add this

Thursday, October 5, 2023

 

Có chăng một nền Hoa học của VN

A Vietnamese Sinology?

Liam Kelley ttt dịch

Năm 1802, triều đại cuối cùng của VN bắt đầu cầm quyền. Năm sau triều đình ban hành các thể lệ căn bản cho ngành giáo dục gọi là giáo điều (教條) để tiêu chuẩn hóa việc học toàn quốc. Các thể lệ nầy qui định rằng trẻ con 8 tuổi học Hiếu kinh 孝經 và Trung kinh 忠經. Lên 12 tuổi học Mạnh tử 孟子, Luận ngữ 論語, Trung dung 中庸. Đến tuổi 15 thì bắt đầu Thi kinh 詩經 và Thư kinh 書經. Sau cùng là Dịch kinh 易經, Lễ ký 禮記), Xuân thu 春秋 cùng với các tác phẩm triết và sử học (tử sử 子史).

Không có sách nào trong kho giáo khoa thư ấy gọi là sách Tàu. Chúng chỉ là những cuốn sách bao gồm những kiến thức mà nhà Nguyễn cho rằng dân chúng cần hiểu rõ để làm quan, công chức. Đồng thời các sách đó dùng thứ ngôn ngữ khác với tiếng nói hằng ngày của dân chúng. Các sĩ tử cho rằng tiếng nói ấy chỉ là những âm , thấp kém, không bằng hình thức văn là chữ viết để truyền đạt giáo huấn của Thánh Nhân.

Tuy nhiên một số học giả nhận định rằng, ngõ hầu truyền đạt hữu hiệu những tư tưởng trên đến những người không thạo văn, cần chuyển văn thành âm. Trước thế kỷ 20, nhiều sách Khổng học đã được chuyển qua quốc âm 國音. Các học giả dùng hình thức Hán tự tạo ra chữ “Nôm” .  Ban đầu chuyển các bài văn xuôi rồi đến thi ca.

Giai đoạn nầy chưa nằm trong học thuật gọi là Hoa học (Sinology). Hoa học bắt đầu từ khi học giả VN tìm hiểu lịch sử, ngôn ngữ, phong tục của Tàu như những kiến thức khách quan về một vùng nào đặc biệt để gọi là Hoa học như Ai cập học v.v..

Hoa học thực sự bắt đầu khi các học giả VN đầu thế kỷ 20 tiếp xúc với các tư tưởng Âu Châu và thấy cần sắp xếp lại, tinh lọc hiểu biết xưa và lấy ra những gì cần dạy cho quần chúng.

Các học giả chủ trương cải cách hoạt động trên nhiều phương diện nhưng chung qui để chuyển hóa nền giáo dục. Họ đã cùng chung lập Đông Kinh nghĩa thục 東京義塾, trường không học phí và xuất bản những luận thuyết trình bày các quan niệm mới. Giới trí thức chú ý đến những sự đổi thay trong các kỳ thi tuyển công chức. Năm 1906 chính quyền thuộc địa bắt buộc Nam Triều cải cách chương trình và cách thức thi tuyển làm công bộc. Cùng hai môn thi về cổ thư Khổng học và Hán tự, thí sinh còn phải làm luận bằng quốc ngữ 國語 và Pháp ngữ về lịch sử VN, khoa học tây phương, và nền luân lý Khổng Mạnh.

Đông Kinh Nghĩa Thục xuất bản sách học thi với nội dung làm cho mọi người biết về xứ sở quê hương, chỉ trích lòng ham mê văn chương hủ lậu của Tàu, Chi Na hủ lậu chi văn 支那朽陋之文 làm cho học sinh giỏi đến đâu cũng không biết gì về xứ sở đang sống.

Những tài liệu ấy soạn thảo theo tiếng Tàu tuy cuộc cải cách giáo dục 1906 đẩy mạnh việc dùng quốc ngữ theo mẫu tự La tinh và tiếng Pháp. Hệ thống song ngữ Việt Pháp đã làm mất vị trí trung tâm của Hán học, tuy quốc ngữ cần thêm nhiều năm mới được dùng rộng rãi trong giới chuyên nghiệp.

Đầu thập niên 1930, học giả Ưng Quả tuyên bố rằng quốc ngữ đang hồi sinh. Theo ông, sự phục sinh nầy có được là nhờ việc du nhập hùng hậu những danh tự mượn của Pháp ngữ, lối viết canh tân của chữ Tàu, và chữ mới ở Nhật cuối thế kỷ 19 đã chuyển đến VN nhiều danh tự mới qua đường quốc ngữ.

