add this

Thursday, October 28, 2021

Đại Sứ Bùi Diễm qua đời

 


Đại Sứ Bùi Diễm qua đời

Tôn Tht Tu

Cái bậy của tôi trong đời là không "đeo" những người tốt. Ví dụ tôi đã không “đeo’” anh Bùi Diễm.

Không đi nhận nhiệm sở ở Phước Long, chỗ xấu nhất vì ra trường hạng chót, nên tôi không có lương. Tôi đã đến Phủ Thủ Tướng yêu cầu bổ nhiệm tôi chỗ khác nhanh nhất cho có tiền ăn. Tôi gặp anh Bùi Diễm trong phòng đại tá Dương Hồng Tuân, đổng lý văn phòng. Anh Bùi Diễm thấy vậy, móc túi đưa tôi một ít tiền. Ông Tuân làm theo, tôi không nhận vì tôi không quen.

Nhưng quan trọng nhất với tôi là nhờ anh BD mà tôi khá tiếng Anh. Chúng tôi gặp nhau trong một buổi tiếp tân ngoại giao khi Saigon còn sôi động vì cuộc đảo chánh 1963. Tôi nói đùa xin anh cho tôi tờ The Saigon Post nhé; Anh ừ, tôi nghĩ là ừ cho qua chuyện. Nhưng từ hôm sau, mỗi sáng có người đưa tận ký túc xá cho tôi một tờ Saigon Post, đóng dấu báo biếu (complimentary copy). Lúc ấy mua một tờ tiếng Anh hình như gấp sáu bảy lần báo Việt Ngữ. Thời ấy còn có thêm The Saigon Daily News của ông Tôn Thất Thiện, chưa làm bộ trưởng thông tin. Saigon có thêm tờ "Reo" (jeo, Journal d'Extrême Orient) đã thu mình từ một tờ báo hàng đầu tiếng Pháp thành một tờ báo chỉ in lại các tin của VN Press.

Bậy quá, nếu tôi đeo có lẽ anh đã cho tôi làm tham vụ ngoại giao ở Washington, biết ăn McDonald trước nhiều người.

Ông Bùi Diễm Cựu Đại Sứ VNCH ở Mỹ (1967-1972) đã qua đời ngày 24 Oct 2021 tại vùng thủ đô HK, hưởng thọ 99 tuổi. Ông là chủ nhiệm The Saigon Post, nhật báo Anh ngữ (1954 - 1966). Ông đã thành lập hãng phim Tân Việt đã sản xuất các phim Chúng Tôi Muốn Sống, Hồi Chuông Thiên Mụ, Thiếu Phụ Nam Xương. "Chúng tôi muốn sống" dựng trên bối cảnh cuộc di cư 1954. Hồi Chuông Thiên Mụ đã giúp Kiều Chinh có nhãn hiệu minh tinh và Lê Quỳnh đã nổi danh từ phim nầy, không cần nhờ tiếng hát của vợ là Thái Thanh, sang đổi vợ.

Trong đời sống bình thường ông Bùi Diễm là người hiền hòa, dễ mến, rộng rãi. Nhà văn Ninh Hạ cũng nhận xét như vậy vì đã cùng dạy tại trường Phan Sao Nam, chung với các ông Bùi Diễm và Lữ Hồ (Lữ Hồ và Ninh Hạ anh em ruột). Ông hút ông dố (pipe) như Lữ Hồ.

Chúng tôi không biết quan điểm chính trị và hành động chính trị của nhà ngoại giao và nhà báo nầy từ 1975 đến mãn đời.

Hết sức ngậm ngùi, biết nói gì đây!

Nghe tin anh qua đời, tôi vẫn nghĩ anh chẳng đi đâu, vì có trụ vào đâu mà nói đi hay ở; tôi chỉ nói anh nhẹ bỗng thinh không, như trong ý thơ của Rumi, hoàn toàn giải thoát khỏi những ý niệm sai lầm của bản thể luận. Nến anh có vào một cảnh giới khác thì cảnh giới nầy và cảnh giới trần gian móc chung với một thực thể duy nhất, nhờ cái "huyền đồng", cải bản lề, của Lão Tử. 

Je ne suis de l‘Est ni de l'Ouest

ni de la mer ni de la terre

je ne suis matériel ni éthéré

ni composé d’éléments.

Je n’existe pas.

je ne suis une part ni de ce monde ni d’autre

je ne descends ni d’Adame ni d’Eve

ni d’aucune origine.

Ma place n’a pas de place

une trace de ce qui n’a pas de trace

ni corps ni âme.

J’appartiens au Bien Aimé

j’ai vu les deux mondes réunis en une seul

le premier, le dernier, celui du dehors celui de dedans,

simples comme le souffle d’un homme qui respire.

Rumi, Mathnawi, Book One

Tôi chẳng từ phương đông mà đến,

chẳng từ phương tây mà đến.

Chẳng từ biển hay đất liền.

Tôi không phải chất đặc hay chất hơi

Chẳng phải do nhiều thứ ghép lại mà thành.

Tôi không hiện hữu

Tôi không thuộc thế giới nầy hay thế giới khác.

Tôi không phải là hậu sinh của Adam và Eva,

Cũng không thuộc một nguồn gốc chủng tộc nào.

Chốn tôi ở không có gì là nơi chốn

Mà chỉ là một dấu tích của một thứ gì không dấu tích

Không thể xác, không linh hồn.

Tôi thuộc về Đấng Thương Quí

Tôi đã thấy hai thế giới hợp nhất là một,

cái đầu, cái cuối; cái trong, cái ngoài

đơn giản như hơi thở của một người đang thở.

Xin ”hầu” anh bài thơ nầy và thay vì cổ bồn như Trang Tử xin mượn một chút của Sebastian Bach:   ♪♪♪  Air J.S. Bach

=====================================================================

Bình dân trí thức đều đọc The Saigon Post
==================================================

Wednesday, October 27, 2021

ngã tư Bảy Hiền


chép sử từ Ngã Tư Bảy Hiền

thuongcangthuquan

Ngã tư Bảy Hiền là cửa ngõ phía tây-bắc của Sài Gòn từ thời xa xưa. Từ Sài Gòn phải đi qua ngã tư Bảy Hiền mới đi được Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh và xa hơn là thủ đô Phnom Penh của Kampuchia. Trước năm 1975 quân hay dân muốn đi Phnom Penh tất tất phải đi qua ngã tư Bảy Hiền.

Với vị trí khá đặc biệt như cách khu Lăng Cha Cả (cửa chính của Phi trường Quân sự Tân Sơn Nhứt và cửa chính của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội VNCH) chỉ chưa đầy hai cây số về hướng bắc, cách cổng trại Hoàng Hoa Thám của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù chưa đầy một cây số về hướng tây, đi về trung tâm Sài Gòn hướng đông (chợ Bến Thành) và trung tâm Chợ Lớn ở hướng nam chưa đầy sáu cây số… thì về mặt chiến lược trong các năm chiến tranh 1954-1975, ngã tư Bảy Hiền mới thực sự là một vị trí đía lý trọng yếu mà các bên tham chiến đều đặc biệt quan tâm so với các cửa ngõ khác của Sài Gòn.

Từ ngã tư Bảy Hiền theo đường Võ Tánh  để đi về Lăng Cha Cả, theo đường Nguyễn văn Thoại để đi về Chợ Lớn. Trục Tây Bắc – Đông Nam là đường Lê Văn Duyệt nối thẳng về trung tâm Sài Gòn sau khi đi qua Ông Tạ, Hòa Hưng, Công trường Dân Chủ.

Phân bố dân cư trong các năm 1954-1975 khá đặc biệt. Khu vực mặt tiền dọc theo đường Lê Văn Duyệt là người Bắc TCG giáo di cư. Họ sống dài dài từ Tân Việt xuống Bảy Hiền, Ông Tạ, Hòa Hưng… lan qua khu Lăng Cha Cả.

nghĩa trang của Pháp gẩn ngã tư Bãy Hiền

Khu người miền Trung chạy loạn vào Sài Gòn cùng với người nam theo Phật giáo bắc tông hay nam tông thường nằm khu phía trong có các hẽm chằng chịt. Đây là các vùng thường có các cơ sở VC nằm vùng trước năm 1975. Khu dệt Bảy Hiền là khu căn cứ VC nội thành trước năm 1975.

