Em
có bầu anh lấy không?
ttt
Em
có bầu anh có lấy không? Vui vui trong lối chơi chữ tình cờ trong tiếng Việt mà
ngôn ngữ nào cũng có. Câu nầy giống như: ngày mai em lên ấp anh. Có người trong
hoàng tộc, Công Tằng công tiếc gì đó nói với ông Vĩnh Bạch: ngày mai em lên ấp
anh. Mệ Bạch đáp: mình hoàng phái với dau răng mà o ấp tui? Hóa ra không phải
vậy, mệ Bạch là trưởng ấp, ”lên cái ấp của anh”. TT Kennedy đến Berlin, trước
khi bắt đầu bài diễn văn đã lấy lòng dân chúng bằng cách nói: Ich bin Berliner
(tôi người Berlin) nhưng ông bị phe chống đối chế nhạo berliner là cái bánh ngọt
mứt mận.
Cứ
nói theo nghĩa nặng, đã có bầu với kẻ khác như trường hợp Tần Thủy Hoàng thì gọi
là buôn vua. Nhưng bình dân hơn là: mua trâu được (thêm) nghé; trai tơ lấy gái đã có con.
Người ta mua trâu được nghé lấy gái đã có con, đã có bầu. Còn tui thì cưa sừng làm nghé. Thật vậy, tui đã quá 80, photoshop cái miệng móm thành cái miệng đầy tơ duyên, ỏng a ỏng ẹo, ngây thơ bách diệp, ngay thơ trăm lá là tra lắm. Cưa sừng làm nghé cũng có người mê (?) vì văng nhiều thứ như chiều tím, áo tím ngày xưa chửa chồng.
Có
bầu về hình thể là lúc bụng lùm lùm. Đến khi bụng quá lớn mà đức ông chồng âu yếm
nựng nịu cho đỡ ghiền, người trong Nam gọi là ôm gốc dừa. Nhờ phù sa phì nhiêu, cây dừa trong Nam lắm khi phát triển bề ngang và rất thấp, có cái bụng thề lê.
Ôm gốc dừa là vậy đó, Nam Kỳ ngôn ngữ thiệt ly kỳ, dễ thương vô số vạn.
Ở
lớp nhì (bây giờ là lớp bốn) có bài học luân lý: ở ống thì dài, ở bầu thì tròn
cùng ý nghĩa với gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Bầu mà tròn sao? Trái bầu
dài như cái ống cống, mẹ ra cắt một khúc vô nấu, ngày mai ra cắt tiếp. Trái bầu
khô lấy hột giống còn cái vỏ cứng cũng dài như bầu xanh, mình có thể làm chỗ
nuôi dế v.v…
Nói
chuyện bầu sau. Bây giờ ở ống. Ống như ống cống xi măng. Xưa Saigon gần xa lộ
Biên Hòa có nhiều ống cống dư không làm hết; người nghèo chui vô mà sống; nhiều
thành phố trên thế giới dân nghèo vô cống, vô ống ở; nhưng không ai dài ra,
thêm ra. Nhưng ở ống theo như tôi được kể là con gà nuôi trong ống tre.
Nghe
nói thường là dưới đò. Con gà con bỏ vào ống tre, nó đi lui đi tới được và lớn
dần, phát triển theo hình ống, chỉ nằm thò mỏ ra ăn. Người nuôi chẻ ống tre làm
thịt gà như đòn chả tươi.
Ống
gợi lên những thứ như lon sữa bò, cái piston, cột nhà gỗ mít, cột đình. Hình học
tiếng tây gọi là cylindre, mình gọi là xi lanh như xi lanh lòng máy mà trong đó
pit tông chạy lui tới. Lúc xưa chúng tôi học là khối viên trụ. Một facebooker
nói rằng không có hình khối viên trụ, mà chỉ có khối trụ, trong Google không
có. Ôi cái ông Google. Viên trụ phân biệt với lăng trụ; lăng trụ có nhiều thứ
theo tiết diện, tam, tứ, ngũ, lục giác.
Trong
trại cải tạo, chúng tôi ‘’ca cóng” nghe như tiếng Nga. Kiếm đâu được cái
lon, cái ca kim loại hay lon Guizoz mang theo thì làm thêm cán dài như cái gáo
để lên lửa nấu chút rau; lửa là khi chảo cơm cạn ra lửa, đặt cái lon lên là
nóng ngay. Danh từ thời đại là cải thiện linh tinh. Như có thằng o bế
một cây rau dền chui giữa vòng concertina, lên cao ngang ngực.
Nhưng
bộ đội cấm ca cóng. Lệnh mới rau phải góp ăn chung. Mỗi đội phải cân trước khi
luộc, đem trình kết quả thi đua. Ngụy mình rửa rau không rảy nước cho nặng cân.
Hôm sau tiểu đoàn họp ở hội trường nghe kết quả biểu dương đội nào nhiều rau.
Tiều đoàn ra lệnh ngay sau đó các bếp trưởng lên họp. Bốn anh “táo” trở về, mặt
xéo xẹo. Số rau đã ăn vô miệng là của nhà nước, vì trồng trên đất công mà người
trồng là tù được nhà nước nuôi. Theo giá thị trường là xxx đồng, đổi ra gạo yyy ký; giải quyết món nợ bằng cách sẽ trừ từ số gạo sắp tới, nhà nước không phải
chi thêm khoản xxx nầy.
Ngụy mình thấy vậy bèn không ăn rau. Dễ gì vuốt râu hùm. Bộ đội quyết định không cân rau, không báo cáo mà “bình quân” mỗi ngày một cá nhân ăn của nhà nước nửa cân, dù ăn nguyên một cân hay không có cọng rau nào. Số nợ nầy trừ vào số gạo, nghĩa là nhà nước bớt chi và số bớt nầy là nợ rau; nghĩa là bớt gạo lại. Và còn nhiều thứ nợ khác khấu trừ vào gạo.
Nay trở lui bầu. Thì ra bầu tròn là thứ bầu không ngon, bầu có ngấn để khô thì vỏ dùng chứa nước, chứa rượu, là hồ lô, trong truyện Tây Du Ký, Tề Thiên bắt ma quỷ bỏ vô trong hồ lô nhốt lại. Cũng gọi là bầu nậm; nậm là vỏ bầu khô đựng rượu.
Bầu
đựng nước, xách nước từ vỏ bầu khô, đi liền với đời sống người miền Thượng.
Nhưng người kinh vẫn dùng chữ “bầu” là vật dụng chứa nước. Chị em dâu như bầu
nước lã. Về dung chứa, thì có bầu tâm sự, bầu máu nóng, bầu không khí.
Quốc
Văn Giáo Khoa Thư có dạy: bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng
chung một giàn. Nghe thì hay lắm. Thực tế ai trồng hai thứ ấy chung một giàn. Đó
là luận điệu tuyên truyền CS thời chiến tranh lạnh giữa hai phe gọi là sống
chung hòa bình. Coexistence in peace. Không. Sống riêng hòa bình.
Ở
xa mỏi chân ở gần mỏi miệng. Mỏi miệng còn may, mỏi cả tay chân đánh đá, hãy
nhìn lịch sử thì biết; hai nền văn hóa khác nhau 180 độ thì sống chung cái
đéo nào được.
-
Nhưng mà này, noái thiệt đa, em có bầu, anh có lấy không?
-
Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em. (Từ Công Phụng: tháng mấy rồi em?)
======================================================
Một lớp đệ nhất B, QH 1958, ngồi ghế từ trái là các GS:
Châu Trọng Ngô, Tôn Thất Tắc, Lê Hữu Mục, Đinh Quy, Dương Thiệu Tống và Bùi Ngoạn Lạc
No comments:
Post a Comment