add this

Friday, June 30, 2017

tha thiết với quê nhà, Camus

Albert Camus viếng cổ thành Tipasa
tha thiết với quê nhà
Claire Messud, ttt dch

“Giữa bầu trời và các khuôn mặt hướng về bầu trời, không 
có chỗ nào để treo móc thần thoại, văn chương, luân thường 
hay tôn giáo; mà chỉ có sỏi đá, da thịt, tinh tú và những chân 
lý tay người có thể sờ mó được”. Albert Camus

Vào một mùa Giáng Sinh trong thời gian tôi mới vào tuổi đôi mươi, mẹ tôi, chị tôi và tôi đi lễ giữa khuya về thì thấy cha tôi, một người rất riêng rẻ và xưa nay cương quyết không hành đạo, đang xem trên truyền hình Đức Thánh Cha John Paul II làm lễ tại (thánh đường) St Peter, nước mắt rưng rưng. Ai cũng ngạc nhiên và khó chịu khi thấy cảnh nầy cho nên tôi hỏi tại sao ông khóc. Cha tôi nói: “Mới rồi bố nghe thánh lễ bằng tiếng La Tinh, bố nghĩ rằng bố có một tôn giáo và một quê nhà”.

Cha tôi, giống như Albert Camus, là một “pied noir”, người Algérie gốc Pháp. Trẻ hơn nhà văn tương lai nầy 18 tuổi, ông sinh trưởng ở Bab el-Oued, một khu thợ thuyền không như Belcourt của Camus. Ở đây ít ai có tiền bạc nhưng ông tôi là một sĩ quan hải quân. Cha của Camus tử thương trong những ngày đầu của Thế Chiến I khi đứa con trai mới lên một. Camus và người anh được nuôi dưỡng bởi bà mẹ không biết chữ gần như điếc, bởi bà ngoại rất cứng cỏi và bởi người cậu chuyên nghề làm thùng và hầu như câm.

Giống như Camus, cha tôi học trung học Bugeaud, ngồi chung lớp với (triết gia) Jacques Derrida và tiếp đó là trường luật. Năm 1952, cha tôi qua Mỹ theo chương trình học bỗng Fulbright, danh sách học viên Pháp cho thấy ông là người duy nhất ở Algérie. Rồi từ đó sống đời xa xứ, ở Pháp, Úc và Bắc Mỹ. Nhưng chắc chắn lúc ông ra đi, không biết rằng trở về là điều không thể thực hiện.

Ông tôi, chỉ lớn hơn Camus tám tuổi, xuất thân từ một nơi nghèo hơn, Bida, khu tây nam Algérie. Bà cố, một giáo viên tiểu học và con của một bồi bàn không biết chữ, một mình nuôi nấng bốn đứa con. Đứa nhỏ nhất, ông tôi, giống như Camus, thừa hưởng hệ thống giáo dục của Pháp dựa vào sức học, tìm đường ra khỏi cái nghèo khó tăm tối, bước vào trường danh tiếng Polytechnique ở Paris, và sau đó gia nhập Hải Quân, làm sĩ quan nhà nghề. Là một con chiên ngoan đạo và là một người yêu nước Pháp nồng nhiệt, ông cũng ngưỡng mộ sinh quán Algérie. Thư từ giữa hai ông bà đầy thiết tha với quê cảnh, nồng nàn như tình cảm dành cho nhau.

Không ai trong gia đình mở miệng nói một lời về Cuộc Chiến Algérie; mọi người đều kể những chuyện trong hai thập niên 1930 và 40 vào thời cha tôi và cô bác còn nhỏ; những gì xẩy ra về sau đều được giữ nguyên trong im lặng. 1955, ông tôi được bổ nhiệm qua Rabat, Maroc; hai ông bà không còn sống ở Algérie nữa. Những năm cuối thập niên 1950, cha tôi làm luận án tiến sĩ về Thổ Nhĩ Kỳ, tại trường Cận Đông Học, Harvard. Sau khi ông qua đời, trong khối giấy tờ, luận văn, sách báo, tôi tìm thấy rất nhiều tài liệu về các sôi động, xáo trộn ở Thổ và các nước chung quanh như Ai Cập, Liban, Syrie, Pakistan, Ấn, Libie, nhưng không một chữ về quê nhà của ông. Theo như tôi hiểu, những giọt nước mắt cô độc 25 năm trước là cách diễn đạt duy nhất những xúc động dành cho thế sự quanh mình.

