Toán học, nét đẹp tuyệt vời
The
Aesthetic Beauty of Math
Karen Olsson***
ttt dịch
Năm 1939, khi chiến
tranh đã được chuẩn bị chờ bùng nổ, nhà toán học tài ba của Pháp tên André Weil
dự định bỏ nước qua Mỹ. Ông ba mươi ba tuổi và không muốn phục vụ trong quân đội;
ông nhận rõ mục đích đời mình là toán học, không phải làm lính. Nhưng cuộc đào
thoát khó khăn không như ông tưởng vì, như ông kể lại, Hoa Kỳ rất nhiệt tình với những
ai không cần Hoa Kỳ nhưng lạnh lùng với những kẻ cần đến tá túc dung thân.
Khi chiến tranh bắt
đầu, André du lịch Phần Lan và cố lẫn tránh ở thủ đô Helsinki nhưng ông bị bắt
đưa về nước ngồi tù mùa xuân 1940 chờ ra tòa về tội đào ngũ. André được an ủi
bù trừ, vì trại giam không quấy rầy, cho phép ông làm việc riêng tư là đọc sách
và viết thư, đặc biệt thư cho cô em gái Simone Weil, một triết gia, một nhà tư
tưởng.
André Weil (1906-1998)
Việc người anh mất
tự do làm Simone khổ tâm, nhưng cũng nhờ đó cô biết những nghiên cứu toán học
cao đẳng của André có tính chất mật truyền. Simone viết cho anh: Anh có thì giờ,
anh cố giải thích cho em nghe công việc anh ra sao nhé.
Nhà
toán học trẻ trả lời chả biết lấy đâu chỗ nào mà nói. Giải thích việc làm của
ông cho một người không biết toán học thì như giải thích một giao hưởng cho người
không thể nghe, người điếc. Nhưng ông tìm ra một ẩn dụ, gọi toán học là nghệ
thuật về những vật liệu cứng; toán học là một cố gắng nghệ thuật. Cô em thì
hoài nghi, nghệ thuật là nghệ thuật gì? Vật liệu cứng là gì? Cô viết: Ngay cả
thi sĩ cũng cần đến ngôn ngữ, còn việc của anh hoàn toàn là trừu tượng, những sự
trừu tượng hóa mà thôi.
Nói rằng toán học
là một nghệ thuật, nói rằng một trong những đặc tính chính yếu của nó là cái đẹp
… đều làm chúng ta ngớ ngẩn ngỡ ngàng tuy được các nhà toán học tô vẽ tài tình; tâm trạng
của Simone Weil không khác. Khi được trình bày giải thích bởi một nhà toán học,
một nhà khoa học về ngành học thuật riêng, chúng ta thấy những điều nêu ra mơ hồ,
tuy không dám nói sai lạc.
Simone Weil (1909-1943)
Cùng năm André Weil
ở tù, nhà toán học Anh tên G.H. Hardy đã ra công giải thích một cách hùng hồn
cho người ngoài môn toán biết hấp lực thẩm mỹ của toán học, qua một luận văn
dài như cuốn sách. Đó là tác phẩm: Biện bạch của một nhà toán học. (A
Mathematician’s Apology).
Thư từ qua lại của
hai anh em Weil cùng luận văn nầy xuất hiện trong thời chiến, do đó Hardy vội
vã lên tiếng rằng toán học có một giá trị nội tại, không quan hệ đến việc sử dụng
quân sự. Lời biện minh nầy vừa văn hoa vừa sâu sắc. Tác giả lúc đó trong
vòng tuổi sáu mươi, cảm thấy đã qua thời hương sắc, cho rằng viết về toán học
là dấu hiệu đời đi xuống.
Hardy
viết: “Nhà toán học, giống như một họa sĩ hay thi sĩ, là kẻ tạo ra một mô thức;
nhưng nếu mô thức nầy nhiều tính cách thường tồn hơn công trình của hai vị kia,
chính là vì nó được cấu thành bởi những ý tưởng”. Theo ông, ý tưởng trong toán
học “xứng tiền” đáng giá vì mang những yếu tố như sau: một tính cách tổng quát
nào đó, một chiều sâu nào đó, một sự bất ngờ nào đó, kèm theo tính chất tất yếu
và tiết kiệm ngôn từ.
