lớp học thời VNCH
Phạm Đạt Nhân
Theo dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông của toàn thể Bộ GD-ĐT sẽ tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành một môn học mới là môn Công dân và Tổ quốc. Về mặt học thuật, về nguyên tắc tích hợp thì việc làm nầy có phù hợp và thích ứng với thuật ngữ tích hợp không? đó là vấn đề tiên quyết và then chốt (còn vấn đề di hại của việc nầy đã có nhiều người bàn).
Trước hết cần phải hiểu cho đúng thuật ngữ tích hợp. Tích hợp là một thuật ngữ mới được vận dụng ở nước mình. Nó xuất phát từ quy luật nhận thức cho rằng: Không có một đơn vị kiến thức nào đứng ở vị trí độc lập và không liên quan đến các kiến thức khác trên cùng bình diện. Hai chữ tích hợp được dùng dưới nhiều dạng thức khác nhau: Quan điểm tích hợp, tinh thần tích hợp, phương pháp tích hợp, nội dung tích hợp, dạy học tích hợp. Riêng về nội dung, tích hợp đòi hỏi các thành phần cùng nằm trên một bình diện. Bởi vì có cùng một bình diện mới có tính chất liên thông liên kết. Ví dụ dạy môn Văn cần phải có phương pháp tích hợp hai phân môn Tiếng Việt và Tập Làm Văn. Bởi vì trong văn có tiếng, trong tiếng có văn và cả văn lẫn tiếng đều là nguyên vật liệu để tập làm văn.
Về mặt nội dung tích hợp, các môn Lịch sử, An ninh quốc phòng và Giáo dục công dân không cùng chung bình diện, cũng chẳng họ hàng gì với nhau. Cho nên sát nhập ba bộ môn nầy thành một là một việc làm khiên cưỡng, phản khoa học và phản học thuật. Thuật ngữ tích hợp hoàn toàn xa lạ với việc sát nhập, lồng ghép. Trong giảng dạy bộ môn, hai chữ tích hợp được hiểu là phối hợp thành một thể thống nhất, tích chứa bao điều có thể mà vẫn lưu giữ được tính chất đặc thù của phân môn. Hiểu một cách nôm na đơn giản là nhiều phân môn hòa trộn vào nhau, học cái nầy biết cái kia và ngược lại nhưng vẫn giữ được tính chất độc lập của từng phân môn; nghĩa là hòa trộn mà không hòa tan.
Bộ trưởng GD-ĐT cam kết rằng: "Tuy tích hợp nhưng môn lịch sử không bị coi nhẹ và khẳng định được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành". Ông nói như vậy đúng là ngụy biện. Một khi tên đã không còn là tên riêng nữa thì lấy gì bảo đảm sự tồn tại của môn lịch sử, nói chi đến xem trọng xem khinh. Ba môn Lịch sử, An ninh quốc phòng và Giáo Dục công dân được trộn lại để cho ra môn Công Dân và Tổ Quốc thì môn Lịch sử kể như đã bị khai tử rồi. Tích hợp như cách làm của ban soạn thảo chương trình là hình thức đánh tráo khái niệm tích hợp thành sát nhập lồng ghép.
Bộ môn Lịch sử chỉ có thể tích hợp với môn Địa lý, Việt sử, Thế giới sử và những vấn đề có liên quan đến văn học, kinh tế, quân sự, tín ngưỡng, tổ chức hành chính; và đặc biệt là tư tưởng triết học. Tư tưởng triết học chi phối tất cả các lãnh vực khác trong cùng một thời đại, một sự kiện lịch sử.
