add this

Wednesday, August 30, 2023

Họ "đờ'' Thừa Thiên

 

  Phủ Tuy Lý đường Thuận An

Họ ”đờ” Thừa Thiên

Tôn Thất Tuệ

Viết hoa hay không ‘’đờ / Đờ‘’ sẽ tính sau. Nhưng xin lỗi, phải dài dòng mới tới được tuy sờ sờ bên mình, vô đụng ra gặp, mất công chào hỏi.

Chúng ta thường lịch viết: tướng De Gaulle cao nhồng; nhưng phải viết Général de Gaulle; cũng như giám mục de Béhaine (Bá Đa Lộc), cố đạo de Rhodes (Alexandre de Rhodes). De là một giới từ (préposition) để nói về quyền sở hữu như ”of” của Anh Mỹ.

Chúng tôi không biết cách đặt tên của Pháp nhưng biết rằng sau ”de” là một địa danh. Béhaine là tên một làng. De Normandie: Normandie là một vùng đất rất lớn của Pháp; nổi danh bởi ‘’duc de Normandie’ / Duke of Normandy / quận công Normandie. Ai học tiếng Anh cũng biết ông nầy qua chiếm Anh năm 1066 và từ đó tiếng Anh mang hình thức sơ khởi dung hòa với tiếng Pháp trong hệ thống La Tinh. Lối nầy thế nào cũng liên hệ tới việc phong đất. Nhưng de Béhaine không phải vậy; Béhaine chỉ là một làng nhỏ, người ta muốn tu sĩ Pigneau ở trong hệ thống tước quyền nầy cho ai với đời.

Ở nước mình, Phước Môn Quận Công là tước hiệu của ông Nguyễn Hữu Bài; Phước Môn là một khu vực tỉnh Quảng Trị. Nhưng người mình không dùng Phước Môn Quận Công như một họ, họ Nguyễn, họ Trần … Sử Việt ghi tên giám mục Bá Đa Lộc là Bi Nhu Quận công 悲柔郡公. Bi Nhu phiên âm Pigneau không phải là địa danh.

Bác Năm‘’de Gaulle” giống cậu Bảy Ma Cà Rồng (Macron), cả hai đều là tổng thống Pháp; de Gaulle là họ, nom de famille, family name (last name), không khác Macron. Mà de thì nhiều lắm vì nhiều: comte de Noailles (bá tước); prince de Poix (hoàng tử). Kể không ngạ. Không hiểu quận công ‘’de Normandie’’ có làm chủ khu Normandie, khai thác lấy lợi hay không. Phải chăng chỉ là một vinh hạnh, thiết nghĩ ông Nguyễn Hữu Bài không thâu thuế của người Phước Môn.

Những vị trong thế hệ của cha tôi hay trước nữa theo Tây học đều biết những người mang chữ ”de” thuộc giai cấp quý tộc, biết ý nghĩa từng chữ, có khi còn hiểu sử địa các vùng đất liên hệ.

Tuy nhiên, đại chúng xem ‘’de Gaulle’’ một cách thực tiển theo lối độc âm của tiếng mình, chẳng khác Nguyễn Ánh, Lý Bôn … Theo đó, ‘’de’’ đọc là ‘’đờ’’ là một họ. Mà là một họ quan quyền, vua chúa.

Ý niệm nầy dùng ở Huế chỉ hoàng phái của triều Nguyễn. Do đó ”họ Đờ” là tiếng lóng cho thành phần thuộc đế hệ thi: Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh, Công Tằng, Công Huyền... Các thứ tôm tép tôn lò chúng tôi cũng ăn ké vinh dự hão nầy.

Khi đọc sách báo xưa, nếu gặp câu nầy: từ cầu Trường Tiền đi xuống qua khỏi Đập Đá là khu vực của mấy ông họ Đờ, độc giả hãy biết khu nầy rất nhiều phủ đệ và tư dinh của mấy mệ như Ưng Thông, Ưng Thiều, Bửu Hội, Bửu Đáp và dài dài dọc theo con đường xưa mang tên Thuận An, mãi hết Lại Thế, có khi đến Chợ Mai không hay.

Thành ngữ ‘’Họ Đờ’’ xem như một gallicisme (thâm căn chí cốt là Pháp ngữ) hay anglicisme (thâm căn cố đế là ăng lê).

Sông Hương nước chảy lờ đờ

chàng Đờ đớ đẩng đần đần điên điên.

==========================================

 

Sunday, August 27, 2023

tiếng Việt sinh ra tiếng Ai Cập xưa


 

Tiếng Việt đẻ ra tiếng Ai Cập mươi ngàn năm xưa; hiện ngụy chưa tề?

Tôn Thất Tuệ

Hình trên ngực áo, ít ai biết là một thánh giá, thập tự, croix, cross, truy nguyên đến các hiéroglyphe, chữ tượng hình Ai Cập thời tiền sử, đã thành thánh giá của một số chi nhánh Thiên Chúa Giáo. Đúng hơn là thánh giá có quai, có tay cầm, croix ansée / handled cross. Nhưng còn lạ nữa, ít ai biết hay dám nói do An Nam mà có. Đã hiện ngụy chưa tề?! Rứa mà một ông tướng trong quân đội thuộc địa Pháp đã viết:

"Ngôn ngữ nói của Ai Cập sáu ngàn năm trước Jesus không là thứ nào khác hơn là ngôn ngữ hiện thời mà người An Nam đang nói; ngôn ngữ nầy vẫn còn giữ đầy đủ nét nguyên sơ. Nghĩa các âm tự dịch từ những hiéroglyphe Ai Cập lâu đời nhất tương ứng đầy đủ với các âm tự mà giờ phút nầy người An Nam đang nói''.

''Giờ phút nầy'' tính theo lúc xuất bản 1905 tại Paris cuốn sách Les Égyptiens Préhistoriques Identifiés avec les Annamites d’après les Inscriptions Hiéroglyphiques của H. Frey. (Người Ai Cập tiền sử được nhận dạng nơi người An Nam theo chữ tượng hình Ai Cập).

Không biết bằng phương pháp nào, khoa ngữ học nói rằng một ngôn ngữ muốn có đủ khả năng diễn tả dễ dàng những ý tưởng trừu tượng phải cần 16…ngàn năm. Tin như vậy, chúng tôi mới cố sức đọc một cuốn sách phức tạp vừa nêu, cũng như tin cùng Abel des Michels rằng Lạc Việt đã có lối ký tự theo hình rất lâu trước khi Sĩ Nhiệp xóa bỏ để áp đặt chữ Hán. Mới đây, khảo cổ tìm ra tượng Phật chạm theo kiểu Ấn Độ tại vùng biển Ai Cập; địa điểm nầy con giữ những lu nước nắm (garum) gần hai ngàn năm.

Nếu các sách của người Pháp khác gây khó khăn vì Hán Tự không thể chuyển qua Hán Việt abc; cuốn nầy của ông tướng H. Frey không có một chữ Hán nào để giúp biết thêm các chữ Việt ông phiên âm không rõ ràng, không có dấu, cũng như không có Hán Nôm. Khó khăn nầy trầm trọng hơn việc quá nhiều chữ Tàu. Đáng buồn đáng trách vì những sách xưa hơn phiên âm tiếng Việt đầy đủ các dấu như Michels và Chaigneau.

Chữ Việt trong nguyên bản sẽ được đặt trong các ngoặc vuông [ … ]. Ví dụ [sao-tho] sau đó chúng tôi dự đoán theo nghĩa tiếng Pháp là sao Thổ. [Mou] mù; caché, obscure.

Các phương tiện Frey dùng gồm: Ai Cập học (égyptologie), cách phát âm (phonétique) và nhân chủng học.

Bước đầu trong việc chứng minh sự đồng dạng giữa Ai Cập và Annam là tên của vị thần số một thot và tiếng Việt [tho, to] với nghĩa đầu tiên là mặt trăng (?) con thỏ (chữ Tàu là thố), rồi đến đất (thổ), rồi đến thờ cúng (thờ). Thot là cha các vị thần, tạo ra bản chất các vị thần, tạo ra muôn loài muôn vật, tạo nên sự vật và sự việc. Thot là thần mặt trăng. Hình tượng của Thot trong các bảo tàng viện là một hình người có đầu là con chim ibis, chim dang mỏ dài, đi trong nước cạn tìm mồi. Phía trên đầu có một hình tròn bên trên một hình trăng lưỡi liềm. Không có ghi ký gì trong dĩa tròn nầy. Nhưng ở một cái dĩa tròn như vậy trên đầu tượng thần Khons có chạm và có màu trắng hình một con thỏ; Khons cũng là một vị thần mặt trăng như Thot. Biểu tượng man sơ của Thot và hầu hết các vị thần khác là cây gậy chăn thú vật, đầu mút phía trên chạm đầu thỏ.

Chim dang (ibis) được tôn thờ theo Thot và có tên gần giống là thouti; không có phát âm nào giống trong tiếng An Nam nhưng tiếng Khmer đều dùng mẫu tự T làm tên các loại cầm: gà, vịt, công, trĩ ….và người Tàu có ‘pi ti’chim bắt cá.

Thần Thot là nguồn thông minh sáng tạo những thứ hay đẹp như thi văn, là phát ngôn viên cho đấng chí tôn tuyệt đối của vũ trụ. Về phía An Nam thì có [tho], thơ tức là văn chương thi phú, hội họa; [to] tỏ là hiểu; [thouc]: thức, hiểu biết sâu rộng; [thai] thầy giáo; [thot, thouyet) thốt, thuyết: nói ra lời; [tai] tài, người tài, hiểu biết văn học ….

