noái dư rứa, ai làm chi tui?
tôn
thất tuệ
Hy vọng quí vị còn nhớ chương trình TV đố vui để học thời VNCH. Xin gợi lại một kỳ do Cao Thanh Tùng điều
khiển. Thầy Tùng nói giọng Nam, được nhiều người biết vì thầy đàn trung hồ cầm,
cello, với Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng,
ban nhạc qui tụ hầu hết danh ca như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Anh Ngọc
v.v…. Thầy nói bắt đầu bởi cái dễ nhất, với một câu đầy đủ, hình như: ‘hãy đi
đứng cẩn thận, kẻo “hục” chân té xuống bùn. Em hãy đánh vần chữ 'hục’. Trò đáp: HỤC. Thầy nói là sai, phải
đánh vần là HỤT. Nếu thầy hỏi tôi, tuy tôi nghe là “HỤC” tôi vẫn trả lời đúng
như thầy muốn, và viết cũng vậy. Nếu làm luật sư bênh vực học trò, tôi sẽ hỏi: thưa thầy, thầy là nhạc sĩ, thầy muốn học trò
viết ám tả lối Pháp hay ám tả âm nhạc (dictée française ou dictée musicale),
thân chủ của tôi theo lối ám ký âm nhạc, nghe sao viết vậy.
Dictée là món khốn nạn nhất cho học sinh Việt chúng tôi. Danh từ số
nhiều thêm S hay X không đọc thành một âm, khác tiếng Anh có thêm âm S hay Z. Lại
có cái trò E câm thêm vô tĩnh từ hay quá khứ phân từ; động từ nhóm thứ nhất thì
tùm lum, số ít và số nhiều đọc như nhau (il aime, ils aiment); lại quá nhiều chữ
đồng âm (le président; en présidant). Muôn ngàn thứ lắc léo, phải nhanh trí mà
làm accord. Mấy trự học trường Tây còn khốn khổ nữa, viết dictée quá một số lỗi
thì không được thi tiếp (barrage éliminatoire).
Cùng với nền móng 500 năm từ thời Ronsard với tuyên ngôn bảo vệ và làm sáng sủa tiếng Pháp (défense
et illustration de la langue française), tinh thần dictée đã duy trì giềng
mối của tiếng Pháp; có thời như một mặc định, các hiệp ước quốc tế đều thêm một
bản tiếng Pháp cho rõ. Hai ngôn ngữ khác mà tôi có biết là tiếng Việt và tiếng
Anh đều áp dụng tinh thần nầy. Từ nhỏ, thế hệ của tôi ở Huế chỉ viết đúng
ch/tr; s/x, vd, dấu mũ; nhưng chợt ruột với hỏi ngã, c/t; có g không g, oi/oai
… khi viết ám tả và làm luận. Tiếng Anh,
bạn phải viết thành ba chữ từ một lối phát âm: to go, too cold, two dollars. Tiếng
Anh còn bù đắp chỗ không phát âm đầy đủ bằng dấu riêng. He said: I’m busy
readin’. (reading).
Nhà tôi nói giọng nam, tui nghe “đi chợ nhớ nhắc em mua hột dịch”
nhưng bà viết “hột vịt” cùng các món khác cần mua như “bún” (nói là búng). Tôi
hiện còn rất khó khăn với chính tả nhưng không thể quên: sửa chữa / sữa chửa (sữa
của gái mang bầu).
Những thứ ẩu xị không có dấu, thêm rất nhiều quái thai đã bắt đầu từ
HCM trong tài liệu thần thánh gọi là di chúc. Trang web của cựu sinh viên Y
Khoa Huế có đăng một bài phân tích của GS Lê Bá Vận*, chỉ rõ HCM không rõ ngôn
ngữ mà thêm đủ thứ làm như tài ba. Tác giả
viết: Đến
nay vẫn chưa hiểu tại sao và từ bao giờ Hồ Chí Minh có lối viết chính tả lạ thường
như vậy. Dù
sao, dùng f, dùng z. không phân biệt hỏi ngã… thì được thấy rõ ở tiếng Trung Quốc. Học
vấn thì dở dang, văn hóa thì tầm thường... thì dương danh tất trông vào giảo hoạt
thiên phú. (xem link bên dưới) Nếu xưa kia HCM được nhận vào trường bảo hộ
để phục vụ mẫu quốc, có lẽ ông theo lối ám tả, đơn xin học được thuê viết với
vài lỗi văn phạm.
