add this

Saturday, March 12, 2022

Lập luận của Putin

một nhà thờ Orthodox ở Kyiv






Logique của Putin * Orthodox Church

Tôn Tht Tu

(lịch sử hai giáo hội TCG và tìm hiểu Putin)

Tây phương’ trong tiếng mình không mang tính chất địa dư mà thuần dịch chữ Occidental / Western; chữ nầy có thể từ danh từ đế quốc miền tây của La Mã, tuy danh hiệu chính thức của đế quốc nầy là Empire Romain / Roman Empire dù đã chia làm hai mà sử ký gọi là Eastern Roman Empire và Western Roman Empire. Tuy không hẳn là nguyên nhân và kết quả, sự phân đôi nầy là một cơ duyên để hình thành hai giáo hội TCG như sừng với đuôi. Hai phần đế quốc không đánh nhau mà đi theo đường lối riêng.

Hôm nay chúng tôi nghĩ tới chuyện nầy vì một khía cạnh bên dưới của chiến tranh Ukraine là ảnh hưởng của Eastern Orthodox Church.

Đế Quốc La Mã đã thành quá rộng: từ Ý xuống đến Lưỡng Hà Địa (Irak) lên đến quần đảo Anh, trùm khắp Âu Châu qua đến Tiểu Á (Asie Mineure) gần Ba Tư. Như vậy khó mà cai trị. Do đó, cuối thế kỷ thứ 3 (sau JC) hoàng đế Diocletian mời một võ quan thân thiết lên cùng làm vua; không xập xị xập ngầu như nhị vị chủ tịch Thiệu Kỳ mà chia đôi đế quốc gồm hai miền Đông Tây. Miền Đông đóng đô ở Byzantine, bây giờ là Istanbul, ngó qua Ukraine và Crimea xuyên Hắc Hải; Miền Tây đóng đô ở Milan (hành chánh) và Rome (nghi lễ). Miền Đông đã bắt đầu tách khỏi văn minh La Tinh để theo đường Hy Lạp.

Hơn một thế kỷ sau, Constantine, một vương bá, đánh chiếm hết và thống nhất đế quốc, đóng đô ở Byzantine, đổi theo tên mình là Constantinople. Cháu nội là Theodosius chia hai đế quốc cho hai đứa con. Constantine khai mở sự phát triển TCG, trả lại tài sản, hủy bỏ việc cấm đạo nhưng Theodosius mới chính thức công nhận TCG là quốc giáo, cấm các tín ngưỡng khác, ông cho phá bỏ mọi dấu tích sùng bái, kể cả văn hóa Hy Lạp, cấm Olympic. Nhiều sử gia cho rằng chính sách tôn giao nầy là một trong những yếu tố chính đưa đến sự hủy diệt đế quốc La Mã.

Thánh ảnh (icon) Orthodox có nét vẽ riêng
Sau khi Jesus chết, nhiều giáo phái hình thành nhưng thành công chỉ có giáo đoàn Orthodox (chính thống giáo) và Christianisme do Saint Paul sau thành Catholic Church – Eglise Catholique. Ngành Orthodox truyền đạo theo hướng Hy Lạp đến vùng Đông Âu bây giờ, ngành của Saint Paul hướng về phía Ý. Hai hướng nầy đã khác nhau ngay từ đầu. Orthodox dùng tiếng Hy Lạp, thánh kinh Hy Lạp, thánh lễ Hy Lạp; ngành của Saint Paul (sau gọi là Vatican cho dễ hiểu) theo văn minh La Tinh. Nếu Vatican trụ vào Ý tại Vatican City thì ngành Orthodox trụ tại Byzantine, hai nơi đều là thủ đô.

Theo hiến pháp bất thành văn, vua La Mã là giáo lãnh tối cao của mọi tín ngưởng (pontifex maximus). Do đó, năm 325, Constantine ra lệnh mở hội nghị giáo sự thống nhất thần học, bỏ quan điểm nầy, lấy quan điểm kia. Đã bỏ những quan điểm tương cận với Đông Phương. Nghiêm Xuân Hồng trong lời tựa Trang Tôn Nghiêm Huyền Học nói rằng TCG nguyên thủy có những vấn đề như tiền kiếp, nghiệp lực. Được biết nhiều nhất là thần học của Arius bị kết án. Arius chủ trương Thượng Đế là duy nhất, Jesus không được xếp cùng bản thể tuy gọi là Chúa Con.