Các sắc dân nguyên thủy tôn thờ thần Thot cũng thờ sao Saturne, người An Nam gọi là [sao-tho] sao Thổ. Những sắc dân Ai Cập thường được gọi theo vị thần họ tôn thờ, tức là ở Ai Cập có những sắc dân Thổ. Trên xứ An Nam có rất nhiều sắc dân gọi là Thổ như Thái, Mán, Lolo, Mèo … tiếng An Nam có danh từ thổ ti, thổ hào là một hương chức.

Sự tương cận tương hợp thứ hai sẽ được tìm thấy trong “Ba Ngôi” xứ Thebes. Ba Ngôi của Thebes gồm có:

- Amon (Ammon, Amoun) là Cha, là Nguyên Tắc.

- Mouth, với danh hiệu cao nhất Tha Moun; là Mẹ, tức là Hành Động

- Khons, Con, tức là Hiệu Ứng, kết quả.

Amon-ra thần mặt trời

1.- Amon là Đấng Tối Cao, sức sáng tạo vĩnh cửu, là Một, là nguyên tắc sinh thành bản thể. Có nghĩa là bí mật, huyền nhiệm, không thấy được, bị che khuất. Amon luôn kèm theo chữ ‘ra’, mặt trời. Amon-Ra là Đấng Tối Thượng, ngọn đuốc của thế giới, đấng sáng thế, tức là Dieu.

Hình chữ tượng hình của Amon Ra luôn là một hình người có hào quang đỏ tượng trưng uy quyền, tay cầm cây gậy có chạm đầu con thỏ. Con vật biểu tượng của Amon là dê núi (sơn dương).

Amon, Amoun viết qua tiếng Việt sẽ là [am-mo / am-mon / am]. [am] ám, âm là tăm tối, huyền bí, bị che khuất, hoàng hôn…[mo] mộ là đêm, mồ mả. [Mou] muội, hay mù: che khuất, màu đen, u tối. [Mot], một là duy nhất, là một; [mou, mao] mũ mão: khăn quấn, mũ, vành hoa tượng trưng uy quyền.

Tính cách đặc biệt huyền bí của Amon nằm trong chữ [am] âm, trong trạng thái ngưng nghỉ, thấp, bí ẩn; yếu tố “âm” trong cặp âm dương.

Tha-Moun tranh mới

2.- Mouth, là mẹ như tất cả các chữ mẹ trên thế giới có vần M, An Nam mẹ. Tha-Moun là tước hiệu của Mouth, như người mẹ lý tưởng, có sức sinh thành như amon. Tha Moun tương cận với [the] thê, vợ; [theo] đi theo, vâng lời, vâng lệnh; [thi] thị, phái nữ; [than mou] thân mẫu; [mou] mụ.

3. Khons, ngôi thứ ba, thường có bín tóc ở vai, tượng trưng tuổi trẻ, là con. [Con] ai mới học tiếng Nam đều biết là “fils”, rất gần với ‘Khons’. Lắm khi khons thành skhon; âm đầu S chính là tiếng Nam [sue] sự: sự việc, sự vật, những cá thể, như các hiệu ứng trong ý nghĩa của Khons.

Như trên đã nói, danh từ thần Amon luôn có ‘ra’ đi theo, mà ‘ra’ là mặt trời, nguyên tắc sinh thành của mọi vật. Tiếng Nam [ra] có nghĩa là đi ra, sản xuất, phóng phát. Ra đi theo [sanh, sinh] để tăng sức mạnh của việc sinh tạo; giống như Amon-ra. Ra theo nghĩa mặt trời đã được nêu trong các vị thần thờ phụng của nhiều dân tộc trên thế giới. Ra cũng là âm chính đưa đến sự chiếu sáng như [rang] rạng; tiếng Pháp radiant, rực rỡ sáng chói.

Đến đây, ông tướng thuộc địa trình bày tương cận thứ ba theo các vị thần Ai Cập. Trước khi duyệt các vị thần, Frey nêu hai trong bốn vị thần đưa ma (tang điếu) mang tên Hâpi và Amset. Về phía An Nam có [ha]: hạ dưới, chỗ thấp; [hac] hắc, đen, xấu; [phi] không thực; đồng thời [sat] sát là giết hại; [sat] sắt, kim loại làm vũ khí. Ngoài ra, như đã nói, [am] âm, ám là bị che khuất, bí mật; [set]: sấm sét – tiếng Ai cập seksek là hủy diệt, tiêu diệt.

Hathor, nhân cách hóa đêm tối sáng lập thế giới, tương xứng với [ha] hạ bên dưới và [toi] tối đêm tối.

Anouké hay nữ thần Vesta tương ứng với [nou] nữ, đàn bà.

Linh hồn tiếng Ai Cập là ‘khou’ gần như chữ ‘Khouei’ của Tàu chỉ những thành tố tế nhị tâm linh đã rời thể xác để trở về gốc cội. Ấy là do [khoi] khói của người Nam.

Tiếp theo, tác giả đã dùng vocable, các âm vận, của người Nam so sánh với các vocable Ai Cập thì sự tương đồng vô cùng rõ rệt. Từ đó có đủ mọi danh từ mọi khía cạnh của cuộc sống, từ vật chất đến tâm linh. Từ con gà, con chim đến thần thánh, ông bà tổ tiên, chính quyền, từ con dê cho đến tên gọi mùa thu. Những vocable nầy đem người đọc đến Armenia, đến Hy Lạp, đến Nga để tìm hiểu con nhộng tằm nhả tơ, vì sao tiếng Anh tơ lụa là ‘silk’.

Tơ lụa sẽ được bàn ngay đây, để hiểu ‘linh bạch’, nghĩa đen là hồn tơ. Chúng tôi bước vào chương nói về sự tương cận trong ý nghĩa các vật dụng của hai dân tộc. Khá lý thú khi bắt đầu với cây gậy của Địa Tạng Bồ Tát!!!

Địa Tạng Bồ Tát

Tích trượng rất quen thuộc trong PG. Tích trượng luôn đi theo hình ảnh Địa Tạng Bồ Tát. Ngài nguyện chỉ thành Phật khi không còn một linh hồn nào bị giam cầm trong địa ngục. Frey kể đúng như trong Phật học, Địa Tạng Bồ Tát mở cửa âm phủ bằng cách nện tích trượng xuống đất thì địa ngục mở ra. Ông nói các sư An Nam mang tích trượng như cây gậy người Tàu gọi là gậy Phật, và làm lễ mở cửa địa ngục vào ngày cúng Tết.

(Sách chỉ có một trang vẽ duy nhất gồm những hình vẽ Fig 1, 2, 3 …)

Fig 1. Cây gậy này phía trên là một hình tròn nhỏ kèm các vòng khuyên. Frey không nói rõ là 12 vòng như thập nhị nhân duyên. Bên cạnh những vòng khuyên nầy có móc một dải lụa hay vải trắng thắt thành một nơ bướm, thả thòng hai đầu như hai tà áo.

Fig 2: [hon bach ou linh bach] hồn bạch / linh bạch  靈 帛

Kỷ yếu về tang lễ xưa của người Nam có ghi: Để tạo thành ‘linh hồn tơ” (l’âme de soie), lấy một dung lụa hay một dung vải trắng, dài bảy thước mộc, đặt trên bụng người hấp hối. Khi người nầy chết, lấy dung tơ nầy làm biếu người chết một nút thắt thành hình người có đầu, hai tay và hai chân”.

Fig 4, 5 và 6: hình thập tự có tay cầm, tiếng Ai cập là ankh. Ba hình nầy và các hình 1 và 2 của An Nam đều mô tả hình dáng con người. Tiếng Nam [anh] cho chúng ta biết thêm nhiều hơn. [Anh] ánh, bóng chiếu, ombre; ảnh: diện mạo, sự giống nhau.

ankh, chữ thập có tay cầm

Về phần kh trong chữ ankh, đó là [khi]: hơi thở, không khí, linh hồn, sự giống nhau. [Khi-am] khí âm là mờ tối. Vòng là một vật, mặt trăng, bị che mờ, là một tinh thể đang lúc tàn lụi, như buổi cuối đời, là sự chết. Linh hồn xuất phát tự chữ khí, kh, người Tàu bắt chước và gọi là kh-om (khảm?) với ý nghĩa choạng vạng, mặt trời mây che tối, chung cuộc, hết sống. [Hon thue] hồn tử? là linh hồn người chết chui vào bóng tối dưới giường, chui xuống đất ba ngày trở lại vùng không khí. (mở cửa mả ba ngày???).

Ankh, thập tự có tay cầm, là lá bùa, là hình ảnh mà linh hồn chui vô trong đó để thành một thế thân của người chết. Đó chính là hình ảnh ‘linh bạch’ của người Nam thắt thành hình người. “Người bằng tơ vải nầy” được đem theo đến mồ rồi đem về nhà trở lại, đặt trước một bài vị, hồn tơ nầy chui qua bài vị, người ta đem chôn người tơ. Từ nay bài bị là thế thân của người chết; đi đâu người sống cũng mang theo mà thờ, thay cho xác thịt xương cốt tổ tông vẫn ở quê xưa không đem theo được.

Cuối chương vật dụng và trước khi có kết luận chung về phương pháp luận tác giả Frey kết luận tạm rằng:

1.- Chữ thập có tay cầm chắc chắn bắt nguồn từ linh bạch, linh hồn tơ lụa, l’âme de soie mà người An Nam đã truyền cho hậu nhân (les rejetons) Ai Cập và Éthiopie. Các croix / cross nầy được đeo vào cổ các xác ướp bằng một sợi dây chuyền quanh cổ. Ngày nay theo lối nầy, người Thiên Chúa Giáo đeo thánh giá với hình tượng Jesus hay các huy chương tòa thánh cấp. Dấu hiệu nầy thể hiện theo tập tục thông thường của nhiều bộ lạc xưa trong nhóm Thái và Lạc Việt, xâm lên trán (Sách Lễ Ký ghi tập tục điều đê của Việt Thường).

