add this

Tuesday, February 4, 2020

Khói thuốc Pall Mall



Khói thuốc Pall Mall
Jill Talbot *** ttt dịch
Tôi lớn lên trong khói thuốc Pall Mall của (bà) ngoại. Khoảng không giữa ngoại và mẹ thật nguy hiểm. Những lần mẹ con tôi đi qua vùng đông Texas thăm, hai bà đều ngồi gần nhau trong sự yên lặng bền bĩ mà ý niệm thời gian của đứa bé sáu tuổi (là tôi) cảm biết là lâu lắm, nhiều giờ trôi qua. Mẹ ngồi trên salon bọc gấm, ngoại ngồi trên ghế nệm nhung vàng. Phòng nào cũng treo ít nhất một bức tranh – hình hoa hồng và hoa cúc – do chính ngoại vẽ. Tôi ngồi trên nền nhà, đếm những tiếng đồng hồ từ những chiếc đồng hồ đứng, xếp theo hành lang bên trong; không có cái nào gõ chung với cái nào. Sau khi ngoại đủng đĩnh đi vào phòng dưới rồi trở ra tay cầm chĩnh bằng thủy tinh chạm leng keng nhiều lần vào cái ly cối bầu dục trong suốt, sau khi ấy, chúng tôi ra về. Mẹ không bao giờ quên gập mình qua cái ghế vàng để hôn chào ngoại. Mẹ không bao giờ đi mà quên nói “Con yêu mẹ lắm” như một tiếng than đêm dài quá. Tiếp đến, cánh cửa lưới kêu ót ét, mẹ chưa bước chân ra thì ngoại buông ra lời ngọt êm: thương con lắm, Martha Jo của mẹ.

Hôm tôi phát giác tôi sẽ có con, tôi ngồi trong xe trên bãi đậu trước phòng mạch bác sĩ, tôi khóc òa, tôi khóc nghẹn ngào.
Vài tháng sau khi mẹ chết, tôi đứng trong bếp nhà mẹ cùng Mary và Jean, hai người bạn hiền của mẹ, quen nhau từ khi vô lớp một vỡ lòng. Trong khi tôi lấy từ kệ cao từng món đồ sành rồi gói trong giấy báo, hai dì giúp con tôi, Indie 16 tuổi, thu xếp bộ dĩa mà ngoại đã cho bố mẹ tôi làm quà cưới năm 1969. Bộ tách sứ nầy do tay ngoại vẽ những hoa hồng màu hồng, có tay cầm viền vàng và chữ ký tắt của ngoại dưới mỗi món. Mẹ của Mary và Jean cùng học lớp hội họa với ngoại. Dì Mary hay nói: biết làm chi cho hết ngày giờ nơi thị trấn nhỏ xíu nầy vào thập niên 1950. Cả hai dì vẫn còn sống trong tỉnh lẻ ấy.

T
ôi đặt thùng giấy bìa cứng lên bàn ăn và tôi tự hỏi câu hỏi tôi chưa bao giờ hỏi mẹ: ngoại nghiện rượu tệ đến mức nào? Đang trớn tiếp tục gói, hai bà quay qua kể chuyện xưa: ngoại lái xe đường trường xuống vùng đất thấp; đánh một giấc ngủ trưa khi cắm trại với Nữ Hướng Đạo, đăng báo tìm túi xách màu đỏ bỏ quên ở một trong hai nơi đã đến.
Bỗng dưng nỗi sầu mất mẹ dâng lên, khuấy động tâm tư tôi: thương tiếc, hối hận, sầu bi. Những lần sờ chiếc áo ấm của mẹ, dùng cái muỗng lường, nghe những dĩa nhạc Patsy Cline, tôi thấy đau nhức cả thân thể như những âm thanh hổn độn không tiếp tấu của những chiếc đồng hồ đứng. Nhưng tôi cũng biết tôi và mẹ không cùng nhịp phách.
Mấy thùng giấy đã ràng kỷ, Mary và Jean cầm xách tay ra về. Tôi đi theo ra tận ngõ, tôi buột miệng nói rằng tôi không nghĩ mẹ đã thương yêu tôi thực sự. Mary ôm tôi, nói nhỏ vào tai tôi: Jill, mẹ con thương con lắm đó. Jean thì thở dài: cô ấy không bao giờ học cách yêu thương.
Mười tám năm trước, với đứa con gái lớn dần trong bụng, tôi biết tôi đang cất giữ một quá khứ khó khăn: chuyện mẹ và ngoại rồi đến chuyện mẹ và tôi. Tôi cảm thấy quá khứ ấy vẫn tiến tới như đồng hồ tích tắc, tích tắc và tích tắc mà tiến đều.

Khi rời nhà để vào đại học xa, tôi thường một mình về vùng đông Texas nầy để thăm ngoại. Không hơn gì một đứa bé, tôi chỉ biết (đó là) một bà vợ góa cất giữ hột điều trong hộc tủ bếp; một người đàn bà luôn giả vờ không có rượu trong phòng xép phía sau. Trong những chuyến độc hành ấy, ngoại thường kể cho nghe những chuyện về mẹ, về người đàn ông mà ngoại viết thư ủy lạo thời chiến “John thân mến”, về lần ngoại bắt gặp mẹ và Mary hút thuốc (Mary chối); nhưng phần nhiều ngoại dành thời gian đấu láo tán gẫu về người hàng xóm bên kia đường. Lắm lúc chúng tôi cười ngất làm ngoại sặc khói thuốc Pall Mall, ho trối chết.


Indie cùng cỡ chân với mẹ nên giữ một số giày của mẹ. Cháu thích nhất đôi da lật màu đen cao cổ, gót nhọn, cháu mang đi nghe nhạc, đi dự tuyển, những dịp đặc biệt. Tuần rồi, trước khi đi nhạc hội Jazz, cháu phải ra tiệm mua keo dán lại gót giày đã hở.
Tôi không bao giờ biết mẹ và Indie liên lạc trò chuyện thư từ với nhau thế nào cho đến khi mở một gói quà, món quà cuối cùng mẹ cho cháu. Đó là cái mền lông vịt, vải bọc nền màu đen hiện lên hình hoa lá hồng tươi. Indie nói cả hai bà cháu chọn cái mền ấm ấy. Thỉnh thoảng tôi vào phòng Indie vuốt thẳng hoa lá cho ngay bằng.

Lần ấy trong bệnh viện, khi tôi biết đến lúc phải nói điều cần nói, tôi cầm tay mẹ. Tôi bắt đầu: “cảm ơn mẹ” thế rồi, chữ nghĩa ngôn tự chạy tuốt vào cổ họng; tôi nói không ra lời. Buồn quá, đáng tiếc thật, còn dịp nào nói.

Thời Indie còn bé xíu, tôi thường đứng một chân, chân kia trên ghế cao và để Indie trên vế; tôi cầm tay cháu đánh nhịp hát “đô rề mi”, làm cho cháu thấy âm thanh hòa cùng nhịp tim, cùng hoa nở và mưa rơi. Indie không nhớ đâu.
Nhưng bây giờ tôi nhớ và lần đầu tiên ý thức điều cần thiết, là quay ngược chiều kim đồng hồ và đổi hướng ba động của quả lắc.




No comments:

Post a Comment