(tôn thất tuệ, 1939 bến ngự huế, tiểu học nam giao, biết đọc biết viết, georgia usa 30747)
add this
Monday, September 29, 2014
dòng sông mắt thẩm
Amazone. Amazon. Amazona
dòng sông mắt thẩm
tôn thất tuệ
Kìa cái tên
quái dị đến bên người
tên trĩu dẻo ngoằn ngoèo như rắn
tên nhiều tay hóa
phép nàng tiên
nào phải tên em với ngàn sợi tóc
tà áo xanh
cuốn mãi trong chiều
sao lại đến trong đầu anh lạ quá:
Amazone, dòng sông dài bi ẩn
Anh ngẩn mặt lên trời xin giọt nước
của rừng mây trôi
dạt phương nao
về một chốn dòng sông
hùng vĩ
không tiếc gì hương gió cho
ngàn rêu.
Con cá sấu nằm quên ngoài
nắng
ngẫm nghĩ hoài câu thơ thuở nọ:
Hoàng
Hà nước từ lưng trời
tuông
xuống bể không vời trở lại*
Anh ngâm
theo:
Đài
gương soi mái tóc
sáng
như tơ mà chiều lại như sương.*
Amazone tên
gọi của dòng sông
thân củi mục băng ngang ghềnh đá
ngẩn lên trời nhìn mây
cao nhiệt đới
tụ muôn phương giọt nước khóc đời
thêm biển nước tràn dâng
nguồn khơi mới.
Amazone nằm đâu em nhĩ
mà anh quen
hơn cả dáng em đi
mà sông dài
sâu thẳm sông sâu
chiều xuống chậm đi theo dòng
nước
ai thản buồn đếm tiếng bèo xanh.
Amazone nguồn khơi cuồng cuộng
chạy lên trời rồi lại biển khơi.
Những chiếc bách như bàn tay non
dại
vẫn trôi hoài
không thấy nỗi mong manh
khi cơn gió thổi xa bờ êm ấm
dáng dật dờ con nước nhửng ròng
xuôi.
Amazone ở phương nào em nhỉ
trí óc anh
mung lung mờ ảo
anh chỉ biết là dòng
sông dài lắm
như dòng đời xoắn quyện vết tang thương
cũng có lúc
hát vang bình minh sáng
nỗi u hoài móc
trên ngọn lá dừa cong.
Này em hởi dạy giúp anh
bài địa lý
ở nơi đâu anh tìm gặp Amazone.
Em
nín thinh trong dòng sông mắt thẩm.
Ôi quý thay
phút lắng yên ngà ngọc,
cả dòng đời trôi chảy cả dòng sông;
em ủ rủ lá dừa cong muốn khóc
em cười tươi bình minh
ca ngợi.
Em khơi ngôi một nguồn khơi mới
như dòng sông
ôm cả những dòng sông.-
*Lý Bạch
|
Friday, September 26, 2014
Đồ Bàn và Saigon
hoa sứ, tiếng Hindi cũng là champa
Đồ Bàn và Saigon tôn thất tuệ Xin đăng một bài viết về một vấn đề rất xa nhưng rất gần: nước Chăm thường gọi là Chàm. Danh từ riêng nầy có một lúc nằm trên đầu môi chúng ta. Mấy tháng trước khi VNCH hạ màn, ai cũng nói ông Thiệu là hiện thân của dân tộc Chàm bị xóa trên bản đồ nay hiện ra để báo thù, làm cho VN điêu đứng, ông gốc Phan Rang. Bài viết nầy của một học giả gốc Chàm trình bày một cái nhìn khác về sự suy tàn của vương quốc Champa. Trích: sự sụp đổ vương quốc Champa có một nguyên nhân sâu xa của nó, bắt nguồn từ hai dân tộc láng giềng có hai nguồn văn hóa và nền văn minh khác nhau, có hai ý thức hệ về bang giao và chính trị khác nhau, có hai chủ thuyết về biên giới và chiến tranh hoàn toàn khác nhau, v.v. ngưng Tác giả nêu hai quan niệm về chiến tranh của Việt và Chăm. Việt thì chiến tranh để chiếm đất, Chăm thì chiến tranh vì phòng thủ dựa trên quan niệm thần học: nới rộng lãnh thổ của quốc gia hay tiểu bang đều trái ý thần linh. Ông nói nếu Chăm theo quan niệm của VN thì Chăm đã chiếm VN như Chế Bồng Nga đã dẫm chân trên Thăng Long đến bảy lần. Nhưng bà xã tôi thì nói Chế Bồng Nga thấy chiếm dễ giữ khó nên phải về lo việc nhà. Tác giả nói khi một nước chủ hòa sống bên cạnh một nước chủ chiến muốn lấy đất mình thì nước chủ hòa thế nào cũng thua. Nhận xét nầy rất gần với trường hợp miền Nam bị miền Bắc chiếm 1975. Thật vậy, khoảng 1970, một nhạc sĩ (nay đã trở cờ) nói với chính tôi một nhận xét hơi ngông. Lính miền Nam khi chết chỉ còn nhớ cái tam giác của em gái Dạ Lan, lính miền Bắc khi chết thì thấy trăng sao của đảng. Miền Nam rất văn nghệ, mai xa lắc trên đồn biên giới còn (em Pleiku) một chút gì để nhớ để quên, nhưng cán binh CS thì muốn có chiến công dâng cho đảng. Không nói ai đúng ai sai nhưng sự khác biệt về tâm thức ảnh hưởng đến cuộc chiến. Miền Nam hoàn toàn bị động, vẫn còn thua Chế Bồng Nga lấy công làm thủ, như Lý Thường Kiệt đánh qua Tàu. Tình trạng nầy còn được tiếp tục trong cuộc đấu tranh ý thức hiện nay; người quốc gia rất sung sướng khi phe kia có đưa ra chiêu gì thì mới có đề tài nói năng, bàn cải. Phe ta rất khoái chí về các con ngựa thành Troie mà cứ ngỡ là ngựa của Thánh Gióng. Trở về sự suy tàn của nước Chăm, nước nầy ở trong một khu vực geo-politic, làm chiến trường cho những xung đột nội bộ của Việt: Trịnh / Nguyễn, Nguyễn / Tây Sơn. Khu geo-politic ấy nhỏ xíu cũng làm cho một vương quốc tiêu ma; toàn thể nước Việt hình chữ S tự bao giờ vẫn là một khu geo-politic cho các thế lực quốc tế. Ở ngã ba đường, nếu không có thằng bé ném đá vào nhà thì có con mẹ kia phơi cái xì líp nơi mình uống trà nhìn ra cửa sổ. Ngày nay, người mình giúp tiền cho con mẹ kia mua xì líp to hơn, thằng bé mua cục đá to hơn. Nói vậy vẫn còn hơn hai phe ủng hộ Tây Sơn và thân Nguyễn chém giết nhau trên vùng đất bây giờ là Phan Thiết. Nếu lịch sử tái diễn, sự diệt vong của dân tộc Chăm là tiền thân của sự diệt vong của xứ Việt. Bài viết nầy của Po Darma chỉ nói đến các nguyên nhân ngoại tại của sự hủy diệt, nguyên nhân đó không gì khác hơn là VN. Các nguyên nhân nội tại lại không được truy cứu. Ví dụ việc cắt hai châu Ô và Lý, tác giả chỉ qui kết vào mỹ nhân kế; nhưng ông quên nói Chế Mân đã vượt quyền. Theo truyền thống, nhà vua chỉ có quyền cai trị mà không có quyền sở hữu; quyền ấy theo mẫu hệ trong hoàng tộc. Theo ngôn ngữ chính trị học hiện tại, Chăm không hẳn là một liên bang (federation), một hợp bang (confederation) hay một quốc gia đơn thuần. Bốn tiểu quốc riêng rẻ, có khi không tiếp cứu nhau. Lối tổ chức nầy tự nó thiếu tính chất phòng thủ. Thiết nghĩ, người đọc cần có thêm những kết quả nghiên cứu về xã hội Chăm. Tác giả ta thán những hậu quả của chiến tranh. Cũng không lấy gì làm lạ. Hoàng Hải Thủy đã viết rằng trong lịch sử đông tây kim cổ - trừ trường hợp Mỹ đổ bộ lên đất Pháp – bao giờ cũng có cướp của, giết người. Trông người mà nghĩ đến ta. Tôi không dính líu đến các sự bất đồng trong cộng đồng Chăm, điển hình là xung đột lập trường của Po Darma và Chế Linh. Mặt khác, bài viết nầy chưa hẳn toàn bích, nhưng đặc biệt là nó mang thêm một cái nhìn mới về sự thể nầy. Qua sự chỉ trích Chế Linh, Po Darma cho biết ông ta đã trực tiếp tham dự vào cuộc chiến ly khai chống VNCH theo tổ chức