Thần học của Arius được truyền bá sâu rộng trong vùng ảnh hưởng của Orthodox. Nay Vatican muốn diệt trừ đã gây xung đột ngấm ngầm. Hai khối lượng cùng tôn thờ Jesus có rất nhiều khác biệt từ những vấn đề thần học cho đến thực tế như cách làm bánh thánh; bột mì có thêm bột nổi lên men hay không; chuyện bột mì còn gay cấn hơn là bản chất của ba ngôi. (Sực nhớ các nhóm Tin Lành đã gây chiến tranh vì chuyện mục sư nên mặc áo quần giản dị hay màu mè, áo mão thùng thềnh; gọi chiến tranh áo quần, vestment war).

Vatican dùng nhiều tương, ít dùng thánh ảnh 
Constantine là một nhà chính trị, ông không muốn đế quốc bị xáo trộn bởi bất cứ lý nào, ông không cần biết nội dung thần học miễn là cho yên, chính ông không phải là con chiên cho đến lúc gần chết. Nhưng khi ông dời đô qua phía đông thì giáo hoàng ở Vatican từ từ củng cố địa vị “pontifex”.

Miền Đông tương đối ổn định và thịnh vượng nhưng Miền Tây ngày một thoái hóa, cuối cùng năm 476 vua Đức đã hạ bệ hoàng đế La Mã. Vatican không còn nằm dưới sư điều khiển của giáo lãnh tối cao. Miền Tây thành nơi dụng võ của những sắc tộc gọi là man di (như người Tàu gọi các dân thiều số); mạnh nhất là tập thể Frank đã tạo ra anh hùng Charlemagne. Năm 800, Giáo hoàng Leo III tuyên bố Charlemagne là hoàng đế của Đế Quốc La Mã; tuy cùng tên cũ đế quốc nầy hiểu là một đế quốc trực hệ từ Jesus và Charlemagne nhận trọng trách bảo vệ TCG, đứng đầu một đế quốc TCG.

Đây là khởi điểm quyền hạn của giáo hoàng như chứng giám việc lên ngôi của các vị vua Âu Châu. Về mặt tôn giáo Vatican tiếp tục bất hòa với giáo hội Orthodocx, đã đóng cửa các giáo xứ dùng tiếng Hy Lạp trong thánh lễ. Tuy vậy, các nhóm Orthodox ở nhiều nơi khác nhau vẫn liên lạc với Vatican cho đến cuộc đoạn tuyệt 1054; cuộc tách biệt nầy không những chỉ ở trong phạm vi tôn giáo, mà là một sự đoạn tuyệt về chính trị, văn hóa và xã hội.

Năm 1054, giáo hoàng cử phái bộ đến Constantinople, giải nhiệm chức tăng thống Orthodox Church của Ceralurius, đòi giáo hội Orthodox công nhận giáo hoàng của Catholic Church là người có thẩm quyền duy nhất của đạo TC, công nhận Vatican City là kinh đô của Thượng Đế. Phái đoàn dùng những lý do thời cuộc yêu cầu hoàng đế La Mã ủng hộ các biện pháp nầy, nhất là triệt hạ nhóm phản đối việc dùng bột mì không lên men làm bánh thánh. Lẽ nào vua La Mã lại chống lại gà nhà, dĩ nhiên tăng thống Cerularius không chấp thuận mọi đề nghị. Hồng y Humbert liền dứt phép thông công Cerularius. Cerularius cũng làm giống vậy, dứt phép thông công hồng y Humbert.

