add this

Saturday, August 30, 2014

bất bình tất minh

Sargent Tina Crabapple (Malus sargentii) aka Malus "Sargentina



bất bình tắc minh
phạm đạt nhân

Hàn Dũ - nhà văn, nhà thơ, nhà triết học đời Đường - đã đưa ra một luận điểm mà hầu như ai cũng đồng tình: bất đắc kỳ bình tắc minh. Luận điểm nầy có thể hiểu là :
 - Vật không được bình yên thì kêu lên.
 - Vật không được thế quân bình thì phát ra tiếng kêu.
Luận điểm nầy có thể được chứng minh trên nhiều phương diện: chính trị xã hội, sáng tác văn chương, triết học tôn giáo.
Trước hết về chính trị xã hội:  Một chế độ chính trị không đem lại an bình thịnh trị cho dân chúng sẽ nẩy sinh những phản động lực. Một xã hội bất công sẽ âm ỉ những tiếng kêu than của những con người thấp cổ bé miệng. Hàng triệu triệu những tiếng kêu đó hợp lực lại thành một tiếng nổ lớn có thể lật đổ cả một chế độ. Bằng chứng là chế độ quân chủ chuyên chế của Pháp bị lật đổ bởi cuộc cách mạng 1789. Cuộc cách mạng 1789 nổ ra do sự bất công giữa giai cấp quý tộc, tu sĩ với giới bình dân. Mức sống giữa giai cấp quý tộc, tu sĩ so với giới bình dân có một sự chênh lệch quá lớn. Giai cấp quý tộc thì xa hoa phung phí, giai cấp tu sĩ thì hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi; trong khi đó, giới bình dân  nai lưng ra làm việc mà chẳng hưởng được gì. Sự mất cân bằng nầy làm nẩy sinh những tiếng kêu không những của người dân mà còn cả đến các nhà triết học, các bậc thức giả như Voltaire, Montesquieu, J.J. Rousseau, ...Tư tưởng của các vị nầy về sau có ảnh hưởng rất lớn đến nền dân chủ của nhiều nước trên thế giới .
Dưới đây là những tiếng kêu phát ra trong lãnh vực sáng tác văn chương. Hàn Dũ cho rằng con người ta vì bất đắc dĩ mới viết văn, làm thơ. Lịch sử văn học đã chứng minh rằng trong những thời kỳ đen tối nhất, những giai đoạn lịch sử rối ren nhất đã xuất hiện những tác phẩm có giá trị nhất. Trong thời kỳ vua Lê, Chúa Trịnh, Đàng Trong, Đàng Ngoài, chiến tranh xảy ra liên miên đã tạo ra một xã hội mục ruỗng, thối nát ; người dân đã phải gánh chịu những nỗi khổ đau cùng cực. Nói như nhà thơ Pháp Alfred de Musset: " Không có gì làm cho ta trở nên cao đại  bằng một sự đau đớn lớn nhất " (Nul ne nous rend si grand qu'une grande douleur).
Nỗi đau đớn cùng cực đã phát ra những tiếng kêu. Tiếng kêu đó phải chăng là những tiếng thơ của Nguyễn Du, của Nguyễn Gia Thiều, của Đoàn Thị Điểm , ...Truyện Kiều của Nguyễn Du là tiếng kêu than của một người con gái tài sắc hiếu hạnh bị vùi dập xuống tận bùn đen. Đã bao lần Kiều muốn thoát ra vươn lên nhưng rồi bị thế lực của các nhà quan nhà chứa ấn dúi xuống sâu hơn ...Những ông quan, kể cả những bà quan hùa nhau xô đẩy Thúy Kiều vào con đường cùng buộc nàng pải bật lên: "Oan nầy còn một kêu trời nhưng xa “.
Chinh phụ ngâm là tiếng kêu than của người chinh phụ tiển chồng đi chiến trận: "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi".
Cung oán ngâm khúc là tiếng kêu than của người cung nữ nơi cung cấm khi thì được vua yêu quý khi thì thất sủng. Ngoài ra những cuộc tình éo le bi đát, oái oăm và ngang trái đã để lại cho đời những thiên tình sử  như "Sơ kính tân trang”của Phạm Thái , "Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng , ...
Nỗi đau của những người vợ mất chồng, người chồng mất vợ cũng là những nỗi bất bình phát ra tiếng kêu thương. Đó là Ai Tư Vãn của Ngọc Hân công chúa, Giọt mưa thu của Tương Phố, Linh Phượng của Đông Hồ, Màu tím hoa sim của Hữu Loan ,...
Bất bình tắc minh còn được chứng minh trong lãnh vực triết học tôn giáo: Bất cứ triết gia nào cũng ít nhiều trầm tư về lẽ sống chết chẳng hạn như "tại sao ta sinh ra? tại sao ta chết đi ? " Đó là những thắc mắc siêu hình muôn đời là vấn nạn. Trong nhà thiền, liễu sinh tử là động cơ, là nguyên động lực của việc tu thiền. Giáo chủ của đạo Phật là Tất Đạt Đa xưa vì ý thức được nỗi khổ đau của sinh lão bệnh tử nên mới xuất gia cầu đạo. Rõ ràng sự bất bình về cái chết là nguyên động lực đưa con người đến với tôn giáo.
Suy cho cùng, bất bình tắc minh không chỉ đơn thuần là luận điểm mà còn là đại luật của vũ trụ. Phàm vật gì không cân bằng tất nhiên phải phát ra tiếng kêu; phàm con người không được bình yên thì tất nhiên phải cất tiếng kêu than. Vậy vấn đề là làm thế nào để hạn chế những tiếng kêu than ấy? Phải chăng một trong những thuộc tính của nhà hiền triết lãnh đạo là sự hòa hợp tiết độ (température), là mẫu mực cho sự điều hòa và quân bình (không bất cập, không thái quá). Hiện nay người ta có thói quen sợ hãi về những điều bất cập mà không ai lo lắng về những cái thái quá đang diễn ra tràn lan trong nhiều lãnh vực như thói ham hư vinh, thích chơi trội, lễ nghi quá đà.
Cần thiết phải lắng nghe những tiếng kêu nhỏ và làm quân bình, êm dịu chúng ; nếu không nó hợp lực thành tiếng nổ lớn. Cũng như đám cháy nào cũng bắt đầu từ một que diêm!
(Blog Phạm Đạt Nhân VN)


No comments:

Post a Comment