FULRO, (Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh Các Dân Tộc Bị Đàn Áp - Front Uni de Lutte des Races Opprimées), gần như đóng vai trò quân ủy. Ông nói vậy để chứng tỏ Chế Linh, một mặt không biết tiếng Chàm, một mặt trong quá khứ không làm gì. Trong nhiều bài tường thuật, Po Darma đã viết như một ký giả tuyên truyền có những danh từ đặc biệt khinh mạ hay tâng bốc cho từng phía. Ông nói rõ mục đích của Fulro là thành lập một quốc gia độc lập riêng rẻ. Nhưng nhóm của Po Dharma tuyên bố ngưng hoạt động ngay từ ngày 30.4.1975. Hơn hai tháng trước khi khi miền Nam hoàn toàn thất thủ, cao nguyên đã bỏ trống, một cơ hội rất tốt nhưng quân của Po Darma đã không làm gì mà ngồi chờ ngày hạ súng. Po Darma nói từ nay chỉ tranh đấu cho một “nước Chăm văn hóa”. Chuyện Fulro đầy nghi vấn. Lúc bắt đầu, thành phần võ trang chống đối là do biệt kích Mỹ (green beret) huấn luyện. Ngay cả khi quân Fulro ra thành phố tấn công, sĩ quan Mỹ vẫn đi theo và làm áp lực với chính phủ đưa quân phản loạn về rừng. Tại Saigon, nhà sử học xã hội học tự biên tự diễn Nghiêm Thẩm trình một luận tập chứng minh Cao Nguyên đấy đủ những yếu tố nhân chủng và lịch sử để thành lập một quốc gia. Đã rõ bàn tay của Green Beret, người đọc có quyền nghĩ đến mớ bạc mà CIA rải ra cho các nhà nghiên cứu cấp thời kiểu nhà họ Nghiêm nầy. Lui về rừng, lực lượng Fulro qua phía đất Miên và trên thực tế giữ an ninh cho VC tái lập hậu hậu cứ sau các lần Mỹ oanh tạc đất Miên. Cao nguyên Boloven là vị thế chiến lược, lấy Boloven là lấy cả ba nước Việt Mên Lào. Với thái độ khó hiểu qua lời nói của Po Darma, có thể luận đoán rằng người Chàm võ trang đã thỏa hiệp với VC để được hứa hẹn cho phát triển “quốc gia văn hóa” nêu trên. VC đã thành công chiếm hoàn toàn miền Nam thì nhóm này sau khi dính máu", bỏ súng để chở “chia phần” như đã hứa hẹn…. Bây giờ nhóm Po Darma to tiếng nhất, chống đối CSVN hủy diệt có phương pháp có hệ thống tất cả những gì gọi là Chăm, là Chàm. Những đứa con yêu quý như Chế Linh đều gây tác hại cho tập tục truyền thống Chàm. Chế Linh rất tích cực trong việc nầy để được phép về hát tại VN. Mồ mã cha ông là nơi linh thiêng nay phải giải tỏa để xây nhà máy điện nguyên tử. Những điệu múa tôn kính đã thành những vũ điệu khiêu dâm áo quần hở hang.Nhiều học giả ba vớ được cung cấp tiền viết lại lịch sử Chàm và sửa đổi hoàn toàn ngôn ngữ Chàm. Po Darma chỉ trích VNCH không giúp gì để duy trì nền văn hóa Chàm, nhưng người Chàm được để yên, nếu VNCH không giúp gì thì cũng không phá hoại di sản Chàm; họ có một vùng đất sinh hoạt tự do như Phan Rang, Phan Thiết, mồ mã của tổ tiên họ không thành nơi phát xuất phóng xạ nguyên tử. Tại sao những trí thức như Po Darma không làm gì cho văn hóa Chàm mà lại xách súng gây rối loạn, giờ này kêu la thảm thiết, nào khác chi bỏ mồi bắt bóng. Nếu họ đã thỏa hiệp “dính máu” nhưng không được “chia phần”, nhiều người cần học bài nầy, dù trong vài suy nghĩ nhỏ để làm vài việc rất nhỏ. Nguyên nhân suy tàn của vương quốc Champa Po Darma Champa là một vương quốc ở miền Trung Việt Nam chạy dài từ mũi Hoành Sơn (Quảng Bình) đến biên giới Biên Hòa. Được hình thành vào thế kỷ thứ 2, vương quốc Champa là một quốc gia liên bang bao gồm 4 tiểu vương quốc, đó là: - Amaravati (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi) - Vijaya (Bình Định) - Kauthara (Phú Yên Khánh Hoà) - Panduranga (Phan Rang và Phan Rí) Năm 1471 đánh dấu cho ngày thất thủ thành Đồ Bàn (Vijaya). Lợi dụng cơ hội này, Đại Việt xâm chiếm toàn diện lãnh thổ Champa ở phương bắc và dời biên giới của mình đến đèo Cù Mông, ở phía nam Bình Định. Kể từ đó, Champa bị thu hẹp lại trong hai tiểu vương quốc Kauthara (Phú Yên-Nha Trang) và Panduranga (Phan Rang-Phan Rí). Thế là vương quốc Champa bé nhỏ này phải đương đầu kể từ thế kỷ thứ 16 với chính sách Nam Tiến của nhà Nguyễn, hùng mạnh cả quân sự lẫn kinh tế. Sau 17 thế kỷ đấu tranh dựng nước và bảo tồn đất nước nhằm đẩy lui cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, Champa bị xóa hẳn trên bản Đông Dương vào năm 1832. Hôm nay, vương quốc này chỉ để lại cho hậu thế một chuổi vết tích lịch sử hoang phế nằm ngổn ngang trên mảnh đất ở miền trung Việt Nam và ba cộng đồng dân tộc thuộc thần dân Champa chưa đầy một triệu người sống rải rác ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Phanrang-Phan Rí và ở Campuchia. Trong suốt 17 thế kỷ thăng trầm của lịch sử, Champa đã cố ngoi lên để tạo cho mình có một nền văn minh cao độ và đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử ở khu vực Đông Nam Á. Tiếc thay dân tộc Champa hôm nay, vì sự bất hạnh hay vì một lý do nào khác, đã trở thành một nhóm người vong quốc không còn có chủ quyền trên chính bản thân của mình, dù đó chỉ là chủ quyền trên di sản văn hóa và tín ngưỡng hay quyền trên mảnh đất vụn do chính bàn tay của mình tạo dựng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên hôm nay. Nói đến lịch sử thì phải nói đến sự thăng trầm của biến cố: hết thời vàng son thì đến thời suy tàn. Đây là một quy luật mà không ai chối cải được. Nhưng mọi sự suy tàn đều có nguyên nhân của nó. Tiếc rằng, nguyên nhân suy tàn của vương quốc Champa đã trở thành một chủ đề nóng bỏng mà mỗi nhà nghiên cứu thường nêu ra với những lý thuyết thiếu sự trung thực, chỉ dựa vào cảm tính và nhãn quan riêng tư của mình để giải thích cho sự bại vong của Champa. Tựu trung, các lý thuyết này thường mang bố cục nhằm chứng minh rằng sự sụp đổ Champa chỉ là hậu quả của một quốc gia có bản chất háo chiến thường gây chiến tranh chống phá Đại Việt; một vương quốc phá sản, chỉ biết dùng tài nguyên của mình vào công trình xây cất đền đài nguy nga tráng lệ; một chính quyền chỉ biết nghĩ đến tranh chấp quyền hành giữa miền nam và miền bắc, v.v… Có chăng đây chỉ là cách lý luận phiến diện không có cơ sở khoa học. Vì rằng, sự sụp đổ vương quốc Champa có một nguyên nhân sâu xa của nó, bắt nguồn từ hai dân tộc láng giềng có hai nguồn văn hóa và nền văn minh khác nhau, có hai ý thức hệ về bang giao và chính trị khác nhau, có hai chủ thuyết về biên giới và chiến tranh hoàn toàn khác nhau, v.v. Sau đây là một số nguyên nhân chính yếu đã đưa vương quốc Champa vào con đường bại vong vào năm 1832.