Quốc ngữ được tiêm một sức sống mới; Hán học mất qui chế thần thánh linh oai. Trong lúc danh tự “Hán” được dùng để chỉ văn ngôn, thập niên 1920 dùng chữ “tàu” thay cho Trung Hoa: tiếng Tàu, mẹo văn Tàu, các lối văn Tàu.

Tuy nói vậy, văn ngôn Hán Tự không hoàn toàn bị bỏ rơi hay hoàn toàn mất tính chất tôn quí. Hán văn vẫn còn được dạy trong các trường học; những sách dạy chữ Hán cho thấy vẫn còn liên hệ với xã hội VN. Ví dụ, năm 1928 hai nhà giáo dục Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi cho ra đời cuốn Hán văn tân giáo khoa thư 漢文新教化 với lời tựa nêu ba lý do vì sao Hán văn rất quan trọng:

bảo tồn luân lý 保存倫理

gia tăng sự hiểu biết quốc ngữ

giúp dân chúng làm một số công việc cần thiết như đọc hiểu các công chính chứng thư, những khế ước viết bằng chữ Tàu.

Phương pháp sư phạm của các ông ấy rất mới và nương theo phương pháp dạy và học ngoại ngữ của Tây Phương. Khác với lối xưa học sinh phải đọc cả một bài dài, hai ông bắt đầu với từng chữ một, rồi đến từng câu trước khi học từng đoạn. Đường lối nầy nhiều người làm theo ví như Phan Khôi năm 1932 đã viết loạt bài Văn xuôi chữ Hán tự học trên Phụ nữ tân văn 婦女新聞. Cùng 1932, sử gia Đào Duy Anh 陶維英 (1904–1988) hoàn tất từ điển Hán Việt, được xem là dụng cụ hữu ích cho việc học Hán tự theo lối mới.

Như vậy từ một phần ba đầu của thế kỷ 20, những điều xưa gọi là viết và đọc nay thành một học thuật về một xứ nay gọi rõ là Trung Hoa, một quốc gia khác, ít nhất về địa lý.

Tuy vậy hiểu biết và khả năng viết Hán tự chưa tách hoàn toàn khỏi đời sống của người Việt. Nhiều người cho rằng kiến thức nầy cần thiết nếu muốn hiểu rõ về VN. Do đó sinh ra quan niệm hai ngánh: Hán học vừa là sản phẩm của một quốc gia khác vừa là một yếu tố quan trọng trong đời sống VN xưa nay.

 

Phạm Quỳnh
Quan niệm hai ngánh nầy được đẩy mạnh bởi tạp chí Nam Phong 南風, ấn hành từ 1917 đến 1934. Tập san gồm hai phần quốc ngữ và Hán tự, có thêm danh mục giải thích những chữ mới dùng, phần nhiều mượn của chữ Hán tân thời. Đến 1922 có thêm phần tiếng Pháp. Linh hồn của tờ báo là Phạm Quỳnh 范瓊 (1892–1945). Phạm Quỳnh đảm trách quốc ngữ và Pháp văn. Bĩnh bút giữ phần quan yếu Hán Văn là Nguyễn Bá Trác 阮伯卓 (1881–1945).

Được giáo dục theo lối cổ truyền, Nguyễn Bá Trác đã du hành ở Nhật, Triều Tiên và Tàu để học thêm những kiến thức tân thời trước khi Nam Phong xuất hiện.

Nguyễn Bá Trác đã chia sẻ những kiến thức nầy ngay trong số đầu tiên của Nam Phong qua một bài bình luận dài trên phần Hán văn. Ông cổ súy tinh thần quốc gia (chủ nghĩa quốc gia). Ông mong mỏi các thành phần đã được giáo huấn lối cổ truyền nay cần học thêm những kiến thức mới. Nguyễn Bá Trác trình bày rõ thêm quan điểm nầy ở một bài khác trong số tới. Bài nầy được Nguyễn Đôn Phục dịch ra quốc ngữ: “Mấy lời trung cáo với các bạn nhà Nho” (NP 51,1921). Nguyễn Bá Trác cho biết lúc ấy ở bên Tàu và bên Nhật, giới cổ học đã tiếp xúc với các quan niệm mới của Tây Phương và đã thay đổi lối suy nghĩ. Thay vì viết văn xuôi hay làm thơ, họ viết về lịch sử, khoa học, triết học và nghệ thuật. Ông mong sĩ tử VN làm theo.