Các cơ sở của Quân đội VNCH nhằm phục vụ chiến tranh tại khu vực ngã tư Bảy Hiền được bố trí khá chằng chịt trong thời gian 1954-1975. Dọc đường Võ Tánh từ Bảy Hiền lên Lăng Cha Cả có bót cảnh sát thường và trại cảnh sát dã chiến, có đài phát thanh quân đội Hàn Quốc. Có khu vực phòng thủ không quân Mã Tây, có cổng trại Phi Long (có lăng mộ của Cha Cả) và cổng chính Bộ Tổng Tham Mưu.

Từ Bảy Hiền lên Chợ Lớn theo đường Nguyễn Văn Thoại về phía tay phải là các cơ sở hậu cần và giải trí cho quân đội Mỹ như hãng thầu quân đội RMK, hãng thầu Pacific, cơ sở sửa chữa container của hãng tàu biển SeaLand… Phía tay trái là trại lính yểm trợ cho Sư Đoàn Nhảy Dù, khu trung tâm truyền tin quân sự.

Bảy  Hiền 1972
Các năm 1965-1972 khu vực đường Nguyễn văn Thoại, sát ngã tư Bảy Hiền là khu đèn đỏ của quân đội Mỹ với các snack-bars, khách sạn, vũ trường… đèn sáng, nhạc xập xình suốt ngày đêm. Các cha, các thầy dạy học luôn dặn dò học sinh không được bén mảng qua khu vực ấy.

Một địa điểm mà chúng tôi muốn nêu lên trong bài này là trường Đắc Lộ. Từ nơi này trong một khoảng đời dài tuổi ấu thơ còn đi học chúng tôi đã chứng kiến những sự kiện xảy ra với ngã tư Bảy Hiền. Trèo tường ngồi vắt vẻo để xem lính nhảy dù ra trận, xem biểu tình, xem mật vụ rượt Việt Cộng nằm vùng… là chương trình liveshow thường xuyên của mấy ông học trò, mấy ông tu sinh Đắc Lộ học ít, cúp cua nhiều. Mấy chục năm sau ngồi uống cà phê tán dóc, những liveshow ấy được thêm muối, ớt, đường, bột ngọt… thành “ký ức những ngày thơ”. Những sử “da” cà phê tán láo như chúng tôi bây giờ đã sáu bảy mươi tuổi, có ông bị Alzheimer, nên sử liệu bị xáo trộn là điều chắc chắn.

Nhà thờ và tu hội Đắc Lộ được sáng lập năm 1957 do cha Giuse Vũ Khánh Tường (1925-1980) sau khi ông học từ Pháp trở về. Cha Tường có thời gian làm hiệu trưởng Trung học Nguyễn Bá Tòng trước khi tách ra riêng. Tu hội Đắc Lộ nằm tại số 31, ấp Tân Hiệp, xã Tân Sơn Nhì, Tân Bình, Gia Định.

Trước năm 1975, hoạt động chính của tu hội Đắc Lộ là mở trường dạy học có tên là trường tư thục Đắc Lộ.

Trường nằm trên con đường huyết mạch nối Sài Gòn với Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh và Kampuchia, lại kế bên căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt và đối diện bộ chỉ huy sư đoàn nhảy dù của quân đội VNCH trước năm 1975… nên không biết may mắn hay bất hạnh những người sáng lập Đắc Lộ và những tu sinh, học sinh của trường (các sử “da”) đã chứng kiến hàng loạt các sự kiện quan trọng của Sài Gòn trong suốt thời gian khói lửa 1954-1975.

trại Hoàng Hoa Thám
Có lẽ ngẫu nhiên mà chứng kiến là vì những sự kiện quan trọng của Sài Gòn 1954-1975 luôn có sự tham gia của lính Sư đoàn Nhảy Dù đóng tại trại Hoàng Hoa Thám (đối diện nhà thờ Đắc Lộ). Đây là một đơn vị tổng trừ bị được trang bị đầy đủ nhất của quân đội VNCH, luôn có mặt trong những biến cố chính trị hay quân sự quan trọng của miền nam trước năm 1975.

Bảy Hiền cũng là nơi có đối kháng lương-giáo khá cao, một bên ủng hộ chế độ VNCH (người TCG di cư), một bên chống lại (người trung nhập cư). Bảy Hiền chứng kiến những thương vong dữ dội trong chiến tranh trong các năm 1966, 1967, 1968, 1970, 1971, 1972, 1975… qua những xe chở quan tài xuất phát từ cổng trại lính Hoàng Hoa Thám.

ngã tư Bảy Hiền 1972
Những ghi chú này không mang tính lịch sử, chính trị… gì hết. Viết ra để ghi nhớ lại gần hai mươi năm những đứa trẻ sử “da” như chúng tôi đã chứng kiến hay nghe các cha, các thầy, các bạn kể lại… theo kiểu nhớ đâu, kể đó.

(1)- Cuộc tảo thanh lính Bình Xuyên của Bảy Viễn khi ông Diệm mới về nước chấp chính được lính dù hậu thuẫn mạnh với các sĩ quan nhảy dù thời ấy như Nguyễn Khánh, Nguyễn Chánh Thi, Đỗ Cao Trí, Cao văn Viên.

(2)- Hai cuộc đảo chính ông Ngô Đình Diệm năm 1960 và 1963 đều có lính nhảy dù tham gia như một thành phần chủ chốt của quân đảo chính. Lính nhảy dù thường xuất phát từ cổng trại Hoàng Hoa Thám theo đường Lê văn Duyệt đi lên ngã tư Bảy Hiền, Hòa Hưng… vườn Tao Đàn và vào dinh Độc Lập.

(3)- Những biến động chống chính phủ của Phật giáo 1963-1967 thường xuất phát từ khu dệt Bảy Hiền (một thành phần ủng hộ phong trào Phật giáo miền Trung). Khu vực tụ tập biểu tình dữ dội thường là ngã tư Bảy Hiền kéo dài tới cây xăng đôi. Đàn áp phong trào Phật giáo miền Trung tại Huế và Đà Nẵng năm 1966 cũng do lính Sư đoàn Dù không vận từ Sài Gòn ra thực hiện.

(4)- Cũng năm 1963-1967 những cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ chính phủ của người TCG di cư thường xuất phát từ khu vực nhà thờ Tân Việt, đi dần lên Bảy Hiền, Ông Tạ, Lăng Cha Cả… để đối kháng với phong trào ủng hộ Phật giáo miền Trung. Thường các người tham gia tập trung tại nhà thờ Tân Việt đi qua ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả… kéo đến trước Bộ Tổng Tham Mưu. 

(5)- Mậu Thân đợt một và đợt hai tấn công vào phi truờng Tân Sơn Nhứt và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù. Đợt hai kéo dài cả tuần lễ rất ác liệt tại ngã tư Bảy Hiền, nhà thờ Đắc Lộ, chợ Bảy Hiền. VC tham gia trận đánh lớn này đa số kéo từ Long An lên. Tướng Lưu Kim Cương chỉ huy phi trường Tân Sơn Nhứt bị bắn chết tại vòng rào khu Mã Tây.

Hai tác phẩm văn học nghệ thuật lớn phản ánh những trận đánh tại khu vực này năm Mậu Thân là “Dáng đứng Việt nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân và “Cho một người năm xuống” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

(6)- Trận Hạ Lào (Lam Sơn 719). Lính Sư đoàn Nhảy Dù thiệt hại nặng nhất so với các binh chủng khác của quân đội VNCH.