Một khi đã giành được quyền độc lập và tự chủ vào thế kỷ thứ 10, Đại Việt (sau này là Việt Nam), một vương quốc chịu ảnh hưởng nền văn minh Trung Hoa, bắt đầu áp dụng chính sách thống trị nhằm biến các quốc gia láng giềng thành chư hầu của mình mà Champa là nạn nhân đầu tiên của chính sách Nam Tiến này. Chính sách thống trị của Đại Việt thời cổ có mục tiêu duy nhất đó là bành trướng đất đai của mình về phía nam mà các sử gia thường gọi đó là chủ thuyết đế quốc của vua chúa Đại Việt. Thế là cuộc xung đột quân sự giữa Đại Việt và Champa bắt đầu bùng nổ. Trong những thời điểm của 5 thế kỷ ban đầu, chính sách xâm lăng của Đại Việt hoàn toàn dựa vào yếu tố quân sự. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15, Đại Việt chỉ tập trung vào trọng yếu quân sự để tấn công Champa. Tiếc rằng, chiến tranh của Đại Việt không phải là chiến tranh chinh phạt Champa, mà là chiến tranh xâm lược đất đai. Một khi gặt hái được chiến thắng quân sự, Đại Việt sáp nhập tức thời lãnh thổ Champa vào khu vực hành chánh của mình và bắt đầu áp dụng chính sách Việt Nam hóa bằng cách biến dân tộc Champa trong khu vực bị chiếm đóng thành người Việt. Tất cả người Chăm sinh sống từ tỉnh Quảng Bình đến Cam Ranh hôm nay không còn biết nguồn gốc dân tộc họ là ai nữa và không còn biết nói tiếng mẹ đẻ của họ nữa là minh chứng cụ thể để chứng minh cho giả thuyết Việt Nam hóa của Đại Việt trong quá khứ. Chỉ cần hai lần chiến thắng quân sự vào năm 1069 và 1471, Đại Việt chiếm trọn một phần lãnh thổ rộng lớn của Champa chạy dài từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Định. Trong khi đó, dưới thời vua Chế Bồng Nga (1360-1390), Champa đã hơn 7 lần chiến thắng quân sự ở Thăng Long, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc xâm chiếm một mảnh nhỏ đất đai nào của Đại Việt. Điều này đã chứng minh rằng chủ thuyết xây dựng quốc gia của Đại Việt là chủ thuyết «đế quốc» (impérialisme) theo nghĩa rộng của nó, có nghĩa là chính sách thống trị và xâm chiếm đất đai của một dân tộc khác. Trong tiến trình lịch sử, một quốc gia có bản chất «đế quốc» lúc nào cũng nắm phần thắng lợi trên một quốc gia láng giềng, dù nước láng giềng này hùng mạnh trên hai phương diện quân sự lẫn kinh tế, nhưng chỉ bám vào ý thức hệ chiến tranh chinh phạt nhằm đưa quân địch vào con đường suy yếu để họ không còn phương tiện quấy phá biên giới của mình nữa. Champa là một vương quốc chịu ảnh hưởng Ấn Độ Giáo, cũng như Campuchia, chỉ biết tôn vinh ý thức hệ chiến tranh chinh phạt chống ngoại bang, nhưng không bao giờ nghĩ đến chính sách xâm chiếm đất đai của dân tộc khác. Dựa vào các yếu tố đã đưa ra, chúng tôi tự đặt câu hỏi rằng có chăng chủ thuyết «đế quốc» của vua chúa Đại Việt đã trở thành một động cơ chính yếu đã đưa đẩy vương quốc Champa vào con đường bại vong vào năm 1832.
Hoàn toàn khác hẳn với ý niệm thần quyền của Champa, vua chúa Đại Việt, vì ảnh hưởng nền văn minh Trung Hoa, tự phong cho mình là bậc Thiên Tử nhận lãnh sứ mạng của Trời chẳng những để cai trị dân tộc Việt mà phải có nghĩa vụ mở mang bờ cỏi hầu làm sáng ngời uy quyền của mình trên năm châu bốn bể. Đó cũng điểm mốc đã đưa chính sách bang giao giữa Đại Việt và Champa thành hai thế lực thù địch không bao giờ chấp nhận đội trời chung. Nhân danh là Thiên Tử phát nguồn từ nền văn minh Trung Hoa, Đại Việt luôn luôn tìm cách thống trị các nước lân bang nhằm biến họ thành các quốc gia chư hầu của mình. Thế là Champa, một quốc gia láng giềng của Đại Việt, đã trở thành món mồi đầu tiên của chủ thuyết Thiên Tử này. Đối với Đại Việt, mọi trận chiến chống Champa chỉ là chiến tranh chinh phạt các nước chư hầu man rợ không cùng nền văn minh với người Việt ; mọi thủ đoạn xâm chiếm đất đai của Champa chỉ là phong cách bộc lộ uy quyền của Đại Việt và được sự chấp thuận của Trời. Để đánh dấu cho sứ mạng thiêng liêng do Trời giao phó, Đại Việt có nghĩa vụ xua quân xâm chiếm đất đai Champa. Ngoài sứ mệnh của Thiên Tử mà chúng tôi vừa nêu ra, Đại Việt còn nuôi dưỡng một chủ thuyết chính trị khác rất tích cực: càng thống trị các chư hầu để họ phải triều cống mình thì Đại Việt càng có lý do để chứng minh là vua chúa Đại Việt đã làm hoàn thành nghĩa vụ do Trời giao phó. Hai nước láng giềng mà Đại Việt có thể dùng quyền lực quân sự để chinh phục nhằm đưa lãnh thổ này vào địa bàn chư hầu và đặt dưới quyền quản lý của mình, đó là Champa và Cao Miên. Đối với Đại Việt, sự xâm chiếm Champa và Cao Miên còn là một phương thức nhằm giải thích rằng Đại Việt chẳng những có nghĩa vụ cai trị thần dân Việt, mà còn nhận thêm sứ mệnh của Trời để thống trị hai nước láng giềng chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ Giáo, tức là không cùng nền văn minh với người Việt để mang lại cho họ một kỷ cương mới, một nền văn hóa mới của người Việt, một dân tộc luôn tự xưng mình là con rồng cháu tiên oai hùng, một dân tộc của bốn ngàn năm văn hiến. Ngoài ra, chủ thuyết xâm lược đất đai các nước làng giềng đã trở thành một công cụ tuyên truyền nhằm tôn vinh vua chúa Đại Việt là những nhân vật có một oai quyền vĩ đại, có nghĩa vụ quản trị thế gian này trong tinh thần dung hòa và hữu nghị; mang lại cho các dân tộc láng giềng man rợ một văn hóa mới, đó là nền văn minh cùng tột của dân tộc Việt. Nhân danh là bậc Thiên Tử, vua chúa Đại Việt tự cho mình là người trung gian giữa thế giới vô hình và thế giới hiện tại để điều hành toàn diện nhân sinh trên trái đất. Phát sinh từ ý niệm của Trung Hoa, Đại Việt cho rằng mỗi bước tiến trong cuộc xâm chiếm đất đai của dân tộc láng giếng là mỗi bước tiến của nền văn minh Việt. Vì rằng, thế gian này không thể đón nhận một văn hóa nào khác ngoài văn hóa của dân tộc Việt. Qua phần nhận định này, chúng tôi tạm kết luận rằng, chủ nghĩa Thiên Tử của Đại Việt mang một bản chất rất là «đế quốc» đã đóng góp phần nào trong tiến trình của sự bại vong Champa.
