add this

Tuesday, March 30, 2021

i tờ tờ i ti

 

Nam Giao ba lớp tường vàng xưa như vậy, lớp nhất có hình em bé, lớp nhì ở giữa, lớp ba sau vòng tròn
 

i tờ tờ i ti

Tôn Tht Tu

Các niềm vui đều như nhau: vợ lớn vợ bé đều là vợ cả. Đó là nói bây giờ theo câu hỏi của web Huế Cố Đô, chứ làm sao so sánh với ngày ra khỏi trại tù, tạm thoát bản án đa đa thiểu thiểu, lúc đến đất liền trên hoang đảo, đón vợ con sau 11 năm xa cách. Cuộc đời như cuộc tình có trăm lần vui có vạn lần buồn.

Bây giờ tui 82 tuổi, còn giữ tiếp niềm vui tự cho mình: “biết đọc biết viết, có bằng tiểu học” để khai trên blogpot, trên FB, không buồn thiếu bằng cấp tiến sĩ, chỉ có bằng lái xe; biết đánh vần i tờ tờ i ti, u ư nờ mờ.

Đây là sự phát giác quan trọng vì thấy mình ngày một dốt thêm, những điều mình đọc đều là những điều mình chưa biết. Cái học của người ta sâu quá rộng quá. Một bài điểm sách của Claire Massud là cuốn phim lịch sử thời Albert Camus, cuộc chiến thuộc địa. Không như có người đã phán về “Đáy Địa Ngục”: Tạ Tỵ chỉ nói có một điều là đói, quá tầm thường; nên không cần nói gì thêm. Có đói đâu mà hiểu Tạ Tỵ, mà hiểu trong bao tử có linh hồn.

Vì sao phải công bằng giữa người lái xe du lịch và người lái xe cày; cả hai cần chống tiếng động điếc tai, cần máy lạnh và máy sưởi, an toàn như nhau?

Vì sao khi hành quyết một tử tù bằng thuốc độc, chỗ chích phải chà cồn sát trùng, mũi kim phải nấu sôi hấp nóng diệt mọi vi sinh?

Vì sao một nhà báo nhiều mánh mum ở Saigon mà xác thiêu bên Mỹ để lại hơn ngàn xá lợi đem chia cho bà con? Xá Lợi của Phật cũng không nhiều đến thế.

Biết đọc biết viết là lời tự phê quá đáng. Nhưng không lẽ để mất mặt bầu cua, nên phải kê bằng tiểu học. Quả đúng không ngoa. Tây có câu: văn hóa là thứ gì còn lại sau khi đã quên hết. Tôi chỉ nhớ vài điều học ở tiểu học Nam Giao, mà dân chúng yêu thương vui gọi là Cinq couteaux = năm con dao.

Đập một con ruồi mùa đông bằng đập cả mấy ngàn con mùa hè, vì mùa đông chúng đẻ trứng. Cách giải bài toán một chuồng vừa thỏ vừa gà, một trăm chân chẳn bốn ba cái đầu. Đám tang đi qua, phải đứng lại cất mũ chào. Thấy thầy đằng xa là đã sửa vở, viết thẳng thớm, không xốc xếch, chuẩn bị chào. Học thủ công, tôi biết đan quạt gắp, vót đũa tre. Nhờ đó, sống trong rừng tội đốn tre, tôi đã tìm cách giải sầu, làm những bó đũa từ tre già đỏ ao, những đôi đũa bếp từ một lóng tre dài gần nửa mét, bó nầy bó kia cho cả trại.

Tiểu học dắt vô thành, chộ vua Bảo Đại đi hỏng trên không, hôm sau mới biết vua đứng trên xe duyệt chào dân chúng mà mình nhỏ thấp chỉ thấy từ vai trở bên. Nhưng biết đó là vua, mở ra một khung trời mới ngoài xó bếp.

Biết đọc biết viết là lời tự phê quá đáng rồi đó, thêm cái bằng tiểu học là nặng ký đủ sức hù dọa con nít.

Nhờ vậy mà thấy mình đã đứng đằng sau, đi sau. Thánh Kinh dạy rằng muốn đến trước thì đi sau. Chỉ đúng chút xíu, người nghèo đi sau đến nghĩa địa trước vì thiếu ăn thiếu thuốc. Nhưng tui đi sau không phải vì muốn đến trước. Xin chư tôn đi trước dùm tôi. Tôi muốn làm kẻ sau cùng đến nhị tỳ, nhà đòn.

Muốn đến sau nơi đó, tôi có niềm vui đơn giản, đứng sau mọi người để khỏi bị cú sưng đầu. Dành thì giờ rải bắp cho nai cho ngỗng trời ăn, tiền bắp tách từ tiền đi chợ. Để lòng mà nhận biết hương lá sen, mùi bách tùng nhựa thông. Cũng là niềm vui nằm nướng, nghe vợ tụng kinh Như thị ngã văn nhất thời Phật tại...án ma ni bát di hồng mà tưởng oánh tù tỳ mi ra cái gì tau ra cái nầy.

Thường lạc ngã tịnh. Ấy vậy mà thôi thưa bà con.

 

Monday, March 22, 2021

Bến Ngự sầu mơ


Bến Ngụ gần Tét tân Sửu 2021

bến ngự sầu mơ

Tôn Tht Tu

Số là bác sĩ đông y Hoàng Lưu hỏi tui có dính chi với Bến Ngự mà biết chút chút về ngôi nhà ông đang làm phòng mạch, nhân khi ông đọc mấy chữ nầy: Buvette (quán giải khát) của anh Ngạc mở tại nhà của bác Hanh, giữa tiệm vàng của bác Hồi và tiệm xe đạp của bác Xoáy, mặt tiền Phan Bội Châu. Đến 1954, quân đội Pháp rút lui, quán hết khách và bác Hanh tập kết ra Bắc. Anh Uỷ và cô em gái tên Tịnh và một em trai khác vào ở nhà của bố. Sau 75, bác Hanh trở về, bác đã qua đời; bác Hanh cùng lứa tuổi ông già tui, sinh chừng 1900 đến 1905. Ngôi nhà nầy đã chuyển nhượng cho người khác, nay là phòng mạch của Hoàng Lưu.

Dạ thưa, đời người và người đời như hai mặt đồng xu. Người đời tiêu tan thì đời người cũng tan tiêu. Đời tôi đã tàn, Bến Ngự xưa tàn úa theo tâm và cảnh, tâm đâu cảnh đó.