(7)- Mùa hè đỏ lửa năm 1972 do tham chiến cả hai mặt trận An Lộc (Bình Long) và Quảng Trị, Sư đoàn Nhảy Dù coi như bị tiêu hao nặng. Số binh sĩ và hạ sĩ quan Sư đoàn Nhảy Dù sống tại khu Bảy Hiền, Ông Tạ, Hòa Hưng… rất nhiều, nên mùa hè năm 1972 là một năm tang tóc với người TCG ở đây, gần như nhà nào cũng có tang.

(8)- Bảy Hiền chứng kiến trận đánh cuối cùng của cuộc chiến tranh 1954-1975 tại cổng Hoàng Hoa Thám vào lúc 18:00 giờ chiều ngày 30/04/1975. Ngày 30/04/1975 cũng là ngày Sư đoàn Nhảy Dù tan rã. Tướng Lê Quang Lưỡng (Tư lệnh Sư đoàn) chỉ mang được vài trăm binh sĩ dưới quyền ra Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ từ ngõ Vũng Tàu di tản sang Philippines rồi sau đó qua Mỹ.

Các sử “da” tán thêm rằng: Trong sự sụp đổ chóng vánh của quân đội và chế độ VNCH có trách nhiệm lớn lao của lính nhảy dù.

Tính tới đầu năm 1975 các tướng lĩnh nhảy dù nắm hết quyền lực của quân đội VNCH. Tổng tham mưu trưởng là Cao Văn Viên, tư lệnh các quân đoàn 1,2,3,4 là tướng Ngô Quang Trưởng (khu 1), tướng Phạm văn Phú (khu 2), tướng Dư Quốc Đống (khu 3), tướng Nguyễn Khoa Nam (khu 4). Sau khi thất thủ Phước Long đầu năm 1975, tướng Đống (nguyên Tư lệnh Sư đoàn Dù) mới chịu về hưu. Các ông Viên, Trưởng, Phú, Đống, Khoa Nam đều là sĩ quan cao cấp của Sư Đoàn Nhảy Dù trước đây.

Lính nhảy dù thiện chiến, tinh nhuệ… nhưng chỉ tác chiến giỏi khi có đầy đủ vũ khí và hậu cần yểm trợ. Năm 1973 khi người Mỹ rút quân, các yểm trợ từ phi cơ, pháo binh, hậu cần cho lính nhảy dù giảm hẵn… cũng là lúc lực lượng này suy thoái nhanh chóng, hiệu quả tác chiến không còn cao. Tướng Lê Quang Lưỡng có lần than rằng: Quân tôi đã yếu và ít, xẻ ra khắp các nơi, chúng tôi đánh đấm làm sao được?

Khi về nắm các chức vụ chỉ huy cao cấp trong quân đội VNCH, cách tác chiến chính quy kiểu lính nhảy dù với đầy đủ vũ khí và hậu cần như trước không còn, các tướng lĩnh xuất thân từ Sư Đoàn Nhảy Dù ra mệnh lệnh chỉ huy cho các đơn vị bộ binh khác không còn hiệu quả được nữa… việc thất bại chóng vánh là đương nhiên.

Với lại vào hai tháng cuối của chiến tranh 1954-1975 hỏa lực của phía Hà Nội  vượt trội, trong khi rất nhiều đơn vị quân đội VNCH không còn tiếp liệu chiến đấu, kể cả đạn nhỏ để tự vệ.

Bốn mươi năm rồi… chuyện chỉ có vậy. Xin đừng ném đá. Hết cà phê rồi, về nấu cơm trưa kẻo vợ mắng cho! Ngày 12 tháng 03 năm 2015. 


không ảnh ngã tư Bảy Hiền

=================================================================================



Wednesday, October 20, 2021

Nho Giáo, Trần Trọng Kim

 

Nho Giáo

Trần Trọng Kim

Lê Minh Khai

Năm 1930 một nhà giáo tên Trần Trọng Kim đã xuất bản một tác phẩm nhan đề Nho Giáo. Được in trong bốn cuốn, công trình nghiên cứu nầy bàn về các triết gia trong học thuyết Khổng Tử từ khởi thủy cho đến hết triều đại Mãn Thanh (1644-1911), kết thúc bằng một chương nói về Khổng học ở VN.

Không kể đến số lượng tài liệu to lớn, cuốn sách về Khổng Giáo của Trần Trọng Kim gây những ấn tượng đặc biệt, bởi lẽ không những là cuốn sách đầu tiên ở VN mà còn là một trong vài cuốn đầu tiên trên thế giới về đề tài nầy và nó cũng đóng góp những điểm đặc biệt.

Trong suốt hơn 2.000 năm, trên nước Tàu, vô số nhân vật đã đóng góp nhiều ý tưởng về lý thuyết và thực hành Khổng Giáo (KG) nhưng cho đến thế kỷ 20 không có một cuốn sách nào nói về lịch sử hình thành các tư tưởng ấy cũng như về các tác giả liên hệ.

Đầu thế kỷ 20, vài người Tàu quyết định viết về lịch sử KG nhưng họ đều đi theo khuôn sườn một cuốn sách do một học giả Nhật Bản viết.

Đó là học giả Matsumoto Bunzaburo 松本文三郎 Tùng Bổn Văn Tam Lang và tên sách là Shina tetsugaku shi 支那哲學史 Chi na triết học sử, xuất bản trong khoảng 1890-1902. Danh từ tetsugaku 哲學 triết học, do người Nhật chế biến để dịch quan niệm ‘philosophy' vào thời ấy không có trong ngôn ngữ Á Đông. Không có danh tự “triết học” nên không có sách liên hệ, Matsumoto phải dùng vô số sử liệu, và tách ra những điều ông cho là triết lý để viết tiểu sử các tác giả và tư tưởng của họ.

Nhưng lịch sử triết học mang lại nhiều điều mới. Quan niệm về quốc gia, dân tộc (nation) của Tây Phương đã được quảng bá ở Nhật cuối thế kỷ 19; học giả Phù Tang bắt đầu suy nghĩ không những về sự khác biệt của Nhật Bản mà còn suy nghĩ về những gì làm cho các quốc gia khác nhau. Và triết học là đường nét bậc nhất chỉ rõ sự khác biệt giữa các nước. Đầu thế kỷ 20, sự chuyển hóa tại Nhật gọi là “Tây phương hóa” (Westernize)  đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nhà cải cách Tàu. Một trong những hậu quả của ảnh hưởng nầy là một học giả Tàu đã xuất bản một cuốn sách bằng chữ Tàu về lịch sử triết học Tàu gần như theo khuôn mẫu trong cuốn sách đầu tiên của Matsumoto.

Sách xuất bản năm 1916 được viết bởi Xie Wuliang 謝無量 Tạ Vô Lượng, với nhan đề  Zhongguo zhexue shi 中國哲學史, Trung Quốc Triết Học Sử. Như vậy việc viết sử triết học Tàu bắt đầu ở Nhật. Sau Tạ Vô Lượng nhiều học giả khác viết cùng đề tài có thêm nhiều đóng góp mới nhưng họ đều không đi xa khỏi cơ cấu cuốn sách của Matsumoto.

Tân kỳ nhất là tác phẩm của 胡適 Hồ Thích: 中國哲學史大綱, Trung quốc triết học sử đại cương,1919, chính yếu về ngàn năm trước Công nguyên, BC. Tiếp đến là của 馮友蘭 Phùng Hữu Lan: 中國哲學史, Trung Quốc Triết Học Sử 1934.

Giữa các lần xuất bản nêu trên, người Tàu đã dịch hai cuốn khác của Nhật ra mắt năm 1925. #1 Zhongguo zhe xue shi gai lun 中國哲學史概論, Trung quốc triết học sử khái luận, 1925 của Watanabe Hidekata  Độ Biên Tú Phương , dịch bởi 劉侃元 Lưu Khản Nguyên ;  #2 Zhongguo zhexue shi Trung quốc triết học sử 中國哲學史 của Takase Takejiro Cao Lại Vũ Thứ Lang, dịch bởi 趙蘭坪 Triệu Lan Bình.