1. Nam bắc phân tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn Sau ngày sụp đổ thành Đồ Bàn vào năm 1471, lãnh thổ Champa bị thu hẹp lại ở tiểu vương quốc Panduranga, chạy dài từ Harek Kah Harek Dhei (Phú Yên) đến biên giới Biên Hòa. Một mặt đối phó với đất đai eo hẹp và sự suy yếu về mặt quân sự vì dân số quá ít oi, Champa phải đương đầu với tình thế chính trị hoàn toàn mới lạ, đó là sự ra đời của triều đại nhà Nguyễn ở Thuận Hóa (từ Quảng Bình đến Bình Định) và sự bùng nổ cuộc nội chiến giữa chúa Nguyễn ở miền nam và chúa Trịnh ở phương bắc. Vì không đủ tiềm năng để tiến quân chống chúa Trịnh phương bắc, chúa Nguyễn chỉ còn cách phát động phong trào Nam Tiến, tức là về phía lãnh thổ Champa để củng cố thế lực quân sự và kinh tế của mình. Kể từ đó, Nam Tiến đã trở thành một công cụ của nhà Nguyễn nhằm phục vụ cho chiến tranh chống nhà Trịnh bằng cách vơ quét tài nguyên ở Champa để nuôi quân lính của mình, để giải quyết vấn đề kinh tế của dân tộc Việt quá nghèo đói, vì đất đai của đồng bằng Thuận Hóa quá chật hẹp. Cuộc Nam Tiến này càng tăng thêm tốc độ nhanh chóng hơn một khi chúa Nguyễn không thể phát huy phong trào Tây Tiến được, một khu vực mà dân tộc Champa sống ở Cao Nguyên không bao giờ chấp nhận bất cứ giá nào sự hiện diện của người Kinh trong lãnh thổ của họ cho đến năm 1955.Nói tóm lại, sự hình thành một quốc gia có chủ quyền ở Thuận Hóa do nhà Nguyễn sáng lập vào thế kỷ thứ 17 đã đưa chính sách Nam Tiến sang một chiều hướng mới hoàn toàn khác hẳn với chính sách Nam Tiến của Đại Việt trước ngày sụp đổ thành Đồ Bàn vào năm 1471. Kể từ đó, Nam Tiến của triều Nguyễn đã trở thành một chủ thuyết «đế quốc» với mục tiêu duy nhất là nuốt trọn vương quốc Champa để làm bàn đạp tiến quân sang Cao Miên. Năm 1611 đánh dấu ngày xuất quân Nam Tiến đầu tiên của chúa Nguyễn. Hơn 40 vạn quân chính qui từ Thuận Hóa đưa sang với sự yểm trợ của đoàn quân dự bị cộng thêm các cư dân Việt sống gần biên giới, vượt đèo Cù Mông ở phía nam Bình Định để tấn công Aia Ru (Harek Kah Harek Dhei) của Champa sau đó biến khu vực vừa mới chiếm đóng thành phủ Phú Yên. Bốn mươi hai năm sau, chúa Nguyễn lợi dụng thời điểm hòa bình với chúa Trịnh trong vòng 7 năm, xuất quân xâm chiếm Nha Trang vào năm 1653 và dời biên giới miền nam của mình đến Cam Ranh. Kể từ đó, Nha Trang trở thành hai đơn vị hành chánh của người Việt, đó là Thái Khang và Diên Khánh. Ba năm sau, tức là năm 1653, chúa Nguyễn xua quân xâm chiếm lãnh thổ Cao Miên ở Biên Hòa. Thế là kể từ năm 1653, Champa trở thành một lãnh thổ hoàn toàn bị bao vây, ở phía bắc giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Cam Ranh và phía nam giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Biên Hòa. Sự cô lập Champa trong đất đai của nhà Nguyễn kể từ năm 1653 đã giải thích phần nào sự bại vong của Champa trong những năm kế đến. 2. Cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh Hết đương đầu với chiến tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, Champa bị lôi kéo vào một cuộc nội chiến khác giữa dân tộc Việt, đó là sự bùng nổ chiến tranh vào năm 1771 giữa phong trào Tây Sơn ở miền bắc và Nguyễn Ánh trấn thủ ở Sài Gòn. Cuộc nội chiến này đã biến lãnh thổ Champa (khu vực Phan Rang và Phan Rí) thành bãi chiến trường đẫm máu trong vòng 30 năm giữa hai thế lực thù địch của dân tộc Việt, một bên trung thành với Nguyễn Ánh còn bên khác thì ủng hộ phong trào Tây Sơn. Năm 1773, Tây Sơn xua quân chiếm đóng Panduranga, trong khi đó Nguyễn Ánh rời bỏ ngai vàng vào năm 1775 chạy về miền nam lập mật khu ở Gia Định. Suốt 30 năm nội chiến, Tây Sơn biến Nha Trang thành khu vực địa đầu quân sự của mình, trong khi đó Nguyễn Ánh trấn thủ ở Gia Định. Hoàn cảnh địa dư này đã biến Champa thành một khu vực nằm giữa hai gộng kìm biên giới quân sự của Tây Sơn ở phía bắc và Nguyễn Ánh ở phía nam. Thế là vương quốc Champa phải đón nhận hàng năm sự hiện diện quân đội viễn chinh của Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên lãnh thổ của mình. Lý do rất là giản dị, muốn tấn công Nguyễn Ánh ở Gia Định, Tây Sơn phải làm chủ quân sự ở Champa (khu vực Phan Rang và Phan Rí) trước. Về phía Nguyễn Ánh, muốn tấn công Tây Sơn ở Bình Định, Nguyễn Ánh phải xua quân chiếm đóng Champa trước tiên, sau đó mới có thể tiến quân đến Nha Trang được. Năm 1776, với mục tiêu tấn công Nguyễn Ánh ở Gia Định, Tây Sơn phải chiếm đóng Panduranga trước tiên để làm căn cứ hành quân. Năm 1779, Nguyễn Ánh chiếm lại Panduranga trước khi xua quân tấn công Tây Sơn ở Nha Trang. Năm 1791, Tây Sơn trở lại chiếm đóng Panduranga và năm 1793 Panduranga lại rơi vào tay của Nguyễn Ánh. Một năm sau (1794), Tây Sơn xâm chiếm lại Panduranga cho đến năm 1798. Trong suốt cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, biên giới của vương quốc Champa hoàn toàn bị xóa bỏ trên bản đồ vì thiếu quân lực để phòng thủ. Thêm vào đó, mọi cơ cấu tổ chức chính trị và xã hội Champa hoàn toàn bị sụp đổ. Dân tộc Champa phải chấp nhận cúi lạy cả hai phe vừa Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh để bảo tồn tánh mạng. Các tầng lớp lãnh đạo Champa chia thành hai phe nhóm do hai thế lực thù địch người Việt tạo dựng ra. Vì rằng, một khi đã xâm chiếm Champa để làm cứ điểm quân sự, Nguyễn Ánh thành lập một chính quyền mới của vương quốc này tập trung những thành phần lãnh đạo thân cận với mình. Một khi tiến quân vào Champa, Tây Sơn lại ra lệnh thanh trừng gắt gao những phần tử người Champa theo Nguyễn Ánh để rồi thành lập một chính quyền khác mà cấp lãnh đạo chỉ là thành viên của Tây Sơn. Sự thay đổi liên tiếp chính quyền trong thời điểm đó đã đưa mọi cơ cấu tổ chức quốc gia Champa đứng bên lề vực thẳm. Lợi dụng cơ hội này, hai phe thù địch Tây Sơn và Nguyễn Ánh tung hoành cướp phá tài nguyên Champa để phục vụ cho chiến tranh của mình và điều động thanh niên Champa xung phong vào chiến trường đẫm máu mà mục tiêu của chiến tranh này không liên hệ gì đối với họ. Trong khi đó, Champa lại đặt dưới quyền cai trị của một tầng lớp lãnh đạo bù nhìn do Tây Sơn hoặc Nguyễn Ánh tấn phong. Sự kiện này đã chứng tỏ rằng, mọi cơ cấu tổ chức chính quyền ở Champa hoàn toàn bị sụp đổ. Lãnh thổ Champa chỉ là nơi đón nhận hàng ngàn quân lính của dân tộc Việt, luôn luôn tự cho mình là kẻ chiến thắng, thẳng tay bốc lột nhân dân Champa mà họ xem đó chỉ là những kẻ man rợ không cùng nòi giống với mình. Nói tóm lại, Champa không còn tồn tại nữa với danh nghĩa là một quốc gia độc lập và tự chủ trong suốt cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh kể từ 1771 đến 1802. Thế là định mệnh của sự sống còn Champa không còn nằm trong tay của nhân dân Champa nữa, mà là tùy thuộc hoàn toàn vào kết quả của chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. 3. Nội chiến giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi với tôn hiệu là Gia Long. Để tri ân những chiến sĩ đã từng đấu tranh bên cạnh mình, Gia Long tái lập lại vương hiệu Champa, sau đó phong cho Po Saong Nhung Ceng (tổ tiên của gia đình hoàng gia Bà Thềm ở Phan Rí), một tướng lãnh gốc người Chăm rất thân cận với Gia Long lên làm quốc vương Panduranga-Champa. Thế là từ năm 1802, Champa không còn là một quốc gia độc lập nữa mà là một lãnh thổ tự trị đặt dưới quyền bảo hộ của triều đình Việt Nam và hưởng quyền che chở rất là đặc biệt của hoàng đế Gia Long và tổng trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt được xem như là một ông phó vương ở miền nam thời đó. Sau ngày từ trần của Gia Long vào năm 1820, hoàng đế Minh Mệnh đưa ra chính sách cai trị hoàn toàn ngược lại với chủ trương của phụ vương. Minh Mệnh là một hoàng đế có tư tưởng chính trị rất độc đáo dựa vào ý thức hệ trung ương tập quyền, luôn luôn chủ trương Quốc Gia Việt Nam là một và nhân dân Việt Nam phải là dân tộc có cùng với nền văn hóa và văn minh của người Việt. Một khi lên ngôi, Minh Mệnh xóa bỏ hoàn toàn chính sách ưu đãi dành riêng cho vương quốc Champa do phụ vương của ông ta để lại và tìm cách ngăn chặn mọi ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt ở vương quốc này. Nhân danh một nhà tướng có công trạng lớn lao trong chiến tranh chống Tây Sơn và cũng là bạn thân của Gia Long, Lê Văn Duyệt vùng dậy phản đối chính sách Minh Mệnh và nhất quyết đứng ra bảo vệ vương quốc Champa cho tới cùng. Thế là sự khủng hoảng giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt bắt đầu bùng nổ và vương quốc Champa lại trở thành nạn nhân lần thứ 3 của cuộc chiến nội bộ giữa người Việt Nam thời đó. Vì quá thân cận với Tổng Trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt hay là vì quá khiếp sợ trước uy quyền chính trị của ông ta, giai cấp lãnh đạo Champa thời đó không phục tùng hoàng đế Minh Mệnh nữa. Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần, Minh Mệnh xua quân xâm chiếm Champa và trừng phạt vô cùng dã man giai cấp lãnh đạo Champa vì tội phục tùng Lê Văn Duyệt để rồi xóa hẳn vương quốc này trên bản đồ Đông Dương. Thế là năm 1832 đánh dấu ngày sụp đổ hoàn toàn vương quốc Champa.
