năm mươi năm một bài phi lộ
Pierre Đỗ Đình 1936
Ngày 18 Sept 1886 tờ Figaro Littéraire đăng bài phi lộ của nhóm thi sĩ Pháp thường được gọi là bọn linh lạc (décadents), tiêu biểu thời văn mạt, do Jean Moréas viết. Năm nay (1936) là ngũ thập chu niên của lời phi lộ ấy, phi lộ của phái đã đề xướng lối văn thâm trầm bóng bẩy mà người Tàu gọi văn tượng trưng, dịch từ chữ symbolisme.
Jean Moréas (1865-1910) |
Phàm những chữ như cổ điển (classicisme), lãng mạn (romantisme) để chỉ một văn thuyết, một quan niệm đều khó giải cho tinh tường. Chữ symbolisme cũng vậy. Cứ để nguyên văn là hơn; những tên dịch xét ra không đúng lắm và gây nhiều ngộ nhận.
Tên là vậy, còn nghĩa thì sao? Thơ của Charles Baudelaire, bài Correspondances (liên lạc) là nguồn gốc và kiểu mẫu cho thơ symboliste. Có đoạn:
La Nature est un temple où de vivants piliers
Laissent - parfois sortir de confuses paroles ;
L'homme y passe à travers des forêts de symboles...
Tạo vật như cái đình lớn, mỗi phần đều liên lạc với toàn thể, như mấy cái cột trông tưởng không liên lạc với nhau mà vẫn cùng nhau một mối duy nhất (une ténébreuse et profonde unité). Những hương, sắc, thanh, giao hưởng phản động lẫn nhau, đều có tương đồng tương tự như những tiếng vang cùng nhau hòa lẫn (comme de longs échos qui de loin se confondent), để phát biểu thâm ý của Tạo hóa, lý huyền diệu ở đời (qui chantent les transports de l'esprit et des sens), ý tưởng trong văn thơ và triết học.
Symbole tức là nói bóng, lấy những hương, sắc, thanh làm vang bóng tiêu biểu, làm lốt áo cho ý tưởng. Vạn vật đều ngụ ý duy nhất của trời đất. Ý nghĩa symbolisme nằm trong bài thơ đó, một quan niệm về vũ trụ, một thuyết văn chương chủ nói bóng.
Symbolisme nhóm lên để phản đối nhóm từ tảo (parnassien) trọng cái tinh xảo bề ngoài; phản đối cách thực thà của phái tả chân (naturalisme) chỉ nhìn ngoại tướng của sự vật, không để ý đến ý tứ bên trong. Phái lãng mạn (romantisme) mang cảm tình nông nổi, ý tứ tầm thường, câu văn kêu nhưng rỗng.
Đã chủ ở nói bóng thì symbolisme tất trọng cái ẩn ở trong hơn là cái hiện ở ngoài. Cảm tình của phái lãng mạn bồng bột ở ngoài nay thu ẩn vào trong lòng kín đáo, ít phát lộ ra lời. Lời ít mà thâm trầm, bao hàm những tình cảnh âm thầm trong tim, những nỗi dày vò khép mở, những u ẩn trong cõi lòng.
Symbolisme bây giờ quy tụ Stéphane Mallarmé, Paul Verlaine v.v.. và lớp trẻ như Paul Valéry, Henry de Régner, André Gide, Jean Moréas v.v...
Ngay lúc đầu đã có tính cách tôn giáo. Thứ nhất, thiên trọng nội cảnh trong tâm, những huyền diệu kín đáo hơn là hình sắc bên ngoài. Thứ hai là phân ra kẻ trong đạo, người ngoài đời, người thanh kẻ tục, người thông kẻ ngu. Điều nầy quan trọng vì từ nay phân ra hai hạng độc giả, hai hạng văn chương. Thứ ba, từ nay các nhà mỹ thuật phải hết lòng thờ thần Mỹ Thuật mà chỉ có mình mới tới gần được mà thôi. Thế thì văn thuyết nầy thành thuyết luân lý (éthique), một tôn chỉ đạo đức của nhà văn.