***

Trần Trọng Kim
Trần Trọng Kim (TTK) bắt đầu soạn thảo Nho Giáo vào cuối thập niên 1920 và xuất bản năm 1930. Mười năm sau, 1940, khi phân tích bình luận, Ngô Tất Tố nói rằng phần lớn tác phẩm nầy TTK dịch từ sách Tàu.

Nhưng hãy xem lại bố cục cuốn sách thì thấy rằng TTK theo cơ cấu cuốn sách của Nhật xuất bản trước đó. Chỉ có trùng hợp TTK trích dẫn từ các tài liệu cổ những đoạn mà tác giả Nhật cũng trích dẫn nhưng không sao chép phần viết của kẻ khác.

Sách của TTK không có gì làm độc giả liên tưởng đến sách Tàu.

Vì sao không thấy có chỗ giống nhau giữa sách TTK và Tàu? Lý do: khác với người Tàu, TTK dùng ngôn ngữ phổ thông (vernacular language) để trình bày triết lý Khổng Mạnh.

KG là triết lý từ thời xưa thì dùng những danh từ xưa cổ mà diễn tả thì rất dễ, mắc chi mà phải cố trình bày theo lối mới cho đại chúng hiểu.

Từ đầu thế kỷ 20, Tàu đã bỏ “văn ngôn”, lối viết xưa không ai đọc được và bắt đầu phổ biến bạch thoại. Chính vì vậy, tác phẩm của Phùng Hữu Lan 1934 không dùng những danh từ xưa cổ và khó như Tạ Vô Lượng 1916 lần đầu tiên viết về triết sử của Tàu.

Sách của TTK xuất bản trước sách của Phùng Hữu Lan. Lúc ấy bên Tàu, Phùng Hữu Lan có thể sử dụng khá nhiều kết quả truyền bá bạch thoại. Trong lúc ấy,  TTK sử dụng quốc ngữ và độc giả chưa quen với lối diễn tả mới, không như độc giả Tàu đã quen triết lý KH và có danh từ phát triển từ Hán tự cổ điển trong bạch thoại. Trong hoàn cảnh ấy, TTK quá sức vất vả so với Hồ Thích hay Phùng Hữu Lan về ngôn ngữ.

Lấy ví dụ về 邵雍 Thiệu Ung. Hết sức khó hiểu và khó diễn tả tư tưởng của học giả thời Tống nầy. Hãy xem Tạ Vô Lượng 1916 và TTK 1930 xoay xở thế nào về Thiệu Ung.

Tạ Vô Lượng viết theo lối cổ điển với những danh từ trừu tượng và dùng lại lời của chính Thiệu Ung. Như vậy độc giả nếu không am tường những thuật ngữ cổ điển thì không thể hiểu Thiệu Ung muốn nói gì.

Ngược lại TTK phải ra công giải thích tư tưởng của người đời Tống nầy bằng ngôn ngữ phổ thông; hơn nữa ông không thể trông chờ độc giả moi túi kinh luân cá nhân ra mà hiểu; ông phải làm hết.

Không hiểu bây giờ người Việt nghĩ gì về cuốn Nho Giáo của TTK, nhưng các sử gia Âu Châu cho rằng tác phẩm nầy thuộc loại bảo thủ, xa đường hướng phát triển của xứ sở, ngay từ khi hình thành.

Tuy vậy, ít nhất trong tầm nhìn nhỏ hơn, theo vùng, Nho Giáo của TTK không có gì lạc hậu. Trái lại nó rất tân tiến và nhiều tính chất cải biến.

Những năm trước và sau 1930, KH không còn là đề tài hấp dẫn nhưng cách TTK đề cập hết sức sắc bén. Phương pháp TTK chọn để trình bày KH bằng ngôn ngữ phổ thông cũng sẽ là cách Phùng Hữu Lan chọn 4 năm sau để hoàn thành tập triết sử danh tiếng và nhiều ảnh hưởng.

Nhưng công việc của TTK khó khăn gấp bội. Không kém các đồng nghiệp Hoa Nhật về trí tuệ, TTK còn là người đầu tiên và duy nhất đã phổ thông hóa mấy ngàn năm lịch sử triết học mà không cần đến cách viết của Hán Tự.

Không thể phủ nhận cố gắng vượt bực nầy. Ít nhất về phương diện ngôn ngữ, Nho Giáo của TTK hết sức “hào hùng, có tính chất lịch sử”.

Xuất xứ: Trần Trong Kim and the Vernacularization of Confucianism 

=================================================

Ghi chú của người dịch

Phùng Hữu Lan (1895-1990)

Kể từ 1949, khi CH Nhân Dân TQ thành lập, Phùng Hữu Lan nghiên cứu chủ nghĩa Marx và dùng chủ nghĩa này để nghiên cứu lịch sử triết học Tàu. Năm 1949, ông gởi thư cho Mao Trạch Đông, ngỏ ý muốn dùng chủ nghĩa Marx mà viết mới lại lịch sử triết học. Nhưng ông không được trả lời. Tháng 8-1950, giới trí thức mới hưởng ứng phong trào «phê Lâm phê Khổng» (phê phán Lâm Bưu và Khổng Tử), phê phán tư tưởng Nho giáo, «bình Pháp phê Nho» (phê bình Pháp gia và Nho gia); do đó họ bắt đầu đấu tố Phùng Hữu Lan, phê phán tư tưởng của ông, và ông bắt đầu viết kiểm điểm, tự phê bình, sám hối. Phùng Hữu Lan đã thú nhận rằng, hơn 10 năm sau 1949, những gì ông viết ra đều xin sám hối. Sám hối những gì ông đã từng viết trước 1949 (trong đó có hai bộ Triết Sử và Trinh Nguyên Lục Thư).

Phùng Hữu Lan trở thành tội nhân ngay buổi đầu của cuộc Văn Cách, tức Đại Cách Mạng Văn Hoá (1966-1976). Đại nạn của Phùng Hữu Lan chính xác bắt đầu từ tháng 6-1966 (bấy giờ 71 tuổi). Ông bị đấu tố, phê bình là «kẻ có uy quyền về học thuật phản động của giai cấp tư sản». Ông bị tịch biên tài sản, bị cô lập để thẩm vấn, và bị cưỡng bách lao động cải tạo. Tháng 3 năm 1967, Đại học Bắc Kinh thành lập cái gọi là «Trạm liên lạc để phê bình Phùng Hữu Lan» (Phê Phùng liên lạc trạm). Năm ông 73 tuổi (1968), do có chỉ thị của Mao Trạch Đông, ông được trả về nhà, nhưng chỉ được trả lại một phần tài sản đã tịch biên..

Trích từ: Phùng Hữu Lan – Triết gia kiêm sử gia trứ danh của Trung Quốc | Nghiên Cứu Lịch Sử (nghiencuulichsu.com)

 


Ấn đã thống trị Tàu 20 thế kỷ về văn hóa mà không cần gởi một người lính qua biên giới

Hồ Thích, 1948

Tuesday, October 19, 2021

Quan thoại VN?


Quốc Tử Giám, Huế






Quan thoại VN, một ý kiến bất thành

The Idea for a Mandarin Language in Early 20th Century VN

Lê Minh Khai *** Tôn Tht Tu dịch

Thi cử theo lối xưa tại Huế để lại trong văn khố một tuyển tập gồm những bài luận. Đó là 會庭文選, Hội Tuyển Văn Đình.

Chương về ngôn ngữ và ký tự có những luận văn “tìm câu trả lời lý tưởng” không đồng ý dùng ký tự La Tinh ABC như một số học giả khác đã cổ súy trong phong trào gọi là quốc ngữ. Đồng thời, các sĩ tử nầy không chấp nhận tiếp tục dùng Hán tự cổ điển. Thay vào đó các luận sĩ kêu gọi hình thành một thứ quan thoại 官話, riêng cho VN.