Ngoài chủ nghĩa Thiên Tử và bối cảnh lịch sử của các cuộc nội chiến ở Việt Nam mà chúng tôi vừa trình bày, Champa còn là nạn nhân của làn sóng di dân Việt sang phía nam kể từ thế kỷ thứ 10. Họ là những tội phạm, những kẻ phiêu lưu, những nông dân không đất đai để sinh sống, không công ăn việc làm, tìm cách thoát thân đi tìm tự do và cuộc sống mới ở vương quốc Champa, nơi vẫn còn nhiều khu vực phì nhiêu chưa có ai khai khẩn. Phong trào di dân này càng ngày càng mở rộng kể từ kỷ thứ 13, thời kỳ mà dân cư sông Hồng càng ngày càng tăng gấp bội để rồi dân chúng không còn đất đai để canh tác. Để giải quyết nạn thiếu đất, dân Việt chỉ còn cách tìm đường tràn xuống phía nam, tức là Champa. Phong trào di dân này càng dấy lên kể từ thế kỷ thứ 17, thời kỳ mà dân Việt đang lâm vào nạn đói vì hạn hán hay mưa lũ, đương đầu với chiến tranh Nam-Bắc và tình hình thiếu an ninh vì nạn cướp bóc. Lợi dụng cơ hội này, chúa Nguyễn hô hào dân Việt xung phong vào đội ngũ để khai khẩn đất hoang ở khu vực biên giới phía nam của mình. Họ là nhóm Đồn Điền, tức là đội ngũ vừa làm dân, vừa làm chiến sĩ để phòng thủ đất đai chống lại sự quấy nhiễu Champa ở biên giới. Chúa Nguyễn còn khuyến khích thêm dân Việt nên vượt biên giới tràn sang Champa và Cao Miên. Ban đầu, họ họ chỉ khai thác những khu đất hoang hay cấm kị (tabung) mà dân bản xứ Champa không canh tác. Sau đó, họ bắt đầu khai thác những khu vực phì nhiêu hơn do dân bản xứ bán nhượng lại cho họ. Trong những thời gian đầu, tất cả dân cư Việt phải khép mình vào khuôn khổ luật pháp của Champa, có nghĩa là vua chúa của vương quốc này có quyền tuyệt đối, cả quyền sống chết đối với họ. Nhưng sau thế kỷ thứ 17, tình hình dân cư Việt ở Champa đang bước vào một khúc quanh mới. Lợi dụng sự hiện diện của họ trên lãnh thổ Champa, chúa Nguyễn bắt đầu nhúng tay vào nội bộ của vương quốc này với danh nghĩa là nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cư dân Việt sinh sống ở nước ngoài. Sau đó, nhà Nguyễn tìm cách thuyết phục họ để phục vụ cho mục tiêu chiến tranh chống Champa trong tương lai. Điển hình nhất là cuộc xâm lăng nhà Nguyễn nhằm xóa bỏ Champa trên bản đồ đầu tiên vào năm 1692 có sự tham gia đông đúc cư dân Việt sinh sống lâu đời ở vương quốc này. Vì sự vùng dậy nhân dân Champa vào năm 1693, nhà Nguyễn chấp nhận trao trả lại vương hiệu Champa vào năm 1694 với điều kiện là vua chúa Champa phải chấp nhận cho nhà Nguyễn thành lập phủ Bình Thuận đầu tiên trong biến giới Champa nhằm quản lý các cư dân Việt sinh sống ở vương quốc này. Kể từ đó, cư dân Việt này không còn là công dân của Champa nữa, mà là dân Việt của triều Nguyễn. Phủ Bình Thuận không có biên giới nhất định mà chúng tôi gọi đó là biên giới da beo, tập trung tất cả các thôn xóm dân tộc Việt nằm rải rác trên lãnh thổ Champa. Đây là một nhóm cư dân rất phức tạp đối với nhà nước Champa thời đó. Và số dân này đã trở thành một công cụ hữu hiệu nhằm giúp nhà Nguyễn thôn tính Champa bất cứ lúc nào mà họ cần. Bên lề qui chế hành chánh đặc biệt này, sự hiện diện của cư dân Việt còn có một hậu quả khác đó là vai trò của họ trong guồng máy kinh tế ở Champa thời đó. Vì quá nghèo túng, dân bản xứ Champa thường hay vay mượn tiền bạc của cư dân Việt với chỉ số tiền lời định giá hơn 150% năm. Một khi dân bản xứ Champa không thể trả nổi nợ, người Việt xiết đất đai và gia tài của họ như đã ghi trong hợp đồng. Chính sách vay mượn này đã đưa dân bản xứ Champa đi vào con đường nghèo túng đến lúc họ phải bán chồng con của họ cho người Việt để thanh toán nợ vay mượn. Ngoài vấn đề khủng hoảng kinh tế, sự hiện diện của cư dân Việt đã đưa cơ cấu tổ chức thôn xóm và xã hội của người Champa vào một khúc quanh mới và khuyếch đại thêm sự xung đột giữa cư dân Việt và dân Champa bản xứ. Dựa trên quyền uy của nhà Nguyễn, dân cư Việt bắt đầu cư xử như một dân tộc chiến thắng. Họ sẵn sàng tiếp tay với triều đình Huế bắt cứ lúc nào mà nhà Nguyễn cần đến họ. Đối với nhà Nguyễn, chiến lược nhằm tiêu diệt Champa có hiệu quả nhất không phải là giải pháp quân sự mà là giải pháp chính trị, có nghĩa là nhà Nguyễn vận động dân Việt ở phủ Bình Thuận phát huy chương trình khai khẩn đất hoang để làm chủ đất đai, độc quyền trong bộ máy thương mại, kiểm soát hoàn toàn mạch máu kinh tế ở vương quốc này. Vừa đối phó với dân cư thưa thớt, đất đai nhỏ hẹp, quân sự suy yếu, vương quốc Champa không còn đủ khả năng để bảo tồn tư thế độc lập của mình nữa một khi kinh tế của vương quốc này hoàn toàn bị bao vây bởi cư dân Việt ở phủ Bình Thuận. Đó cũng là điểm đáng chú ý trong tiến trình lịch sử của sự bại vong Champa vào năm 1832.
