add this

Sunday, August 27, 2023

tiếng Việt sinh ra tiếng Ai Cập xưa


 

Tiếng Việt đẻ ra tiếng Ai Cập mươi ngàn năm xưa; hiện ngụy chưa tề?

Tôn Thất Tuệ

Hình trên ngực áo, ít ai biết là một thánh giá, thập tự, croix, cross, truy nguyên đến các hiéroglyphe, chữ tượng hình Ai Cập thời tiền sử, đã thành thánh giá của một số chi nhánh Thiên Chúa Giáo. Đúng hơn là thánh giá có quai, có tay cầm, croix ansée / handled cross. Nhưng còn lạ nữa, ít ai biết hay dám nói do An Nam mà có. Đã hiện ngụy chưa tề?! Rứa mà một ông tướng trong quân đội thuộc địa Pháp đã viết:

"Ngôn ngữ nói của Ai Cập sáu ngàn năm trước Jesus không là thứ nào khác hơn là ngôn ngữ hiện thời mà người An Nam đang nói; ngôn ngữ nầy vẫn còn giữ đầy đủ nét nguyên sơ. Nghĩa các âm tự dịch từ những hiéroglyphe Ai Cập lâu đời nhất tương ứng đầy đủ với các âm tự mà giờ phút nầy người An Nam đang nói''.

''Giờ phút nầy'' tính theo lúc xuất bản 1905 tại Paris cuốn sách Les Égyptiens Préhistoriques Identifiés avec les Annamites d’après les Inscriptions Hiéroglyphiques của H. Frey. (Người Ai Cập tiền sử được nhận dạng nơi người An Nam theo chữ tượng hình Ai Cập).

Không biết bằng phương pháp nào, khoa ngữ học nói rằng một ngôn ngữ muốn có đủ khả năng diễn tả dễ dàng những ý tưởng trừu tượng phải cần 16…ngàn năm. Tin như vậy, chúng tôi mới cố sức đọc một cuốn sách phức tạp vừa nêu, cũng như tin cùng Abel des Michels rằng Lạc Việt đã có lối ký tự theo hình rất lâu trước khi Sĩ Nhiệp xóa bỏ để áp đặt chữ Hán. Mới đây, khảo cổ tìm ra tượng Phật chạm theo kiểu Ấn Độ tại vùng biển Ai Cập; địa điểm nầy con giữ những lu nước nắm (garum) gần hai ngàn năm.

Nếu các sách của người Pháp khác gây khó khăn vì Hán Tự không thể chuyển qua Hán Việt abc; cuốn nầy của ông tướng H. Frey không có một chữ Hán nào để giúp biết thêm các chữ Việt ông phiên âm không rõ ràng, không có dấu, cũng như không có Hán Nôm. Khó khăn nầy trầm trọng hơn việc quá nhiều chữ Tàu. Đáng buồn đáng trách vì những sách xưa hơn phiên âm tiếng Việt đầy đủ các dấu như Michels và Chaigneau.

Chữ Việt trong nguyên bản sẽ được đặt trong các ngoặc vuông [ … ]. Ví dụ [sao-tho] sau đó chúng tôi dự đoán theo nghĩa tiếng Pháp là sao Thổ. [Mou] mù; caché, obscure.

Các phương tiện Frey dùng gồm: Ai Cập học (égyptologie), cách phát âm (phonétique) và nhân chủng học.

Bước đầu trong việc chứng minh sự đồng dạng giữa Ai Cập và Annam là tên của vị thần số một thot và tiếng Việt [tho, to] với nghĩa đầu tiên là mặt trăng (?) con thỏ (chữ Tàu là thố), rồi đến đất (thổ), rồi đến thờ cúng (thờ). Thot là cha các vị thần, tạo ra bản chất các vị thần, tạo ra muôn loài muôn vật, tạo nên sự vật và sự việc. Thot là thần mặt trăng. Hình tượng của Thot trong các bảo tàng viện là một hình người có đầu là con chim ibis, chim dang mỏ dài, đi trong nước cạn tìm mồi. Phía trên đầu có một hình tròn bên trên một hình trăng lưỡi liềm. Không có ghi ký gì trong dĩa tròn nầy. Nhưng ở một cái dĩa tròn như vậy trên đầu tượng thần Khons có chạm và có màu trắng hình một con thỏ; Khons cũng là một vị thần mặt trăng như Thot. Biểu tượng man sơ của Thot và hầu hết các vị thần khác là cây gậy chăn thú vật, đầu mút phía trên chạm đầu thỏ.

