Bến Ngụ gần Tét tân Sửu 2021
bến ngự sầu mơ
Tôn Thất Tuệ
Số là bác sĩ đông y
Hoàng Lưu hỏi tui có dính chi với Bến Ngự mà biết chút chút về ngôi nhà ông
đang làm phòng mạch, nhân khi ông đọc mấy chữ nầy: Buvette (quán giải khát) của
anh Ngạc mở tại nhà của bác Hanh, giữa tiệm vàng của bác Hồi và tiệm xe đạp của
bác Xoáy, mặt tiền Phan Bội Châu. Đến 1954, quân đội Pháp rút lui, quán hết
khách và bác Hanh tập kết ra Bắc. Anh Uỷ và cô em gái tên Tịnh và một em trai
khác vào ở nhà của bố. Sau 75, bác Hanh trở về, bác đã qua đời; bác Hanh cùng lứa
tuổi ông già tui, sinh chừng 1900 đến 1905. Ngôi nhà nầy đã chuyển nhượng cho
người khác, nay là phòng mạch của Hoàng Lưu.
Dạ thưa, đời người và người đời như hai mặt đồng xu. Người đời tiêu tan thì đời người cũng tan tiêu. Đời tôi đã tàn, Bến Ngự xưa tàn úa theo tâm và cảnh, tâm đâu cảnh đó.
Trước chiến tranh Việt Pháp 1945, trong sáu năm từ khi lọt lòng mẹ, tôi ở tại ngôi nhà đối diện nhà BS Tôn Thất Kỳ, Kiệt Một Phan Bội Châu. Kiệt nầy bắt đầu từ tiệm xe đạp của bác Xoáy cạnh phòng mạch, qua khỏi nhà bác của anh Kỳ thì hết, cây cối um tùm. Sau đó kiệt được khai thông nối với kiệt khác mở từ đường Khải Định (nay Nguyễn Huệ). Một số ít người gọi góc nầy là khu tòa án. Nếu nhìn chếch từ chỗ cũ của quán Hầu Hỉ ngày nay, bên kia Nguyễn Huệ, có ngôi nhà gạch trên khu ruộng sình chạy đến trường QH. Con nít cửng hay ra xem cảnh tiểu đội cảnh sát của anh Lâm bắc súng chào các ông tòa mở cửa ra xử án. Tòa nầy đã dẹp, di chuyển vô Tam Tòa; trước đó Tam Tòa người Pháp dùng làm Sở Tài Chánh và trụ sở công an cho đến 1954.
Hai khúc kiệt nầy bây giờ là đường Nguyễn Thiện Kế. Bản đồ du lịch Huế vẽ đường mới nầy chụm với Trần Thúc Nhẫn và Phan Bội Châu thành một ngã tư, Nguyễn Thiện Kế và Trần Thúc Nhẫn nối nhau trước khi đổi hướng. Theo tôi không đúng. Năm 2007, tôi ghé BN về đêm chừng nửa giờ, nhưng thấy còn nhà bác Xoáy chỗ cũ và người con gái của bác tên Sáo nhận ra tôi. Như vậy đường mới là ngã ba chiếu thẳng qua dãy nhà xưa của Cô Thông Thể và nhà xưa của BS Tôn Thất Hứa, hiện ở Đức; chạy lên phía cầu cả 300 m mới gặp Trần Thúc Nhẫn; nếu muốn chụm vào ngã tư như hình vẽ, Nguyễn Thiện Kế phải băng qua phòng mạch và cả nhà bác Hồi bên trái.
Thân sinh của BS Kỳ
là ông TT Tùng; gia đình chúng tôi cũng Tôn Thất nhưng gọi ông Tùng là cậu. Vì
cậu với mẹ tôi là cô cậu ruột, bà con gần hơn, chứ Tôn Thất bắn cà nông chưa tới;
mẹ ông Tùng chị cả, cho nên chúng tôi gọi BS Kỳ là anh. Trong kiệt nầy có đến
hai ông đốc. Cậu tôi là Đốc Tùng, sếp sòng, đứng đầu số nhân viên đông đảo VN
thuộc sở “lục lộ”, tức là công chánh (Service de travaux publics); danh hiệu là
chef de chantier, quản đốc công trường. Câu Tùng có thời là Hội Trưởng Phật Học
Huế. Người thứ hai là đốc học Thân Trọng Hy, bà con bên ngoại tôi, gốc Nguyệt
Biều. Khi Khải Định mở ở hai địa điểm, cậu Hy làm giám học trông coi đệ nhất cấp
ở trường Việt Anh, sau thành Nguyễn Tri Phương. Để khỏi mất mặt bầu cua, tôi
xin nói cha tôi có học ở Hà Nội và ai cũng gọi là ông tham, commis de commerce.
