góc
đường
xa
tôn thất
tuệ
Tôi vẫn nghĩ cuộc đời như con đường,
như dòng suối chảy mãi. Con đường biểu tượng cho sự xây dựng của con người, tự
nó không có khi trời đất lập nên. Mượn hình ảnh ấy, nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường nói rằng hy vọng do con người tạo ra như con người tạo dựng những con đường buổi
ban sơ. Những ngánh sông, những ngã ba đường bao giờ cũng cho ta ý niệm xa xăm ở
góc đằng kia có cái gì. Ai ở đằng kia?
@
Hồi tôi còn bé, có phong trào các
nhật báo Saigon tặng bản đồ để câu khách. Tôi mua treo đầy tường khắp nhà, đứng
ngắm nghía lấy que tre chỉ chọt chỗ nầy chỗ nọ. Một ông hàng xóm đến nói trong
nhà rằng thằng bé sau nầy sẽ trở thành một nhà chính trị hay chiến lược. Lúc ấy
tôi chưa thấy sự liên hệ giữa địa dư và chính trị. Đến khi tôi biết điều nầy,
tôi cũng biết rằng người kia không biết việc tôi làm. Tôi đã không nghiên cứu
các thế chiến lược, những eo bể, nách sông, những pháo đài trên mặt trận toàn cầu.
Tôi cầm bút chì chỉ chỗ nầy là
Groeland, chỗ kia là góc sông Amazone, chỗ nọ là Sibérie... Các nơi ấy giờ nầy,
giờ tôi đang đứng trước bản đồ, một ai đó, một kẻ nào đang làm gì? Họ ngủ
chăng? Họ ăn chăng? mà ngủ thì ngủ đâu, trong giường ấm hay nơi đất lạnh? Mà ăn
thì ăn sao? sung túc hay ăn trái ổi chua lừa cơn đói? Và cứ thế giờ nầy qua giờ
nọ, từ Phi Châu đến Á Châu, qua Mỹ Châu... vẫn những câu hỏi vớ vẩn ấy, hỏi lấy
một mình trước những tấm bảng đồ màu mè xanh đỏ tím vàng.
Việc làm ngớ ngẩn ấy được thực hiện
trên bình diện lớn với bản đồ. Nó chỉ tiếp tục công việc vu vơ của tôi từ thuở
bé. Đi học về với đôi chân không xủi tung bụi trên đường đất mịn, tôi cứ thầm hỏi
giờ nầy ở nhà chị đang làm gì; ở làng kia cậu đang câu cá chăng? Ở tỉnh nọ, ông
giáo về hưu còn sống hay chết rồi?
Những con đường vẽ vội trên bàn đồ
hay trong trí tưởng đã đưa tôi đến những con người ở một nơi xa xôi không bao
giờ đặt chân đến. Tôi vẫn giữ tâm cảm cho một ai rất xa, một hình bóng nhân thể.
Tôi vẫn mường tượng một em bé đi trên đường mòn nhỏ như sợi chỉ, một chú bé
trên lưng bò như những hình ảnh sáng chói của nhân loại. Chính vì vậy khi đọc một
bài trên Asiaweek mà tôi làm quen trên đất Thái, tôi đã ủng hộ việc làm của tuần
báo nầy là đưa báo chí đến những nơi lãng quên. Bất cứ nơi nào có dấu chân người
đều nằm trong sứ mệnh của người cầm bút.
@
Vào một đêm văn nghệ cuối năm học,
tôi được mời đóng vai Cát Nhiếp trong một vỡ kịch về Kinh Kha, chỉ xuất hiện chừng
một phút. Kiếm sĩ già đã nói với tráng sĩ trên đường hành thích Tần Thủy Hoàng
vỏn vẹn có một câu:
-
Ngày mai trên các nẽo đường thiên hạ, ngươi sẽ về đâu?
Xong câu ấy, tôi tiễn Kinh Kha lên
đường và tôi tiễn tôi ra khỏi sân khấu để chấm dứt công việc.
Câu ấy cứ gieo mãi trong đầu tôi ý
niệm cuộc đời như con đường, như ngánh sông, như một khả thể. Cuộc đời như chỉ
là bâng khuâng, như chỉ là mong manh.
Tôi gặp một huynh trưởng Hướng đạo
cầm cây gậy 1,2m, một đầu bọc sắt nhọn, một đầu là một nạng hai hình chữ V, dấu
hiệu tráng sinh lên đường. Anh ấy giải thích tráng sinh phải phân biệt hai con
đường tốt và xấu. Sau lửa trại, chúng tôi rời đồi Từ Hiếu (Huế) đến một ngã ba
đường dự lễ lên đường của một tráng sinh khác.