Trước chiến tranh Việt Pháp 1945, trong sáu năm từ khi lọt lòng mẹ, tôi ở tại ngôi nhà đối diện nhà BS Tôn Thất Kỳ, Kiệt Một Phan Bội Châu. Kiệt nầy bắt đầu từ tiệm xe đạp của bác Xoáy cạnh phòng mạch, qua khỏi nhà bác của anh Kỳ thì hết, cây cối um tùm. Sau đó kiệt được khai thông nối với kiệt khác mở từ đường Khải Định (nay Nguyễn Huệ). Một số ít người gọi góc nầy là khu tòa án. Nếu nhìn chếch từ chỗ cũ của quán Hầu Hỉ ngày nay, bên kia Nguyễn Huệ, có ngôi nhà gạch trên khu ruộng sình chạy đến trường QH. Con nít cửng hay ra xem cảnh tiểu đội cảnh sát của anh Lâm bắc súng chào các ông tòa mở cửa ra xử án. Tòa nầy đã dẹp, di chuyển vô Tam Tòa; trước đó Tam Tòa người Pháp dùng làm Sở Tài Chánh và trụ sở công an cho đến 1954.

Hai khúc kiệt nầy bây giờ là đường Nguyễn Thiện Kế. Bản đồ du lịch Huế vẽ đường mới nầy chụm với Trần Thúc Nhẫn và Phan Bội Châu thành một ngã tư, Nguyễn Thiện Kế và Trần Thúc Nhẫn nối nhau trước khi đổi hướng. Theo tôi không đúng. Năm 2007, tôi ghé BN về đêm chừng nửa giờ, nhưng thấy còn nhà bác Xoáy chỗ cũ và người con gái của bác tên Sáo nhận ra tôi. Như vậy đường mới là ngã ba chiếu thẳng qua dãy nhà xưa của Cô Thông Thể và nhà xưa của BS Tôn Thất Hứa, hiện ở Đức; chạy lên phía cầu cả 300 m mới gặp Trần Thúc Nhẫn; nếu muốn chụm vào ngã tư như hình vẽ, Nguyễn Thiện Kế phải băng qua phòng mạch và cả nhà bác Hồi bên trái.

Thân sinh của BS Kỳ là ông TT Tùng; gia đình chúng tôi cũng Tôn Thất nhưng gọi ông Tùng là cậu. Vì cậu với mẹ tôi là cô cậu ruột, bà con gần hơn, chứ Tôn Thất bắn cà nông chưa tới; mẹ ông Tùng chị cả, cho nên chúng tôi gọi BS Kỳ là anh. Trong kiệt nầy có đến hai ông đốc. Cậu tôi là Đốc Tùng, sếp sòng, đứng đầu số nhân viên đông đảo VN thuộc sở “lục lộ”, tức là công chánh (Service de travaux publics); danh hiệu là chef de chantier, quản đốc công trường. Câu Tùng có thời là Hội Trưởng Phật Học Huế. Người thứ hai là đốc học Thân Trọng Hy, bà con bên ngoại tôi, gốc Nguyệt Biều. Khi Khải Định mở ở hai địa điểm, cậu Hy làm giám học trông coi đệ nhất cấp ở trường Việt Anh, sau thành Nguyễn Tri Phương. Để khỏi mất mặt bầu cua, tôi xin nói cha tôi có học ở Hà Nội và ai cũng gọi là ông tham, commis de commerce. Nhưng phải kể thêm hào kiệt thứ tư cậu TT Cổn anh ruột cậu Tùng, đứng đầu Tôn Nhơn Phủ.

Rứa là cái kiệt nầy là địa linh nhân kiệt, nhưng là ngõ cụt, dead end, mới khổ chơ.

Nhà cậu Tùng là một biệt thự dung hợp hai nét kiến trúc mới cũ; là nơi khang trang sạch sẽ văn minh. 2007 tôi về nhà cũ còn cây mai e cả trăm năm và nhà rường xưa, nhà nầy xưa không thuộc sở hữu của cha tôi. Tôi ghé thăm anh Kỳ, con trai út, người duy nhất còn ở VN; chúng tôi không có kỷ niệm chung nên chỉ nhắc đến thế hệ trước.

nữ sinh trên bờ sông Bến Ngự
Trong ngôi nhà trang trọng ấy hiện là nơi cư ngụ của một bác sĩ biết rõ vệ sinh, anh Kỳ mời vợ chồng tôi hai ly nước trong. Tôi bưng lên chưa kịp uống thì anh Kỳ mở miệng:

- Anh uống à?

- Uống chứ, anh mời đưa hay sao?

- Chị H. về, lúc mùa nóng, tôi mời nước chị không uống, lấy trong xách ra một chai nước uống.

Chị H. rất đẹp, con gái trưởng, kế anh Bảng, rất giàu, có chồng trong ngành y khoa ở Bắc California.

Cậu Tùng thuộc hệ nhất hoàng phái, hiện anh Kỳ là trưởng hệ. Chúng tôi hệ nhì, phòng nhất. Cậu rất giàu, cậu có ba dãy nhà cho thuê tổng cộng ít nhất 16 căn ở đường Phan Bội Châu.

Bên Trần Thúc Nhẫn cậu có ba dãy, mỗi dãy hai căn. Thời trung học, lũ trẻ chúng tôi chú tâm đến căn cuối phía hướng ra sông Hương vì người đẹp Mỹ Nhật, con thầy Trần Trọng Sanh. Riêng tôi khi đã xong trung học, tôi chú ý đến căn cuối gần chợ. Căn nầy từ nhỏ tôi nghe nói nhà của “mụ xô xít”; mãi đến 2007 chị tôi cho biết mụ ấy làm lạp xưởng tây saucisse (Sausage). Chính yếu không phải là thịt nguội xô xít, chỗ ấy là chỗ ở của cô bé mộng. Khi tàu đi Saigon chạy qua cổng xe lửa dốc Bến Ngự, tôi nhìn xuống phía chợ, thấy ai đứng trên đường tôi có ảo giác nàng đứng chờ tàu đi qua. Cô quá trẻ không thể lên ga tiễn tôi đi.

Đó là người tôi cầm chắc sẽ đưa về dinh: ngựa ô anh khớp lục lạc đồng đen, dây cương hồng thắm, cán roi anh bịt đồng thòa. Nhưng chỉ còn thương tiếc, không biết cả hai hay một đứa chúng tôi có mắt héo chờ mong.

Tại Bến Ngự, tôi có hai mảnh đời như hai cánh cửa móc vào nhau qua cái bản lề; bản lề thời cuộc 1945.

Tôi đã rời BN 1962. Qua ngàn năm mới, tôi về đấy tưởng đang ở bên Ấn độ, Bombay, Karachi, người đông quá, không khéo bị đạp dẹp; những sân trước các căn phố của cậu Tùng, nơi trẻ con đá banh tennis, ù mọi, đánh đáo, nay là những cửa tiệm ra tận mặt đường nhựa đen.

Hai cánh cửa hai bên bản lề, không có gì đáng nói tuy đời người không ra khỏi bối cảnh lịch sử, rút mây động đến rừng. Bản lề nầy suy nghĩ mà sinh ra cái “huyền đồng”, sự móc nối giữa người và người, người và trời đất thiên nhiên như bản lề bằng đồng, gọi là huyền đồng.

Vâng, Huế và Bến Ngự, có nói cũng không cùng, có nói cũng không cùng. Huế và Bến Ngự không vui là chuyện đã đành, nhưng cũng không buồn; ai nói buồn là đi quá.