Ngày 5-7-2012, Algérie tổ chức mừng 50 năm độc lập khỏi nước Pháp. Cho đến khi chết vì tai nạn xe cộ ở Sens  tháng giêng 1960, ở tuổi 46, hai năm rưởi trước hiệp ước đình chiến Evian, Camus luôn là một khuôn mặt cho hai phía tả khuynh và hữu khuynh xỉ vả mắng chửi; họ xem ông đồng thời vừa ngây ngô vừa cứng nhắc trong hy vọng ráo riết có một giải pháp Algérie ôn hòa. Cuối 1958, Camus viết rằng mục tiêu của ông là: “thực hiện tương lai duy nhất có thể chấp nhận: thứ tương lai trong đó nước Pháp – luôn nhiệt tình ôm ấp truyền thống tự do – xử sự công bằng đối với mọi cộng đồng ở Algérie, không bênh ai, không bỏ ai”.

"L'entranger" Albert Camus

Ngày 7-11-2013 đánh dấu Camus 100 tuổi. Nghệ sĩ kiêm luận sĩ của chúng ta – tác giả L’Etranger, 1942, L’Homme Revolté, 1951 – còn nguyên trong sự ái mộ của độc giả. Nhưng lập trường của ông về vấn đề Algérie gây nhiều tranh luận, trước và sau khi ông chết.

Cuốn sách Algerian Chronicles mới xuất bản cho Camus một cơ hội trễ muộn để tự biện minh trước công chúng nói tiếng Anh. Cuốn sách nầy nói lại tiếng nói công khai sau cùng của ông về vấn đề nầy như nó được ghi trong ấn bản đầu tiên tháng 6-1958. Việc phát hành nầy đánh dấu hai năm rưỡi im lặng của mọi người, cái im lặng mà Kaplan (bĩnh bút ấn bản tiếng Anh) cho là đồng lõa với ươn hèn, mà gia đình tôi thì gọi là hấp hối. Im lặng ấy vẫn còn tiếp tục ngự trị.

Cuốn sách không được chào đón nồng hậu vì nó ra đời theo sát chân tác phẩm của Henry Alley: La Question mô tả linh động việc tác giả bị tra tấn trong nhà tù Barberousse ở thủ đô, nhanh chóng thành best seller và bị chính quyền Pháp tịch thu. Cuốn sách nầy, và các cuộc tranh luận do nó gây ra, đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên dư luận Pháp; do đó không thể bỏ qua, hay không ngó ngàng đến các sự kiện liên quan đến tra tấn bởi quân lính Pháp.
Một năm sau La Question, cuốn La Gangrene đăng tải bảy tập tường trình của bảy nhà trí thức và sinh viên trẻ Algérie bị tra tấn bởi chính quyền Pháp tại Paris. Cuốn nầy cũng như cuốn của Alley nhanh chóng bị trừ khử ở Pháp. Nó được dịch qua tiếng Anh bởi Robert Silvers, bĩnh bút tờ The New York Review of Books. Nhà xuất bản Lyle Stuart đã giới thiệu trên bìa sách như sau: Những cuộc tra tấn nầy không xẩy ra trên con đường hẻo lánh của một ngôi làng quê góc núi. Chúng xẩy ra ngay trong trung tâm của Paris, xẩy ra tám tháng sau khi de Gaulle cầm quyền, và xẩy ra trên dưới 100 mét cách Điện Elysée”.

http://www.operationworld.org/files/ow/maps/lgmap/alge-MMAP-md.png

Camus không còn là phát ngôn viên cho đề mục nầy: lúc trẻ, Camus đã tiên phong làm cho quần chúng chú ý đến các khổ đau của người Algérie địa phương. Nhưng trong thập niên 1950 người ta tin rằng ông đã xa lìa, không nắm vững các thực tại của quê nhà. Chẳng phải vì không còn chú ý hay không còn dấn thân mà vì quan niệm tổng quát cho rằng Algérie không thể là Algérie tách ngoài nước Pháp về mọi mặt. Trong thời gian xẩy ra các sự tàn ác của hai phe, nhiều người quanh Camus ghi nhận sự tất yếu một nước Algérie độc lập. Khi ông giáo thương yêu nhất và là người đỡ đầu của Camus, Jean Grenier, nói rằng Pháp phải bỏ thuộc địa nầy, tác giả cương quyết phát biểu: “Không thể được, nước Pháp không bao giờ có thể quẳng ra biển một triệu hai trăm ngàn người Pháp”.