Nhưng phải kể thêm hào kiệt thứ tư cậu TT Cổn anh ruột cậu Tùng, đứng đầu Tôn
Nhơn Phủ.
Rứa là cái kiệt nầy là địa linh nhân kiệt, nhưng là ngõ cụt, dead end, mới khổ chơ.
Nhà
cậu Tùng là một biệt thự dung hợp hai nét kiến trúc mới cũ; là nơi khang trang
sạch sẽ văn minh. 2007 tôi về nhà cũ còn cây mai e cả trăm năm và nhà rường
xưa, nhà nầy xưa không thuộc sở hữu của cha tôi. Tôi ghé thăm anh Kỳ, con trai
út, người duy nhất còn ở VN; chúng tôi không có kỷ niệm chung nên chỉ nhắc đến
thế hệ trước.
nữ sinh trên bờ sông Bến Ngự |
-
Anh uống à?
-
Uống chứ, anh mời đưa hay sao?
-
Chị H. về, lúc mùa nóng, tôi mời nước chị không uống, lấy trong xách ra một
chai nước uống.
Chị H. rất đẹp, con gái trưởng, kế anh Bảng, rất giàu, có chồng trong ngành y khoa ở Bắc California.
Cậu Tùng thuộc hệ
nhất hoàng phái, hiện anh Kỳ là trưởng hệ. Chúng tôi hệ nhì, phòng nhất. Cậu rất
giàu, cậu có ba dãy nhà cho thuê tổng cộng ít nhất 16 căn ở đường Phan Bội
Châu.
Bên
Trần Thúc Nhẫn cậu có ba dãy, mỗi dãy hai căn. Thời trung học, lũ trẻ chúng tôi
chú tâm đến căn cuối phía hướng ra sông Hương vì người đẹp Mỹ Nhật, con thầy Trần
Trọng Sanh. Riêng tôi khi đã xong trung học, tôi chú ý đến căn cuối gần chợ.
Căn nầy từ nhỏ tôi nghe nói nhà của “mụ xô xít”; mãi đến 2007 chị tôi cho biết
mụ ấy làm lạp xưởng tây saucisse (Sausage). Chính yếu không phải là thịt nguội
xô xít, chỗ ấy là chỗ ở của cô bé mộng. Khi tàu đi Saigon chạy qua cổng xe lửa
dốc Bến Ngự, tôi nhìn xuống phía chợ, thấy ai đứng trên đường tôi có ảo giác
nàng đứng chờ tàu đi qua. Cô quá trẻ không thể lên ga tiễn tôi đi.
Đó là người tôi cầm chắc sẽ đưa về dinh: ngựa ô anh khớp lục lạc đồng đen, dây cương hồng thắm, cán roi anh bịt đồng thòa. Nhưng chỉ còn thương tiếc, không biết cả hai hay một đứa chúng tôi có mắt héo chờ mong.
Tại Bến Ngự, tôi có
hai mảnh đời như hai cánh cửa móc vào nhau qua cái bản lề; bản lề thời cuộc
1945.
Hai
cánh cửa hai bên bản lề, không có gì đáng nói tuy đời người không ra khỏi bối cảnh
lịch sử, rút mây động đến rừng. Bản lề nầy suy nghĩ mà sinh ra cái “huyền đồng”,
sự móc nối giữa người và người, người và trời đất thiên nhiên như bản lề bằng đồng,
gọi là huyền đồng.
Vâng,
Huế và Bến Ngự, có nói cũng không cùng, có nói cũng không cùng. Huế và Bến Ngự
không vui là chuyện đã đành, nhưng cũng không buồn; ai nói buồn là đi quá.
Huế và Bến Ngự chỉ
có sầu mơ, chỉ có mélancolie. Ấy chính là nhạc Mozart, nhạc rất vui như bướm
bay kết thúc vào lòng một nét buồn êm ả, như Hàn Mạc Tử đã thấy lạnh người ở
ngưỡng cửa linh thiêng nơi gặp gỡ của tôn giáo, triết học, khoa học và nghệ
thuât. .. Huế rất Mozart và Mozart rất Huế…
Ô
mê lăng cô ly, (mélancolie) không phải ô mê ly, ô mê li, cigarette Mélia bao
vàng.
Mélancolie et mélancolie. Sầu mơ, chỉ còn lại sầu mơ.
=====================================================
Mozart flute and harp concerrto
==========================
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete