add this

Wednesday, March 12, 2025

SALUTO GAUTAMA 
KÍNH BÁI ĐỨC CỒ ĐÀM
Tôn Thất Tuệ

Huế, một buổi chiều không núm lại được “buổi chiều”, để “buổi chiều” trôi xuôi hay bước xuống đò Thừa Phủ qua sông. Đà Lạt, một buổi sáng không giữ được “buổi sáng”, để “buổi sáng” theo ánh mắt xuống sâu trong thung lũng anh đào mãi xa kia. Những nam mô, những amen chẳng làm đếch được gì, người ơi.
Tôi tiếc không xóa những dòng nầy vì thầy cựu hiệu trưởng Hàm Nghi, Võ Văn Dật, đã khen là những vần thơ hay nhất của tiểu đệ, không có trong tuyển tập Huyễn Hoặc mà thầy giúp lên khuôn thành ấn bản tin học. Số là mấy chữ đó tôi viết trong một email bâng quơ xạo sự có bằng cấp. Có lẽ nhà văn Võ Hương An (thầy Dật) biết "buổi sáng" là gì, "buổi chiều" là gì nên thầy bảo ghi vào "bilan" cuộc đời của tôi.
Bilan, tiếng Tây, là bản tổng kết chi thu của một quốc gia, của một xí nghiệp sau một hạn kỳ, tam cá nguyệt, lục cá nguyệt hay thường niên. Hậu thế sẽ thấy qua các con số những sinh hoạt liên hệ, viện trợ của Mỹ, của Pháp, thuế gián thu, trực thu bao nhiêu; xuất ra bao nhiêu bồi thường chiến tranh vì thua cuộc, xây đập thủy điện bao nhiêu. Nhưng bilan của cuộc đời là tổng kết ba vạn sáu ngàn ngày nếu sống đủ 100 năm. Nợ tình bao nhiêu? Nợ tiền chừng mô. Nợ núi sông? Ai chưa ân đền oán trả giang hồ cho mình?
Nhưng thưa thầy, con chưa chết làm bilan chi vội, thầy ra lệnh nay đã 5 năm. Thưa thầy, con đâu có gấp mà phải làm bilan bây giờ. Tổng thống Mỹ Reagan khoe với Gorbachev cái mồ làm sẵn sau vườn nhưng nói với thủ lãnh Nga nầy rằng ông không vội chi. I'm not in a rush. Me too, I'm not in a rush.
À mà quên nói các thứ xôi hỏng bỏng không, "buổi chiều buổi sáng" nêu trên sẽ được ghi vào phần lỗ, phần thâm hụt trong các bilan. Đến như không làm được anh hùng dõm vì không có trăng mà mài gươm dưới nguyệt theo kiểu Đặng Dung; cho nên "người hẹn cùng ta đứng bên bụi chuối" như Vân Tiên ngồi sau bụi môn chờ khi trăng lặn bóp hồn Nguyệt Nga.
Thầy Dật thấy tôi thua lỗ quá nhiều bèn khuyên nên an bần lạc đạo, sống vô ngại.
Tôi đã áp dụng “vô ngại” khá nhiều trong cuộc sống. Lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại; khai thông những vụ đắp mô như mô đắp trên quốc lộ hay tỉnh lộ.
An bần, không muốn an bần mà phải an bần, chúng tôi đâu có muốn ăn sắn (khoai mì) nhiều chất độc thay gạo. Đâu có muốn lượm tàn thuốc bỏ vô nõ thuốc lào bắn lên cung trăng. Chúng tôi thèm điếu Philip Morris trong túi của Bác.
Lạc đạo. Lạc đường, lạc lối, đạo lạt như nước bọt. Đạo ư? quên mất “thiên trời địa đất tử mất tồn còn tử con tôn cháu lục sáu tam ba” mà viết chữ đạo 盜 thành ăn trộm ăn cướp, hóa ra mà hay. Bần cùng sinh đạo tặc.
Thầy Dật bỏ nghề dạy qua làm ở Giám Sát Viện, cơ quan cao nhất chuyên lo thanh tra, trừng trị tham nhũng, đứng đầu bởi cậu của tổng thống. Thưa thầy, con là đốc phủ sứ, ngạch cao nhất, vào thời lạm phát phi tiển, với song hành kiệm ước TVA (tội về ai; taxe de valeur ajoutée), có lúc muối không còn mà ăn. Tận cùng bằng số. Thương vợ con quá, bèn mong được các đồng nghiệp cho chia vẹt bờ măn rê (conjuguer verbe manger), tao ăn, mầy ăn, chúng ông ăn. Je mange, tu manges, nous mangeons. I eat, you eat, we eat. Nhưng nào đâu được, có dư thì chúng ông ăn. Nous mangeons. 
Ông bà già vợ tôi bán căn nhà trên phố về thảo trang ngoại ô Saigon. Ngôi nhà trị giá mua được ba chiếc xe DS19, bốn chiếc Peugeot 404. Người mua nhà là một đồng môn trước tôi một năm. Nhạc mẫu cho cái tủ áo quần bằng kính, tôi không nhận vì không có tiền thuê xe chở.
Vậy thì an bần đã quen, nhưng mà lạc đạo thì e không có, tuy có thể mặc cái áo tràng xám, đạo mạo miệng lâm râm nam mô một bồ dao găm, một trăm con chó, một rọ con tôm một ôm rau húm.

Đạo của tôi là đạo ăn. Tôi cho gà ăn rất đầy đủ. Tôi an tâm đi ngủ khi đã đóng cửa chuồng gà, sợ chồn cáo nhảy vô và gió lạnh thấu xương. Tôi không ăn thịt chúng, chỉ lợi dụng sức lao động của chúng là ăn trứng. Tôi tôn trọng quyền bình đẳng của thú vật cần hưởng an lạc. Mỗi lần cho gà ăn, tôi sám hối nghiệp chướng đã có thời gian không thể cho vợ con đủ khoai sắn thay cơm.
Đạo của tôi gần với ông Cồ Đàm. 
Tôi đói cơm như Ngài đói cơm. Ngài nhờ chén sữa của bé chăng dê Chiên Đà mà sống lại để giác ngộ, còn không thì cũng ra ma như cả làng Ukraine vào nạn đói 1932. Khi gần chết, Ngài cũng phải ăn chén cơm Thuần Đà dâng mà đủ sức làm lời chúc lũy cuối cùng.
Đạo ăn của tôi nghiêng về phần "phước" mà giới trí thức khinh miệt, miếng ăn là miếng tồi tàn, chỉ chú trọng tới trí.
Phước là một trong hai chân của các tín ngưỡng rất gần với người thực tế. Chân thứ hai là trí. Vì vậy Đức Cồ Đàm có danh hiệu Lưỡng Túc Tôn, Đấng có hai sự đầy đủ, phước và trí, (không phải là kẻ có hai chân, tuy túc 足 là chân, và đẩy đủ).
Kim cổ đông tây, các nền độc tài đã dùng cái ăn để trừng phạt kẻ khác, để cai trị như điều khiển một đàn cừu đói.
Saluto Gautama. Kính bái Đức Cồ Đàm.

No comments:

Post a Comment