add this

Monday, October 4, 2021

cái ô, cái lon, cái lit....

 

                                  một đồng Đông Dương một lon gạo

Cái ô, cái lít, cái lon …

Tôn Tht Tu

Đáp lại một hồi ngắn trên Facebook về chuyến đi chợ để mẹ giới thiệu chỗ mua quen, độc giả chỉ chú ý cái lon đong gạo. Bởi vì tác giả đặt chuyện mua gạo làm đề chính và đưa hình cái lon to, gạo vun như núi, giữa một thau nhôm đầy gạo; ai cũng nghĩ tác giả cho đó là cái lon đong gạo ngày xưa, thời gian kể chuyện.

Tôi đã quen sợ chính quyền, cho nên thấy thiên hạ bàn về cái lon thì cho đó là nguy hiễm vì chính quyền đã cấm dùng chữ lon, vì chữ lon tất yếu như tất yếu lịch sử biện chứng, sẽ đưa đến một danh từ mà chính quyền cho là vô văn hóa. Muốn đến chỗ vô văn hóa sau khi viết ba mẫu tự lờ o nờ, phải thêm hai dấu, mà bây giờ là chọt thêm hai cú. Tuy vậy, chọt một cú thì chưa đến nỗi nào. Chọt trúng cái nón thì đến xứ Côn Lôn của Kim Dung coi đấu chưởng. Chọt trúng dấu huyền thì là Cầu Lòn. Nhưng nhớ nhé đi qua Cầu Lòn phải bỏ nón, (khuynh cái mà không cần hạ mã, ngồi xe mà chạy). Khi lòn mà đội nón là chọt hai cú đấy nhé, xong om cái thứ vô văn hóa đầu đường xó chợ.

Xin phép nói tiếp và cam đoan chỉ lờ o nờ, không chọt thêm dấu.

Cái lon kim loại hẳn không phải là sản phẩm của xứ nông nghiệp VN, nước mình không nuôi bò sữa; nó được du nhập bởi người Pháp. Chậm nhất vào thời Trần Tế Xương (1870-1907). Thiết nghĩ “sữa bò” của Tú Xương là sữa đặc trong lon, sữa Ông Thọ và Mont Blanc.

Nào có nghĩa gì cái chữ nho,

Ông nghè ông cống cũng nằm co.

Chi bằng đi học làm thầy phán,

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.

Không biết lúc nào lon thành một đơn vị đo lường. Tuy nhiên chúng tôi thấy giữa thập niên 1940. Một đồng Đông Dương một lon gạo; đồng Đông Dương quí vô vạn, so với những thứ tiền khác như “bạc Cụ Hồ” đi chợ phải gánh bạc. Thiết nghĩ trước đó người ta dùng cái ô; nhưng cái ô to lắm, không đủ tiền mua nên thêm cái lon.

Ô là cái đọi tiện từ khúc gỗ, không ai biết đường kính, độ sâu bao nhiêu phân, lòng tô đứng hay trẹt. Thể tích là quyết định của người dùng. Giá hạ thì lòng tô trẹt v.v…Cái ô mép gỗ mỏng nên vành ô mòn xuống thấp.

Thời tôi hồi hương kinh tế mới thì không dùng lon hay ô mà “lít”. Lít như là chai lít (litre) 100 phân khối đong rượu, nước mắm, dầu… Lít là cái lon bằng kim loại hình viên trụ nói là có thể tích 100 phân khối. Vì lít do mình làm không như cái lon sữa bò Mont Blanc, nghĩa là to nhỏ tùy mình, không cần phải tộn lên hay tộn xuống mất công. Tộn lên ít gạo; tộn xuống nhiều gạo. Thiệt sự, tộn chỉ là tộn xuống như câu ca dao nầy:

Ba lon tộn là bốn lon bằng / Gạo hẻo rằng thêm ba hột / Sợ ốt dột thêm nửa lon / Chạy lon ton đổ hết cả!