Ở kía cạnh khác, tập tục xâm nầy mang ý nghĩa tôn giáo, một đức tin. Sự phát hiện linh bạch là một dấu hiệu văn minh hơn so với tín ngưỡng trước kia là thiêu xác, chết là hết, vất bỏ. Hành vi nầy (incinération) khác với hỏa táng (crémation). Cải cách nầy sinh ra nhiều xung đột, do đó những người có đức tin mới đã di dân, đem đức tin đến cho dân tộc Ai Cập và Copte ở Bắc Phi.

2.- Những nền văn minh danh tiếng như Do Thái, Hy Lạp, La Mã, Gaules..chỉ là con nít mới sinh hôm qua nếu đem so sánh với nền văn minh Ai Cập. Mà Ai Cập là con gái đầu lòng của một nền văn minh tiến bộ vượt bực, đó là dân tộc Tai-An Nam. Dân tộc nầy, từ xưa đến nay vẫn nói một thứ tiếng, giữ nguyên các âm vận. Tinh túy của nền văn minh ấy là sự tin vào tính cách trường tồn của linh hồn, tin đó là bản chất linh thiêng và là nguyên tắc vận hành của vũ trụ. Thân xác trở về đất và tinh thần trở về gốc cội; sự phục sinh xẩy ra ba ngày sau khi chết.

Trên đây là kết luận của một chương nhưng chúng tôi xem là kết luận chính về sự tương đồng giữa Ai Cập và An Nam. Kết luận chính của cuốn sách rất dài nói nhiều về phương pháp luận.

Trong kết luận nầy Frey nhắc đến một tác phẩm của chính ông đã xuất bản: L’Annamite, mère des langues: tiếng An Nam, mẹ của các tiếng nói khác và một quyển khác đặt tiếng Việt vào gia đình ngôn ngữ Á Đông. Chúng tôi không thấy trên internet, không hiểu ông có làm khổ người đọc với việc phiên âm không dấu, không kèm Hán Tự hay chữ Hán Nôm.

Sự thiếu sót nầy không làm cho tác phẩm chúng tôi giới thiệu mất hết giá trị. Les Égyptiens …là một cuốn sách vô cùng hấp dẫn tuy làm nhức óc, đối với một người Việt là chúng tôi, và có thể hấp dẫn với các nhà ngữ học. Để giải trí không mà thôi, độc giả sẽ du lịch từ vài âm vận (vocable) An Nam đến mặt trăng lưỡi liềm của giáo chủ muslim, đến cây gậy của Giáo Hoàng với một hình thức khác của thánh giá, đến chim ưng, hay đầu gà đít vịt xứ Khmer. Du lịch từ “con” đến “khons” ngôi vị thứ ba trong tam tài, cha mẹ con, rồi đến “son” Anh Mỹ Thụy Điển, “sohn” Đức Quốc. Cuốn sách đem lại cái nhìn khái quát về cái om, cái nồi, cái nôi của văn minh cổ sử của gần nửa trái đất nếu bỏ văn minh Ấn Hà và Phạn ngữ. Nhưng hấp dẫn trong ý thức tình người, cho thấy xưa kia các dân tộc gặp nhau dễ dung hợp, chia nhau quan niệm sống chết; thể như Lão Tử nói chuyện với Thích Ca và Socrate mà không dùng cell phone, Ipad…

Thực tế hơn, cuốn sách của Frey nêu ra nhiều vấn đề từ cảm tính cho đến phương pháp luận.

Nhiều học giả Pháp từ khi mở đầu bảo hộ đã ca ngợi VN về nhiều khía cạnh, trong vị thế VN là vật sở hữu của Pháp (notre possession), cái gì của mình lại không đẹp? Về ngôn ngữ, tiếng Việt khác gốc với tiếng Tàu, anh Tàu xưa nay lấy thịt đè người. Có thể cái nationalisme nầy ảnh hưởng đến bây giờ, mọi thứ từ PG cho đến lúa đều do VN ta đưa qua Tàu. Bỏ qua cảm tính ấy, bỏ cái sensitive ấy, cuốn sách của Frey nên được nhìn thực tiển hơn, xem nó có giá trị đến mức nào.

Nói về mấy ngàn năm trước Jesus, Frey gọi đó là đêm dài lịch sử cho nên nhiều lần ông nhắc đến chữ “conjecture” là ước định, định thuyết nhưng ông nghiên cứu như một conjecture toán học của Poincarré để xem ngôn ngữ Ai Cập là con đẻ của tiếng Nam; tiếng Nam là mẹ của mọi thứ tiếng; ít nhất đứa con nầy đã đẻ thêm nhiều từ ngữ như radiant, jovial, joie… từ chữ ‘ra’ của VN trong nghĩa phóng chiếu.

Khi nào trích dẫn chữ Tàu, Frey đều nói rõ là chữ Tàu. Những chữ khác là tiếng Nam, langue annamite. Những tiếng Nam nầy gồm nhiều từ ngữ mà người Việt xem như chắc mẫm là của Tàu, ví dụ “âm dương”. Dù phiên âm là “am-deueung”, Frey đã trình bày cặp nầy đúng như người Tàu trình bày Kinh Dịch, ông nói rõ là femelle / mâle; vài nơi mang ý nghĩa thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng. Vài ví dụ khác: [khi], khí; [mo] mộ, đêm; [kham] khảm che khuất.

Sách của Frey không có phần nguồn gốc tiếng Nam. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ tác giả suy tư giống như Abel des Michels, không thể phân biệt chữ nào gốc Tàu hay gốc Việt. Có thể trong hai tác phẩm khác, Frey đã chứng minh tiếng Tàu mượn danh tự và ngữ âm (vocable) của người Việt Thường.

chữ thập của Giáo Hoàng như chữ chủ
Về cái tích trượng Địa Tạng, nó được gọi là một pháp khí bên cạnh chuông mõ, lịch sử của nó quá ngắn so với lịch sử tiếng Ai Cập nhưng lúc sinh thời, Phật Thích Ca đã dùng tích trượng, biểu thị sức mạnh của giác ngộ mà Ngài nói giáo lý của Ngài không có gì lạ, chỉ tiếp theo tam thế chư Phật, như vậy tích trượng có thể dùng để giải thích thánh giá có tay cầm và đưa đến việc giáo hoàng dùng tích trượng riêng với biến thể của chữ thập.

Frey cho rằng biến thế nầy là do lối viết của người Việt mà ông vẽ ra và gọi là chữ chủ (fig 12); giống như chữ chủ, chúa của Tàu: . Phải chăng Frey cho rằng chữ Nam cũng viết như vậy. Rất tiếc chúng tôi hoàn toàn không biết chữ nôm.

Giới hạn hiểu biết của chúng tôi về ngôn ngữ làm cho bài giới thiệu nầy có rất ít giá trị. Chúng tôi chỉ chép lại [tha, to] có nghĩa là mặt trăng, không biết vì sao gọi mặt trăng. Cũng như không biết chữ Tàu Khuoe là chữ gì, đọc ra sao viết ra sao, nó sinh ra chữ ‘’khói’’ hay chữ ‘’khói’’ sinh ra nó. Rất mong chư vị chỉ dẫn.

Bài đã dài, Word cho biết đã 3.500 chữ. Tuy vậy xin lèm bèm mấy câu.

Không thể xác quyết tiếng Ai Cập ảnh hưởng tiếng Việt hay tiếng Việt đẻ ra tiếng Ai Cập. Tuy nhiên sự tương đồng giữa hai ngôn ngữ là điều tin được. Tương đồng nầy không ở trong những chỗ cục bộ mà ở khắp nơi trong hai ngôn ngữ. Hai ngôn ngữ chính là đời sống văn hóa và xã hội của hai dân tộc. Từ thần thánh, anh linh cho đến con gà con vịt, cho đến cái nịt cái đai. Giải thích vì sao áo chế VN dùng màu trắng, vì trắng như mặt trăng. Hồn tơ, linh bạch chuyển qua bài vị thờ tổ tiên; giải tơ thắt hình người, đi kèm những dung vải quấn quanh xác chết để cho tay không rời thân trong việc liệm của người Nam đưa đến việc quấn vải quanh các xác ướp Ai Cập.

Frey đã quảng diễn âm dương như luật vận hành tìm thấy khắp kinh điển Ấn Giáo, Do Thái, Muslim... Và ông nói hai chữ nầy là chữ Nam. Như vậy có nghĩa thuyết âm dương do người Nam đưa ra. Chúng tôi nghĩ vớ vẩn. Nhiều người đã giải thích câu nói của Khổng Tử, “ngã thuật nhi bất tác” Ngài chỉ chép mà không sáng tác, có nghĩa Khổng Tử chép (cọp dê, copier) của người Việt mà viết thành tứ thư ngũ kinh.

Chúng tôi ở trong tình trạng á khẩu / dumbfounded / abasourdi.

Chúng tôi mong quý vị đừng cho lời giới thiệu nầy một giá trị nào đó vì chúng tôi không thể hiểu hết cuốn sách vô cùng phức tạp nầy tuy chỉ 100 trang ngoài.

Xin quý vị đọc nguyên bản tiếng Pháp để làm cuộc viễn du trong thời gian và không gian, lên đến mặt trăng trên đầu thần Thot, xuống địa ngục thấy Bồ Tát Địa Tạng gõ tích trượng mở cửa âm phủ, qua Luân Đôn hỏi ông giáo sư: Dear Sir, should I say ‘’con’’ or ‘’son’’?.---

Xuất xứ (xin download): Les Égyptiens Préhistoriques...