Nếu tôi không lầm, Tàu có nhiều thứ tiếng như Quảng Đông, Hẹ, Tiều…
chỉ là các lối phát âm nhưng chữ viết đều giống nhau, cho nên học quan thoại rất
dễ. Nghe nói, dân tộc Việt có ngôn ngữ thống nhất hơn các ngôn ngữ khác, nghĩa
là nói chung, các vùng có thể hiểu nhau, trừ vài tiếng riêng như ngoài bắc, ốm là bệnh trong khi ở từ Huế vô Nam có
nghĩa là gầy.
Nếu mọi người chấp thuận quan niệm dictée francaise và đồng thuận một
số qui ước thì chữ viết là một nguồn phúc lợi lớn lao. Nhưng tiếng Việt bây giờ
rất bừa bãi; nhưng hãy trở về ký tự. Và trong chuyện nầy mà thôi cũng đã lắm điều.
Một luật sư hiện ở Úc (còn thêm danh hiệu bác sĩ y khoa Huế) cho biết
từ rày ông chỉ dùng dấu hỏi mà bỏ dấu ngã trên Facebook. Dễ hiểu vì người Huế không
phân biệt hỏi ngã. Nhiều người nêu ý kiến nầy nọ. Có một comment đốp chát: dấu
hỏi khác với dấu ngã; ỉa khác với đái tuy gần giống nhau; không lẽ bạn chỉ ỉa
không, hay đái không mà thôi!
Nếu ông đem lối viết theo ám ký âm nhạc qua tiếng Anh khi hành nghề
thì ông ta ít nhất sẽ dùng một chữ “to” cho ba trường hợp: going to school, too early và two persons.
Nếu ông phải viết một chứng từ gì thay cho thân chủ, một lý đoán theo
lối nầy thì thật nguy hiểm. Nhiều trường hợp, phải viết con số và dấu chấm câu bằng chữ, không lẽ luật sư viết: he, she... has to pay to thousands pounds. Dĩ nhiên ông không làm vì cần sự minh bạch, tòa Úc
không xập xị xập ngậu, tòa có thể cấm hành nghề. Vậy sao ông bỏ cách thức nầy trong tiếng Việt. Máy
thu âm không phản ứng gì khi thu hai mệnh đề ‘tôi ngồi nghĩ’ và ‘tôi ngồi nghỉ’
không phân biệt hỏi ngã, nhưng một con người nghe đọc như vậy thì nhìn xuống chữ
viết để biết kẻ nói đang mệt về thể xác hay đang suy gẫm chuyện gì. Hai hành vi
khác nhau vô cùng. Người không phải là máy. Trong một mức độ khá rộng lớn, suy
tư chính là ngôn ngữ nói hay viết trong đầu. Nếu một luật sư không phân biệt rõ
rệt, không quan niệm rõ rệt thì tôi không dám nhờ biện hộ dù tòa nói ngôn ngữ
khác tiếng Việt.
Tiến sĩ Bùi Hiền, người “nắm cặt Mao Hồ và được em gái hậu phương
Đoàn Hương nắm cặt hậu thuẩn”, theo lối phát âm ngoài Bắc đã đồng hóa ‘trái chanh’ và ‘mái tranh’ thành một chữ mới là canh;
hỏa châu và con trâu đều là câu. Người
ta cố làm cho sáng sủa ngôn ngữ như Ronsard, còn mình thì làm cho tối tăm thêm.
Nguy hiểm và lạ lùng trong tiếng Việt là lối phát âm khác nhau ở phụ
âm ch/tr; s/x v/d và luôn cả nguyên âm ây/ay; ít/ích. Còn thêm, tuy không nhiều
người nói: d/r, nh/d; nổi tiếng nhất vẫn là lối Hà Lam Linh . Hãy nhìn chữ “VỊT”, nó
thành “dịt” và đi thêm thành “dịch”. Người có học tuy nghe: ‘con dịch nầy bị dịch’
sẽ viết ‘con vịt nầy bị dịch’. Hãy
nhìn chai bia Con Cọp BGI thì thấy hai chữ: La
Ve. Người mình thường đọc tiếng tây cuối với ière thành ‘de’ như ‘vô số de’ tức là số lùi arrière. La bière, tức là ‘La de’ chứ không phải ‘la ve’. (âm ‘dê’
dùng nhiều; pièce de rechange, đồ phụ tùng, Việt hóa là ‘đồ dét’; gens de
panier, cái thúng, là ‘ba de’, du côn ngoài chợ).
