add this

Saturday, September 19, 2020

Kreutzer Sonata Beethoven












Kreutzer Sonata Beethoven

Laura Tunbridge  War against the piano TTT dch

Cuốn sách mới xuất bản của Laura Tunbridge:  Beethoven, A Life in Nine Pieces, trình bày đời sống, sự nghiệp và ảnh hương của Beethoven xuyên qua chín tác phẩm. Bài nầy trích từ chương thứ hai dành cho Sonata N.9 Opus 47 thường được goi là Kreutzer Sonata vì Beethoven đề tặng Rodolphe Kreutzer, danh thủ vĩ cầm. 84 năm sau nhà văn Nga Leon Tolstoy dùng tên tác phẩm nầy làm nhan đề một tiểu truyện.

Giống như ở nhiều thành phố Âu châu khác, dân số Vienne tăng rất nhanh. Cuối thế kỷ 18, khoảng 250.000 người sống tại đây, đông gấp đôi Berlin nhưng bằng nửa dân số Paris và chỉ bằng một phần tư London. Khi thủ đô Áo phát triển, chỗ ở, chỗ làm, chỗ giao dịch xã hội cũng thay đổi luôn thể.

Trong suốt 35 năm tại đây, Beethoven có đến hơn 60 căn nhà để tá túc; lắm khi ông đồng thời có nhiều chỗ ở. Nhà văn Bettina von Arnim hóm hỉm nói ông chui chỗ nầy qua chỗ khác. Đôi lúc ông ngủ nhờ nhà người bảo trợ như dinh Lichnowski gần hý viện thành phố trong thời gian hoàn tất opera được đặt soạn. Beethoven thường sống qua mùa hè ở vùng quê, thăm viếng thân hữu nhiều nơi.

Căn phố của ông không rộng lắm nhưng thường có nhiều phòng, được đặc ân là tránh xa tiếng động ồn ào và bụi đường vì nằm ở tầng cao của chung cư.

Beethoven luôn thay đổi chỗ ở vì cảm thấy bất an và muốn tìm nơi rẻ tiền hơn và các điều kiện thuê dễ chịu hơn. Ông thường làm phiền láng giềng vì tiếng đàn và tiếng đôi co với người giúp việc.

Các cuộc giải trí văn hóa và xã hội như đi xem hát, trên hết, dành cho giai cấp quí tộc. Tuy vẫn tiếp tục cho tổ chức các buổi trình diễn trong tư dinh và ngồi an toàn trong các “lô” riêng ở hý trường, vua Josep II đã đưa ra nhiều cải cách cho dân chúng được hưởng nền văn nghệ chung. Thường dân nay có thể mua vé xem kịch, xem opera hay hòa nhạc; ai ai cũng được quyền đi dạo công viên, không như xưa chỉ dành cho thượng lưu quyền quý.

Cuối thế kỷ 18, Vienne đã có hơn 80 tiệm cà phê, là những trung tâm sinh hoạt quan trọng của nam giới; nữ giới phải ở nhà, nhưng nếu thuộc quý tộc có thể đi dự các buổi họp mặt văn nghệ. Cà phê rất mắc mỏ nhưng là thức uống phổ thông, nhâm nhi nhấm nháp khi hút thuốc lá, đọc báo, đánh bi da, hay nghe nhạc. Năm 1797, ngũ tấu khúc (quintet) kèn và dương cầm của Beethoven được trình tấu ở một trong những nơi lui tới chính của Beethoven, Café Frauenhuber.

Theo người viết tiểu sử Beethoven là Anton Schinder, cà phê là món bắt buộc không thể thiếu trong cách ăn uống của nhạc sĩ nầy. Ngày của ông bắt đầu bởi một tách cà phê pha chế cẩn thận tại nhà (ông đếm đủ 60 hột một tách) và cà phê là một mục trong phần chi tiêu của ngân sách cá nhân.

Khá giống như ngày nay, ham chuộng cà phê là một thời thượng. Nhưng đối với Beethoven, cà phê là yếu tố kích thích chính, là một trang cụ đắc tiền cho ông thực hiện những sự đổi mới trong âm nhạc, không theo lối cũ. Mặt khác, văn hóa cà phê ở Vienne đã phát sinh các nhóm thân hữu, từ đó Beethoven có thêm những hổ trợ chuyên nghiệp và cá nhân của những người yêu mến ông.