Đồng thời Nguyễn Bá Trác kêu gọi song song tiếp tục duy trì Hán học như một di sản tinh luyện bởi người Việt không phải là sản phẩm hoàn toàn của Tàu tuy lúc đầu từ nhà Hán đưa qua; hãy làm như người Âu Châu duy trì kiến thức về hai nền văn hóa Hy Lạp và La Mã.

Trong những thập niên 1920 và 1930, nhiều học giả VN đồng quan điểm đã dịch qua quốc ngữ những sách Tàu hay sách chữ Hán do người VN trước tác. Hai ông Nguyễn Đôn Phục 阮盾复 (1878–1954) và Nguyễn Hữu Tiến 阮友進 (1875–1941), ngoài những đóng góp thường xuyên cho Nam Phong, đã dịch sách Mạnh Tử và Luận Ngữ. Nhiều học giả khác dịch các sách Đại Học, Trung Dung, Hiếu Kinh và cổ thi.

Trong thời gian nầy, bị câu lưu ở Huế, Phan Bội Châu soạn thảo Khổng Học Đăng, hệ thống hóa các sách Khổng học và Chu Dịch, giải thích Kinh Dịch.

Các nhà học Phật cũng đóng góp nhiều cho trào lưu nầy. Thập niên 1930, số đông Phật tử cho rằng tôn giáo của họ đang lụn bại và từ đó nầy sinh phong trào chấn hưng Phật giáo 振興佛敎. Một trong những lý do là ít người biết Hán tự mà sách Phật thì viết theo cổ văn nầy. Nhiều kinh Phật được dịch ra quốc ngữ. Đáng chú nhất là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh của Đoàn Trung Còn và Phật Di Giáo Kinh của Nguyễn Văn Của.

Nhìn xa ra khỏi biên giới VN, thời ấy toàn vùng Đông Nam Á đã thay đổi nhiều vì những tư tưởng mới du nhập từ Tây Phương như quan niệm về quốc gia, chủ nghĩa quốc gia. Nhiều nước trong vùng xem tư tưởng Khổng Mạnh là quốc túy 國粹 của xứ sở, và nên dùng như một cơ sở vững chắc để dạy luân lý; luân lý 倫理 là một quan niệm Tây phương như quốc gia, dân tộc. Nhật Bản và Tàu giải quyết vấn đề trước bằng rất nhiều sách báo.

Những trước tác nầy đã được dịch ra Việt ngữ và ảnh hưởng suy tư của học giả VN.
Nguyễn Hữu Tiến dịch và đăng từng kỳ sách của Thái Nguyên Bồi
蔡元培 (1868–1940) xuất bản 1910: Trung Quốc Luân Lý Học sử 中國倫理學史. Ông còn dịch một phần sách của Tam Phổ Đằng Tác Miura Tōsaku’s 三浦藤作 (1887–1960) xb 1923 Đông Dương Luân Lý Học Sử 東洋倫理學史. Về sau sách của Thái Nguyên Bồi nói trên được dịch và đăng từng kỳ trên Du học báo 遊學報. Tập san nầy nằm trong kế hoạch năm 1926 nhà Nguyễn đưa sinh viên giỏi du học Pháp. Mục đích lưu ý học viên không quên nền luân lý cổ truyển trong khi tiếp nhận kiến thức Âu Châu.

Khi dịch Mạnh Tử, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Đôn Phục giải thích rõ quan điểm nầy. Một mặt chúng ta sống trong thời đại quốc ngữ, nhưng cổ học là những lời của người xưa (thánh kinh hiền truyện 聖經賢傳) góp phần xây dựng quốc túy 國粹. Hai ông lấy tinh thần chữ Nho, (儒字 Nho tự) viết qua quốc ngữ cho mọi người hiểu ý thánh hiền.

