add this

Friday, September 25, 2020

tôi và sài gòn







tôi và sài gòn

 Đ Duy Ng*** 15.4.2018

Tôi vốn không phải là dân Sài Gòn. Tôi là thằng con trai miền Trung vô Sài Gòn kiếm cái chữ từ những năm cuối của thập niên sáu mươi, đầu bảy mươi của thế kỷ trước. Là thằng sinh viên nghèo tự lập chẳng ai nuôi nên tôi chỉ quanh quẩn ở những xóm lao động của Sài Gòn hoa lệ thời ấy. Để tiện việc học hành, và vì lúc đấy cũng chẳng có phương tiện di chuyển, tôi bám riết khu Trương Minh Giảng suốt quãng đời đi học. Cho đến khi đi làm mua nhà, tôi vẫn quanh quẩn khu vực ấy. Thế nên Sài Gòn trong tôi là những xóm nghèo, Sài Gòn với tôi là những người lao động nghèo, những căn nhà nho nhỏ, lụp xụp bên bờ kinh Nhiêu Lộc mà bây giờ không còn nữa. Ngay đống rác ngay chân cầu Trương Minh Giảng thuở xưa cũng là nơi ghi dấu nhiều ký ức cùa tôi một thời đã đi qua không trở lại.

Lúc mới vào Sài Gòn, tôi mê những hàng cây. Những cây me đường Nguyễn Du với những quán cà phê ven vỉa hè. Tôi và bè bạn rong chơi ở đấy suốt đời sinh viên để ngắm những hàng me, để đón những lá me nhỏ xíu rớt trên vai mình, để nhìn những hạt mưa bay bay trên những vòm lá xanh biếc màu ngọc bích và để yêu một thành phố. Tôi cũng mê những buổi chiều đi lang thang sau giờ học ở Đại học Văn khoa, đến cuối đường Gia Long, ở gần nhà thương Grall để ngắm hai hàng cây giao nhau và cuối con đường là chủng viện Công giáo với tường màu gạch đỏ.



Cảnh đó giống như một tác phẩm nghệ thuật và lúc đó tôi nghĩ đây là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Đi thêm một đoạn nữa, ta ngỡ ngàng với hàng cây cổ thụ vươn cao từ khu Ba Son chạy ra Đinh Tiên Hoàng, những hàng cây thẳng tắp luôn khiến con đường nhiều bóng mát điểm những bóng nắng loang lổ như một bức ảnh đẹp được chụp bởi một tay máy nghệ sĩ.

Tôi cũng thích bách bộ lang thang đến đường Đoàn Thị Điểm (bây giờ là Trương Định) để ngắm những ngôi nhà sang trọng nhưng rất thanh lịch thấp thoáng sau hàng rào đầy hoa và con đường nhiều bóng râm.

Nhiều lần đi kiếm cơm ăn ké bạn bè ở Đại học xá Minh Mạng, tôi cũng ngắm nhìn những hàng cây cao vút cạnh ngôi nhà thờ màu đỏ như gợi nhớ một bức tranh nào đó đầy màu sắc của hoạ sĩ Đinh Cường.

Có nhiều đêm, đi qua ngôi nhà lớn ở đầu đường Trương Minh Giảng tôi nghe tiếng dế gáy ở bụi cỏ và hương ngọc lan thơm ngát từ ngững cây ngọc lan cổ thụ trong sân toà nhà dưới ánh đèn đường mờ đục.

Tiếng dế và hương thơm ngọc lan vẫn nằm trong ký ức của tôi đến tận bây giờ bởi con đường đó gắn với tôi biết bao kỷ niệm không thể quên.

Kể nhiều vòm cây khóm lá để thấy ấn tượng đầu tiên của một chàng học trò tỉnh lẻ đến Sài Gòn chính là những con đường với những hàng cây rợp bóng.

Đến bây giờ, tôi đã ở Sài Gòn được gần nửa thế kỷ. Chưa bao giờ có ai hỏi tôi là người gốc Sài Gòn hay là dân Sài Gòn xịn, dù đã ở lâu xứ này, tôi vẫn nói giọng Quảng dù đã nhẹ hơn người chánh gốc Quảng. Ở đất này, ai đã đến và sinh sống ở đây đều là người Sài Gòn. Sài Gòn có nhiều người Bắc di cư năm 1954. Sài Gòn cũng có nhiều người miền Trung từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy nhơn, Bình Định. Sài Gòn còn có rất nhiều người miền Tây lên, từ miền Đông đến. Nhưng dù họ đến từ đâu, họ ở đây đã là dân Sài Gòn, chẳng có ai phân biệt, chẳng có ai thắc mắc. Và đó cũng là đặc điểm của người Sài Gòn khác với Hà Nội.



Đêm đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi ngủ trên ghế đá chỗ vườn hoa Tao Đàn. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi hai người cảnh sát. Bởi thời đó thiết quân luật từ nửa đêm, không ai được ra đường. Sau khi đưa giấy tờ và kể lể hoàn cảnh vừa mới từ miền Trung vào đi học, chưa kiếm được người quen. Một anh cảnh sát bảo: “Miền Trung à? Ái chà chà, mấy ông sinh viên quê ngoài ấy khoái theo Việt cộng lắm.” Tui chẳng biết nói sao đành chịu bị giải về cái bót cảnh sát ở ngay góc chợ Bến Thành. Tui nằm ở đó một đêm, sáng ra có một ông sĩ quan cảnh sát đến, bảo tôi đi học thì gắng mà học hành, đừng nghe lời mấy tay Việt Cộng mà tiêu đời. Ông ta móc bóp, cho tôi tiền ăn sáng và uống cà phê. Đó là cái tình của người Sài Gòn đầu tiên trong đời tôi và gây cho tôi ấn tượng về con người ở xứ này.

Trong những ngày đói rách, khó khăn của cuộc đời, những người Sài Gòn, những người nghèo Sài Gòn đã bảo bọc, giúp đỡ tôi qua cơn khốn khó. Tôi không quên được cô gái bán cơm ở chợ Trương Minh Giảng. Thuở đó, tôi thất nghiệp, chẳng kiếm ra tiền, chắt bóp, vơ vét túi chỉ đủ gọi dĩa cơm trắng rồi xin miếng xì dầu ăn qua bữa. Ăn được ba hôm như thế thì cô bán cơm hỏi sao không thấy anh ăn thức ăn, đành nói dối tôi ăn chay. Cô ấy chỉ cười, không nói. Nhưng mấy hôm sau, dĩa cơm xì dầu của tôi luôn có dưới lớp cơm trắng khi thì miếng đậu hủ, lúc thì miếng thịt hoặc cái hột vịt kho. Được mấy hôm, tôi mắc cỡ, không dám ra ăn nữa. Sau đó lại kiếm được việc bán báo ở tận đường Phạm Ngũ Lão, tôi không ăn cơm ở đó. Thời gian sau tìm lại thì quán đã đổi chủ rồi, tôi chẳng tìm được lại cô gái bán cơm có nụ cười rất tươi và tấm lòng nhân hậu.

Ăn uống thiếu thốn lại tạng người không khoẻ, tôi hay bệnh vặt. Chính những người hàng xóm rất nghèo của tôi đã giúp tôi qua được những cơn bệnh, giúp tôi có chén cháo, viên thuốc. Cái tình đó tôi làm sao quên. Sau này ở lâu, tôi mới hiểu ra đó là bản chất của người Sài Gòn. Là cái tính ưa giúp người hoạn nạn, giúp kẻ sa cơ, tính ưa làm việc thiện của người Sài Gòn.


Mỗi lần đi xa rời Sài Gòn lâu, nhớ về Sài Gòn tôi chỉ nhớ những hàng cây và những người Sài Gòn tôi đã gặp, đã sống chung với họ một quãng đời. Người ta hay khen Sài Gòn với những cao ốc, những dinh thự, những khu ăn chơi bốc trời, những hàng quán xa hoa, những chiếc xe đắt tiền, những thú vui hoan lạc. Riêng tôi, trong tôi, Sài Gòn là vòm cây xanh lá, là những ngôi nhà bên dòng nước đen và ở đó tôi tìm thấy tình người.

Bây giờ, Sài Gòn đã đổi tên. Thế nhưng tôi vẫn gọi là Sài Gòn như một thói quen, cái tên của ký ức không thể nhạt phai. Người ta đang tìm đủ cách để thành phố này không còn ký ức của Sài Gòn. Nhưng với người Sài Gòn, Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn mà không có một cái tên nào khác có thể thay thế được.




Sunday, September 20, 2020

chính trị chuồng ngựa









chính trị chuồng ngựa

Tôn Tht Tu

Cái barn của tôi rất nên thơ, có tầng lầu, trước kia để ngựa ở. Bây giờ thì gió đánh mất khá nhiều tôn, không thể nào sửa vì tốn kém. Nhưng nếu trúng lô tô tôi sẽ sửa thành một nơi nhóm họp, hay có thể làm bên trong một cái nhà gỗ ngụy trang. Nhưng viễn ảnh của nó là tàn lụi như một ngôi nhà khác đã phải phá sập.

