mẫu từ, Mai Trung Thứ 1965
mắt sương
tôn thất tuệ
Sương mù dày đặc bao kín San
Diego. Tôi đang nghe những giọt sương rơi trên mái từ từ và đều đều như
bước chân của thời gian. Hình như tôi có viết cho cô em về cái vòng sáng to
bằng cái nia nhỏ chụp lấy cái bàn nầy và đôi tay cùng cây viết màu đen. Đố em
ánh sáng của cây đèn nầy có đến được với những hạt sương tròn ấy không, có
đến được để các giọt sương ấy, long lanh như sương trên cỏ chờ ánh nắng. Đố cô
em có như vậy không.
Cô em đang suy nghĩ để trả lời chứ
gì. Em sẽ bảo không vì nơi đây có biên vực tối sáng và sương
ngoài kia rơi vào đêm tối, cái đêm tối đuổi mọi tiếng động cho người nghe,
cho tôi nghe. Em sẽ bảo là không vì sương rơi nhè nhẹ, có
phần e thẹn và núp sau những ngọn lá trâm nho nhỏ cạnh những trái trâm đỏ như
móng tay sơn đỏ. Rồi em sẽ bảo là không vì những hạt sương
dành cho những nguồn sáng bao la, nguồn sáng gần là mặt trời, nguồn sáng xa
là ánh sao xa mờ nhưng lặn lội qua lớp mù sa mà đến với những hạt sương đang
hát trầm buồn bên cây trâm trái đỏ. Những hạt thủy tinh ấy không cần ngọn đèn
nầy với vùng ánh sáng to bằng cái nia. Em còn đưa ra cả triệu lý do khác để
nói rằng ánh sáng cây đèn nầy không đến được với những hạt sương rơi nhẹ lên
mái nhà.
Em suy nghĩ nhiều quá, nhưng những
câu trả lời ấy đều không đúng. Sao em không nói phứt rằng những giọt sương ấy
là mắt em. Và nay nếu em nhắm mắt lại thì ánh sáng ở vùng sáng nầy ngừng ngay
ở bờ mi. Từ đó, những hạt sương, và cũng là mắt em, ở mãi trong vòng tối. Để
bảo vệ cho những hạt sương ấy, em sẽ khép kín đôi hàng mi mỗi khi đi qua nhà tôi
mà còn thấy ngọn đèn vàng.
Tôi đố lại. Đố em ánh sáng cây đen
nầy có đến được với những hạt sương tròn ngoài kia không. Cho em nói lại lần
nữa có hay không. Em vẫn nói là không và bướng bỉnh như bao
giờ. Tôi nói là có, ánh sáng nầy có đến với những hạt sương buồn
ngoài kia.
Em đã nhắm mắt khi thấy ánh sáng ở
phòng tôi rọi qua cửa sổ, ánh sáng thênh thang vì không còn xe cộ. Em nhớ
nhé, trước khi khóa kín cặp mắt sáng như hạt sương, em đã thấy ánh đèn nầy.
Khi dùng sức lực tối đa không cho đôi mi mở cửa, em vẫn biết rằng làm như vậy
vì bên ngoài có vòng sáng tỏa rộng trên bàn tôi. Em đã thua rồi, không đáp
đúng. Ánh sáng cây đèn nầy đã đến với những hạt sương trầm buồn, chẫm rãi
trong đêm vắng, những hạt sương của đôi mắt
em.
***
Đó là cây đèn. Cây đèn chưa phải
là tôi. Câu hỏi tiếp: đố em tôi có đến được với những hạt sương tròn
ngoài kia đang hát tiếng thời gian? có hay không?
(Trong khi em suy nghĩ, tôi nói
thêm. Cây đèn chưa phải là tôi. Có lúc tôi ngủ mà quên tắt đèn. Nhiều khi
không có nhà mà vẫn mở đèn cho kẻ cắp tưởng có người. Tôi có quyền hư trương,
như chính cuộc đời được hư trương).
Tôi cũng đoán được câu trả lời
'không" của em: tôi đang ở trong phòng, xa cách với bên ngoài bằng lớp
cửa kính và vạn thứ khác . Tôi có phá tung vỡ được những vây hảm vật chất ấy
thì sương kia đã tái tê; mà tôi đâu phải là kẻ đi tìm cái tái tê như thường
nói với em. Mà sương hát, mặc kệ sương, đâu có hát cho ai. Sương đâu phải là
ca sĩ phòng trà người mua vé vào nghe. Sương hồn nhiên không giống những thứ
rắc rối của con người.
Tầm bậy, tôi có thể vượt qua những
cản ngăn vật chất để đến với sương. Dễ quá mở cửa ra, đi vài bước là có sương
ngay. Còn sương mà tái tê à? Sự trong suốt của sương hay tác dụng của sương
trên làn da là tiếng gọi đánh thức ta ra khỏi sự tái tê thường ngày, đánh tan
tình trạng khằn cứng bởi những nếp sống khô cằn của cuộc đời. Giông
giống như lấy nước đá lạnh đổ lên đầu người say cho tĩnh dậy. Sao em
dám nói sương tái tê?
