add this

Friday, September 29, 2023

HCM phá hủy văn hóa dân tộc

 


HCM huỷ hoại văn hoá VN

Lê Bá Vận, GS Y Khoa Saigon Huế

Chúng ta kẻ viết ‘quí vị‘, người viết ‘quý vị’, song chẳng ai tùy tiện viết ‘quí vỵ’

Một quyết định của bộ Giáo Dục năm 1984 dùng nguyên âm /i/ thay thế nguyên âm/y/ trong các âm tiết mở, theo quy định là phải viết i ngắn: kĩ (thuật), lí (thuyết), mĩ (thuật), hi (vọng), (nghệ) sĩ…

Hiện tại cách dùng nguyên âm /i/ tràn lan chỉ được thấy trong các sách giáo khoa và các công bố khoa học.

Dân chúng phần đông, báo chí và ở hải ngoại tiếp tục dùng cách viết cũ, quen thuộc.

Cách trên nửa thế kỷ tôi luôn viết ‘bác sỹ’, khoảng 20 năm nay tự nhiên tôi viết ‘bác sĩ’.

Nhưng tôi không tài nào có thể viết ‘Nam Kì, nhà Lí, lí trưởng’ dù trong hoàn cảnh nào.

Vì tôi đã quá quen thuộc với “quân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, Lý Chiêu Hoàng... và  Lý Toét, Xã Xệ” trong tuần báo Ngày Nay.  

Năm 1998 Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang Đức phán quyết do không có điều luật nào cai quản chính tả nên ở ngoài học đường, mọi người có thể viết chính tả theo ý mình thích.

Tuy vậy, mỗi người biết tự trọng đều cố gắng viết đúng như mọi người, không quàng xiêng.

@

Bản Di Chúc của Hồ Chí Minh là một ngoại lệ, là mô hình của chính tả viết theo ý mình thích, được HCM soạn thảo,  từ năm 1965 đến năm 1969.

Chưa vội bàn đến nội dung di chúc, HCM danh nhân văn hóa, có lối viết chính tả… lạ mắt, ngược đời, (không có ý niệm về văn hóa?)

Di chúc viết tay, sửa chữa rồi đánh máy, bắt đầu là:

Việt nam zân chũ cộng hòa

độc lập, tự zo, hạnh fuc

”Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu oc vẫn rât sáng suôt, tuy sưc khỏe có kém so với vài năm trươc đây.”

và kéo dài mấy trang, chính tả rất độc đáo tại nhiều điểm:

1.-  Không tôn trọng các dấu thanh hỏi ngã.

HCM mọi chữ là đánh dấu ngã, thỉnh thoảng lắm mới là dấu hỏi, khi viết.

Những chữ thông dụng nhất: “ở, của, phải…” viết cũng sai dấu.

Viết sai một vài chữ còn khả thứ, vô cảm hoàn toàn với dấu hỏi ngã – một kho tàng đẹp đẽ, phong phú, quí báu của ngôn ngữ tiếng Việt – là điều không thể chấp nhận đối với một “danh nhân văn hóa  đất nước” mà đã từng sống ở hang Pắc Bó, miền Bắc, đến lúc qua đời năm 1969, tai nghe luôn tiếp xúc âm thanh trầm bổng hỏi ngã của giọng Bắc.

Không tôn trọng các dấu thanh hỏi ngã khiến người đọc rất tiếc cho công trình của tác giả.

2.- Không phân biệt d gi, Hồ Chí Minh nhất loạt thay thế bằng z : zân, zo, zai câp, zữ zìn...làm nghèo nghiêm trọng tiếng Việt.

Tiếng Việt ‘dày mỏng’ khác ‘giày dép’, không thể đánh đồng viết ‘zày’. Lỗi này rất nặng.

Xét việc, thực tình tôi chưa thấy HCM danh nhân văn hoá là ở chỗ nào!

3.- Không viết ph, thay thế bằng f: fãi fuc vụ, fân fối, fụ nữ.

4.- Không viết ngh, thay bằng ng: ngĩ ngơi thay vì nghỉ ngơi, chủ ngĩa, ngề ngiệp.

5.- Không viết dấu sắc ở các từ tận cùng bằng c, ch, p, t (tắc âm): cac cụ, cach mạng, khăp 2 miền, gop phần, zup họ, đói ret, hêt sưc... điều này quái dị, khó tưởng tượng.

6.- Không đặt dấu thanh đúng trên nguyên âm đôi: lúc thì “Tòan Đãng, toàn dân đoàn kết” lúc thì “Toàn Đãng, tòan dân đòan kết”… (đánh máy trên máy đánh chữ xưa, có dấu thanh).   

7.- Không viết đủ chữ, mà viết tắt: ng. =người, th. niên= thanh niên, Trg quôc= Trung quốc..

8.- Tuy nhiên về chính tả /i,y/ thì HCM viết theo lối cũ: Chống Mỹ, hy sinh, kỹ niệm, dùng /y/ thay vì /i/, chỉ sai dấu hỏi, ngã.

Di chúc HCM được công bố cho toàn dân, được lãnh đạo Đảng suy tôn là văn kiện lịch sử vô giá của Đảng, nhà nước và nhân dân VN, một hiện tượng văn hóa kỳ diệu, thì chính tả cần thận trọng, tôn trọng nhân dân, người đọc.

Với một lãnh tụ có tư cách (?), một danh nhân văn hóa thế giới (?) thì lại càng phải hoàn hảo.

Bằng không thì di chúc chỉ là một hiện tượng chính tả kỳ quặc, một trò hài, khinh bạc dân tộc, phá hoại văn hóa.

Đến nay vẫn chưa hiểu tại sao và từ bao giờ Hồ Chí Minh có lối viết chính tả lạ thường như vậy.

Dù sao, dùng f, dùng z. không phân biệt hỏi ngã… thì được thấy rõ ở tiếng Trung Hoa.

HCM học vấn dở dang, văn hóa tầm thường... thì dương danh tất trông vào giảo hoạt thiên phú.-

Xuất xứ: ykhoahuehaingoai

 

Bản thảo đánh máy “Tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1965 câu cuối đọc:

Tòan Đãng toàn zân ta…xây zựng một nươc… độc lập, zân chũ và zàu mạnh, và gop fần xứng đáng vào sự ngiệp cach mạng thế zới . /.  Hà-nội, ngày 19 tháng 5 năm 1965. Hồ Chí Minh.

==============================================

Cống Cầu Kho, Huế

====================================




 


Wednesday, September 27, 2023

 

    bìa do Phi Hùng vẽ

và có thêm nhà sách Tân Hoa

Tôn Thất Tuệ

Tôi hay đùa mỗi khi muốn xá óa là ra Lăng Ông Bà Chiểu xin một keo sấp ngửa. Nhưng hôm nay tôi bốc thăm chọn một trong hai tờ giấy vày vò mang tên Tân Hoa hay Gia Long, tôi bốc trúng Tân Hoa. Số là như vầy, năm lên lớp nhì, tôi mượn cái áo mưa dầu (nylon) thay cái tơi lá lè kè, đi từ Bến Ngự qua Tam Tòa Thượng Tứ xin các anh chị con bác đủ tiền mua cuốn sách toán của Trần Tiếu. Từ đó ra cửa Đông Ba lên Ngả Giữa mua cuốn sách, không nhớ mua ở Gia Long hay Tân Hoa, không nhớ vì cuốn sách bị mất cắp ba ngày sau. Hôm nay tôi bốc thăm và kết quả Tân Hoa. Linh ứng thần bí có lẽ vì tôi vừa đọc một comment dưới bài Nhà Sách Ưng Hạ  nhắc tên nhà sách Tân Hoa của Tăng Bảo Hương.

Cứ như trong xó bếp, ai đứng bán là ông chủ bà chủ, tôi nghĩ người về sau biết là anh Tường là chủ nhà sách Tân Hoa, như chị Dương là chủ Gia Long. Anh Tường trắng trẻo hiền lành như ông địa là thiếu trưởng hướng đạo Đinh Bộ Lĩnh. Về sau tuy biết anh Tường không phải chủ, tôi vẫn chưa biết tên người chủ là ông Tăng Duyệt cho đến Mậu Thân 1968.

Tôi xin lỗi Tăng Bảo Hương nhưng bác Duyệt đã là người của thế giới văn học, a public person, bác Duyệt đã bị viên đạn vô tình cướp mất cuộc sống khi ra balcon xem Huế có khuôn mặt mới thế nào. Tôi liên tưởng đến Chu Tử, người duy nhất đứng trên bong tàu di tản 1975 bị một viên đạn từ Rừng Sát bắn ra và là người thủy tán đầu tiên từ khi đổi đời.

