add this

Saturday, September 20, 2014

dốc mơ, ngô thụy miên, ngọc lan




 tranh Helen Frankenthaler, Biển và Núi, 1952


Dốc Mơ
ngô thụy miên * ngọc lan * tôn thất tuệ

lời nhạc
Đêm đã về trên dốc
Gió xôn xao ru yên tình mình
Em có về bên đó
Dõi mắt trông theo
Trông theo tình mình
Mà ngày tháng đâu nào có đợi chờ
Người yêu dấu đưa em về dốc mơ

Đưa em về bên dốc mơ
Là đưa anh vào cõi mong chờ
Tóc rất buồn như áng thơ
Buông hững hờ, tình rồi có như mơ

Em mắt cười như ánh sao
Bờ môi hồng tựa bao lời nói
Nói đi em câu mong chờ
Dấu đêm nay ơ thờ
Tình ơi !

Con dốc này, từ khi được mang dấu giầy em về
Ngày tháng nào đưa em vào ngàn trùng sóng
Hạnh phúc nào từ khi, từ khi quen lối đưa em về qua
Người yêu dấu đã xa thật xa, đẹp như giấc mơ

Em bây giờ như lá khô
Và anh vẫn là nỗi mong chờ
Dẫu đã ngàn trùng cách xa
Bên kia trời biển rộng có bao la

Sẽ có ngày ta có nhau
Thì xin một lần cho lời cuối
Giữ cho nhau thương yêu rồi
Sẽ bên nhau muôn đời
Tình ơi !


[cập nhật 11.2016: những link trước đã không giúp gì vì Youtube đã thâu hồi, rất  may người bạn đời đã cho xem video nầy, tôi giât mình, chưa bao giờ thấy một lần minh họa đep như thế nầy. Ngoài những youtube in nguyên hình đứng yên không di chuyển như hình bìa đĩa nhạc cũ v.v... 90 % các bản nhạc cũ hay ho bất diệt đã bị diệt bởi một thứ thẩm mỹ "lọ" trong hệ thống thẩm mỹ "lọ" mới ra đời (khăn vành nặng cả chục ký trên đầu; Đức Mẹ Maria mặc áo tứ thân ...)]


Vài dòng phụ họa
Vợ chồng tôi đã nghe Anh Ngọc hát và đã nhờ ca sĩ nầy thâu vào băng nhựa to như cái dĩa bàn thời cuối thập niên 1960. Giọng trang trọng quý phái của chàng như một cổ xe đưa nàng lên dốc mơ. Cái nghiêm trang của chàng trong tiếng hát mang tính chất mà tôi mới sáng chế danh xưng: "lưỡng phi lưỡng" thay cho "bất nhị" qua một câu thơ của một nhà tu vô danh:
           Sống là động nhưng lòng bất động
           Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
 .


Nhưng nghiệt ở chỗ nếu lòng chẳng vương vấn thì nghe không khoái cái lỗ nhĩ, vì chính mình cũng rất người, trông ngóng bóng dáng sau dốc mơ.
Chính vì vậy tui thích cái mơ hồ nơi tiếng hát Ngọc Lan, với những khúc rung như sóng mắt lung linh hư ảo, như trong khúc xạ của nước hay khí nóng sa mạc.
Người yêu dấu đưa em về dốc mơ, nhưng em thì có phần mâu thuẩn. Mắt em cười như ánh sao, trong lúc ấy tóc rất buồn như áng thơ, buông hững hờ. Những hiện trạng đó là nền móng cho bâng quơ, cho bâng khuâng. Người yêu dấu đã xa, thật xa, đẹp như giấc mơ. Ngô Thụy Miên thì rứa đó nhưng tui thì:

Trong giấc ngủ dài như tà áo
một con thuyền lướt nhẹ qua sông.
Cây đa lạnh in hình soi bóng nước.
Em về đâu bên đó hỡi em ơi!
Rồi thức dậy, bóng cây dài như tà áo.
Trời nhiều gió, lá vàng bay theo gió.
Có những người không có một mùa thu
để không thấy một lần lá rụng
em về đâu bên đó hỡi em ơi!
nguyện cho em một mùa thu
để em thấy một mùa lá rụng.

Ở bên trên tui nói cần vấn vương mà nghe nhạc cho đã lỗ tai, nhưng đây với cái dật dờ như lá trong gió không bay, thì thấy cần thương mà không vấn vương. Ngô Thụy Miên: em bây giờ như lá khô và anh vẫn là nỗi mong chờ. Anh có nỗi mong mong chờ và anh đã thành sự mong chờ.
Trong mấy chục bản nhạc tình của NTM, Dốc Mơ đơn độc có tính chất thăng hoa (cho dù đem so sánh với Từ Giọng Hát Em gợi từ một câu hát vút cao).
Ngọc Lan, có lần tôi đem so sánh với Francoise Hardy, có lời hát nhẹ không như Mireille Mathieu; nhưng tôi đã sai vì Francoise Hardy chỉ có tiếng hát yếu, không truyền cảm, hình như hụt hơi. Ngọc Lan như một tiếng hát tự nhiên, (thiên thần, angelique nếu người đọc cho phép nói) không cố gắng, không làm điệu.  

Bất diệt chính là nàng, không cần cái subjonctif của Tây để hỏi lắc léo mô tê*.
tôn thất tuệ


*Immortelle qu’elle est, non qu’elle soit.




No comments:

Post a Comment