Sông Trường Tiền, Cầu Trường Tiền, Xưởng đúc tiền
Tôn Thất Tuệ
Lâu nay, chỉ có bàn luận tại sao có tên Sông Hương,
Hương Giang. Nào cỏ xương bồ ở Tả Trạch làm nước sông thơm như nước lá dứa nấu
chè; hay hoa thầu đâu (sầu đông) đồi Vọng Cảnh ướp nước như trà ngâu, bông bưởi;
nào là Huyền Trân Công Chúa rửa mặt giữa sông mà tưởng đang tắm Eau de Cologne
(essence de rose), nào là vì chảy qua Huyện Hương Trà mà mang tên nớ như sông Lợi
Nông ở An Cựu là sông An Cựu, ở Bến Ngự là sông Bến Ngự.
Nhưng chưa thấy ai nêu tên thứ hai như Hường, Hoàng
Lan, Cẩm Thủy, Lệ Thủy, Thiên Giang... Rứa mà hai cuốn sách Tây xuất bản khi
vua Tự Đức tại vị không nói đến tên Sông Hương mà gọi là sông Trường Tiền.
Le Royaume d’Annam et les Annamites (Vương Quốc An Nam
và Người An Nam) của J.L. Dutreuil de Rhins nạp bản 1879 do Plon Paris xuất bản
1880 là du ký của một thuyền trưởng.
Đầu năm 1876, dân chúng Pháp được thông tri ý muốn của
vua Đại Việt thu dụng năm thuyền trưởng cho năm chiếc tàu chiến chạy hơi nước
mà Pháp đã biếu. J.L. Dutreuil de Rhins đã nạp đơn và được Bộ Hải Quân chấp nhận.
Ông theo tàu nhổ neo từ Toulon đi Nam Kỳ ngày 20.5.1876, mất 38 ngày mới tới cửa
sông Cửu Long để tiến vào Saigon. Năm chiếc tàu chiến ấy hiện ở giang cảng
Saigon.
Quan lại Nam Triều đã đến Saigon ký nhận chuyển giao
và đợt đầu hai chiếc sẽ đi Tourane lấy thêm thủ thủy trước khi ra kinh đô. Tàu
rời bến Saigon ngày 7 thg 8, 1876.
Công việc nhiêu khê ở Cửa Hàn mất hai tháng, thế rồi
tàu Scorpion của tác giả đã nhổ neo hướng về nơi mà các quan địa phương cho biết
sẽ có nhiều thú vui, nhiều món ăn.
Sau hải hành ngắn 45 hải lý như một cuộc du ngoạn,
Scorpion đến Thuận An, tức là cửa sông Truong thien [l'embouchure de la rivière
de Hue ou Truong-thien].
Cuốn sách của de Rhins mang nhiều chi tiết về đời sống
vì tác giả rất chi ly như tả ngôi chùa, kê luôn các thứ gỗ như kiền kiền, sến,
tả những ô trầu nhà quan nhà dân, tả luôn lần giết heo ở Tourane để cúng Phật,
đem thịt mời thầy. Ông nầy đáng là một giáo sư nhân chủng học thời nay. Điểm thứ
hai là quan điểm lịch sử rất thực dân và cống hiến những tin tức tài liệu cho
người Âu Châu cai trị và khai thác Đông Dương. Điểm thứ ba là địa hình địa vật
của An Nam. Ông đã nêu vô số danh từ riêng, phiên âm không đúng. De Rhins tra cứu
rất nhiều ví dụ Faifo là cách đọc Hoài Phủ. Ông nói thêm thủ phủ của Quảng Nam
là “Fu Kiame”, chúng tôi chưa tìm ra.
De Rhins là một thuyền trưởng, ông chú trọng đến thủy
vận, và biết tất cả các tên sông lớn nhỏ ở Trung Kỳ, như sông Mã, sông Cả, sông
Danh …và sông xứ Huế (La rivière de Huế) do đó việc kê tên con sông nầy là
Truong Thien không phải là việc làm bừa bãi. So với cả trăm danh từ riêng, Truong
Thien là Việt Nam nhất, giống như bây giờ viết không dấu; để so sánh với Tay
Cheune (Tây Sơn), Trigne (Trịnh)…Tuy vậy “thien” của ông có thể hiểu là “tien”
vì người Pháp không đọc chữ “h”.
Người đọc VN khổ sở bao nhiêu với phiên âm của de
Rhins thì hỷ hạ bấy nhiêu với phiên âm của Michel Đức Chaigneau trong cuốn Souvenirs
de Hue (Kỷ Niệm về Huế) xb 1867 mười ba năm trước sách của de Rhins. MĐ
Chaigneau ghi rõ tên sông Trường Tièn thiếu dấu mũ, là con sông chạy dọc theo mặt
Nam của kinh thành. MĐ Chaigneau nhắc tên nầy nhiều lần như: sông nầy bắt nguồn
từ phía vùng có những lăng mộ vua; nhà của thân sinh nằm trên bờ một nhánh sông
của Trường Tièn, giữa Thành Nội và làng TCG Phủ Cam.