Dưới đây xin trích dẫn nguyên văn các ý kiến

我國文字,兆自何代。士王教民漢字盛行。不知開教之始,如何而能引我人入知曉路,可思想而得之乎。舊國音之字,假借隨心,未為盡善。今代以二十五母字,反切無差。但文士秉筆橫書,方言各別,此欲南北聲音,交相通曉,亦有方法其乎。

Ngã quốc văn tự, triệu từ hà đại? Sĩ vương giáo dân Hán tự thịnh hành. Bất tri khai giáo chi thủy, như hà nhi năng dẫn ngã nhân nhập tri hiểu lộ, khả tư tưởng nhi đác chi hồ. Cựu quốc âm chi tự, giả tá tùy tâm, vi vi tận thiện. Kim đại dĩ nhị thập ngũ mẫu tự, phản thiết vô sai. Đãn văn sĩ bỉnh bút hoành thư, phương ngôn các biệt, thử dục nam bác thanh âm, giao tương thồng hiểu, diệc hữu phương pháp kỳ hồ.

***Vương quốc của chúng ta thấy chữ viết lần đầu vào lúc nào? Sĩ Nhiếp vào thế kỷ thứ ba mở đầu chương trình giáo dục và từ đó Hán tự thịnh hành. Có cách gì để biết khởi thủy ông đã dùng phương pháp nào làm cho dân mình hiểu ngôn ngữ nầy? Các cổ tự dựa vào cách phát âm của xứ mình để tiện dùng, chứ không tuyệt hảo.

Thế hệ hiện nay dùng 25 mẫu tự thì không khác chi lối “fanqie” của Tàu (phản thiết 反切 dùng cổ tự diễn tả các âm mới của địa phương). Nhưng khi dùng bút viết ra, các phương ngữ khác nhau lại chung một lối viết; đọc lên không ai biết gì. Vì vậy câu hỏi đặt ra là có cách gì làm cho các ngữ âm Nam Bắc có thể hiểu nhau được?

Hội Tuyển Văn Đình
Đấy là một câu hỏi kỳ thú. Nhưng chính yếu đó là câu hỏi: chúng ta sẽ dạy ngôn ngữ mới theo cách thức nào? Dĩ nhiên quốc ngữ không phải là giải pháp. Vì quốc ngữ, giống như fanqie tỏ ra không thích hợp, vì nó chỉ diễn tả các ngữ âm; trong lúc các ngữ âm các miền có những phương ngữ khác nhau. Vậy làm sao người mình hiểu nhau qua cách viết và đọc từ chữ viết?

Giải pháp lý tưởng là hình thành một thứ quan thoại riêng của VN. Tuy không nói rõ, ai cũng hiểu thí sinh nầy muốn nói Hán Tự sẽ được dùng làm “vật liệu” nhưng được chọn theo đúng cách phát âm và ngôn ngữ VN.

且一國各有一國的文字。我國當未學漢子之時,當有文字。觀於上游夷獠,猶有其文字可見,但載籍不詳,難於考時代耳。自士王以詩書教民,而漢字盛行。當初必有一二人諳曉漢土兩音,以互相傳播,或因事指示,因物認真,如近時人之學法語也,所以能引我人入知曉路,可思想而得之矣。

[Thả nhất quốc các hữu nhất quốc đích văn tự. Ngã quốc đương vị học hán tử chi thì, đương hữu văn tự. Quan ư thượng du di Lão, do hữu kỳ văn tự khả kiến, đãn tái tịch bất tường, nan ư khảo thì đại nhĩ. Tự Sĩ Vương dĩ thi thư giáo dân, nhi Hán tự thịnh hành. Đương sơ tất hữu nhất nhị nhân am hiểu Hán thổ lưỡng âm, dĩ hổ tương truyền bá, hoặc nhân sự chỉ thị, nhân vật nhận chân; như cận thì nhân chi học Pháp ngữ dã, sở dĩ năng dẫn ngã nhân nhập tri hiểu lộ, khả tư tưởng nhi đắc chi hỹ].

***Mỗi vương quốc có chữ viết riêng. Trước khi học Hán Tự, người mình thế nào cũng có lối viết riêng. Nếu nhìn lên Thượng Nguồn (Cửu Long), chúng ta thấy người Lào có chữ viết, tuy tài liệu chưa đủ để biết nó xuất hiện lúc nào.

Khi Sĩ Nhiếp bắt đầu, thì ông cho dạy Tứ Thư Ngũ Kinh, nhờ đó Hán Tự mới lan truyền. Trước hết, thế nào cũng có một hay hai người vừa biết âm Tàu vừa biết ngôn ngữ địa phương; nhờ vậy mới truyền đạt những tin tức, những ý nghĩa, nhờ đó mà giải thích các biến cố, sự việc lớn nhỏ, nhờ đó là gọi tên các phẩm vật, đồ đạt; giống như ngày nay kẻ đã học tiếng Tây có thể hướng dẫn người khác hiểu tiếng Tây.

舊國音之字,假借漢文,隨心運用,如上天下上為天,上王下布為王之類,未為盡善。今代以二十五母字,本西字以爲之也,反切無復差矣。但文士秉筆橫書 帝京兩直,音話不通,西貢北圻,方言各別,非官釐定,其法不可。

[Cựu quốc âm chi tự, giả tá Hán văn, tùy tâm vận dụng, như thượng thiên hạ thượng vi thiên; thượng vương hạ bố vi vương chi loại, vi vi tận thiện. Kim đại dĩ nhị thập ngũ mẫu tự, bổn tây tự dĩ vi chi dã, phản thiết vô phục sai hỹ. Đản văn bỉnh bút hoành thư đế kinh lưỡng trực âm thoại bất thông, Tây Cống Bắc Kỳ phương ngôn cách biệt; phi quan ly định, kỳ pháp bất khả.]

***Những cổ tự viết theo các âm của xứ mình dựa theo lối viết của tàu nhưng chọn theo sở thích của dân chúng. Ví dụ đặt “thiên ” trên “thượng ” thì có thiên 𡗶 = trời / “vương ” trên “bố ” thành ra “vương 𤤰 = vua. Người thời nay dùng 25 mẫu tự Tây Phương. Những chữ cái nầy không khác lối fanqie. Tuy nhiên khi các học sĩ đặt bút ghi lại thì tiếng nói ở kinh đô và bốn xứ Quảng không hiểu nhau được. Saigon và Bắc Kỳ có phương ngữ riêng. Nếu chính quyền không thống nhất quy định các danh từ thì Bắc Nam không thể hiểu nhau.

夫清之立國者大於我者數倍,一省之方言各別,而南北東西對話不同,乃官話一立,而全國之人由之,更無鼠璞虎菟之慮矣。我誠倣而行之,定一官話,著為字典,何音之真正雅亮者選之,鄙俚粗拙者刊之,何器何物未有聲音者,補之,使全國之人,習而誦之,秉筆行文,必用此字,如此則南北聲音交通曉矣。

[Phu Thanh chi lập quốc giả đại ư ngã giả số bội; nhất tỉnh chi phương ngôn các biệt; nhi nam bắc đông tây đối thoại bất đồng, nãi quan thoại nhất lập, nhi toàn quốc chi nhân do chi, canh vô thử phác hổ thố chi lự hỹ. Ngã thành phỏng nhi hành chi, định nhất quan thoại, trứ vi tự điển, hà âm chi chân chánh nhã lượng giả tuyển chi, bỉ lý thô chuyết giả khan chi, hà khí hà vật vị hữu thanh âm giả bổ chi, sử toàn quốc chi nhân. Tập nhi tụng chi, bỉnh bút hành văn, tất dụng thử tự, như thứ tắc nam bắc thanh âm giao thông hiếu hỹ].

***Vương quốc nhà Thanh to lớn hơn nước mình biết mấy lần; mỗi tỉnh có phương ngữ riêng, đông tây nam bắc đều nói các thứ tiếng khác nhau. Nhưng nhờ sự thiết lập “quan thoại” 官話; dân chúng các vùng đều học theo, cho nên không lo chi việc hiểu nhầm nhau.