Cái nhân gieo năm này 1054 cần 399 năm mới có kết quả là sự chấm dứt đế quốc miền Đông và giáo hội chính thống. 400 trăm năm không dùng lý thuyết mà dùng đao thương vũ khí. 50 năm sau ngày nầy, bắt đầu cuộc thánh chiến thứ nhất do Vatican chủ xướng đi lấy lại Jerusalem trong tay người Muslim. Đoàn quân Thánh đã thực tập trên đường đi bằng cách xơi tái người Do Thái và giáo dân Orthodox.

thánh chiến
Miền Đông nhờ an bình đã phát triển, thủ đô Constantinople là thị trấn lớn nhất Âu Châu thế kỷ 12, sự phát triển nầy cũng có nghĩa là sự lớn mạnh của Orthodox Church. Chí nguyện quân thánh chiến thứ 4, đầu thế kỷ 13 (1204) không tới Jerusalem mà trực chỉ Constantinople, đốt phá, tạo nên hổn loạn, phân chia lãnh thổ cho từng nhóm tranh hùng. 50 năm sau, Miền Đông mới phục hồi, thống nhất lại nhưng không thể bằng như xưa; đế quốc như mở cửa chờ đón xâm thực của người Muslim, đất mất dần cho đến ngày cuối cùng Constantinople bị bao vây và đầu hàng. Từ đó đế quốc Ottoman trở nên một thực thể chính trị-tôn giáo. Giáo dân Orthodox không bị người cai trị mới thanh trừng nhưng đa số đã di dân. Hơn một nửa tính đồ trên thế giới sống trong vùng xưa kia thuộc khối Liên Xô, nhưng nhiều nhất ngay tại Nga.

So với Vatican, giáo hội Orthodox có một lịch sử ít sôi động hơn. Không có vụ thanh trừng dị giáo (inquisition) không có những tòa án xử khoa học gia, không có hiện tượng tin lành và những thánh chiến liên hệ. Tăng thống không nhiều quyền như giáo hoàng, có lẽ giáo hội luôn có mặt của hoàng đế như một pontifex maximus. Giáo hội không phát triển theo nhịp thuộc địa hóa ở Phi Châu, Á Châu và Nam Mỹ.

Ngoài khung cảnh chính trị, thiết nghĩ sự khác biệt ở vì ngôn ngữ. Hy Lạp và La Tinh tuy xem như hai chị em cùng Phạn ngữ, không hẳn đã giống nhau. Những quan niệm thần học không được Vatican chấp nhận từ thời Constantine phải tìm và có đất sống ở trong vùng hoạt động của Orthodox. Trong vùng nầy, Suzuki, Nhật, đã bắt gặp các nhà huyền học và ông đã đem so sánh với Đông Phương. Alexandre Đại Đế đã đến Thung Lũng Ấn, đem về rất nhiều triết lý xuất phát từ chân Hy Mã Lạp Sơn. Jesus xuất hiện vào thời khủng hoảng tư tưởng, người ta đã nghĩ đến Phật Giáo tại Hy Lạp để giải quyết. Nhưng Jesus đã dung hòa những tư tưởng Đông Phương với nền móng Do Thái (Jewish background). Vatican muốn dấu tính chất Do Thái nầy, ngày nay rất nhiều bài viết và sách dưới nhan đề tính chất Do Thái của JC. (Jesus’ Jewishness). Tôi có thể chủ quan, tôi là người PG không đi chùa, mà nói rằng ảnh hưởng Đông Phương ở Hy Lạp chuyền qua Orthodox dưới những hình thức khác nhau đã làm cho giáo hội nầy bớt tính chất đấu tranh. Hình ảnh Phật có chạm trên tiền Hy Lạp có ghi chú là Bodo.

Sau khi Muslim chiếm Constantinople bộ chỉ huy Orthodox đã dời về Nga. Nhưng trước đó vì sự giao hảo giữa Nga và Byzantine, orthodox rất mạnh ở Nga. Nga hoàng xem mình như hoàng đế La Mã là một pontifex maximus điều khiển giáo hội. Tiếp tục lối chỉ đạo nầy, chế độ CS đưa giáo hội Orthodox vào hoạt động chính trị tuy bên ngoài cấm rửa tội như mẹ Gorbachev xin rửa tội lén cho con. CS biết rõ orthodox đã ăn sâu vào dân tộc Nga, họ muốn lợi dụng tình thế này theo ý muốn.

****

Hiên nay, chỉ những người tìm hiểu chiến tranh theo theo nhân chủng học mới đặt vấn đề orthodox trong cuộc chiến Ukraine đang xẩy ra.