Trong diễn văn đọc tại tỉnh Vichy kỷ niệm sinh nhật Symbolisme, Paul Valery nói rằng không có một thuyết chung nào cho symbolisme, mỗi người một ngả, rồi trở về những khuôn mẫu thế kỷ 17, 18. Những hình thức cổ điển nay chứa đựng cảm tình thâm trầm, tinh vi mới mẻ hơn nhiều. Paul Valery phát biểu tiếp:
"Tuy vậy họ giống nhau ở một điều (nhưng là điều nằm ngoài phạm vi của esthétique); họ có chí nguyện chung là không cần số đông, không cầu lời khen của quần chúng (grand public); khinh thị những lời phê bình của giới quyền thế, coi thường lời phê phán của những người hiện có địa vị trên văn đàn. Họ chẳng ham lợi lộc danh vọng. Họ chuộng những bậc hiền giả, anh hùng, những bậc mô phạm đúng trong quan niệm đạo đức của họ.
«... Nghĩa là họ muốn người đọc sách nghĩ ngợi như người viết sách. Đó là điều mới lạ cốt tử của phái Symbolisme; là một sự biến cải quan trọng: từ nay nhà văn cho bạn cho mình, nghĩa là chọn độc giả trong những người có trí óc khả dĩ chịu khó suy nghĩ. Nhờ đó, những bộ óc vừa sáng vừa bạo mới dám viết những tác phẩm khó và khô khan, cầu kỳ, những âm điệu mới; nói chung là những phát minh".
Quan niệm về thiên chức của nhà mỹ thuật, nhà văn có phần kiêu ngạo, khinh đời ngạo thế. Đó là chủ trương quý tộc (aristocratique) trong văn chương. Thơ văn dành riêng cho thiểu số có thiên tư hơn người. Chính là ý trong câu hỏi của Trạng Trình: Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ... Tuy vậy, điều nầy đã giúp cho những ai yêu mến văn chương có niềm tin tự nâng đỡ trên đường đến mục đích.
Phi lộ 1886 giải bày rành mạch lý tưởng bài thơ của Baudelaire nêu trên. Bài viết cầu kỳ giữ nét ngạo thế chê đời. Xin mời xem một đoạn:
Charles Baudelaire (1821-1867) |
trích: "Phản đối lối dạy học, thói kêu gào, nghề cảm động giả dối, cách tả cảnh chân thật [Ennemie de "l'enseignement, la déclamation, la fausse sensibilité, la description objective"], thơ symboliste muốn giấu bọc ý tưởng trong hình sắc, mục đích không phải tả hình sắc của sự vật mà dùng nó để tả ý tứ hàm ngụ ở trong. Tỷ như vẽ bức tranh của tạo vật, kể những hành vi người đời, tả những sự việc thực hiện ở vũ trụ không phải để diễn những cái đó ra mà vì hình, sắc, bóng, dáng của vạn vật phát biểu mối liên lạc huyền diệu của các ý tưởng đầu tiên.
"Có kể chê lý thuyết ấy mờ tối. Lời chê dẫu vô nghĩa, song vẫn thường tình. Tránh làm sao được. Thuở xưa, thơ Pythiques của Pindare, kịch Hamlet của Shakespeare, sách Viia Nuova của Dante, kịch Second Faust của ông Goethe, truyện Tentation de Saint Antoine của Flaubert cũng đều bị người đồng thời chê là mờ tối.
"Muốn diễn tả quan niệm rộng lớn như vậy, thi văn symboliste phải là một thứ văn mẫu mực (archétype) phức tạp (complexe): những chữ hãy còn mới mẻ, những điệu văn cứng cáp đi đôi với điệu văn mềm mại uốn éo, những chữ thừa mà ý nghĩa, những chữ thiếu mà bí mật, những câu nói nửa chừng..." ngưng trích
Suốt bài phi lộ mang cái giọng như thế.
