tranh Tàu: khóc mướn và nhạc đám ma
Cái hòm của bà nội
Coffin Keeper **Wenguang Huang *** TTT dịch
Khi chín tuổi, tôi ở chung phòng với một quan tài. Cha
tôi đóng cái hòm nầy làm quà sinh nhật thứ 73 cho (bà) nội, gọi nó là “thọ mộc”,
cái tên kỳ dị cho cái hộp mà bà sẽ nằm trong đó để chôn xuống đất. Việc chôn xuống
đất đã có lệnh cấm sau khi cộng sản cầm quyền, do đó tôi không thể cho ai biết.
Nội về sống với gia đình tôi khi 72 tuổi vào năm 1974,
lúc ấy bà luôn bị ám ảnh về cái chết gần kề. Nội biết các danh ngôn xưa, nhất
là câu: “Khi đến 73 hay 74 thì Diêm Vương sẽ gọi về”, nội muốn chuẩn bị đầy đủ
để chết cho xong. Sau Tết, nội bắt đầu bèo nhèo với bố (của tôi) về cách thức sắp
xếp chung sự. Nội muốn được chôn theo lối cổ truyền. Nội thường làm bố khổ tâm
bực mình về các lề thói xưa nhưng rồi bố luôn có thể xoay ngược tình thế. Tuy vậy, trong chuyện nầy, nội rất cương quyết chống lại mọi cố gắng làm nản lòng.
Đảng đã chỉ thị thiêu với một lập luận thực tế: chôn tốn
đất canh tác, phát triển. Nhưng cũng có lý do ý thức hệ, nghi lễ tống táng nặc
mùi tôn giáo, điều đảng quyết tâm tẩy rửa.
Bố đã tốn công sức trở thành công nhân gương mẫu và vô
đảng nên thừa biết rằng việc chôn nội là một khó khăn chính trị sẽ thiệt hại địa
vị trong đảng mà bố đã khổ công leo lên. Cách mạng văn hóa đang đi xuống nhưng
làm theo các tục lệ xưa vẫn đem lại những bất lợi rắc rối. Tôi còn nhớ đã cùng
cả lớp đến dự buổi công khai tố giác một người đã tổ chức đám cưới cho con gái
theo lối xưa ở làng quê, bên ngoài Tây An. Một người địa phương đã mật báo cho
chính quyền rằng người cha đã thuê một cái kiệu sơn đỏ để gánh cô dâu, điều nầy
đã có lệnh bãi bỏ.
Trong trường, tôi đứng đầu nhóm thiếu nhi CS, nhóm
chúng tôi dự thi hát hằng năm với bài: đả đảo Khổng Tử và chống cổ tục;
do đó tôi thấy đám tang cổ truyền là điều kinh tởm. Tôi còn nhớ đã thấy đám ma
của một bà lão trong một thôn ấp nơi lệnh cấm không nghiệt ngã cho lắm. Thân
nhân mặc áo trắng, khóc lóc kêu than. Đứa cháu nội đi trước dẫn đầu một đám rước,
mang một cây tre móc một tràng phan bằng giấy; tôi không hiểu ý nghĩa những chữ
viết trên ấy nhưng bố nói đó là lời cầu mong một hành trình êm xuôi đến thế giới
bên kia và đầu thai vào chỗ tốt. Tôi rúm người khi nghĩ một ngày kia sẽ cầm cây
tre như thế. Bạn bè trong lớp sẽ gọi tôi kẻ lừa đảo, hát nhạc CS ở trường nhưng
làm theo hủ tục ở nhà. Hơn nữa, chúng sẽ cười vào mặt nếu tôi mặc áo trắng thế
kia.
Trước tiên, bố cố gắng nói với nội bỏ qua ý định ấy.