Cái barn cũng như cái đình làng, thỉnh thoảng tổ chức cải lương, hát bội. Người Mỹ xưa kia đã dùng barn làm nơi hội họp tranh luận bầu cử. Từ đó có động từ "barnstorm" đi vận động tranh cử vùng quê, dịch theo từ điển Anh Pháp quốc tế.

Nhưng barnstorming mang một ý nghĩa hoàn toàn Hoa Kỳ mà nguyên ủy sâu xa chính là hiến pháp Mỹ ấn định cách bầu cử tổng thống mà số phiếu cử tri đoàn, electoral vote, quyết định.

Một hội câu cá biến thành đảng nhỏ chỉ có một dân biểu nhưng quyết định chính trường quốc gia. Điều nầy có thể xẩy ra trong chế độ đại nghị; khi các phe nhóm khác có số phiếu bằng nhau thì đảng nầy ngả vào đâu thì nhóm ấy lập chính phủ. Ví dụ nầy giúp chúng ta hiểu luật chơi bầu cử của Mỹ, luật chơi nầy đã nẩy sinh quan niệm barnstorming.

Các ứng cử viên hay đại diện vận động tranh cử tại địa phương; mỗi địa phương có những vấn đề riêng, như sử dụng cỏ trên đất công nuôi gia súc, tài trợ trồng trọt như bắp ở Midwest; cụ thể là phế thải phóng xạ tại Nevada; chôn phế liệu nguyên tử không phải là vấn đề của Georgia; tài trợ bắp không phải là vấn đề của Massachusetts. Nhưng dân chúng mỗi nơi bỏ phiếu cho người có chính sách thích hợp nhất.

Những tiểu bang nhỏ (ít phiếu) có thể đóng vai hội câu cá nói trên để cho cán cân nghiêng về đâu; ví dụ không chính xác là Florida đã quyết định Al Gore hay Georges Bush Jr.

Bản đồ đính kèm cho thấy Trump nhờ các tiểu bang nhỏ.




 

Khá lạ thường, một người thành phố từ đầu đến đít lại được ủng hộ bởi các tiểu bang nông nghiệp. Thật ra không ngạc nhiên vì Cộng Hòa (CH) đã chiếm nông thôn và chính quyền các tiểu bang nông nghiệp. Dân Chủ (DC) đã về thành phố theo đà phát triển kỹ nghệ Bắc Mỹ. DC có khuynh hướng muốn có chính phủ liên bang lớn, nhiều uy quyền và nhiều tiền, theo lý tưởng (?) ngân sách thuế vụ là cái lọc (filter) lấy tiền làm việc đúng. CH chủ trương các tiểu bang phải mạnh vì gần với dân chúng hơn.  Reagan thấy ngân sách liên bang thì phát ớn nên ông giảm thuế. Chống chính phủ liên bang đã đưa đến các tổ chức quá khích. Ví dụ McVeigh 1995 đã dùng 5.000 pound chất nổ phá sập một Federal Building ở Oklahoma gần 200 người chết, hơn 600 bị thương.



Chuyện rất nhỏ và vô lý là cái bao nylon mua hàng shopping bag là một "issue" rất lớn.

Hiện nay chỉ có California toàn thể tiểu bang cấm dùng, bắt đầu bởi sáng kiến các thành phố Long Beach, Pasadena. Ngoài chống đối của những ngành liên hệ, giới bán hàng cho rằng mãi lượng sút giảm vì lý do đơn giản người mua thiếu thuận tiện. Thật vậy, thuận tiện đã làm cho Samuel Walton sáng chế shopping cart mà bản quyền đóng góp phần lớn gia sản của ông, để ngày nay Wal Mart làm chúa trùm.

Các thế lực nầy đang vận động các tiểu bang chận các sáng kiến của các thành phố; mà thành phố là các vùng nhỏ với dân số ý thức nhiều về môi sinh. Lập luận là theo hiến pháp chỉ có tiểu bang mới đủ thẩm quyền ấn định luật, thành phố không phải là một pháp nhân, chỉ là một phương tiện của cộng đồng, các city chỉ là biến thái của những phường xóm cũ.

Đó cũng là quan điểm của Trump, đang củng cố vai trò của tiểu bang.

Thực tế, các tiểu bang đã để cho con cọp sổ lồng. Các thành phố có vạn năng ấn định vùng zoning, ảnh hưởng mọi thứ như vùng nào thương mại, vùng nào gia cư, trong gia cư khu nào được xây chúng cư, khu nào đơn gia. Luật xây cất, construction code chi ly đến cái hàng rào song sắt cách nhau bao xa, cao thấp, nay còn thêm chỉ dùng điện nấu và sưởi. Zoning đã tạo ra vụ chai tương ớt con gà của người Việt.

Những city lớn và có thế lực hơn state nhỏ đều trong vùng ảnh hưởng của DC như New York, Los Angeles, San rancisco, Chicago. Do đó các city nhỏ khó lòng tranh với chính quyền tiểu bang.

 "Barnstorm" là kết quả quan niệm thành lập Confederation (hợp bang), tập hợp những quốc gia như hình thái Liên Hiệp Quốc, các nước lớn nhỏ đều có một phiếu. Liên bang Mỹ ngày nay, hậu thân của Confederation chỉ bớt một số quyền của tiểu bang nhưng các tiểu bang vẫn là các đơn vị bầu cử. Đó cũng là phương tiện các cộng đồng nhỏ nói lên tiếng nói như Nevada đối đầu với phóng xạ nguyên tử. Các tiểu bang đều có hai thượng nghị sĩ; Montana chỉ có một ghế hạ viện nhưng có 3 electoral vote.

Vì vậy kiến nghị của thị trưởng Buttigieg sau khi rút lui yêu cầu hủy bỏ electoral vote không mấy ai ký. Bà thượng Boxer của California biết boxing nhiều hơn hiến pháp đã đề nghị Congress huỷ bỏ điều khoản hiến pháp này.

Không thể giải tích đúng sai, biện minh thế nào, một học giả đã so sánh lối bầu cử nầy với baseball: popular vote (số phiếu từng công dân cộng lại) như số home run; electoral vote như số game quyết định giải chung kết hằng năm, thắng 4 trong 7 trận là có quyền ca khúc khải hoàn. Các đội thua, khôi hài, thường có nhiều home run.

Đó cũng là thực trạng hai lần George Bush và Donald Trump thành công.

Tạm xếp vụ gọi là gian lận ở Florida và quyết định vi hiến của Tối Cao Pháp Viện, Bush thắng vì báo chí cho ông là personable: nếu cần người đi nhậu chung, đi xem football chung thì đa số chọn Bush chịu chơi, chứ không chọn Al Gore khệ nệ. Hai hình đồ dưới đây cho thấy cử tri không thay đổi dù chiến tranh Iraq; sau 4 năm Bush còn có thêm New Mexico và Iowa (mất New Hampshire) để thắng luôn popular vote (chưa được 51% nhưng quá bán).



Những người ủng hộ Trump hy vọng ngựa nhà về đích dựa vào sự tái đắc cử của Bill Clitnon. Bill có rất nhiều kẻ thù, có một phong trào gọi là Clinton haters, cầm đầu mặt nổi là mấy cô mấy bà nói đã bị Bill rape. Nếu lịch sử tái diễn thì Trump bây giờ không khác gì Bill Clinton, và có chút hơn (Bill thú nhận đấm đá Monica; DC không có thượng lẫn hạ viên). Cục diện chính trị lúc ấy chỉ có khác là hai đảng đóng vai trò ngược lại. CH tấn công Clinton mọi mặt, impeach cho được cái me xừ đè Monica trên bàn giấy; CH đa số lưỡng viện, Clinton nói quý vị có hai viện còn tôi có cây viết; dự luật quý vị đưa qua, tôi phủ quyết cái rẹt là xong. Lại vấn đề trốn lính; TNS Strom Thurmond nói nếu anh trốn quân dịch Bill đến South Carolina của ông thì lính sẽ không chào như bây giờ hồ sơ quân dịch của Trump được đem ra xài chơi. Nhưng một sự trùng hợp đầy ý nghĩa là khi quốc hội bỏ phiếu impeach Clinton thì stock lên vùn vụt giống như trường hợp Trump vừa qua.

Lý do tiếp làm phe Trump kỳ vọng nhiều là cử tri CH không thay đổi qua kinh nghiệm của Bush. Cộng thêm, nước Mỹ chia đôi (bipolarisation), không ai nghe ai. Nói khác cử tri 2016 vẫn sẽ là cử tri 2020.

Vẫn có thay đổi về dân số; bốn năm thì có thêm những cử tri mới lớn như con cháu người Việt hiện nay có khynh hướng bầu DC vì cho rằng DC tiến bộ hơn. Số cử tri mới nầy nằm chung trong những vùng gọi là có học hơn, trong vùng "blue" xưa nay đã là đất của DC, như vậy số popular vote có thể tăng nhưng electoral vote như cũ.