Việc tích hợp môn Lịch sử với hai môn khác thành môn mới nằm trong mục tiêu thực hiện bước cuối cùng trong tiến trình chính trị hóa. Từ lâu, giáo dục, thông tin và truyền thông đã bị đánh đồng làm một, để mở đường cho tiến trình trên. Và cũng đã từ lâu môn Việt sử hiện đại (Lịch sử Đảng) được cày sâu cuốc bẩm; còn Việt sử thời trung đại và cổ đại thì bị hoang hóa. Tại sao chúng tôi nói bỏ môn Lịch sử là bước cuối cùng trong tiến trình chính trị trị hóa? Bởi vì Quốc sử, Quốc học chính là cái hồn, cái hạnh của một dân tộc. Một khi môn Lịch sử không còn tên gọi thì còn biết đâu là nguồn cội. Cớ sự nầy gây ra do lỗi hệ thống.
Có hai khuynh hướng cực đoan trong đường lối giáo dục trên thế giới :
- Một là giáo dục con-người-nhân-loại vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian, hoàn cảnh (như nền giáo dục của Pháp trước thế chiến II )
- Hai là giáo dục con-người-công-dân trong một hoàn cảnh nhất định; đào tạo theo một khuôn mẫu nhất định; đáp ứng yêu cầu của một định chế nhất định (như nền giáo dục của quốc xã thời Hitler hay nền giáo dục của Nga thời Sô Viết).
Hai khuynh hướng trên đều cực đoan và không tưởng. Khuynh hướng đầu phi thực tế phi dân tộc.
Khuynh hướng sau không chú trọng đến giáo dục con người đích thực có đầy đủ giá trị Chân Thiện Mỹ của con người muôn thuở mà chỉ chú trọng giáo dục con người công cụ.
Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa trước đây mang tính chất trung dung với triết lý giáo dục Nhân Bản - Dân Tộc - Khai Phóng.
- Giáo dục nhân bản lấy con người làm cứu cảnh, đề cao giá trị thiêng liêng của con người, mỗi người và mọi người.
- Giáo dục dân tộc đề cao bản sắc dân tộc, bảo đảm sự trường tồn của dân tộc, sự phát triển điều hòa toàn diện của quốc gia.
- Giáo dục khai phóng có nghĩa là tôn trọng tinh thần khoa học , hướng tới sự tiến bộ, đón nhận tinh hoa văn hóa của thế giới, góp phần phát triển sự tiến bộ, cảm thông và hợp tác quốc tế để tạo điều kiện thăng tiến cho đất nước.
Nói đến dân tộc là nói đến tiến trình phát triển và tiến hóa của dân tộc đó. Và nói đến tiến trình phát triển tiến hóa là nói đến lịch sử nước nhà. Những bước đi của lịch sử kết thành những chặng đường phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Tính chất độc lập của môn học nầy vừa hàm nghĩa tính chất đặc thù bộ môn vừa hàm nghĩa chối từ sự chi phối của bất kỳ xu thế chính trị nào.Thuật lại một sự kiện lịch sử không đơn thuần dựng lại quá khứ mà còn làm sống lại quá khứ trong kinh nghiệm mới mẻ của hiện tại. Đó chính là ôn cố tri tân.
Ý mới rút từ kinh nghiệm cũ
Mai tàn lưu lại chút hương xưa.
"Chút hương xưa" ấy là tinh hoa hồn cốt của cả dân tộc, cũng là tư tưởng triết học của người xưa. Nhà sử học Phùng Hữu Lang cho rằng Thuật lại lịch sử của một thời đại, của một dân tộc mà không đề cập đến triết học của thời đại ấy thì chẳng khác nào họa long bất điểm nhãn. Và nhà triết học Bacon cũng cho rằng Nghiên cứu lịch sử của một thời đại, của một dân tộc mà không đề cập đến triết lý thì khó mà hiểu được triệt để thời đại đó, dân tộc đó". Xem ra không có triết thì không thể triệt vậy.
Lịch sử của dân tộc ta đã
Trải bốn ngàn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng vĩ núi nguy nga ...(Vũ Hoàng Chương)
Trong khoảng thời gian dằng dặc đó trải qua một ngàn năm tranh đấu chống Bắc thuộc; thời kỳ độc lập tự chủ khởi đầu từ nhà Ngô , nhà Đinh; rồi hưng thịnh nhất vào thời Lý, Trần. Dưới triều vua Lý Nhân Tông không những giữ yên được bờ cõi, kiên cố phên giậu mà còn bình Chiêm và cả phạt Tống nữa .