Huế và Bến Ngự chỉ có sầu mơ, chỉ có mélancolie. Ấy chính là nhạc Mozart, nhạc rất vui như bướm bay kết thúc vào lòng một nét buồn êm ả, như Hàn Mạc Tử đã thấy lạnh người ở ngưỡng cửa linh thiêng nơi gặp gỡ của tôn giáo, triết học, khoa học và nghệ thuât. .. Huế rất Mozart và Mozart rất Huế…

Ô mê lăng cô ly, (mélancolie) không phải ô mê ly, ô mê li, cigarette Mélia bao vàng.

Mélancolie et mélancolie. Sầu mơ, chỉ còn lại sầu mơ.

=====================================================

Mozart flute and harp concerrto

==========================



Friday, March 19, 2021

Thích Ca trong tòa thánh Vatican

Hoàng tử Josaphat gạp ngời mù xin ăn

Thánh Barlaam và Thánh Josaphat

Dẫn nhập (ttt).- Năm 1881 Max Muller hoàn tất luận văn On the Migration of Fables để bàn luận sự du hành di tản của các ngụ ngôn từ Đông Phương qua Tây Phương. Ông cho biết làn sóng ngụ ngôn, ẩn dụ từ Thung Lũng Ấn Hà, xuống vùng Địa Trung Hải là một trào lưu tư tưởng trội yếu, sách liên hệ được đọc nhiều hơn Thánh Kinh và sách cổ điển Hy Lạp.

Ấy cũng là lúc thịnh thời của các nhà tư tưởng Hồi Giáo trong mọi lãnh vực, những thế kỷ 11, 12 và 13. Các vị nầy đã đem qua Tây Phương rất nhiều kiến thức của Ấn Độ mà bằng chứng rõ nhất là các con số Arab chính là của Ấn, các quan niệm thần học, thi ca, âm nhạc. Các nhà tư tưởng Ấn Độ luôn dùng ẩn dụ, ngụ ngôn để trình bày các ý tưởng thâm sâu. Người mù xem voi là ngụ ngôn đầu tiên Tây phương biết đến và do Phật Thích Ca nêu ra. Những chuyện kể vừa bình dân vừa thâm thúy dễ được tiếp nhận.

Max Muller nghiên cứu tỷ mỷ hai trường hợp. Thứ nhất là ngụ ngôn cô bé bán sữa của La Fontaine, qua bao biến đổi được tìm về gốc là cuốn truyện Panchatantra. Thứ hai là truyện đạo sĩ Barlaam đã hóa dụ vua Josaphat rửa tội lấy hoàn toàn từ Lalita Vistara (Phổ diệu kinh), sự tích Phật Thích Ca.

Trường hợp thứ hai được lược dịch như dưới đây. Từ 1881 đến nay đã 140 năm, nhiều nhà nghiên cứu văn học và lịch sử cho thấy mỗi chặn đường câu chuyện mang một màu sắc và chiếc áo TCG bền nhất và rộng nhất; họ không đồng ý Joannes Damacenus là tác giả.

Lalita Vistara được dịch ra nhiều thứ tiếng giữa thế kỳ 19, Âu Châu mới thấy sự trùng hợp; tuy Marco Polo đã kể sự tích nầy khi ghi lai lần ghé thăm Tích lan thế kỷ 15. Mãi đến hậu bán thế kỳ 20, một mặt giới học thuật nghiên cứu theo từng bộ môn và trường phái; một mặt, sách báo của Tòa Thánh tìm cách giải thích một lối khác; ví dụ Barlaam và Josaphat không chính thức là những vị thánh, không được phong thánh đúng thủ tục; từ 1969 hai vị nầy chưa mất chức thánh nhưng không có tên trong chương trình thánh lễ cho các thánh.

Tuy mang thân thế y hệt sự tích Phật Thích Ca, Barlaam và Josaphat bị giết và trở thành thánh tử đạo. Do đó những lời ca tụng giáo hội tôn vinh Josaphat là tôn vinh Đức Cồ Đàm đầy tính cách gượng ép; Đức Cồ Đàm có những kẻ đối nghịch nhưng không bị giết. Đông Phương không dùng tử đạo (martyrdom) như một sức mạnh của tôn giáo. 

 

Sự tích 

Thánh Barlaam và Thánh Josaphat

Max Muller 1881

Tại triều đường của giáo lãnh Almmansur, Sergius, TCG, giữ chức tổng giám đốc ngân khố. Ông có người con trai, ông giao cho một tu sĩ Ý dạy dỗ; vị gia sư nầy thuộc dòng Cosmas bị bắt bán làm nô lệ ở Bagdad. Khi Sergius chết con trai kế nghiệp, đồng thời giữ chức cố vấn trưởng của giáo lãnh. Tuy quyền cao chức trọng, tân bộ trưởng tài chánh, vì ảnh hưởng của tu sĩ giáo thụ Ý, đột nhiên từ chức, qui ẩn để nghiên cứu, học hỏi trì hành tôn giáo.

Tại chủng viện Saint Saba gần Jerusalem ông xuất bản nhiều tác phẩm uyên thâm, nhất là cuốn: “Trình bảy giảng luận Đức Tin Chính Thống”. Điều nầy giúp ông trở thành nhân vật hữu quyền cao nhất về chủ thuyết của Giáo Hội Miền Đông. Cho đến ngày nay ông vẫn chức vị thánh của cả hai giáo hội Đông và Tây.

Tên của ông là Joannes; vì sinh ở Damascus, ông có thêm tên Joannes Damascenus. Thế nào ông cũng biết tiếng Arab, Ba Tư nhưng sở trường tiếng Hy Lạp biếu ông danh hiệu “người bằng vàng”. Ông nổi tiếng là người bảo vệ những hình ảnh linh thiêng chống với chủ trương phá bỏ của hoàng đế Leo, khoảng năm 726. Về tiều sử của ông, không thể phân biệt đâu là thực đâu là huyền thoại. Nhưng có điều chắc là ông đã ở trong triều đường của giáo lãnh muslim Almansour, chống lại chủ trương phá bỏ hình ảnh tôn giáo của hoàng đế đương thời và đã viết nhiều sách thần học sâu sắc.

Trong số đó phải kể cuốn Barlaam và Josaphat. Dòng Jésuite không thích cuốn nầy vì là một tiểu thuyết tôn giáo. Họ nêu ra một đoạn trong đó Chúa Thánh Thần phóng phát từ Chúa Cha và Chúa Con, điều nầy không phù hợp với tín ngưỡng của hàng giáo sĩ trong giáo hội miền Đông.