Trong bữa cơm, bố kể tên những lãnh tụ CS danh tiếng chủ trương hỏa thiêu; những
trường hợp bị trục xuất khỏi đảng vì theo lối xưa từ đó cuộc sống đổ nát. Bố
nói sau khi dự lễ thiêu của người bạn cùng sở, bố thấy chuyện ni không sao. Khi
chết thì hồn đi mất, còn cái xác nề hà chi. Nội lắc đầu lia lịa, nội nói: “Mẹ
không muốn bị tra tấn bằng lửa sau khi chết; công nhân lò thiêu không bao giờ cạo
sạch than tro mà chỉ lấy một phần; vậy thì biết xương của ai của ai. Con sẽ
cúng vái mẹ người ta vào lễ Thanh Minh”. Nội đứng dậy, xếp dọn bàn ăn.
Mẹ (của tôi) không chịu cảnh chồng bị hạ dễ dàng như vậy
nên nói: “Mẹ muốn chôn ở chỗ nào; đâu có nghĩa trang trong tỉnh nầy.” Nội phản
pháo: Ai nói chôn trong tỉnh nầy: "ta sẽ trở về làng xưa ở Hà Nam, chôn bên mộ
chồng”.
Chúng tôi trố mắt không tin. Nhưng đó là một điều mới
mở đầu một diễn biến mới.
Ông nội đã chết vì bệnh lao hơn 40 năm nay, được chôn
vào đại địa trên bờ Hoàng Hà. Bà thường khoe ông thầy địa (phong thủy) đã chọn
chỗ tốt tạo nên phát đạt cho cả mấy thế hệ sau. Nội tin rằng đoàn tụ với ông nội
là hoàn tất chu kỳ thế hệ, có nghĩa hậu duệ, tức là tôi, chị tôi, em trai tôi,
sẽ hưởng mọi ân sũng. Bà nói: việc nầy đâu phải cho mẹ mà cho tương lai của cả
gia đình”.
Khi nội bày tỏ cương quyết về cái chết đang đến, bố
rút lui dần dần, ít nói trong bữa ăn. Thỉnh thoảng thức giấc nửa đêm, tôi nghe
bố thầm thì với mẹ về nội.
Giống như nhiều người Tàu khác thời ấy, bố nồng nhiệt ủng
hộ đảng. Tôi thấy bố rất hùng dũng tự tin trong các buổi họp công cộng nhưng ở
nhà thì khác. Một lần trong trường, cô giáo đọc cho nghe một bài bình luận về
chữ hiếu của Khổng Tử, cô lập lại câu: Nếu cha mẹ hay thân nhân của các em làm
những hành vi phản cách mạng, các em không nên ngần ngại tố cáo”. Tôi kể cho bố
nghe; bố gạt ngang cho là tuyên truyền. Bố nói: chỉ có lũ ngu đầng mới phản bội
cha mẹ đã nuôi dưỡng chúng. Bố bảo đừng nói ngoài đường những gì nghe trong
nhà.
Sau mấy tháng suy nghĩ tính toán, bố đã có định tâm
riêng. Một tối, sau bữa ăn, bố bảo chúng tôi ngồi lại rồi tuyên bố: Nội đã hy
sinh rất nhiều cho chúng ta; nay đến phiên chúng ta, chúng ta phải hy sinh phần
nào cho bà. Chúng ta phải tiết kiệm tiền bạc và lập một kế hoạch để giúp nội đạt
ý nguyện khi chết. Các con không được phép nói với bạn bè những điều dự định
làm. Đấy là một bí mật của chúng ta”.
Như để nhấn mạnh sự khẩn thiết của kế hoạch, ít hôm
sau nội bệnh. Cơn sốt không thuyên giảm tuy nội dùng thuốc trụ sinh bố mua
trong công ty. Theo ý kiến của người cùng sở, bố đạp xe ra ngoại ô tìm gặp bác
sĩ Tú có kinh nghiêm y lý cổ truyền. Tuy tin mọi điều tân thời, bố hoài nghi y
khoa tây phương. Đốc Tú làm việc tại một công ty sản xuất tấc nhưng tối về nhà
làm nghề thuốc thảo dược kiếm thêm tiền. Ông bị bắt nhiều lần và ông thấy bích
chương treo ngay trong xưởng tố cáo ông, nay ông chỉ giúp cho người quen thân.