Có điều, e chừng chưa được nửa số người Huế biết ông Tăng Duyệt có công trong việc phổ biến âm nhạc VN. Thậm chí như chúng tôi quá quen với nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam mà không biết đó là đứa con tinh thần của bác Duyệt. Việc nầy ông Nguyễn Phúc Vĩnh Ba có bài dài và rõ ràng. Nhận thấy Saigon có tiềm năng to lớn và có nhiều phương tiện hơn, ông TD đã đưa nhạc sĩ Lê Hoàng Long vô Saigon thiết lập nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam thay nhà XB ở Huế thành lập 1943.

Duy Liêm vẻ bìa
Tôi nghĩ rằng nhạc sĩ nào cũng đi qua cửa nầy mà đến với quần chúng. Không biết những Trường Ca về sau như Mẹ Việt Nam thì sao, chứ trường ca Hòn Vọng Phu chia làm ba, mà qua lọt cửa Tinh Hoa. Chúng tôi muốn nói một thuật ngữ của thời đại: ”nhạc tờ”.

Nhạc tờ gọi thế là theo hình thức. Là một tấm bìa xếp đôi có khổ lớn hơn tờ giấy viết thơ, công văn, gồm 4 trang. Ngoài là hình bìa, hai trang trong là nhạc và lời, trang cuối quảng cáo các bản nhạc đã xuất bản. Dòng nhạc đơn giản nhất chỉ có các nốt chính theo khóa sol, không có dòng kẻ phụ theo khóa Fa, sau nầy Cung Tiến mới thêm hòa âm piano. Trí thức, bình dân, biết đọc nhạc hay không, đều mua nhạc tờ với lý do riêng, làm kỷ niệm, chép lời trong những lá thư tình v.v…

Nhờ nhạc tờ mà một hoạ sĩ Huế đã không tách khỏi thế giới âm nhạc. Phi Hùng, anh bà Maria Mộng Hoa đem chúng ta đến chỗ hẹn ”đứng bên bụi chuối”, xin lỗi ‘’bên bờ suối” lênh đênh trên sông Hương. Lối vẽ qui ước cổ điển cùng tên bản nhạc được trình bày có thứ tự, có bố cục nhất thống, đã bị thay thế bởi lối bán lập thể mở đầu bởi Duy Liêm; lối mới đã chia cắt tên bài hát thành nhiều phần rời rạc: ‘’con thuyền’’ một nơi ‘’không bến’’ một nơi và đọc không ra.

Tôi khá ngậm ngùi khi viết những dòng nầy. Một hôm trong cảnh khô ráo và nghèo nàn vùng kinh tế mới, tôi đi bộ qua làng bên thăm anh cựu trung úy quen nhau khi đi làm công không cho huyện. Anh người Huế cho biết bà con với ông Tăng Duyệt Tân Hoa, anh rất xúc động khi nói đến nhân vật nầy.

Tăng Duyệt sinh 1915 Minh Hương, bố Quảng Đông mẹ VN. Tôi nghĩ đến Hồ Dzếnh. Hồ Dzếnh đã yêu thương quê ngoại Thanh Hóa; có lẽ ông không biết quê nội bên Tàu. Ông nhớ lại người tha hương (là cha tương lai) đã ngâm theo âm Tàu bài Phong Kiều Dạ Bạc khi được mẹ cô lái đò (mẹ tương lai) cho trú tạm qua đêm. Hồ Dzếnh không đoán tâm cảm tạm bợ tương đồng giữa thơ và cuộc sống. Nhưng cái tạm bợ, dạ bạc, ấy đã cho ông một quê ngoại vững chắc, giúp ông thành nhà văn và nhà thơ danh tiếng, tuy cuộc đời khá bầm dập.

Khác với Hồ Dzếnh, sáng tác, Tăng Duyệt đã tạo ra một môi trường thuận tiên cho sáng tác văn học, nhất là âm nhạc. Tôi nghĩ Tăng Duyệt yêu mến Huế và văn học VN không khác gì Hồ Dzếnh yêu Thanh Hóa nơi xuất phát dòng họ Nguyễn Phước. Những nhà xuất bản chịu số phân vô ơn. Có ai biết kẻ nào đã đưa các danh phẩm âm nhạc, văn chương cho đại chúng biết; họ chỉ biết Beethoven, Racine, Anatole France…Nếu nước Pháp không quên những nhà xuất bản như Gallimard, Hachette, Plon… người Huế nên ghi nhớ rằng nơi đất Thuận Hóa có một nhà xuất bản tên Tăng Duyệt. Ông đã chết khi nhìn xứ Huế tang thương, viên đạn qua người ông đã gây ý thơ cho tôi viết bài Vết Đạn Xuyên (From the Bullet Hole).

Với lòng thành kính và biết ơn, ttt

====================================================

Xin đọc thêm Vết Đạn Xuyên

================================


 


Sunday, September 24, 2023

áo bà ba năm nút

 

    Saigon 1955

Vì sao áo bà ba cần có năm cúc?

Hồ Quỳnh Châu 

 

Ngày ấy, tôi là một thợ may nghèo, chưa lành nghè nên chỉ dám mở một cửa hiệu nhỏ, nhận đồ sửa quần áo là chính. Một lần, được một anh bạn thân tặng một quyển sách tự học cắt may. Giọng anh vui vẻ: Thấy em khéo tay nên anh tặng em quyển này biết đâu lại giúp được gì cho nghề nghiệp.

Từ đó tôi bắt đầu học cắt may một cách say sưa.

Khi bước đầu có chút kiến thức về nghề, rồi được nhiều người khuyến khích, tôi liều mở một cửa hiệu khá to ngay trên mặt phố. Cửa hiệu của tôi khá đông khách. Ngoài ra còn có cả hơn chục người tới xin học việc.

Chưa thật sự có nhiều kiến thức và nghề cũng chưa cứng nên mỗi khi định dạy học sinh cắt cái gì thì tối hôm trước tôi ôn luyện cái đó, nghĩa là theo kiểu “cơm chấm cơm” như người ta thường nói. Vậy mà học sinh không hề phát hiện mà còn khen: Chị giảng dễ hiểu như giáo viên vậy. Ngày ấy tôi thường rất tự hào.

Nhưng có một lần…

Một bác khách hàng đến may chiếc áo bà ba. Áo bà ba rất khó cắt mà tôi lại chưa cắt bao giờ nên lưỡng lự muốn từ chối. Nhưng cuối cùng tôi liều nhận lời vì không muốn mọi người biết là mình còn yếu kém, sẽ bị giảm uy tín.

Hôm cắt chiếc áo bà ba, tôi đã thức trắng một đêm mò mẫm từng chút một, cuối cùng thì nó cũng thành. Rồi khi may cũng vậy, tôi cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, tự tay là phẳng phiu rồi treo lên chiếc móc, ngắm nghía gật gù ra chiều thích thú.

Bác khách hàng rất thấp, chỉ đến vai tôi nên chiếc áo ngắn cũn. Khi đơm cúc thấy chia khoảng cách làm năm như thông thường thì quá dầy, vì vậy nên tôi quyết định chia làm bốn cho cân xứng với chiếc áo. Làm xong việc ấy, tôi cảm thấy rất lý thú vì nghĩ mình đã có một cuộc canh tân tuyệt vời, chắc hẳn sẽ được khách hàng ưng ý.

Đúng hẹn, bác khách hàng đến lấy và mặc thử. Bác soi gương, ngắm trước ngắm sau rất lâu. Tôi thì thót tim, chỉ sợ bác ấy chê xấu và bắt đền. May quá bác cởi ra và bảo tôi cho vào túi. Tôi vui sướng như mở cờ trong bụng.

Đang gấp chiếc áo tự nhiên bác ấy cầm tay tôi và bảo:

Ơ! Sao em đơm cho chị có bốn cái cúc thế này?

Tôi giải thích: Vì cái áo ngắn quá nên đơm năm cúc nhìn rất xấu. Em đã thử đặt rồi nhưng nhìn rất vô lý! Đây là sự cải tiến của em đấy, chị biết không.

Bác hơi cau mày: Nhưng từ xưa đến giờ không ai làm như thế! Áo thì phải có năm cúc chứ em!

Tôi hơi phật ý: 

- Em đã nói rồi. Đây là một cải tiến của em. Chị mặc trông đẹp mà.

- Nhưng áo thì phải có năm chiếc cúc mới đúng. Cải tiến gì thì cũng phải tôn trọng truyền thống em ạ.