Chúng tôi tin phiên âm của de Rhins gần tiếng Việt là
nhờ sách của MĐ Chaigneau; de Rhins có nói đến tác phẩm nầy và cho biết những
điều sách nói đúng với những điều ông thấy ở Huế.
Các phiên âm chữ Việt gần như toàn bích. Ngoài việc chỉ
dùng dấu ngã, có thêm vài lỗi nhỏ như Chợ Ding Huế, Quan Trung, Can'h Hing... Về
dấu ngã có lẽ nhà in Pháp không có dấu hỏi, dùng tạm dấu ngã trong tiếng Tây
Ban Nha.
Michel Đức Chaigneau là con của J.B. Chaigneau ai học
sử nhà Nguyễn đều biết. “Sai nhô” là tên trường Tây ở Huế trước Chaffenjon sau
thành Trường Lê Lợi. JB Chaigneau luôn ở bên cạnh Nguyễn Ánh. Từ khi Nguyễn Ánh
lên ngôi, số người Pháp dưới quyền đã tự động về nước trừ JB Chaigneau và một
hay hai người nữa. JB Chaigneau là tác giả bài Đăng Đàn Cung dùng trong lễ đăng
quan của Gia Long. JB Chaigneau là lãnh sự Pháp tại Huế.
JB Chaigneau được vua bang ba mẫu đất để làm tư dinh.
Và cậu bé Michel Đức sinh ở đây, lớn lên ở đây, đến năm 16 tuổi mới lần đầu
tiên cùng cha đi Pháp thăm quê tổ và 1819 trở về Huế sống ở Chợ Dinh đến 1825,
ngày gia đình Chaigneau rời An Nam vĩnh viễn.
Sơ lược như vậy thì thấy Michel Đức không thể nhầm
sông Trường Tièn với bất cứ sông nào khác với sông Hương. Ông đã dùng chữ
“fleuve” (mà còn thêm grand fleuve) là sông lớn; sách địa dư chỉ dùng để chỉ Cửu
Long và Hồng Hà (Fleuve de Mékong et Fleuve Rouge). Vậy ông nói về con sông
chính ở kinh đô chứ không phải là một suối lạch hay sông đào.
1819 từ Pháp trở lui Huế là mười sáu tuổi thì năm 1825
đã 22 tuổi, Michel Đức rời Huế. Đoạn đời 22 năm nầy, ông sống bên dòng sông nầy
dù gần Phủ Cam hay ở Chợ Dinh thì ông biết rõ nhiều hơn là cái tên Trường Tièn.
Thuyền trưởng de Rhins thì không nói, chỉ là du khách, và khế ước thuê dụng chỉ
có hai năm.
Thật khó mà nói Michel Đức nhầm với Cầu Trường Tiền.
Sách của ông xuất bản 1867. Mãi cho đến 1897, chính phủ Pháp mới yêu cầu công
ty Eiffel phát họa một cây cầu qua sông.
Phải chăng tên nầy do xưởng đúc tiền? như lối giải
thích tên cầu? “Souvenir de Hué” đề cập tiền nhưng chỉ nói thành phần kim loại
và trị giá thương mãi, không nói chỗ đúc.
Trước đây học giả Lê Minh Khiêm giải thích tên sông
Hương vì nó chảy qua huyện Hương Trà; Hương Trà thay cho Kim Trà vì kỵ húy Nguyễn
Kim, tổ nhà Nguyễn. Hình như quyết định của vua Gia Long.
Theo lý thuyết vừa nêu của thầy Khiêm, chàng trai
Michel Đức đã phải tắm sông Hương chứ gì. Chơ răng mà noái Trường Tiền? đã hiện
ngụy chơ!
MĐ Chaigneau rời Huế 1825 về mẫu quốc, mang theo tên sông là Trường Tiền nhưng có lẽ khi nói tiếng Tây thì ông dùng La Rivière de Hue. Các bản đồ xưa hoặc dùng chữ Tây nầy hay Trường Tiền với nhiều biến thái âm ngữ như Thường Tien, Thường Thiên. Chúng tôi căn cứ vào bản đồ Huế trích từ cuốn Atlas des Colonies Françaises của Grandier. Chúng tôi không tin Chaigneau đã sáng tạo ra chữ mới vì Trương Tièn đi chung với vô số danh từ lịch sử và địa lý rất dễ nhân diện như nhựng chữ khó nhớ.
Đó là phía người Tây, còn phía mình thì từ lúc mô mới
có tên sông Hương. Phan Kế Bính (1875-1921) đã viết rằng đi thuyền trên sông Hương
sóng êm như đi trong hồ vậy. Văn tài yểu mệnh xứ Hà Đông đã chết trước khi
Grandier xuất bản sách 1934 với tên Thuong Thien, khác với phiên âm của MD
Chaigneau. Chúng tôi không hiểu các thi xã thời Tự Đức có nhắc đến Hương Giang
hay không.
