã bị cháy rụi. Mấy tháng chờ đợi sau đó, tin tức về sự sống của Mè vô vọng, thầy trở về Huế và thầy xin xuất gia với người cậu...

Sau khi tốt nghiệp Phật Học Viện Nha Trang năm 1970, thầy được học bổng du học Ấn Độ...rồi ở tu luôn tại bên ấy. Các đây vài tháng thượng tọa Như Hóa viên tịch, thầy được chuyển về đây thay thế.

Tôi hỏi thầy:

- Danh sách lập để được cầu siêu hôm rồi không phải do thầy lập sao?

Thầy trả lời:

- Không! Do một Phật tử chuyên trách từ thời còn thầy Như Hóa.

Tôi nói tiếp:

- Như vậy thì chị Mè không chết trong hôm làng Trà Kiệu bị giặc tấn công và người xin lễ cầu siêu xưng là con gái của chị Mè...nhưng không rõ có phải là con chị Mè với thầy hay con sau này với người khác..."

Thầy không trả lời câu hỏi của tôi, thầy chỉ gật đầu...rồi lắc đầu...rồi thở dài.

Tôi hỏi tiếp:

- Thầy có muốn tìm sự thật về chị Mè những tháng năm sau này nầy không?

Thầy trả lời dè dặt:

- Chú Kính giúp thầy việc này thí quý hoá lắm. Từ hôm đó đến nay, thầy suy nghĩ hoài mà không biết làm gì và làm như thế nào.

Tôi vừa thương thầy vừa ái ngại cho thầy, đoán biết trong thầy sóng tình cảm xa xưa trở về đang làm thầy giao động.

Nhờ vào số điện thoại lưu trong phiếu xin lễ cầu siêu, tôi liên lạc với con gái chị Mè. Không khó khăn lắm khi tôi tự giới thiệu với con gái chị Mè, ngày xưa, rằng thời chiến tranh chị Mè làm việc trong gia đình tôi ba năm, từ khi chị Mè thôi việc, tôi không có tin tức của chị...Vừa qua, nhân dự lễ cầu siêu tại chùa Tây phương, có nghe tên của chị Mè được đọc trong buổi lễ, nên nay liên lạc để hỏi thăm. Đầu dây, cô gái tự nhận là con gái duy nhất của chị Mè, đang cùng chồng và con cái sống ở một làng vùng ngoại ô Bắc Paris. Khi nhận biết nhau, con gái chị Mè mời tôi đến thăm nhà nhân dịp cuối tuần.

Một tuần sau đó tôi đến thăm con gái chị Mè. Nhà nằm trong một trang trại nuôi gà kỹ nghệ. Con gái chị Mè tự giới thiệu tên là Michelle, có chồng là người Pháp chủ trại gà và có ba con. Sau những bỡ ngỡ ban đầu hai chúng tôi trở nên thân thiện rất nhanh. Tôi đã kể cho Michelle kỷ niệm giữa tôi và chị Mè ngày xưa lúc chị giúp việc cho gia đình tôi. Tôi cũng đã giới thiệu cuộc sống hiện tại của tôi...và cả buổi sáng ngày cuối tuần hôm đó tôi đã được nghe Michelle kể về mẹ của mình, chị Mè:

“Michelle sống với mẹ vùng Chợ Đệm Thủ Đức, mẹ có một quán may nhỏ chuyên sửa quần áo lính cho các sinh viên sĩ quan Trường bộ binh Thủ Đức nên cuộc sống của hai mẹ con rất ổn định. Những năm tháng đó, Michelle không bao giờ được mẹ kể cho biết gia-đình thân thuộc có ai và ở đâu”.