Ơi sử Việt là tranh đấu sử
Trước đến sau cầm cự nào ngơi
Tinh thần cách mạng sáng ngời
Bao người ngã lại bao người đứng lên.
(Trả ta sông núi - Vũ Hoàng Chương)
Nền giáo dục xưa không dùng kỹ thuật, không xây dựng kế hoạch, không công nghệ hiện đại ...nhưng nó đã làm tròn nhiệm vụ của mình; giữ được vai trò lịch sử của mình ròng rã mấy ngàn năm để nước Việt tồn tại đến tận ngày hôm nay !
Bỏ môn lịch sử đồng nghĩa với việc phủ nhận bao công trình huyết hãn của tiền nhân: Bắc đánh Tống, Nam bình Chiêm, diệt Mông Nguyên, giữ yên bờ cõi. Có được những thành tựu to lớn như vậy là nhờ triết lý giáo dục trung, hiếu, tiết, nghĩa ...chứ không nhờ vào kỹ thuật, kế hoạch giáo dục.
Để bênh vực việc tạo ra môn học mới, phó GS-TS Bùi Mạnh Hùng đưa ra ý kiến "Việc tích hợp không chỉ nhắm đến việc nâng cao hiệu quả giáo dục mà còn giải quyết vấn đề kỹ thuật khi xây dựng kế hoạch dạy học". Thì ra ông nầy không phân biệt được đâu là gốc đâu là ngọn! Đổi mới lối suy nghĩ về giáo dục, đường hướng giáo dục, triết lý giáo dục mới là cái gốc; còn vấn đề kỹ thuật, kế hoạch kể cả hiệu quả giáo dục chỉ là cái ngọn. Thêm một ý kiến khác bênh vực cho dự án nầy thì nói rằng "Các nước làm như thế và Việt Nam cũng nên làm theo”. Thật là nông cạn và ngớ ngẩn. Các nước tích hợp môn lịch sử với môn địa lý chứ đâu có tùy tiện như kiểu của các ông!
Suy cho cùng thì môn Lịch sử không thể nào tích hợp với các môn An ninh quốc phòng, Giáo dục công dân để tạo thành môn học mới cho được. Vì nhiều lý do - trong đó có lý do phản khoa học, phản học thuật và sai nguyên tắc tích hợp là then chốt. Ngoài ra, việc làm trái khoáy nầy sẽ gây di hại khó lường là việc chuẩn cấp học (standard learn) ở bậc học phổ thông sẽ không thành công. Sau khi ra khỏi nhà trường phổ thông, học sinh sẽ không được trang bị đầy đủ vốn liếng hành trang vào đời một khi đã bị mất căn bản kiến thức phổ thông trầm trọng. Nguy hiểm nhất là các em sẽ thiếu tố chất “để cho con người xứng đáng là người" (nhân chi sở dĩ vi nhân dã). Phó GS-TS Phạm Quốc Sử khẳng định "Người không hiểu sử thì không khác gì con trâu. Con trâu thì ruộng nào cũng cày bởi nó không biết nguồn cội của mình”. Đúng vậy, con trâu chỉ biết cắm cúi cặm cụi kéo cày theo một đường rảnh có sẵn.
Kiến thức lịch sử và địa lý vô cùng cần thiết cho con người - cho mỗi người và cho mọi người. Đặc biệt, giới luật gia, chính khách không thể không có hiểu biết về lịch sử và địa lý. Chính khách mà tù mù về kiến thức sử địa thì lãnh đạo dẫn dắt quần chúng chẳng khác nào một người mù dẫn đường một đoàn người mù.
Phạm Đạt Nhân 27.11.2015
(chúng tôi tự ý trích đăng từ blog Phạm Hạnh của PĐN
http:vuphamdatnhan.blogspot
No comments:
Post a Comment