Một nhân vật CH khác đứng trước những phản đối chiến tranh VN tuyên bố sẽ thắng cử với số phiếu đa số thầm lặng người Mỹ bảo thủ về xã hội (the "silent majority of socially conservative Americans”). Nixon đã đánh bại Hubert Humphrey.


Hiện nay thăm dò dư luận cho Biden trên “cơ” như Hillary đã được thăm dò rất sâu làm Newsweek in trước kết quả. Tuy là thứ nhất trong ngàn năm mới, việc in báo kiểu này chỉ là lần thứ hai, sau vụ Chicago Tribune in trước Dewey đo ván Truman 1948, dựa vào thăm dò dư luận.

Que sera sera. Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây

======================================================================


====================================


góc đường xa


 

góc 

đường 

xa

tôn thất tuệ


Tôi vẫn nghĩ cuộc đời như con đường, như dòng suối chảy mãi. Con đường biểu tượng cho sự xây dựng của con người, tự nó không có khi trời đất lập nên. Mượn hình ảnh ấy, nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường nói rằng hy vọng do con người tạo ra như con người tạo dựng những con đường buổi ban sơ. Những ngánh sông, những ngã ba đường bao giờ cũng cho ta ý niệm xa xăm ở góc đằng kia có cái gì. Ai ở đằng kia?

@

Hồi tôi còn bé, có phong trào các nhật báo Saigon tặng bản đồ để câu khách. Tôi mua treo đầy tường khắp nhà, đứng ngắm nghía lấy que tre chỉ chọt chỗ nầy chỗ nọ. Một ông hàng xóm đến nói trong nhà rằng thằng bé sau nầy sẽ trở thành một nhà chính trị hay chiến lược. Lúc ấy tôi chưa thấy sự liên hệ giữa địa dư và chính trị. Đến khi tôi biết điều nầy, tôi cũng biết rằng người kia không biết việc tôi làm. Tôi đã không nghiên cứu các thế chiến lược, những eo bể, nách sông, những pháo đài trên mặt trận toàn cầu.

Tôi cầm bút chì chỉ chỗ nầy là Groeland, chỗ kia là góc sông Amazone, chỗ nọ là Sibérie... Các nơi ấy giờ nầy, giờ tôi đang đứng trước bản đồ, một ai đó, một kẻ nào đang làm gì? Họ ngủ chăng? Họ ăn chăng? mà ngủ thì ngủ đâu, trong giường ấm hay nơi đất lạnh? Mà ăn thì ăn sao? sung túc hay ăn trái ổi chua lừa cơn đói? Và cứ thế giờ nầy qua giờ nọ, từ Phi Châu đến Á Châu, qua Mỹ Châu... vẫn những câu hỏi vớ vẩn ấy, hỏi lấy một mình trước những tấm bảng đồ màu mè xanh đỏ tím vàng.

Việc làm ngớ ngẩn ấy được thực hiện trên bình diện lớn với bản đồ. Nó chỉ tiếp tục công việc vu vơ của tôi từ thuở bé. Đi học về với đôi chân không xủi tung bụi trên đường đất mịn, tôi cứ thầm hỏi giờ nầy ở nhà chị đang làm gì; ở làng kia cậu đang câu cá chăng? Ở tỉnh nọ, ông giáo về hưu còn sống hay chết rồi?

Những con đường vẽ vội trên bàn đồ hay trong trí tưởng đã đưa tôi đến những con người ở một nơi xa xôi không bao giờ đặt chân đến. Tôi vẫn giữ tâm cảm cho một ai rất xa, một hình bóng nhân thể. Tôi vẫn mường tượng một em bé đi trên đường mòn nhỏ như sợi chỉ, một chú bé trên lưng bò như những hình ảnh sáng chói của nhân loại. Chính vì vậy khi đọc một bài trên Asiaweek mà tôi làm quen trên đất Thái, tôi đã ủng hộ việc làm của tuần báo nầy là đưa báo chí đến những nơi lãng quên. Bất cứ nơi nào có dấu chân người đều nằm trong sứ mệnh của người cầm bút.

@

Vào một đêm văn nghệ cuối năm học, tôi được mời đóng vai Cát Nhiếp trong một vỡ kịch về Kinh Kha, chỉ xuất hiện chừng một phút. Kiếm sĩ già đã nói với tráng sĩ trên đường hành thích Tần Thủy Hoàng vỏn vẹn có một câu:

        - Ngày mai trên các nẽo đường thiên hạ, ngươi sẽ về đâu?

Xong câu ấy, tôi tiễn Kinh Kha lên đường và tôi tiễn tôi ra khỏi sân khấu để chấm dứt công việc.

Câu ấy cứ gieo mãi trong đầu tôi ý niệm cuộc đời như con đường, như ngánh sông, như một khả thể. Cuộc đời như chỉ là bâng khuâng, như chỉ là mong manh.

Tôi gặp một huynh trưởng Hướng đạo cầm cây gậy 1,2m, một đầu bọc sắt nhọn, một đầu là một nạng hai hình chữ V, dấu hiệu tráng sinh lên đường. Anh ấy giải thích tráng sinh phải phân biệt hai con đường tốt và xấu. Sau lửa trại, chúng tôi rời đồi Từ Hiếu (Huế) đến một ngã ba đường dự lễ lên đường của một tráng sinh khác.

Nằm ngay trục lộ là một cây đèn bão. Tráng sinh lên đường lập lại ba lời hứa (trung thành với tổ quốc, tôn trọng danh dự và luật Hướng đạo). Tiếp đến anh bảo trợ trao cây gậy có nạng hai và cây đèn bão, làm nguồn sáng duy nhất cho buổi lễ đơn giản nầy. Hành sĩ chào tất cả, tay cầm cây đèn, vai đeo ba lô, tay kia cầm cây gậy. Chúng tôi tiễn người đi bằng những tiếng chiêng ngân trong đêm tối. Âm thanh chập chờn như ánh đèn chập chờn từ từ xa dần. Lên đường như đi vào cuộc đời. Mọi người trở về khu cắm trại trong yên lặng như người kia yên lặng bước đi với cây đèn trong tay.

Tôi ngả người nằm trên đất cạnh lều vải trong cái lành lạnh nhè nhẹ của hơi sương, trong cái âm ấm nhè nhẹ của đất triền đồi. Ngẩn mặt lên, trời đầy sao. Sao vẫn đi, sao vẫn có một quĩ đạo. Tôi tưởng tượng chốc nữa hành sĩ kia sẽ ngả người ra nghỉ, mắt cũng nhìn sao, sao đi. Nhưng giờ nầy đang cầm cây gậy nạng hai.

Cái nạng như hai con đường mà tráng sinh kia quan niệm. Dĩ nhiên ai cũng có quyền gán cho sự vật một ý nghĩa, một nội dung. Nhưng tôi không đồng ý quan niệm cứng nhắc cho rằng cuộc đời chỉ có hai con đường. Cuộc đời có nhiều khả thể, không duy chỉ có hai; tuy rằng mỗi chúng ta chỉ có thể chọn một con đường vì chỉ có một đôi chân. Một giây phút chỉ có thể có một tâm cảm dành cho một sự việc, cho một người. Một con đường tuy rằng đời như ngánh sông. Các nẻo đường ấy hẳn làm chúng ta bâng khuâng như Cát Nhiếp đã hỏi Kinh Kha: Ngày mai trên các nẻo đường thiên hạ, ngươi sẽ về đâu?

@

Nếu con đường gợi ý niệm đời như một sinh thành, cũng không nên quên ảnh hưởng của nó trong lịch sử. Vua Lê Đại Hành đã đích thân đến khánh thành con đường phóng từ Thanh Hóa xuống Nam. Đó là ngày khai tử của dân tộc Chàm. Đó cũng là ngày khai sinh của miền Nam gồm đất Chiêm Thành và một phần lớn của Thủy Chân Lạp*  Con đường Trường Sơn là đòn trí mạng đánh vào số phận miền Nam. Đó là đường xương sống Việt Mên Lào vì ai chiếm cao nguyên Boloven sẽ chiếm Đông Dương, lời một nhà chiến lược Pháp và cũng là kinh nhật tụng của bất cứ ai muốn chiếm bán đảo nầy. (Qui tient Boloven tiendra l'Indochine).

Con đường xuyên Á đang được nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến đại lục trầm lặng nầy. Những hành lang từ Âu Châu đến Bá Linh là huyết mạch cho hòn đảo tự do trong vùng đất đen; quyết định phong tỏa của Kroutchev đã tạo nên cơn sốt hãi hùng cho thế giới. Nói đến đường, phải kể đường dầu đi, khí đốt đi. Đường tải dầu từ Alaska xuống Mỹ, đường hơi đốt từ Nga xuống Âu Châu hay qua Nhật đang ảnh hưởng định mệnh của thế giới. Đó chưa kể đến đường bay đường thủy, những quĩ đạo vệ tinh, sự xuất hiện phi thuyền con thoi Columbia, Challenger con đường internet đưa nhân loại đến một khung cảnh sống mới.

