add this

Wednesday, September 27, 2023

 

    bìa do Phi Hùng vẽ

và có thêm nhà sách Tân Hoa

Tôn Thất Tuệ

Tôi hay đùa mỗi khi muốn xá óa là ra Lăng Ông Bà Chiểu xin một keo sấp ngửa. Nhưng hôm nay tôi bốc thăm chọn một trong hai tờ giấy vày vò mang tên Tân Hoa hay Gia Long, tôi bốc trúng Tân Hoa. Số là như vầy, năm lên lớp nhì, tôi mượn cái áo mưa dầu (nylon) thay cái tơi lá lè kè, đi từ Bến Ngự qua Tam Tòa Thượng Tứ xin các anh chị con bác đủ tiền mua cuốn sách toán của Trần Tiếu. Từ đó ra cửa Đông Ba lên Ngả Giữa mua cuốn sách, không nhớ mua ở Gia Long hay Tân Hoa, không nhớ vì cuốn sách bị mất cắp ba ngày sau. Hôm nay tôi bốc thăm và kết quả Tân Hoa. Linh ứng thần bí có lẽ vì tôi vừa đọc một comment dưới bài Nhà Sách Ưng Hạ  nhắc tên nhà sách Tân Hoa của Tăng Bảo Hương.

Cứ như trong xó bếp, ai đứng bán là ông chủ bà chủ, tôi nghĩ người về sau biết là anh Tường là chủ nhà sách Tân Hoa, như chị Dương là chủ Gia Long. Anh Tường trắng trẻo hiền lành như ông địa là thiếu trưởng hướng đạo Đinh Bộ Lĩnh. Về sau tuy biết anh Tường không phải chủ, tôi vẫn chưa biết tên người chủ là ông Tăng Duyệt cho đến Mậu Thân 1968.

Tôi xin lỗi Tăng Bảo Hương nhưng bác Duyệt đã là người của thế giới văn học, a public person, bác Duyệt đã bị viên đạn vô tình cướp mất cuộc sống khi ra balcon xem Huế có khuôn mặt mới thế nào. Tôi liên tưởng đến Chu Tử, người duy nhất đứng trên bong tàu di tản 1975 bị một viên đạn từ Rừng Sát bắn ra và là người thủy tán đầu tiên từ khi đổi đời.

Có điều, e chừng chưa được nửa số người Huế biết ông Tăng Duyệt có công trong việc phổ biến âm nhạc VN. Thậm chí như chúng tôi quá quen với nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam mà không biết đó là đứa con tinh thần của bác Duyệt. Việc nầy ông Nguyễn Phúc Vĩnh Ba có bài dài và rõ ràng. Nhận thấy Saigon có tiềm năng to lớn và có nhiều phương tiện hơn, ông TD đã đưa nhạc sĩ Lê Hoàng Long vô Saigon thiết lập nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam thay nhà XB ở Huế thành lập 1943.

Duy Liêm vẻ bìa
Tôi nghĩ rằng nhạc sĩ nào cũng đi qua cửa nầy mà đến với quần chúng. Không biết những Trường Ca về sau như Mẹ Việt Nam thì sao, chứ trường ca Hòn Vọng Phu chia làm ba, mà qua lọt cửa Tinh Hoa. Chúng tôi muốn nói một thuật ngữ của thời đại: ”nhạc tờ”.

Nhạc tờ gọi thế là theo hình thức. Là một tấm bìa xếp đôi có khổ lớn hơn tờ giấy viết thơ, công văn, gồm 4 trang. Ngoài là hình bìa, hai trang trong là nhạc và lời, trang cuối quảng cáo các bản nhạc đã xuất bản. Dòng nhạc đơn giản nhất chỉ có các nốt chính theo khóa sol, không có dòng kẻ phụ theo khóa Fa, sau nầy Cung Tiến mới thêm hòa âm piano. Trí thức, bình dân, biết đọc nhạc hay không, đều mua nhạc tờ với lý do riêng, làm kỷ niệm, chép lời trong những lá thư tình v.v…

Nhờ nhạc tờ mà một hoạ sĩ Huế đã không tách khỏi thế giới âm nhạc. Phi Hùng, anh bà Maria Mộng Hoa đem chúng ta đến chỗ hẹn ”đứng bên bụi chuối”, xin lỗi ‘’bên bờ suối” lênh đênh trên sông Hương. Lối vẽ qui ước cổ điển cùng tên bản nhạc được trình bày có thứ tự, có bố cục nhất thống, đã bị thay thế bởi lối bán lập thể mở đầu bởi Duy Liêm; lối mới đã chia cắt tên bài hát thành nhiều phần rời rạc: ‘’con thuyền’’ một nơi ‘’không bến’’ một nơi và đọc không ra.

Tôi khá ngậm ngùi khi viết những dòng nầy. Một hôm trong cảnh khô ráo và nghèo nàn vùng kinh tế mới, tôi đi bộ qua làng bên thăm anh cựu trung úy quen nhau khi đi làm công không cho huyện. Anh người Huế cho biết bà con với ông Tăng Duyệt Tân Hoa, anh rất xúc động khi nói đến nhân vật nầy.

Tăng Duyệt sinh 1915 Minh Hương, bố Quảng Đông mẹ VN. Tôi nghĩ đến Hồ Dzếnh. Hồ Dzếnh đã yêu thương quê ngoại Thanh Hóa; có lẽ ông không biết quê nội bên Tàu. Ông nhớ lại người tha hương (là cha tương lai) đã ngâm theo âm Tàu bài Phong Kiều Dạ Bạc khi được mẹ cô lái đò (mẹ tương lai) cho trú tạm qua đêm. Hồ Dzếnh không đoán tâm cảm tạm bợ tương đồng giữa thơ và cuộc sống. Nhưng cái tạm bợ, dạ bạc, ấy đã cho ông một quê ngoại vững chắc, giúp ông thành nhà văn và nhà thơ danh tiếng, tuy cuộc đời khá bầm dập.

Khác với Hồ Dzếnh, sáng tác, Tăng Duyệt đã tạo ra một môi trường thuận tiên cho sáng tác văn học, nhất là âm nhạc. Tôi nghĩ Tăng Duyệt yêu mến Huế và văn học VN không khác gì Hồ Dzếnh yêu Thanh Hóa nơi xuất phát dòng họ Nguyễn Phước. Những nhà xuất bản chịu số phân vô ơn. Có ai biết kẻ nào đã đưa các danh phẩm âm nhạc, văn chương cho đại chúng biết; họ chỉ biết Beethoven, Racine, Anatole France…Nếu nước Pháp không quên những nhà xuất bản như Gallimard, Hachette, Plon… người Huế nên ghi nhớ rằng nơi đất Thuận Hóa có một nhà xuất bản tên Tăng Duyệt. Ông đã chết khi nhìn xứ Huế tang thương, viên đạn qua người ông đã gây ý thơ cho tôi viết bài Vết Đạn Xuyên (From the Bullet Hole).

Với lòng thành kính và biết ơn, ttt

====================================================

Xin đọc thêm Vết Đạn Xuyên

================================


 


No comments:

Post a Comment