Chim dang (ibis) được tôn thờ theo Thot và có tên gần giống là thouti; không có phát âm nào giống trong tiếng An Nam nhưng tiếng Khmer đều dùng mẫu tự T làm tên các loại cầm: gà, vịt, công, trĩ ….và người Tàu có ‘pi ti’chim bắt cá.

Thần Thot là nguồn thông minh sáng tạo những thứ hay đẹp như thi văn, là phát ngôn viên cho đấng chí tôn tuyệt đối của vũ trụ. Về phía An Nam thì có [tho], thơ tức là văn chương thi phú, hội họa; [to] tỏ là hiểu; [thouc]: thức, hiểu biết sâu rộng; [thai] thầy giáo; [thot, thouyet) thốt, thuyết: nói ra lời; [tai] tài, người tài, hiểu biết văn học ….

Các sắc dân nguyên thủy tôn thờ thần Thot cũng thờ sao Saturne, người An Nam gọi là [sao-tho] sao Thổ. Những sắc dân Ai Cập thường được gọi theo vị thần họ tôn thờ, tức là ở Ai Cập có những sắc dân Thổ. Trên xứ An Nam có rất nhiều sắc dân gọi là Thổ như Thái, Mán, Lolo, Mèo … tiếng An Nam có danh từ thổ ti, thổ hào là một hương chức.

Sự tương cận tương hợp thứ hai sẽ được tìm thấy trong “Ba Ngôi” xứ Thebes. Ba Ngôi của Thebes gồm có:

- Amon (Ammon, Amoun) là Cha, là Nguyên Tắc.

- Mouth, với danh hiệu cao nhất Tha Moun; là Mẹ, tức là Hành Động

- Khons, Con, tức là Hiệu Ứng, kết quả.

Amon-ra thần mặt trời

1.- Amon là Đấng Tối Cao, sức sáng tạo vĩnh cửu, là Một, là nguyên tắc sinh thành bản thể. Có nghĩa là bí mật, huyền nhiệm, không thấy được, bị che khuất. Amon luôn kèm theo chữ ‘ra’, mặt trời. Amon-Ra là Đấng Tối Thượng, ngọn đuốc của thế giới, đấng sáng thế, tức là Dieu.

Hình chữ tượng hình của Amon Ra luôn là một hình người có hào quang đỏ tượng trưng uy quyền, tay cầm cây gậy có chạm đầu con thỏ. Con vật biểu tượng của Amon là dê núi (sơn dương).

Amon, Amoun viết qua tiếng Việt sẽ là [am-mo / am-mon / am]. [am] ám, âm là tăm tối, huyền bí, bị che khuất, hoàng hôn…[mo] mộ là đêm, mồ mả. [Mou] muội, hay mù: che khuất, màu đen, u tối. [Mot], một là duy nhất, là một; [mou, mao] mũ mão: khăn quấn, mũ, vành hoa tượng trưng uy quyền.

Tính cách đặc biệt huyền bí của Amon nằm trong chữ [am] âm, trong trạng thái ngưng nghỉ, thấp, bí ẩn; yếu tố “âm” trong cặp âm dương.

Tha-Moun tranh mới

2.- Mouth, là mẹ như tất cả các chữ mẹ trên thế giới có vần M, An Nam mẹ. Tha-Moun là tước hiệu của Mouth, như người mẹ lý tưởng, có sức sinh thành như amon. Tha Moun tương cận với [the] thê, vợ; [theo] đi theo, vâng lời, vâng lệnh; [thi] thị, phái nữ; [than mou] thân mẫu; [mou] mụ.

3. Khons, ngôi thứ ba, thường có bín tóc ở vai, tượng trưng tuổi trẻ, là con. [Con] ai mới học tiếng Nam đều biết là “fils”, rất gần với ‘Khons’. Lắm khi khons thành skhon; âm đầu S chính là tiếng Nam [sue] sự: sự việc, sự vật, những cá thể, như các hiệu ứng trong ý nghĩa của Khons.