@

Nhưng thật ra tôi chỉ quan tâm đến những con đường, những mạch sống không nằm trong đầu óc của máy điện toán, trong những con người tính toán thiệt hơn. Tôi vẫn thấy con đường trong nét bút, con đường trong những dòng nước mưa chảy trên sân. Tôi vẫn thấy những con đường chảy theo những giọt nước trên cửa kính như những giọt nước mắt từ đôi mắt ướt đẫm chảy xuống má vì một phút nhớ nhung hay vì một ray rức của tâm hồn.

Tôi vẫn thấy con đường trong các lối sáng tạo nghệ thuật, những con đường khai thông bế tắt của tư tưởng. Tôi vẫn thấy tình yêu là con đường đưa đến thế giới vô biên của cõi lòng như một vườn hoa rất đẹp đưa ta đến kinh nghiệm tâm linh rất đặc biệt, những biên giới mới cần khám phá.

Một xe Lambro ba bánh dừng lại ở một làng quê: một gánh hát dạo nghèo, tất cả gói ghém trong chiếc xe kiểu đặc biệt của người Ý trên bước đường lưu diễn. Một bà mẹ đem bé gái hơn mười tuổi bán cho đoàn văn nghệ. Bé sống đây làm các công việc vặt vãnh. Có cảm tưởng ông bầu mua bé trong một phút bốc đồng, động lòng trắc ẩn muốn cho bà có số tiền lúc túng quẩn phải đem con đi bán.

Sự hiện diện của bé chỉ làm cồng kềnh thêm cho gánh hát, thêm một miệng ăn, cho thêm sức nặng đè lên xe ba bánh xe; một cục thịt thừa, một khúc ruột dư cho cơ thể vốn cần sự gọn gàn di chuyển, di chuyển mãi trong sự nghiệp cầm ca.

Bị la rầy đánh đập là chuyện thường. Bé vụng lắm; sống với quê với mẹ nào có biết gì, mà bé lại gầy, những tháng qua đâu có đủ ăn. Dần dà người ta tập cho bé thổi kèn đồng, khi những con khỉ nhảy múa trong áo quần dơ dáy, quây quanh là các khán giả đầu đường. Cuộc sống cơ cực nay đây mai đó với sự ruồng bỏ, sống xa mẹ. Tất cả chỉ làm cho bé xanh xao võ vàng thêm. Hôm ấy đoàn người ghé lại một vùng thấp có những vũng nước lầy. Sau khi mọi việc đã xếp lại chờ đi vào sáng mai, bé ra giữa đám sậy, tay cầm cây kèn đồng như một thiên thần bay lạc. Bé thổi một khúc nhạc rất buồn.

Rồi đêm ấy bé chết, trên bước đường lưu diễn của bố già, của bố già khó tính, trong đám người không chút để ý đến bé. Rồi người ta chôn bé tình cờ vào nơi chiều qua lúc mặt trời gần khuất bé tấu khúc nhạc cuối cùng của tuổi thơ. Đoàn xe tiếp tục công việc như mọi ngày.

Bất giác bố già thấy mất một cái gì, thấy đau đớn trong lòng. Bố đã mất một bé thơ mà bố đánh đập, mà bố xem như gánh nặng cho chính mình và cho các vỏ xe. Không, bố không có mặc cảm tội lỗi. Xe bồng bềnh nhồi đời trẻ thơ, nào đâu có muốn, bố muốn đường êm xe lướt nhẹ. Gánh hát bố nghèo, nào đâu có muốn; bố muốn giàu làm một ông bầu có cơ sở ổn định, nào bố có muốn lang thang đầu đường cuối xóm miền Nam Ý cằn cỗi này. Nào bố có biết mẹ bé là ai. Mẹ bé nghèo mà bán bé cho gánh hát, vì thương mà bố mua.

Nhưng bố mất một cái gì mà tâm hồn bố lúc bé còn sống bố đã thua, đã nhường bước cho công việc. Cái chết của bé làm sống dậy một hiện diện còn giữ lại như ra đi còn kẹt một chân. Bố phải đi một đoạn đường mới rõ sự việc. Bố định quay đầu xe trở về nơi chôn bé nhưng lại thôi. Vì con đường gập ghềnh xưa nay không đưa bố đến gặp bé tuy bé vẫn ngồi kề trên xe. Con đường hôm nay, con đường trong lòng bố mới thật đưa bố về với bé. Cho nên tìm về nơi chôn bé có lấy lại được bé đâu. Bé đã bay đi như tiếng kèn thổi vào một chiều định mệnh. Bố tiếp tục con đường gập ghềnh lưu diễn nay đây mai đó.

Từ đây con đường vật thể đá nhấp nhô đã thành con đường tâm cảm giúp bố tìm về nét héo mòn của trẻ thơ, của bờ sậy còn nghe tiếng kèn một chiều rất lắng bên ao nước trên đoạn đường đời của bố.*

 @

Tôi vẫn thấy con đường như một hy vọng dù mong manh. Nhiều lần đi máy bay từ Saigon một mình và hai phi công ngoại quốc nhất là về đêm, tôi thấy gắn bó đời mình vào tiếng nói xa xăm, tiếng nói vô hình với tôi mà đi qua tay người lái. Những hành lang không khí chẳng khác gì những con đường phóng ngang một khu rừng hay ruộng lúa. Tôi vẫn hỏi giờ đây tôi nằm đâu trong không trung và ở góc nhà kia có một ai đó đang làm gì, một ai đó đang ngồi nghe tín hiệu nơi đài không lưu. Cũng giống như giờ nầy tôi đang viết, vợ con tôi làm gì ở VN và gần hơn nữa bạn hữu đang làm gì trong trại Sikiw nầy. Những tâm cảm cứ chồng chất lên nhau.

@

Và đây một con đường của hy vọng mà là con đường vô vọng nhất. Vì lẽ không có đường mà lại quá nhiều đường. Ví như con tàu trên biển.

Con tàu như một điểm trên mặt phẳng từ đó có thể vẽ vô số đường thẳng. Biết bao con đường mà biết đi con đường nào đây, khi không có hải đồ, không hải bàn, khi không có xăng nhớt, khi không có thức ăn. Mà biển đâu có bằng như mặt phẳng của hình học, bao gió táp, bao đá ngầm và bao con người không có nụ cười đang nhấp nhô trong vô tận chờ đón những ai lấy biển khơi làm con đường lớn nhất cho hy vọng lớn nhất.

Nói không có con đường trên biển; trước nhất vì các hải đạo nầy đâu có dành cho những con đò, các chiếc mãn, chiếc bách mà thuyền nhân níu kéo như giải pháp cuối cùng đối chọi với biển khơi. Đó là chiếc lá mỏng manh hơn chiếc thuyền trẻ con xếp bằng giấy thả vào lúc trời mưa ngập nước ngõ sân. Thứ đến nào đâu có thấy con đường, nó chỉ lộ ra đằng sau với lằn rẻ nước kế cận cái chân vịt thô sơ của máy đuôi tôm, rất ngắn trong tầm gợn, không đủ để phản chiếu ánh trăng. Không có con đường vì trước mắt đường còn quá xa, miệng đã khô, da mặt nhăn vì muối đóng khằn, trí óc không bình tĩnh vì đã nhét đầy những ảo giác của biển khơi.

Mà có khi không phải là con đường của ta mà của một xác chết đang trôi. Xác ấy cũng như thuyền ta hư máy, mất chân vịt, cả hai đang giành nhau con đường của gió mà chơi. Nó còn hơn thuyền của ta nữa: nó nhấp nhô với sóng một cách êm ả, không có tiếng la của trẻ con, không có tiếng ói mữa của thiếu phụ. Cái xác ấy, nó có con đường, con đường hủy diệt, trong lúc con thuyền của ta chưa tìm ra được con đường sinh thành.

@

Và ai cũng có một con đường như cuộc đời trôi chảy không ngừng nghỉ, trôi chảy không thôi để không ai tắm hai lần trong một dòng suối như Héraclite nói. Đó là con đường đi vào ý thức của cuộc sống, làm quan niệm sống, tự soi lấy cho mình một con đường. Tôi thích danh từ "hành giả" dành cho người đi vào hiền triết Đông phương. Chỉ có chính mình đạt được vùng ý thức. Trong cái đảo điên của sự vật, trong sự quyến quận của nguyên nhân và kết quả, hành giả phải thấy cho mình cái chân cái hư bằng kinh nghiệm tâm linh mượn của người khác và của chính mình. Miễn làm sao đi đến một mẫu số chung, cái còn lại cuối cùng để có thề nằm chung với mọi người trên vạn nẻo đường thiên hạ.

@

Từ đó tôi vẫn xem những con đường - con đường vật thể như lối đi, con đường của sáng tạo, con đường của tư duy - như dây mướp, dây dưa hấu trổ ra những trái ngọt, giống như đường thiên lý cưu mang những đời người, những làng mạc, những thành phố.