Algerian Chronicles qui tập các bài viết về Algérie của Camus trong 20 năm qua; từ khi khởi sự tường trình sự nghèo khổ ở vùng Kabylia cho tờ báo Alger Républicain tháng 6 năm 1939 cho đến lời kêu gọi năm 1956 một cuộc ngưng chiến dân sự mà ông đã nêu lên lần đầu trong một cột báo của L’Express và sau đó trình bày với công chúng Algiers trong những cuộc nhóm họp hổn loạn và tai hại trong ngày 22 tháng Giêng cùng năm. Tuyển tập nầy được hoàn tất với lời tựa của chính tác giả năm 1958 cùng các phụ bản làm sáng tỏ các vấn đề liên quan.

Độc giả, sau khi duyệt xem tuần tự các nhận định, những lập luận, sẽ thấy nơi Camus một sự tin tưởng luân lý không thay đổi, một cái nhìn lạc quan, một biệt tài theo sát các nguyên tắc công lý của chính ông, ngay cả trong những lúc mọi người nhảy vào cuộc tranh luận với nhiều cảm tính gây hổn loạn. Lập trường của ông về Algérie trong thập niên 1950 không những chỉ nẩy mầm từ các bài tường thuật ở Kabylia mà còn từ những bài viết năm 1939 cho tờ Alger Républicain trình bày các lập trường triết lý và khuynh hướng hòa bình. Trong bức thư không niêm 1948 gởi Emmanuel d’Astier (ký giả, chính khách), ông viết: “Tôi chỉ nói ngắn gọn chúng ta phải từ bỏ việc cho bạo động tính chất chính đáng, dù vì lý do tồn vong chính trị, hay vì triết lý độc tài. Bạo động không thể biện minh”.

Algerian Chronicles
Những lời trên không xa khác với lời tựa 1958, trong đó ông lưu ý người Pháp “chúng ta phải từ chối biện minh cho những phương pháp ấy (tra tấn và đàn áp) với bất cứ lý do gì, cho dù nhân danh sự cần thiết, sự hữu hiệu. Một khi có người biện minh dù gián tiếp thì mọi lề lối và giá trị đều bị đánh đổ. Ông cũng nói với Mặt Trận FLN (MT) rằng dù bảo vệ bất cứ thứ chính nghĩa nào mà tấn công bừa bãi các đám người vô tội, thì cả hai phe đều sẽ bị kết án.

Đồng thời ông cũng mắng mỏ những nhà trí thức xa lông (ngầm hiểu Jean Paul Sartre) đứng ngoài xa ủng hộ bạo động khủng bố: "Mỗi bên đều biện minh hành động của mình bằng cách nêu tội ác của bên kia. Đây là ngụy biện tồi tệ bằng máu mà theo tôi các nhà trí thức không được dùng tới”.
Chính sự trong sáng luân lý nầy đã làm Camus vỡ mộng đối với Cọng Sản và đẩy mạnh ông trong việc chống đối án tử hình. Nhiều lần Camus đã lên tiếng bảo vệ mạng sống của những người hợp tác với Nazis và các người khủng bố của MT.

Không có gì thay đổi nơi Camus nhưng tình hình Algérie thay đổi. Chuyến đi 1939 viếng thăm Kabylia –vùng phía bắc của dân Berbers – phơi bày cho ông thấy nạn đói kém và sự bại hoại trước đó không ai tưởng tượng ra. Giống Chekhov viếng thăm Shakhalin, ông bị chấn động sâu xa bởi cảnh khổ mà ông chứng kiến. Những bài báo thiết tha của ông đầy những sự kiện: một gia đình tám người cần 120 ký bột mì mỗi tháng nhưng tháng qua họ chỉ kiếm được 10 ký. Ông cũng đưa ra các đề nghị cấp tiến: hủy bỏ rào cản nhân tạo giữa trường Âu Châu và trường địa phương; phải xây thêm nhiều trường nữa.
La fille et les baguettes by jam-L (Algeria)
bé gái Algerie và bánh mi baguette

Đáp lại, chính quyền không thay đổi gì mà còn đóng cửa tờ báo, trục xuất Camus khỏi Algérie để lưu trú ở Paris từ tháng 3 năm 1940.
Camus lại có dịp quay mắt nhà báo về các vấn đề của sinh quán, theo dõi trên tờ Combat (báo Kháng Chiến) cuộc nổi dậy ở Setif ngày 8 thg 5, 1945, đánh dấu mốc đầu tiên Chiến Tranh Algérie (tuy nhiên không có thêm bạo động cho đến 1954). Như Alistair Horne viết trong A Savage War of Peace, trong vòng năm ngày, ở Setif và phụ cận, 103 người Âu châu bị sát hại, 100 người khác bị thương: “nhiều xác chết bị dập nát; đàn bà bị cắt vú, đàn ông bị cắt bộ phận sinh dục nhét vào miệng”.