Khi hỏi về cha của mình, chị được mẹ nói là thất lạc trong chiến tranh không biết chết sống thế nào. Tên cha được ghi trong giấy khai sinh là Lê Chí Cường, sinh quán Huế. Năm 1975, khi miền Nam Việt Nam thay đổi chính quyền, mẹ chị vẫn sống bằng nghề may. Michelle được nhận làm tiếp viên cho khách sạn Caravelle nhờ thông thạo Pháp ngữ. Tại đây, Michelle quen biết với một du khách Pháp và một năm sau hai người cưới nhau. Chồng của Michelle là đảng viên đảng Xã Hội Pháp, làm xã trưởng của một xã nhỏ vùng ngoại ô thành phố Marseilles.

Michelle và mẹ cùng qua Pháp một ngày. Mẹ được nhận phụ giúp việc săn sóc các nữ tu Thiên chúa giáo về hưu tại địa phương. Năm 1999, mẹ chị bị phát hiện ung thư lá lách ở giai đoạn cuối. Trong lúc chống chọi với căn bịnh ngặt nghèo, biết là mình không thoát khỏi sự chết, mẹ đã kể lại một phần đoạn đời của mẹ...

Sau cái đêm làng Trà Kiệu bị giặc tấn công chiếm đóng, gia đình mẹ tản cư vào tạm trú nhà một người bà con tại thị xã Tam Kỳ. Cuộc chiến trở nên ác liệt, gia đình mẹ không trở về làng cũ. Cháu được mẹ sinh ra vài tháng sau đó. Cuộc sống cơ cực, hai mẹ con bị gia đình đối xử lạnh nhạt vì mẹ sinh con trước khi có phép cưới. Quá đau khổ, quẩn trí, một đêm mẹ định để cháu lại cho bà ngoại, lén ra sông tìm cái chết. Trên đường đi khi ngang qua một căn nhà trong một xóm nhỏ, mẹ nghe tiếng khóc, tiếng của một đứa trẻ: “Mẹ ơi! mẹ đâu rồi? Mẹ đi đâu rồi? Con sợ quá..." Trong đêm khuya, tiếng khóc đòi mẹ của đứa trẻ như xé lòng mẹ, đánh thức lương tâm và trách nhiệm của mẹ mà trong một phút giây nông nổi mẹ đã định làm chuyện dại dột... Và mẹ đã quay trở về nhà.

Trong cùng cực của cuộc sống, một may mắn đến với mẹ...người bạn cùng may chung với mẹ ở Đà Nẵng trước đây, vừa có chồng là lính phục vụ trong trường sĩ-quan trừ bị Thủ-Đức, gặp lại mẹ, rủ mẹ cùng hợp tác may chung tại quán may ở Chợ Nhỏ mà bạn mẹ theo chồng dọn về đây. Cuộc sống bắt đầu ổn-định, mẹ đã nhiều lần về Đà Nẵng, về Huế tìm ba, nghe nói ba đã đi tu ở nơi xa và ba đã như một cánh chim lạc trong bốn phương trời vô định.”

Vũ Đình Trường, Thủ Đức
 Michelle ngừng một chốc, thở ra, kể tiếp:

- Mẹ cũng có kể cho cháu về mối tình ngang trái của mẹ...mẹ không còn kỳ vọng gặp lại ba trước khi nhắm mắt nên mẹ đã căn dặn cháu phải làm theo lời mẹ, sau khi mẹ chết... mẹ nói:

- Khi mẹ chết rồi, cháu phải thờ mẹ trong một ngôi chùa nào đó...ngày xưa, vì vấn đề tín-ngưỡng mà tình duyên của mẹ ngang trái. Ba của cháu đã xin từ bỏ đạo Phật của mình theo đạo Thiên Chúa để được cưới mẹ, nhưng gia đình của ba không thuận, bà nội, tức mẹ của ba cháu đòi tự vẫn nếu ba cháu quyết định bỏ Phật. Nay vì tấm lòng của ba, bỏ đạo của mình để được cưới mẹ, tuy chuyện không thành. Tôn giáo thường dạy con người có linh hồn sau khi chết sẽ về an nghỉ ở một nơi nào đó, thì như vậy, Phật sẽ che chở linh hồn mẹ và mẹ sẽ gặp được ba cháu không còn bị giới luật của tôn giáo ràng buộc, ngăn cấm. Cháu đã làm theo lời mẹ, đem di ảnh của mẹ thờ tại chùa Tây Phương mấy năm nay, từ khi cha mẹ chồng cháu về hưu, giao cơ sở chăn nuôi cho chồng cháu đảm trách vừa lúc chồng cháu hết nhiệm kỳ xã trưởng."