Đốc Tú đến nhà, bắc mạch, xem lưỡi xem mắt của nội rồi
đi đến kết luận nội bị nhiệt bốc mạnh gây nhiễm độc bên trong. Ông quẹt một
danh sách dài tên cây thuốc. Hôm sau vì nghỉ học, tôi đem toa nầy đến cửa tiệm
sặc mùi xạ hương, chất đầy thảo dược. Tôi nhìn thấy chủ tiệm lấy từ mấy cái
thẩu thủy tinh xếp trên tường, nào là rễ cây, lá cây, thứ nầy thứ kia… đem cân
rồi quết, rồi trộn và gói thành sáu bịch.
Trong sáu tối, bố lấy một gói trút xổ vào một ấm đất, đổ thêm nước và nấu trên lò than mấy giờ đồng hồ. Thuốc sắc kẹo còn chừng một chén, nội uống thứ nước đen sệt ấy mặt mày nhăn nhó cố nuốt cho trôi. Bệnh đã làm hao mòn sức lực nhưng không làm giảm quyết chí của nội. Nội bảo bố phải làm cái hòm. Tôi đoán nội lo rằng nếu không có cái quan tài thì bố sẽ cúi đầu tuân phục đảng và thẩy xác nội vào lò thiêu ngay khi nội chết.
Trong mấy ngày liền sau đó, bố về nhà sớm nhưng rồi đi
ngay; bố ở lại đến khuya nhà một người bạn đặc biệt mà chúng tôi kính cẩn gọi
là Bác Lý để bàn luận về di lụy chính trị từ việc sắp xếp chôn cất nội. Bác Lý quen
bố từ 20 năm nay khi cùng học nghề, hiện đứng đầu Văn Phòng Kỹ Nghệ Nhẹ của tỉnh;
văn phòng nầy giám sát công ty của bố. Bác ngợi khen lòng can đảm của bố. Bác nói:
Mẹ của anh đã cam khổ nhiều, nay việc làm của anh chính là để đền đáp cho bà.
Bác nói thêm bác sẽ che chở bố, nếu có chuyện gì xẩy ra nhưng bác tin sẽ không
sao nếu kế hoạch được thi hành âm thầm, không rềnh rang. Bác giải thích: Anh
thuộc thành phần vô sản, mẹ anh nghèo, là người đàn bà quê không biết chữ, cho
nên tôi nghĩ mọi sự sẽ được cho qua dễ dàng.
Lúc ấy tôi đã biết khu vực nầy ăm ắp những bí mật, vẫn
có người sống nghề đóng hòm tuy luật pháp trừng trị gắt gao người làm và người
mua. Nhưng bố chấp nhận nguy hiểm nầy vì cái hòm sẽ làm nội khỏe hơn và an tâm
hơn.
Đi học về tôi thấy nửa sân trước chất đầy ván bách dày.
Vài kẻ hàng xóm tò mò gật đầu ghi nhận lời giải thích của bố là sẽ làm một số
bàn ghế giường tủ. Họ đều biết nội bệnh và gỗ nầy là thứ thường dùng làm hòm nhưng
không ai nói gì, chỉ khen gỗ đẹp và quí hiếm.
Những ngày ấy, không thể tìm ra một người thợ mộc. Cha thằng bạn học của tôi là trưởng xưởng mộc trong công ty của bố, một lần cáo bệnh xin nghỉ vài ngày nhưng ông bí mật qua tỉnh bên làm kiếm thêm tiền. Có người báo cho đảng ủy; hai công an lôi đầu ông về, đứng cúi đầu nhận tội trong một buổi họp công cộng có sự tham dự của mọi công nhân và gia đình. Chúng tôi đưa tay lên hét lớn: đả đảo lòng tham tư bản.
Bố nhờ bạn bè tìm giúp một người thợ mộc nhưng không kết
quả. Khi hết sức tuyệt vọng thì bố gặp may, một người lao công ra tay giúp. Biết
tình trạng sức khỏe của nội, ông tình nguyện đem tài nghề gỗ ra giúp và hứa sẽ
đem thêm hai người bạn đến làm cho xong chiếc hòm nội kỳ nghỉ lễ Lao Động Quốc
Tế. Nếu mẹ đủ sức cung cấp thịt và rượu ngon thì họ làm công không, ngõ hầu
không ai bị kết tội làm lén ngoài giờ.