Cuốn sách, nói gọn là Josaphat, tóm lược như sau:

Một ông vua Ấn Độ, kẻ thù và kẻ thanh trừng TCG, có đứa con trai duy nhất. Các thầy chiêm tinh đều nói hài nhi sẽ theo tôn giáo mới và sẽ đi tu khổ hạnh. Nhà vua, do đó, tìm mọi cách không để hoàng tử biết cảnh khổ của trần gian mà thay vào đó thích thú khoái lạc và hưởng thụ. Một đạo sĩ đã tìm cách thân cận với hoàng tử để dạy chủ thuyết TCG. Hoàng tử được phép ra ngoài thành bốn chuyến và thấy người già, người bệnh, người chết. Hoàng tử không những rửa tội mà còn từ bỏ giàu sang của cải; sau khi đã giúp cha và quần thần cải đạo theo tín ngưỡng mới, ông theo bổn sư sống trong sa mạc.

Mục tiêu chính yếu của tác phẩm là quảng diễn một cách đơn giản các đường lối chủ thuyết chính của TCG. Đồng thời cuốn sách là tác phẩm đầu tiên về thần học đối chiếu (so sánh); so sánh cái hay của TCG đối chiếu với các tôn giáo chính yếu đương thời như Chaldan, Ai Cập, Hy Lạp, Do Thái. Một trong những điều hấp dẫn của tác phẩm là những ngụ ngôn, ẩn dụ dùng để giải thích các lý thuyết. Những ngụ ngôn và ẩn dụ nầy được truy nguyên từ Ấn Độ.

Một người, khi chạy tránh sự săn đuổi của con vật một sừng, rơi xuống một hầm sâu. Đang khi rơi xuống, ông dang tay chụp một thân cây mọc ở thành hầm. Khi đã nắm vững thân cây và có chỗ đạp chân, ông vui sướng biết mình an toàn. Nhưng ngay lúc đó ông thấy hai con chuột, một đen một trắng, đang nhiệt tình gặm khới gốc cây mà ông đang bám vào để được an toàn. Nhìn xuống hố thẳm, ông thấy một con rồng hung tợn đang há mồm sẵn sàng nuốt ông; nhìn vào chỗ ông tựa hai chân, ông thấy bốn con rắn đang mở rộng mắt ngó thẳng vào người ông. Ông nhìn lên thì thấy một giọt mật ong đang rơi từ cành cây ông đang bám vào. Đột nhiên, ông quên hết, quên con thú một sừng, con rồng há mồm, mấy con chuột, mấy con rắn. Tâm trí ông chỉ nghĩ làm sao nắm được giữ được dùng được những giọt mật ngọt rỉ ra từ thân cây ấy.

Con vật một sừng là Tử Thần luôn theo sát con người. Hố sâu là thế giới; cây nhỏ là cuộc sống; hai con chuột trắng đen cắn rễ cây là thời gian ngày và đêm; bốn con rắn là tứ đại bốn yếu tố cấu tạo thân thể; con rồng chính là địa ngục. Tuy bị bao quanh bởi những thứ ấy, con người đủ sức quên chúng mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc đời người như những giọt mật rỉ từ cây nhân sinh.

Ký thú là tác giả cuốn Josaphat đã mượn nhân vật chính, hoàng tử Ấn Josaphat, từ nguồn gốc Ấn Độ. Trong cuốn Lalita Vistara, cha của Phật là một ông vua. Khi đứa con vua sinh ra, Bà la môn Asita tiên đoán cậu bé sẽ lớn lên trong hào quang; hoặc trở thành một anh quân hùng mạnh hay từ bỏ ngai vàng sống khổ hạnh để thành Phật. Nhưng vua cha không muốn điều thứ hai, giữ con trong các cung điện, đầy lạc thú ngõ hầu hoàng tử chỉ nghĩ đến khoái lạc mà quên việc chiêm nghiệm nội tâm và tu tĩnh, không có dịp thấy khổ, lão và tử. Nhưng sau đó hoàng tử được phép ra ngoài thành. Nơi ông dừng chân nghỉ tạm đã được đánh dấu bởi các tháp mà nhà tu Pháp Hiển đã đến thăm vào thế kỷ thứ 5, cũng như Huyền Trang đã đến vào thế kỷ thứ bảy. Bốn chuyến xuất hành cho hoàng tử thấy lão, bệnh, tử và thấy một tỳ kheo khất thực tu khổ hạnh từ bỏ dục lạc, tìm giải thoát cho chính mình.

Rõ ràng chuyện kể của Joannes về Josaphat không sai khác với cuộc đời của Phật. 300 năm trước Joannes, Pháp Hiền đã thấy các tháp ghi dấu tích Phật ra ngoài cung thành, trong các phế tích thành Ca Tỳ La Vệ.

Nhiều tác giả Pháp, Anh, Đức đã chứng minh sự trùng hợp nầy. Tại Pháp, Laboulaye đã lên tiếng trên tập san Débats. Tại Đức, Liebrecht so sánh hai tập từng chi tiết một đều giống nhau. Và tại Anh, Beal khi dịch cuốn “Cuộc Hành Hương của Pháp Hiền”, đã lưu ý lần nữa rằng chuyện Josaphat vay mượn từ sự tích Phật, Lalita Vistara, Phổ diệu kinh.

Có điều là lịch sử văn học không nói đến chuyện nầy. Tác phẩm Barlaam Josaphat nổi tiếng thời Trung Cổ. Sách đã được dịch ra các thứ tiếng: Syrie, Arab, Ethiopia, Armenia, Do Thái, La Tinh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Bohemia và Ban Lan. Năm 1204, một vị vua Na Uy đã dịch ra tiếng Iceland. Và gần hơn, một giáo sĩ Jesuit đã dịch qua tiếng Tagala của Phi Luật Tân.

Điều kỳ dị là Barlaam và Josaphat hiện là hai vị Thánh của hai giáo Hội TCG Đông và Tây. Giáo Hội Miền Đông ấn định 26-08 là ngày Thánh của nhị vị; bên Giáo Hội Miền Tây, nhị vị được tưởng niệm ngày 27-11.

Đôi lần sự hoài nghi được nêu ra về tính cách lịch sử của hai vị nầy. Leo Allatius, trong cuốn Prolegomena đặt câu hỏi: phải chăng cuốn Barlaam Josaphat có thật hơn cuốn Cyripadia của Xenophon hay Utopia của Thomas More. Nhưng ông tự trả lời rằng với tư cách một tín hữu TCG ông không thể tin rằng chuyện nhị vị là giả tưởng; chuyện nầy thật vì không những được ghi trong sách Mena của Hy Lạp mà con ghi trong sử thánh tử đạo của Giáo Hội Vatican.

Theo Billius, tác giả Joannes nói ông nghe kể từ những người không thể sai lạc. Như vậy, hoài nghi những lời kết thúc nầy là tin sức hoài nghi của chính mình hơn là tin ở đức tin TCG. Billius không chấp nhận thái độ nầy.

Bellarminus nói ông có thể chứng minh sự thật về câu chuyện nầy bằng sự kiện rằng tác giả Joannes đã niệm danh hiệu Thánh của (đạo sĩ) Barlaam và (vua thoái triều) Josaphat.