Quả là sai lạc nếu nói những dịch giả khuynh hướng nầy là những thành phần thủ cựu, co rút trong quá khứ. Các vị nầy biết những tư tưởng mới và chấp nhận những phương hướng mới. Khi dịch Mạnh Tử, hai ông Tiến và Phục trình bày tiểu sử của Khổng Tử và Mạnh Tử đồng thời cho biết Nho sĩ thời Tống nghĩ gì về hai vị nầy. Việc làm trông rất đơn giản nầy là một sáng kiến mới, chưa có trong các lần dịch ra tiếng Nôm trong thế kỷ trước. Các vị nầy nêu tiểu sử của nhiều học giả Khổng Mạnh như Đổng Trọng Thư 董仲舒, Phạm Ninh 范甯, Vương Thông 王通, Tiết Thu 薛收, Hàn Dũ 韓愈, Chu Đôn Duy 周敦頤, Thiệu Ung 邵雍, Trình Hạo 程顥, Trình Di 程頤, Trương Tá 張載, Tạ Lương Tá 謝良佐, Hồ An Quốc 胡安國, Chu Hy 朱熹 Lục Cửu Uyên 陸九淵, Triệu Phục 趙復, Hứa Hành 許衡 và Hứa Khiêm 許謙.

Nhiều nhân vật văn học gần hơn được giới thiệu tiểu sử và sự nghiệp như Vương Dương Minh 王陽明 (1472–1529) Tôn Dục Tu 孫毓修 (1871–1922). Trở lại xa hơn nữa là Khuất Nguyên 屈原 (340–278 BC), xuất hiện trên Nam Phong với cái nhìn mới của học giả VN và của Lương Khải Siêu.

Thư mục để dịch không giới hạn trong cổ học. Nguyễn Hữu Tiến muốn biết luôn lối phê bình văn học mới, khi ông dịch sách của Vương Mộng Tằng 王夢曾 (1873–1959): Trung Quốc Văn Học Sử Tham Khảo Thư 中國文學史參考書). Ông cũng dịch của Trương Lương Thải 張亮採 (1870–1906) Trung Quốc Phong Tục Sử 中國風俗史). Rồi sách của Lương Khải Siêu Luận trung quốc học thuật tư tưởng biến thiên chi đại thế  論中國學術思想變遷之大勢.

Tác phẩm dịch thuật cuối cùng của ông là Trung Quốc Phật Giáo Tiểu Sử 中國佛教小史 của Trần Bân Hòa 陳彬龢 (1897–1945).

Các tác phẩm về văn học Tàu đều được gợi ý và dựa trên các sách của Nhật Bản từ thế kỷ 19 nhằm đưa ra một tổng quan gồm văn chương, tôn giáo và văn hóa Tàu như các học giả Tây Phương viết về xứ sở của chính mình hay của kẻ khác. Những sách mới nầy truyền qua VN và người Việt xây dựng một tổng quan của riêng mình về xứ sở mình.

Vào thế kỷ 19, học giả Nhật viết lịch sử của Phật Giáo xuyên qua lịch sử các tông phái. Người Tàu theo đó viết lịch sử các tông phái PG của mình. Người Việt dịch những sách Tàu nầy ví như của Hoàng Sĩ Phục 黃士復 Phật Giáo Khái Luận 佛敎概論. Theo lối Tàu và Nhật ấy, Đoàn Trung Còn đã viết xong cuốn Các tông phái đạo Phật.


Đoàn Trung Còn viết về chuyến hành hương của Huyền Trang玄奘 (602–664) với phong cách tân thời. Qua cuốn ”Thầy Huyền Trang đi thĩnh kinh” xb 1931, Đoàn Trung Còn trình bày PG tương phản với lịch sử Tây Phương và tương phản với các tác phẩm thế tục về chuyến Tây Du của Đường Tam Tạng. Theo ông, các giáo lý siêu đẳng đầy sức ảnh hưởng của Phật ra đời ở Ấn Độ khi Pháp không hơn gì mấy những bộ lạc thích đánh nhau và thiếu văn hóa. Ông chỉ trích những bóp méo lịch sử cuộc thĩnh kinh nầy, và ông cho rằng cuốn sách của ông đủ để sửa sai mọi thứ.

Chuyện Đường Tam Tạng thĩnh kinh được biết nhiều qua tiểu thuyết Tây Du Ký và nhiều tiểu thuyết khác thời bảo hộ và cả thời VNCH. Dưới thời cộng hòa, VN say sưa với truyện kiếm hiệp Kim Dung như Cô Gái Đồ Long. Những chuyện công phu nầy không thuộc khoa Hoa học nhưng chúng cho thấy mức độ ảnh hưởng của Trung Hoa. Cũng vậy, những chuyện bình dân hư cấu về Huyền Trang gây sự hiểu biết sai lạc về PG và Đoàn Trung Còn thấy có nhiệm vụ chỉnh sửa cho đúng.