Về mặt nổi tuy có vài sự chống đối, tăng thống Orthodox Nga ủng hộ việc Putin đưa quân vào; ông nói theo ý Chúa ba nước Nga, Belarus và Ukraine phải là một theo truyền thống lịch sử, là một, nghĩa là chung đường lối và cộng tác chứ không cần thành một quốc gia thống nhất. Câu nói này cho thấy quan điểm nationalist của Putin. Trước đây Putin sáp nhập Crimea bằng bạo lực và mánh khóe là điều không cần thiết vì Crimea đã ở trong tay, chỉ vì óc nông dân mà hành động như vậy. Nông dân nghèo Tevye, nếu giàu, sẽ làm giữa thành phố chuồng nuôi ngỗng gà vịt, như anh Putin muốn có đảo Crimea. Nhưng chiến tranh hiện nay không mang tính chất ấy.

TV. ABC Mỹ cho biết, hơn 3/4 người orthodox Ukraine có tổ chức riêng mà các giáo lãnh được thụ phong bởi tăng thống tại Moscou. Đây cũng là một atout của Putin. Sau khi đế quốc Ottoman bị giải tán, Thổ Nhỉ Kỳ dưới quyền của Kemal cho phép Orthodox sinh hoạt trở lai tại Istanbul nhưng họ không thể tạo ra một giáo hội như xưa, chỉ giữ tính chất nghi lễ trong đền đài xưa, trong lúc có ảnh hưởng và thực quyền là giáo lãnh tại Nga. Việc một người Ukraine vì tôn giáo hướng về Nga có thể hiểu. Những tôn giáo Abrahamic khác với tôn giáo Đông Phương, trọng những tổ chức vì xem tổ chức như nắm phần hồn vĩnh viễn. Triết gia Nguyễn Văn Trung rất chân thành nói vì là người Roman Catholic, ông cũng có nhiều cảm tình với Vatican bên cạnh nghĩa vụ của một người VN. Nhiều chính trị gia VN cho mình là công dân Vatican hơn của VN, khác với tinh thần trung dung của GS Trung.

Tiếp tục truyền thống tôn giáo chính trị là một, cựu TT Ukraine xem việc thành lập Giáo Hội Orthodox Ukraine là nền tản của một Ukraine mới, ông chứng tỏ là người đã có công tạo dựng và biến giáo hội nầy như Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội hay Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia thời ông Diệm. Là một mặt không tách rời thực thể chung.

Putin nói chiến cuộc nhằm bảo vệ toàn vẹn của ngành Orthodox, khác với lãnh tụ CS xưa ngăn chận tôn giáo nầy. Putin muốn tái tạo một nước Nga như xưa, một nước Nga đã tích cực Christianized Âu Châu, và là một thế lực ngầm một bàn tay của giáo hội Orthodox. Sau khi đế quốc miền Tây giải tán vì các đám “rợ” Âu Châu, thì các đám rợ nầy lại cùng giáo hoàng thành lập một “Holly Empire” theo gót chân Chúa và do giáo hoàng ủng hộ đứng bên trong.

Vây tại sao không bắt chước lịch sử lập một Holly Empire khác gồm các nước thấm nhuần giáo lý Orthodox, đã có liên hệ lịch sử và ngôn ngữ gốc là Hy Lạp. Thay vì giáo hoàng như Leo III đã phong vương cho Charlemagne, Putin sẽ là giáo lãnh Pontifex maximus.

Logique của Putin khá phức tạp. Nhưng logique nầy là logique của Hà Nội đánh qua Kampuchia 1979. Về mặt nổi không khác chi việc Bắc Việt xâm chiếm VNCH.

VN dù CS hay không CS không thể ở yên nếu có một Kampuchia không thân thiện. Không kể sự mua bán trên bàn cờ quốc tế, Kampuchia đã đóng góp 50% cho việc thôn tính VN, là hậu cần, mật khu, là cửa ngõ. Minh Mạng thấy rõ nếu không chiếm Kampuchia thì Thái Lan sẽ chiếm và đánh vào VN vì Thái nuôi mộng đế quốc. Khi điều khiển Đông Dương, Pháp điều chế cả ba quốc gia. Sự yên ổn nầy Hà Nội không có vì Khmer Rouge đang giúp Tàu đánh lại đàn em của Nga.