Nằm ngay trục lộ là một cây đèn
bão. Tráng sinh lên đường lập lại ba lời hứa (trung thành với tổ quốc, tôn trọng
danh dự và luật Hướng đạo). Tiếp đến anh bảo trợ trao cây gậy có nạng hai và
cây đèn bão, làm nguồn sáng duy nhất cho buổi lễ đơn giản nầy. Hành sĩ chào tất
cả, tay cầm cây đèn, vai đeo ba lô, tay kia cầm cây gậy. Chúng tôi tiễn người
đi bằng những tiếng chiêng ngân trong đêm tối. Âm thanh chập chờn như ánh đèn
chập chờn từ từ xa dần. Lên đường như đi vào cuộc đời. Mọi người trở về khu cắm
trại trong yên lặng như người kia yên lặng bước đi với cây đèn trong tay.
Tôi ngả người nằm trên đất cạnh lều
vải trong cái lành lạnh nhè nhẹ của hơi sương, trong cái âm ấm nhè nhẹ của đất
triền đồi. Ngẩn mặt lên, trời đầy sao. Sao vẫn đi, sao vẫn có một quĩ đạo. Tôi
tưởng tượng chốc nữa hành sĩ kia sẽ ngả người ra nghỉ, mắt cũng nhìn sao, sao
đi. Nhưng giờ nầy đang cầm cây gậy nạng hai.
Cái nạng như hai con đường mà tráng
sinh kia quan niệm. Dĩ nhiên ai cũng có quyền gán cho sự vật một ý nghĩa, một nội
dung. Nhưng tôi không đồng ý quan niệm cứng nhắc cho rằng cuộc đời chỉ có hai
con đường. Cuộc đời có nhiều khả thể, không duy chỉ có hai; tuy rằng mỗi chúng
ta chỉ có thể chọn một con đường vì chỉ có một đôi chân. Một giây phút chỉ có
thể có một tâm cảm dành cho một sự việc, cho một người. Một con đường tuy rằng
đời như ngánh sông. Các nẻo đường ấy hẳn làm chúng ta bâng khuâng như Cát Nhiếp
đã hỏi Kinh Kha: Ngày mai trên các nẻo đường thiên hạ, ngươi sẽ về đâu?
@
Nếu con đường gợi ý niệm đời như một
sinh thành, cũng không nên quên ảnh hưởng của nó trong lịch sử. Vua Lê Đại Hành
đã đích thân đến khánh thành con đường phóng từ Thanh Hóa xuống Nam. Đó là ngày
khai tử của dân tộc Chàm. Đó cũng là ngày khai sinh của miền Nam gồm đất Chiêm
Thành và một phần lớn của Thủy Chân Lạp*
Con đường Trường Sơn là đòn trí mạng đánh vào số phận miền Nam. Đó là đường
xương sống Việt Mên Lào vì ai chiếm cao nguyên Boloven sẽ chiếm Đông Dương, lời
một nhà chiến lược Pháp và cũng là kinh nhật tụng của bất cứ ai muốn chiếm bán
đảo nầy. (Qui tient Boloven tiendra l'Indochine).
Con đường xuyên Á đang được nghiên
cứu sẽ ảnh hưởng đến đại lục trầm lặng nầy. Những hành lang từ Âu Châu đến Bá
Linh là huyết mạch cho hòn đảo tự do trong vùng đất đen; quyết định phong tỏa của
Kroutchev đã tạo nên cơn sốt hãi hùng cho thế giới. Nói đến đường, phải kể đường
dầu đi, khí đốt đi. Đường tải dầu từ Alaska xuống Mỹ, đường hơi đốt từ Nga xuống
Âu Châu hay qua Nhật đang ảnh hưởng định mệnh của thế giới. Đó chưa kể đến đường
bay đường thủy, những quĩ đạo vệ tinh, sự xuất hiện phi thuyền con thoi
Columbia, Challenger con đường internet đưa nhân loại đến một khung cảnh sống mới.
@
Nhưng thật ra tôi chỉ quan tâm đến
những con đường, những mạch sống không nằm trong đầu óc của máy điện toán,
trong những con người tính toán thiệt hơn. Tôi vẫn thấy con đường trong nét
bút, con đường trong những dòng nước mưa chảy trên sân. Tôi vẫn thấy những con
đường chảy theo những giọt nước trên cửa kính như những giọt nước mắt từ đôi mắt
ướt đẫm chảy xuống má vì một phút nhớ nhung hay vì một ray rức của tâm hồn.
Tôi vẫn thấy con đường
trong các lối sáng tạo nghệ thuật, những con đường khai thông bế tắt của tư tưởng.
Tôi vẫn thấy tình yêu là con đường đưa đến thế giới vô biên của cõi lòng như một
vườn hoa rất đẹp đưa ta đến kinh nghiệm tâm linh rất đặc biệt, những biên giới
mới cần khám phá.