Câu đi câu lại nhưng có lẽ bác ấy cũng không phải là người quá khó tính nên đã nhận chiếc áo với vẻ mặt không vui. Còn tôi thì thầm nghĩ, bác ta thật vô lý, đã làm đẹp cho mà lại không biết điều.

Tuy trả được chiếc áo, suốt cả ngày hôm đó tôi làm việc trong tâm trạng không thoải mái, bứt rứt khó chịu và thắc mắc rất nhiều về cái áo, tại sao nhất định cứ phải là năm cúc mà không phải là bốn hay sáu…

Hôm sau, tôi về nhà lục tung hòm quần áo của mẹ lên và đếm gần chục chiếc áo cả cũ lẫn mới và thấy cái nào cũng năm chiếc cúc cả. Nghĩ lại câu nói hôm qua của bác khách hàng “cải tiến nhưng cũng phải tôn trọng truyền thống em ạ” tôi bỗng cảm thấy hình như mình đã có điều gì không phải.

Từ sau ngày ấy mỗi khi ra đường tôi thường nhìn chằm chặp những người già mặc áo bà ba để đếm từng chiếc cúc như người lẩn thẩn. Và đúng là chiếc áo bà ba nào cũng có đủ năm chiếc cúc. Lạ thế.

Nhiều năm trôi qua, tôi bỏ nghề may chuyển sang nghề bán hoa tươi, quên dần bác khách hàng năm xưa. Câu chuyện cũ cũng tưởng như trôi vào quá khứ.

Một buổi chiều tôi đang cắt những tờ báo cũ để gói hoa cho khách, thì bất chợt nhìn vào góc tờ báo có dòng chữ: Bí mật năm chiếc cúc áo.

Như người chết đuối vớ được cọc, tôi cầm tờ báo đọc lấy đọc để.

Câu chuyện kể rằng: Ngày xưa học trò toàn mặc áo bà ba, trên chiếc áo quy định năm chiếc cúc là tượng trưng cho năm đức tính của con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Mỗi lần thầy giáo gọi, học trò lên bảng đầu cúi thấp khoanh tay trước ngực, khi trả lời không được, thầy giáo thường bắt trò vân vê 5 chiếc cúc áo và bắt nói về ý nghĩa của từng chiếc cúc một.

Chiếc cúc áo trên cùng là chữ nhân (người thiếu nhân sẽ trở thành kẻ độc ác). Chiếc thứ hai là chữ nghĩa (người thiếu nghĩa sẽ trở thành kẻ bội bạc). Cứ như vậy cho đến chiếc cuối cùng.

Chao ôi! Tôi vừa sung sướng vì đã giải được những thắc mắc của mình mấy chục năm nhưng lại xấu hổ về sự thiếu hiểu biết của mình. Giá như ngày ấy tôi hiểu được ý nghĩ của từng chiếc cúc áo thì đâu dám cả gan “cải tiến” cái áo bà ba thành bốn cái cúc như vậy. Hóa ra, sự cách tân của tôi chỉ là một việc làm liều lĩnh và điên rồ.

Sáng nay trời chớm Đông se lạnh, tôi mở tủ để lấy quần áo, tự nhiên tôi lại chọn cho mình cái áo có đủ năm chiếc cúc để mặc và chợt nghĩ đến bác khách hàng thấp bé ngày nào.

Bây giờ không biết bác đang sống ở nơi đâu. Nếu đọc được những dòng này, xin bác hãy quay lại gặp tôi ở cửa hàng hoa Minh Châu thuộc phường Hoa Chè, thành phố Sông Phượng.

Gặp lại bác, dù không còn làm nghề may nữa, tôi nhất định sẽ tưởng nhớ lại nghề cũ để may đền bác một chiếc áo bà ba thật đẹp, có đủ năm chiếc cúc.-

 ==========================================================================

 Gọi người yêu dấu .Vũ Đức Nghiêm . Ngọc Lan

===========================================


Monday, September 18, 2023

 

Rửa tay hay rửa cái gì

Tôn Thất Tuệ

Jésus bị hành hình là chuyện to nhưng tôi xin phép có ý riêng như thế nầy. Jésus khiêm nhường, chỉ muốn Do Thái Giáo hồi sinh vì nội dung không con giữ như xưa. JC trở thành kẻ thù của bọn buôn thần bán thánh, gồm những kẻ cho vay cắt cổ và sát hại súc vật cúng tế trong Đình Thánh. JC bị đưa ra giáo tòa, JC bị kết án tử hình nhưng dân Do Thái muốn đá qua cho Pilastre, toàn quyền La Mã. Pilastre là tay giảo quyệt đá nội vụ trở lại Do Thái. Thâm ý của Do Thái là muốn JC chết theo kiểu La Mã hành hình trên thập tự giá thay vì bị ném đá theo phong tục đương thời. Do Thái đã thay luận điệu nói rằng JC chống việc tôn thờ vua La Mã. Pilastre chấp nhận và ra lệnh đóng đinh.

Những người thương mến nạn nhân đã biểu tình phản đối. Pilastre gọi gia nhân đem ra một vò nước và rửa tay, rồi nói với đám đông: ta đã rửa tay và không bị vướng bởi máu của kẻ nầy.

Các tòa án Hoa Kỳ rửa tay rất lành nghề bằng cách dùng các học vị, dùng một ý niệm mơ hồ là competence, expertise, khả năng chuyên môn. Các vị nầy kiếm ra khá nhiều tiền. Tòa đã dùng expertise của các chuyên gia DNA, hoài nghi giá trị của DNA mà tha bổng cho OJ Simpson giết vợ cũ và người bồ; sau nầy con gái của nạn nhân nói daddy did it. Trong lúc ấy các tòa đều dùng DNA tha tội cho các kẻ bị kết án lầm.

Thấp hơn nữa, chính quyền các tiêu bang, sở thiếu nhi và gia đình (children and family service) phải nhờ các tiến sĩ y khoa ngành tâm thần quyết định thiếu phụ có đủ khả năng tâm thần nuôi con hay không để đưa đứa bé trả về cho mẹ hay đưa vào foster home. Chính quyền nầy rửa tay rất kỷ.

Trước làn sóng phê bình Phật Ngọc, sơ không ai thuê Phật Ngoc nữa, chủ nhân đã nhờ một ông tiến sĩ nói rằng Phật Ngọc bắt ấn gọi là xúc địa ấn, đúng là Phật, một trăm phần dầu, xà bông Cô Ba. Chính hiệu con nai vàng dầu cù là. Xúc địa ấn là trong thế tọa, tay phải để lên vế và ngón tay chỉ xuống đất, bốn ngón còn lại chụm vào nhau; tay trái để trên vế trái, ngữa lòng tay lên trời; hai tay rời nhau. Ý nghĩa chính là PG không tách khỏi thế gian, Phật trong trà đình tửu điếm. Người Á Đông diễn dịch theo lối riêng, xem như thiên địa nhân, tay phải đung đất, tay trái ngó lên trời, con người ở giữanh. Tuy nhiên Phật ngọc thì hai tay ôm cái bình bát, lấy tay mô mà bắt ấn xúc địa? ông tiến sĩ có thể có Phật nhãn thấy tay thứ ba bắt ấn, nhưng bình dân không thấy.

Trong vụ án Nguyễn Tấn Vinh*, tòa di trú rửa tay như mọi lần rửa tay khác gồm Pilastre, sở bảo vệ trẻ em, Phật Ngọc v.v… Tòa đã thuê mướn ông Tạ Văn Tài, miễn là một tiến sĩ. Tôm chết thiệt mụ bán tôm; cá chết thiệt mụ bán cá. I’ve washed my hands. Người Mỹ khôn đáo để, chỉ dùng chưa được một ngàn dollars (800 hay 700), không những xài vụ nầy mà những vụ kế tiếp, sẽ nại là một án lệ, jurisprudence; không cần thuê mướn một luật gia nào; dùng án lệ không vi phạm bản quyền của những lý lẽ ghi trong lý đoán.

Khi một quốc gia tuyên bố hiến pháp nằm dưới sự lãnh đạo của một tổ chức như đảng CSVN thì cái gọi là hiến pháp, luật lệ sẽ được khi bài tiết xong.

Sau vụ lùng xét các chùa 1963, ông Ngô Đình Diệm yêu cầu đồng bào yên tâm và có câu: “sau lưng tôi còn có hiến pháp”. ( Phải chăng có phản đối?), sau đó Việt Tấn Xã giải thích sau lưng tôi có nghĩa là ông Diệm dựa vào hiến pháp để làm việc. Ít ra về lý thuyết phải như vậy.