Trước năm 1471, Champa là hải cảng quan trọng trên đường hàng hải nối liền biển Nam Hải và Ấn Độ Dương, cũng là nơi tập trung nhiều tàu bè của các thương thuyền quốc tế. Sau năm 1471, vương quốc này chỉ là một địa thế phụ thuộc trong hệ thống giao thương hàng hải. Sau ngày thất thủ Phú Yên (Harek Kah Harek Dhei) vào năm 1611, và Nha Trang vào năm 1653, chúa Nguyễn đã kiểm soát hoàn toàn khu vực hải cảng Champa ở miền nam mà chúng tôi gọi là mạch máu kinh tế và chính trị của vương quốc này. Một khi đã xâm chiếm Phú Yên và Nha Trang, các tàu bè quốc tế không còn ghé bến Champa nữa. Đó cũng là yếu tố quan trọng để giải thích rằng tại sao Champa hoàn toàn bị cô lập không còn đường dây liên lạc với các nước láng giềng kể từ thế kỷ thứ 17. Một khi bị trục xuất ra khỏi trục giao thông hàng hải quốc tế, Champa đã trở thành một quốc gia hoàn toàn nằm trong gọng kềm của dân tộc Việt. Thế là định mệnh sống còn của Champa không còn nằm trong tay của tập thể lãnh đạo của vương quốc này nữa mà là tùy thuộc vào lòng ưu ái của nhà Nguyễn đối với vương quốc này. hoa sứ, tiếng Hindi cũng là champa
Sống trong một chế độ phong kiến, quốc trưởng Champa, cũng như quốc vương ở các nước Đông Phương, thường kết hôn với công chúa gốc người nước ngoài. Đối với Champa, sự hiện diện của công chúa nước ngoài trong cung đình không mang ý nghĩa như một món quà đổi chát mà là một sự liên kết tình thân hữu giữa hai quốc gia. Sự kết hôn giữa công chúa của nước Đa Đảo (Jawa) và vua Champa là Jaya Sinhavarman III (Chế Mân, -1307) thường tượng trưng cho chính sách bang giao thân hữu giữa hai quốc gia hơn là một cuộc tình trong nghĩa rộng của nó. Nói đến cuộc kết hôn giữa quốc vương Champa và công chúa xuất thân từ nước ngoài, thì người ta phải nói đến cuộc tình giữa vua Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa. Năm 1301, nhân dịp viếng thăm Champa, thượng hoàng Trần Nhơn Tôn hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý (khu vực tỉnh Thừa Thiên). Năm 1306, Huyền Trân Công Chúa sang Champa. Một năm sau, tức là 1307, Chế Mân từ trần mà sử liệu không nói rõ nguyên nhân. Viện cớ là phải đến bãi bể để cầu nguyện trước khi lên dàn hỏa với Chế Mân theo phong tục của Champa, Trần Khắc Chung chờ sẵn gần bờ biển để đưa Huyền Trần chạy trốn về Đại Việt. Thái độ chạy trốn của Huyền Trân Công Chúa trong lúc người chồng của mình vừa từ trần đã đưa các nhà khoa học đặt ra bao nghi vấn : có chăng sự từ trần của Chế Mân không phải là vấn đề tuổi thọ quá cao mà là có sự nhúng tay của Đại Việt trong biến cố này mà Huyền Trân Công Chúa chỉ là người nhận lệnh để thực hành dự án ám hại vua Chế Mân. Nếu không, Huyền Trân Công Chúa có tội gì mà phải chạy trốn? Vì nhan sắc của một công chúa người Việt, vương quốc Champa phải nhượng cho Đại Việt hai châu Ô và Lý thì đúng là món quà quá đắt. Champa còn là nạn nhân của một cặp vợ chồng khác đó là cuộc kết hôn giữa vua Champa là Po Romé (1627-1651) và Ngọc Khoa, công chúa của nhà Nguyễn mà sử liệu tiếng Chăm gọi là Bia Ut (công chúa miền bắc). Sự hiện diện của Bia Ut trong triều đình Champa thời đó có một vai trò khác hẳn với Huyền Trân Công Chúa. Theo truyền thuyết của Champa, Bia Ut đến vương quốc này với một sứ mạng mà nhà Nguyễn đã giao phó, đó là làm thế nào để Po Romé chặt bỏ cây Kraik, biểu tượng cho thần quyền trấn giữ vương quốc này. Nhưng sự thật, Bia Ut đến Champa chỉ làm nhà trinh thám nhằm báo cáo cho nhà Nguyễn biết mọi chi tiết liên quan đến tổ chức chính trị và quân sự của quốc gia này. Sau khi nhận đủ tin tức, nhà Nguyễn xuất quân tấn công Po Romé. Trong cuộc chiến này, Po Romé bị quân nhà Nguyễn vây bắt đem nhốt trong rọ sắt để khiêng về Thuận Hóa với sự chứng kiến của một số nhà truyền đạo Tây Phương ở Champa. Sau biến cố này, triều đình Champa kết tội tử hình Bia Ut và tạc tượng bà ta với cái đầu nhủi xuống đất để hậu thế không quên lịch sử của công chúa người Việt đóng vai mỹ nhân kế này. Ba năm sau ngày thất trận của Po Romé, tức là năm 1653, nhà Nguyễn xua quân xâm chiếm Nha Trang và dời biên giới miền nam của mình đến Cam Ranh. Thế là vương quốc Champa chỉ còn vỏn vẹn trong khu vực Phan Rang và Phan Rí.
Đại Việt và Champa là hai nước láng giềng có hai chủ thuyết chiến tranh hoàn toàn đối ngược nhau. Là một vương quốc hấp thụ nền văn minh Ấn Độ Giáo, chiến tranh của Champa chống nước làng giềng là chiến tranh «chinh phạt» để làm suy yếu đi sức mạnh quân sự và chính trị của phe địch, chứ không phải là chiến tranh chiếm đất đai. Chủ thuyết này đã biểu lộ rõ rệt trong thời Chế Bồng Nga. Hàng năm, Chế Bồng Nga xuất quân ra miền bắc đốt phá thành Thăng Long sau đó rồi kéo quân trở về, nhưng Chế Bồng Nga không bao giờ nghĩ đến chính sách chiếm đất đai Đại Việt để sáp nhập vào lãnh thổ của mình. Nếu Champa áp dụng chủ thuyết chiến tranh nhằm chiếm đất đai thì vương quốc Đại Việt đã bị xóa hẳn trên bản đồ vào cuối thế kỷ thứ 14 rồi. Ngoài ý niệm chinh phạt, chiến tranh của Champa chống nước làng giềng thường mang một yếu tố tín ngưỡng rõ rệt, đó là tàn phá những gì có liên hệ đến uy quyền thần linh của quốc gia phe địch. Nếu Champa đốt phá thủ đô Thăng Long, vì đây là trung tâm chính trị của Đại Việt; dập tan các nơi thờ phượng thần linh, vì đó là các thần giữ nước non của Đại Việt, v.v. Đối với Champa, đập tan thần linh phe địch tức là biểu tượng cho sức mạnh thần linh của mình. Chính vì thế, sau ngày thắng trận, vua chúa Champa thường hay xây đền dựng tháp, dâng lễ vật cho thần linh để bày tỏ sự tri ân của mình. Ngoài màu sắc tín ngưỡng này, Champa còn có một qui luật riêng liên quan đến chiến tranh, đó là không bao giờ dùng chiến lược dương đông kích tây hay nói một cách khác tìm cách đánh lén lút sau lưng địch. Mỗi lần xuất quân, Champa phải hẹn hò trước với phe địch về ngày tháng nhất định và nơi chốn của bãi chiến trường. Vì quá trọng nhân cách quân tử trong trận chiến, Champa thường hay vấp phải những thất bại nặng nề. Đối với Đại Việt, ý niệm về chiến tranh hoàn toàn đối ngược. Chiến tranh là trận chiến quân sự không có mục tiêu chinh phạt phe địch theo nghĩa rộng của nó, mà là để chiếm đoạt tài sản và đất đai của phe địch để sáp nhập vào lãnh thổ của mình. Nói đến chiến tranh, Đại Việt thường hay áp dụng mọi chiến lược, mọi tính toán và mưu mô như dương đông kích tây v.v. nhằm che mắt hay lừa phe địch trong những cú đánh bất ngờ hòng dễ dàng phá tan phe địch cho bằng được. Chính vì thế, chiến tranh của Đại Việt luôn luôn mang màu sắc «đế quốc», tức là dùng sức mạnh quân sự để mở rộng bờ cỏi đất nước của mình. Một khi đã chiếm đất đai, Đại Việt áp dụng chính sách đồng hóa ngay dân bản xứ để họ trở thành người Việt thật sự có cùng văn hóa của người Kinh. Chỉ cần vài thế kỷ, chính quyền Đại Việt đã lột bỏ hoàn toàn tâm linh và tiếng nói của dân tộc Champa sống trên giải đất bị chiếm đóng từ Quảng Bình đến Cam Ranh, không phải bằng bạo lực mà là bằng cách đồng hóa họ để rồi họ không còn nhận diện đâu là nguồn gốc lịch sử của họ nữa. Hôm nay, không có một người Champa nào sống ở miền trung Việt Nam còn biết nói tiếng Chăm là một bằng chứng cụ thể. Đối với Đại Việt, chiến tranh không phải công cụ để đốt phá nơi thờ phượng thần thánh có uy quyền của phe địch, mà là tàn phá những gì thuộc về phe địch dù đó là trung tâm chính trị (tức là thủ đô), dù đó đền đài hay người dân vô tội đi nữa. Nói tóm lại, chủ thuyết chiến tranh của Đại Việt đã đóng góp phần nào rất là tích cực trong tiến trình của sự suy tàn Champa kể từ thế kỷ thứ 10 đến năm 1832.