Như trên đã nói, danh từ thần Amon luôn có ‘ra’ đi theo, mà ‘ra’ là mặt trời, nguyên tắc sinh thành của mọi vật. Tiếng Nam [ra] có nghĩa là đi ra, sản xuất, phóng phát. Ra đi theo [sanh, sinh] để tăng sức mạnh của việc sinh tạo; giống như Amon-ra. Ra theo nghĩa mặt trời đã được nêu trong các vị thần thờ phụng của nhiều dân tộc trên thế giới. Ra cũng là âm chính đưa đến sự chiếu sáng như [rang] rạng; tiếng Pháp radiant, rực rỡ sáng chói.

Đến đây, ông tướng thuộc địa trình bày tương cận thứ ba theo các vị thần Ai Cập. Trước khi duyệt các vị thần, Frey nêu hai trong bốn vị thần đưa ma (tang điếu) mang tên Hâpi và Amset. Về phía An Nam có [ha]: hạ dưới, chỗ thấp; [hac] hắc, đen, xấu; [phi] không thực; đồng thời [sat] sát là giết hại; [sat] sắt, kim loại làm vũ khí. Ngoài ra, như đã nói, [am] âm, ám là bị che khuất, bí mật; [set]: sấm sét – tiếng Ai cập seksek là hủy diệt, tiêu diệt.

Hathor, nhân cách hóa đêm tối sáng lập thế giới, tương xứng với [ha] hạ bên dưới và [toi] tối đêm tối.

Anouké hay nữ thần Vesta tương ứng với [nou] nữ, đàn bà.

Linh hồn tiếng Ai Cập là ‘khou’ gần như chữ ‘Khouei’ của Tàu chỉ những thành tố tế nhị tâm linh đã rời thể xác để trở về gốc cội. Ấy là do [khoi] khói của người Nam.

Tiếp theo, tác giả đã dùng vocable, các âm vận, của người Nam so sánh với các vocable Ai Cập thì sự tương đồng vô cùng rõ rệt. Từ đó có đủ mọi danh từ mọi khía cạnh của cuộc sống, từ vật chất đến tâm linh. Từ con gà, con chim đến thần thánh, ông bà tổ tiên, chính quyền, từ con dê cho đến tên gọi mùa thu. Những vocable nầy đem người đọc đến Armenia, đến Hy Lạp, đến Nga để tìm hiểu con nhộng tằm nhả tơ, vì sao tiếng Anh tơ lụa là ‘silk’.

Tơ lụa sẽ được bàn ngay đây, để hiểu ‘linh bạch’, nghĩa đen là hồn tơ. Chúng tôi bước vào chương nói về sự tương cận trong ý nghĩa các vật dụng của hai dân tộc. Khá lý thú khi bắt đầu với cây gậy của Địa Tạng Bồ Tát!!!

Địa Tạng Bồ Tát

Tích trượng rất quen thuộc trong PG. Tích trượng luôn đi theo hình ảnh Địa Tạng Bồ Tát. Ngài nguyện chỉ thành Phật khi không còn một linh hồn nào bị giam cầm trong địa ngục. Frey kể đúng như trong Phật học, Địa Tạng Bồ Tát mở cửa âm phủ bằng cách nện tích trượng xuống đất thì địa ngục mở ra. Ông nói các sư An Nam mang tích trượng như cây gậy người Tàu gọi là gậy Phật, và làm lễ mở cửa địa ngục vào ngày cúng Tết.

(Sách chỉ có một trang vẽ duy nhất gồm những hình vẽ Fig 1, 2, 3 …)

Fig 1. Cây gậy này phía trên là một hình tròn nhỏ kèm các vòng khuyên. Frey không nói rõ là 12 vòng như thập nhị nhân duyên. Bên cạnh những vòng khuyên nầy có móc một dải lụa hay vải trắng thắt thành một nơ bướm, thả thòng hai đầu như hai tà áo.

Fig 2: [hon bach ou linh bach] hồn bạch / linh bạch  靈 帛

Kỷ yếu về tang lễ xưa của người Nam có ghi: Để tạo thành ‘linh hồn tơ” (l’âme de soie), lấy một dung lụa hay một dung vải trắng, dài bảy thước mộc, đặt trên bụng người hấp hối. Khi người nầy chết, lấy dung tơ nầy làm biếu người chết một nút thắt thành hình người có đầu, hai tay và hai chân”.