Anh cột chèo của tiến sĩ Tài, tuy có chút lăng ba vi bộ mấy tháng cuối, đi cải tạo gần chết được cho về nhà để chết, Wikidepia theo Hà Nội không ghi điểm nầy. Ông Bùi Tường Huân chết tại Saigon 1988. Nhưng thầy Tài chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.

Tại Trảng Lớn chúng tôi học khá giỏi, phải lên sân khấu thu hoạch, như theo đạo đức cách mạng của bác Hồ, sẽ tuân theo chỉ thị của địa phương khi trở về, lao dộng sản xuất ... được bộ đội khen và ‘biểu dương’. Một cựu đại úy dõng dạt nói: Cảm ơn cách mạng tha tội chết. Sau nầy học tập xong, tôi sẽ đi theo cách mạng giải phóng toàn thế giới, giải phóng Bangkok, Paris …

Một anh nón cối nhảy lên kéo áo xô xuống thiếu đường đá đít, đị mẹ; ông ấy nạt lớn  nạt lớn “đi xuống” rồi tiếp tục nói:

Các anh là cái gì mà đòi đi giải phóng thế giới. Chúng tôi, chúng tôi đây mới có vinh dự ấy.

Làm bia đỡ đạn mà cũng không được, huống hồ như ông Trần Khánh Vân, cựu tổng ủy gia cư, đòi về làm bộ trưởng Hà Nội. Nhưng ông Trần Khánh Vân bị Bé Tư bắn hụt bị thương nhẹ. Trong lúc ấy thầy Tạ Văn Tài có gần ngàn bạc, trả công rửa… cho tòa di trú.-

 

* Trích bài viết của LS Lê Duy San

Phiên tòa xử anh Nguyễn Tấn Vinh tại toà Liên Bang Immigration Court không phải là phiên tòa xử tội anh Vinh. Tôi anh Vinh là tội khủng bố đã được xử tại Phi Luật Tân và anh đã thụ án xong và anh trở về Mỹ sinh sống. Luật Sư Phạm Đức Tiến, hiện đang hành nghề tại Vùng Washington DC, chuyên về luật di trú và quốc tế cho biết: “Theo luật Di Trú, những người sống tại Mỹ và không phải là công dân Mỹ, có thể bị đưa ra tòa xử trục xuất nếu bị kết án về tội đại hình (felony) hay những tội có tính cách xấu xa (crime involving moral turpitude)." Vì thế anh Vinh bị đưa ra tòa Liên Bang Immigration Court để xử trục xuất anh.

Người bị đưa ra tòa có thể xin được hưởng 3 khoan miễn sau:

1/ Xin tỵ nạn (Asylum)

2/ Xin đình chỉ / tạm hoãn trục xuất (Withholding of Removal)

3/ Xin khoan miễn trục xuất vì sợ bị tra tấn nếu bị trả về (Relief under Convention Against Torture)

A/ Về khoan miễn thứ 1

Muốn được hưởng khoan miễn thứ 1, người bị trục xuất thương là những người bất đồng chính kiến, các chính trị gia. Thí dụ như chúng ta, không thích sống dưới chế độ Cộng Sản, chúng ta là những người bất đồng chính kiến với chính quyền Công Sản nên chúng ta được Hoa Kỳ cho hưởng tỵ nạn.

Anh Nguyễn Tấn Vinh là người bất đồng chính kiến với chế độ Công Sản Việt Nam. Anh cũng có thể coi là chính tri gia vì anh là thành viên của Chính Phủ Việt Nam Tự do của ông Nguyễn Hữu Chánh, anh là thành viên của đảng Dân Tộc. Nhưng anh lại là một tội nhân và bị tòa án Phi Luật Tân kết án về tội khủng bố. Đây là một tội hình sự với trường hợp gia trọng (aggravated felony) nên thật khó có thể được hương khoan miễn thứ 1, tức được hưởng tỵ nạn (Asylum).

B/ Về khoan miễn thứ 2

Đối với khoan miễn thứ 2, thì tội phạm mà can phạm bị kết án phải là tội hình sự với trường hợp gia trọng, nhưng án phạt phải dưới 5 năm. Án phạt của anh Nguyễn Tấn Vinh là 5 năm, nên cũng khó có thể được hưởng khoan miễn thứ 2.

C/ Về khoan miễn thứ 3

 Vậy thì chỉ còn chiếc phao cuối cùng mà các luật sư của anh Vinh hy vọng đó là khoan miễn thứ 3 tức khoan miễn vì sợ sẽ bị tra tấn nếu bị trả về. Luật sư Joseph Sandoval, luật sư của anh Vinh qủa là một luật sư giỏi, đã nhìn thấy rõ vấn đề và đi thẳng vào vấn đề, không cần vòng vo tam quốc thêm mất thì giờ của tòa án.

 Bởi vậy, bên bị đơn đã phải đưa ra rất nhiều nhân chứng quan trọng và có tên tuổi như Cựu Quốc Trưởng VNCH, Đại Tướng Nguyễn Khánh, cựu tù cải tạo Cộng Sản VN,  Linh Mục Phan Phát Huồn, Thủ Tướng chính phủ VNTD Nguyễn Hữu Chánh, hai người Mỹ là ông DennidCatron, cựu chủ tịch đảng Cộng Hòa của tiểu bang California, ông Arron Cohen, một nhân vật hoạt động chống tệ nạn  buôn bán nô lệ tình dục trẻ em và bà Bùi Kim Thành, một luật sư hành nghề tại Việt Nam mới tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

Nếu phía Công tố không mời nhân chứng là Luật Sư Tạ Văn Tài hay Luật Sư Tài từ chối lấy cớ là mình có liên hệ với Cộng Sản Việt Nam, sợ lời chứng không được vô tư, thì chắc ông Chánh Án Richard D. Walsh đã có thể ra ngay một phán quyết mà không cần nghị án từ 2 đến 4 tuần lễ mới có thể ra phán quyết. Nhưng vì những lời chứng của ông Tạ Văn Tài chắc đã làm cho Ông Chánh Án phải suy nghĩ cẩn thận hơn.

Ông Tạ Văn Tài đã làm chứng những gì và đã khai thế nào trước toà?

Ra trước tòa, các nhân chứng cũng như hai bên nguyên đơn hay bị đơn, nguyên cáo hay bị cáo đều phải giơ tay tuyên thệ sẽ nói sự thật và tất cả sự thật. Toà đã hỏi gì và ông Tài đã trả lời ra sao ? Ông Tài có nói đúng sự thật không?

Ông Tài cho biết Tòa chỉ yêu cầu ông trình bày một điểm là liệu có  triển vọng (probability or not) có sự tra tấn (torture) những người bị trả về Việt Nam hay không?   Ông đã trả lời là: “Tôi ước đóan là có một triển vọng khá cao là không có sự tra tấn anh Vinh”.  

Ông Tài là một expert witness, ông lại là một giáo sư Luật học và ông cũng đã nghiên cứu kỹ luật pháp của Việt Cộng. Ông thừa biết Việt Công thù ghét những người nào chống đối chúng với mục đích lật đổ chế độ của chúng như thế nào, mà anh Vinh là một trong những người đó. Nhưng ông lại cho rằng Việt Công sợ những người bất đồng chính kiến hơn những người như anh Vinh cho nên ông đã ước đoán là có triển vọng khá cao là không có sự tra tấn Anh Vinh nếu anh bị trả về Việt Nam. Lời chứng của ông Tài như vậy có đúng sự thật không? Một câu nói chết người như vậy mà thư gửi cho tôi, ông Tài còn giám nói với tôi là ông có lòng từ bi, bác ái với những người như anh Vinh?  Trong một đoạn khác, ông Tài nói: “Tuy tôi không đồng ý với việc bạo động để đạt thành qủa Dân Chủ cho Việt Nam nhưng tôi coi anh Vinh là người trẻ tuổi, non dạ và bị kẻ lừa đảo, lợi dụng sự hăng say của tuổi trẻ, họ đứng đằng sau giật giây cho nên rút cục anh Vinh phải nhận trước tòa Phi Luật Tân và Mỹ là lầm lẫn.

Biết là anh Vinh bị lợi dụng, biết là anh Vinh lầm lẫn, lại có lòng từ bi bác ái, sao ông Tài không trả lời trước tòa là: “Tôi ước đóan là có một triển vọng khá cao là có sự tra tấn anh Vinh nếu anh bị trả về Việt Nam”. Tôi nghĩ rằng câu này có triển vọng khá cao là đúng với tình trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay. Rất tiếc, không hiểu vì lý do gì ông Tài đã không trả lời Tòa như vậy.