===============================================
cây xăng Shell, Saigon

=========================



Friday, August 25, 2023

Cơn Gió Bụi hồi ký Chúc Thanh


Bắc Việt, ấn bản 1981 không ghi lúc chụp

Cơn Gió Bụi

Chúc Thanh

ourussacvxznvoiuewsarvourussacvxznvoiuewsarvourussacvxnvoiuewsarvsavvcvvcweeruioasiooiiurewa

– Mẹ em nói vô đây mà gặp được chị, nói nếu chị có tiền thì mua cho mẹ ba mét vải. Phòng khi mẹ đi theo ông bà, có mà liệm. Ở các thành phố, đô thị, người ta có chút tiền không biết sao, chứ ở trong quê nghèo, mỗi hộ chỉ có một cái chiếu cói. Liệm xác chôn xong lại rút chiếu về, để đến lượt người khác. Mẹ em không muốn thế, mẹ nói khi xưa có làm mõ cho làng cũng còn được chôn cất tử tế, ngày nay thời cộng sản, mới làm vậy, mẹ nói mẹ có tội gì đâu mà khi chết phải chôn trần.

ourussacvxznvoiuewsarvourussacvxznvoiuewsarvourussacvxnvoiuewsarvsavvcvvcweeruioasiooiiurewavc

Mùa thu, mùa Vu Lan còn níu kéo, mùa còn tưởng nhớ tới mẹ, tới cha. Tôi tưởng nhớ tới dì tôi, dì đây là mẹ kế, người bước sau một bước sau mẹ tôi vào gia đình bên nội tôi.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao dì tôi lại thành thân với cha tôi một đoạn đường và ngược lại. Nếu nói theo xưa, họ có duyên nợ vợ chồng chăng? Chớ thật ra hai người đó là hai mẫu người hoàn toàn trái ngược nhau từ hình dáng lẫn tính tình. Cha tôi, da trắng, dáng thư sinh, học thức, có nhiều tư tưởng sắc bén, ông nghiêm khắc pha lẫn lãng mạn. Cha tôi ham làm việc về trí óc nhưng có lúc cũng cần cù và khéo tay. Ông có lần đẽo và bào cho tôi một đôi guốc mộc bé bé xinh xinh lúc còn ở quê. Đôi guốc mà tôi nhớ mãi là tôi ôm trên tay nhiều hơn là để luồn vào chân. Ông nóng tính nhưng cũng suy nghĩ nhiều, không vội vã. Còn dì tôi vóc dáng không phục phịch nhưng khá lớn con và chắc nịch, cái chắc của một trong muôn vàn người đàn bà ở quê, chăm chỉ ruộng vườn, tham công tiếc việc. Dì tôi đó, da hơi sậm màu, răng đen nhánh với nụ cười tươi, người phúc hậu đầy vẻ chân phương và ít thấy ốm đau, hầu như không bao giờ.

Tôi chỉ nhớ lơ mơ là lúc mẹ tôi mất đi, một khoảng thời gian là ông bà nội làm đám cưới giết tới hai con heo và một con bò, rình rang cưới xin đón dì tôi về thế chỗ mẹ tôi. Nhà nội tôi ngày mùa, nhà đông công thợ gặt hái, cần phải có người quán xuyến và cần một người kế mẫu cho tôi. Khi tôi bắt đầu có trí nhớ, khi tôi thấy thằng cu em do dì sinh ra đã ở bên tôi, hai chị em cùng lớn lên, chơi cùng nhau, tìm cào cào, châu chấu, đuổi bướm hái hoa suốt quãng đời thơ ấu bên nhau. Dĩ nhiên là cũng có lúc cãi nhau, rồi lại chơi lại vui vẻ.

Có những ngày chị em tôi đi cất vó tép, có ngày cùng hè nhau chạy băng ngang cánh đồng vi vút đuổi theo tiếng sáo diều lên cao. Những buổi chiều mùa hạ ở thôn quê thật êm ả với đầy những sợi mây hồng vương trong gió. Có những chiều đông rét mướt, hai chúng tôi ngồi co ro trên thềm gạch, đợi dì về cho ăn cơm tối. Dì tôi đi làm đồng, dì khéo léo hay tát vũng đìa mang về những con tôm vàng đầy bụng trứng, có ngày là những con cá rô béo ngậy. Hai chúng tôi nhìn hau háu những con tôm con cá nướng vàng chảy mỡ và cong lên trên gắp lửa rơm. Mùi cá chín thơm pha lẫn mùi cơm gạo mới bốc hơi ngọt lịm. Dì đợi hai chị em tôi ăn xong, người vét nồi ăn cơm cháy với chút đồ ăn còn lại hay với chút muối mè và rau dền luộc đỏ cạch. Dì tôi chỉ thích ăn như vậy.

Quê tôi, ngày đó, đồng chua nước mặn, Thái Bình, gần biển ở vùng Bắc Việt xa xôi lắm. Ngày đó, ruộng vườn khít khao và giăng ngang dọc như mắc cửi, những năm 1950-1954, thời chưa cộng sản và nông dân tự do làm ruộng vườn riêng tư, của ai nấy lo làm, dù đôi khi nghe có chiến tranh Việt-Pháp rình rập ở xa xa.

Dì bước vô đại gia đình, ngồi thế chỗ mẹ tôi, người canh tác ruộng đất của nhà chồng, ngoài ra người còn làm thêm phần ruộng đất bên ngoại đã chia cho mẹ tôi lúc trước. Dĩ nhiên bà có quyền ấy vì bà nghiễm nhiên nuôi tôi với tấm tình âu yếm nồng nàn, không phân biệt con đẻ con chồng. Cha tôi thì không phải là một nông dân thuần túy. Ông còn bao nhiêu mộng ước, chí lớn chí nhỏ canh cánh bên lòng. Cha tôi ngày còn trẻ tuổi, đất nước ở giai đoạn giằng co giữa Việt Minh kháng chiến và chính quyền Pháp thuộc, cha tôi tự cho mình một trách nhiệm với quê hương, nên ông đi đi về về Thanh Hóa, Đống Năm, Quỳnh Côi, Phỉ Dực, Yên Bái… tôi có hỏi ông, ông bảo là ông đi có việc. Hồi đấy, chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu biết những việc riêng tư của cha, chỉ thấy đơn giản là ông ít ở nhà, chỉ có mặt vào những ngày kỵ giỗ, ngày tết… rồi ông lại vội ra đi với cái túi xách vắt vai và một cây đàn banjo đeo bên sườn.

Dì tôi an phận ở quê nhà, làm việc và nuôi con. Nói cho văn vẻ là bà phải ghé cả hai vai gánh vác giang sơn nhà chồng. Cả ngày bà lăn lộn ngoài đồng ruộng, cầy bừa và trông coi công thợ mùa gặt hái, cắt rạ, đếm công. Bà thấy hạnh phúc vô biên trong công việc. Chỉ rất thỉnh thoảng, trời làm mưa dầm gió bấc, phải tạm ngưng công việc ở ngoài, người ở nhà xay thóc để có gạo ăn hằng ngày. Những ngày hạnh phúc đó, dì tôi vừa dần, vừa sàng gạo vừa dạy chị em tôi hát những câu vè rất phổ thông: 

Bà ơi cho cháu một xu

Cháu mua bánh gù cháu gởi về Nam

Ba cháu đi làm chè tàu thuốc lá

Mẹ cháu ở nhà, khổ quá bà ơi…

Dì chỉ biết hát loanh quanh vài câu thế thôi. Hoặc:

Con cò lặn lội bờ ao

Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non

Người về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Rồi bà dừng ở giữa những câu đó, mang gạo đã trắng đi cất. Bà không thể văn nghệ hơn một chút nữa! Ngay cả với cha tôi, dì cũng chân phương mộc mạc, bà không thích đưa đẩy hay săn đón dù cha tôi thuộc mẫu người lãng mạn và tình cảm.

Rõ ràng là dì tôi không phải người lý tưởng như cha tôi mong muốn. Mỗi lần cha tôi ghé về nhà, bà cũng mau mắn lo cơm nước cho ông, rồi úp lồng bàn bê khay cơm để lên phản, sau đó bà vội chụp nón lên đầu ra đồng ngay. Cha tôi quay qua quay lại không thấy bà đâu, ngồi ăn một mình, rồi lấy túi đàn ra, người nhẹ tay khéo léo lần từng cung bậc rồi khẽ khẽ hát theo:

Tung cánh chim tìm về tổ ấm

Nơi sống bao ngày giờ đầm ấm

Cũng có lần ông cố ý dạy chị em tôi hợp ca với ông, được chốc lát, hai đứa tôi nhố nhăng quá làm ông chán, ông lại ca một mình: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…” Nhạc của Đặng Thế Phong và Bùi Công Kỳ buồn đứt ruột. Cha tôi cũng say mê bản “Đêm Đông”, ông đờn ca nhiều lần mà mãi sau này, lớn lên sống xa cha, mỗi lần nghe ca sĩ Bạch Yến hát lại, tôi vẫn luôn bồi hồi nhớ về quãng đời thơ ấu xa xưa. Tôi có thể nghe rất nhiều lần bài ca ấy mà không hề chán, lần nào nghe, tôi cũng có cảm giác nghẹn ngào như lần đầu tiên. Tôi cũng không quên một điệp khúc “Hải Phòng nơi chân trời xa, Hải Phòng bao êm đềm qua” nghe hoài, riết, tôi nghĩ chắc là bố tôi đã có một đồng chí, một người yêu nào… ở Hải Phòng!

Cũng nhiều lần bố tôi đã phải phạt tôi và cu em quỳ gối vì ông tập cho tụi tôi ca bài “Tiếng hát sông Lô”, ông cố gắng hết sức mà không xong vì tiếng đàn làm chúng tôi không tập trung được, thì chúng tôi cũng đồng ca mà ca như chế nhạo bài nhạc.