Nhưng việc trả đủa và đàn áp của quân lính Pháp đã đưa con số nạn nhân từ 1.300 đến 45.000 người. Nhà thơ Kateb Yacine nói ông không bao giờ quên cuộc chém giết dã man hằng ngàn người Muslim; từ lúc ấy 16 tuổi, ông đã ý thức một chủ nghĩa quốc gia hình thành trong đầu óc.

Tại nước Pháp, báo chí không đề cập các chi tiết thuộc các biến động nầy. Nhưng Camus đã để riêng mục Khủng Hoảng Algérie để viết về vùng sôi động nầy. Một lần nữa, ông tả lại cảnh nghèo đói, tình trạng kinh tế suy bại để hậu thuẩn cho việc người xứ thuộc địa đòi hỏi tự do; ông nêu rõ rằng nhiều người Algérie đã chiến đấu cho nước Pháp, ông tố giác Pháp không làm gì để thực hiện mục tiêu dài hạn của chính phủ là hội nhập và cấp quyền công dân cho mọi người Arab tại Algérie; phải thay đổi kịp thời trước khi mất thời cơ và không nắm được tình thế.

C
amus kết thúc loạt bài bằng cách ủng hộ lãnh tụ ôn hòa Ferhat Abbas và đảng Union Démocratique du Manifeste Algérien chủ xướng hiến pháp và quốc hội; đồng thời Camus nhấn mạnh đến sự cần thiết của công lý, « khắp nơi trên giới, không riêng gì ở Bắc Phi, nếu không có công lý thì không có cái gì mang tĩnh từ ‘français’»  

Khoảng giữa 1945 -54, dân chúng Arab ngày càng đòi hỏi những điều quá khích, đi theo chiều hướng cách mạng, đòi độc lập. Điều đáng nói, trong khoảng thời gian nầy, Camus – chán ngấy chủ thuyết Staline – viết cuốn L’Homme Revolté. trong đó ông đòi suy xét lại các ý kiến thành khuôn về cách mạng (cả cách mạng Pháp) và ông nhận định rằng các cuộc cách mạng thời nay đều đem lại các chính thể tập quyền độc hại.

Camus nói với một lãnh tụ MT: người ta nói với tôi và anh rằng thời buổi tương nhượng đã qua, bây giờ mục tiêu là phát động chiến tranh để mà thắng; nhưng cả hai bên, không ai là kẻ thắng. Lúc nầy là đầu năm 1955, cái nhìn màu hồng đẹp tươi và bền bỉ ấy đã đưa Camus đến một ngõ rẻ, xa cách với thực tế. Ông cho là ấu trỉ bất cứ ai tin Pháp sẽ bất thần tiêu ma, ông tiếp tục tin không ai thắng ai bại. Giữa lúc ấy MT quyết định giành độc lập bằng mọi phương tiện cần thiết. Tháng 9-1956 MT bắt đầu đường lối chính thức tấn công thường dân. Bom nổ khắp thị thành.

Trong lúc ấy, người gốc Pháp, pied noir, được phép mang vũ khí, do đó mức độ sợ hãi và bạo động gia tăng. Cuối 1956 khủng bố hữu khuynh khởi động với sự ủng hộ của quân đội và nhóm hành động (nhóm nầy về sau thành lập Tổ Chức Quân Đội Bí Mật). Tháng Giêng 1957, tướng Massu kiểm soát thủ phủ Algiers với thẩm quyền quân sự không giới hạn mới được giao phó. Tra tấn người Algérie và Âu Châu bất đồng chánh kiến xẩy ra liền liền; và bên phía MT cũng tra tấn không kém.