Và trên con đường ta đi, ta sẽ gặp những bạn đồng hành để chia sẻ khó khăn của tâm hồn hay khó khăn của ngoại cảnh. Để cùng nhau thấy cái sinh thành của cuộc đời. Để có lúc chia tay ở ngã ba đường. Để có lúc còn gặp lại ở một nơi nào đó.

Dây mướp vẫn bò thêm, vẫn nở hoa.

Con đường riêng rẻ của đời tôi bao giờ cũng làm cho tôi hỏi chính tôi: ai chăng đó đang làm gì ở góc đường xa?

Thái Lan 1982

 

·        * Ghi chú: Lúc viết ở Thái Lan, tôi chỉ có những ký ức rất mơ hồ về phim La Strada (tiếng Ý la strada cũng có nghĩa là con đường) xuất hiện giữa thập niên 1950. Nay tra cứu lại, tôi thấy những điều ghi trên không hoàn toàn đúng với câu chuyện, nhưng tinh thần, triết lý của cuốn phim không sai khác, cho nên tôi xin mạng phép giữ nguyên. Quy Vị có thể tham khảo về La Stada theo link nầy: La Strada, the film

    

 

Saturday, September 19, 2020

Kreutzer Sonata Beethoven












Kreutzer Sonata Beethoven

Laura Tunbridge  War against the piano TTT dch

Cuốn sách mới xuất bản của Laura Tunbridge:  Beethoven, A Life in Nine Pieces, trình bày đời sống, sự nghiệp và ảnh hương của Beethoven xuyên qua chín tác phẩm. Bài nầy trích từ chương thứ hai dành cho Sonata N.9 Opus 47 thường được goi là Kreutzer Sonata vì Beethoven đề tặng Rodolphe Kreutzer, danh thủ vĩ cầm. 84 năm sau nhà văn Nga Leon Tolstoy dùng tên tác phẩm nầy làm nhan đề một tiểu truyện.

Giống như ở nhiều thành phố Âu châu khác, dân số Vienne tăng rất nhanh. Cuối thế kỷ 18, khoảng 250.000 người sống tại đây, đông gấp đôi Berlin nhưng bằng nửa dân số Paris và chỉ bằng một phần tư London. Khi thủ đô Áo phát triển, chỗ ở, chỗ làm, chỗ giao dịch xã hội cũng thay đổi luôn thể.

Trong suốt 35 năm tại đây, Beethoven có đến hơn 60 căn nhà để tá túc; lắm khi ông đồng thời có nhiều chỗ ở. Nhà văn Bettina von Arnim hóm hỉm nói ông chui chỗ nầy qua chỗ khác. Đôi lúc ông ngủ nhờ nhà người bảo trợ như dinh Lichnowski gần hý viện thành phố trong thời gian hoàn tất opera được đặt soạn. Beethoven thường sống qua mùa hè ở vùng quê, thăm viếng thân hữu nhiều nơi.

Căn phố của ông không rộng lắm nhưng thường có nhiều phòng, được đặc ân là tránh xa tiếng động ồn ào và bụi đường vì nằm ở tầng cao của chung cư.

Beethoven luôn thay đổi chỗ ở vì cảm thấy bất an và muốn tìm nơi rẻ tiền hơn và các điều kiện thuê dễ chịu hơn. Ông thường làm phiền láng giềng vì tiếng đàn và tiếng đôi co với người giúp việc.

Các cuộc giải trí văn hóa và xã hội như đi xem hát, trên hết, dành cho giai cấp quí tộc. Tuy vẫn tiếp tục cho tổ chức các buổi trình diễn trong tư dinh và ngồi an toàn trong các “lô” riêng ở hý trường, vua Josep II đã đưa ra nhiều cải cách cho dân chúng được hưởng nền văn nghệ chung. Thường dân nay có thể mua vé xem kịch, xem opera hay hòa nhạc; ai ai cũng được quyền đi dạo công viên, không như xưa chỉ dành cho thượng lưu quyền quý.

Cuối thế kỷ 18, Vienne đã có hơn 80 tiệm cà phê, là những trung tâm sinh hoạt quan trọng của nam giới; nữ giới phải ở nhà, nhưng nếu thuộc quý tộc có thể đi dự các buổi họp mặt văn nghệ. Cà phê rất mắc mỏ nhưng là thức uống phổ thông, nhâm nhi nhấm nháp khi hút thuốc lá, đọc báo, đánh bi da, hay nghe nhạc. Năm 1797, ngũ tấu khúc (quintet) kèn và dương cầm của Beethoven được trình tấu ở một trong những nơi lui tới chính của Beethoven, Café Frauenhuber.

Theo người viết tiểu sử Beethoven là Anton Schinder, cà phê là món bắt buộc không thể thiếu trong cách ăn uống của nhạc sĩ nầy. Ngày của ông bắt đầu bởi một tách cà phê pha chế cẩn thận tại nhà (ông đếm đủ 60 hột một tách) và cà phê là một mục trong phần chi tiêu của ngân sách cá nhân.

Khá giống như ngày nay, ham chuộng cà phê là một thời thượng. Nhưng đối với Beethoven, cà phê là yếu tố kích thích chính, là một trang cụ đắc tiền cho ông thực hiện những sự đổi mới trong âm nhạc, không theo lối cũ. Mặt khác, văn hóa cà phê ở Vienne đã phát sinh các nhóm thân hữu, từ đó Beethoven có thêm những hổ trợ chuyên nghiệp và cá nhân của những người yêu mến ông.

Khi được xuất bản 1805, sonata opus 47 mang thêm phụ chú: “Sonata, scritta in uno stilo concertante, quasi come d’un concerto” (Sonata, viết theo thể hòa âm, gần như một cầm tấu khúc). Đấy là sự nhào trộn pha lẫn các thể loại một cách cùng cực.  Sonata thuộc nhạc thính phòng, nhằm trình tấu trong khung cảnh thân mật và giới tài tử không nhà nghề mó đến được; trái lại, concerto (cầm tấu khúc) được dùng như một phương tiện biểu diễn ngón ngành của các diệu thủ danh cầm. Vì vậy, khi viết hai bè cho vĩ cầm và dương cầm, Beethoven hầu như không để ý đến qui lệ chung. Ông đang cố công chuyển một thể loại được định danh là hướng nội thành thể loại hướng ngoại. Có thể những điều nầy làm cho một nhà phê bình đương thời gọi phụ đề của sonata nầy là: “kỳ cục, tự cao, phô trương”.

Lý do Beethoven mở đường dung hợp sonata và concerto là vì lúc ấy ông đang soạn cùng lúc rất nhiều concerto: số 3 và 4 cho dương cầm; cho vĩ cầm và cho ba thứ (dương cầm vĩ cầm và trung hồ cầm). Với nhiều concerto như thế trong đầu, có thể Beethoven đã cho loại nầy thấm qua loại kia thử xem sao.

Tuy vậy, bố cục sonata không có gì giống concerto theo quy ước (phụ họa và độc tấu phân biệt khá rõ ràng). Rắc rối chính vì lối viết mới cái tên của tác phầm nầy. Các sonata khác ví dụ viết cho dương cầm thì đề “với” – German: mit – một nhạc cụ khác; nếu là vĩ cầm, thì vĩ cầm chỉ phụ họa hay làm đẹp dương cầm trong nhiệm vụ dẫn nhập những nhạc đề chính. Nhưng nơi trang bìa của Opus 47 nầy ghi rõ dương cầm và (German: und) vĩ cầm, nghĩa là hai thứ nầy có những phần vụ ngang nhau.

Có lẽ vì giao tiếp với những người trình diễn tài ba ở quán cà phê Bridgetower, Beethoven đã “biếu” phe mình một tiếng nói mạnh mẽ hơn. Để thực hiên việc nầy, Beethoven đã nâng cao qui chế (vai trò) của vĩ cầm mà giới chuyên nghiệp mới đủ sức trị; chứ giới tài tử khó bề nuốt trôi.

Vấn đề tầm cỡ cũng được nêu ra. Sonata nầy dài hơn các sonata dương cầm và vĩ cầm tuy vẫn chỉ có ba hành âm, các hành âm nầy bề ngoài vẫn mang tính chất quy ước chung: hành âm thứ nhất với nhập đề rất chậm để biến qua nhịp nhanh (presto); hành âm chậm nhẹ (andante) mang theo một biến khúc và sau cùng là một presto như thường lệ. Tuy vậy, hành âm một dài bằng cả sonata #8. Nói khác, Bethoven làm ba việc cùng lúc: phát triển tác phẩm trong phạm vi quy ước; nới rộng nội dung âm nhạc và đòi hỏi sức chịu đựng nơi người trình tấu.