Như tôi đã kể, dì tôi có thằng cu, nó kém tôi hai tuổi, dì tôi cảm nhận đó là điều may mắn trời cho. Cha tôi quý em tôi vì nó giống ông lắm. Còn tôi, ông thương không kém vì lẽ tôi mồ côi mẹ sớm. Dì thì thấy chị em tôi ríu rít bên nhau, bà coi tôi như một đứa con gái của bà, bà săn sóc vỗ về, tắm gội cho tôi luôn. Tôi thấm tình thương của dì qua những ân cần đó. Rồi càng lớn lên, tôi càng thương dì hơn vì bản tính dịu hiền, nhẫn nhịn và đơn giản của bà.

Dì tôi mỗi lần đi chợ phiên là hay dắt theo hai đứa con cho đi chơi luôn. Chợ phiên một tuần lễ mới họp một lần, chợ rất đông, chợ Giành, chợ Hồi, chợ Diêm Điền, Quang Lang, Hổ Đội, Bao Hàm… ở chợ nào dì cũng đãi chúng tôi ăn thỏa thê những món quà đặc biệt: nem rán, thịt quay với xôi, bún xáo măng… món nào cũng béo ngậy và thơm điếc mũi mà tôi thấy không ở đâu, sau này, còn tìm được những hương vị, những cảm giác dạt dào ấy.

Dì tôi vốn không biết chữ, mù tịt, không cả a cũng không cả b, nhưng bà có tài đếm tiền không bao giờ lầm lẫn. Chú Thi, là con nuôi ông bà, chú là người tá điền trung thành và là một phụ tá đắc lực bên cạnh dì mà chú cũng không biết đếm tiền nhanh và giữ tiền chắc chắn như dì. Đấy là dì không biết chữ đấy.

Có một lần địa phương khởi xướng phong trào chống nạn mù chữ. Họ kiếm chuyện đặt bảng hỏi chữ ở cổng chợ Giành. Ai đọc thông quốc ngữ thì đi vô ra chợ tự nhiên, ai không đọc nổi chữ thì phải quay về, khỏi vô chợ, hoặc cứ muốn vào thì phải chui qua lỗ chó chui. Dì tôi chịu thua, người lúng túng lùi xa bảng hỏi chữ, không mua bán gì nữa, đi về vậy!

Nhưng khi thấy mặt mũi chị em tôi thất vọng, bà dứt khoát quay lại lẹ làng chui để vào chợ. Tội nghiệp dì lúng túng, mặt hơi đỏ, kéo lê cái thúng đi chợ, lách, bò lọt qua lỗ hổng hẹp! Gần như phải bò. Hai đứa tôi vội vã chui theo, bám sát gấu váy dì y hệt hai con chó con níu vú mẹ. Vừa chui qua rào dì tôi cắp thúng đi vội vã, chị em tôi lẽo đẽo vừa chạy theo vừa nhìn quanh nhớn nhác sợ, mà sợ cái gì thì không biết! Chỉ biết hôm đó dì còn nặng túi tiền nhưng bà lơ là không có ý đãi tụi tôi ăn quà vồn vã y mọi lần. Kéo áo nhắc bà, bà nói lẹ ăn gì ăn đi, ăn mau còn về.

Hồi đấy, xa xưa, quê tôi Thụy Anh, nằm giữa vùng ảnh hưởng của Pháp và Việt Minh, gọi là vùng tề. Nhưng thật ra, ban đêm Việt Minh về kêu dân đi họp và đóng thuế cho mặt trận. Cũng có nhiều người theo họ vì lý tưởng quốc gia, sau nhận rõ Việt Minh tàn ác, nên rất nhiều người đi kháng chiến ban đầu đã bỏ Việt Minh, họ trốn về các thành phố như Kiến An, Hà Nội, Hải Phòng… gọi là dinh tê. Người dân vùng quê chịu một cổ hai tròng, ban đêm Việt Minh áp bức, ban ngày chính quyền Pháp bảo hộ lấy cớ truy quét Việt Minh, tổ chức cai trị làng xã, thị uy, đặt lý trưởng, thứ chỉ, tiên chỉ của mỗi đơn vị dân cư để kiểm soát.

Dân Việt Nam ở quê thời bấy giờ khó ngủ yên, ban ngày không được làm việc sinh hoạt bình thường. Rất nhiều lần, súng đạn hai bên giao tranh làm người dân phải rủ nhau đi tản cư lánh nạn, ít ngày tạm yên tiếng súng, người người lại rủ nhau lục tục kéo về làm ruộng rẫy để mưu sinh.

Giữa tình cảnh bất an đó, chú Thi tôi có lần khuyên dì, dì là chủ nhỏ trong nhà nhưng làm việc nhiều, dì có thể quyết định nhiều việc không thua ông hay bà và cả bố tôi, chú nhiều lần đề nghị:

– Hay là chị ơi, chị thưa với ông bà mình bán đi một ít vườn ruộng, bán đi ít nhiều lẫm lúa, mình mang tiền đó sang Kiến Sương, Tiền Hải lập một ngôi hàng xén buôn bán có lẽ hay hơn làm ruộng ở đây.

Dì lắc đầu phản đối:

– Tôi không biết buôn bán.

– Chị đếm tiền, giữ tiền giỏi, ông bà không tin tưởng ai bằng chị.

– Giữ tiền nhiều không hẳn là buôn bán giỏi, tôi yêu ruộng vườn, tôi thích sống ở làng quê.

– Ở quê, chị không thấy khổ sao? Thì đó, cả hai ông, ông Việt Minh và ông Tây có để yên cho chị cầy, bừa, cấy, hái không? Chị không thấy à… cái lần chạy loạn vừa rồi nhà ta đã xuýt chết hụt mấy lần.

– Tôi thấy, sợ lắm, mà thôi ráng chờ đi, ờ thì những thằng Việt Minh thì kiếm cách giết chết mấy thằng tây thực dân, rồi mấy thằng tây lại giết chết mấy thằng Việt Minh. Thứ đồ chết tử chết tiệt! Thôi cứ chờ cho hai đứa nó giết lẫn nhau, cho đến khi cả hai đứa đó cùng chết hết, chết cả đi là yên chuyện… 

- nhưng chị chờ đến bao giờ chúng nó mới chết tiệt… chúng nó có dàn trận đánh nhau lớn đâu mà chết hết đi cho mình sống yên. Thì chị thấy những lần đi chạy loạn tản cư đó đó, cái thằng bỏ mẹ Việt Minh lâu lâu rình cắn trộm thằng tây một cái, thằng tây điên lên nổi khùng bắn loạn xạ, đốt nhà chúng ta… chẳng thấy chết thằng V.M. nào cả, chỉ thấy chúng ta chạy trốn tan tác rồi khói lửa mịt mờ…Đúng là vậy, khi đồn bót tây bắn súng cối (ô bi / obus), đại bác lên các làng Việt Nam thì Việt Minh đã vắt chân lên cổ cao chạy xa bay rồi, chỉ có dân là hoảng sợ chạy loạn…

Chạy loạn hình như là chạy lung tung, vô hướng… chạy loạn là cái nghiệp dân của Việt Nam. Mới đầu cứ gọi là tản cư, đi giạt từ vùng nọ qua vùng kia… chỗ nào yên bình hơn là tới, ít ngày sau lại trở về, có những lần chạy kịp là may thoát chết, có những lần chạy không xong là có người bị bắt, bị bắn chết, trong làng lại có vài đám ma, lại buồn thiu ủ giột ít ngày…

Tôi cũng không hiểu sao, nhờ vào phép lạ nào mà chúng tôi còn sống đến ngày nay. Dì tôi cứ nói là có ông bà linh thiêng, Trời Phật cao xa che chở, chớ lần nào có giặc tới càn là chúng tôi cũng chạy sau hết mọi người vì dì tôi là người tham công tiếc việc nghe đồn có Tây lên, mà người còn thu vén áo quần, cho gà ăn, cho rơm vô chuồng trâu bò, cài then các kho lúa, v.v… Khi ba người chúng tôi thoát ra khỏi làng, đã nghe loáng thoáng tiếng súng “cắc bup” gần sau lưng, dì đi sau mọi người, mà cứ thấp thoáng nghe ngóng tình hình tạm êm êm là lò dò về trước, dì sợ nào ruộng quá khô phải gia công tát nước, mạ non quá cao mất nhiều ngày cấy. Vậy mà bà nói là bà không sợ cả Việt Minh lẫn Tây, bà chỉ sợ con trâu cái là vốn liếng của bà lỡ có bề nào mà bị chúng nó ngứa tay bắn lầm thì nguy!

Cứ thế, giặc giã, loạn ly, ruộng vườn giằng co theo năm năm tháng tháng. Cho đến một ngày nào đó ông bà tôi quá già yếu ra đi. Các cô tôi lần lượt về nhà chồng.

Năm 1950 cha tôi không lang thang nữa mà về quê sống. Ông cũng biết đi bó rạ, biết cuốn và cắt phơi thuốc lào, thuốc lá, gia đình tôi cũng có vài ngày hạnh phúc. Nhưng rồi cảnh ruồng bố bất an ở làng quê cứ tiếp diễn làm cha tôi chán nản. Sau tết nguyên đán 1951, người bỏ đi tay không, lặng lẽ qua Nam An, Cổ Cát, tìm đường ra Hải Phòng.

Tội nghiệp dì tôi luyến tiếc những ngày hạnh phúc vụt qua, người mở hầu bao lấy ra vài hào lẻ thuê người viết thư nhắn nhủ chồng:  “Em mong anh đi chín về mười…” đấy những lời thư kế mẫu tôi thiêng liêng là thế, mà mãi sau này tôi mới hiểu nó thật vô nghĩa với cha tôi. Ông cho là cải lương, ông không thích nghe, vì ông đã tìm thấy ở Hải Phòng nơi chân trời xa một hình bóng khác!