Bên cạnh khối lượng tri thức do Nhật và Tàu cung cấp, nhiều tác phẩm của Tàu mới hơn, du nhập vào VN, và sự kiện nầy tạo nên điều gọi là Tây Học. Thập niên 1920, trí thức hàng đầu của VN rất giỏi chữ Hán và tiếng Pháp. Thập niên 1930 lớp người giỏi Hán Văn tạo ra nhiều ảnh hưởng bằng cách dịch các sánh chữ Tàu qua quốc ngữ; do đó quần chúng có thêm kiến thức; mà những cuốn sách Tàu nầy mang tư tưởng của Tây Phương.

Năm 1928, sử gia Đào Duy Anh có sáng kiến xuất bản giới thiệu với người Việt kiến thức Tây Phương bằng cách cho người dịch hay tóm lược các bài báo tiếng Tàu xuất bản năm 1923 dưới loạt ấn phẩm: Đông Dương Văn Khố 東方文庫. Gồm các tác phẩm của Vương Bình Lăng 王平陵 (1898–1964) Tâm lý học luận tùng 心理學論叢,

Đông Tây Văn Hóa Phê Bình 東西文化批評 của Sanh Phụ 傖父

Tuyển tập nhiều tác giả Phụ Nữ Vận Động 婦女運動,

Hai bài diễn văn của Tôn Dật Tiên 孫逸仙 (1866–1925) về kinh tế.

Những tài liệu nầy không thuộc Hoa học nhưng là công trình của các tác giả Tàu trình bày thế giới tân tiến cho người Việt nhiều kiến thức.

Quen mắt với những phương thức mới mà Nhật, Tàu và Pháp trình bày những kiến thức xưa theo truyền thống, học giả VN tìm thêm nhiều hình thức mới để phát triển học thuật văn hóa trong nước. Ví dụ điển hình là tác phẩm về Khổng giáo của Trần Trọng Kim (1883-1953) xuất bản thập niên 1930 gồm ba quyển. Với tựa đề là Nho Giáo 儒教, cuốn sách gồm 19 chương trình bày lịch sử tư tưởng Khổng Giáo từ thời Khổng Tử cho đến nhà Thanh, có thêm một chương nói về lịch sử tư tưởng Khổng giáo ở VN.

Giống như cuốn sách của Đoàn Trung Còn về Phật Giáo VN, tác phẩm nầy cho thấy một đường lối viết mới về tư tưởng Trung Hoa ở Á Đông từ đầu thế kỷ 19 khi các học giả Nhật cố sức minh chứng rằng Á Châu có những truyền thống triết lý, song song với triết lý Tây Phương. Từ những tác phẩm của Matsumoto Bunzaburō Tùng Bổn Văn Tam Lang  松本文三郎 (1869–1944) [Chi Na Triết Học Sử支那哲學史], đến sách của Tạ Vô Lượng 謝無量 (1884–1964) [Trung Quốc Triết Học Sử 中國哲學史] cho đến của Hồ Thích 胡適 (1891–1962) [1919 Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương  中國哲學史大綱], và cao điểm là Phùng Hữu Lang 馮友蘭 (1895–1990) [1934, Trung Quốc Triết học sử  中國哲學史], chúng ta có một loạt nghiên cứu tìm tòi nhằm mô tả tư tưởng Trung Hoa là một truyền thống triết lý song song với triết lý Tây Phương.

Trần Trọng Kim

Nho Giáo của Trần Trọng Kim nằm nguyên trong cố gắng giải thích tư tưởng Khổng giáo song hành và đối diện với triết lý Tây Phương. Thật vậy trong lời dẫn nhập, tác giả đã so sánh đối chiếu ý tưởng của các triết gia cổ đại Hy Lạp như Heraclitus, Parmenides, Pythagoras với các ý tưởng trong Kinh Dịch, giống như Hồ Thích và các học giả Tàu đương thời vẫn làm. Nhưng đặc biệt Trần Trọng Kim đóng góp rất nhiều trong diễn trình quốc âm hóa các kiến thức cổ truyền. Chẳng khác Phùng Hữu Lan đã dùng ngôn ngữ đại chúng nhiều hơn Tạ Vô Lượng. Trần Trọng Kim bình dị hơn các sách quốc ngữ trước đó trình bày Khổng Học.