Chừng 8 giờ sáng ngày 1 tháng 5, mẹ kéo cả lũ anh chị
em tôi khỏi giường và bảo qua xóm bên mà chơi, nhớ câm mồm không nói chi hết. Đến
trưa, chúng tôi trở về nghe thơm mùi gỗ bách, sân đầy dăm bào và mạc cưa. Mâm
cơm đã dọn sẵn ra bàn nơi phòng khách. Một chai Xifeng (Tây Phong tửu) loại rượu
quí bố mua chợ đen đứng bên nồi cơm nóng bốc hơi và mấy dĩa thịt và rau cải.
Xifeng Tây phong tửu
Thịt heo và gạo bán theo tem phiếu; mỗi người lớn mỗi
tháng được mua một cân thịt heo và một cân gạo. Mà gạo thì sản xuất phía nam phải
chở lên phía bắc xa xôi, cho nên chúng tôi thường ăn mì sợi và bánh mì bắp. Miệng
tôi đầy nước bọt vì thấy và ngửi mùi thơm nơi bàn tiệc vào lúc mẹ kéo tôi vào bếp
chỉ cho miếng bánh bắp và hứa sẽ cho ăn đồ thừa nếu ngoan trước mặt khách. Tôi
biết ấy là vì nội và tương lai của gia đình. Thù tiếp thịnh soạn mấy ông thợ mộc
sẽ làm mất khẩu phần tem phiếu của chúng tôi, chúng tôi sẽ không được ăn thịt
trong một thời gian rất dài.
Cuối ngày hôm sau, dăm bào và mạc cưa đã dọn sạch khỏi
sân, nhường chỗ cho một cái hòm lập phương vĩ đại có chạm trỗ theo lối xưa của
Tàu, đặt trên hai giá gỗ. Tôi lấy một cái ghế đẩu đứng lên mới nhìn rõ bên
trong. Nó rộng lắm đủ cho hai nội nằm, tôi hỏi bố vì sao cần một chỗ to như thế
cho một người nhỏ thó như nội. “Con đừng quên rằng bà sẽ được quấn trong một
cái mền bông và mặc nhiều lớp áo”. Tôi gật gù nhận hiểu và cười rộ khi bố nói: "nào ai lại ép nội dẹp lép nhét vô hòm”.
Sau khi lau chùi lần cuối, mấy ông thợ và bố đem chiếc
hòm vô nhà. Nhà nhỏ nên tôi tự hỏi sẽ để chỗ nào mà tránh mọi con mắt xoi mói
chung quanh. Giường nội chiếm gần hết phòng khách; mấy chị em gái tôi nêm cứng
một phòng. Chỉ còn phòng của bố mẹ, cũng là phòng của tôi và một đứa em nhỏ nữa.
Tôi âm thầm ghi nhận rằng tấm phản tôi nằm đã tháo ra từng miếng, dành chỗ cho
cái hòm. Còn một khe hở giữa nó và bức tường đủ cho tôi chen vào nằm. Suốt mười
sáu tháng sau đó, tôi thành kẻ giữ hòm. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên, tôi run lẩy bẩy
tuy trời nóng, khi tôi nghĩ một ngày nào đó nội sẽ chết, không bao giờ trở lui;
cô giáo nói chết là hết, thân xác như chén nước đổ xuống đất khô, không còn chi
nữa. Tôi nhớ lại chuyện một phụ nữ mắc nghẹn mà chết; gia đình đem chôn. Ba
ngày sau có tên trộm đến đào mồ tìm đồ quý giá trong hòm. Khi nắp hòm được cạy
ra và xác được hất qua một bên thì thức ăn trong cổ phọt ra, người chết mở mắt
đứng dậy; tên trộm sợ chạy la làng. Khi nội chết, nội có trở lui không, làm sao
mà nhấc cái nắp hòm nặng trịch nầy?