Tiếng Anh thì may hơn; khác nhau chút đĩnh ở nguyên âm. Ví dụ chữ Stop ở góc đường. Nguyên âm lúc đầu rất ấm,
ở cổ gần chữ O có nón, tiến lên mũi thành O; bây giờ gần như A. Xì táp. Nhưng
không bao giờ biến qua Shtop, Ztop, Stob, Sdop…Việc ký tự không gặp khó khăn.
Tôi có học một giờ tiếng Đức với ông Ferkinhoff ở Huế và nghe nói tiếng Đức
không có biệt lệ, trong cách viết và đọc. Mừng cho quê nhà của Beethoven,
Brahms.
Có bốn khuôn mặt không dùng chữ viết: Socrate, Jesus, Khổng Tử và
Thích Ca. Nhưng chữ viết của môn đệ ghi lại lời thầy vô cùng quan thiết cho sự
sống tâm linh của nhân loại. Lối ký tự trong công việc nầy rất rộng lớn nhưng
cũng gồm những việc rất nhỏ như hỏi ngã. Trong vòng ảnh hưởng của Tàu, VN cũng
như Nhật đọc Hán tự theo lối riêng nhưng quá nhiều đồng âm dị nghĩa, học trò phải
xem tự điển thì thấy ký tự khác nhau không lầm lẫn. Vậy thì sao chúng ta bỏ dấu hỏi hay
ngã. Nếu ông luật sư hay Mathieu Trần chọn dấu hỏi và viết tự truyện, người đọc
sẽ thấy hai đấng nam nhi không bao giờ có chút hoạt động trí nảo, chỉ lo nghỉ mệt
ví như vì uống quá nhiều, phung phí sức lực. Nói khác, ông chỉ nghỉ và không bao giờ suy nghĩ.
Ngôn ngữ mang theo mình không gian và thời gian. Hoàng Xuân Hãn đã
dùng ngôn ngữ học (so sánh các biến dạng v.v…) để lượng định mức khả tín của sử
liệu khi viết cuốn Lý Thường Kiệt (ĐH
Vạn Hạnh tái bản trước 75). 1911, để giải thích một chữ mới “fossil poetry” (nền
thi ca hóa thạch) để mô tả ngôn ngữ, Glenville Kleiser viết: Words embody facts
of history or conviction of the moral common sense; so far as that moral sense may
be perverted, they will bear the witness and keep a record of that perversion.
(ngôn tự hiện nguyên các sự kiện lịch sử hay sự tin tưởng vào một nền luân lý
theo lẽ thường; và ngay cả khi ý nghĩa luân lý nầy đã méo mó thì ngôn từ lại là
chứng nhân và mang dấu tích của sự sai lạc nầy). Kinh Di Đà có câu: xứ Cực Lạc
không có tội ác huống là các danh xưng tội ác; nhưng theo ngữ học thì nói: xứ Cực
Lạc không có tội ác nên không danh từ về tội. Vậy nơi nào có nhiều tiếng về tội
ác, có khoa tội phạm học, nơi ấy nhiều tội phạm. Danh từ "Xi đa" (sida, aids) xuất hiện sau khi bệnh aids lan rộng ở VN; bệnh nầy cũng hoành hành ở Lào cho nên cây cầu trên sông Mekông bắc qua Thái được gọi là The Aids Bridge.
Chẳng hiểu bằng cách nào, khoa ngữ học cho rằng phải mất 16…ngàn
năm một ngôn ngữ mới thành hình đến mức diễn đạt những ý tưởng trừu tượng mạch
lạc, dung hợp tốt đẹp với những điều cụ thể, diễn tả dễ dàng những gì muốn nói;
lúc ấy ngôn ngữ là một cây nhân sinh, có đời sống riêng tuy dính liền với đời người
và người đời. Tin như vậy thì thành ngữ “bốn ngàn năm VN” chỉ cho thấy sự lâu
dài chứ không định lượng thời gian. Văn minh Ấn Hà có chừng 30 ngàn năm, văn
minh Âu Lạc có tệ cũng mười ngàn năm.