Fig 4, 5 và 6: hình thập tự có tay cầm, tiếng Ai cập là ankh. Ba hình nầy và các hình 1 và 2 của An Nam đều mô tả hình dáng con người. Tiếng Nam [anh] cho chúng ta biết thêm nhiều hơn. [Anh] ánh, bóng chiếu, ombre; ảnh: diện mạo, sự giống nhau.

ankh, chữ thập có tay cầm

Về phần kh trong chữ ankh, đó là [khi]: hơi thở, không khí, linh hồn, sự giống nhau. [Khi-am] khí âm là mờ tối. Vòng là một vật, mặt trăng, bị che mờ, là một tinh thể đang lúc tàn lụi, như buổi cuối đời, là sự chết. Linh hồn xuất phát tự chữ khí, kh, người Tàu bắt chước và gọi là kh-om (khảm?) với ý nghĩa choạng vạng, mặt trời mây che tối, chung cuộc, hết sống. [Hon thue] hồn tử? là linh hồn người chết chui vào bóng tối dưới giường, chui xuống đất ba ngày trở lại vùng không khí. (mở cửa mả ba ngày???).

Ankh, thập tự có tay cầm, là lá bùa, là hình ảnh mà linh hồn chui vô trong đó để thành một thế thân của người chết. Đó chính là hình ảnh ‘linh bạch’ của người Nam thắt thành hình người. “Người bằng tơ vải nầy” được đem theo đến mồ rồi đem về nhà trở lại, đặt trước một bài vị, hồn tơ nầy chui qua bài vị, người ta đem chôn người tơ. Từ nay bài bị là thế thân của người chết; đi đâu người sống cũng mang theo mà thờ, thay cho xác thịt xương cốt tổ tông vẫn ở quê xưa không đem theo được.

Cuối chương vật dụng và trước khi có kết luận chung về phương pháp luận tác giả Frey kết luận tạm rằng:

1.- Chữ thập có tay cầm chắc chắn bắt nguồn từ linh bạch, linh hồn tơ lụa, l’âme de soie mà người An Nam đã truyền cho hậu nhân (les rejetons) Ai Cập và Éthiopie. Các croix / cross nầy được đeo vào cổ các xác ướp bằng một sợi dây chuyền quanh cổ. Ngày nay theo lối nầy, người Thiên Chúa Giáo đeo thánh giá với hình tượng Jesus hay các huy chương tòa thánh cấp. Dấu hiệu nầy thể hiện theo tập tục thông thường của nhiều bộ lạc xưa trong nhóm Thái và Lạc Việt, xâm lên trán (Sách Lễ Ký ghi tập tục điều đê của Việt Thường).

Ở kía cạnh khác, tập tục xâm nầy mang ý nghĩa tôn giáo, một đức tin. Sự phát hiện linh bạch là một dấu hiệu văn minh hơn so với tín ngưỡng trước kia là thiêu xác, chết là hết, vất bỏ. Hành vi nầy (incinération) khác với hỏa táng (crémation). Cải cách nầy sinh ra nhiều xung đột, do đó những người có đức tin mới đã di dân, đem đức tin đến cho dân tộc Ai Cập và Copte ở Bắc Phi.

2.- Những nền văn minh danh tiếng như Do Thái, Hy Lạp, La Mã, Gaules..chỉ là con nít mới sinh hôm qua nếu đem so sánh với nền văn minh Ai Cập. Mà Ai Cập là con gái đầu lòng của một nền văn minh tiến bộ vượt bực, đó là dân tộc Tai-An Nam. Dân tộc nầy, từ xưa đến nay vẫn nói một thứ tiếng, giữ nguyên các âm vận. Tinh túy của nền văn minh ấy là sự tin vào tính cách trường tồn của linh hồn, tin đó là bản chất linh thiêng và là nguyên tắc vận hành của vũ trụ. Thân xác trở về đất và tinh thần trở về gốc cội; sự phục sinh xẩy ra ba ngày sau khi chết.