Không biết cái hòm trừ được tà hay nhờ hiệu quả của thuốc đốc Tú ra toa mà nội bình phục. Nhưng chúng tôi sống như tình trạng bị địch vây. Bố lẫn mẹ ngày ngày canh cánh sợ có người cùng sở trong khu tập thể nầy tố cáo.
Cái hòm vẫn ở chỗ cũ. Từ khi nội khá, nó thành nơi cất
giữ những bao bột mì hay bắp mua chợ đen phòng khi thiếu hụt, nó được che phủ bởi
giấy báo và tấm khăn vải nên trông như các thứ đồ gỗ khác trong nhà.
Nội qua 73 và luôn nhắc nhở bà sẽ chết nay mai. Vào một
tối, dưới ánh đèn điện yếu ớt, bố mẹ bàn định xúc tiến kế hoạch đưa xác nội đến
cạnh mồ ông nội. Bố và tôi (con trai và đích tôn) sẽ là những nhân vật chính
trong “dự án của gia đình họ Hoàng tại ga xe lửa ngầm”.
Nếu nội chết vào mùa đông thì sẽ nhờ người có xe hàng âm
thầm chở ngay về quê quán của nội, nhưng phải mất 26 giờ trên những con đường
bùn lầy nguy hiểm. Nếu không có xe hàng, thì gia đình có quen một người làm kỹ
sư máy tàu hỏa có nhiều móc nối với trạm ga, hòm sẽ được bao kín và nhét vào
toa chở hàng. Nếu không có tàu hàng mà chỉ có tàu khách thì không dùng hòm, xác
nội sẽ được quấn trong chăn bông để nằm trong toa khách, nói dối bệnh nặng. Chở
xác trên tàu khách là điều cấm kỵ nên chúng tôi an lòng sự móc nối tin cậy. Nếu
bị phát giác, xác nội sẽ bị đẩy xuống đất trạm tới để đem đi thiêu, đồng thời
cha con tôi sẽ bị bắt.
Nếu nội chết vào mùa hè thì đem chôn vùng quê kế cận,
ba năm sau sẽ bốc mộ cải táng chôn gần ông nội. Tốn kém, hai lần ma chay nhưng
rất “khả thi”.
Lương bố rất thấp mà bố luôn bị ám ảnh vì việc tiết kiệm
từng xu. Mẹ thì theo sát thị trường kiểu Mao; cửa hàng chính phủ trống vốc,
không đường, không dầu, không mỡ. Khi nghe tin có hàng đến thì mẹ đứng chờ hàng
giờ để mua cái này cái kia nếu có thể. Ngày lãnh lương bố bảo mẹ đưa hết tiền,
ông cất vào hộc bàn để điều hành ngân sách gia đình.
Kế hoạch chôn nội dựa vào một điểm mấu chốt là tìm cho
ra chỗ chôn ông nội. Nội nhớ chỗ ấy trên một doi đất nhỏ bao quanh bởi
Hoàng Hà khi sông chảy qua làng xưa. Năm 1977, bố nhét túi xách đầy tiền và
quà về sinh quán để tìm mộ cha trong vùng Hà Nam, Thiểm Tây.
nạn đói 1942-43 tại Hà Nam, 4 triệu người chết
nạn đói 1942-43 tại Hà Nam, 4 triệu người chết
Tin bố về làng chạy rất nhanh; chẳng mấy chốc, bố được
tiếp đón bởi cả một tiểu đoàn thân nhân, mấy ông, mấy bà, thân quyến nội ngoại.
Nhưng nhân vật chính cần liên lạc là hai người anh họ. Người lớn tuổi nhất là Hoàng
Phú San, xã trưởng. Vì biết rõ khu vực, hai người nầy chỉ mất chút thời gian ngắn
đưa bố đến một ngôi mộ không bia giữa lùm cỏ cao tận đầu gối và bảo là mộ của
ông nội. Ông hứa sẽ đích thân theo sát việc chôn cất nầy hoàn tất tốt đẹp. Bố
mang cái bị không trở về nhưng được an lòng.