Nói đến ý thức hệ về biên giới, Champa và Đại Việt cũng là hai nước láng giềng có ý niệm hoàn toàn khác biệt. Đối với Champa, biên giới là nơi giới hạn lãnh thổ của mình đặt dưới quyền bảo hộ của thần linh. Biên giới Champa là biên giới tín ngưỡng, luôn luôn cố định không thể xê dịch và không ai có quyền vượt biên giới này mà không có sự đồng ý của thần linh. Nếu Chế Bồng Nga không nuốt trọn đất đai của Đại Việt một khi đã đánh bại phe địch, vì rằng quốc vương này không dám nới rộng biên giới Champa ra miền bắc, vì sợ thần linh Champa không cho phép. Ý niệm biên giới cố định mang bản chất thần quyền này còn thể hiện qua các sự kiện rõ rệt ở Champa. Mặc dù cùng sống chung trong quốc gia Champa, người Chăm ở đồng bằng, dù là đất đai rất là chật hẹp, họ không bao giờ dám vượt biên giới khu vực của mình để tràn lên cao nguyên sinh sống. Biên giới tín ngưỡng này cũng còn biểu lộ một cách rõ rệt trong cuộc sống của dân tộc Chăm ở khu vực Panduranga trước năm 1975. Một thí dụ điển hình đó sự kết hôn giữa người Chăm Phan Rang và Phan Rí thường ít khi xảy ra. Vì rằng, người con trai không muốn vượt ra khỏi biên giới của quê cha đất tổ mình để lấy vợ ở khu vực khác. Ngoài biên giới khu vực, người Chăm còn có biên giới thần quyền rất rõ rệt của mỗi làng xã. Chính vì thế, họ luôn luôn chấp nhận sống chằng chịt, nhà này kế sát nhà kia trong ranh giới thôn xóm của mình, và họ không chịu nới rộng thêm biên giới thôn xóm này mặc dù họ là chủ nhân đất đai rộng lớn bao la tọa lạc ngay trước cổng làng của mình, để rồi sau năm 1975 người Chăm không còn một miếng đất để xây dựng nhà cửa. Vì không nắm vững ý niệm về biên giới, một số nhà viết lách tưởng rằng người Chăm có bản chất kỳ thị người ngoài làng lấy vợ làng ta. Vì quá trung thành với ý niệm về quê cha đất tổ, dân tộc Champa trở thành một nhóm người thụ động sống quanh quẩn trong khu vực mà họ cho đó là biên giới thần quyền không ai có quyền di chuyển hay xê dịch. Đối với dân tộc Việt, biên giới là nơi giới hạn của một lãnh thổ, nhưng biên giới này không mang yếu tố thần quyền, luôn luôn co giản tùy theo không gian và thời gian. Vì không mang yếu tố thần quyền, Đại Việt có quyền nới rộng biến giới của mình đến bất tận nếu họ có đủ khả năng để bảo vệ. Chính vì thế, biên giới Đại Việt chỉ là biên giới kinh tế và quân sự luôn luôn co giản. Trên lý thuyết, dân tộc Việt cũng có ý niệm về quê cha đất tổ, nhưng ý niệm này chỉ là một hiện tượng chứ không phải là bản chất của dân tộc Việt. Vì rằng, dân tộc Việt luôn luôn có một ý thức hệ rõ rệt về giá trị đất đai. Trong tiềm thức của dân tộc Việt, họ luôn luôn nghĩ rằng : một tất đất, một tất vàng. Từ ý thức hệ đó, dân tộc Việt xô nhau xâm chiếm Champa ở miền nam để biến đất đai thành hàng trăm cây số vàng. Chúng tôi gọi đó là bản chất bành trướng (nature expansionniste) của dân tộc Việt trong nghĩa rộng của nó. Nói tóm lại, ý niệm về biên giới co giản và linh động của Đại Việt cũng là một trong những nguyên nhân đã đưa Champa đến sự bại vong.
Trước thế kỷ thứ 15, Bà La Môn Giáo là quốc giáo ở Champa, nhưng tôn giáo này chỉ dành riêng cho gia đình hoàng gia và vua chúa mà thôi. Người dân thông thường không thể theo tôn giáo của vua chúa được. Vì không thể trở thành người Bà La Môn Giáo được, quần chúng Champa phải tin vào một tín ngưỡng riêng biệt mà chúng tôi gọi đó là tín ngưỡng dân gian. Phong cách sinh hoạt tôn giáo người Chăm hôm này ở khu vực Panduranga là thí dụ điển hình. Tín ngưỡng dân gian này rất đa dạng không mang một lý thuyết đồng nhất, nhưng luôn luôn gắn liền với một số di tích tín ngưỡng như Bimong Kalan (đền tháp), Kut (mộ phần của Chăm Ahier), Ghul (nghĩa trang Chăm Awal) hay Ciet Praok Patra (tổ tiên của thị tộc) nơi tập trung các thần quyền rất là bảo thủ không bao giờ cho phép người Chăm mang các di sản tín ngưỡng này theo họ để định cư nơi khác vì lý do gì đó. Người Việt là dân tộc theo đạo Phật và tục thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng rất là linh động, không qui luật gắt gao và cũng không bao giờ ngăn cấm dân Việt phải giẫm chân một chỗ ở quê cha đất tổ. Tín ngưỡng này cho phép dân tộc Việt hai quyền căn bản, đó là quyền di chuyển và định cư hay sinh sống bất cứ nơi nào trên thế giới này và quyền mang cả ông Phật hay bàn thờ tổ tiên đi theo mình, dù trong xe đò hay chở bằng máy bay sang chỗ khác. Sự linh động của tín ngưỡng này đã đưa dân Việt dấn thân vào mọi cuộc phiêu lưu nhằm tìm nơi sinh kế, chiếm cứ đất đai để lập nghiệp. Nói tóm lại, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, ông Phật và tổ tiên phải có nghĩa vụ đi theo dân cư Việt để sinh sống chứ không phải dân cư Việt giẫm chân lại một chỗ như dân tộc Champa để thờ phượng các thần linh này. Có chăng sự suy tàn của Champa cũng có một phần nào phát xuất từ truyền thống tín ngưỡng mà thần linh là những nhân vật quá bảo thủ không chấp nhận vượt ra khỏi biên giới cổ truyền để phát huy kế hoạch kinh tế được xem như là mạch máu của một quốc gia thời đó.