Vì sao dùng óc địa phương để phá hủy những điều được xây đắp qua thử
thách với thời gian. Bạn phát âm không phân biệt hỏi ngã là chuyện của bạn, do
cha mẹ sinh ra trong vùng nói như vậy, hãy tiếp tục tự do ấy, người Huế có chỗ
nói: ‘âm dạc’, ‘về dà sớm” thay cho âm nhạc, nhà cửa. Nhưng chính vì quyền lợi
của bạn và của chung hãy cố sức đến một thuận hợp (consensus). Văn là người,
không cần những tác phẩm lớn, chỉ vài dòng đủ để tả nhân dạng của người viết. Bạn
đừng lo, lối phát âm đặc thù của từng vùng sẽ không mất đi; ngày nay kỹ thuật ghi
âm dư sức đưa chúng vào thư viện hay bảo tàng viện xướng âm (Phonetic Museum).
Một trong những điểm chính yếu phim My Fair Lady chỉ rõ giọng nói ấn định chỗ đứng xã hội của bạn. Cô gái
bán hoa phải đi học ngõ hầu có điều kiện cần (chưa đủ) để nhập vô giai tầng quý
phái. Không biết bây giờ thì sao, chứ thập niên 1960, Úc vẫn còn phân biệt người
nói kiểu uneducated (heoz trong chữ house) và educated (haoz trong house) nhưng
nhờ trường học, ai cũng đánh vần như nhau.
chữ Ai Cập xưa
Tiếng Anh hiện nay là kết quả dung hợp giữa tiếng địa phương (Anglo Saxon) và tiếng gốc La Tinh qua vụ Quận Công Normandie chiếm đảo quốc nầy 1066. Cùng với những ưu điểm tự thân, ngôn ngữ nầy nhờ hổ trợ của đế quốc Anh và vai trò của Mỹ trên chính trường quốc tế, đã hiện diện khắp nơi. Chiến tranh lạnh đã đưa tiếng Anh đến bốn góc trời với phương pháp trực tiếp không trừu tượng như lối dạy tiếng Pháp. Trong một ấn bản chừng 1982, tuần san Times nói ban biên tập của họ tiếp tục đẩy mạnh làm cho Anh ngữ trở nên phổ quát như âm nhạc!? Tham vọng quá đáng nhưng người Mỹ đã gần như thành công diệt trừ sự khác biệt giữa British English, American E, Australian E, Canadian E ...còn cách xa Indian English.
Thế nhưng ngay trên Liên Bang Bắc Mỹ nầy vẫn có một vụ ngôn ngữ thụt lùi như việc hung hăng kiểu Mathieu Trần, chỉ dùng dấu ngã mà
không ai hiểu lầm, vì xứ Huế noái dư rứa; đúng vậy, không thể hiều lầm vì chỉ
nói những việc như cầm cuốc, thêm cỏ vào chuồng heo; không nói đến những phạm
trù như vùng phi tưởng, phi phi tưởng. À mà quên, đi lạc rồi.
Người da đen vẫn quay quắt như trong một câu hát nhiều nghĩa: I
want to go home but no home to go. Ưu lo về một quê nhà xa xăm mờ ảo đã thấm
vào máu, thành một thứ ‘gene’ từ thời đau buồn nộ lệ, và thời giải thoát với những
nỗi buồn và khổ đau khác kiểu mới. Tuần báo Cosmopolitain, tuy chuyên về thời
trang, 40 năm trước, đã in một bài tường thuật rất cảm động về một cuộc đi tìm
nguồn gốc thành công. Lữ hành kiêm ký giả đã tìm gặp nơi vùng đất Phi Châu nhiệt
đới hình bóng chân thật của tổ tiên, vẫn làm những việc như xưa; nhưng ông phải
trở về Mỹ như Lưu Nguyễn đến Thiên Thai vẫn phải hỏi thiên tiên đường đâu về
quê cũ.