Chaigneau không thể nhầm với Cầu Trường Tiền, cầu nầy đến
1893 mới được phát họa. Từ ý nghĩ nầy, một thân hữu đã viết rằng: Sông Trường
Tiền mang tên ấy vì chảy qua Trường (xưởng đúc) Tiền. Cầu ni bắc qua sông nên
mang tên của sông là Trường Tiền. Nếu đúng thì con sông xưa thơ mộng có tên Trường
Tiền, còn không thì thiên hạ đã gọi là Cầu Hương Giang cho tiện sổ sách.
Nếu chấp nhận ý nầy của thân hữu Trò Tê thì không như
thiên hạ cầm chắt, tên cầu không trực tiếp từ xưởng đúc tiền mà từ tên sông. Càng
bàn luận thì càng khó xử. Thân hữu nầy mong có vị đọc Đại Nam Thực Lục Chánh Biên để biết việc đúc
tiền ra sao và chỗ mô là lò đúc; ngõ hầu biết thêm tông tich của tên sông. Từ
1888, Banque de l’Indochine độc quyền đúc tiền và in bạc giấy dùng cho năm xứ Miên,
Lào, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, hình thức rất phức tạp, ức đoán đúc bên tây như
đồng bà đầm xòe.
tiền Banque de l'Indochine đúc
Phường Đúc từ phía Cầu Lòn đi lên nổi tiếng đúc chuông,
bộ lư, nồi đồng, thau đồng …mà không đúc tiền xài. Có tài liệu kể rằng Gia Long
cho các thương nhân người Tàu đúc tiền theo đúng tiêu chuẩn của triều đình; nhưng
không tránh các sai lệch, thậm chí có kẻ giả; không ai ghi chỗ đúc. Vậy thì tên
lò đúc đến tên sông khó nói, huống chi còn tên cầu thì xa không kém.
Hầu như ai cũng tin lò đúc tiền nầy do triều Nguyễn xây
lên, khi nhìn các đồng xu Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức nhưng theo web Dân Trí xưởng
đúc tiền nầy là công của Chúa Trịnh.
Khởi sự 1774, một năm sau 1775, quân Trịnh dưới quyền của Hoàng Ngũ Phúc đã
chiếm Phú Xuân. Hoàng thống tướng lui binh để cho phó tướng Bùi Thế Đạt giữ thành
cai trị. Tác giả viết: Đoan quận công Bùi Thế Đạt nhận lệnh của triều đình cho
mở một xưởng đúc tiền lớn ngay tại khu vực bờ sông Hương (phía bắc cầu Trường
Tiền ngày nay). Ông cho thu vét các sản vật và vũ khí bằng đồng không dùng như
súng, đỉnh, vạc… để đúc tiền dâng lên vua Lê chúa Trịnh dùng vào việc ngoài
biên. Công việc được tiến hành từ ngày 22/2 cho tới ngày 30/6 năm Bính Thân
(1776). Tiền được đúc ở đây được khắc 4 chữ “Cảnh Hưng Thuận Bảo”.
Trần Tử Quang tiếp: "Do đang trong thời kỳ chiến tranh
nên công trường đúc tiền cũng chỉ mang tính chất dã chiến tạm thời. Đồng tiền Cảnh
Hưng Thuận Bảo vì vậy phẩm chất kém hơn các loại tiền niên hiệu Cảnh
Hưng khác. Công trường đúc tiền cũng chỉ tồn tại trong một thời gian 4 tháng ở
phía ngoài trấn dinh, cạnh bờ bắc sông Hương".
Nếu tính từ cầu bây giờ, khu bắc là vùng thành lớn đè
lên và chay vô Tam Tòa hay làng Thái Trạch, Eo Bầu. Lò đúc nầy không thể tồn tại
với thời gian.
Xưởng đúc có ảnh hưởng lớn về kinh tế, là tạo ra phương
tiện mậu dịch tại chỗ của Vua Lê Chúa Trịnh, như trả lương lính gây
ra các chu kỳ kinh tế khác; lò đúc trở nên thời danh để con sông thơ mộng mượn
tên.
Theo lý luận cùn của chúng tôi, từ lúc đóng cửa năm Bính
Thân (1776) đến khi Eifel vặn con bù lon cuối để khánh thành 18.12.1900 là thời
gian quá xa để tên xưởng đúc còn được nhớ mà gọi tên cầu.
Trong lúc ấy người Pháp tiếp tục gọi sông qua kinh đô
là Trường Tiền, tên nầy có thể lấn lướt tên sông Hương gọi theo huyện Hương Trà.
Nhân đó, danh từ Trường Tiền có thêm người chủ mới là cây cầu Clémenceau, sáu vài
mười hai nhịp em theo không kịp tội lắm anh ơi.
Xin tham khảo
· Le Royaume d’Annam et les Annamites (p.55)
============================================================
====================================
No comments:
Post a Comment