Chúng ta hãy theo kinh nghiệm ấy, tân tiến hóa, thích ứng với nước mình, tức là thiết lập một quan thoại riêng theo lối riêng của VN; hoàn thành một cuốn từ điển, chọn những âm thích hợp và vui đẹp, loại bỏ những âm thô kệch, tầm thường, định danh các đồ vật, sự việc, chưa có tên, ra lệnh mọi thần dân học theo và nói cho đúng. Khi ấy, những điều viết ra và những điều nói ra dân chúng sẽ hiểu nhau, không nhầm lẫn.---

Bạch thoại: tiàn tián fàng quáng míng, thiên thượng phản quang minh

Tham luận của độc giả

Riroriro:

Mỗi vùng trên nước Tàu đều có tiếng nói riêng, gọi là phương ngữ. Quan thoại là ngôn ngữ chính thức, nhưng thật sự cũng chỉ là lối đọc Hán Tự theo giọng Bắc Kinh. Do đó người Tàu ở các vùng khác biệt muốn hiểu nhau phải học và nói 普通話 , phổ thông thoại hay 國語 quốc ngữ.

Xưa kia văn viết gọi là văn ngôn, lối viết tối tăm khó hiểu chỉ dành cho giới có học. Khi nhà Thanh sụp đổ, Tàu hủy bỏ văn ngôn và viết chữ Tàu theo như người bình dân nói hằng ngày gọi là 白話 bạch thoại. Như vậy mỗi vùng lại có một bạch thoại riêng.

Quốc ngữ ở VN, theo tôi, giống như bạch thoại. Ngữ vựng VN gồm hai thành phần. Thành phần thứ nhất có thể viết ra Hán Tự; thành phần thứ hai có thể viết ra chữ nôm; chữ nôm tuy mượn hình thức của Hán Tự, không có trong từ điển Hán Tự. Ví dụ trong bài, từ điển Hán văn không có chữ “trời 𡗶”, thiên trên thượng dưới; và không có chữ “vua 𤤰” vương trên bố dưới.

Ở VN, văn ngôn là viết theo Hán Tự. Quốc ngữ là chữ viết theo mẫu tự La Tinh dựa vào sự phát âm. Danh xưng quốc ngữ không chính xác vì nó không những viết tiếng nói bình dân mà viết cả Hán tự ra chữ mới. Vây làm sao mà nói quốc ngữ thay chữ Hán?

Tác giả LMK đáp:

Nói rằng bạch thoại là ghi tiếng nói bình dân hằng ngày là không đúng; bạch thoại được phát triển nhờ quan thoại, mà quan thoại là ngôn ngữ chính thức tại thủ đô. Như vậy bạch thoại không phải là tiếng bình dân mà tiếng của giới ưu việt tại Bắc Kinh. Hơn thế kỷ nay, bạch thoại được dạy cho thường dân; một số thuật ngữ lúc đầu của bạch thoại đã không còn dùng.

Mục đích bài luận không phải bàn việc dùng quốc ngữ thay Hán Tự, mà tìm cách thức cho dân chúng các vùng có thể hiểu nhau. VN không làm việc tương tự như Tàu là phát triển một ngôn ngữ dựa vào lối nói của thủ đô, cho đến 1975. Theo tác giả “thí sinh” quốc ngữ không phải là giải pháp lý tưởng vì nó dựa vào phát âm, mà mỗi vùng phát âm một cách.

Bài luận đưa ra nhiều ví dụ. Sau đây là trường hợp “ngọc chuột” 鼠璞

鄭人謂玉未理者為璞,周人謂鼠未腊者為璞。周人懷璞,謂鄭賈曰:「欲買璞乎?」鄭賈曰:「欲之。」出其璞視之,乃鼠也,因謝不取。

Thử phác: Trịnh nhân vị ngọc vị lý giả vi phác. Chu nhân vị thử vị tịch giả vi phác. Chu nhân hoài phác, vị Trịnh cổ viết: dục mãi phác hồ? Trịnh cổ viết: “dục chi”; xuất kỳ phác thị chi, nãi thử dã, nhân tạ bất thủ.

Dân xứ Trịnh gọi ngọc chưa mài là “phác”. Dân xứ Chu gọi con chuột chưa làm thịt khô là “phác”. Một người Chu đến nhà người xứ Trịnh gạ bán “phác”. Người xứ Trịnh đồng ý, thì người Chu đem con chuột ra bán. Người xứ Trịnh từ chối.

Luận sĩ của chúng ta đề nghị thiết lập một thứ quan thoại của VN để mọi người cùng học và cùng phát âm như nhau. Độc giả sẽ cho là việc không thể làm với lý do nhiều chữ Việt không có tương đồng với Tàu. Nhưng hai thế kỷ trước, ngôn ngữ vùng Á Châu không có chữ tương đồng với Âu Châu như “économie”, université và hằng ngàn chữ khác. Người Nhật đã dùng Hán Tự tạo ra những chữ mới, Économie = Keizai, jingji 經濟 kinh tế / université = daigaku, daxue 大学 đại học. Người VN cũng có thể sáng tạo như vậy.

Có thêm câu hỏi, đâu là chuyển ngữ (linga franca) trong thế kỷ 19. Một vị quan sinh trưởng ở Saigon, một vị quan sinh trưởng ở Hà Nội và các đồng nghiệp ở Huế và 4 xứ Quảng gặp nhau; họ sẽ nói ngôn ngữ nào để hiểu nhau? Nhất định các viên chức này sẽ dùng một thứ tạm gọi là quan thoại (mandarin). Ai cũng biết những nhân vật nầy đều thâm hiểu Hán tự cổ điển. Lúc ấy Hán Tự đã là một “tử ngữ” nhưng các trí giả có thể nói thông suốt. Nhiều vở kịch của Tàu dùng cổ ngữ, với những tiếng xa xưa. Cha tôi trong thập niên 1930 học trường dòng Jesuite đối thoại bằng “tử ngữ La Tinh”.

Các quan chức tiếp xúc với dân chúng bằng ngôn ngữ bình dân; nhưng giữa họ với nhau, họ dùng nhiều chữ Hán và những câu văn cổ điển. Có sử gia cho rằng giới trí thức triều Nguyễn dùng thêm nhiều chữ Hán vì đã đọc Hồng Lâu Mộng và Thủy Hử v.v…Nhờ vốn Hán Tự giàu có, việc thiết lập một quan thoại VN càng dễ dàng và không lệ thuộc Tàu như Nhật đã làm.

Quan thoại của Tàu đi từ giới trí thức ưu việt thiểu số, bỏ những lối nói kiểu cách, những chữ lỗi thời, đến gần với đời sống thực của đa số. Luận sĩ của chúng ta muốn dùng mô thức nầy cho VN.-

Ghi chú:

*Phiên âm Hán Tự theo Từ Điển Hán Việt Thiều Chửu, chúng tôi không biết chữ Hán nên dịch lại lời dịch của tác giả.

*Năm 1945, quân Nhật và quân Tàu đến VN, cha tôi "bút đàm" với họ, tức là viết chữ Hán mà không nói được. Điều nầy khác với trường hợp thân sinh tác giả nói cổ ngữ La Tinh.

Xuất xứ: For a mandarin language

=====================================================================================

Café Lạc Sơn, Huế
=================================


Thursday, October 14, 2021

Sông Hương

 








Sông Hương

Tôn Tht Tu

Quanh thế giới, nhiều dòng sông trở thành hiện thân của vùng đất cho sông nương náu. Thames của London; Seine của Paris, Danube của Vienna, Moldau của Prague, đó chỉ nói một số vô cùng nhỏ, phần ngàn phần vạn. Và không quên Beethoven tìm gặp nơi dòng sông Rhine (Rhin) chảy qua Đức một người cha và ông gọi là “sông cha”. Trong trường hợp của tôi, Sông Hương đã làm máu thịt của Kinh Đô xưa của VN. Sông ấy, gọi là Cô Hương, cô đã nuôi dưỡng tâm linh bao thế hệ người Huế, và cô luôn nói lên tiếng yêu thương. 