Một xe Lambro ba bánh dừng lại ở một
làng quê: một gánh hát dạo nghèo, tất cả gói ghém trong chiếc xe kiểu đặc biệt
của người Ý trên bước đường lưu diễn. Một bà mẹ đem bé gái hơn mười tuổi bán
cho đoàn văn nghệ. Bé sống đây làm các công việc vặt vãnh. Có cảm tưởng ông bầu
mua bé trong một phút bốc đồng, động lòng trắc ẩn muốn cho bà có số tiền lúc
túng quẩn phải đem con đi bán.
Sự hiện diện của bé chỉ làm cồng kềnh
thêm cho gánh hát, thêm một miệng ăn, cho thêm sức nặng đè lên xe ba bánh xe; một
cục thịt thừa, một khúc ruột dư cho cơ thể vốn cần sự gọn gàn di chuyển, di
chuyển mãi trong sự nghiệp cầm ca.
Bị la rầy đánh đập là chuyện thường.
Bé vụng lắm; sống với quê với mẹ nào có biết gì, mà bé lại gầy, những tháng qua
đâu có đủ ăn. Dần dà người ta tập cho bé thổi kèn đồng, khi những con khỉ nhảy
múa trong áo quần dơ dáy, quây quanh là các khán giả đầu đường. Cuộc sống cơ cực
nay đây mai đó với sự ruồng bỏ, sống xa mẹ. Tất cả chỉ làm cho bé xanh xao võ
vàng thêm. Hôm ấy đoàn người ghé lại một vùng thấp có những vũng nước lầy. Sau
khi mọi việc đã xếp lại chờ đi vào sáng mai, bé ra giữa đám sậy, tay cầm cây
kèn đồng như một thiên thần bay lạc. Bé thổi một khúc nhạc rất buồn.
Rồi đêm ấy bé chết, trên bước đường
lưu diễn của bố già, của bố già khó tính, trong đám người không chút để ý đến
bé. Rồi người ta chôn bé tình cờ vào nơi chiều qua lúc mặt trời gần khuất bé tấu
khúc nhạc cuối cùng của tuổi thơ. Đoàn xe tiếp tục công việc như mọi ngày.
Bất giác bố già thấy mất một cái
gì, thấy đau đớn trong lòng. Bố đã mất một bé thơ mà bố đánh đập, mà bố xem như
gánh nặng cho chính mình và cho các vỏ xe. Không, bố không có mặc cảm tội lỗi.
Xe bồng bềnh nhồi đời trẻ thơ, nào đâu có muốn, bố muốn đường êm xe lướt nhẹ.
Gánh hát bố nghèo, nào đâu có muốn; bố muốn giàu làm một ông bầu có cơ sở ổn định,
nào bố có muốn lang thang đầu đường cuối xóm miền Nam Ý cằn cỗi này. Nào bố có
biết mẹ bé là ai. Mẹ bé nghèo mà bán bé cho gánh hát, vì thương mà bố mua.
Nhưng bố mất một cái gì mà tâm hồn
bố lúc bé còn sống bố đã thua, đã nhường bước cho công việc. Cái chết của bé
làm sống dậy một hiện diện còn giữ lại như ra đi còn kẹt một chân. Bố phải đi một
đoạn đường mới rõ sự việc. Bố định quay đầu xe trở về nơi chôn bé nhưng lại
thôi. Vì con đường gập ghềnh xưa nay không đưa bố đến gặp bé tuy bé vẫn ngồi kề
trên xe. Con đường hôm nay, con đường trong lòng bố mới thật đưa bố về với bé.
Cho nên tìm về nơi chôn bé có lấy lại được bé đâu. Bé đã bay đi như tiếng kèn
thổi vào một chiều định mệnh. Bố tiếp tục con đường gập ghềnh lưu diễn nay đây
mai đó.
Từ đây con đường vật thể đá nhấp
nhô đã thành con đường tâm cảm giúp bố tìm về nét héo mòn của trẻ thơ, của bờ sậy
còn nghe tiếng kèn một chiều rất lắng bên ao nước trên đoạn đường đời của bố.*
@
Tôi vẫn thấy con đường như một hy vọng
dù mong manh. Nhiều lần đi máy bay từ Saigon một mình và hai phi công ngoại quốc
nhất là về đêm, tôi thấy gắn bó đời mình vào tiếng nói xa xăm, tiếng nói vô
hình với tôi mà đi qua tay người lái. Những hành lang không khí chẳng khác gì
những con đường phóng ngang một khu rừng hay ruộng lúa. Tôi vẫn hỏi giờ đây tôi
nằm đâu trong không trung và ở góc nhà kia có một ai đó đang làm gì, một ai đó
đang ngồi nghe tín hiệu nơi đài không lưu. Cũng giống như giờ nầy tôi đang viết,
vợ con tôi làm gì ở VN và gần hơn nữa bạn hữu đang làm gì trong trại Sikiw nầy.