Năm 1930, Émile Gaspardone, khi điểm tập thứ nhất của Nho Giáo, đã thừa nhận công lao của Trần Trọng Kim trong việc phổ thông hóa cách trình bày tư tưởng xưa. Gaspardone nói rằng khi phiên âm và giải thích từ ngữ Trung Hoa, ông Kim đã tạo vô số ngữ vựng phổ thông rất hữu ích, vừa tầm hiểu biết của mọi người. Nhưng sau đó học giả Pháp nầy đã bài bác lời dẫn nhập, phê bình Trần Quân trích dẫn quá nhiều các triết gia ngoại quốc. Nhưng một Emile Gaspardone muốn đi tìm kiến thức Á Đông và có thừa kiến thức Tây Phương không thể gặp một Trần Trọng Kim trong cố gắng chứng minh rằng VN có một hệ thống triết lý giàu có không khác gì triết lý Tây Phương; lý do trích dẫn là vậy. Đồng thời Trần Trọng Kim muốn cùng các học giả khác ở Á Đông đối thoại với các triết gia Tây Phương.

Chúng ta có thể thấy rõ hiện tượng nầy hơn qua tác phẩm của sử gia Đào Duy Anh “Trung Hoa sử cương, từ thái cổ đến ngày nay” xb 1943. Ngoài việc kê khai các thời đại, Đào Duy Anh thêm một chương về địa dư về thời đồ đá nhưng ông đã dùng nhiều chi tiết trong sách của Réné Grousset. Cuốn sách của Đào Duy Anh trở thành quốc tế vì ông dùng lý thuyết marxiste để giải thích sử Tàu.

Nhiều công trình nghiên cứu ở Trung Hoa về Vương Dương Minh, triết gia dưới triều Minh, phát sinh nhiều học phái khác nhau làm cho tư tưởng Vương Dương Minh được lan truyền và ảnh hưởng phong trào cải cách ở Nhật thời Minh Trị Thiên Hoàng. Rồi đến phiên những người chủ trương cải cách Tàu đến Nhật Bổn học lại vào đầu thế kỷ 20 như Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên. Nhờ đó, hai nhân sĩ Trung Hoa nầy chú ý đến triết gia đồng hương thời Minh nầy và phổ biến tư tưởng của ông trong quần chúng Tàu.

Dần dần, trí thức VN biết ảnh hưởng của Vương Dương Minh đối với phong trào canh tân Hoa Nhật và từ những ấn phẩm ngắn họ viết rộng ra bằng quốc ngữ, nhiều hơn người Nhật và Tàu.

Trẩn Trọng Kim đã viết một luận thuyết rất dài và nhiều chi tiết hơn cuốn Nho Giáo về cuộc đời và triết lý Vương Dương Minh; đồng thời giới thiệu các học phái khác nhau nhưng chung đề mục nầy.

Theo chân Trần Trọng Kim, nhà báo Phan Văn Hùm (1902-1946), trong thời gian bị quản thúc tại gia, đã viết về cuộc đời và triết lý Vương Minh Minh, đối chiếu so sánh với triết lý Tây Phương.

Sau cùng, ký giả Đào Trinh Nhất (1900-1951) viết một loạt bài về Vương Dương Minh đăng trên báo nhà và qui tập thành sách xb 1960 tại Saigon. Vào gần cuối đời nhà báo họ Đào đã hoàn tất tác phẩm Vương An Thạch; vì lẽ Vương An Thạch không được ai ở VN nói tới; trong lúc đó từ Khổng Tử, Lão Tử đến Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Cú Tiễn, Dương Quí Phi, ai ai cũng được luận bàn, làm nhân vật tiểu thuyết kịch nghệ, thi ca.

Xem vậy, vào đầu thập niên 1940, một số lượng rất lớn tri thức về văn hóa, lịch sử, triết lý và văn chương Trung Hoa được hình thành qua quốc ngữ để được luân lưu trong xã hội VN. Một số lớn công trình nầy chính yếu có tính cách thông tin, nhưng có vài tác phẩm như của Đào Duy Anh và Phan Văn Hùm đi xa hơn nhằm tái quan niệm các thông tin đã nhận. Các tác giả trong phạm trù nầy đã sử dụng các ý tưởng của Á Đông và của Âu Châu, tạo thành một học thuật rộng rãi không giới hạn trong một quốc gia gọi là Hoa học của người VN (Vietnamese sinology).