Năm 1802, sau khi đã bình định toàn cõi để trở thành vị vua đầu tiên của Nhà Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh đã dừng chân và tạo dựng sự nghiệp ở Huế; vua xúc tiến xây dựng đế đô nầy. Vì sao vua chọn một thẹp đất nhỏ như bị Trường Sơn đẩy ra biển? Sử gia có lý thuyết nầy nọ có thể nghe được, tin được. Nhưng đối với dân Huế, muốn kéo vị hoàng đế danh tiếng nầy vào phe mình, lý do chính yếu, lý do quyết định nằm trong niềm yêu mến Cô Hương trong lòng nhà vua.

So sánh với Cửu Long ở trong Nam, nơi Nguyễn Ánh đã xuất thân thành một sứ quân trội yếu, Sông Hương chỉ là một sợi tơ nhện, không có ưu điểm chiến lược và thương mại. Giá trị của Cô nằm trong sự an bình và tính chất lãng mạn nên thơ. Hai yếu tố nầy không chỉ vì những khía cạnh địa dư mà còn vì Cô đã chứng kiến một dòng lịch sử, một chuổi biến cố nhiều nhục hơn vinh.

Năm 1878, cháu nội của nhà sáng lập vương triều bị lép vế, quân số không bằng quân số của đoàn viễn chính Pháp bắn phá kinh đô. Sự thể nầy đánh dấu sự thuộc địa hóa toàn diện nước VN. Trong khi kháng chiến âm ỉ từng nơi một, Sông Hương đã đón tiếp một vị vua trẻ và năng động, có sẵn thuyền chờ vượt thoát ở Bến Văn Lâu.

Năm 1911, vua Duy Tân cải trang thành thường dân, ra khỏi cấm thành xuống thuyền chủ đinh qua sông lên núi dựng cờ phục quốc. Nhưng mộng không thành, bị phản bội ngay phút đầu; vua bị bắt và đày ra đảo Réunion, Madagascar. Các thuộc cấp cộng sự đã bị chém đầu.

Rồi đến sự hủy thân của nền quân chủ èo ọp. Năm 1945, vị vua cuối cùng thoái vị nhường quyền cho chính phủ mới. Cách Sông Hương trong vòng kêu tiếng gọi, vua Bảo Đại đã trao những báu vật tượng trưng vương quyền: ấn kiếm.

Vết thương sâu nhất đã xé thân xác Cô Hương vào năm 1968. Vào dịp Tết Mậu Thân, lực lượng quân sự CS đã lấy trọn Cố Đô. Quân Miền Nam đã lấy lại sau các trận đánh cay nghiệt. Kẻ tiếm quyền đã rút lui sau khi tàn sát hằng loạt: giết vội vã hay chôn sống những người bị cầm giữ trong một tháng chiếm đóng.

Khi ngàn năm mới chưa đặt chân xong còn trong vòng sơ niên, năm 2003, Cô Hương đã ghi vào sử ký con số thương vọng rất lớn của những vong hồn trôi sông. Nhưng Cô Hương vô tội, không phải là hung thủ. Dãy Trường Sơn như bia đá dựng đứng đã giữ hết khí ẩm từ Thái Bình Dương thổi vào, trút những trận mưa như thác đổ, vào Cô Hương và các cô em khắp Miền Trung như Đà Rằng, Trà Khúc v.v…Cả xứ Huế ngập trong vịnh nước vàng.

Dân Huế đã quá sức khốn khổ trong lần tai ách thiên nhiên nầy. Tuy vậy, hình như người Huế thích những kỳ lụt nhẹ, nước chưa nhảy lên bờ, họ thấy gần với Cô Hương hơn vì lòng sông trương lớn đến gần tay, vào những tháng tám tháng chín.

Một khi khối nước bùn vàng bị đẩy hết ra biển, Sông Hương lấy lại tấm kính cố hữu trong suốt, phản chiếu thành quách chấm điểm bằng những cửa như Nhà Đồ, Thượng Tứ, Kỳ Đài …Lòng sông cát trắng, rong, cá hiện rõ như trong hồ kính nhân tạo mà thiên nhiên ban cho. Hơn thế kỷ trước, một du khách phương Tây đã viết thư nhà nói ông đi thuyền trong sông như đi trong hồ.

Những thuyền gỗ di chuyển chầm chậm trên thủy mạch nầy như những dấu nhạc trên bản nhạc ca ngợi hoàng hôn xuống chậm. Cho đến những năm 1970 chưa có đò máy, ghe máy; nhờ đó sự tĩnh lặng của Sông Hương không suy giảm.

Cercle Sportif, Huế

Tuy vậy thỉnh thoảng những tiếng rống của ca nô trượt nước khuấy động giấc mơ triền miên của trời đất. Môn thể thao ấy, chỉ dành cho giới giàu và ưu ái đặc quyền đặc lợi, cho thấy khuôn mặt khác của thành phố mà sông Hương cũng phản chiếu như phản chiếu hoàng thành. Ngay khi bắt đầu thống trị, người Pháp đã đô thị hóa Hữu Ngạn, vùng nông nghiệp chưa phát triển. Cơ sở hành chánh, bệnh viện, ngân khố, trường ….nuốt các cánh đồng như hổ đói nhai nhanh mồi sống vô tội bất lực. Người Pháp xây dựng một câu lạc bộ thể thao bên bờ nước cũng như các nhà thờ cho chính họ và dân địa phương mới theo tôn giáo họ du nhập. Quan cai trị thuộc địa cư ngụ trong những biệt thự theo kiến trúc Tây Phương, trong những vườn rộng xanh cây bán nhiệt đới.

Toàn khối uy quyền quốc gia đã chuyển từ Tả Ngạn có vua chiếu lệ qua Hữu Ngạn có quan khâm sứ. Vào thời suy tàn sụp đổ chính trị nầy, một thi sĩ đã ví sông Hương như dòng nước mắt khóc cho chủ quyền quốc gia đã chết.

Phần tôi, tôi chia sẻ niềm đau nầy. Nhưng tôi lớn lên vào thời sự cay rát xót xa nầy có đôi chút thuyên giảm nhờ hiệu ứng lãng quên của thời gian. Chính vì vậy mà Huế trở nên hướng nội, giữ im lặng càng nhiều càng hay.

Tôi thường lang thang hai bên dòng sông, vào lúc trời ảm đạm, phất phơ như ngọn lá vàng mùa thu rơi. Một lần tôi tự hỏi nếu phải rời thành phố và con sông nầy thì răng, chuyện gì xẩy ra. Tôi tự trả lời e tôi sẽ chết thôi. Nhưng nực cười, sau trung học tôi vô Nam vào trường cao đẳng chuyên nghiệp, ra trường, có việc làm trong chánh quyền, lấy vợ Nam, tôi không bao giờ trở về thăm dòng sông. Thế mà tôi có chết mô. Rất may đó không phải là một lời thề.

Có ai hỏi tôi đâu là nét độc đáo nhất của Sông Hương, tôi sẽ chọn những con thiên nga băng qua sông trong những ngày có lớp học. Cớ sự như vầy.

Hữu Ngạn có hai trường học danh tiếng, một cho thằng cu và một cho con cấy. Đồng phục của nữ sinh là áo dài quần trắng; nón lá cũng màu trắng, tuy không bắt buộc, cô nào cũng đội nón.

Trường ốc nằm chính giữa hai cây cầu cũ. Đi bộ qua cầu thì xa quá, các nường áo trắng, nón lá trắng cư ngụ bên Tả Ngạn bèn chọn lối ngắn nhất. Những chiếc đò ngang không mui đã ra công khuyển mã phục vụ các nường. Các nường ngồi hai mạn thuyền và đứng ở giữa. Mỗi nàng là một chiếc lông vũ trắng của con thiên nga to lớn qua về trên sông xanh; đó là những con “nga đôi”, hai con thiên nga trên và dưới mặt nước.

Đây là hình ảnh tinh khiết nhất trong lành nhất từ khi thời gian có hình dạng thời gian.

Tôi mới trở về cố đô sau 50 năm để phát giác rằng các con thiên nga nầy đã bị xẻ thịt. Người ta đã xây một cây cầu mới ngay nơi các nữ sinh xuống thuyền. Đồng phục trắng không còn ghi trong kỷ yếu của trường. Đi bộ qua cầu mới nầy cũng không thực tế. Xe gắn máy đã thay đò ngang và đôi guốc sơn.