Việc theo đuổi toán
học của tôi chấm dứt khi tốt nghiệp cao đẳng nhưng những vang vọng nầy vẫn đúng
với tôi và có thể dùng để thẩm định một bài thơ hay. Thanh lịch tao nhã
là chữ có thể dùng để chỉ một thành quả của toán học. Sự kiến tạo nầy như một
màn ảo thuật nhưng khác là không cần động bàn tay, không có gì dấu diếm, lớp nầy
trên lớp nọ để thành cái mũ đen và con thỏ trắng nhảy ra.
Triết gia hay hỏi
cái đẹp nằm ngay trong vật thể hay trong trí tưởng. Nhưng Hardy cho thấy nó nằm
trong cả hai. Theo ông, một nền toán học tốt đẹp sẽ trở thành vĩnh cửu như một
áng văn tuyệt đẹp, sẽ tạo nên sự thỏa mãn tình cảm nội tâm người đời, năm nầy tháng
nọ, qua các thế kỷ, các thiên niên ….
Các
cuộc nghiên cứu gần đây về não bộ đã củng cố quan niệm thỏa mãn nội tâm nầy.
Bác sĩ chuyên khoa não bộ Semir Zeki, Anh Quốc, vài năm trước đây, cho thấy não
bộ của nhà toán học đang chiêm ngưỡng thành quả toán học hoạt động giống như
não bộ của người xem tranh nghe nhạc ở mức thưởng thức cao độ.
Trở về hai anh em Weil,
ngày nay bức thư cuối cùng André gởi em gái được trích thuật và chú ý rất nhiều.
Lý do: Bức thư không nêu lịch sử “khó nuốt” về những con số mà bức thư trình
bày diễn trình tìm kiếm phát giác toán học. Theo André, tiến bộ toán học thành đạt
nhờ sự xem xét tính cách tương cận của khu vực nầy khu vực khác. Những lý thuyết
tương cận xà nẹo qua lại như các liên hệ tình duyên bất chính đưa đến những kết
quả đầy hoan lạc cho người nghiên cứu sành điệu.
Simone không chút
hoài nghi về giá trị của toán học nhưng cô nghĩ rằng nghiên cứu toán học trong
tay André và các người đồng thời đã trừu tượng, nay trừu tượng hơn. Cô nghĩ rằng
hình học xưa kia của Hy Lạp là sự kết tinh của hiểu biết toán học và là một trong
những thành quả văn minh Hy Lạp. Trong nền văn hóa ấy, nghệ thuật, khoa học và
toán học là những nhịp cầu giữa người và linh thiêng; thẩm mỹ là con đường đến
ân phước. Cô viết: toán học, trước hết và trên hết, là một bài thơ huyền nhiệm
do chính God viết ra”.
Về sau André và
Simone đều đến được đất Mỹ. Người anh hưởng một một sự nghiệp lâu bền và vinh
hiển; cô em vượt đại dương đến Anh và chết 1943. Trong hồi ký xuất bản 1992,
André còn nhớ cuộc nghỉ mát vùng núi cùng bố mẹ khi cả hai còn nhỏ.
“Em
tôi còn giữ mãi trong đầu cuộc du hành nầy, trong thư, em nói rằng phong cảnh
núi rừng, chỉ một lần quyết định, đã in vào trí não của em sự trong sáng tinh
khiết của linh hồn. Còn tôi, tôi có một ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Những tia
sáng xuyên mây chiều khi mặt trời xuống thấp làm tôi nghĩ tới những mặt phẳng
hình học kết tụ đồng thời, lớp lớp”.
Đối
với núi rừng hay đối với toán học cũng thế, vẻ đẹp qua ngành học thuật riêng
nơi Simone là sự giao tiếp huyền nhiệm với thiêng liêng; với André là sự liên hệ
xà nẹo qua về “bất chính” của những lý thuyết tương cận, những mảnh toán số gần
giống nhau.
Chúng
ta cũng vậy, có ai hỏi đẹp cái gì, đẹp chỗ mô, đẹp thế nào, chúng ta mỗi người sẽ
trả lời khác nhau. Chẳng có gì mà lo mà sợ.
No comments:
Post a Comment