Khen một ti, em nói thật hay: "Sương hát hồn
nhiên". Không biết mình hát thì mình mới là ca sĩ thật sự. Không hát cho
người nghe mà người nghe mới tuyệt diệu muôn đời. Không gọi người đến mà
người đến mới thật thâm sâu.
Hôm tôi gặp em lần đầu, em mặc
chiếc áo trắng và chiếc quần jean màu hoa cà; không một chút hương phấn. Chắc
chắn em đã hồn nhiên chọn những thứ ấy khi bầu trời trong sáng nắng ấm bao
phủ thành phố. Em không nghĩ có cả triệu người đứng chờ em để nhìn vẻ đẹp nơi
em. Em không nghĩ mình là công chúa Diana của nước Anh qua thăm xứ Mỹ; cũng
không phải là người mẫu thời trang đứng trên sân khấu xoay qua xoay về cho cả
ngàn con mắt ngắm nghía và cả triệu người khác đang xem em trên TV.
Chắc chắn em không thể biết ngày
ấy tôi gặp em. Hôm ấy nếu em muốn xuất hiện như công chúa Diana hay người mẫu
và nếu em vẫn ở trong những kiểu cách của thời đại, có lẽ em đã cho vài giọt
nước hoa vào chiếc khăn tay, thêm một tí keo thơm cho mái tóc bớt bềnh bồng,
thêm một màu son đỏ cho mười ngón tay, chọn đôi giày cao hơn ... Giá như sự
thể như vậy, chẳng khác nào em bắc loa gọi mọi người mà nói: Tôi đây, tôi đi
chợ như bà hoàng xứ Ba Tư; có ai làm thơ thì cứ ra mà nhìn mà ca ngợi, có ai
viết nhạc thì ra đây mà tìm ý nhạc.
Lúc ấy chỉ có những người bán son
phấn ra chào em, mời em mua những mỹ phẩm mới nhất, họ kéo tay em và sơn vào
mười móng tay mười thứ son hảo hạng. Họ sẽ phóng loa mời mọi người đến xem
những sản phẩm ấy trên người em. Chấm hết.
Nhưng em đã không làm như vậy. Em mặc chiếc quần jean màu hoa cà như vườn cà trổ
hoa. Em mặc chiếc áo trắng như đám mấy trắng linh hoạt nơi nền trời xanh. Gió
vẫn thổi tuy không thổi vì tóc em, nhưng tóc em vẫn bồng bềnh theo gió. Khi
gió ngừng tóc em vẫn xuôi theo chiều của trọng lực, hướng về trọng tâm của
trái đất.
Trong sự thể ấy tôi đã đến với em
và rất thương mến em.
Và giờ nầy trong cái hồn nhiên
tương tự như hồn nhiên nơi em, những hạt sương tròn vẫn hồn nhiên rơi nhẹ và
hát trong đêm. Tôi đã đến được với những hạt sương kia, không cần đập nát cửa
kính đưa tay hứng những giọt thủy tinh trong suốt. Em thua chưa? Tôi đã đến
được với những hạt sương, những hạt sương của đôi mắt em; cũng như ánh sáng
của cây đèn nầy đã đến với những hạt sương kia.
***
Lại một câu đố nữa. Cái vòng sáng
nhỏ chụp lên cái bàn nhỏ nầy cùng đôi tay và cây bút, đã đến với em, với
những giọt sương như đã nói trên. Nhưng đố em cây đèn nầy có đến được với tôi
không?
Khỏi phải chờ câu trả lời của em
với những lý luận lòng vòng, tôi nói ngay "được". Ngọn đèn nầy là
một nguồn sáng như ánh sáng của mắt em, như nhiệt tình tim ấm của em. Tôi đến
được vì lòng tôi chẳng có gì tái tê dù sự thể bên ngoài có ra sao.
Em lại tủm tỉm cười vì tôi lạc đề.
Cây đèn có đến được với tôi không? Cảm ơn em đã nhắc lại câu hỏi. Nó đến được
và không đến được.
Hồi nãy tôi đã nói nhiều khi em
thấy ánh đèn mà không có tôi vì tôi đi vắng quên tắt. Tôi đã không có đó thì
nó đến với ai. Hoặc tôi vẫn ngồi đấy mà tâm hồn đã chết đã tái tê, đã thành
một bị thịt lúc ấy ánh sáng nầy chỉ chiếu vào cái xác chết. Không thể so sánh
cái xác nầy với những hạt sương của đôi mắt em, bằng cách căn cứ vào tính
chất vô tri. Tâm hồn tôi đã chết trong khi tâm hồn của hạt sương vẫn còn để
hát trầm buồn trong đêm. Trong sự thể ấy, ấm áp của lòng em không đến được
với tôi, một kẻ khô cằn, không khác gì đống thịt ngoài siêu thị.