Khi được xuất bản 1805, sonata opus 47 mang thêm phụ chú: “Sonata, scritta in uno stilo concertante, quasi come d’un concerto” (Sonata, viết theo thể hòa âm, gần như một cầm tấu khúc). Đấy là sự nhào trộn pha lẫn các thể loại một cách cùng cực.  Sonata thuộc nhạc thính phòng, nhằm trình tấu trong khung cảnh thân mật và giới tài tử không nhà nghề mó đến được; trái lại, concerto (cầm tấu khúc) được dùng như một phương tiện biểu diễn ngón ngành của các diệu thủ danh cầm. Vì vậy, khi viết hai bè cho vĩ cầm và dương cầm, Beethoven hầu như không để ý đến qui lệ chung. Ông đang cố công chuyển một thể loại được định danh là hướng nội thành thể loại hướng ngoại. Có thể những điều nầy làm cho một nhà phê bình đương thời gọi phụ đề của sonata nầy là: “kỳ cục, tự cao, phô trương”.

Lý do Beethoven mở đường dung hợp sonata và concerto là vì lúc ấy ông đang soạn cùng lúc rất nhiều concerto: số 3 và 4 cho dương cầm; cho vĩ cầm và cho ba thứ (dương cầm vĩ cầm và trung hồ cầm). Với nhiều concerto như thế trong đầu, có thể Beethoven đã cho loại nầy thấm qua loại kia thử xem sao.

Tuy vậy, bố cục sonata không có gì giống concerto theo quy ước (phụ họa và độc tấu phân biệt khá rõ ràng). Rắc rối chính vì lối viết mới cái tên của tác phầm nầy. Các sonata khác ví dụ viết cho dương cầm thì đề “với” – German: mit – một nhạc cụ khác; nếu là vĩ cầm, thì vĩ cầm chỉ phụ họa hay làm đẹp dương cầm trong nhiệm vụ dẫn nhập những nhạc đề chính. Nhưng nơi trang bìa của Opus 47 nầy ghi rõ dương cầm và (German: und) vĩ cầm, nghĩa là hai thứ nầy có những phần vụ ngang nhau.

Có lẽ vì giao tiếp với những người trình diễn tài ba ở quán cà phê Bridgetower, Beethoven đã “biếu” phe mình một tiếng nói mạnh mẽ hơn. Để thực hiên việc nầy, Beethoven đã nâng cao qui chế (vai trò) của vĩ cầm mà giới chuyên nghiệp mới đủ sức trị; chứ giới tài tử khó bề nuốt trôi.

Vấn đề tầm cỡ cũng được nêu ra. Sonata nầy dài hơn các sonata dương cầm và vĩ cầm tuy vẫn chỉ có ba hành âm, các hành âm nầy bề ngoài vẫn mang tính chất quy ước chung: hành âm thứ nhất với nhập đề rất chậm để biến qua nhịp nhanh (presto); hành âm chậm nhẹ (andante) mang theo một biến khúc và sau cùng là một presto như thường lệ. Tuy vậy, hành âm một dài bằng cả sonata #8. Nói khác, Bethoven làm ba việc cùng lúc: phát triển tác phẩm trong phạm vi quy ước; nới rộng nội dung âm nhạc và đòi hỏi sức chịu đựng nơi người trình tấu.

Quy chế mới của vĩ cầm được tìm thấy ngay khi sonata bắt đầu và được nhà viết tiểu sử Wilhelm von Lenz mô tả “đích thực là lời tuyên chiến với dương cầm”. Nó bắt đầu một mình, tự tạo một giai điệu bằng một hợp âm (chord / accord), một cử chỉ bay bướm nhưng vẫn là một thách thức. Tạo một hợp âm trên phiếm ngà thật dễ dàng gấp bội so với vĩ cầm. Hơn thế nữa, bước đi tươi sáng của âm trưởng (majeur) đột ngột chuyển qua âm thứ (mineur). Không gì ngăn cản, vĩ cầm đáp thêm một câu ngắn để đưa hòa âm đến vùng tỏa rộng, để rồi hai nhạc cụ cưu mang những hợp âm nặng nề sau đó từ trên cao hạ xuống thấp như trẻ con bịt mũi hát đùa với nhau: na-na; na-na; na-na; na-na; na-na-na-na-na-na. Tiếp đến, vĩ cầm như múa song chưởng bước vào khúc dồn dập (presto).