Mặc dù chúng tôi khá nghi ngờ qua bao thay đổi mấy chục
năm, bố bảo hãy cứ tin và đọc cho tôi viết bức thư cảm ơn bác xã trưởng kèm 40
quan để lo sửa sang ngôi mộ; 40 quan là cả một tháng lương của mẹ!
Năm 1972, tôi rời Tây An để học cao đẳng tại Thượng Hải.
Cuối năm ấy, công ty của bố xây xong một chung cư gạch đỏ năm tầng. Vì thâm
niên, bố được cấp một căn tầng trệt. Chỗ
nầy có vòi nước chảy, nhà bếp tân tiến nhưng các phòng thì nhỏ hơn. Do đó không
nơi nào mà để cái hòm của nội. Nó được nằm êm ở một góc kín đáo trong nhà kho,
sau những đóng gạch đỏ cao.
Nhưng ác nghịch của “dự án đồng quê” nầy là nhịp nhanh
của chương trình canh tân hóa của Đặng Tiểu Bình. Chính quyền địa phương muốn
làm con đường xuyên qua nghĩa trang của ông nội và biến khu nầy thành nơi trồng
cây ăn trái để tăng lợi tức cho xã. Gia chủ được thông báo cần di dời trước khi
xe ủi sang bằng khu vực.
Bố phản đối việc di dời nầy qua lời lẽ cứng rắn trong
thư gởi bác Phú San. Người xã trưởng hồi đáp rằng ông đã chống lại xã ấp để bảo
vệ ngôi mộ; đã nằm trước xe ủi đất được phái đến cày. Ông đã thành công trong
việc nầy nhưng ông phải hối lộ viên chức hành chánh. Bố rất cảm động trước
nghĩa cử nầy và đã gởi thêm tiền cho ông ấy hối lộ.
Năm 1985, bác Phú chết vì bệnh tim; bố nhận tin với đủ
thứ khổ đau, vì người vừa qua đời vô cùng thiết yếu cho dự án chôn nội. Bố phải
nhảy qua người anh họ kia là Hoàng Mạnh San và được hứa mọi sự sẽ được thi hành
theo dự định. Để đền ơn, bố đem về nhà đứa con 17 tuổi của bác Mạnh cho ăn ở và
tìm việc làm; có ai từ quê lên tỉnh bố đều nhờ đem thư và quà cho bác ấy. Tuy vậy
cuối cùng mộ ông nội vẫn bị sang bằng nhưng bác nói đã làm dấu để không mất mộ.
Tôi ra trường 1976 và có chỗ dạy học gần nhà. Mỗi kỳ
lương tôi đểu đem một phần lớn về đưa bố đóng vào quỹ hậu sự của nội. Chị tôi bị
gia đình phản đối kết hôn với người quen gốc thôn quê nhưng đã lấy được lòng của
bố mẹ khi gia đình chồng tương lai cam đoan có chỗ chôn nội trong nghĩa trang của
xã. Bố chấp nhận phòng khi hữu sự.
Bố 40 khi bắt đầu gánh trách nhiệm đoàn tụ ông bà nội;
lúc ấy tôi mới vào tiểu học. Năm 1988, bố đã bước vào tuổi 60, tóc đã bạc. Tôi
đã làm nghề thầy giáo; em trai tôi đã học xong trường dạy nghề; chị và em gái đều
đã lập gia đình. Khi ngồi lại với nhau, chúng tôi thường yêu cầu bố thư thả thảnh thơi, đừng
tự dồn ép lo cho kẻ khác; chúng tôi đã đưa bố đi một vòng Thượng Hải; khi nào mở
miệng bố cũng nói chuyện dành các nguồn tài chánh để nuôi con và lo cho nội.
Một lần cuối tuần tôi về thăm tôi thấy bố ho liên tu bất
tận. Suốt đời bố luôn bị sưng phổi nên bố bảo chẳng có gì lo. Nhưng thật sự bố
bị ung thư phổi. Sau một tuần hóa trị, mặt bố tái nhợt, thân gầy thấy
rõ. Nhưng đáng ngại hơn là tâm thần bố coi bộ không còn vững.