Quy chế mới của vĩ cầm được tìm thấy ngay khi sonata bắt đầu và được nhà viết tiểu sử Wilhelm von Lenz mô tả “đích thực là lời tuyên chiến với dương cầm”. Nó bắt đầu một mình, tự tạo một giai điệu bằng một hợp âm (chord / accord), một cử chỉ bay bướm nhưng vẫn là một thách thức. Tạo một hợp âm trên phiếm ngà thật dễ dàng gấp bội so với vĩ cầm. Hơn thế nữa, bước đi tươi sáng của âm trưởng (majeur) đột ngột chuyển qua âm thứ (mineur). Không gì ngăn cản, vĩ cầm đáp thêm một câu ngắn để đưa hòa âm đến vùng tỏa rộng, để rồi hai nhạc cụ cưu mang những hợp âm nặng nề sau đó từ trên cao hạ xuống thấp như trẻ con bịt mũi hát đùa với nhau: na-na; na-na; na-na; na-na; na-na-na-na-na-na. Tiếp đến, vĩ cầm như múa song chưởng bước vào khúc dồn dập (presto).

Sonata tiếp tục đối đáp hai chiều, đòi hỏi các nghệ sĩ nắm vững nhạc cụ, hiểu chúng bằng học hỏi và cảm nhận tâm linh. Cuộc đối thoại âm nhạc rất sâu sắc và phức tạp khác với thông lệ có hai nhạc đề tách biệt. Để thấy rõ hơn, hãy xem tác giả soạn các hành âm như thế nào. Phần cuối sonata được viết trước, tiếp đến là đoạn một rồi đến đoạn hai, andante. Thứ tự thời gian cho thấy phần cuối là nguồn nguyên liệu cho cả sonata và tác giả muốn có sự nhất thống trong cả ba hành âm. Nhưng mối liên hệ có khi rất rõ ràng, có khi rất kín đáo. Đoạn cuối có chung sự lên xuống thay đổi âm giai trưởng thứ và sức mạnh thôi thúc của phần đầu, nhưng nhiều lúc như chậm bước mà suy nghĩ rồi chạy tiếp nhịp nhanh. Khó tìm thấy chỗ giao tiếp với hành âm chậm nhẹ, vì tộc độ và nội dung tâm tư có phần nghịch với hai hành âm đi trước và đi sau.

Sonata nầy không được quan niệm thụt lùi tuy rằng rất khó nhận diện tức thì sự nhất thống. Beethoven đã vặn vẹo hành ấm cuối để móc tiếp vào hành âm cũ bằng cách ra lệnh dương cầm khai hỏa với một hợp âm mạnh mẽ vang vọng, mở đường, không để vĩ cầm đi một mình như nó đã đơn độc tiên phong mở đầu sonata.

Trong phần cuối của sonata, dương cầm và vĩ cầm không còn chỏi nhau, kèn cựa nhau như trước; từ nay đôi bạn cùng tấu nhạc; sự thuận hợp này cho thấy sự tương kính, tình bạn, ngày mạnh mẽ thêm qua thử thách.

tranh René-Xavier Prinet 1901 minh hoa tác phẩm Tolstoy


Căng thẳng giữa dương cầm và vĩ cầm đem lại cho tác phẩm nầy một nguồn nghị lực thiết yếu. Gay cấn nầy mạnh mẽ đến mức trong tiểu truyện cùng tên, Leon Tolstoy, 1889, nói rằng Kreutzer Sonata là đường dẫn tới đam mê ngoại tình. Trong truyện, người chồng ghen tương đã kết luận: làm nhạc kiểu ấy thì chỉ làm cho các bà vợ trung thành nhất đi sái đường. Ông đã đâm chết vợ vì tin vợ ngoại tình với người bạn danh thủ vĩ cầm.

Tương hệ giữa Beethoven và đam mê chết chóc được nêu lại khi hậu thế tìm hiểu đời sống nội tâm sôi động của nhạc vương. Trong tình tự ấy, Leos Janacek đã mượn nhan đề của Tolsty đặt tên tứ tấu khúc đầu tiên của mình 1923; ông nói rằng khi soạn, ông nghĩ đến một người đàn bà đáng thương, bị dày vò và bị đập nát đúng như trong truyện.

Một đoạn ngắn trong tác phẩm của Tolstoy ít ai chú ý nói rõ Beethoven không làm cho người chồng nghi vợ ngoại tình. Lời người chồng như sau:

Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của cặp ấy. Tối ấy, sau khi cùng trình diễn Kreutzer Sonata, hai người cùng hòa một khúc nhạc ngắn đam mê lâm ly, tôi không biết của ai, lâm ly đam mê đến độ gần kề tà dâm.

Khúc nhạc ngắn đam mê tác giả vô danh ấy là thuyền đò chở hai người đến cuộc tình, nếu có, tuy rằng tác phẩm của Beethoven đã khai mở chân trời đam mê. Bi thảm trong truyện Tolstoy, là hình như người đàn bà không ngoại tình, nhạc sị vĩ cầm chỉ là một người bạn, cả hai đều là danh thủ.

Trong thế giới nhạc thính phòng, chệnh lệch mức độ quan trọng theo giới tính đi kèm với phần hòa âm quan trọng khác nhau. Nhưng nay Kreutzer Sonata cống hiến một cuộc đối thoại bình đẳng, các danh thủ khác giới tính đều có thể trình diễn chung, không bị đánh giá ai quan trọng hơn ai. War against the piano





 

Sunday, September 13, 2020

cây thầu đâu, Trần Thế Phong



See the source image
một bà mẹ hiền hậu
cây thầu đâu *Trn Thế Phong

Cây thầu đâu của nhà tôi, trước sân, gần cổng đi vào không biết trồng từ lúc nào.
Khi tôi lên mười tuổi thì thân cây to hơn một vòng tay ôm của người lớn, chiều cao trên mười lăm thước. Cây thầu đâu đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được.

Quê tôi Quảng Nam gọi là cây thầu đâu. Danh từ thầu đâu tôi không biết giải nghĩa như thế nào. Tôi có hỏi nhiều người nhưng không ai biết, người xưa gọi người nay gọi theo, thành ra chết tên luôn.
Người miền Bắc gọi cây sầu đông, hay cây soan.
Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn có bốn câu thơ về hoa sầu đông:
Hoa sầu đông vươn đầy vai đầy tóc
Áo mùa thu bay chợt thức bơ vơ
Mình tôi về qua lối nhỏ hoan sơ
Hồn buồn đường Catina chiều chủ nhật.

Danh từ cây sầu đông dễ hiểu vì đến mùa thu lá chuyển màu vàng và mùa đông rụng hết lá, còn trơ trụi những cành nên gọi là sầu đông. Mùa đông của miền trung, miền bắc mưa sụt sùi ba bốn tháng, có lúc mưa liên tiếp hai ba ngày, trời mưa ngồi trong nhà nhìn ra cây thầu đâu rụng hết lá trơ cành buồn kinh khủng.
Danh từ cây soan cũng dễ hiểu vì trái hình bầu dục, vỏ bóng láng. Con gái có khuôn mặt trái soan là người con gái dễ thương.

Hoa thầu đâu màu tím nhạt, nụ nho nhỏ xinh xinh, đến mùa trổ hoa tím rực cả cây, trông rất đẹp. Lá nhỏ, xanh mướt, đến mùa thu chuyển màu vàng rực. Lá có công dụng trừ rận. Tôi thấy quanh xóm tôi, nhà nào giường ngủ có rận đến nhà tôi xin lá thầu đâu về lót dưới chiếu là rận không còn. Gà đẻ lót lá thầu đâu dưới ổ, rận cũng tiêu tùng. Có lẻ lá thầu đâu ủ lại rất nóng, người nhà quê chặt những buồng chuối vừa ươm ươm ủ với lá thầu đâu một đêm là chín vàng. Gỗ không thuộc vào nhóm gỗ quý, có màu vàng sáng, có vân đẹp. Thường dùng đóng bàn, ghế, nhất là đóng giường ngủ vì không có rệp, rận...

hoa thầu đâu
See the source imageNhững ngày nghỉ hè, bọn trẻ chúng tôi thường tụ tập dưới bóng mát của cây thầu đâu, đánh đáo, ù mọi, nhảy dây, hoặc ngồi hóng gió…
Những năm tôi lớn lên đi học xa hay đi vào quân đôi, mỗi lần về thăm nhà, cùng những thằng bạn thân quanh làng ngồi dưới gốc cây thầu đâu tâm sự, kể chuyện buồn vui.
Những buổi sớm mai, những buổi trưa hè, chim chóc tụ về nào là chim khách, chim chìa vôi, chim chào mào, chim chèo bẻo, chim hoạch hoạch… hót vang như chào đón bình minh nghe thật vui tai. Nhất là chim cu đất đậu trên ngọn cao cất tiếng gáy từng nhịp rộn ràng. Mỗi lần chim khách kêu trên cây thầu đâu buổi sáng là mẹ tôi nói thế nào trưa nay nhà mình cũng có khách. Mẹ chuẩn bị đồ ăn để mời khách. Đúng y chang, không có cậu, dì, dượng thì cũng có các chú, bác hay bạn bè của cha ở xa đến thăm..
***

Chiến tranh tràn đến quê tôi, những trận đánh ác liệt của quân đội Quốc Gia và Cộng Sản, những tràng canh nông từ tỉnh bắn lên yểm trợ, những ngôi nhà ngói, những bụi tre già. những cây xoài, cây mít quanh làng trốc gốc, đứt ngọn, gảy cành. Mẹ tôi và dân trong làng bỏ ruộng vườn nhà cửa xuống thành phố tìm cách sinh sống để tránh đạn bom. Cây thầu đầu và cổng ngói nhà tôi vẫn còn nguyên, không có một vết đạn, mỗi năm đều ra hoa tím cả một khoảng không gian rất đẹp.