Tôi đã kể lại cho thầy Giác Miên câu chuyện gặp gỡ Michelle ngày hôm đó. Qua điện thoại giọng thầy đầy xúc động. Tôi cho thầy biết rằng Michelle chưa biết thầy là thân sinh của cháu vì lý do tôi chưa xin sự chấp thuận của thầy...thầy nói: “Phải cho Michelle biết...làm thế nào đây để tạo sự thuận tiện thầy cũng chưa biết...thôi chờ vài hôm nữa mình bàn tính lại."

Sự bàn tính tạo thuận tiện cho cha con thượng tọa Giác Miên và Michelle gặp nhau đang trong dự trù thì một buổi sáng tôi đang còn ngủ có tiếng reo điện thoại đánh thức tôi dậy. Một người nào đó từ chùa Tây Phương báo cho biết tin thượng tọa Giác Miên đang công phu sáng đã bị đột quỵ, được xe cứu thương chở vô bịnh viên cấp cứu. Thay vì vào nơi làm việc, tôi lái xe chạy thẳng vào bệnh viện thăm; nhân viên tại đây báo cho biết thượng tọa đã ra đi, bác sĩ không cứu kịp.

Sau lễ an táng thượng tọa Giác Miên, tôi đến thăm Michelle một ngày cuối tuần. Tôi chuyển cho Michelle một bao thơ của thượng toạ Giác Miên đã viết sẵn. Bao thơ được tìm thấy trên bàn làm việc của thầy, nhờ tôi trao lại. Michelle nhìn tôi tỏ vẻ bối rối khi nhận thơ. Tôi yên lặng ngồi nhìn Michelle e dè mở thư ra đọc. Tôi thoáng thấy có những tấm hình đen trắng kèm theo thư cùng bản sao một thẻ căn cước... Mặt Michelle càng lúc càng trở nên căng thẳng đầy xúc động...những giọt nước mắt chảy ra từ hai khóe mắt, lăn dài trên má. Tôi đứng dậy đến gần cửa sổ nhìn ra ngoài, tránh nhìn các hình ảnh cảm động đang diễn ra trước mặt.

Một tiếng nấc, rồi những tiếng thổn thức tiếp nối. Tôi quay lại, mặt của Michelle cúi xuống, hai tay ôm đầu, hai vai run rẩy.

Chờ Michelle bớt xúc động, tôi đến ngồi bên cạnh, giúp nhặt lên thư và hình ảnh bị rơi xuống đất. Trong một tấm hình, tôi nhìn thấy anh Cường chay và chị Mè chụp chung bên bờ sông Hàn ở Đà Nẵng, hai người âu yếm choàng vai nhau... và bản sao thẻ căn cước bằng tiếng Pháp có in hình anh Cường chay ghi: Lê Chí Cường sinh năm 1940 tại Huế... Việt Nam....

Michelle nhận thư và hình ảnh từ tay tôi, ôm tất cả vào ngực...lại thổn thức: “Mẹ ơi! Ba ơi!”.

Tôi từ giã ra về.

Michelle tiễn tôi ra cổng trang trại. Tôi nghe có tiếng gà gáy trong một góc nào đó từ bên trong xa. Nắng buổi chiều vàng vọt trải dài trên các ngọn cây. Tôi thoáng nhìn thấy anh Cường chay đang chở chị Mè trên xe đạp chạy từ nhà thờ Con Gà về xóm chùa Hải Châu, nơi anh Cường chay có tiệm hớt tóc.

=========================================