Tình hình Algérie đã thành vô vọng, vào lúc Camus, như một hành động công khai cuối cùng, đưa ra lời kêu gọi đơn giản và tâm huyết, đề nghị một sự hưu chiến dân sự cuối tháng giêng:
Chúng ta muốn gì? Chúng ta muốn phong trào Ả Rập và chính quyền Pháp cùng lúc tuyên bố rằng cho dù các biến động còn tiếp diễn, thường dân lúc nào cũng được tôn trọng và bảo vệ. Hai bên không cần phải gặp gỡ nhau hay làm một điều chi khác, chỉ cần nói như vậy và làm theo.
Lời yêu cầu nầy được đón nhận trong sự lãnh đạm của hai bên; tiếp theo sự thất bại nầy, mọi lời tuyên bố công khai đều không được ông ủng hộ. Nhà văn Tunisie gốc Do Thái Albert Memmi viết cuối 1957:
Camus bị ép buộc phải im tiếng, bởi vì mọi điều liên quan đến Bắc Phi đều làm ông tê liệt. nhưng phải hiểu rằng ông ở trong hoàn cảnh khó khăn; cả trên hai phương diện trí thức và tình cảm, dễ gì đưa mọi người trong cùng gia đình đứng về một phía đang bị luân lý kết tội.

Và từ một cái nhìn đương thời, Robert Zatetsky (người viết tiểu sử Camus) đã hùng hồn nhận xét:
Sự im lặng của Camus trước cuộc chiến tàn phá Algérie – sinh quán và nguồn xuất phát hầu hết các hình ảnh địa giới đẹp đẽ nhất của Camus – không phá vỡ những giới hạn và giá trị của luân thường, luân lý. Thật vậy, nó xuất phát từ nhận chân của ông rằng cả hai phía trong cuộc tương tranh nầy đều có người bị ô nhục khốn khổ: đại đa số người pieds noirs và người Ả rập.

Sự chân thành và sự nhất quyết của Camus duy trì sự trong suốt luân lý ít ai có. Ông thấy rằng “thời đại chủ nghĩa thuộc địa đã cáo chung” nhưng ông cảm nhận rằng “vấn đề duy nhất bây giờ là nêu rõ các giải pháp rõ rệt và thích ứng. Trong trường hợp nầy là đường lối ôn hòa: công nhận quyền của mọi thành phần trong xã hội, gồm cộng đồng của riêng ông.

Nhưng nhìn quanh, bạn bè, người quen biết v.v…đều giả dối và mưu toan. Ngồi an toàn yên ổn dưới các mái che của các quán café Paris, Sartre và Simone de Beauvois ca ngợi hoan hô MT như họ đã hoan hô Staline. Raymond Aron thì xét cuộc khủng hoảng bằng bài phân tích kinh tế so sánh mức lợi và chi phí; thuộc địa Algerie không khả dụng về tài chánh cho nên Pháp phải bỏ đi. Chính quyền quân sự và dân sự đã làm thương tổn danh dự của Pháp vì tra tấn và bạo động. Camus đã gặp De Gaulle tháng 3-1958, hai tháng trước khi ông khổng lồ chấp chánh đề nghị cho mọi người Algérie có quyền công dân Pháp, ông tướng mỉa mai: được, chúng ta sẽ có năm mươi thằng mọi trong Hạ Viện”.

Tuy nhiên trong thực tế, lời kêu gọi hưu chiến của Camus không hoàn toàn bị lãng quên. [Nhà văn và nhân chủng học Germaine Trillons, giống như Camus, đã sống trong những năm 1930 với thổ dân trong vùng núi Aures, khi làm luận văn tiến sĩ]. 1954, bộ trưởng nội vụ Francois Mitterand phái bà trở lại Algérie để quan sát tình hình. Bà đã đệ nạp một bản tường trình về các điều kiện sinh sống của người Muslim, trong cùng cách nhìn với Camus. 18 tháng sau lời kêu gọi của Camus, 6-1957, bà Trillons gặp kín thủ lãnh MT Saadi Yacef. Sau bốn giờ thảo luận, bà trở về với sứ mệnh đề nghị chính phủ Pháp chấp thuận một cuộc hưu chiến dân sự song phương.
Để tỏ thiện chí, Yacef đồng ý rằng MT sẽ không tạo ra tử vong, thiệt hại cho thường dân trong một tháng. Trillons hội đàm với De Gaulle và với chính phủ. Tuy kết quả không đi đến đâu, Trillons vẫn cố trở lại gặp Yacef vào tháng tám, để thêm một lần nữa không có gì trong tay, mà còn bị Yacef trách móc: “Tôi không biết chuyện nhà của bà ra sao; nhưng tôi tin lý trí sẽ được đem ra sử dụng, nhưng chúng tôi đã thất vọng”.