Trong lúc ấy, nhu cầu tâm lý, tuy hướng về một nơi mơ hồ, đã nẩy
sinh một số khuynh hướng muốn khai thông sự ưu uất bởi kẻ có lòng thì ít bên cạnh
những hoạt đầu…. Người da đen được khuyến khích theo Muslim qua luận cứ tổ tiên
của họ là người Muslim bị bắt làm nô lệ và ép theo Thiên Chúa Giáo. Khuynh hướng
bạo động được thổi phồng và hấp dẫn cho nên việc cải đạo thành hình rộng rãi ở
các nhà tù. Mơ ước một quê hương một vùng đất được thêm một chút cụ thể dù còn ở
danh từ đó là tổ chức Islam Nation của Farakhan. Xưa kia, người da đen thiết
tha có con đi học chung với các trẻ em khác, đã phải nhờ chính quyền hộ tống
vào trường, thì nay các lãnh đạo chủ trương mở trường học riêng cho người da
đen.
Dài dòng như trên chỉ muốn nói ý niệm về một căn cước riêng cần có
thêm một yếu tố khác là ngôn ngữ. Họ muốn thay tiếng Anh bằng Ebonic. [Ebony là
gỗ đen như gỗ mun làm đủa, cộng với phonetic thành ebonic]. Nhưng ebonic chỉ là
một hạ phẩm của tiếng Anh, khai thác lối đọc và viết của người da đen, ví dụ bỏ
những phức tạp văn phạm như số nhiều, bỏ những hậu biến inflection; ví dụ: they
are young; they parent mà không dùng their parents. Họ nói người da đen bị ép học thứ tiếng
của người da trắng.
Khi phải sinh sống với người cai trị thuộc địa như Pháp và Anh,
dân bản xứ ở các hải đảo phải bày ra tiếng Créole. Lời của bản nhạc Day O nói về tàu chuối ở Jamaica với tiếng
hát Belafonte mang những thành ngữ như me wan go home. Ở hòn đảo thần tiên Tahiti, ma lécole thay cho mệnh đề Je
vais à l’école; trong đó đại danh từ ngôi nhất rút lại còn chữ “me”, động từ
aller chỉ còn ngôi thứ ba va, đọc qua
đọc về thành “ma lécole”. Sự biến chế thành Creole không có gì đáng cười, nó có
thể khởi xuất một diễn trình 16 ngàn năm mà môn ngữ học đã nêu ra. Đó là một nhu
cầu cần diễn tả; ví dụ vì không bao giờ được phép nói chữ hôn nên phải gọi bú mồm.
Nhưng người da đen không cần phải chế ra một thứ Créole riêng gọi
là Ebonic. Người dân thuộc địa không được đi học, còn dân Mỹ thì xe đưa đón tận
nhà, cưởng bách giáo dục cho hết tú tài. Vì sao lại bỏ những inflection? Inflection
không phải là sáng chế của người da trắng mà đã có từ văn minh Ấn Hà (Indus
Valley) ba bốn chục ngàn năm trước. Nhưng cần biết ngôn ngữ là cần câu cơm. Bạn
không phân biệt hỏi ngã mà cố làm thánh tướng, bạn viết nói tiếng ebonic không
ai hiểu, làm sao người ta sẽ thuê bạn, dù công việc ít giao tiếp. Chớ nên đi vào vết xe nầy.
Phản ứng ebonic, viết bựa Việt ngữ được so sánh như người man rợ chặt
cây táo chỉ để ăn một trái táo, trái táo ngông cuồng, tự ái địa phương vặt. Nhưng
nhìn qua cách khác, cùng đi xuống với mọi đi xuống khác (và trong xã hội, cùng
đi lên thì đi lên hết như thi ca, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc …). Bỏ qua, phá
hủy cái đẹp của tiếng Việt do người Việt, bỏ qua cái đẹp của tiếng Anh bởi nhóm
ebonic, cũng như sáng chế danh từ “khu ỉa” cho khu trị bệnh đường tiêu hóa BV
Nhi Đồng** nào khác chi người tài hoa bỏ đi những lời âu yếm bên bến xuân mà chim
phải ghen, bỏ qua đường thơm bóng gầy tóc ngà, mà chết trong “cái lìn em hôi”.
Nghe có buồn không!?
ghi chú:
Cũng may Anh Tuệ chỉ viết về chút ít về sự biến dạng cuả ngôn ngữ. Nếu Anh vui mà đi lạc vào khu vườn triết học và tôn giáo; Anh sẽ phải gồng mình để khỏi trở thành atheist?
ReplyDelete