“Đàn ông họ tệ bạc quá!” Dì tôi khóc. Điều này tôi đồng ý với dì, tôi cũng khóc. Hình như tôi khóc nhiều hơn cả dì, vì dì là người đàn bà nhà quê, không có ý vượt qua lũy tre xanh của làng đi học i tờ thì làm sao dám ra thành phố tìm chồng, mà tìm làm gì khi người ta không còn yêu thương mình nữa? Thư đi hoài mà không có hồi âm riết rồi dì tôi chán và cam phận. Thỉnh thoảng dì la rầy tụi tôi bằng những lời vu vơ nho nhỏ.

Năm 1952, cha tôi cho người về đón tôi ra tỉnh sống với người. Những ngày đầu tiên ở phố phường, tôi rất khổ sở vì cảnh sống ràng buộc. Tôi khóc bao nhiêu ngày, ấm ức, tôi nhớ em tôi, nhớ kế mẫu, nhớ quê nhà, nhớ từ con đường đi lối về chợ, nhớ cánh đồng ngoài nội. Tôi từng khóc lóc xin trở về sống với dì và em. Cha tôi bảo: Không được, con đã lớn, con phải ở gần bố để còn đi học. Tôi năn nỉ ông mang cu em ra đây cùng đi học, mặt cha tôi đỏ bừng, người xuống giọng nhỏ nhẹ như xin lỗi: Bố cũng muốn như vậy lắm, mà không được mang nó đi, rồi dì con sẽ thương nhớ nó mà chết mòn mỏi. Tôi bệu bạo nói, cha mang dì theo luôn. Ông chỉ thở dài.

Tôi cứ việc khóc và nhịn cơm. Cha tôi khuyên can đôi ba lần không xong rồi bỏ mặc. Người phải đi làm việc. Khóc riết mặt mũi sưng vù rồi tôi cũng phải ngừng. Đói quá rồi tôi cũng phải ăn. Thế là hết, hết những buổi chiều vàng quê hương, hết chị hết em.

Tôi khắc khoải nhớ kế mẫu tôi và tôi cũng mất kế mẫu tôi từ đó. Trong giấc ngủ thị thành, tôi còn mơ thấy nụ cười đen nhánh của bà và tấm váy sồi theo gió đong đưa soàn soạt, như ở bên tôi.

Cũng trong những giấc ngủ thị thành tôi mơ tưởng mãi về một nơi xa xa, nơi có cây sung sây trái, nơi có cây khế nở đầy từng chùm hoa tím rung rinh. Tôi có lần còn nằm ngủ và thấy rõ ràng hai đứa ngồi chơi ở bờ ao, nghịch bèo rồi lộn nhào xuống nước, mặt nước có những vòng tròn với bóng hai con bọ ngựa tan loãng xa lần lần rồi mất tăm.

Thời gian qua mau không ngờ. Năm 1955 cha và tôi di cư vào Nam và không còn liên lạc tí gì với quê nhà. Chúng tôi sống ở Sài Gòn, cha tôi xây dựng lại cơ đồ, người có vợ khác và tôi có thêm nhiều em sau đó. Tôi lớn lên, đi học, đi làm việc, rồi tôi cũng có một gia đình riêng, hình ảnh quê hương ngày thơ ấu lùi xa dần và mất hút trong ký ức. Đôi lúc nhớ về người kế mẫu thương yêu, tôi kể cho chồng tôi nghe về bà, tôi còn đoan chắc là bà đã nhớ tôi nhiều lắm, tội nghiệp… Chồng tôi phán rằng: Nếu em ở lại quê với dì, em đã được mặt váy sồi, đội khăn mỏ quạ và đi gánh lúa hiên ngang bằng đòn càn…

Tôi lặng người hồi tưởng và chiêm ngưỡng trong lòng một giây, một bóng dáng nhạt nhòa thân yêu ngày bé.

*

Ngày 30/04/1975 Sài Gòn, cả miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt. Một số người ở miền Bắc và có cả người ở quê tôi, lần mò vào Nam kiếm thân nhân. Dân đi tập kết cũng về tấp nập. Một số người buôn bán thấy cộng sản chưa kịp ra tay siết họng, nên họ đi đi về về buôn hàng từ Nam ra Bắc.

Nửa năm sau ngày mất miền Nam, tôi còn ở lại đó đã được gặp em tôi. Chuyện gia đình thiêng liêng là thế mà cả hai chị em ngần ngại một điều gì, ít khi nói tới. Chúng tôi mừng rỡ được gặp lại nhau và chỉ nói toàn chuyện vu vơ, ngoài lề cuộc sống. Mãi sau em tôi kể rằng sau hiệp định Genève, chia đôi đất nước thì cuộc sống ở Bắc hoàn toàn thay đổi, từ ngoài xã hội tới trong gia đình. Gia đình em, dì và em tôi không còn trú ngụ được trong những gian nhà khang trang của ông bà nội nữa, may mà được cho ở trong chuồng trâu, cạnh nhà bếp, đàn trâu thì vào hợp tác xã. Còn cây nhãn lồng cạnh chuồng trâu còn sây trái không? Mỗi mùa nhãn có còn có chim khuyên đến nhiều không? Tôi thoát hỏi em.

– Chị rõ lẩn thẩn. Mọi thứ đã khác xưa rồi. Cây nhãn đó em chặt nó lâu rồi. Em đốn nó vào một đêm mưa bão. Tại vì mình không được quyền có nó nữa thì mình để nó làm gì. Kỷ niệm có ăn được đâu, em phá bỏ cây nhãn mẹ em thì tiếc ngẩn ngơ và mọi người cứ tin là gió lớn nó phải gẫy đổ. Còn chỗ vườn có cây kiểng mà ông nội mình trồng những cây vạn niên thanh thì chúng đã lãnh đủ một trái bom, chỗ đó giờ là một cái ao. Mẹ em vào làm nông cho một hợp tác xã làng, đó là nhờ chú Thi cậy cục xin cho. Nhà em neo người, có hai mẹ con, nên chưa phải đói lắm, chớ có năm thiên hạ xung quanh đói nằm ngồi la liệt.

Tôi tròn xoe mắt thán phục và em tôi cứ tiếp tục giải thích: 

– Mẹ em vốn thiệt thà, mà rồi hợp tác xã nhà nước khắt khe quá, nên bà ấy phải vụng trộm lấy lén từng nắm gạo giấu trong quần áo lót. Nhưng nếu chú Thi đong đếm mà cho lén thì bà từ chối vì sợ. Ngày ngày khi được một nắm, khi được hai nắm gạo mà nuôi em.

– Rồi làm sao mà nấu nướng mà ăn?

- Thì chiều chiều, chạng vạng tối tối, đợi thật trễ khi nhà trên họ đi họp hành, mẹ ngâm gạo từ chiều trong cái nồi nhỏ cho gạo nở ra là tắt đèn, nấu vụng, buông mùng, mẹ và em ăn cơm trong mùng, trong bóng tối và phải ăn ít ít. Lần nào em cũng được ăn trước, mẹ ăn sau, mẹ nắm và vắt cơm nho nhỏ, ăn chậm rãi như nhai trầu. Mẹ ăn và luôn nhớ tới chị, mẹ bảo mẹ đang ăn cái phần ăn nhỏ bé của chị.

Em tôi mô tả cảnh sống cơ hàn với nét mặt bình thản, nó đã quen rồi và cũng chẳng cần quan tâm gì tới nỗi xúc động nơi tôi.

– Thế không bao giờ nhà nước bán gạo cho dân sao?

– Có, nhưng rất thỉnh thoảng, người ta ăn khoai mì, khoai lang nhiều rất nhiều hơn gạo lúa, thế nên ở Bắc Kỳ người ta không cần tới cái rá vo gạo nữa!

Nó cứ kể lể lung tung, tôi phải ngắt lời:

– Mẹ còn khỏe không?

– Mẹ em trời thương, ít khi đau yếu. Cách nay chừng mười năm, vì bị mất đôi bông tai vàng, lại bị quy vào tội ăn cắp, bà tức uất lên, đau dài dài cả năm ròng.

– Mẹ khá nhỉ, lại còn có cả bông tai vàng ư?

– Ôi, chị nói vậy tại không hiểu chuyện thôi, ăn còn không đủ, làm sao mua vàng, vàng đây là đôi bông tai của bà nội từ xưa. Khi bà mất bà mang theo, sau này, người ta quy hoạch hợp tác xã, đuỗi nghĩa địa. Mẹ em sang cát cho bà rời đi nơi khác. Trong lúc mày mò tìm, người kiếm lại được vàng của bà nội. Mẹ em kín đáo lắm, chẳng ai biết. Mãi 20 năm sau, lo chuyện cưới vợ cho em, mẹ mang hai chỉ vàng vào tận Nam Định bán chui lấy tiền lo cho em, lần ấy, mẹ mừng lắm vì đã mấy lần mẹ đi hỏi vợ cho em rất khó khăn. Lần đi bán vàng mẹ tin là bà nội phù hộ, mà lại thất bại, vì bị công an tra hỏi tiền và vàng ở đâu ra? Mẹ khai thiệt và bị quy tội là lấy vàng của cải của nhà nước, bà phải nộp trả cho nhà nước và đi tù vì tội ăn cắp của công! Còn em, chị hỏi em làm nghề gì hả? Em làm thợ mộc, thợ bào lẻ tẻ để kiếm ăn, em là con nhà Việt gian, có bố đi Nam, em không được vào hợp tác xã nào cả, em cũng không được vào quân đội hay một ngành nghề gì.

Nhìn em và nghe chuyện nó kể tới đó, tôi thoáng thấy nó mất hết vẻ tinh anh của một người, một con người. Nó mất thần khí, buồn buồn, cái buồn hiu của một con người bị gạt hoàn toàn ra ngoài lề xã hội dù là một xã hội bần hàn rách nát.