Ký giả Jean Daniel, cũng là người Pied Noir, vào cuối thập niên 1950, đã không đồng quan điểm với Camus về số phận của Algérie. Trái với Camus, Daniel chấp nhận thương thuyết với MT và kêu gọi độc lập. Khi nghe Daniel nói độc lập của Algérie là điều không tránh được, Camus đã trả lời:
Đối với một ký giả, kể cả ký giả dấn thân, hay đối với nhà trí thức, điều đó có thể mang ý nghĩa gì? Bạn lấy quyền gì mà định một hướng đi cho lịch sử? Mấy chữ không tránh được chỉ dành cho những kẻ bàn quan tự trốn trong sự bất lực của chính mình, đánh mất sự hình thành những ước vọng.
Daniel giải thích vì sao Camus vẫn khư khư giữ lập trường cố hữu, nó được xây dựng trên hai mấu chốt căn bản: một bên là sự nghèo khổ, bên kia là sự kinh hãi. Việc Camus bài bác bạo động một cách ráo riết có thể tìm thấy dễ dàng trong những điều ông nói và viết về Algérie. Trước sinh viên Algérie du học ở Thụy Điển, ông nói: “Giờ nầy, người ta đặt bom trên tàu điện ở thủ phủ Algiers, rất có thể mẹ tôi là một hành khách trên tàu; nói chi thì nói, tôi không muốn mẹ tôi chết”. Cảm thông sâu sắc sự khổ đau, không nơi nào, không một lúc nào ông chấp nhận bạo động; tháng 11-1945 ông đã viết trong lưu ký: “Tôi sinh ra không phải để làm chính trị, bởi lẽ tôi không đủ khả năng muốn hay chấp nhận cái chết của đối phương”.

Daniel nói thêm một điều khá quan trọng: như bất cứ ai có gốc gác thấp kém về xã hội, Camus không thể tự xem mình là người thừa hưởng lịch sử lâu dài của sự áp bức thực dân; ông bị khinh bạc, bị áp bức, bị khai thác như những những kẻ nghèo hèn khác.


Đây tôi nói thêm rộng ra một chút. Giống như ông nội tôi, Camus, một đứa trẻ mồ côi cha và nghèo khó, được nằm trong sự nâng đỡ của các bậc trưởng thượng, các vị thầy giáo. Trước tiên thầy dạy đệ nhất cấp, Louis Germain (thúc dục bà ngoại của ông cho thằng bé đi học đệ nhị cấp, chứ đừng cho nó đi làm) rồi đến thầy dạy đệ nhị cấp Jean Grenier mà ông mang ơn suốt đời và đã đề tặng cuốn sách đầu tiên L’Envers et l’Endroit và cuốn L’Homme Revolté.

Qua các vị thầy ấy, chính nước Pháp đã đưa những kẻ thấp hèn nhất khỏi sự nghèo khó, và cung cấp cho họ mọi cơ hội tiến thân. Đối với ông tôi, đối nghịch với người phản kháng (l’homme révolté), không có gì thắc mắc, nghi vấn, Cộng Hòa Pháp là một người cha. Gia nhập Hải Quân, ông tôi phục vụ cha một cách trung thành. Nhưng Camus, vì là một đứa con phản kháng, đã trở thành một đứa con nhiều đam mê của nước Pháp. Trong cuốn The Burden of Responsibility, Tony Judt đã mô tả “hơi văn” của Camus một cách đẹp đẽ: Ông đã phối hợp hòa chung cái nhìn truyền thống và lãng mạn về nước Pháp cũng như những khả thể của quốc gia nầy với uy tín trong sạch của chính mình. Việc lý tưởng hóa nước Pháp của Camus có thể có chỗ sai nhưng ý hướng của ông bao giờ cũng cao quý. Daniel lập luận rằng cả hai người Trillons và Camus đều tin chắc bạn không thể gạt bỏ một điều có thể xẩy ra là xóa các tội thuộc địa bằng sự hối lỗi chân thành và bằng sự sửa chữa đầy đủ và rộng lớn.

Daniel dùng thuật ngữ tội và xóa tội cũng đúng đấy chứ. Trong khi ông tôi suốt đời là con chiêu ngoan đạo nhiệt thành thì Camus là một kẻ vô thần Thiên Chúa. Ông khước từ tôn giáo nhưng ông được hình thành, nuôi dưỡng trong tinh thần của tôn giáo. Luận văn đại học của Camus chuyên nghiên cứu về thánh Augustine và Plotinus. Những sự dấn thân của ông ở bề sâu vẫn mang tính chất thần học. Camus không loại bỏ các giá trị của Thiên Chúa Giáo; bằng chứng, trong cuộc gặp mặt có Koestler, Sartre, Malraux và Manes Sperber, ông đã nói rằng nếu những ai đã theo chủ thuyết của Nietzche, chủ thuyết hư vô, chủ thuyết thực tế lịch sử nay nhận mình sai lạc trước công chúng và xác nhận sự cần thiết của những giá trị luân lý; nếu được như vậy mới có chút hy vọng...