Tôi bước lên cầu mới. Nhìn những ngọn núi trong nước sông, tôi lạnh người. Một mặc khải xưa cũ và huyền bí trổi dậy trong đầu. Xưa lắm lâu lắm, một lần tôi đứng trên cầu cũ lúc chập tối, tôi nhìn những ngọn núi màu chàm, bỗng miệng thốt ra mà không hay: ông thầy đích thực của đời ta là ngọn núi, rơi xuống sông nhộm thẩm dòng sông khi được bao che ôm ấp bởi dòng sông. Hơn nửa thế kỷ rồi, tôi vẫn tiếp tục giải mã bí ẩn nầy. Hy vọng tôi thấm được không bằng lý luận phân tích nhưng bằng trực giác và hy vọng dòng sông vẫn giữ huyền nhiệm nầy mãi mãi.

Bây giờ gã lãng tử trong tôi đã trở về như một du khách, một ngoại nhân nhưng vẫn không tránh khỏi âm hưởng của những quyến luyến linh thiêng dành cho một cái gì không thực nhưng rất thực. Đứa con lạc loài trở về khơi lại những nỗi nhớ một thời đã mất.

Cầu mong chuyến viếng thăm cuối cùng nầy của hắn, ngắn hơn một nháy mắt, sẽ thăng hóa thành vĩnh cửu. Cầu mong Sông Hương sẽ tẩm hương thơm những ngày còn lại đời hắn và cho hắn sự an bình nội tâm và ngoại cảnh.

Nhưng than ôi, trí khôn của nhân loại đã dạy rằng: bệnh hoài niệm không bao giờ lành, vết thương vẫn rỉ máu, bất trị đời đời. 

(dịch từ bản tiếng Anh cùng tác giả)



The Perfume River

Tôn Tht Tuệ   2012

Around the world, many rivers become the embodiments of their hosts: Thames of London, Seine of Paris, Danube of Vienna, Moldau of Prague, to mention a few…and Beethoven never forgot his 'father' Rhine. In my case, the Perfume River incarnates the City of Huế, ancient royal capital of Vietnam. She is, herself, nourishing the mind of generations after generations; she is spelling the term of endearment.

In 1802, after pacifying the whole country to become the first king of the Nguyễn House, Nguyễn Phúc Ánh settled down in Huế and sped up the construction of the royal citadel. Why did he choose a narrow strip of land pushed to the sea by the Annamite Chain, the like of La Sierra, USA? Historians provided with many convincing theories. But for the Hueist who wish to claim the famous emperor to their camp, the prime reason dwelt in his love of the Perfume River.

To compare with the Mekong in the South where Nguyễn Phúc Ánh emerged as a prevailing warlord, the Perfume represents just a piece of gossamer, having no commercial or strategic interests. Her values are imbedded in her peacefulness and her romanticism. They are attributed not only to her geographical disposition, but also in her witnessing a flow of historical events with more vicissitudes than splendors.

In 1876, the great grandson of the dynasty founder was outnumbered by the French expeditionary legion that fusilladed the capital. This marked the total colonization of Vietnam. While the resistance was smoldering, spot by spot in the whole country, the Perfume received a young and dynamic king in a getaway sampan on her water. 1911, Duy Tân, disguised as a commoner, left the Forbidden Palace, to cross the river toward the mountains to raise the banner of the national recuperation. His dream was annihilated by betrayal. He was arrested, and banished to the Reunion Island, Madagascar Africa; many of his followers were beheaded. Then came the immolation of the ailing monarchy. In 1945, the last king abdicated in favor of the new authority. In a stone throw from the Perfume, Bảo Đại surrendered the tokens of the royalty: the seal and the sword.

The worst scare to the water body was carved in 1968. On the Monkey Lunar New Year, the Communist forces invaded the whole city. The South government took it back in fierce battles. The usurpers ran away after committing a mass murder. They killed in a hurry or buried alive those they detained during their one-month long occupation.

Of the new millennium just ushered, the maiden year of 2003 chronicled a large toll in the river but the Perfume was not guilty, not the villain. The Annamite Chain, as a vertical cliff, retained all the moisture from the Pacific Ocean then unleashed torrential rains into her and her sisters in the Center of VN. The whole City of Huế was engulfed in a yellowish lagoon.

If Hue dwellers suffered quite a bit from this catastrophic flood, it seemed that they enjoyed around August and September mild chronic inundations that made the river closer to them by her swollen bosom. Once the murky water siphoned off into the sea, the Perfume repossessed her perennial limpid mirror reflecting the old royal wall punctuated with watchtowers. The sandy bed and marine plants are noticeable like in a giant aquarium endowed by the nature. A Western tourist, a century ago, wrote home that he roamed a boat in the Perfume smoothly as in a small lake. Wooden sampans moved slowly on the silver fluvial artery as if unfolding music scores celebrating the sauntering crepuscule. Up to the 1970 there were almost no motorized canoes, which helped boost the stillness.

But at times, roaring nautical ski boats infringed the holy pastoral reverie. That kind of sport, province of the rich and privileged, revealed the other aspect of the city which she reflected too as she reflected the royal complex. Right at the beginning of the domination, the French started to urbanize the undeveloped Right Bank. Administrative service, hospital, treasury, school … swallowed rice paddies, as hungry lions dealt with innocent gazelles. They built a river front sport club as well as churches for themselves and for indigenous adherents to the new religion. Sumptuous villas in European architecture, house to Gallic rulers, appeared in sub-tropical gardens.

The entire national power was shifted from the Left Bank with a toy king to the Right Bank of His Excellence the Omnipotent Envoy. At the wake of the political downfall, a poet referred to the Perfume as a stream of tears mourning the defunct national sovereignty.

I share this collective infliction, but I grew up when its acuteness has been somewhat alleviated by the latent healing effects of the time. Hue became introvert, kept silent the most possible.

I used to wander along the river, mainly when the sky was somber, adrift like an autumnal dead leaf. One time I wondered what if I had to leave the town and this river, and I said to myself I should die. Ironically, after high school, I went down to the South for higher studies, was assigned to government jobs, then got married, I never came back to see the river, and I never die. (Actually I did come back but in many one day long official missions which kept me in meetings and formal dinners).

If someone asks me which is the most speaking feature of the Perfume, I would pick the swans crossing the river in school days; swans in quotation marks. I would elaborate as follows:

On the Right Bank, there were two famous and adjacent schools, one for boys and one for girls. (Forget, please, the one for boys, I’m boy). The girls’ uniform was white; conical leaf hats, white too, are not mandatory but all of them donned these. The campuses were situated right in between two bridges. It was too far for a walk, that’s why young ladies in white residing in the Left Bank decided to make a short cut. Roofless sampans helped them. Each student played part of a feather of the colossal swans skating smoothly on the undisturbed water.

This must have been the most immaculate image since the time when time was created.

I’ve just returned to the ancient royal city, after five decades, to discover that the beloved swans had been butchered. A bridge was built right at the place where female students boarded the sampans. The white uniform was crossed out from the school handbook. Walking then crossing the river was not practical. Motorcycles replaced sampans instead.

I walk onto the new bridge. Watching the mountain in the river, I got a chill. An old mystical revelation surged back to my mind. A long time ago, shortly before the twilight, I was on the old bridge. I watched the indigo mountains, and uttered these words: “the real master of my life is the chain of mountain that plunges into the river, tainting dark the river to be embraced by the river”*. I’ve kept trying to decipher the enigma. I hope that I could fathom it, not analytically but intuitively and that the Perfume River retains this mysticism.

Now the drifter me, back as a tourist, as an outsider, still was not immune from the sacred attachment to something unreal but real. The prodigal son came back to enliven the remembrances of the time lost. May his last visit, shorter than a blink of the eye, be transcended into eternity; may the Perfume embalm the rest of his life, shower him with tranquility. But, helas, wisdom has it that the devouring nostalgia stays incurable, incurable forever.===


==============================================