đường vào nhà xác
The
Artifact ** Paris
Review Feb 2020
Jordan
Kisner * TTT dịch
Trong năm 2018, tôi
đã thấy khá nhiều xác chết. Dạo ấy tôi đang nghiên cứu để viết về các nhà khám
nghiệm y khoa cho nên tôi đã bất ngờ chứng kiến những cuộc mổ xẻ giảo nghiệm,
những cảnh chết chóc, thấy rõ bên trong và bên ngoài những xác người. Các cuộc đối
diện nầy hoàn toàn khác với các lần giao tiếp với người đời xưa nay. Những lồng
ngực mổ banh, máu me. Có miếng xương mỏng, hình giống vành móng ngựa, chèn giữa
sụn trong cổ. Những tử cung đỏ lói đẹp rực rõ nếu đem ra ánh sáng soi. Phần mềm
phần dẻo bao quanh não bộ giữ não không rời sọ, phải lấy đục mà nạy; rồi cái sọ
rỗng gõ kêu ra tiếng. Da đổi màu, cuốn lại như các cuộn giấy.
Con
người sống trong một thân xác sẽ làm gì với sự hiểu biết nầy? Thân thể con người
mang ý nghĩa gì?
Hầu hết những tử
thi đang nói đây nằm trong chỗ làm việc của một người khám nghiệm y khoa. Những
xác nầy trần truồng, có nhãn tên móc ở ngón chân, nằm ngữa và xếp theo các băng
ca kim loại. Đồ đạt hay áo quần bỏ vào các bị vải màu nâu để bên cạnh. Các xác
nầy theo đúng tiêu chuẩn, thành một “món” trong hệ thống sổ sách để được nghiên
cứu, xếp loại và cho đem đi. Trong bối cảnh nầy xác chết như người sống, đồng
thời ví như sách trong thư viện.
Đôi
lúc tôi thấy một xác người chưa bị mổ xẻ và trở nên vô tính mà thành một phẩm vật.
Đặc biệt một hôm vào đêm, tôi đến nhà một người đàn bà chết trên nền nhà trong
phòng ngủ. Hôm ấy tôi vào phiên trực. Nếu một điều tra viên nào được chỉ định đến
hiện trường để thâu xác thì ông ấy gọi tôi. Người đàn bà nầy là khách hàng đầu
tiên trong ngày. Chúng tôi đi xe đến một một khu gia cư yên lặng với ánh đèn xanh
đỏ quạt quanh từng hồi.
Joyland, Atlanta
Quang cảnh nhà thiếu
phụ nầy hoàn toàn khác với nhà xác thành phố. Nhà rất bẩn thỉu, gây lợm người. Ngôi
nhà đã tành bành sắp sụp; bên trong đầy rác. Toán cấp cứu không có chỗ (và cũng
vì sợ rận rệp) đã đem bà ra ngoài sân để làm hô hấp nhân tạo. Có gần cả chục
con chó chạy quanh. Cảnh sát viên tại chỗ đã thuộc bài về gia đình nầy: giống
như nhiều người trong xóm, bà thiếu ăn nên đi đến tiểu đường cấp 2, rồi đến đau
nhức, đưa đến nghiện ngập, đưa đến “anh chị chúa đảng” đường phố, đưa đến bệnh tim gan,
đưa đến giải phẩu, đưa đến đủ thứ khác … Dường như bà chết vì nhiễm độc vết mổ,
và cũng có thể mấy giờ trước đây bà ra khỏi bệnh viện và uống quá nhiều thuốc.
Cho chắc ăn, điều tra viên đề nghị giải phẩu giảo nghiệm.
Giải phẩu loại nầy
giúp bạn thực tập kể chuyện. Vì không biết gì về người chết, nhà khám nghiệm y
khoa khai quật câu chuyện. Các nhà bệnh lý giảo nghiệm thường nói: mỗi thân xác
đều mang một câu chuyện, mà người sống không kể được. Trong trường hợp người
đàn bà nầy, giải phẩu sẽ cho biết nguyên nhân chết, nhiễm trùng, tim, v.v….