Lúc ấy nhằm vào khi Tàu đi vào con đường kinh tế hấp hối,
chuyển tiếp từ chính sách kế hoạch hóa trung ương. Giá các thứ cần thiết cho đời
sống hằng ngày tăng gấp năm lần. Qua một đêm, đồng bạc mất hết giá trị. Một lần
còn nằm trên giường bệnh, bố lẫm bẫm nói một mình: tiền bạc cả nhà tiết kiệm
hai mươi năm nay bây giờ không đủ để mua một cái TV màu. Bố trông thất vọng trước
sự sa sút nầy.
Tuy bác sĩ không hứa hẹn điểu gì khả quan, bố bảo tôi
hãy đi học cho có tương lai. Đêm cuối ấy, bố trốn bệnh viện về nhà tiễn tôi đi
Thượng Hải. Đêm ấy bố đưa cho mẹ giữ chìa khóa mở hộc tiền và bảo mẹ phải hứa sẽ
không cho nội biết.
Gần một tháng sau, điện tín ngắn của mẹ bảo tôi về gấp
bố sắp chết. Tôi đi tàu đêm về Tây An, mãi xế chiều gần tối hôm sau mới đến. Một
thân nhân đón tôi và đưa thẳng đến bệnh viện. Bố còn tĩnh nhận ra tôi nhưng ba giờ
sau thì bố hôn mê. Hôm sau bố chết. Thế là xong, thi hài sẽ đem xuống nhà xác của
thị xã rồi đưa qua lò thiêu. Bố là một đảng viên gương mẫu thì theo chỉ thị của
đảng làm thế là phải rồi.
Nhưng mẹ và bà con thì muốn khác, có mấy phần lễ lạc
theo truyền thống rồi cũng đem thiêu. Nhà treo nhiều băng vải và màn đen làm nổi
bậc những vòng hoa giấy màu trắng và những bộ áo tang màu trắng chị và em gái
tôi mặt. Tôi chỉ chít khăn trắng. Ngày đầu tôi ôm hình bố, dẫn đầu đám con của
bố và một số thân nhân khác diễu quanh khu vực, khóc lóc kêu than, gọi hồn bố
trở về. Ngay giữa giao lộ chính, cô của tôi vẽ một vòng tròn, để vào trong đó một
cọc tiền giả, châm lửa và kêu tên bố. Gió thổi tro giấy và cô bảo tôi rằng bố
đã về nhận tiền.
Lễ phát tang khá rềnh rang. Nhiều người vái trước
hình bố và đốt tiền giấy trong cái chum. Hôm sau là ngày đưa xác bố đi thiêu.
Bà cô hôm qua đốt tiền giấy giữa đường bảo tôi phải ôm cái chum ấy đi trước đám ma,
khi đến ngã ba kia thì ném xuống đường cho nó vỡ tung, cô nói cái chum là thân
xác đã cầm giữ hồn bố, nay chum vỡ, bố được giải thoát mà đi đầu thai tái sinh.
Tại nhà thiêu, loa không ngừng phát ra những lời chia
buồn xưa rích. Khách đưa tiễn khá đông, thay nhau phát biểu ý kiến. Phần đông
khách sáo, nói theo khuôn mẫu như tận tâm vì đảng. Vài người chân thành. Một
cộng sự viên của bố đã ca ngợi lòng hiếu thảo của bố, khen bố đã đóng cho nội
cái hòm. Khổ thật, cái hòm là bí mật của gia đình, một mối nguy không chừng.
Trước khi bắt đầu ma chay bố, nội được chở trên chiếc
xe ba bánh đến nhà một thân nhân khác để không thấy cảnh đứa con trai duy nhất
lìa đời trước mình. Xong cuộc, tôi rước nội về, bà như đứa trẻ ngơ ngác, ngớ ngẩn,
bà con trong họ nói bố đã hớp hồn bà đem theo. Phần tôi, tôi vừa thương và hận
nội, vì nội mà bố đã hy sinh cả cuộc đời, không còn cái gì trừ ra cái xác của bố.