Tôi không biết chính phủ Việt Nam Tự Do của ông Nguyễn Hữu Chánh là chính phủ gì. Tôi không biết đảng Dân Tộc là đảng gì. Nhưng dưới mắt tôi, hành động anh Nguyễn Tấn Vinh là hành động của một thanh niên ái quốc, muốn lật đổ chế độ Cộng Sản Việt Nam là một trong những chế độ độc tài, dã man và tồi tệ nhất thế giới. Tôi xin ngả nón chào anh Nguyên Tấn Vinh và chúc anh may mắn.-

=====================================

đường Duy Tân, Nha Trang, thườ xưa không CS

==================================


 

Thursday, September 14, 2023

khủng bố 1953

 

   Chợ Tịnh Biên 1953

mồ côi mẹ từ 1953 Quý Tỵ

Phạm Toàn

Nhà lồng chợ Tịnh Biên, một đêm kinh hoàng.

Tịnh Biên, một quận nhỏ vùng Thất Sơn - Bảy Núi, trong tỉnh An Giang, cận cực tây nam nước Việt, giáp biên giới Cao Miên (Campuchia).

Tịnh Biên được hiểu với nghĩa là biên giới yên tịnh, nhưng thực sự, theo dòng thời cuộc, nơi đây chưa bao giờ yên tịnh.

Cũng như bao nhiêu quận huyện khác, nơi đây cũng chợ phố, con người. Một ngôi chợ nhỏ bên bờ kinh Vĩnh Tế, chắc do Tây xây dựng từ năm nẳm nào, trên nền cao, mái ngói, khung sườn thép kiên cố, rộng khoảng một công đất, chung quanh để trống, không vách. Người Tịnh Biên cứ gọi theo thói quen: “Nhà lồng chợ”.

Mỗi khi gánh hát về quê, chợ chỉ bán ban ngày, chiều tối nhà lồng chợ biến thành rạp hát, chung quanh được che chắn bằng đủ thứ có được, mê bồ, bao bố, vải, đệm rồi bán vé cho mọi người vô xem. Thú vui giải trí duy nhất của người dân thời đó.

Hôm đó gánh hát về, người dân nô nức đón chờ, tiếng trống thùng thùng trên chiếc xe ngựa đi rao bảng, nhiều người chạy theo xin mấy tờ programme (chương trình). Nghe nói tối nay hát cổ động tuyên truyền gì đó, nhưng người dân thì cứ vô tư mong đợi, đâu cần biết cụ Hồ là ai? Ông Bảo Đại làm tới chức gì? Nhà nước Tây không còn là thoát nạn, thay bằng nhà nước Ta là phúc thôi. Cứ có hát có diễn là cổ vũ đi xem cho đời quên lam lũ.

ooo

Kéo màn hát một đoạn, đâu chừng được nửa tuồng. Một trái bom (bây giờ gọi là lựu đạn) đâu đó được ném ra, một tiếng “bộp” khô cốc, xoay tròn trên sân khấu, lăn lóc xuống khán giả, chính xác ngay hàng ghế danh dự hạng nhất... Đ...u...ùng... Khói lửa mịt mù bao trùm bóng đêm, mấy hàng ghế phía sau cứ ngỡ là kỹ xảo sân khấu hỗ trợ tiết mục. Tỉnh hồn, họ hiểu ngay tai họa đang ập đến, thế là người dẫm đạp lên người, kinh hoàng tháo chạy, kêu la, khóc thét... Còn lại là xác người và máu, không còn cảm nhận.

Người ném trái bom kinh hoàng đó 62 năm trước (tính từ 2015) tại nhà lồng chợ Tịnh Biên tên là Trần Thâu, lực lượng Việt Minh, hắn là học trò của Papa tôi, hắn lập chiến công, chuẩn bị chờ đón năm sau 1954 tập kết ra miền đất tổ cụ Hồ dâng tặng lên đảng tối cao. Tang thương hắn gọi là thành tích. Trái bom định mệnh được hắn gọi là trái bom sứ mệnh, đã để lại nhà lồng chợ vài chục người bị thương, trong đó có Papa tôi với hai người anh và vài người chết trong đó có Mẹ tôi, biến anh em tôi vĩnh viễn mồ côi Mẹ... Ngoài ra không có một viên chức nào trong chính quyền miền Nam bị nạn!!!!

Tôi chỉ được 2 tuổi đời, đám tang mẹ không có ai. Đêm đó Papa nguy kịch, thuốc đỏ, bông của trạm y tế quận hết sạch, không đủ băng bó cầm máu, phải xé vải mùng xài tạm, cầm cự đến sáng mới được thông đường xe chở ra Châu Đốc cách 24 cây số vì lực lượng Việt Minh đang trú đóng ở Ô Tà Bang cách Tịnh Biên 6 cây số trên tuyến đường tải thương duy nhất, không ai dám đi qua vào ban đêm.

Ở nhà, chị lớn đầu chít khăn tang, nách mang em nhỏ đi sau quan tài.

Viết những dòng này không với lòng thù hận, vì thù hận là không đúng nhân bản. Chiến tranh không tránh khỏi đau thương, lưỡi lê họng súng luôn đối đầu nhau, mỗi người buộc phải bóp cò để sinh tồn. Nhưng ném bom vào rạp hát thì không thể chấp nhận dù biện giải bất kỳ lý lẽ nào. Không phải đợi khi có những công ước Geneve, Hồng Thập Tự thì mới hiểu thế nào là đạo đức nhân bản. Đạo đức nhân bản đã có sẵn từ tổ tiên của mỗi người, và chắc chắn có trong những bài giáo khoa thư mà Papa tôi đã dạy Trần Thâu.

1954, không biết Trần Thâu tập kết ra Bắc hay ở lại miền Nam nằm vùng tiếp tục lập chiến công, thêm chiến tích?...

Sau 4-75 Trần Thâu xuất hiện với lon trung tá, quản giáo trung tâm học tập cải tạo Chi Lăng, cách Tịnh Biên 20 cây số, hắn đứng giảng về đạo đức cách mạng để giáo huấn các sĩ quan VNCH. Tôi chỉ thấy Trần Thâu là một bản vỗ y nguyên ISIS* chính hiệu.

Hôm nay, ngày giỗ mẹ lần thứ 62... Thời gian 62 năm đủ dài để những đau thương nhạt nhòa, thừa thời gian để anh em tôi vượt qua nổi đau mồ côi mẹ, nhưng khi viết lại hồi ức này vẫn không ngăn nổi 2 dòng lệ tuôn trào, một dòng thương tiếc Mẹ mất sớm, một dòng thương nhớ Cha già gà trống nuôi con.

Vẫn dõi theo Trần Thâu, tên học trò của Papa, hắn về hưu có chân chính không? Tuổi già có thanh thản không? Con cháu hậu duệ ăn nên làm ra, công thành danh toại hay chỉ là một lũ thầy không ra thầy, thợ không ra thợ? Các đấng trên cao luôn công tâm phán xét. Luật nhân quả chỉ đến sớm hay muộn chứ không ai thoát được bao giờ. Những gì thấy được, biết được về Trần Thâu không cần thiết phải tốn công sức viết ra đây.

29-7-2015 Ngày Giỗ Mẹ.

(FB Lê Văn Quy share của Phạm Toàn)

*ISIS (Islamic State of Iraq and Syria) tổ chức khủng bố muslim thành lập 2006

=================================================

 


Saturday, September 9, 2023

Tích hợp hay cưỡng hôn (bài cũ 2015)

   lớp học thời VNCH

tích hợp hay cưỡng hôn ?!

Phạm Đạt Nhân

Theo dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông của toàn thể Bộ GD-ĐT sẽ tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành một môn học mới là môn Công dân và Tổ quốc. Về mặt học thuật, về nguyên tắc tích hợp thì việc làm nầy có phù hợp và thích ứng với thuật ngữ tích hợp không? đó là vấn đề tiên quyết và then chốt (còn vấn đề di hại của việc nầy đã có nhiều người bàn).