Theo
đúng bài bản, bạn không thể ngừng khi bạn nghĩ đã tìm ra nguyên nhân cái chết.
Khoa nầy nhắm đến sự thiết lập một hồ sơ đầy đủ về một thân xác ở một thời điểm
đặc biệt. Ông bác sĩ nầy nói với tôi: “nầy, kẻ kia bị phong thấp từ lúc còn con
nít”; rồi ông kéo tôi qua bên trái nhìn vết sẹo nhỏ trên tim người đàn bà cở tuổi
50. Ông bác sĩ kia đưa lên trời tấm phim quang tuyến cho thấy một bà lớn tuổi
có nhiều vết nứt xương sườn đã lành. Bà té chứ gì; bà ở một mình sau một thời
gian chung sống với gia đình.
Một
thân xác trên bàn giải phẩu là một vật thể nhưng đồng thời là một tài liệu lưu
trữ.
Triết gia Derrida nói
rằng tài liệu lưu trữ đóng vai trò của một ký ức giả (như chân giả), bắt đầu từ
điểm nơi đó ký ức không hoạt động được nữa, nó đem lại một chỗ dựa, một nền đất
từ đó động tác nhớ lại được thực hiện. Vẫn theo Derrida, tài liệu lưu trữ nầy,
bên cạnh tự thân, cần một một ngoại viên để giữ các tin tức. Lịch sử cũng thế,
cần một khoảng không riêng biệt để giữ những gì còn lại không bị thời gian đào
thải. Rồi ông tự hỏi ngoại viên nầy là cái chi chi. Trong đầu óc của chúng ta,
có một cái nền, một mặt phẳng, một khoản không để cho những kinh nghiệm in vào,
ấn vào, lưu dấu, ngay cả sau khi đã quên. Học giả Linda Haviland cho rằng thân
xác là một sự kết hợp ngoài-trong vô cùng quan thiết, đó là một tài liệu lưu trữ
hữu tình. Theo lập luận nầy, thân xác cưu mang tự ngã, có khi trở thành tự ngã
nhưng vẫn có một nơi để lưu giữ ký ức.
Sự trực diện một
người đàn bà chết trên trên nền nhà phòng ngủ nầy, hơn tất cả mọi lần khác, tạo
cho tôi đau khổ và bực tức lâu dài, ngay cả sau cuộc phiêu du tìm tòi để viết
văn. Trước đó, với tôi, mọi điều đều liền lạc, nối kết không nhiều thì ít.
Nhưng sau đó, những thi thể tôi đã thấy làm tôi có ý cho rằng mọi người không
có thần sắc khuôn dạng riêng. Cái chết của bà ấy quá sức riêng biệt – tôi thấy
nịt vú của bà trên thảm, và tôi thấy khuôn mặt mấy đứa con trai của bà khi
chúng lễ phép xin điều tra viên được phép nhìn mặt mẹ trước khi bà được đem đi.
Cái chết nầy còn tệ hơn cả sản phẩm của một hệ thống máy móc vô nhân.
Đột nhiên tôi trở
nên bất mãn khi nhìn xác các hài nhi trong khu giảo nghiệm; những đứa trẻ dưới
đôi mươi tự tử, chết vì hút quá độ ma túy, và cả khi nhìn người sống. Những gì
tôi thấy trong kính thủy chỉ là những thể xác đang tiến đến chỗ không có sự sống,
và sẽ tới nơi đến là bàn mỗ giảo nghiệm. Tôi biết là kỳ quặt lắm đấy, nhưng
cũng giống như tôi tránh quầy xẻ thịt trong siêu thị.
Xem thể xác là một
tài liệu lưu trữ cũng khá phức tạp đấy. Các tài liệu văn khố theo truyền thống
được bảo tồn bởi các giám sự, các quản thủ; những vị nầy biết nội dung các tài liệu. Trái lại, những gì
được ghi ký vào thân thể ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Không có uy quyền
nào chi phối dinh dưỡng thời thơ ấu, nguồn gốc quốc tịch, địa điểm sống, những
vết thương, bệnh hoạn, những nét đặc thù, những thói quen và khung cảnh cộng đồng.