Đợi cho em uống hết ly nước ngọt tôi đổi đề tài:

– Mẹ giờ già rồi, mẹ có nhắn gì không?

– À, mẹ em nói nếu vô đây mà gặp được chị, nói nếu chị có tiền thì mua cho mẹ ba mét vải. Phòng khi mẹ đi theo ông bà, có mà liệm.

– Vải mà làm gì… còn sống, lo ăn mà sống.

– Ở các thành phố, đô thị, người ta có chút tiền không biết sao, chứ ở trong quê nghèo, mỗi hộ chỉ có một cái chiếu cói. Liệm xác chôn xong lại rút chiếu về, để đến lượt người khác. Mẹ em không muốn thế, mẹ nói khi xưa có làm mõ cho làng cũng còn được chôn cất tử tế, ngày nay thời cộng sản, mới làm vậy, mẹ nói mẹ có tội gì đâu mà khi chết phải chôn trần.

– Ờ, ờ, chị sẽ mua vải cho mẹ.

– Chị này, mẹ em lạ lùng lắm, bà ấy cứ tưởng là bà ấy còn giầu có lắm. Đêm về, khó ngủ, mẹ lại nhắc với em nói với chị nếu có dịp nào còn gặp lại, là nhà mình còn ba chục mẫu đất bên Đầm Dơi, mười sào ruộng tốt ở giữa làng có bằng khoán ruộng chiêm, ruộng mùa bên Gồ Rơi còn đủ cả. Lạ là không bao giờ mẹ thấy được cái nghèo khó, đói khát cả bao nhiêu năm trời.

– Thế em gặp cha, thì cha, à mẹ có nhắn gì với cha không?

– Mẹ em không nhắn gởi gì với ông… Có gì mà nói nữa? Chẳng hiểu sao ngày xưa họ lại lấy nhau.

– Thì ông bà mình muốn thế, duyên nợ vợ chồng của họ ngắn ngủi quá.

Rồi chị em tôi cùng im lặng, không đứa nào muốn nói gì nữa. Chúng tôi cũng thấm buồn, cái buồn của một cảnh gia đình ngang trái, của một vận nước ngả nghiêng, rối bời, và của hết cả những cuộc đời dang dở. Trong cái bóng tối mờ mờ của một ngày sắp tàn, tiếng muỗi vo ve, chúng tôi ngồi yên lặng nhìn nhau, thoáng trong ánh mắt giao nhau như bùng lên những kỷ niệm xa xăm vụt hiện về vụt tắt.

– À, có một điều này, chị nhắc em mới nhớ ra.

 – Điều gì?

– Thì mẹ em nhắn với ba là cái mền sakymen* tháng rồi của cô Cả Đậu mang giùm từ Nam ra Bắc, nói là ba mua biếu mẹ. Nhưng mẹ nói đó không phải là quà ba cho mẹ đâu, mà là ba trừ nợ, vì gần nửa thế kỷ trước, có lần ba từ nhà quê ra đi, ba đã mang theo cái chăn dạ của mẹ. Mẹ bảo cái chăn đó của mẹ ấm lắm. Em chưa nói, em sợ làm phiền lòng mọi người trong nhà.

– Tôi đồng ý với em, thôi bỏ qua đi, đừng khơi lại chuyện cũ buồn lòng mà chẳng lợi ích gì cho ai.

Mà dì tôi là như thế đó, một người chân phương, giản dị, nhưng chắc chắn, chắc chắn cả với vết thương lòng thầm kín của bà. Bao nhiêu năm khói lửa chiến tranh, bom rơi đạn nổ, thương hải biến vi tang điền, lại bị xã hội cộng sản hà khắc đầy ải, dì tôi vẫn cố bám lấy quê chồng, với một lòng thủy chung nguyên vẹn.

Bà không quên được kỷ vật cũ, tấm chăn dạ ấm, đó là biểu hiện của hạnh phúc vợ chồng, một tấm tình thân ái nồng nàn của một quãng đời ngắn ngủi mà chồng bà đã lấy mất mang đi.-

* mền Sakymen do công ty Saigon Kỹ Nghệ Mền (?) gần Cầu Bình Lợi sản xuất. VC đã thay nhãn mới gắn vào tồn kho.

========================================================

Nam Việt, Saigon, để so sánh hình trên

=======================================

Wednesday, August 16, 2023

Giao chỉ và Cochinchine

 

từ Giao Chỉ đến Cochinchine

Tôn Thất Tuệ

Dưới đây là phần lược dịch luận văn Sur le nom “Cochinchine” xb 1927 Paris của Léonard Aurousseau (1888-1929) nói về danh từ riêng Cochinchine là tên của thuộc địa Nam Kỳ; bắt nguồn tử hai chữ Giao Chỉ. Cochinchine thời nay không thông dụng nhưng cần tìm hiểu vì được dùng rất nhiều trong sử địa bằng Anh và Pháp ngữ.Tác giả là giáo sư Hán Tự tại Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội. Ông đã đưa ra lý thuyết tổ tiên người VN xuất phát từ Bách Việt phía Nam sông Dương Tử nhưng chính xác hơn là từ bộ tộc Phúc Kiến; người Phúc Kiến và Lạc Việt có bà con huyết hệ. Đào Duy Anh đã dùng lý thuyết nầy để chứng minh nguồn gốc người Việt từ Phúc Kiến trong những tác phẩm cuối thập niên 1940. Tuy Đào Duy Anh gặp khó khăn trong thời Nhân Văn Giai Phẩm, lý thuyết nầy của ông được chính phủ công nhận là lý thuyết chính thức.

Luận văn về tên Cochinchine chỉ có giá trị trong phạm vi khoa địa dư và ngôn ngữ. Danh tự “Chine” trong bài và làm tiếp vĩ ngữ là một thuật ngữ địa dư và ngữ học. Điều nầy không xác định chủ quyền của Tàu vùng địa dư được gọi bởi thuật ngữ nầy. Tuy vậy Mao Trạch Đông đã dùng để vẽ bản đồ Tàu xuống đến Java, Sumatra, qua khỏi eo biển Malacca.

Danh từ Cochinchine, thuộc địa Đông Dương của Pháp, đã xuất hiện trong chữ nghĩa địa lý Âu Châu vào thời mà Đại Việt chưa qua khỏi Quy Nhơn và vào thời châu thổ Cửu Long còn trong sở hữu của Cambodia. Bản đồ và sách sử cho thấy danh tự nầy được sử dụng làm địa danh cho nhiều phần đất qua các thời đại khác nhau.

Cochinchine được biết nhiều nhất là tên gọi vùng đất miền Trung và Nam nước Việt, nơi tổ tiên nhà Nguyễn đã tạo dựng một vương quốc trù phú, khác biệt với các khu miền Bắc. Nguyễn Hoàng đã rời Thăng Long tháng 11 hay tháng 12 năm 1558. Như vậy, lịch sử vương quốc nầy không thế bắt đầu sớm hơn và nội dung mới của Cochinchine không thể ra đời sớm hơn.

Tuy vậy, danh xưng nầy đã ướm nở, thụ tạo trước lúc nầy, có nội dung khác.

Năm 1502, người Ý Albert Contino đã ghi Chinacochim trên một bản đồ tiếng Bồ Đào Nha để chỉ vùng đất ở cửa sông Hồng; và xuống phía Nam chút nữa, Contino ghi tên một cửa sông khác giữa miền Trung hiện nay là Champacochim (Tourane?). Từ ngữ căn Bồ, Cochinchine là lưu vực Hồng Hà, tức là Tonkin, Bắc Việt.

Từ đó cho đến 1515, giới đi biển Bồ không có một chi tiết địa dư nào về duyên hải Đông Dương ngoài những tài liệu của người Arab hay nghe các thủy thủ Arab kể lại. Albert Contino ở trong trường hợp nầy.

1503 một người Ý khác, Nicola de Canerio, đưa ra một bản đồ Á Đông và vẫn dùng những tên như Contino.

Từ những tự dạng nêu trên, Cochinchine / Quachymchyna được nêu ra hai lần trong bức thư của Jorge d’Albuquerque từ Malacca ngày 8 Jan 1515 gởi vua Bồ là Don Manuel. “những hàng hóa từ Chine, Cochinchine, Siams, đảo Liêu Châu …” – “những thuyền bè của Chine, của Quachymchyna.

Tác giả kê tên chung với các quốc hiệu khác như Tàu, Xiêm La, như vậy Quachymchyna hiểu là An Nam dưới triều vua Lê từ Lạng Sơn đến Quy Nhơn, đóng đô ở Trung Đô Phủ (Hà Nội).

Tháng 8. 1516, Fernao Perez đi thuyền vào vịnh Cocam chyna, tức là vịnh Hạ Long.

Năm 1525 Duarte Coehlo người đã đi theo bờ biển nhiều năm trước đã được Albuquerque yêu cầu vào sâu thám hiểm. Albuquerque đã trình vua Bồ rằng Duarte đã dò xét Cochinchine.

Rất nhiều bản đồ còn lưu lại trong các thư viện đều dùng Cochinchine để chỉ toàn xứ An Nam.

Nhưng đến 1615, Cochinchine mới có nội dung mới. Cochinchine là lãnh địa của Chúa Nguyễn. Cochinchine với nghĩa nầy lần đầu tiên xuất hiện trong một bản tường trình giáo sự của linh mục Jésuite Ý Christophore Borri. Một đoạn:

trích: Cochinchine, người Bồ gọi là Cocincina một phần theo tiếng địa phương, là vương quốc phía tây của Tàu; người Nhật cũng gọi là Coci, đều có nghĩa như người An Nam hiểu. Người Bồ đến buôn bán ở đấy qua trung gian của người Nhật, giao thương với dân tứ xứ. Do đó chữ Coci của Nhật được thêm một chữ nữa là cina để thành Cocincina có nghĩa là Coci trong vùng Tàu, ngõ hầu phân biệt với thị trấn Cocin ở Ấn Độ mà người Bồ lai vãng thường xuyên.