Thế chiến 2 đã đến VN vào mùa thu 1940 khi Nhật chiếm Đông Dương thuộc Pháp, chỉ vài tháng sau ngày thành lập chính phủ hợp tác Vichy tại mẫu quốc. Trong 4 năm rưởi sau đó, Nhật để cho người Pháp thuộc chính phủ Vichy ở Việt Nam tiếp tục cai trị thuộc địa nầy. Tuy nhiên, tháng 3-1945 Nhật đảo chánh bắt hết các viên chức cai trị Pháp và yêu cầu vua Bảo Đại hủy bỏ quy chế bảo hộ của Pháp và tuyên bố VN độc lập.

Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại trong 5 tháng và bị cướp chính quyền gọi là cách mạng tháng tám. HCM thỏa hiệp cho Pháp đem quân trở lại nhưng rồi hai bên đánh nhau, sử gia gọi là chiến tranh Đông Dương thứ nhất, First Indochina War.

Theo lý luận, ai cũng nghĩ đời sống thời thuộc địa hay ngoại xâm rất thê thảm và bị ép bức. Nhưng về phương diện tinh thần và trí thức, thập niên 1940 gồm những năm tươi thắm rực rỡ. Chính phủ Vichy thuộc địa Pháp lo ngại rằng trí thức VN đi theo lời kêu gọi của Nhật về sự thống nhất liên Á cho nên để cho chủ nghĩa quốc gia được quảng bá như một đường lối trung hòa, vô hiệu hóa sách lược Đại Đông Á của Nhật. Có thể thấy sự nới tay nầy qua hai tờ báo ra đời trong những năm chiến tranh.

Tờ báo thứ nhất là Tri Tân 知新, tên nầy lấy từ câu nói của Khổng Tử ôn cố nhi tri tân 溫故而知新. Bài khai bút của số đầu tiên do học giả Nguyễn Văn Tố 阮文素 (1889–1947) khai hỏa. Ông khuyến khích độc giả đừng, không nên, dùng hai chữ An Nam 安南 – như hiện nay dân chúng vẫn làm - để làm tên của xứ sở, một quốc danh; vì danh hiệu nầy do Tàu đặt ra cho Việt Nam trong quá khứ khi cai trị nước Việt, và là cái tên quỵ lụy, lệ thuộc. Trích: “Quốc hiệu nước ta không nên gọi là An Nam” (Tri Tân 1, 1941). Trên những số báo tiếp và trên báo Thanh Nghị 清議, Nguyễn Văn Tố công bố nhiều bài xem xét các vấn đề lịch sử Việt Trung. Những bài nầy mang rõ tinh thần quốc gia VN. Về văn học, Nguyễn Văn Tố đã dịch qua quốc ngữ rất nhiều sách Tàu và đóng góp công sức làm cho quốc ngữ phổ thông hơn, rõ ràng hơn.

Nhiều học giả khác cùng khai thác đề tài Hoa Việt:

Hoàng Thúc Trâm (1902–1977), dưới bút hiệu Hoa Bằng nghiên cứu bang giao giữa nhà Thanh và VN thế kỷ 18.

Trần Văn Giáp (1902–1973) xem xét ảnh hưởng của các sách Tàu đối với các truyện VN thời Trung Cổ.

Phan Văn Hùm so sánh rồng trong tư tưởng Tàu và Việt.

 

Như vậy từ Tri Tân và Thanh Nghị xuất phát một ngành học thuật tân tiến về văn học và lịch sử.
Hoa Bằng có bài dịch và chú giải bài thơ của Lý Bach
李白 (701–762), nhan đề Oán tình 怨情 ở mục Hán văn trích diễm số đầu tiên của Tri Tân. Nhưng một hay hai số tiếp, mục nầy ngưng, dành chỗ cho những bài có tính cách phân tích và so sánh. Khuynh hướng nầy đã lan xa hơn hai tờ báo nầy, tiến vào thế giới văn học thập niên 1940.

Một ví dụ, kết quả nghiên cứu Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm được Tân Việt, Hà Nội, xuất bản trong loạt sách gọi là Tủ sách triết học. Tủ sách nầy đã in tác phẩm của Bergson, Kant, Nietzsche, Einstein, Descartes, Bacon, Aristotle, Comte, cộng thêm cuốn Phật Giáo Triết Học của Phan Văn Hùm.

Trong thời gian trên tại Hà Nội, loạt ấn phẩm mang tên Tủ Sách Học Thuật được Quốc học thư xã 國學書社 phát hành. Những trước tác nầy bàn về Hàn Phi Tử 韓非子, Lão Tử, Platon, Scorates.