Kể như thời thế nước ta ngày nay mà an nhiên nói chuyện văn chương giữa những tiếng than thở của người đời, kể cũng là khó, cũng phải nhẫn tâm lắm. Có lẽ thời buổi của chúng ta chưa phải là thời buổi văn chương. Song đã nói tới văn chương thì nên hiểu văn chương thế nào.---
Ghi chú
Trên đây là bài viết bằng tiếng Việt của Pierre Đỗ Đình (1909-1970) trên tập san 1936 của Hội Giáo Dục Bắc Kỳ (Société d'enseignement mutuel du Tonkin), bỏ những chữ rườm rà nhưng không thay đổi. Tác giả tên Việt là Đỗ Đình Thạch chuyên viết Pháp văn nhiều hơn Việt văn, về triết lý và văn chương. Ông có dạy đại học Huế chừng 1959, 1960.
Tác giả không nói rõ lời phi lộ nầy là bài Symbolisme mà nhiều người xem như tuyên ngôn của trường phái tượng trưng. Tác giả cũng không nói người viết Jean Moréas gốc Hy Lạp, sính tiếng Pháp. Phi lộ nầy rất dài được chèn giữa bằng một hồi kịch ngắn minh họa lập trường mới.
Quan niệm liên lạc của symbolisme, về triết lý, không có gì khó hiểu với những người đã biết triết lý Đông Phương; tuy nó rất mới lạ với Tây Phương. Tây Phương chủ trương duy lý và phân tích như năm ngón tay cứ hướng ra ngoài thì ngày một xa nhau. Quy về một mối được diễn tả khác nhau trong ba tôn giáo Khổng Lão Thích.
1936, Pierre Đỗ Đình mừng sinh nhật lời phi lộ nầy vì trong thời gian học và làm việc ở Pháp ông chuyên chú các tác giả trong khuynh hướng nầy. Đã lâu lắm ông bắt đầu dịch La Porte Étroite của André Gide nhưng đến 1936 mới xuất bản ở Hà Nôi với nhan đề Tiếng Đoạn Trường. Như ông viết trong bài, Symbolisme có khuynh hướng tôn giáo. Thực tế hơn một số lớn thi sĩ đã hướng về Christianisme nói chung gồm Tin Lành và giáo hội Vatican. Theo vài người nhận xét ông đã bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Paul Claudel.
Do đó ông đã rước lễ thành một con chiên của giáo hội La Mã Vatican trên chiếc tàu thủy từ Pháp về xứ năm 1937. Ông lấy tên thánh là Pierre, là đá, là thạch, như các tên Peter, Petro. Từ nay ông mang tên Pierre Đỗ Đình. Chúng tôi có gặp ông ở Huế trong mươi lăm phút, ông ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm tốn, dễ mến. Lúc ấy Viện ĐH Huế liệt kê tên ông theo lối Việt là Đỗ Đình Thạch.
Chúng tôi xin trích phần tiếng Pháp mà Pierre Đỗ Đình dịch:
Ennemie de "l'enseignement, la déclamation, la fausse sensibilité, la description objective", la poésie symbolique cherche à vêtir l’Idée d'une forme sensible qui, néanmoins, ne serait pas son but à elle-même, mais qui, tout en servant à exprimer l'Idée, demeurerait sujette. L'Idée, à son tour, ne doit point se laisser voir privée des somptueuses simarres des analogies extérieures ; car le caractère essentiel de l'art symbolique consiste à ne jamais aller jusqu'à la concentration de l'Idée en soi. Ainsi, dans cet art, les tableaux de la nature, les actions des humains, tous les phénomènes concrets ne sauraient se manifester eux-mêmes ; ce sont là des apparences sensibles destinées à représenter leurs affinités ésotériques avec des Idées primordiales.L'accusation d'obscurité lancée contre une telle esthétique par des lecteurs à bâtons rompus n'a rien qui puisse surprendre. Mais qu'y faire ? Les Pythiques de Pindare, l’Hamlet de Shakespeare, la Vita Nuova de Dante, le Second Faust de Goethe, la Tentation de Saint-Antoine de Flaubert ne furent-ils pas aussi taxés d'ambiguïté
Pour la traduction exacte de sa synthèse, il faut au symbolisme un style archétype et complexe ; d'impollués vocables, la période qui s'arc-boute alternant avec la période aux défaillances ondulées, les pléonasmes significatifs, les mystérieuses ellipses, l'anacoluthe en suspens....
No comments:
Post a Comment