Gần đây, một số nhà nghiên cứu, vì ít đụng tới các bài nghiên cứu thâm sâu về Champa, cho rằng Champa là quốc gia thống nhất, có thể chế trung ương tập quyền theo kiểu mẫu của Phương Đông. Đây là quan điểm sai lầm mang tính chất phi khoa học, vì các tác giả này không đưa ra một dữ kiện lịch sử nào để minh chứng cho lý thuyết của mình. Trong lịch sử của Champa, triều đại Bhadravarman I (380-413) là vương triều duy nhất đã xây dựng thể chế chính trị Champa dựa theo hệ thống quốc gia thống nhất và trung ương tập quyền theo kiểu Đại Việt và Trung Hoa. Tiếc rằng, thể chế này chỉ tồn tại 33 năm dưới triều đại Bhadravarman, không đủ để kết luận một thể chế chính trị của vương quốc Champa được. Kể từ đầu thế kỷ thứ 20 cho đến nay, tất cả chuyên gia về Champa học đều công nhận rằng Champa không phải là quốc gia thống nhất, trung ương tập quyền, mà là một vương quốc liên bang tập trung năm tiểu vương quốc rõ rệt đó là Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Mỗi tiểu vương quốc có vua chúa riêng, hành chánh riêng và cách điều hành riêng. Trong năm tiểu vương đó, Panduranga là một tiểu vương quốc ở miền nam mang nhiều yếu tố chính trị, hành chánh và quân sự rất là rõ rệt nhằm biểu tượng cho thể chế liên bang Champa thời đó. Mặc dù chấp nhận chung sống trong liên bang Champa, Panduraga thường hay đứng lên chống chính phủ liên bang để bảo đảm thể chế tự trị của mình và đôi lúc vùng dậy đòi quyền độc lập riêng rẻ. Đứng đầu cho vương quốc liên bang là Rajadiraja (vua của vua) chớ không phải là Patao như một số nhà viết lách đưa ra. Thuật ngữ Rajadiraja (vua của vua) có một nghĩa rất là rõ rệt đó là quốc trưởng này chỉ là người đại diện cho các vua ở tiểu vương quốc chứ không phải để cai trị các vua chúa ở tiểu vương quốc này. Muốn trở thành Rajadiraja (vua của vua) tức là quốc vương liên bang, ông vua này thường hay dựa vào thế lực kinh tế, quân sự của mình để buộc các tiểu vương quốc khác phải thần phục. Mặc dù mang chức năng Rajadiraja (vua của vua), quốc trưởng này chỉ là nhân vật đại diện cho Champa trên phương diện pháp lý ngoại giao, vì ông ta không có quyền gì trên tiểu vương quốc khác nếu vua của tiểu vương quốc này không chấp thuận. Thể chế này còn thể hiện một cách rõ rệt ở liên bang Mã Lai hôm nay tập trung 9 vua của tiểu vương quốc. Tổ chức liên bang Champa dưới thời phong kiến có một ưu điểm là phân quyền: Mỗi địa phương tự quyết định lấy chính sách cai trị, hành chánh và thuế má của mình. Nhưng thể chế này thường đưa đến những cuộc tranh chấp công khai giữa trung ương và địa phương vì vấn đề gì đó, nếu quốc trưởng Champa không có đủ sức mạnh để chinh phục các tiểu vương quốc khác. Đây là hậu quả chung của một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có thể chế quốc gia liên bang như vương quốc Lào, vương quốc Mã Lai, v.v. Thể chế liên bang Champa còn có một tai hại khác. Vì cơ cấu tổ chức này không phát huy ý thức hệ đoàn kết của một dân tộc và thường làm suy yếu tiềm năng quân sự của một quốc gia một khi vương quốc này bị tấn công bởi một nước láng giềng. Sự kiện này thường biểu lộ rõ rệt trong sự liên hệ giữa tiểu vương quốc Panduranga và chánh quyền trung ương Champa thời đó. Một thí dụ điển hình đó là bao lần Đại Việt hay Cao Miên xua quân tấn công thủ đô Vijaya ở miền bắc, tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam chỉ ngồi im để làm nhân chứng lịch sử. Vì Panduranga cho rằng đó không phải là vấn đề của họ mà là vấn đề của các tiểu vương quốc ở miền bắc. Thế là ý thức hệ bảo vệ một quốc gia Champa thống nhất nhằm chống lại sự xâm lăng của ngoại bang, hoàn toàn tùy thuộc vào tình hữu nghị giữa quốc trưởng Champa (Rajadiraja) ở trung ương và các vua chúa của tiểu vương quốc. Chế Bồng Nga là nhân vật duy nhất trong lịch sử đã thành công huy động các lực lượng ở tiểu vương quốc vào chiến tranh chống Đại Việt trong những năm 1360 và 1390. Sự thành công này có một nguyên nhân chính đáng của nó, vì Chế Bồng Nga là một quốc truởng có một uy quyền lớn lao mà các tiểu vương quốc nào cũng thần phục. Từ qui chế liên bang này, chúng tôi tạm kết luận rằng những trận chiến của Đại Việt vào năm 1069, 1306 và 1471 nhằm xâm chiếm lãnh thổ Champa chỉ là sự chiến thắng của một thể chế quân chủ tập quyền của Đại Việt chống lại với thể chế liên bang Champa tập trung các tiểu vương quốc thì đúng hơn. * * Sự suy tàn của vương quốc Champa từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 19 phát xuất từ nhiều nguyên nhân chính yếu. Trước tiên là dân cư Champa chỉ tập trung ở các khu vực miền duyên hải chật hẹp với số lượng dân số ít oi, không thể kháng cự lại với cộng đồng khổng lồ của người Việt ở phương bắc mà dân số càng ngày càng tăng gấp bội. Chính vì thế, chiến thắng Nam Tiến của người Việt chống lại dân tộc Champa chỉ là chiến thắng vì số lượng dân cư quá đông đúc. Nhưng chiến thắng này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa đó là chủ thuyết «đế quốc» của vua chúa Đại Việt mà các nhà sử học thường gọi là đấu tranh phát huy chủ nghĩa quốc gia hùng mạnh (poursuite des données permanentes de la grandeur nationale). Sự suy tàn của vương quốc Champa còn có một nguyên nhân khác nữa đó là Champa trở thành nạn nhân của truyền thống văn hóa người Việt. Vì trung thành với chủ thuyết bá chủ và bá quyền, Đại Việt không ngần ngại xóa bỏ Champa trên bản đồ Đông Dương để rồi biến vương quốc này thành một đơn vị hành chánh của mình. Để tiến đến mục tiêu, Đại Việt không ngần ngại sử dụng bất cứ mưu đồ chính trị nào, ngay cả mỹ nhân kế, để nuốt trọn giải đất Champa này. Chính sách dùng cư dân Việt sinh sống ở Champa để phục vụ cho mưu đồ chiến tranh xâm lược chống lại nhân dân Champa cũng là một yếu tố quan trọng để giải thích cho sự suy tàn này. Chính sách xâm chiếm đất đai Cao Miên ở miền nam nhằm cô lập hoàn toàn Champa, trước khi vùng lên tiêu diệt vương quốc này cũng là mưu đồ đáng chú ý trong tiến trình của sự suy tàn Champa. Chính sách lợi dụng nội chiến giữa người Việt để cướp phá tài nguyên Champa, để xâm lấn dần dần đất đai Champa và cuối cùng để xóa bỏ vương quốc này trên bản đồ cũng là một trong những bản chất của Đại Việt đã đưa vương quốc Champa vào con đường suy vong vào năm 1832. (Harak Champaka số 13, 06-06-2006)
-Archives royales du Panduranga du fonds de la Société Asiatique de Paris: Pièces en caractères chinois, Paris, CHCPI, 1984. -Boisselier, J., La statuaire du Champa, Paris, Publication de l'EFEO, 1963. -Bergaignes, A., L'ancien royaume de Campa dans l'Indo-Chine, d'après les inscriptions in Journal Asiatique, XI, 1888, tr. 5-105. -Coedès, G., Les Etats hindouisé d'Indochine et d'Indonésie, Paris, De Boccard, 1964. -Đaï Nam Chính Biên Liệt Truyện (Nhà Tây Sơn), Saigon, 1970. -Đại Nam Nhất Thống Chí (Lục Tỉnh Nam Việt), Tập thượng, Saigon, 1973. -Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 10, Saigon, 1964. -Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Quyển 1, Hanoi, 1962. -Đặng Phương Nghị, Les Institutions publiques du Viet-Nam au XVIIIe siècle. Paris, Publication de l'EFEO,1969. -Finot, L., Panduranga in Mélanges Kern, Leiden, 1903, tr. 381-389. -Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Hanoi, 1970. -Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu, Saigon, 1963 -Huard, P. et Durand, M., Connaissance du Viêt Nam, Hanoi, EFEO, 1954. -Lafont, P-B., Aperçu sur les relations entre le Campa et l'Asie du Sud-Est in Actes du séminaire sur le Campa organisé á l'Université de Copenhague, Paris, CHCPI, 1988, pp. 71-81. -Lafont, P-B. et Po Dharma, Bibliographie: Campa et Cam, Paris, l'Harmattan, 1989. -Lê Thanh Khôi, Le Viêt-Nam. Histoire et Civilisation. Paris, 1955 -Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Quyển 1, Saigon 1972. -Maspero. G., Le Royaume de Champa, Paris-Bruxelles, Brill, 1928. -Nguyên Thê Anh, Le Nam Tiên dans les textes vietnamiens in Les Frontières du Vietnam (Histoire des frontières de la Péninsule Indochinoise), Paris, l'Harmattan,1989, pp. 121-127. -Phan Khoang, Việt sử xứ đàng trong 1558-1777 (Cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam) Saigon, 1969. -Phủ Biên Tạp Lục, Quyển 1, Saigon, 1972. -Po Dharma - Les Chroniques Royales du Panduranga, Paris (Thèse de l'EPHE. Multigraphiés), 1978. - Le Panduranga (Campa): 1802-1835. Ses rapports avec le Vietnam. Paris, Publication de l'EFEO (tập 1 và 2),1987. - Etat des dernières recherches sur la date de l'absorbtion du Campa par les Vietnamiens" in Actes du séminiaire sur le Campa organisé á l'Université de Copenhague, Paris, CHCPI, 1988, tr. 59-67. - Les frontières du Campa (Dernier état des recherches) in Les frontières du Vietnam (Histoire de frontières de la Péninsule Indochinoise), Paris, l'Harmatan, 1989, tr. 128-135. -Quach-Langlet, T., La géographie de l'Ancien Campa, in Actes du séminaire sur le Campa organisé á l'Université de Copenhague, Paris, CHCPI, 1988, pp. 27-48. - Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Tập II, Saigon,1971. - Việt Sử Yếu, Saigon, 1971. |
Subscribe to:
Posts (Atom)