Đáng chú ý là một cuốn sách về triết lý của Mặc Tử 墨子 (470–391 BCE) có một chương so sánh quan niệm kiêm ái 博愛 với bác ái của Jesus Christ. Triết lý Mặc Tử của Lê Văn Hòe (1911-1968) xuất bản 1942 với lời tựa của Nguyễn Văn Tố. Theo ông Tố, tác giả đã tham khảo sách của Lương Khải Siêu, Hồ Thích và Léon Wieger (1856-1933), nhà truyền đạo và Hoa học Pháp.

Cùng năm 1942, ông hoàn tất một tác phẩm khác cũng về Mặc Tử. Hai năm trước đó ông đã dịch Đường thi. Lúc ấy chiến tranh thứ hai đã bắt đầu, ông nói nơi lời tựa hãy quên thế sự đổi thay mà chú tâm văn chương phi thời gian. Phải chăng vì vậy ông quay sang Mặc Tử, ông tham khảo nhiều nơi, nhưng Hồ Thích đã giúp ông có tầm nhìn sâu rộng về Mặc Tử. Ông cùng vài đồng nghiệp nghiên cứu Lão Tử.

Những sách nầy được xuất bản theo loạt Triết học tùng thư 哲學叢書 của Mai Lĩnh tu thư cục 梅嶺修書局 Hà Nội. Mai Lĩnh đồng thời in sách của Phan Khoang (1906-1971) dịch và chủ thích Trung Dung và một cuốn về sử Tàu.

 

Nhưọng Tống
Nơi bìa sau của một cuốn sách về Lão Tử, Mai Lĩnh nói trước sẽ cho ra đời các thành quả nghiên cứu về Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, các môn đệ của Khổng Tử thời Hán, thời Tống, Vương Dương Minh v.v…

Nhưng thực tế không cuốn nào ra đời. Thế Chiến chấm dứt, Cách Mạng Tháng Tám đã thay đổi hoàn toàn nền chính trị của VN. Các dự án Hoa học phải chấm dứt.

Ví dụ, Lê Văn Hoè, 1945 bắt đầu loạt Khổng giáo học thuyết 孔教學説, được hai kỳ và không thấy kỳ thứ ba.

Công trình của nhà dịch thuật “đẻ mạnh viết nhiều” Mạc Bảo Thân tức Nhượng Tống, chung số phận. 1944, Nhượng Tống xuất bản Nam Hoa Kinh Trang Tử, Sử Ký Tư Mã Thiên, Ly Sao, Thơ Đỗ Phủ, Mái Tây. Ông tiếp tục dịch Liêu Trai Chí Dị và Hồng Lâu Mộng nhưng không được xuất bản.

Phan Văn Hùm không may gì hơn, không thấy thành hình các dự án Mạnh tử—biện chứng pháp và Triết học Kinh dịch.

Vì cách mạng tháng tám và chiến tranh Đông Dương thứ nhất, các nhà xuất bản phải ngưng hoạt động.

Thêm nữa, rất nhiều học giả đã nêu trên bị sát hại bởi phe nầy phe kia. Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác, hai bĩnh bút chính của Nam Phong, bị Việt Minh giết 1945. Hai cộng tác viên chính Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Đôn Phục chết bình thường năm 1941 và 1954. 

Trần Trọng Kim lưu vong và trở về chết ở Đà Lạt 1953.

Nguyễn Văn Tố theo Việt Minh bị Pháp giết 1947.

Phan Văn Hùm bị giết 1946, không rõ ai là sát thủ.

Nhượng Tống bị Việt Minh giết 1949.

Đào Trinh Nhất chết 1951 tại Saigon.

Ngô Tất Tố chết 1954 thời chiến tranh Đông Dương thứ nhất chấm dứt.

Cuối cùng Đảo Duy Anh sống đến 1988, sau giai đoạn khốn khổ với Nhân Văn Giai Phẩm.

Giai đoạn 1945-1954 chứng kiến hai sự chấm dứt của hai hiện tượng.

-        Hiện tượng thứ nhất là nền cai trị thuộc địa của Pháp.

-        Hiện tượng thứ hai là cố gắng hình thành một học thuật tân tiến, phố quát, biết phân tích tổng hợp gọi là Hoa học của người Việt.

Hoa học đã sống lại ở Miền Nam từ 1954 để rồi chấm dứt năm 1975. (còn nữa). 

xuất xứ Sinology in VN

=================================================

Cấu Hai, Huế
===========================




No comments:

Post a Comment