Leo Allatius cho rằng nhiều lời phát biểu và các lần đối thoại của Josaphat do Joannes bày ra vì Josaphat mới rửa tội, chưa có thể thuộc nhiều đoạn trong Thánh Kinh. Nhưng ngay sau đó Leo đã bát bỏ ý nghĩ của chính mình, ông nói tuy mới rửa tội Josaphat được Đức Chúa Thánh Thần chỉ bảo để có thể phát biểu đối đáp theo đúng Thánh Kinh.

Giám mục Avranches cũng hoài nghi rồi tự mình phủ nhận hoài nghi. Ông nói: thật vô cùng táo bạo nguy hiểm sai trái nếu nói hai nhân vật Barlaam và Josaphat không có thực; hãy xem danh sách thánh tử đạo thì biết. Vậy không có lý gì mà hoài nghi.

Đối với chúng tôi câu hỏi phải chăng Barlaam và Josaphat có trong lịch sử hay giả tưởng đã mở ra một viễn tượng mới hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi ghi nhận lời tuyên bố của tác giả Joannes rằng ông nghe kể chuyện Barlaam và Josaphat bởi những người đã ở Ấn Độ một thời gian dài. Ở Ấn Độ, theo chuyện lưu truyền xưa nay có một hoàng tử sống vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên; ông được tiên đoán sẽ từ bỏ ngai vàng, và quyết định suốt đời tu tập tham thiền để thành Phật. Chuyện cũng kể rằng cha của ông tìm mọi cách ngăn chận việc nầy, giữ ông trong thành xa cách với thế gian, cho hưởng thụ khoái lạc vui chơi mà không biết, già, bệnh và chết. Chuyện cũng kể rằng cuối cùng hoàng tử được phép ra khỏi thành, được mở mắt thấy sự phi thực của đời sống, sự phù phiếm của dục lạc; hoàng tử đã bỏ cung điện tu tập giác ngộ và trở thành nhà sáng lập một tôn giáo mới.

Chuyện tích nầy là sự tích của Đức Phật Cồ Đàm Thích Ca Mâu Ni.

Nay nếu Joannes Damascenus giữ nguyên câu chuyện và lấy tên Joasaph hay Josaphat (biến âm của Bodhisattva) thế cho Phật; nếu thân thế đời sống của Josaphat trích từ cuốn Lalita Vistara, nếu vậy thì

·      Giống như phần đầu luận văn đã nói nhân vật Pirette của La Fontaine là Bà la môn trong truyện Pankatantra, Thánh Josaphat là Phật trong kinh điển PG.

·      Phật là một vị Thánh trong giáo hội TCG.

·      Lich sử lắm khi kỳ quái hơn tiểu thuyết.

===================================================================

Saturday, March 13, 2021

biết mình biết trời

 

Biên Hòa 1970





tri thiên mệnh

Khôi V Nguyễn Thi Hi

Mấy hôm sau đám cháy nhà ở khu đền thờ Đức Thánh Trần, tôi đang phụ cha tôi thụ phấn nhân tạo cho giàn dưa tây thì cha tôi hỏi:

- Cậu xóa hết nợ cho những khách hàng bị cháy nhà, số tiền khá lớn đấy, con có thấy tiếc không?

Tôi thật thà đáp:

- Dạ tiếc.

Rồi tôi hỏi ngược lại:

- Thế cậu có tiếc không?

Cha tôi gật đầu:

- Cậu cũng tiếc. Nhưng họ đã bị cháy nhà, tài sản mất hết. Họ khổ hơn mình.

Một hôm khác khi hai cha con đi lên hãng Coca-cola ở Khánh Hội trên Sài Gòn dự một buổi họp khách hàng có xổ số, vé số của cha tôi chỉ sai một con số thì trúng lô độc đắc là chiếc xe gắn máy hiệu Goebel. Ban tổ chức thưởng an ủi một cái cặp da. Trên đường về, ngồi trên chiếc trắc-xông chở khách chật chội, cha tôi lại hỏi tôi:

- Hụt lô độc đắc, con có tiếc không?

Tôi đáp:

- Tiếc lắm! Thế cậu có tiếc không? Tôi hỏi y như hôm nào đã hỏi lại cha tôi một cách ngẫu nhiên.

Nhưng lần này thì cha tôi trả lời khác:

- Không! Cậu không tiếc gì cả ...

Tôi nhớ lại chuyện dưới giàn dưa tây nên hỏi:

- Sao xóa nợ cho những người cháy nhà cậu lại tiếc?

Cha tôi trầm ngâm một lát mới nói:

- Vì đó là những đồng tiền mình làm ra từ mồ hôi lao lực của mình, còn cái xe Goebel kia không phải của mình làm ra, được thì tốt, không được thì thôi, có gì mà tiếc!

Cha tôi là con út đời vợ thứ nhì của ông nội tôi. Vì hoàn cảnh ông phải bôn ba xa xứ, rồi lưu lạc vào đất Biên Hòa, làm nhà ở và buôn bán la-ve nước ngọt tại khu Phúc Hải. Ông hay kể cho tôi nghe chuyện quê hương và nói về nhiều sự trùng hợp khó hiểu. Ông bảo sông Thái Bình chảy qua quê ông có nguồn trong lãnh thổ Việt Nam, sông Đồng Nai chảy qua Biên Hòa - nơi gia đình tôi ở hiện nay - cũng khởi nguồn từ trong nước. Ông kể rằng ngày xưa ông nội tôi mua một khoảnh đất ruộng rồi đào ao lấy đất vượt lên làm nền nhà, làm vườn tược và vì thế mà ông có tên là cụ Vượt; còn mảnh đất nơi nhà tôi ở từ đó cho đến bây giờ cũng vốn là đất ruộng, cha tôi đã mua đất từ nơi khác đổ lên để làm nhà, làm vườn.

Là tiệm buôn la-ve nước ngọt đầu tiên và lớn nhất ở khu Phúc Hải ngày ấy, nhìn bề ngoài nhiều người vẫn tưởng gia đình tôi giàu lắm. Thật ra cha mẹ tôi chỉ vào hàng trung lưu trong xã hội ngày ấy, nghĩa là khá hơn mức đủ ăn một chút. Mua sắm gì tôi cũng thấy cha mẹ tôi bàn bạc, cân nhắc.

Điều căn bản là tuy theo nghề buôn, cha tôi lại có tính hào hiệp. Tôi biết có mấy trường hợp ông đã cho không khách hàng gặp hồi túng thiếu số nợ của họ và dĩ nhiên là ông giấu mẹ tôi. Tôi không biết ông có năng khiếu hoặc thích âm nhạc hay không, nhưng khi tôi được một người hàng xóm dạy cho đánh đàn măng đô lin và đánh được trọn bài 'Lên Đàng' thì cha tôi rất thích, thường bảo tôi "trổ tài" cho ông nghe, ấy là những buổi chiều khi tiệm buôn vắng khách hoặc một buổi tối khi tôi không phải học bài, làm bài, còn ông thì rảnh rang, nằm ngửa trên ghế bố, tay phe phẩy quạt, chân vắt chữ ngũ...