Đến ngày ba mươi tháng tư năm 1975, chế độ miền nam sụp đổ, mẹ tôi và những người dân làng trở về nhà cũ để sinh sống. Căn nhà ngói đỏ ba gian bị sập một gian mẹ sửa lại, và giữ lại ngôi nhà của ông bà để lại. Anh em tôi ở trong quân đội miền Nam nên bị tập trung đi ở tù. Mẹ tôi sống lủi thủi trong khu vườn rộng, trong căn nhà ngói quạnh hiu chờ đợi những đứa con trở về.
Sau 1975 hết bom đạn, những người dân bỏ làng xóm nhà cửa ruộng vườn đi lánh nạn trở về quê cũ làm ăn. Dù hết chiến tranh, dân càng nghèo xác xơ vì tất cả đều vào hợp tác xã. Ruộng đất không còn, mẹ tôi trồng rau, nuôi heo, gà, buôn bán ở chợ Quán Rường để sống qua ngày. Hằng đêm mẹ thắp hương khấn vái tổ tiên Trời Phật phù hộ cho những đứa con đang ở tù mạnh khỏe và sớm trở về. Mẹ rất nhớ các con nhưng làm sao đi thăm nuôi được vì các con ở tù tận trong miền Nam, hơn nữa tiền của đâu có mà đi thăm.

Năm 1979, tôi ra tù, vợ con sống trong Nam nên phải về với vợ con. Tôi rất nhớ mẹ, nhưng làm sao về thăm mẹ vì bị một năm quản chế và tiền đâu mà đi đường. Hết quản chế, chị hai tôi gởi cho 30 đồng để mua vé tàu lửa về thăm mẹ. Tôi đi tàu nhanh mất ba ngày hai đêm mới đến nhà.

Trời tháng mười miền trung âm u buồn tẻ. Gần tám giờ tối, tôi bước vào sân nhà trời đã tối sầm, nhìn vào nhà đèn trên bàn thờ tỏa sáng, ba cây nhang vừa mới thắp. Mẹ ngồi trên ghế của bàn xoay cạnh bàn thờ ông bà. Mẹ đang têm trầu và nói chuyện một mình.
Từ khi cha tôi qua đời, một mình côi cút, mẹ thường thức dậy nửa khuya thắp hương trên bàn thờ, ngồi một mình ăn trầu và nói chuyện với cha. Bây giờ tôi nhìn lại hình ảnh nầy, tôi đứng ngoài cửa lắng nghe:
- Thời cuộc thay đổi rồi ông ơi, hai đứa con mình đi ở tù cực khổ, ông phù hộ cho tụi nó mạnh khỏe và mau trở về. Phù hộ cho mấy đứa cháu nội mau ăn chóng lớn. Tôi cũng đã già rồi, biết làm răng mà đi thăm tụi nó, cầu mong Trời Phât phù hộ cho tôi mạnh khỏe, giữ lại mảnh vườn, căn nhà nầy để thờ phượng ông bà, tổ tiên. Con nó về rồi hãy tính.

Nghe mẹ nói, tôi không cầm được nước mắt khóc òa, chạy vào ôm mẹ nói thật lớn:
- Con đã về đây mẹ ơi.
Mẹ tôi bỏ miếng trầu đang ngoáy dở rơi xuống sàn nhà nói lớn:
- Đứa mô về đó và ôm tôi.

Cần Thơ 30.4 * vũ khí không quyết định chiến cuộc!
See the source imageHai mẹ con mừng mừng tủi tủi nước mắt chảy dầm dề.
Đêm hôm đó tôi ngủ với mẹ. Mấy mươi năm lưu lạc xa nhà, rồi lấy vợ sinh con.
Đêm nay mới nằm lại chiếc giường của mẹ ngủ từ ngày về làm dâu. Chiếc giường theo mẹ suốt cả cuộc đời. Ôm sau lưng mẹ, ngửi mùi mồ hôi thơm nồng mà hồi còn nhỏ thiếu mẹ nằm bên là con ngủ không được. Hai mẹ con nói chuyện suốt đêm.
Tôi kể hết những nhọc nhằng khổ cực, đói khát trong tù cho mẹ nghe. Mẹ biết hết rồi, mẹ biết Cộng Sản còn rành hơn tôi. Từ ngày Việt Minh cướp chính quyên năm 1945, những năm kháng chiến, những năm cải cách ruộng đất, đấu tố bà Sang ở xã Kỳ Nghĩa, những năm thối tô nhà không còn một hột lúa. Mẹ thấy, mẹ nghe, mẹ là nạn nhân và cha kể cho mẹ nghe đường lối của Cộng Sản nên mẹ không lạ gì. Thời cuộc đổi thay nên phải chấp nhận sống qua ngày.

Những ngày tôi ở bên mẹ thật là hạnh phúc. Buổi sáng tôi giúp mẹ hái những trái đu đủ, những trái cà chua chín, cắt vạc rau húm rửa sạch bó từng bó, phụ mẹ đổ những vò giá mà tới kỳ bán được (mẹ tôi có nghề đổ giá vò rất kinh nghiệm, cộng giá to, đều đặn trắng tinh trông rất đẹp, ít người làm được công việc nầy). Chuẩn bị sẵn sàng để hai giờ chiều mẹ gánh ra chợ bán. Buổi chiều ở nhà một mình giúp mẹ tưới cây trầu, những hàng cà chua, rau cải, giàn bí, giàn bầu…rồi ngồi ngoài hiên đợi mẹ đi chợ về. Mẹ về thường mua cho tôi cái bánh trán, miếng kẹo đậu phụng... như hồi lên năm lên ba…

Mẹ đi chợ về, đôi gióng, đòn gánh, thúng, mủng để vào góc nhà là vào bếp nấu cơm. Mẹ biết tôi thích ăn cá nhám kho với chuối cây, cá ngạnh nấu canh với trái chuối chát, cá rô chiên dòn…Hai mẹ con ăn cơm tối bên ngọn đèn dầu hỏa hắt hiu. Mẹ kể đủ thứ chuyện cho tôi nghe. Chuyện cha đi coi mắt mẹ hồi mẹ mới có mười sáu tuổi, chuyện về làm dâu nhà bà nội khó khăn. Cha là con một đi dạy học xa nhà, mẹ quán xuyến hết công việc gia đình và đồng án, còn chăm lo cho ông bà nội từ chén cơm bát nước. Đời mẹ cũng thật cực khổ, gian nan. Mẹ nhớ đâu kể đó, chuyện đời xưa, đời nay, chuyện bà con nội ngoại, hàng xóm láng giềng, ngày giổ kỵ ông bà…
Một buổi tối hai mẹ con ngồi ăn cơm. Mẹ để đôi đủa xuống mâm cơm có vẻ rất quan trọng, mẹ nói:
- Mẹ nghĩ kỹ rồi, trước nhà mình còn lại cây thầu đâu đã lâu đời và to lớn, mẹ nghĩ nếu một ngày mẹ trăm tuổi già sẽ cưa cây thầu đâu, đoạn sát gốc đóng được một bộ áo quan, còn phần trên bán lấy tiền lo ma chay. Nhưng mẹ thấy còn khỏe mạnh nên mẹ tính bán cây thầu đâu lấy tiền mua thực phẩm, hai mẹ con mình đi thăm nuôi thằng em con. Lâu quá mẹ không gặp nó mẹ nhớ quá. Con đã về rồi mẹ bớt phần lo. Thằng út còn đang ở tù đói khát khổ cực mẹ nhớ thương quá.

Tôi nghe mẹ nói mà nước mắt chảy dài trên hai gò má, nhìn mẹ cũng rưng rưng nước mắt. Tôi hỏi lại mẹ:
- Thời bây giờ ai cũng đói meo, không có gạo ăn tiền đâu mà mua gỗ đóng bàn ghế, bán cho ai bây giờ hở mẹ.
Mẹ nói:
- Mấy ông cán bộ đi tập kết về làm lớn có tiền, ông chủ tịch xã đòi mua hoài mà mẹ không bán.
Tôi nghe mẹ đề nghị cũng có lý, tôi cũng cần thăm người em vì anh em lâu ngày không gặp nhau thấy nhớ. Còn mẹ thì càng ngày càng già yếu cũng cần thăm con một lần, tuổi già nhớ thương sức khỏe mau suy giảm. Tôi nói với mẹ:
- Mẹ tính vậy cũng phải, bán được cây thầu đâu hai mẹ con mình đi thăm em một chuyến. Sau nầy em về, con và em làm ăn dành dụm mua cho mẹ chiếc áo quan khác, mẹ đừng lo.