Tôi trở lại Thương Hải học tiếp. Mẹ ở lại Tây An thường
nhắc đến nghĩa vụ tuân thủ kế hoạch của bố về chung sự của nội và lo cho nội đến
ngày cuối đời. Mẹ không cho tôi biết nội chết và tự lo đám ma, về sau tôi mới
được kể lại sự tình.
Một chiều thu 1979, mẹ thấy nội không chịu ăn nữa, đầu
gục xuống vai, bác sĩ đến bắc mạch thì nội đã lìa đời bình an ở tuổi 87.
Kế hoạch của bố thật tài tình; mẹ không phải làm gì
nhiều. Một cái lều tạm được dựng trước căn nhà. Cái hòm được kéo ra khỏi góc
nhà kho. Bạn bè đến giúp mẹ mặc cho nội bộ áo liệm đã may sẵn hơn mười năm. Nhiều
người đến viếng lần cuối; có kẻ dùng những dung vải đỏ quấn quanh xác nội rồi
trao cho trẻ con để hưởng lộc “thọ” của nội.
Khổ cho mẹ là người đông quá; đám ma to mà có cái hòm;
mẹ phải giảm gần hết số người đi đám. Theo kinh nghiệm của người bà con làm cảnh
sát giao thông, một đám ma đi chôn chật đường đã bị cảnh sát giải tán đưa hòm về
nhà thiêu thay vì đến nghĩa địa. Mẹ không muốn điều nầy xẩy ra cho nội, kế hoạch
bao năm nay đã đến giờ cuối, đừng để hỏng bét.
Mờ sáng mới bốn giờ, ba chiếc xe khách và xe hàng đến.
Hòm của nội đưa lên xe hàng, một số thân nhân được lựa chọn lên xe khách. Âm thầm
lên đường, giờ sáng lưu thông thưa thớt, đoàn xe đã đưa nội chạy quanh thành phố
cho nội nhìn lần cuối đô thị mà nội xem là quê nhà sau khi sống hơn 50 năm.
Trời hết mưa. Hòm của nội được đặt vào huyệt mộ của một
nghĩa trang nhỏ nhìn xuống phía nam của thành phố. Bình tro cốt của bố đặt ở
góc trái cuối hòm; đó là vị trí con đứng ở chân mẹ được mẹ che chở nuôi nấng.
Mẹ nói, một mình, không có chồng, không có con trai mà
làm thế là quá sức rồi, đưa nội về quê nơi doi đất Hoàng Hà sẽ tính sau; vã
lại, chôn nội ở đấy đã được bố dự trù.
Tôi nghĩ người đàn bà nầy đã giải trừ “nghĩa vụ” đã hứa
với người chồng quá vãng trong một bối cảnh chính trị và xã hội không thuận tiện,
nếu không nói là ác nghiệt. Mẹ đã cố vượt qua các nghịch cảnh mà sống. Nhưng
hai hôm sau lần đột quỵ, mẹ chết vào ngày cuối năm, 31 tháng chạp 2005. Bình
tro cốt của mẹ được chôn cạnh mộ của nội, nghĩa là cạnh bố luôn thể.
Tôi đã định cư ở Mỹ khá lâu trước giờ mệnh chung
nầy, mẹ sống với em tôi ở Tây An, tôi chỉ về xứ tiễn đưa mẹ mà thôi. Sống tại
Hoa Kỳ, tôi quên dần những điều CS nhồi sọ, tôi quay về những tập tục xưa để nuôi
dưỡng những ký ức về các thế hệ trước, nội, bố, mẹ. Hàng năm vào lễ Thanh Minh
tôi thiết lập bàn thờ có hoa quả nhang đèn vái lạy tiền nhân. Một lần tôi về xứ
đến nghĩa trang nhỏ hẹp nầy. Tôi đem theo một bị dollars giả, đốt trước mồ.
Sao tôi không nói với mẹ, mà chỉ nói với bố: “Bố, bố đừng sống khắc khổ nữa, đã
có nội chăm lo. Có tiền đây, ăn uống no say, đừng bóp hầu bóp cổ nhịn đói
cho khổ thân”. Coffin Keeper * Paris Review 193, Summer 2010
========================================================
No comments:
Post a Comment