Sau này ở khu Phúc Hải có thêm mấy người mở tiệm buôn la-ve nước ngọt như cha tôi và họ giàu lên rất nhanh. Đã là học sinh trung học, tôi ham muốn biết nhiều chuyện và cũng thuộc dạng hay thắc mắc. Tôi đã hỏi cha tôi:

- Tại sao cậu buôn bán trước người ta mà không giàu có được như người ta?

Cha tôi giải thích:

- Buôn bán muốn làm giàu nhanh phải biết gian dối, đầu cơ, nâng giá... Gian dối như mình có vốn nhưng lại nói với người cung cấp hàng cho mình là thiếu vốn, xin chịu để chiếm dụng vốn của người ta càng lâu càng tốt. Đầu cơ là biết giấu hàng khan hiếm hoặc mình đoán là sẽ bán chạy vào một dịp nào đấy để khi ấy mới tung ra. Nâng giá là khi hàng thiếu, khách hàng cần thì mình bán giá cao họ vẫn phải mua...

- Cậu biết cách làm giàu nhanh, sao cậu không làm?

- Biết và làm điều mình biết là hai việc khác nhau, con ạ. Mà tại sao bỗng dưng con lại thắc mắc chuyện giàu nghèo?

Tôi thú thật:

- Có mấy đứa bạn học của con nhà giàu lắm. Chúng nó gọi những đứa như con là dân xóm nhà lá!

- Con xấu hổ à?

Tôi ấp úng không đáp.

Cha tôi nhỏ nhẹ:

- Chỉ có kẻ trộm cắp, lừa gạt mới xấu. Người sống bằng đồng tiền do chính sức mình làm ra thì lúc nào cũng cảm thấy thanh thản...

Rồi một ngày nọ, trong lúc hai cha con ngồi ăn dưa tây dầm đường cát, ướp nước đá, cha tôi đột nhiên trở lại chuyện buôn bán, chuyện làm giàu để nói với tôi khi mẹ và em gái tôi đi chợ Biên Hòa, nhà chỉ còn hai cha con.

Cha tôi nói:

- Hồi mới đến đây lập nghiệp, cậu đã nuôi chí làm giàu. Bởi thế cậu mới chọn nghề buôn bán. Người xưa nói: phi thương bất phú. Không buôn bán thì chẳng giàu được. Nhưng vào nghề rồi, học hỏi người ta, biết hết những mánh khóe lọc lừa mà cậu không thể làm được. Có lần cậu đã thử nâng giá hàng hiếm thì quả nhiên được lãi to, nhưng lại mất cả tháng cứ ray rứt mãi, đêm nằm ngủ trằn trọc không chịu được. Từ đấy cậu kết luận là mình không hợp với nghề buôn bán, định tâm chỉ xem công việc này như một việc để kiếm sống và có chút tích lũy thôi...

Tôi chăm chú lắng nghe mà chẳng đoán được cha tôi định nói gì thêm.

Cha tôi hỏi:

- Con phải trả lời thật với cậu là con có thích làm giàu không?

- Con... con không biết...

- Thôi được, nếu con chưa trả lời được thì ta tạm gác lại chuyện ấy. Nhưng con thử nói cho cậu biết xem mai sau con thích làm gì?

Tôi hớn hở:

- Con thích làm bác sĩ.

- Thế nếu không làm được bác sĩ con có buồn không?

- Buồn chứ...

- Vậy thì cố học đi...

Câu chuyện dừng lại ở đó và tôi vẫn chưa hiểu thực ra cha tôi định nói với tôi điều gì... Năm tôi 15 tuổi thì cha tôi đã ngoài năm mươi. Đúng ngày sinh nhật tôi vào đầu tháng tám đang nghỉ hè, ngoài trời đang mưa sùi sụt, cha tôi tuyên bố với mọi người trong nhà giữa bữa cơm trưa có canh riêu cá rô, thịt kho tàu và dưa muối chua:

- Từ nay thằng Hải được giữ chìa khóa trong nhà này.

Trong gia đinh tôi, chỉ có cha và mẹ tôi được sử dụng chìa khóa. Lời tuyên bố của cha tôi chính là sự trao quyền cho con trai. Dĩ nhiên cha mẹ tôi vẫn là chủ gia đình, nhưng khi có việc gì định làm, cha tôi đều hỏi tôi nghĩ thế nào về việc ấy. Thoạt đầu, tôi lấy làm hãnh diện lắm nhưng càng về sau càng thấy lo vì rõ ràng từ việc làm cái gác gỗ cho tôi ở riêng đến việc không nuôi chim bồ câu nữa, từ việc xây tường nhà thay cho vách gỗ đến việc chọn xoài là giống cây trồng sau vườn, từ việc mua xe Lambro ba bánh đế chở hàng thay vì mua xe Lambretta, việc nhận người nào vào giúp việc bếp núc, việc sơn cửa màu gì, lát gạch bông kiểu nào... tôi đều thấy mình có trách nhiệm vì đã góp ý để cả nhà đi đến quyết định!

Cũng từ năm đó, cha tôi lao vào một công việc mới làm việc xã hội, từ thiện. Ông đi chùa, đi đền, vận động lập nghĩa trang, vận động cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn... Khi có việc phải đi, ông giao tiệm luôn cho tôi quản lý.

Những ngày ấy, khi đi học buổi sáng, buổi chiều tôi phải cắt đặt người trực bán hàng, người đi thu tiền hàng, ghi chép vào sổ số tiền nhận được, nhận phiếu đặt hàng của khách và hẹn buổi giao hàng...

Tối, trở về nhà, cha tôi hỏi công việc trong ngày và tôi phải báo lại. Ông nghe, không nói gì có nghĩa là tôi đã làm đúng. Ngược lại, ông hướng dẫn phải làm thế nào thì tốt hơn. Tôi nghe lời cha tôi vừa là một đứa con nghe cha dạy bảo, vừa là một ông chủ trẻ học cách điều hành, quản lý công việc.

Cha tôi thường ra khỏi nhà một mình. Hiếm hoi lắm ông mới đi cùng mẹ tôi hoặc với tôi do tính chất công việc đòi hỏi. Ông thích nên thường dành nhiều lúc trò chuyện với tôi, kể cho tôi nghe việc ông làm hoặc những gì có liên quan.

Chẳng hạn như ông hỏi tôi:

- Con có lên chùa trên núi Bửu Long lần nào chưa?

Tôi đáp có.

Ông lại hỏi tôi biết gì về ngôi chùa trên ấy?

Tôi nói:

- Dạ con không biết .