Có thể Putin bị paranoid hay vọng về một nước Nga mà ai nghe cũng sợ như thời Staline nên cho rằng Ukraine là viên pháo mà Nga đang ngồi đè lên trên. Ông không quan niệm một thế giới hòa hợp chia vùng theo kiểu Kissinger, mà quan niệm thế giới đấu vật, ít nhiều theo biện chứng của Marx. Vì vậy ông xem Ukraine như anh lính tiên phong của đối thủ sẽ chỉa súng vào bụng.

Tâm thái tâm thức (mentalité / mindset) của Putin là tâm thái cường quốc đầy óc chủng tộc, ông muốn đứng đầu các dân tộc slave, ông muốn dùng sức mạnh để xí một vùng, như anh hùng bến xe, bến tàu bốc hàng. Ông muốn Ukraine ở trong vòng ảnh hưởng nầy. Động tác nầy không khác chủ thuyết Monroe. Năm 1823, TT Monroe tuyên bố tại Lưỡng Viện QH rằng mọi hành vi cố ý ảnh hưởng chính trị bất cứ nước nào ở Mỹ Châu đề là một đe dọa cho nền anh ninh của Hoa Kỳ. Đường lối nầy vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay. 2018, HK cho biết Venezuella đã bị chi phối bởi Nga và Iran tạo nên sự tê liệt kinh tế ảnh hưởng dây chuyền cho cả Mỹ Châu; đáng lẽ chính phủ tiền nhiệm phải chận ngay từ đầu. Các sử gia và học giả Mỹ cho rằng chủ thuyết Monroe là một hình thức bá quyền và chủ trương đế quốc. Căn cứ vào tiền lệ nầy, Putin cho rằng những nước ảnh hưởng chi phối Ukraine là nguy hại cho an ninh Nga.

Dùng tài nguyên thiên nhiên mà giải thích ý muốn của Putin đưa người bàn về thời thực dân tìm thuộc địa ba trăm năm trước. Do đó ít nhất Ukraine phải trung lập, không thành một hội viên của NATO hay cộng đồng Âu Châu. Ông hy vọng người Ukraine sẽ ngấy chiến tranh mà trưng cầu dân ý trung lập; thời trung lập xưa kiểu Nehru thì CS có nghề lợi dụng, khi ấy Ukraine sẽ để cho ông yên và hút tài nguyên thiên nhiên.

Nhìn theo nhân chủng học, có thể Nga đang khủng hoảng phát triển, đang cần phát triển. Từ khi giải thể cho đến nay chưa được 30 năm, một nước Nga lạc hậu (chỉ tiến bộ về quân sự) khó trở thành phát triển theo diễn trình tự nhiên của các nước Âu Châu. Ngay bây giờ vùng xưa kia là Đông Đức vẫn thua kém vùng xưa kia là Tây Đức. Hiện trạng nầy cộng với sự tham nhũng, những đại gia, có thể gây những giao động trong dân chúng, có thể đưa đến những cuộc cách mạng nhỏ nguy hại cho vương triều Putin. Putin muốn khai thác chủ nghĩa quốc gia, điều nầy không có ở HK, mạnh mẽ trong lịch sử Nga. Nga đã bỏ tỵ hiềm ý thức hệ giúp Staline chống Hitler để trở thành lãnh tụ ghê gớm.

Trong lịch sử các vùng, các thời, kẻ cầm quyền thường tạo ra chiến tranh với lâng quốc để qui tụ lòng người trong những lúc xã hội phân tán. Đầu thế kỷ 11, thừa tướng Vương An Thạch được vua Tống đồng ý đã cử binh đánh VN để huy động nhân tâm và thị uy với các nước chung quanh thấy Tống yếu mà dòm ngó. Nhưng chẳng may gặp Lý Thường Kiệt ngăng chận. Quân VN còn qua tận đất Tàu càng quét ba châu Khâm Ung Liêm.

Với tình hình hiện nay, với thực trạng khinh địch và thiếu chuẩn bị, với tình trạng quân dụng lạc hâu, quân lính ăn thực phẩm vô lon đã bảy năm, không khéo lịch sử trở lại làm cho Putin thành Vương An Thạch, một ngàn năm trước. Sơ khởi là thế, nhưng tình thế sẽ có thể biến chuyển theo nhiều hương khác nhau, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.

No comments:

Post a Comment