Trên đây là kết luận của một chương nhưng chúng tôi xem là kết luận chính về sự tương đồng giữa Ai Cập và An Nam. Kết luận chính của cuốn sách rất dài nói nhiều về phương pháp luận.

Trong kết luận nầy Frey nhắc đến một tác phẩm của chính ông đã xuất bản: L’Annamite, mère des langues: tiếng An Nam, mẹ của các tiếng nói khác và một quyển khác đặt tiếng Việt vào gia đình ngôn ngữ Á Đông. Chúng tôi không thấy trên internet, không hiểu ông có làm khổ người đọc với việc phiên âm không dấu, không kèm Hán Tự hay chữ Hán Nôm.

Sự thiếu sót nầy không làm cho tác phẩm chúng tôi giới thiệu mất hết giá trị. Les Égyptiens …là một cuốn sách vô cùng hấp dẫn tuy làm nhức óc, đối với một người Việt là chúng tôi, và có thể hấp dẫn với các nhà ngữ học. Để giải trí không mà thôi, độc giả sẽ du lịch từ vài âm vận (vocable) An Nam đến mặt trăng lưỡi liềm của giáo chủ muslim, đến cây gậy của Giáo Hoàng với một hình thức khác của thánh giá, đến chim ưng, hay đầu gà đít vịt xứ Khmer. Du lịch từ “con” đến “khons” ngôi vị thứ ba trong tam tài, cha mẹ con, rồi đến “son” Anh Mỹ Thụy Điển, “sohn” Đức Quốc. Cuốn sách đem lại cái nhìn khái quát về cái om, cái nồi, cái nôi của văn minh cổ sử của gần nửa trái đất nếu bỏ văn minh Ấn Hà và Phạn ngữ. Nhưng hấp dẫn trong ý thức tình người, cho thấy xưa kia các dân tộc gặp nhau dễ dung hợp, chia nhau quan niệm sống chết; thể như Lão Tử nói chuyện với Thích Ca và Socrate mà không dùng cell phone, Ipad…

Thực tế hơn, cuốn sách của Frey nêu ra nhiều vấn đề từ cảm tính cho đến phương pháp luận.

Nhiều học giả Pháp từ khi mở đầu bảo hộ đã ca ngợi VN về nhiều khía cạnh, trong vị thế VN là vật sở hữu của Pháp (notre possession), cái gì của mình lại không đẹp? Về ngôn ngữ, tiếng Việt khác gốc với tiếng Tàu, anh Tàu xưa nay lấy thịt đè người. Có thể cái nationalisme nầy ảnh hưởng đến bây giờ, mọi thứ từ PG cho đến lúa đều do VN ta đưa qua Tàu. Bỏ qua cảm tính ấy, bỏ cái sensitive ấy, cuốn sách của Frey nên được nhìn thực tiển hơn, xem nó có giá trị đến mức nào.

Nói về mấy ngàn năm trước Jesus, Frey gọi đó là đêm dài lịch sử cho nên nhiều lần ông nhắc đến chữ “conjecture” là ước định, định thuyết nhưng ông nghiên cứu như một conjecture toán học của Poincarré để xem ngôn ngữ Ai Cập là con đẻ của tiếng Nam; tiếng Nam là mẹ của mọi thứ tiếng; ít nhất đứa con nầy đã đẻ thêm nhiều từ ngữ như radiant, jovial, joie… từ chữ ‘ra’ của VN trong nghĩa phóng chiếu.

Khi nào trích dẫn chữ Tàu, Frey đều nói rõ là chữ Tàu. Những chữ khác là tiếng Nam, langue annamite. Những tiếng Nam nầy gồm nhiều từ ngữ mà người Việt xem như chắc mẫm là của Tàu, ví dụ “âm dương”. Dù phiên âm là “am-deueung”, Frey đã trình bày cặp nầy đúng như người Tàu trình bày Kinh Dịch, ông nói rõ là femelle / mâle; vài nơi mang ý nghĩa thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng. Vài ví dụ khác: [khi], khí; [mo] mộ, đêm; [kham] khảm che khuất.