Với Camus, nếu Pháp là cha thì Algérie là mẹ; và đứa con ngưỡng mộ cha mẹ nầy không bao giờ mong muốn song thân ly dị. Trong các luận văn hay tiểu thuyết, ông thường nói lên tính chất song đôi của tinh thần mình. “Địa Trung Hải đã tách riêng hai thế giới trong tôi. Một thế giới lưu giữ mọi ký ức của tôi và một thế giới nơi cát và gió xóa mọi dấu tích của con người. Camus nhận được một trong những tài nguyên trong đời từ thế giới trần tục, không chữ nghĩa, không biên giới (thế giới của người mẹ mù chữ và gần như câm). “Tôi khôn lớn lên với biển; và sự nghèo khó đối với tôi rất quí giá; rồi tôi mất biển và tôi nhận thấy sang trọng là điều chán nản, đồng thời nghèo khó là điều không chịu đựng được”. Trong bài ca ngợi sinh quán Mùa hè ở Algiers, ông viết:
Giữa bầu trời và các khuôn mặt hướng về bầu trời, không có chỗ nào để treo móc thần thoại, văn chương, luân thường hay tôn giáo; mà chỉ có sỏi đá, da thịt, tinh tú và những chân lý tay người có thể sờ mó được”.

Khá dễ nhận ra tầm quan trọng đúng mức của cảnh sắc vùng duyên hải Algérie trong đầu óc của Camus: mặt trời, đá, và khí nóng. Chúng ta có thể hiểu rõ ràng hơn về lập trường của ông trong vấn đề Algérie nhờ những tác dụng của nghèo đói, của lòng tri ân với nước Pháp và nhờ khía cạnh nêu trên trong tâm tính của Camus. Sự cáo chung, sự giải thể của một Algérie thuộc Pháp không những chỉ đánh mất tuổi thanh xuân mà còn nguy hại cướp mất nguồn hứng khởi sáng tạo và lòng vui sướng của ông.

Khi xuất bản ở Pháp cuốn L’Envers et l’Endroit năm 1958, Camus đã giải thích trong lời tựa như sau:
Mọi nghệ sĩ đều giữ trong người một nguồn duy nhất nuôi dưỡng sự hiện diện và lời nói của mình. Khi suối lạch ấy khô nước, dần dà từ từ, công việc, sức sáng tạo co lại trước khi bể nát. Suối nguồn của tôi (trong những luận văn nầy) là …thế giới của nghèo khổ, của ánh sáng mặt trời, tôi đã sống rất lâu trong thế giới ấy.


Vào lúc ông viết những dòng nầy, Camus đã khởi soạn cuốn Le Premier Homme, tác phẩm cuối cùng chưa hoàn tất; bản thảo được tìm thấy trong gầm xe Facel Vega dẹp lép sau khi ông chết. Đó là cuốn tiểu thuyết không giống những cuốn trước, xây dựng trên “đá, da thịt, tinh tú và những chân lý tay người có thể sờ mó được”. Và đây là lần khác trở về với suối nguồn:

      Vâng, tối nay, trong tâm tư hắn, vâng, mớ rễ khuất chìm quện vào nhau xiết chặt hắn vào vùng đất đầy sợ hãi và tuyệt vời ấy, xiết vào những ngày nắng cháy, vào những buổi hoàng hôn qua nhanh một cách đau đớn; thật giống một đời sống thứ hai, nhưng có thật hơn tất cả bộ mặt hằng ngày của cuộc đời bên ngoài. Về cuộc đời đó, cuộc đời thứ hai, có thể kể tràng giang những mơ ước thầm kín, những cảm giác mạnh mẽ khó tả, mùi hương của trường học, mùi nặc nồng của các chuồng trại trong làng, mùi mồ hôi áo quần trong tay mẹ đem đi giặt, mùi của hoa lài, hoa kèn xóm trên, mùi những trang sách, những cuốn từ điển mà hắn ngấu nghiến, mùi chua phát ra từ phòng vệ sinh trong nhà hay từ tiệm hàng sắt, hương thoảng của những phòng học rộng và lạnh mà hắn đôi lần qua lại trước hay sau giờ học; hơi ấm của bạn thân, mùi len ấm và mùi phẩn dơ mà thằng Didier luôn đeo theo mình; mùi nước hoa mà mẹ thằng bự Marconi tẩm lên người như tưới, đến độ thằng Jacques ở góc kia mà muốn tới ngồi gẩn…. Vâng, (đó là) sự chờ mong, ước mong được sống và sống nhiều hơn đã đẩy hắn trầm mình trong cái ấm áp to lớn nhất mà cái quê nhà nầy có thể đem lại; lúc ấy hắn chưa nhận kịp rằng đó là những gì hắn đã hy vọng từ nơi tay mẹ.