     Trước hết cần phải hiểu cho đúng thuật ngữ tích hợpTích hợp là một thuật ngữ mới được vận dụng ở nước mình. Nó xuất phát từ quy luật nhận thức cho rằng: Không có một đơn vị kiến thức nào đứng ở vị trí độc lập và không liên quan đến các kiến thức khác trên cùng bình diện. Hai chữ tích hợp được dùng dưới nhiều dạng thức khác nhau: Quan điểm tích hợp, tinh thần tích hợp, phương pháp tích hợp, nội dung tích hợp, dạy học tích hợp. Riêng về nội dung, tích hợp đòi hỏi các thành phần cùng nằm trên một bình diện. Bởi vì có cùng một bình diện mới có tính chất liên thông liên kết. Ví dụ dạy môn Văn cần phải có phương pháp tích hợp hai phân môn Tiếng Việt và Tập Làm Văn. Bởi vì trong văn có tiếng, trong tiếng có văn và cả văn lẫn tiếng đều là nguyên vật liệu để tập làm văn.
     Về mặt nội dung tích hợp, các môn Lịch sử, An ninh quốc phòng và Giáo dục công dân không cùng chung bình diện, cũng chẳng họ hàng gì với nhau. Cho nên sát nhập ba bộ môn nầy thành một là một việc làm khiên cưỡng, phản khoa học và phản học thuật. Thuật ngữ tích hợp hoàn toàn xa lạ với việc sát nhập, lồng ghép. Trong giảng dạy bộ môn, hai chữ tích hợp được hiểu là phối hợp thành một thể thống nhất, tích chứa bao điều có thể mà vẫn lưu giữ được tính chất đặc thù của phân môn. Hiểu một cách nôm na đơn giản là nhiều phân môn hòa trộn vào nhau, học cái nầy biết cái kia và ngược lại nhưng vẫn giữ được tính chất độc lập của từng phân môn; nghĩa là hòa trộn mà không hòa tan.

       Bộ trưởng GD-ĐT cam kết rằng: "Tuy tích hợp nhưng môn lịch sử không bị coi nhẹ và khẳng định được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành". Ông nói như vậy đúng là ngụy biện. Một khi tên đã không còn là tên riêng nữa thì lấy gì bảo đảm sự tồn tại của môn lịch sử, nói chi đến xem trọng xem khinh. Ba môn Lịch sử, An ninh quốc phòng và Giáo Dục công dân được trộn lại để cho ra môn Công Dân và Tổ Quốc thì môn Lịch sử kể như đã bị khai tử rồi. Tích hợp như cách làm của ban soạn thảo chương trình là hình thức đánh tráo khái niệm tích hợp thành sát nhập lồng ghép.
    Bộ môn Lịch sử chỉ có thể tích hợp với môn Địa lý, Việt sử, Thế giới sử và những vấn đề có liên quan đến văn học, kinh tế, quân sự, tín ngưỡng, tổ chức hành chính; và đặc biệt là tư tưởng triết học. Tư tưởng triết học chi phối tất cả các lãnh vực khác trong cùng một thời đại, một sự kiện lịch sử.
   Việc tích hợp môn Lịch sử với hai môn khác thành môn mới nằm trong mục tiêu thực hiện bước cuối cùng trong tiến trình chính trị hóa. Từ lâu, giáo dục, thông tin và truyền thông đã bị đánh đồng làm một, để mở đường cho tiến trình trên. Và cũng đã từ lâu môn Việt sử hiện đại (Lịch sử Đảng) được cày sâu cuốc bẩm; còn Việt sử thời trung đại và cổ đại thì bị hoang hóa. Tại sao chúng tôi nói bỏ môn Lịch sử là bước cuối cùng trong tiến trình chính trị trị hóa? Bởi vì Quốc sử, Quốc học chính là cái hồn, cái hạnh của một dân tộc. Một khi môn Lịch sử không còn tên gọi thì còn biết đâu là nguồn cội. Cớ sự nầy gây ra do lỗi hệ thống.
   Có hai khuynh hướng cực đoan trong đường lối giáo dục trên thế giới :
  - Một là giáo dục con-người-nhân-loại vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian, hoàn cảnh (như nền giáo dục của Pháp trước thế chiến II )
 - Hai là giáo dục con-người-công-dân trong một hoàn cảnh nhất định; đào tạo theo một khuôn mẫu nhất định; đáp ứng yêu cầu của một định chế nhất định (như nền giáo dục của quốc xã thời Hitler hay nền giáo dục của Nga thời Sô Viết).
  Hai khuynh hướng trên đều cực đoan và không tưởng. Khuynh hướng đầu phi thực tế phi dân tộc.
Khuynh hướng sau không chú trọng đến giáo dục con người đích thực có đầy đủ giá trị Chân Thiện Mỹ của con người muôn thuở mà chỉ chú trọng giáo dục con người công cụ.

   Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa trước đây mang tính chất trung dung với triết lý giáo dục Nhân Bản - Dân Tộc - Khai Phóng.
  - Giáo dục nhân bản lấy con người làm cứu cảnh, đề cao giá trị thiêng liêng của con người, mỗi người và mọi người.
 - Giáo dục dân tộc đề cao bản sắc dân tộc, bảo đảm sự trường tồn của dân tộc, sự phát triển điều hòa toàn diện của quốc gia.
 - Giáo dục khai phóng có nghĩa là tôn trọng tinh thần khoa học , hướng tới sự tiến bộ, đón nhận tinh hoa văn hóa của thế giới, góp phần phát triển sự tiến bộ, cảm thông và hợp tác quốc tế để tạo điều kiện thăng tiến cho đất nước.

    Nói đến dân tộc là nói đến tiến trình phát triển và tiến hóa của dân tộc đó. Và nói đến tiến trình phát triển tiến hóa là nói đến lịch sử nước nhà. Những bước đi của lịch sử kết thành những chặng đường phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Tính chất độc lập của môn học nầy vừa hàm nghĩa tính chất đặc thù bộ môn vừa hàm nghĩa chối từ sự chi phối của bất kỳ xu thế chính trị nào.Thuật lại một sự kiện lịch sử không đơn thuần dựng lại quá khứ mà còn làm sống lại quá khứ trong kinh nghiệm mới mẻ của hiện tại. Đó chính là ôn cố tri tân.

   Ý mới rút từ kinh nghiệm cũ
    Mai tàn lưu lại chút hương xưa.

"Chút hương xưa" ấy là tinh hoa hồn cốt của cả dân tộc, cũng là tư tưởng triết học của người xưa. Nhà sử học Phùng Hữu Lang cho rằng Thuật lại lịch sử của một thời đại, của một dân tộc mà không đề cập đến triết học của thời đại ấy thì chẳng khác nào họa long bất điểm nhãn. Và nhà triết học Bacon cũng cho rằng Nghiên cứu lịch sử của một thời đại, của một dân tộc mà không đề cập đến triết lý thì khó mà hiểu được triệt để thời đại đó, dân tộc đó". Xem ra không có triết thì không thể triệt vậy.
  Lịch sử của dân tộc ta đã
Trải bốn ngàn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng vĩ núi nguy nga ...
(Vũ Hoàng Chương)


Trong khoảng thời gian dằng dặc đó trải qua một ngàn năm tranh đấu chống Bắc thuộc; thời kỳ độc lập tự chủ khởi đầu từ nhà Ngô , nhà Đinh; rồi hưng thịnh nhất vào thời Lý, Trần. Dưới triều vua Lý Nhân Tông không những giữ yên được bờ cõi, kiên cố phên giậu mà còn bình Chiêm và cả phạt Tống nữa .

      Ơi sử Việt là tranh đấu sử
      Trước đến sau cầm cự nào ngơi
      Tinh thần cách mạng sáng ngời
      Bao người ngã lại bao người đứng lên.

                               (Trả ta sông núi - Vũ Hoàng Chương)

Nền giáo dục xưa không dùng kỹ thuật, không xây dựng kế hoạch, không công nghệ hiện đại ...nhưng nó đã làm tròn nhiệm vụ của mình; giữ được vai trò lịch sử của mình ròng rã mấy ngàn năm để nước Việt tồn tại đến tận ngày hôm nay !
Bỏ môn lịch sử đồng nghĩa với việc phủ nhận bao công trình huyết hãn của tiền nhân: Bắc đánh Tống, Nam bình Chiêm, diệt Mông Nguyên, giữ yên bờ cõi. Có được những thành tựu to lớn như vậy là nhờ triết lý giáo dục trung, hiếu, tiết, nghĩa ...chứ không nhờ vào kỹ thuật, kế hoạch giáo dục.