Sách của Frey không có phần nguồn gốc tiếng Nam. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ tác giả suy tư giống như Abel des Michels, không thể phân biệt chữ nào gốc Tàu hay gốc Việt. Có thể trong hai tác phẩm khác, Frey đã chứng minh tiếng Tàu mượn danh tự và ngữ âm (vocable) của người Việt Thường.

chữ thập của Giáo Hoàng như chữ chủ
Về cái tích trượng Địa Tạng, nó được gọi là một pháp khí bên cạnh chuông mõ, lịch sử của nó quá ngắn so với lịch sử tiếng Ai Cập nhưng lúc sinh thời, Phật Thích Ca đã dùng tích trượng, biểu thị sức mạnh của giác ngộ mà Ngài nói giáo lý của Ngài không có gì lạ, chỉ tiếp theo tam thế chư Phật, như vậy tích trượng có thể dùng để giải thích thánh giá có tay cầm và đưa đến việc giáo hoàng dùng tích trượng riêng với biến thể của chữ thập.

Frey cho rằng biến thế nầy là do lối viết của người Việt mà ông vẽ ra và gọi là chữ chủ (fig 12); giống như chữ chủ, chúa của Tàu: . Phải chăng Frey cho rằng chữ Nam cũng viết như vậy. Rất tiếc chúng tôi hoàn toàn không biết chữ nôm.

Giới hạn hiểu biết của chúng tôi về ngôn ngữ làm cho bài giới thiệu nầy có rất ít giá trị. Chúng tôi chỉ chép lại [tha, to] có nghĩa là mặt trăng, không biết vì sao gọi mặt trăng. Cũng như không biết chữ Tàu Khuoe là chữ gì, đọc ra sao viết ra sao, nó sinh ra chữ ‘’khói’’ hay chữ ‘’khói’’ sinh ra nó. Rất mong chư vị chỉ dẫn.

Bài đã dài, Word cho biết đã 3.500 chữ. Tuy vậy xin lèm bèm mấy câu.

Không thể xác quyết tiếng Ai Cập ảnh hưởng tiếng Việt hay tiếng Việt đẻ ra tiếng Ai Cập. Tuy nhiên sự tương đồng giữa hai ngôn ngữ là điều tin được. Tương đồng nầy không ở trong những chỗ cục bộ mà ở khắp nơi trong hai ngôn ngữ. Hai ngôn ngữ chính là đời sống văn hóa và xã hội của hai dân tộc. Từ thần thánh, anh linh cho đến con gà con vịt, cho đến cái nịt cái đai. Giải thích vì sao áo chế VN dùng màu trắng, vì trắng như mặt trăng. Hồn tơ, linh bạch chuyển qua bài vị thờ tổ tiên; giải tơ thắt hình người, đi kèm những dung vải quấn quanh xác chết để cho tay không rời thân trong việc liệm của người Nam đưa đến việc quấn vải quanh các xác ướp Ai Cập.

Frey đã quảng diễn âm dương như luật vận hành tìm thấy khắp kinh điển Ấn Giáo, Do Thái, Muslim... Và ông nói hai chữ nầy là chữ Nam. Như vậy có nghĩa thuyết âm dương do người Nam đưa ra. Chúng tôi nghĩ vớ vẩn. Nhiều người đã giải thích câu nói của Khổng Tử, “ngã thuật nhi bất tác” Ngài chỉ chép mà không sáng tác, có nghĩa Khổng Tử chép (cọp dê, copier) của người Việt mà viết thành tứ thư ngũ kinh.

Chúng tôi ở trong tình trạng á khẩu / dumbfounded / abasourdi.

Chúng tôi mong quý vị đừng cho lời giới thiệu nầy một giá trị nào đó vì chúng tôi không thể hiểu hết cuốn sách vô cùng phức tạp nầy tuy chỉ 100 trang ngoài.

Xin quý vị đọc nguyên bản tiếng Pháp để làm cuộc viễn du trong thời gian và không gian, lên đến mặt trăng trên đầu thần Thot, xuống địa ngục thấy Bồ Tát Địa Tạng gõ tích trượng mở cửa âm phủ, qua Luân Đôn hỏi ông giáo sư: Dear Sir, should I say ‘’con’’ or ‘’son’’?.---

Xuất xứ (xin download): Les Égyptiens Préhistoriques...

===============================================
cây xăng Shell, Saigon

=========================



No comments:

Post a Comment