Chính quyền đến thu mua có cái lít của chính quyền. Hằng tháng, có thằng con nít chừng 10 tuổi đến từng nhà bảo phải nạp một lít gạo khi thì để cứu đói chỗ nầy chỗ kia, khi thì vì nghĩa vụ quốc tế. Nhà không có gạo, chỉ có khoai mì còn dưới đất. Cho nên phải qua chùa Viên Chiếu mượn tiền ra chợ Quán Chim mua lít gạo ngay. Đem lên xã nạp, phải mang theo một chén gạo. Xã đưa ra cái lít của xã thì lít gạo ngoài chợ đổ vô không đầy, phải móc túi lấy gạo đắp cho đủ.

Nay để vấn đề cho các triết gia, các nhà thiền học (không nói thiền sư, mất lòng) dùng bản thể luận từ Platon đến Descartes và Jean Paul Sartre để xác định cái lít của xã đúng, hay cái lít ngoài chợ đúng.

Chúng tôi xin nạp tiền theo giá thu mua, xã không chịu, phải theo giá chợ để xã đi mua gạo cứu đói cấp thời, ai lại để cho người ta chết, “cứu nhân như cứu hỏa”. Ôi cái đạo đức cách mạng sao mà hay đến thế.

Cái ô đong gạo để lại trong đầu tôi một chị Cúc, mơ hồ như Liêu Trai, có thực trong tâm tư. Đối diện chùa Thiên Minh dốc Nam Giao là nhà tranh của bác Xuyên. Bác trai ngày nào mới nghe thì như gây gổ với bác gái: Tau noái khoai náng (nướng) ngon hơn khoai nấu. Chỉ một câu thôi, giờ nầy qua giờ nọ. Mấy chục năm sau tôi mới biết người say rượu chỉ nói một điều mấy trăm lần, những điều không có chi, như “đôi giày tui há mỏ”. Thật vậy, bác Xuyên thích uống rượu. Chị Cúc chính là “con gái rượu” bán gạo ở Chợ Bến Ngự và thường mua rượu cho bố ca vịnh khoai náng khoai nấu, lên hàng nghệ thuật như thi ca, hội họa.

Tôi biết chị Cúc khi sáu hay bảy tuổi sau chiến tranh 1945 tá túc tại chùa nầy. Nếu còn sống, bây giờ 2021 chị Cúc ngoài trăm tuổi. Từ trên nền chùa cao ngó xuống đường, chị Cúc gánh gạo đi bán. Tôi thường đi xuống chợ mua cái nầy cái kia, như bó chè, bó rau v.v…đều thấy chị Cúc ngồi bán nơi đình gạo, chỉ có hai thúng gạo như hai ngọn núi nhọn. Một thúng có cái ô, thúng kia có ống tre, khi không có người mua. Cái ô bóng vàng đậm màu gỗ mít. Cái ống gạt bằng tre bóng như vẹt ni. Thỉnh thoảng chị Cúc đem qua chùa cho ít gạo, có lẽ nhiều hơn một lon và ít hơn một ô. Chị cười duyên, đến chùa không dềnh dang như vợ các quan lớn Nam triều, bà phủ, bà tuần. Khi chùa có việc cúng kỵ, trai tuần v.v… chị Cúc thường gánh nước giếng bên Báo Quốc hay nước sông ở cầu Nam Giao, gánh lên dốc.

Ở chung với hai bác Xuyên có vợ chồng chị Cúc. Anh Tháo có nghề giặt áo quần. Có khi anh Tháo gánh nước về, hay ôm áo quần xuống sông giặt rồi đem lên phơi.

Đến lớp nhì thì tôi không còn ở đấy nữa, và không bao giờ thấy chị Cúc.

Chị Cúc vừa một ảo ảnh vừa là chân như. Không gì quý bằng hình bóng nhân thể và đời người.-

======================================================

bán gạo ở Chợ Mỹ Tho, Định Tường trước 1975

===========================


No comments:

Post a Comment