Ông liền say sưa giải thích :

Bưởi Biên Hòa
- Đấy là một ngôi chùa cổ của đất Biên Hòa này, được xây dựng từ hồi người Việt bắt đầu vào đây lập nghiệp. Cùng thời còn có chùa Đại Giác ở cù lao Phố, chùa Long Thiềng ở bên kia sông. Mà con còn nhớ, Long Thiềng chứ không phải Long Thiền đâu. Thiềng là nói trại chữ Thành ấy mà! Tôi biết là những điều cha tôi vừa nói là do ông ghi nhận được từ các nhà sư khi ông đi làm việc chùa. Cứ như thế, cha tôi vô tình (hay hữu ý) chuyển cho tôi rất nhiều hiểu biết về vùng đất gia đình tôi đang ở. Như chuyện ngôi nhà cổ của một ông quan ngày xưa nơi bờ sông Đồng Nai, vách còn in dấu ngấn nước lụt năm Thìn ở đây, chuyện đình Tân Lân linh thiêng, mọi người đi ngang phải cung kính, không được nhìn vào và đưa tay chỉ trỏ, chuyện rừng thiêng nước độc ở Trị An, Mã Đà; chuyện bưởi Tân Triều làm nên cái tên Biên Hòa xứ bưởi...

Cha tôi khi thì sáng lập, lúc thì đứng chủ công vận động xây dựng hoặc trùng tu cả thảy một ngôi đền, hai ngôi chùa và hai khu nghĩa trang cho bà con Phật giáo trong vùng. Vì được tham gia quản lý tiền bạc trong nhà, tôi biết - mà mẹ tôi không biết - đã nhiều lần ông lấy tiền nhà dùng vào việc xã hội.

Dường như đoán được là tôi biết bí mật của mình, có lần ông nói nhỏ với tôi: " Cậu chẳng ăn chơi, bài bạc. Dùng cho mọi người cả thôi. Con đừng có cho mẹ biết, nghe chưa! ". Tôi nhìn nét mặt căng thẳng và ánh mắt " năn nỉ " của ông mà suýt bật cười...

Vũng Tàu 1970
Có một lần duy nhất, khi tôi đã tốt nghiệp đại học, tôi chở cha tôi bằng xe hơi riêng ra vùng biển Vũng Tàu có việc. Cũng là việc có liên quan đến chùa chiền ngoài ấy chứ từ khi tôi được giao quyền sử dụng chìa khóa trong nhà, tôi không thấy cha tôi đi chơi như một người đi du lịch bao giờ. Trước khi về, tôi đòi ghé tắm biển. Cha tôi ngồi trên bờ gần chỗ đậu xe uống bia chờ. Tắm biển một mình quả vô duyên nên chỉ xuống nước được ướt người, tôi đã quay lại.

Cha tôi đẩy ly bia về phía tôi:

- Uống đi rồi về...

- Sao vội vậy cậu. Còn sớm mà...

- Cậu không thích nhìn biển...

- Sao vậy? Con lại rất thích...

- Vì con mới ngoài hai mươi, tuổi của biển; còn cậu thì đã sắp đến tuổi sáu mươi rồi, tuổi gần khuất núi, có muốn làm lại việc gì cũng không còn kịp nữa...

- Là sao hả cậu? Cha tôi khẽ lắc đầu không đáp.

Sự im lặng của cha tôi đã gieo vào lòng tôi bao câu hỏi và nghĩ suy về sự bao la mà hữu hạn của biển, về sự bao dung mà tàn nhẫn của biển, về sự vô biên và giới hạn, cái thiện ác, buồn vui... của đời người. Phải chăng biển trước mắt cha tôi như một nhắc nhở về những mơ ước không thành của một thời trai trẻ... Trên đường về, tôi chẳng thiết ngắm những cánh đồng lúa mênh mông vùng Bà Rịa, dãy núi Dinh có những tảng mây dật dờ trên đỉnh, những sạp bán trái cây đầy dọc ven đường Long Thành... mà cố gặng hỏi cha tôi là ông có điều gì muốn nói.

Xe về đến xa lộ Biên Hòa nhộn nhịp, ông mới chợt hỏi tôi:

- Thuở nhỏ con mộng làm bác sĩ, bây giờ tuy ra trường là dược sĩ, nhưng cậu lại thấy con mê viết hơn nghề làm thuốc. Ở đời, không thể làm cùng lúc nhiều việc được đâu. Sức người có hạn. Ham muốn càng nhiều thì thất vọng càng lắm. Con thử nói cho cậu nghe xem, nếu phải chọn một trong hai công việc, con sẽ chọn việc nào?

Tôi ấp úng và hiểu ra điều cha tôi muốn nói chính là sự lo lắng về những ngả đường phía trước của tôi. Tôi khó trả lời ngay câu hỏi bất ngờ của ông vì quả thật tận thâm tâm, tôi tham lam muốn thực hiện trong đời mình cùng lúc nhiều việc khác nhau.

Cha tôi lại nói như ngày tôi còn bé:

"Thôi được, nếu con chưa trả lời được thì ta tạm gác lại chuyện ấy".

Nhưng khác hơn hồi đó, lần này ông nói thêm với tôi mà như nói một mình:

- Ở đời, khó nhất là biết mình!

Năm ấy tôi hai mươi ba tuổi, may mắn đã ngộ ra nhiều điều từ lời dạy và cuộc đời của cha tôi.---


Gia Định 1965


Monday, March 1, 2021

nước mắm không mùi

 


nước mắm không mùi

Tôn Tht Tu

Napoléon có thể cởi ngựa suốt đêm ngày không ngủ. Nhưng khi đã ngủ thì trời đánh cũng thừa. Một hôm cần “người” dậy gấp, địch tới đít, sau bao cố gắng bất thành, một người đem miếng phó mát (fromage, cheese) hiệu Camembert trây vào mũi vì mùi hôi của nó. Đại Đế chí quẩy mình ngủ tiếp sau khi đã thốt ra: Joséphine, laisse-moi tranquille - Joséphine leave me alone -. Joséphine, để ta yên, đừng áp cái hĩm thúi vô mũi.

Để tỏ lòng ái quốc cao độ, Diệt Lam mình cấy chi cũng nhất, một người đã phán rằng: nếu dùng nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc thì Napoléon đã dậy và cứu nước Pháp khỏi thảm bại. Nếu lịch sử tái diễn thì đừng dùng nước mắm Red Boat mà Blog Mậu Thân vừa giới thiệu, không có mùi.

Trở lai chuyện Napoleon, tôi quen một dược sĩ ở San Diego, lúc nào ông cũng mang theo một hủ chao, để ăn “lunch” hay cả tiệc cưới. Ông nói chao cũng như nước mắm, Camenbert, có mùi khó chịu nếu không quen, vì mùi là hậu quả bắt buộc của thực phẩm thoái trụy. Mà thoái trụy là giai đoạn quan trọng nhất để cho thực phẩm giải vây các chất dinh dưỡng, việc nầy xẩy ra trong hệ thống tiêu hóa cho nên những chất thải bài tiết có mùi hôi; ngay cả gỗ hay lá phải mục (thoái trụy = degradation) mới bung các chất dinh dưỡng để rễ cây hút vào.