Không một kẻ “thành thị mất gốc” nào (cái tên Tony Judt đặt sai cho Camus) có thể gợi các cảm xúc tận đáy lòng về một quê nhà với một nỗi hoài niệm đam mê như thế. Phần lớn cuộc đời, Camus sống xa xứ; ý nghĩa của sự lưu đày là một tụ điểm chính trong viễn quan của ông. Trí thức và tâm thức của ông đứng hai chân trên hai nền văn hóa của Pháp và Algérie. Nhưng ông không có gì là “mất gốc”. Ông biết một cách tuyệt đối quê nhà ra sao, quê nhà ở đâu; ông biết quê nhà mang ý nghĩa gì trên đời ông. Từ năm 1930 Camus đã thừa nhận những đòi hỏi luân lý của thổ dân và công khai đòi hỏi thỏa mãn những đòi hỏi ấy. Nhưng lòng thiết tha công lý ấy không cho phép bỏ rơi những người khác: ông cố đề nghị một giải pháp khả dĩ bảo vệ quyền của mọi người Algérie. Thất bại, ông phải giữ im lặng.

Khi cha tôi chết – ông cũng là một người ly hương cho đến phút chót – ông để lại một thư viện kếch xù; hằng ngàn cuốn sách thâu tóm trong suốt cuộc đời, để nhiều nơi khác nhau. Những cuốn sách quí, đặc biệt trong thời trung niên được cất giữ riêng hai mươi năm trong bốn mươi thùng bìa giấy để trong cái hầm xi măng bên Highway 401, Napanee, Ontario: gồm  ấn bản đầu tiên tác phẩm của Ionesco, của Max Jacob, bản tiếng Pháp các tác phẩm cổ điển, lịch sử Trung Đông. Trong khối giấy ấy, tôi tìm ra cuốn Noces – một "thư tình" nồng nàn gởi cho quê nhà – một trong 225 bản của nhà in Edmond Charlot, Algériers 1939. Cha tôi đã bảo tôi đi tìm mà đọc; nay mới thấy, khi ông đã qua đời.

Cha tôi có đủ các tác phẩm của Camus, nhưng suốt đời ông ôm giữ tập sách mỏng nầy, nó chất chứa rất nhiều xúc động, tha thiết và đam mê.
Noces có luận văn “Đám cưới ở Tipasa” sống động và đầy cảm xúc; kể lại một ngày viếng thăm phố xưa Tipisa tàn phế của thời La Mã trên bờ biển bắc của Algérie; trong đó, tác giả đã đeo đẳng miệt mài những khoái lạc hầu như khoái lạc thể xác gợi lên bởi vẽ đẹp thiên nhiên quanh người.
“Từ chỗ nầy, tôi biết cái gì gọi là vinh quang: (đó là) quyền yêu thương không giới hạn. Chỉ có một tình yêu trên thế giới nầy. Ôm ấp thân xác một thiếu nữ chẳng khác chi ôm vào lòng niềm hân hoan, niềm vui sướng từ trên trời tuôn xuống biển”.

Cuốn sách bìa cũ mỏng đã được đóng lại khá đẹp; khi bắt gặp nó tôi cũng tìm gặp luôn một cuốn sách khác, một tạp chí thì đúng hơn, La Nouvelle Revue Française số tháng hai 1960, còn nguyên chưa rọc, trừ một hay hai trang có in lời khen tặng vội vã người mới qua đời tháng trước. Không ngạc nhiên, sự ngay thẳng của ông – sự ngay thẳng chan hòa với khiêm nhường – đã làm cho tòa soạn hạ bút:

Mọi người đã tìm thấy nơi Camus – cũng như Saint-Exupéry – một nhà văn vừa là một người dẫn đường. Nhưng ông không nhận và trả lời: hằng ngày tôi còn tập đi cho vững, làm sao chỉ đường cho ai!?
         

Xin xem bản tiếng Anh 
The New York Review of Books Nov 7.2013

(đã đăng Sept 2014)

No comments:

Post a Comment