Cochinchine phía Nam tiếp giáp với xứ Chàm; phía Bắc giáp Tonkin, phía Đông là Đông Hải (Mer de Chine); phía Tây là vương quốc người Lai (Lào). Về nguyên tắc chính trị lý thuyết, lãnh địa nầy là một phần đất của vương triều An Nam đóng đô ở Thăng Long.

Cochinchine chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất, giáp tuyến cực bắc và nơi Chúa ở, gọi là Sinuuà (Thuận Hóa; về sau chia thành Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị). Thứ hai là Cacciam (Kẻ Chàm, Quảng Nam). Thứ ba là Quảng Ngãi; thứ tư là Qui Nhơn và thứ năm, cực Nam là Phú Yên. ngưng trích

Măc dù có vài sơ sót, đoạn văn nầy đáng chú ý vì nó xác định rằng vương quốc của nhà Lê vào đầu thế kỷ 17 chia theo Linh Giang (𤅷, Sông Gianh) làm hai phần. Phía Bắc là Tonkin, Bắc Việt có lãnh thổ từ Linh Giang đến biên giới Trung Hoa và Cochinchine từ Linh Giang đến mũi Varella, Phú Yên.

Linh mục Jésuite tác giả không biết Cochinchine là toàn lãnh thổ từ Nam chí Bắc của An Nam.


Cochinchine giữ giá trị mới thứ hai nầy từ 1615 đến 1882 với sự thay đổi là lãnh thổ nới rộng theo đà nam tiến của người An Nam. Và năm 1882 bối cảnh lịch sử thay đổi với sự thống nhất quốc gia và những biến chuyển gần kề trong thời các vua kế nghiệp Gia Long. Người Pháp đến chiếm cứ An Nam năm 1861 đã đảo lộn hệ thống định danh địa phương. Vì nhu cầu cai trị, chính quyền mới phải có tên gọi những lãnh thổ chiếm đóng khác với các vùng chưa bị chiếm. Những vùng đã bị chiếm nay gọi là Basse Cochinchine hay Cochinchine française. Phần còn lại là Cochinchine hay Tonkin.

Cuối cùng việc định danh bắt đầu 1883 và hoàn tất 1887. Tonkin giữ nguyên. Cochinchine chính gốc trở thành Annam. Basse Cochinchine hay Cochinchine française thành Cochinchine tên thuộc địa đầu tiên ở Đông Dương giữ mãi cho đến khi chấm dứt đô hộ mẫu quốc.  

 

Muốn đi tìm từ nguyên của Cochinchine, phải trở lui thời mà danh hiệu nầy là tên địa dư của toàn xứ An Nam với lãnh thổ từ Lạng Sơn đến Qui Nhơn. Vào thời ấy chủ quyền không vững chắc từ phía nam đèo Hải Vân. Do đó thực tế quốc gia được tổ chức có quy củ trong 12 trấn từ Lạng Sơn đến Thuận Hóa.

Những lần đầu tiên danh hiệu Cochinchine được nhắc tới luôn đi kèm với vịnh Bắc Việt, nơi duy nhất có những hải cảng an toàn và tàu cặp bến được. Hải thuyền đầu tiên là của người Bồ, thủy thủ Bồ là những người đầu tiên tìm gặp lưu vực Cochinchine. Trước đó vẫn có những kẻ phiêu lưu buôn bán nhưng không tạo nên một luồng giao thương đáng kể. Vậy Cochinchine từ 1505 đến 1515 là tên gọi vùng ven biển Bắc Việt có thể đặt chân đến.

Trước khi tìm ra mũi đất Cap de Bonne Espérance (Nam Phi) 22.11.1497, sự hiện diện của vương quốc An Nam đã được thông tri đến Âu Châu bởi Marco Polo vào thế kỷ 13. Tác giả người Venise đã cho xứ sở nầy cái tên Caugigu, theo cách người Tàu đọc Giao Chỉ Quốc, tên người Tàu đặt cho vùng Bắc Việt, khá lâu trước khi Marco Polo viễn du Á Châu. Danh tự nầy xuất hiện dưới một hình thức khác biệt đầu thế kỷ 14 trong cuốn sách về lịch sử xứ Mông Cổ của tác giả Ba Tư Rad Sid Adin. Đó là: Kafchekuo (Kiao Che Kuo, Giao Chỉ Quốc).

Danh tự Giao Chỉ đã được loan truyền vượt khỏi biên vực của Trung Hoa đến với người Âu Châu, người muslim để chỉ Bắc Việt và toàn thể vương quốc An Nam. Trong một thời gian rất dài từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 16, những nhà hải hành muslim (Ba Tư và Arab) đã xuôi ngược rong ruỗi Ấn Độ Dương và Đông Hải, giao tiếp với các bến tàu dọc bờ biển Đông Dương và biết thêm về nước Giao Chỉ.

Thế kỷ 13, nhà thảo mộc học Baytar Arab gọi các phần đất phía Bắc Trung Hoa là “Ma Cin” (la Grande Chine) tương cận với Phạn ngữ Cina Mahacina, tiếng Arab Cin al Cin (Chine des Chines). Học giả Qazvini (1203-1283) xem các đảo Viễn Đông kể cả Java, Sumatra thuộc vùng địa lý Cin.

Cũng trong thế kỷ 13, Ibn Said phân biệt rõ ràng ”Chine” (Cin) những lãnh thổ quanh bờ biển Đông Dương khác với Chine proprement dite (Tàu chính gốc, Cin al Cin) là phần đất từ eo biển Hải Nam trở lên phía Bắc. Người Arab dùng danh xưng Manzi (man tsue, Man Tử  ), để gọi Hoa Nam, là những phần đất dưới quyền cai trị của triều đại Nam Tống. Như vậy những lãnh địa Ibn Said đề cập dưới tên ‘’Cin’’ không liên hệ gì đến Tàu vì ở phía Nam đế quốc Trung Hoa và trên thực tế hoàn toàn độc lập.

Danh xưng Giao Chỉ được ghi rõ ràng nhất trong cuốn Muhit (Đại Dương) của đô đốc Thổ Nhĩ Kỳ Celibi (1554):

trích Hải trình ven bờ Viễn Đông như sau: Từ Singafur (Tân Gia Ba) đến Kanbusa (Cambodia); từ Kanbusa đến Camba (Chiêm Thành); từ Samba đến vịnh Kawsi (Bắc Việt). Các địa danh trong vùng đều thêm tiếp vĩ ngữ en Chine / en Cin như Kawsi en Chine (Giao Chỉ); Samba en Chine (chiêm Thành) Kanbusa en chinin (Cambodia), và nhiều nơi khác nữa. ngưng trích

Các ví dụ trên cho thấy các nhà địa dư muslim chia duyên hải Đông Á thành hai vùng:

Cin (Chine) từ bán đảo Mã Lai đến eo bể Hải Nam, gồm Đông Dương, Nam Dương, Mã Lai, Cambodia ….

Ma Cin (Grande Chine) từ Hải Nam lên hướng Bắc.

Dưới mắt các thủy thủ Arab, mọi lãnh thổ giữa Malacca và Hải Nam đều thuộc vùng địa lý ‘’cin” và họ dùng chữ nầy ghi thêm vào tên riêng các lãnh thổ khác nhau ấy. Đô đốc Celebi ghi ”Kawsi al Cin” năm 1551 ghi lại, chứ không do ông đặt ra; cuốn sách Đại Dương là một tuyển tập các tài liệu Arab đã có.

Châu thổ Hồng Hà và cả vương quốc An Nam được người Arab định danh là xứ Kawsi al Cin từ cuối thế kỷ 15. Đó là thời gian người muslim tương giao với người Bồ và chỉ dạy người Bồ biết các hải trình và tên các xứ ven biển Đông Dương và Ấn Độ Dương.

Trong số các quốc gia thuộc vùng ‘’cin” chỉ một mình Kawci còn giữ tiếp vĩ ngữ nầy; Campacin đã thành Campa. Nhưng Kawsicin vẫn giữ để phân biệt với vùng đất có tên giống vậy là Koci ở Ấn Độ.

Thành ngữ arab ‘Kawci min al Cin’ đúng là Kawsi de la Chine. Nay bỏ mạo từ, chúng ta sẽ có Kawsi min Cin (Kawsi de Chine). Người Bồ đã chuyển âm từ Arab để có danh tự Cochinchine. Trong danh tự nầy, âm ở giữa ‘in” có nghĩa là thuộc về, tương đương với ‘de’ trong Pháp ngữ.

Những lý do vững chắc về lịch sử, địa dư và ngữ học cho phép chúng ta tìm nguyên gốc Giao Chỉ của chữ Cochinchine, từ khi manh nhà là Quachymchina. Cochinchine qua các thời đại có nội dung thay đổi; thoạt đầu là toàn thể vương quốc An Nam, rồi đến Đàng Trong của Chúa Nguyễn và sau rốt là thuộc địa đầu tiên của Pháp trên phần đất cũ Nam Kỳ của An Nam.

Ngày nay (theo thời điểm xuất bản 1927 ở Paris), Cochinchine – sở hữu của Pháp, (possession française) gợi cho người Pháp ở mẫu quốc những cảm nghĩ khác nhau. Nhưng về lịch sử, danh tự Cochinchine nói lên thời sáng chói sức mạnh của khối muslim và hào quang hải hành của người Bồ Đào Nha, năm thế kỷ trước.- 

==========================================

Saigon ơi