     Để bênh vực việc tạo ra môn học mới, phó GS-TS Bùi Mạnh Hùng đưa ra ý kiến "Việc tích hợp không chỉ nhắm đến việc nâng cao hiệu quả giáo dục mà còn giải quyết vấn đề kỹ thuật khi xây dựng kế hoạch dạy học". Thì ra ông nầy không phân biệt được đâu là gốc đâu là ngọn! Đổi mới lối suy nghĩ về giáo dục, đường hướng giáo dục, triết lý giáo dục mới là cái gốc; còn vấn đề kỹ thuật, kế hoạch kể cả hiệu quả giáo dục chỉ là cái ngọn. Thêm một ý kiến khác bênh vực cho dự án nầy thì nói rằng "Các nước làm như thế và Việt Nam cũng nên làm theo”. Thật là nông cạn và ngớ ngẩn. Các nước tích hợp môn lịch sử với môn địa lý chứ đâu có tùy tiện như kiểu của các ông!

     Suy cho cùng thì môn Lịch sử không thể nào tích hợp với các môn An ninh quốc phòng, Giáo dục công dân để tạo thành môn học mới cho được. Vì nhiều lý do - trong đó có lý do phản khoa học, phản học thuật và sai nguyên tắc tích hợp là then chốt. Ngoài ra, việc làm trái khoáy nầy sẽ gây di hại khó lường là việc chuẩn cấp học (standard learn) ở bậc học phổ thông sẽ không thành công. Sau khi ra khỏi nhà trường phổ thông, học sinh sẽ không được trang bị đầy đủ vốn liếng hành trang vào đời một khi đã bị mất căn bản kiến thức phổ thông trầm trọng. Nguy hiểm nhất là các em sẽ thiếu tố chất “để cho con người xứng đáng là người" (nhân chi sở dĩ vi nhân dã). Phó GS-TS Phạm Quốc Sử khẳng định "Người không hiểu sử thì không khác gì con trâu. Con trâu thì ruộng nào cũng cày bởi nó không biết nguồn cội của mình”. Đúng vậy, con trâu chỉ biết cắm cúi cặm cụi kéo cày theo một đường rảnh có sẵn.


      Kiến thức lịch sử và địa lý vô cùng cần thiết cho con người - cho mỗi người và cho mọi người. Đặc biệt, giới luật gia, chính khách không thể không có hiểu biết về lịch sử và địa lý. Chính khách mà tù mù về kiến thức sử địa thì lãnh đạo dẫn dắt quần chúng chẳng khác nào một người mù dẫn đường một đoàn người mù.

Phạm Đạt Nhân 27.11.2015

(chúng tôi tự ý trích đăng từ blog Phạm Hạnh của PĐN
http:vuphamdatnhan.blogspot

cây chó đẻ, chó đẻ, đẻ chó

    cây chó đẻ
 

chó đẻ * đẻ chó

Tôn Thất Tuệ

Nơi tôi ở đã ướm thu; một thứ cỏ thu đã mọc nhiều tiếp theo rau càng cua. Đó là cây chó đẻ, một loài thân thảo, cao trung bình 40 cm, lá như lá me, dưới lá có dãy hột tròn như cườm. Một thời pharmacy internet ngày nào cũng cây chó để trị đủ thứ. Nó có nhiều tên tùy hiệu ứng y dược nhưng tên đẹp nhất là trân châu thảo vì những hột cườm dưới lá xem như hột trai, hột bẹt (perle / pearl).

Chó cái mới sinh con thường ăn cây nầy. Cứ đoán mò cây nầy làm cho nhiều sữa hay trị các biến chứng, nhiễm trùng bộ phận sinh sản. Các bà mẹ VN thì ăn cây cỏ mực trừ băng huyết.

Nữ văn sĩ Hàn Giang Trần Lệ Tuyền, một thời cộng tác đắc lực với web Hồn Việt và trang nhà của Việt Thường, cho rằng từ cây chó đẻ mà có tên gọi HCM chó đẻ. Bà giữ công trạng ấy cho Phan Khôi, đồng hương Quảng Nam. Nhưng giải thích của người có dòng nước mắt như sông Hàn cần bổ túc mới sáng ra được.

Bà Tuyền kể rằng vào năm HCM xuất hiện và được tung hô là cha già dân tộc, 1945 hay1946, Quảng Nam tự nhiên rộ cây chó đẻ, dân chúng xem đó là cây thuốc vì súc vật rất thính các dược thảo. Ai có trồng cây thì biết, mỗi năm một thứ cây phát triển mạnh gọi là rộ. Mà thời gian ấy bệnh cũng khá nhiều, chiến tranh đi đôi với bệnh tật là chuyện thường. Nhiều người đã hái cây chó đẻ ăn sống, luộc, đâm lấy nước uống v.v…Lòng tin là thuốc trị bệnh tốt nhất, họ tin cây chó đẻ có sức trị bá bệnh.

Học giả Phan Khôi bèn gọi cây thuốc nầy là cây HCM hàm ý HCM là Hoa Đà, là Biện Thước cứu nhân độ thế.

Chừng một hay hai năm sau, Nam Ngãi nhiều người thuộc lòng bốn câu thơ:

Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi,

Chú khiêng tôi đến Chiến Khu rồi

Thi Đua cho lắm thua đi mãi

Kháng chiến lâu ngày khiến chán(g) thôi.


Không rõ của ai nhưng Phan Khôi được bàn vô bàn ra là tác giả. Trong bầu không khí hoài nghi mới, dân chúng gọi cây thuốc HCM là cây chó đẻ HCM với thâm ý dần dần có tên gọi chó đẻ HCM. Theo Hàn Giang Trần Lệ Tuyền, Phan Khôi là tác giả cả hai tên ấy.

Chúng tôi chỉ nghe vậy, chứ không chắc PK ở chỗ nào. Theo Wikidepia, PK được mời ra Hà Nội 1945 tham chính và trở về Quảng Ngãi cầm đầu đảng bộ địa phương của Quốc Dân Đảng, không rõ lúc nào ra bắc lần nữa để năm 1954 về Hà Nội trước khi bị thanh trừng trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Ông vẫn hoạt động với chính quyền CS thì sao gọi HCM là chó đẻ.

Nhưng cứ xem PK khai sinh thành ngữ chó đẻ HCM thì PK khá giảo hoặc, từ cái tên thần thánh y dược đến chó đẻ loài do con chó đẻ ra.

Lắc léo nầy cũng như lắc léo của Trịnh Cung đối với Trịnh Công Sơn. Trên trang nhà của TCS, Trịnh Cung vui mừng mang ơn TCS vì TCS mà ông ở lại, tuy có đường đi. Về sau TC, trong bài gởi ra hải ngoại, nói rằng vì TCS mà ông ở lại để chịu những thiệt thòi, tuy có đường đi. Phần chính của bài là tố cáo Đinh Cường đủ tư cách đại diện chính quyền CS cấp chứng chỉ cho người nầy người kia thuộc thành phần không chống đối CS.

Ngoài lối hàng hai, TC không có đường đi. TC ở cạnh nhà tôi, chiều 29 Nguyễn Thượng Hiệp lái xe jeep chở tôi và TC đi tìm đường mà không có. Khi hôm sau Dương Văn Minh đầu hàng, tôi và TC mỗi người đứng ở của nhà mình, TC cười chua chát. Việc đi hay ở của TC không do TCS mà ra.

Trở lại chó đẻ. Chó đẻ trong lời xỉ vả không phải là con chó mẹ mới sinh con. Mà là cái thứ được sinh bởi con chó cái.

Qua tạp chí Đại Học (Huế), Nguyễn Văn Trung mở thêm lối viết mới kết nạp triết lý và đời sống. Ông bắt đầu với Thanh Thúy; cảm nhận của người ngồi quán cà phê nghe Thanh Thúy qua dĩa hát, cũng như xem Thanh Thúy hát trong phòng trà. Hình như Thanh Thúy không hát cho người đi nghe mà hát vào hư không, rất lạnh lùng và áo não.

Lại có bài với đại ý thế nầy: giả dụ ông A mắng ông B mầy là thú vật, mầy là chó đẻ. Nếu ông B thành con chó thật thì ông A buồn lắm vì con chó đâu thấy cái sỉ nhục mà A muốn tròng vào cổ B. Nói khác, A lo sợ canh cánh B thành con chó; đến đền miễu cầu cho B sống mãi, không bị thần linh vặn cổ hay xe đụng, muôn năm ông B, không chết và không làm chó.

Nếu tôi là ông B thì tôi rất mừng vì có người cầu xin cho không chết. Mặc dầu ý hướng của A không thiện mà rất ác, tôi vẫn được sống bền. Đúng vào trường hợp kẻ cướp cầm dao vào nhà hăm dọa, bị cảnh sát đến phải tẩu thoát, thả lại con dao, chủ nhà đem xài tự nhiên.