Cây đèn ấy có thể không đến với
tôi vì nó đã tắt mà tôi cứ nghĩ nó sáng như thiên văn học cho biết những vì
sao đã hủy diệt mà ánh sáng chưa đi hết đoạn đường nên còn đến với trái đất
của chúng ta.
Vì cần phải đi đêm, một người mù
tay cầm cây đèn dầu. Một lúc ông ta bị một bộ hành khác chạm nên mắn kẻ kia
không thấy cây đèn mà tránh. Đáp: thưa ông cây đèn của ông đã tắt, ông đang
cầm cái bình dầu chứ không phải cây đèn.
Mà nầy em, khi nào trái tim ấm của
em không còn ấm nữa thì nói cho tôi hay nhé. Đừng để tôi phải làm người mù
trong câu chuyện trên. Nói bậy chút xíu chớ trách nhé.
***
Giờ nầy tôi vẫn thắp cây đèn nầy;
khi lạnh sưởi ấm đôi tay. Những giọt sương vẫn giữ tiếng trầm buồn thư thả
trong khi mù sa vẫn nêm cứng, làm ngạt thở mọi vật. Khuya lắm rồi; tôi sẽ đi
ngủ nhưng sẽ để cây đèn chiếu sáng, không phải vì quên. Nếu có một loài chim
sống về đêm bay qua đây, nó sẽ không nhắm mắt như em nhắm mắt mỗi khi thấy
vòng ánh sáng nầy, không phải khóa đôi mi như em đã làm.
Tôi vẫn nghe những dạ khúc của loài sương. Tôi sẽ bỏ bút
xuống sau khi nhắc với lớp mù sa, với những hạt sương, những hạt sương của
đôi mắt em, một ý thơ của Trụ Vũ:
Khi nhật nguyệt linh đài đổ vỡ
sẽ còn ngọn đèn nơi cửa sổ phòng anh
ngọn đèn soi sáng hồn thơ và ý đạo
soi sáng hồn thơ trong anh
và ý đạo trong lòng em.- |
tranh Degas
gởi gắm
tôn thất tuệ
Em biết rõ bên cây
trâm trái đỏ
lá thở dài não nuộc suốt canh thâu
hương trầm lắng nét buồn miên mãi
ánh đèn vàng tỏa dịu khối sương đen.
Em đi qua những đêm sầu tím ruột
em cay cú đống sách dày
vô ý
không cứu anh ra khỏi nỗi cô đơn.
Em ganh ghét
bức tranh thiếu nữ
mãi trông
anh nơi quán lạc đường mây
bước lững thửng thềm hoang hí
viện
phấn chưa nhòa tay
vói nép trong khung;
những vũ khúc ballet
trên giấy
của Degas đưa anh lạc chốn nào
dậy thương nhớ rừng ca dao của mẹ
dịu như thơ nơi bước nhảy huy hoàng.
Em biết rõ bên cây
trâm trái đỏ
bóng chiều về chen lấn bóng thôn
xưa
gần cuối ngõ anh đếm từng hột đoát
quả bàng khô đập hạt ngọt tinh dầu
củ khoai nướng anh quên
cần câu cá cắn
anh học bài Lã Vọng rồi chăng?
Thời thơ ấu anh nằm dài trên kệ sách
móc chân
treo đĩnh núi thái hòa
kêu Nghiêu
Thuấn ngồi lưng trâu gõ nhịp
mép bờ ao rau ngọc họa theo lời.
Những biển động xôn xao
mùa lá thắm
tóc anh xanh
nhuốm đỏ máu yêu đời
vào buổi tối tìm bước đi nơi kinh sử.
Anh để lại tháng ngày
ước nguyện
những vấn vương bên dòng sông
Bến Ngự
gốc sung neo
thuyền cụ Phan lỡ vận
có người thương mắt héo chờ mong.
Lạc xứ người
anh giam
mình nơi căn phòng lạnh lẽo
em đi qua nỗi sầu tím ruột.
Em gởi gắm cây trâm
trái đỏ
nhắc nhở anh giờ cơm đã đến
ngủ đi thôi đừng thức mãi đêm khuya.
Em đi qua nhắm mắt không muốn thấy
ánh đèn vàng đổ giọt từng canh.
Gởi gắm anh cho bức tranh thủy mạc
có khúc cầu bắc nhịp sương thu
lồng chữ viết của người thơ phượng múa
quảy rong sim vỗ cánh quá
ngân đình.
Gởi gắm anh cho
nàng tiên xa thẳm
ru hồn anh trong
mộ khúc bình minh.
Gởi gắm anh ... gởi gắm anh ... em
gởi gắm
em gởi gắm tự lòng em rối rắm.-
Cây trâm trái đỏ: một cây có thực ở VN hay ở một địa phương nào?
ReplyDelete