Sáng hôm sau, tôi thấy mẹ đội nón ra đi, khoảng một tiếng đồng hồ trở về, mẹ rất vui nói với tôi:
- Mẹ bán được cây thầu đâu rồi, bán cho ông chủ tịch xã, ba ngàn đồng, đặt cọc một nửa đủ tiền hai mẹ con đi thăm em.
Tôi cũng vui theo mẹ. Một tuần lễ chuẩn bị, mẹ mua nào thịt heo dầm nước mắm, gà luộc ướp muối, cá thu chiên, đường, bánh tráng, cám ran ngào đường, khoai chà, khoai chín, một ổ gà vừa đẻ được mười trứng mẹ cũng lấy đem theo. Tôi cũng giúp mẹ làm những công việc phụ. Trước khi đi mẹ nấu một mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Mời gia đình chị hai và hai người anh con bà cô đến tham dự. Một bửa tiệc đạm bạc nhưng rất vui. Sau những năm chiến tranh bom đạn tơi bời, xa nhau tứ tán, bây giờ gặp lại ai cũng mạnh khỏe, nhờ tổ tiên ông bà phù hộ.

Trước khi đi tôi căn dặn mẹ:
- Vào gặp em, mẹ không được khóc, không được nói chuyện buồn, không được nói dân ở ngoài khổ cực, không có gạo ăn. Phải nói nhờ cách mạng đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào thống nhất đất nước, dân được tự do sung sướng, ấm no…
- Đời mẹ ăn cục nói hòn, chưa biết nói dối, có sao nói vậy, giàu nói giàu, nghèo nói nghèo, nói láo thẹn với lương tâm. Té ra cách mạng vô giải phóng miền Nam bắt dân phải nói dối. Mẹ con lâu ngày gặp nhau nhớ thương khóc cũng không cho. Cách mạng rứa hả con.
Mẹ hỏi lại mà tôi không biết làm sao trả lời. Tôi cũng ở tù mới ra, tôi biết nội quy thăm nuôi, gia đình phải nói những gì, tù nhân phải nói cái gì. Tôi nói với mẹ cho qua chuyện:
- Mẹ không nói như vậy là không cho mẹ con mình gặp em, không cho nhận quà, lại còn bị phạt làm kiểm điểm, khổ cho em. Lần sau cũng không được thăm nuôi.
- Thôi mẹ sẽ nói như con dặn. 

Rồi mẹ nói lầm bậm: Đời bây giờ sao giả dối quá.

Sáng sớm thứ bảy hai mẹ con gồng gánh những thực phẩm mẹ lụi cụi chuẩn bị một tuần lễ, đón tàu lửa từng chặn, vào đến ga Tuy Hòa bảy giờ tối. Hai mẹ con ngủ lại ga Tuy Hòa, trời lạnh giá, đắp miếng áo mưa bằng vải nhựa, hai mẹ con thao thức không ngủ được, vì sợ ăn cắp hết thực phẩm thăm nuôi, và nôn nóng gặp em.
Bảy giờ sáng hôm sau chủ nhật, hai mẹ con quá giang xe chở củi lên đến trại Xuân Phước là mười giờ. Trên đường đi dặn mẹ nhớ những gì con đã nói lúc còn ở nhà.

Làm xong những thủ tục thăm nuôi. Ngồi đợi khoảng ba mươi phút, em tôi từ trong trại bước ra. Mẹ tôi không nhận ra con. Trước đây mập, cao, to, bây giờ ốm khẳng khiu như cây tre khô. Tay xách bị bao cát, đi xiêu vẹo từng bước, như xác không hồn. Mẹ nhìn con mừng tủi mà không giám khóc. Mẹ nói:
- Thấy con mạnh khỏe mẹ mừng quá, cố gắng học tập tốt, lao động tốt, cách mạng khoan hồng cho con về sớm sum họp gia đình. Mẹ ở ngoài được bà con làng xóm, cách mạng giúp đỡ con yên tâm. Xóm làng mình giờ vui lắm, ai cũng có công ăn việc làm. Biết mẹ đi thăm con, mấy anh công an xã, chủ tịch xã gởi lời thăm con. Mấy ông anh con đi tập kết về người nào cũng khỏe mạnh và làm lớn trong chính quyền cách mạng (không ngờ mẹ tôi nói thêm câu nầy để cho ông công an canh gát ngồi bên nghe tưởng gia đình cách mạng dễ giải hơn).
Hai mẹ con lâu ngày không gặp, mẹ kể hết bà con hàng xóm láng giềng, người mất, người còn. Vì hoàn cảnh khó khăn con còn nhỏ dại, đường sá xa xôi, vợ con không đi thăm nuôi được đừng buồn lo.
Có lẽ nghe mẹ tôi nói có mấy anh đi tập kết về là gia đình cách mạng, người công an canh giữ tin tưởng nên không để ý theo dỏi bỏ đi vào láng trại. 
Thấy không ai canh giữ, tôi nói với em tôi:
- Cứ lo giữ gìn sức khỏe, đừng nghe tụi nó nói học tập tốt, lao động tốt rán làm để được về sớm. Tụi nó xét theo ngành nghề mà mình phục vụ trước năm 1975. Chiến tranh chính trị thì cũng gở trên 5, 6 cuốn lịch. Đừng nôn nóng, sức khỏe là trên hết. Cũng may nhà mình còn lại cây thầu đâu mẹ bán lấy tiền đi thăm em. Vợ con em ở Sài Gòn cũng mạnh khỏe không có gì lo lắng. Dù sao ở miền Nam cũng dể thở hơn miền Trung mình.

Tôi vừa nói xong thì người công an canh giữ trở ra báo hết giờ thăm nuôi. Tôi sang những thực phẩm thăm nuôi vào hai bao cát và một dỏ lát đem theo cho em mang vào trại. Những bước đi xiêu vẹo của một người tù chưa biết ngày về, tôi nhìn theo buồn đứt ruột. Mẹ nhìn theo đứa con trai út mà mẹ thương yêu, hai giòng nước mắt chảy dài trên hai gò má nhăn nheo. Khi đi được khoảng năm thước, mẹ nhìn theo con nói thật lớn:
- Nhớ học tập tốt, lao động tốt, cách mạng sẽ khoan hồng cho về sớm sum họp với gia đình nghe con.
Hai mẹ con ra khỏi cổng trại tôi nói với mẹ:
- Công nhận hôm nay mẹ “quán triệt” đường lối của cách mạng nhanh thật.
Mẹ cười méo xệch, hai giọt nước mắt còn đọng trên khóe mắt héo khô…

Hai mẹ con đón xe trở về đến nhà bảy giờ tối ngày hôm sau.
Tôi ở lại chơi với mẹ được một tháng rưởi phải trở vào Sài Gòn, vì vợ con tôi đang nheo nhóc phải cần có tôi. Ở đời nước mắt cứ chảy xuống…

Trước ngày tôi đi, mẹ nấu một mân cơm cáo tổ tiên, ông bà cô bác. Hai mẹ con đang ngồi ăn, mẹ đứng dậy đi lại tủ thờ, mở cửa lấy ra một gói giấy có quấn dây thun thật kỷ. Mẹ mở ra ba bốn lóp giấy trong đó có một xấp tiền cuộn tròn. Mẹ nói:
- Từ ngày mẹ trở về lại nhà, Trời Phật cho mẹ mạnh khỏe, mẹ trồng rau, nuôi heo, nuôi gà, buôn bán giành dụm được một ngàn rưởi mẹ cho con đem vào nuôi cháu. Mẹ ở xa quá không giúp được gì cho con cho cháu. Mẹ cũng muốn lo cho con cho cháu nhưng thời cuộc đổi thay chẳn biết làm răng được.
Tôi khóc và tôi nói không ra lời:
- Con ra tù trở về là mừng rồi, con còn khỏe mạnh, sẽ cố gắng tìm việc làm nuôi mấy đứa nhỏ. Mẹ đừng lo. Mẹ giữ gìn sức khỏe, để giành tiền phòng thân khi ốm đau. Con thật bất hiếu, chưa lo gì cho mẹ được.
Mẹ nói rất cương quyết:
- Mẹ không cho con mà cho mấy đứa cháu nội của mẹ. Cầm lấy cho mẹ vui. Mẹ sẽ có lại một ngàn rưởi, ông chủ tịch xã đoốn cây thầu đâu trả cho mẹ.
Tôi chảy nước mắt suốt mấy ngày trên tàu lửa đi vào Sài Gòn.-/-


saigon april 30 1975
mẹ và ba con chờ di tản 29.4.75, tốt số hơn mẹ "thầu đâu"