Bài thầy Trung, tôi không nói láo, nói láo ông táo xé áo, mụ táo xé quần, lòi khu lòi đít, cảnh sát phạt.

Tôi không bao giờ gọi ai là chó đẻ. Nếu cần tôi sẽ nói: bạn là thứ người đẻ (que tu sois mis au monde par une personne humaine / that you be born by a human being). Con người ớn lắm, nay quốc gia mai cộng sản. Như ông Trịnh Cung đem TCS ra làm cục kê mà nói nhân nghĩa tình đời hai chiều. Nhưng ớn nữa là không gì ra gì, không như Nguyễn Đắc Xuân nói rõ vị trí của mình là mặt trận, là CS.

Con chó đẻ há; đụng con nó là nó cắn thấy mồ, nó không núp dưới những bộ áo dày: đi cải tạo, vượt biên, gia sản bị kiểm kê, cha bị CS giết như Phạm Tuyên con Phạm Quỳnh, con theo đạo Thiên Chúa làm dâu rể nhà đại Cần Lao.

1945 người Nhật buôn bán phải chờ Nhật đổ bộ mới đeo lon vào. Ngày nay lắm kẻ tiêu lòn xin CS xức dầu thánh để được nổi danh, để kiếm chút cháo … thịt bò, cháo cá Chợ Cũ. Tôi nào chống cộng, tôi chỉ chống gậy. Tôi chỉ thay đổi chỗ  ở (lòi của Pham Duy).

Chống cộng ồn ào không ai nghe; chống cộng tế nhị thì cô đơn cũng không ai nghe.

Thà làm chó đẻ hay hơn đẻ chó: đẻ những lời ngụy biện bịp đời, đem cả Trời Phật Thánh Chúa nói lời điêu ngoa xiêng xẹo. Xin lỗi chó, vì thiếu chữ phải dùng thành ngữ “đẻ chó”; xin lỗi chó lần nữa, vì chó hiện thân của lòng trung thành.-

==========================================================


===============================

 

 


Wednesday, September 6, 2023

lãng mạn dồn vào trong

 

   Đà Lạt sẩm buồn không tươi, Đà Lạt xưa ''đàm tâm''

đối diện đàm tâm

Phạm Văn Hạnh 1943 . TTT trình bày

[800 chữ nầy gồm những câu trích tùy hứng từ “Giọt Sương Hoa” của Phạm Văn Hạnh, xb 1943 Hà Nội.Tập nầy chỉ là một tùy bút, hơn 100 trang với nhiều trang có vài chữ. PVH thấm nhuần triết lý Đông Phương, diễn đạt ý qua văn chương, người đọc không cầm tay một luận văn triết học. PVH thấm nhuần quan niệm “thiện thệ” của PG, siêu, xuyên thấu mọi nơi như nước thấm nhưng không cao.PVH rất tự nhiên: mặt nước hồ thu màu cốm đậm. Chúng tôi chú ý đặc biệt câu văn mới của PVH đối diện đàm tâm (mặt nhìn mặt nhưng nói bằng tim bằng suy cảm, không bằng lời). Trong thời hổn loạn đấu tranh 1963, tôi đã lặn lội tìm gặp Phùng Thăng ở Đà Lạt nhưng hai bên không nói một chữ gần giờ đồng hồ đứng dưới mái trường đại học].

oooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooooo

Trong mọi cái vô vị ở đời, tình yêu là cái ít vô vị nhất. Và trong mọi cái hư không, có chăng chỉ là mùi hương một áng tóc mây là sự thật.

Tôi nghĩ tới ngày tôi không còn tin ở tình yêu… Trời, xin đừng bao giờ cho tôi thấy ngày đó.

Lòng tôi, chiều nay, trần truồng trong im lặng, yếu ớt như lá rơi. Ngoài vườn, trong lúc không ai để ý, lá bàng khô cuối cùng đã băng mình trên cỏ nhẹ.

Những bậc ưu thời mẫn thế luôn quay về quá vãng, dỗi với đương kim. Nhưng cái đương kim thô bỉ đối với đời sau đã phủ bức màn huyền nhiệm xinh tươi. Ta đã thấy cái đẹp của những vật gì đã diệt, của những vật gì ta không còn mó đến được: những ngày hè năm trước, những quí phi đã nhắm mắt tự ngàn xưa, những cung điện tan thành tro bụi, những tâm tư tơi bời trong ngọn thời gian.

Cái đẹp của văn minh Đông Phương nằm trong hai chữ e lệ. Không phô trương, không sôi nổi. Nhưng không phải không đằm thắm, thiết tha. Đó là một thứ lãng mạn dồn vào trong, thấm thía như người uống rượu mà không say.

Từ học thuật đến mỹ nghệ, đến cuộc đời đều ngụ một nghĩa u ẩn. Người quân tử không phải là siêu nhân theo ý của Nietzsche tự tạo một nền luân lý dữ dội, ồn ào. Kiến trúc tỏa rộng hơn là vươn cao. Không có những tháp nhà thờ đâm thẳng trời xanh như muốn kêu to lòng tín mộ, mà chỉ gồm những điện đài thâm u trong cây cỏ. Văn chương không rườm rà, bề bộn mà luôn luôn ngụ cái cảm biết siêu hình.

Tâm tình không biểu lộ quá tự do. Người trong bốn bể gặp nhau nói chuyện trong im lặng. Bạn thân đôi khi gặp nhau chỉ “đối diện, đàm tâm”.

Nhưng đẹp nhất là cái dáng điệu của người thục nữ. “Tình trong tuy đã, nét ngoài còn e”. Tấm thân vàng ngọc ẩn trong phòng khuê. Nỗi niềm son sắt dấu kín trong lòng. Lúc tỏ ra thì nên thơ, ý nhị.

Tôi yêu những con tàu sắp rời bến, đùm khăn gói của bộ hành, cơn bão cát nơi sa mạc, đợt sóng cuồng giữa biển khơi.
Tôi yêu…

một ý tứ của thi nhân, một tâm tình của người thục nữ.

một năm trong như suối ngọc, một mùa nặng trĩu mơ, một chiều sao lặng khóc.

một xứ nắng chói lòa, một đài sen trắng muốt, một góc phố vắng người qua.

một lớp da sáng hơn lụa, thơm tựa ngày qua, mong manh như chiếc bội hoàn.

một màu êm ả nước hồ, một đường cong nhịp nhàng trăng đầu hạ, một giọng nói ẩm ướt mùa đương xuân.

một câu thơ xỏa tiếc thương, một quyển kinh dày huyền ảo.

một câu nguyện, một tên người.

Lần đầu tiên gặp nàng, tôi có cảm giác là gặp lại.

tôi nhớ đã chết vì nàng

một kiếp trước.

Tết ở Hà Nội, trước cửa một hiệu thuốc Bắc, một chàng Cao Ly đứng bán đôi bồn hoa lạ. Trên biển giấy đỏ cắm ngay cạnh, đề mấy chữ: “Hợp thời mẫu đơn hoa vương”. Hỏi giá, chưa đến hai chục bạc; còn hoa chơi đến tháng ba chưa tàn. Đành là chưa mua được, nhưng tự nhủ là chưa ai mua, tôi đứng lại ngắm nhìn buổi bình minh hé trên mấy hoa hồng phớt, và đang chờ một nàng Giáng Tiên sắp sửa qua, vô ý vướng gảy một cành.

Nàng Giáng Tiên không bao giờ qua.

Cũng may, — hay không may, — sự gặp kia nếu có, chỉ là một lằn loáng ly kỳ và huyền diệu.

Thu, trời xanh như đúc ngọc lưu ly

Cành sữa nồng chen lấp lối đi

Mặt nước hồ thu màu cốm đậm

Môi cô gái nhỏ thắm yên chi

Bờ dương mấy ả tan học về

Áo mỏng khôn ngăn trận gió si.

Sực nhớ dư hương mùa hè cũ

Quần tơ thịt lẵn búp hoa quỳ.

Tuổi trẻ chỉ biết yêu và …ghét, không hoài nghi.

Mây bay tới tấp: những món hoa xưa rải rác ngang trời. Em có thấy vẫn thơm nồng tươi tắn, tựa hồ đã xóa bỏ thời gian? Em có thấy vẫn còn sống những buổi đầu thơ dại? Một đôi khi với những nâng niu đằm thắm với những hương vị ngất ngây?

Vì em cũng lặng nhìn mây, có lẽ em đã đọc được lòng tôi rõ ràng hơn trang sách mở.--

===================================

bề kê, briquet

=================