Những tâm cảm cứ chồng chất lên nhau.
@
Và đây một con đường của hy vọng mà
là con đường vô vọng nhất. Vì lẽ không có đường mà lại quá nhiều đường. Ví như
con tàu trên biển.
Con tàu như một điểm trên mặt phẳng
từ đó có thể vẽ vô số đường thẳng. Biết bao con đường mà biết đi con đường nào
đây, khi không có hải đồ, không hải bàn, khi không có xăng nhớt, khi không có
thức ăn. Mà biển đâu có bằng như mặt phẳng của hình học, bao gió táp, bao đá ngầm
và bao con người không có nụ cười đang nhấp nhô trong vô tận chờ đón những ai lấy
biển khơi làm con đường lớn nhất cho hy vọng lớn nhất.
Nói không có con đường trên biển;
trước nhất vì các hải đạo nầy đâu có dành cho những con đò, các chiếc mãn, chiếc
bách mà thuyền nhân níu kéo như giải pháp cuối cùng đối chọi với biển khơi. Đó
là chiếc lá mỏng manh hơn chiếc thuyền trẻ con xếp bằng giấy thả vào lúc trời
mưa ngập nước ngõ sân. Thứ đến nào đâu có thấy con đường, nó chỉ lộ ra đằng sau
với lằn rẻ nước kế cận cái chân vịt thô sơ của máy đuôi tôm, rất ngắn trong tầm
gợn, không đủ để phản chiếu ánh trăng. Không có con đường vì trước mắt đường
còn quá xa, miệng đã khô, da mặt nhăn vì muối đóng khằn, trí óc không bình tĩnh
vì đã nhét đầy những ảo giác của biển khơi.
Mà có khi không phải là con đường của
ta mà của một xác chết đang trôi. Xác ấy cũng như thuyền ta hư máy, mất chân vịt,
cả hai đang giành nhau con đường của gió mà chơi. Nó còn hơn thuyền của ta nữa:
nó nhấp nhô với sóng một cách êm ả, không có tiếng la của trẻ con, không có tiếng
ói mữa của thiếu phụ. Cái xác ấy, nó có con đường, con
đường hủy diệt, trong lúc con thuyền của ta chưa tìm ra được con đường sinh
thành.
@
Và ai cũng có một con đường như cuộc
đời trôi chảy không ngừng nghỉ, trôi chảy không thôi để không ai tắm hai lần
trong một dòng suối như Héraclite nói. Đó là con đường đi vào ý thức của cuộc sống,
làm quan niệm sống, tự soi lấy cho mình một con đường. Tôi thích danh từ
"hành giả" dành cho người đi vào hiền triết Đông phương. Chỉ có chính
mình đạt được vùng ý thức. Trong cái đảo điên của sự vật, trong sự quyến quận của
nguyên nhân và kết quả, hành giả phải thấy cho mình cái chân cái hư bằng kinh
nghiệm tâm linh mượn của người khác và của chính mình. Miễn làm sao đi đến một
mẫu số chung, cái còn lại cuối cùng để có thề nằm chung với mọi người trên vạn
nẻo đường thiên hạ.
@
Từ đó tôi vẫn xem những con đường -
con đường vật thể như lối đi, con đường của sáng tạo, con đường của tư duy -
như dây mướp, dây dưa hấu trổ ra những trái ngọt, giống như đường thiên lý cưu
mang những đời người, những làng mạc, những thành phố.
Và trên con đường ta đi, ta sẽ gặp
những bạn đồng hành để chia sẻ khó khăn của tâm hồn hay khó khăn của ngoại cảnh.
Để cùng nhau thấy cái sinh thành của cuộc đời. Để có lúc chia tay ở ngã ba đường.
Để có lúc còn gặp lại ở một nơi nào đó.
Dây mướp vẫn bò thêm, vẫn nở hoa.
Con đường riêng rẻ của đời tôi bao
giờ cũng làm cho tôi hỏi chính tôi: ai chăng đó đang làm gì ở góc đường xa?
Thái Lan 1982
·
*
Ghi chú: Lúc viết ở Thái Lan, tôi chỉ có những ký ức rất mơ hồ về phim La Strada (tiếng Ý la strada cũng có nghĩa là con đường) xuất hiện giữa thập niên
1950. Nay tra cứu lại, tôi thấy những điều ghi trên không hoàn toàn đúng với
câu chuyện, nhưng tinh thần, triết lý của cuốn phim không sai khác, cho nên tôi
xin mạng phép giữ nguyên. Quy Vị có thể tham khảo về La Stada theo link nầy: La Strada, the film
No comments:
Post a Comment