Sonata tiếp tục đối đáp hai chiều, đòi hỏi các nghệ sĩ nắm vững nhạc cụ, hiểu chúng bằng học hỏi và cảm nhận tâm linh. Cuộc đối thoại âm nhạc rất sâu sắc và phức tạp khác với thông lệ có hai nhạc đề tách biệt. Để thấy rõ hơn, hãy xem tác giả soạn các hành âm như thế nào. Phần cuối sonata được viết trước, tiếp đến là đoạn một rồi đến đoạn hai, andante. Thứ tự thời gian cho thấy phần cuối là nguồn nguyên liệu cho cả sonata và tác giả muốn có sự nhất thống trong cả ba hành âm. Nhưng mối liên hệ có khi rất rõ ràng, có khi rất kín đáo. Đoạn cuối có chung sự lên xuống thay đổi âm giai trưởng thứ và sức mạnh thôi thúc của phần đầu, nhưng nhiều lúc như chậm bước mà suy nghĩ rồi chạy tiếp nhịp nhanh. Khó tìm thấy chỗ giao tiếp với hành âm chậm nhẹ, vì tộc độ và nội dung tâm tư có phần nghịch với hai hành âm đi trước và đi sau.

Sonata nầy không được quan niệm thụt lùi tuy rằng rất khó nhận diện tức thì sự nhất thống. Beethoven đã vặn vẹo hành ấm cuối để móc tiếp vào hành âm cũ bằng cách ra lệnh dương cầm khai hỏa với một hợp âm mạnh mẽ vang vọng, mở đường, không để vĩ cầm đi một mình như nó đã đơn độc tiên phong mở đầu sonata.

Trong phần cuối của sonata, dương cầm và vĩ cầm không còn chỏi nhau, kèn cựa nhau như trước; từ nay đôi bạn cùng tấu nhạc; sự thuận hợp này cho thấy sự tương kính, tình bạn, ngày mạnh mẽ thêm qua thử thách.

tranh René-Xavier Prinet 1901 minh hoa tác phẩm Tolstoy


Căng thẳng giữa dương cầm và vĩ cầm đem lại cho tác phẩm nầy một nguồn nghị lực thiết yếu. Gay cấn nầy mạnh mẽ đến mức trong tiểu truyện cùng tên, Leon Tolstoy, 1889, nói rằng Kreutzer Sonata là đường dẫn tới đam mê ngoại tình. Trong truyện, người chồng ghen tương đã kết luận: làm nhạc kiểu ấy thì chỉ làm cho các bà vợ trung thành nhất đi sái đường. Ông đã đâm chết vợ vì tin vợ ngoại tình với người bạn danh thủ vĩ cầm.

Tương hệ giữa Beethoven và đam mê chết chóc được nêu lại khi hậu thế tìm hiểu đời sống nội tâm sôi động của nhạc vương. Trong tình tự ấy, Leos Janacek đã mượn nhan đề của Tolsty đặt tên tứ tấu khúc đầu tiên của mình 1923; ông nói rằng khi soạn, ông nghĩ đến một người đàn bà đáng thương, bị dày vò và bị đập nát đúng như trong truyện.

Một đoạn ngắn trong tác phẩm của Tolstoy ít ai chú ý nói rõ Beethoven không làm cho người chồng nghi vợ ngoại tình. Lời người chồng như sau:

Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của cặp ấy. Tối ấy, sau khi cùng trình diễn Kreutzer Sonata, hai người cùng hòa một khúc nhạc ngắn đam mê lâm ly, tôi không biết của ai, lâm ly đam mê đến độ gần kề tà dâm.

Khúc nhạc ngắn đam mê tác giả vô danh ấy là thuyền đò chở hai người đến cuộc tình, nếu có, tuy rằng tác phẩm của Beethoven đã khai mở chân trời đam mê. Bi thảm trong truyện Tolstoy, là hình như người đàn bà không ngoại tình, nhạc sị vĩ cầm chỉ là một người bạn, cả hai đều là danh thủ.

Trong thế giới nhạc thính phòng, chệnh lệch mức độ quan trọng theo giới tính đi kèm với phần hòa âm quan trọng khác nhau. Nhưng nay Kreutzer Sonata cống hiến một cuộc đối thoại bình đẳng, các danh thủ khác giới tính đều có thể trình diễn chung, không bị đánh giá ai quan trọng hơn ai. War against the piano





 

No comments:

Post a Comment