Chúng ta cũng không thể thấy đầy đủ cơ thể bên trong lẫn bên ngoài. Nhưng ý thức
về vài trò làm chủ thân thể rất mạnh mẽ. Chúng ta bảo vệ nó về luật pháp, điều
hoạt theo chiều hướng có lợi, chỉ cho con cháu thấy ý thức nầy. Xem thể xác là
một tài liệu hữu tình thì phải hiểu chúng ta vừa là kẻ bị ghi và người ghi những căng thẳng gay go.
Tôi
phải mất mấy tháng mới xóa tan hình ảnh những tử thi trong nhà xác. Tôi không
còn nhìn người đời qua lăng kính giải phẩu giảo nghiệm. Tôi ít khi nghĩ đến bà
cụ có mấy cái xương sườn gãy đã lành.
Đa số những điều
ghi vào thể xác đối với chúng ta là những bí mật; không thể nói kinh nghiệm nào
lưu dấu, kinh nghiệm nào tàn phai. Những điều nầy đến với tôi khi tôi đi châm cứu.
Những căn thẳng, những đau nhức mà cơ thể đã tự giải quyết ngoài ý thức của tôi
nay hiện ra rồi dịu xuống.
TMJ Temporomandibular Joint Disorders
Đã mấy năm rồi tôi
đã đi chữa trị TMJ, đau quai hàm, chứng bệnh có từ nhỏ, khi bớt khi đau. Một bắp
thịt ở quai hàm co bóp mạnh đến độ khi nằm ngữa cái cổ dựt như bàn tay trẻ con vung
văng không chịu để người lớn nắm dẫn đường. Thầy châm cứu thứ nhất của tôi là
Elizabeth Bishop. Tôi nằm ngữa trên bàn xếp và bị rầy không cởi tất. Khi cây
kim châm vào vành đầu của tôi, tôi nhận thấy cả hệ thống bắp thịt quanh da đầu
kéo cái hàm siết lại nhưng nhả ra ngay. Sau lần trị liệu nầy, tôi hết chứng đau
hàm, đến mấy tháng sau mới trở lui.
Mới đây tôi đến
phòng mạch của nhà châm cứu mới, tên Molly Beverage. Bà ta nhiệt tình, dịu
dàng; phòng mạch có ghế ngồi thoải mái, và xông nhiều dầu thơm nồng. Lần châm nầy
căng gấp bội những lần trước. Mỗi mũi kim đâm vào bắp thịt đau quá tôi phải nín
thở để khỏi la làng. Những bắp thịt dưới chân kim co bóp, đàn hồi, không đau đớn
quá mức. Nhưng quả là một điều bí mật. Độ nhức nhói tăng khi tôi nghĩ đến kim nầy
nằm ở đâu, nơi ngón tay, ngón chân.
Gần cuối buổi trị liệu
kéo dài 20 phút nầy, tôi không còn đau đớn. Nhưng tôi ngữi thấy mùi chết chóc,
giống như mùi nơi phòng bà kia chết trên sàn nhà, mùi nhà xác, mùi phòng giải
phẩu giảo nghiệm. Khi bà thầy rút hết kim bảo tôi ngồi dậy, tôi đảo mắt nhìn
quanh thử có con chuột chết sình nào không. Không thấy gì, tôi chào cáo biệt nhưng
vẫn ớn lạnh vì mùi khủng khiếp kỳ dị ấy.
Đến
khi đã ngồi trong xe, tôi hỏi người bạn lòng của tôi, khi ở trong phòng mạch và
được châm cứu như tôi có nghe thấy mùi thối không. Nàng nói không, chỉ nghe mùi
dầu hương xông. Hóa ra tôi mộng du chăng, vẫn còn ôm những xác chết như những đồ
vật vừa là những tài liệu lưu trữ ghi dấu đời người, những hồ sơ hữu tình.-