Do đó, ăn các thứ gọi là “hôi” trông mọi rợ nhưng rất văn minh, nghĩa là cơ thể tiếp nhận ngay các chất dinh dưỡng và cơ thể tránh các cặn bã, toxic…sinh ra trong khi thoái trụy.

thùng nước mắm Phú Quốc
Cá cơm Phú Quốc của Red Boat trộn muối đưa vô hầm thì không khác chi việc ướp làm nước mắm mọi nơi khác như Đồng Hới, Phan Thiết để thoái trụy và nhờ muối mà không hư thối. Như tất cả các thoái trụy nơi khác và vật liệu khác, 12 tháng trong hầm, cá cơm thế nào cũng có mùi nước mắm.

Nhưng nước mắm Red Boat không có mùi.  Nhà sản xuất là một kỹ sư computer, khôn khéo dùng thuật ngữ ‘Garbage in, garbage out’ cho rác vô thì chỉ nhận được rác, để không mích lòng các nơi khác mang theo rác vào hầm nước mắm. Ông tiếp: Đó là lý do Red Boat chỉ dùng toàn nguyên liệu tươi nhất, tinh chất nhất và “ủ chượp” bằng phương cách vệ sinh nhất. Hơn nữa, cá cơm của Red Boat được ướp muối biển thượng hạng khi còn tươi nên không thể có mùi hôi.

Cá cơm tươi dù đã thanh lọc các thứ hải sản khác vẫn phải theo con đường thoái trụy. Nay nói Red Boat nhờ vệ sinh mà không có mùi thì có nghĩa Camembert, chao, nước mắm, các thứ mắm khô đều có rác bẩn.

Từ đầu thập niên 1950, lúc VN chưa chia đôi, Đồng Hới là nơi sản xuất nước mắm cá cơm duy nhất, rất ngọt nhờ có thêm thính bắp, cạnh tranh với nước mắm mặng Phan Thiết bán trong tỉn. Lúc ấy ngư dân đánh cá ven bờ, thuyền chèo và cá cơm rất tươi, và ngày nay thuyền Phú Quốc khó lòng sáng đi tối về, phải dùng nước đá, freezer. Điểm nầy tôi phài cẩn thận vì cá mới đánh xong có thể ù muối ngay trên tàu thay vì phải đông lạnh đenm vô xưởng ướp chượp sau. Hy vọng muối Phú Quốc, nếu không bằng Cà Ná, không đến nổi tệ như muối trộn sình phù sa vùng cuối của VN quanh Cà Mâu Rạch Giá.

Ngược với không mùi, có loại nước mắm khác cần nặng mùi, nước mắm ruốc (xin đừng nhầm ruốc với thể đặc sệt) rỉ ra từ lu ruốc. Khuyết dùng làm ruốc còn sạch sẽ hơn cá cơm nước mắm, chỉ một con cá nhỏ bằng ngón tay đủ làm ruốc thối, phải lấy sạch, không một chút rong. Như vậy, sạch sẽ không tránh nặng mùi vì như đã nói mùi nước mắm, mắm thái cá lóc, chao đều vì thoái trụy.

Chúng tôi dùng nước mắm rẻ nhất hiệu Con Mực; trong lúc anh họ tôi không ăn cơm nếu không có Việt Hương. Việt Hương ít mùi nước mắm nhưng rất nhiều bột ngọt, nghe nói chế biến trong garage. Con Mực không làm tê lưỡi như Việt Hương, nó rất chi là “nước mắm”.

Nước mắm nhĩ là một huyền thoại. Được dạy rằng cá và muối bỏ vào cái chi như cái bồ, phía dưới có chỗ hứng nước mắm rỉ ra, bây giờ có thể làm như vòi có khóa rô bi nê (faucet); thịt cá rửa ra, phân hủy và nhả nước ra; cơ thể con người và động vật chứa đến 65% nước. Muốn biết ngon hay dỡ, thả một hột cơm vào, nếu nổi là ngon. Chúng tôi bị gạt vì biển nhiều muối mình có thể nằm phơi nằng không chìm, thêm muối thì quả trứng nổi. Nhiều muối chừng mô hột cơm càng trồi đầu lên.

Nhà sản xuất vẫn dùng danh từ cũ và phụ chú tiếng Anh là First Press. Vậy phải hiểu đó là cách ép, lấy một trọng lượng đè lên cho nước mắm chảy ra; hay đem ra máy ép. Nói thế không đúng, khi chúng tôi không hiểu “First Press” nghĩa bóng là thương hạng, không nhất thiết dùng máy ép.

Trích: hãng này chỉ dùng nước mắm nhĩ, còn gọi là nước mắm cốt mà tiếng Anh là “first press.” Red Boat hoàn toàn là nước mắm nhĩ, là ‘first press’. Đó là lý do Red Boat luôn có hàm lượng đạm cao. Mãi về sau, Red Boat mới có loại “nước hai” (second press). Loại này rẻ hơn và được dán nhãn màu trắng để khách hàng dễ dàng phân biệt với loại thượng hảo hạng, “nhĩ nhất” khác “nhĩ hai.” ngưng

Loại “nước hai” xuất hiện khá lâu sau khi nước nhất ra đời. Chúng tôi hiểu theo ý riêng, có phần bất lợi cho chủ nhà. Sau khi lấy xong nước nhất là nước mắm nhĩ, hầm cá sản xuất nước hai. Ông chủ nói nước chỉ do muối và cá làm ra. Vậy lấy gì mà có nước thứ hai. Tưởng tượng tầm bậy rằng, xác cá sau khi lấy lần thứ nhất, thêm nước vào để nước rút những gì còn sót lại, đem ra ép lấy nước mắm.

Ngày xưa, để cho nước mắm pha muối có màu đẹp, người ta lấy lá chuối khô ngâm vào.

Mùi nước mắm không làm cho các thực khách Tây Phương như Mỹ khó chịu vì thực sự mùi ấy không có khi nước mắm đã pha chế để dùng chấm chả giò, bánh cuốn, bánh xèo, bánh nậm …; nhiều món kho, đầu bếp đã tài tinh nêm nước mắm; “nước mắm không ngon con bà hết khéo”.

Vấp vỏ dưa sợ vỏ dừa. Nước mắm pha chế trong garage buộc chúng tôi mua mắm nêm của Philippines; nước tương của Đại Hàn. Nước mắm công nghiệp làm tôi hoài nghi (vô lý) nước mắm không mùi 100% lấy từ hải sản và muối thiên nhiên.  Dù trong thời đại lường đảo nầy, hãy tin chủ nhân nói không dùng hóa chất.

Vừa xa xứ, vừa xa luôn món ăn xứ sở đã cho ăn. Nước mắm không mùi thì như TT Macron dẹp tiêm đóng cửa fromage Camembert.

Hay quá, vừa tìm ra chữ mới: lưu vong kép, double exile, mà thực sự còn hơn nữa, lưu vong ba rọi, triple exile, mất luôn ngôn ngữ. Ha ha hay hu hu?!

===============================================================================

Phan Thiết là tỉnh lỵ của Bình Thuận, VNCH

============================================