bain de soleil
Phản chủ đầu trâu
Tôn Thất Tuệ
Từ nhỏ, tôi nghe “phản chủ đầu trâu” với
nghĩa xấu là phản bội; lúc ấy, ở Huế có nhiều người ở đợ và chủ tớ phân rõ, trẻ
thơ chỉ biết người giúp việc phản bội chủ nhà, bỏ đi và mang theo đồ đạc; đầu
trâu có lẽ xem kẻ phản bội như loài thú.
Nay gần đất xa trời vẫn không có dịp được
giải thích thành ngữ nầy. Cho nên chúng tôi tự giải thích, trước khi quá trễ
đem xuống tuyền đài biết hỏi ai.
Theo tôi, từ chữ Tàu: phản Trụ đầu
Châu. Đầu trâu có lẽ do thành ngữ Tàu: ngưu đầu mã diện. Tôi thấy hai tượng
ngưu đầu mã diện trong chùa Thiên Minh. Lúc nhỏ tá túc trong chùa, ngày ngày
tôi phải nấu cháo múc ra một đọi nhưng nấu e chưa được muỗng gạo, gọi là cháo
thánh, đem cúng ở một cái bàn nhỏ theo vách chùa. Trên bàn nầy có hai tượng
ngưu đầu mã diện nghe nói là hai quỷ sứ địa ngục. Trong địa ngục nầy cô hồn bị
đọa, cổ nhỏ như kim chích thuốc, không ăn được chỉ húp nước như nước cháo. Cúng
cô hồn có tô cháo thánh là vì vậy.
Huế mình rất Hán, rất Nho cho nên đoán
là phản Trụ đầu Châu, không cần xin keo một sấp một ngữa mới yên lòng. Trụ là
hiệu của vua cuối cùng nhà Thương, [Thương Trụ] được / bị sử Tàu và sách Luận
Ngữ gọi vỏn vẹn là Trụ Vương, là vị vua tàn bạo, dâm dục xa hoa; tên Trụ Vương
luôn đi kèm với Đát (Đắt) Kỷ. Ông trị vì từ 1075 – 1046, trước Jesus. Nước Tàu
trở nên loạn, dân tình khốn khổ là môi trường tốt cho Cơ Xương, tây bá hầu, rồi
đến con là Cơ Phát cùng 11 chư hầu, chống lại nhà Thương tức là chống vua Trụ,
phản Trụ, và lập nên nhà Châu.
Với khung cảnh ấy, phản Trụ là việc tốt
cần làm để tái lập thịnh vượng an lạc, khác nào bỏ Satan theo Chúa. Không hàm ý
phản bội.
Do đó, xin suy diễn “phản chủ đầu
trâu” lúc đầu chỉ là đọc sái “phản Trụ đầu Châu” dần dà được tiếng mình dùng gọi
tên hành vi phản bội như lũ đầu trâu mặt ngựa, khác với tinh thần cải tà quy
chánh.
Thành ngữ nầy đặc thù của mình như
gallicisme của Pháp. Hiểu nó rứa đó, như thị, tel quel, as it. Không cần truy
nguyên Hán tự. Có thể giải thích biệt lập ngoài đường lối hướng Tàu
(sinocentric), là một thành ngữ chê trách vệc phản bộ.
Á chà, còn cấy ni nữa. Có ai nghe như
ri không?
- Thằng nớ trụ lắm;
- Thằng tê trụ tam đợi.
Trụ / trụ tam đợi như nhau. Tôi có người
bà con xa trên môi bà ta luôn có trụ tam đợi. Đúng là mụ o dọn (nhọn) mồm.
Tam đợi là ba đời thay cho tam đại.
Tau chửi đến cấy mụ cô tam đợi mi, nát cấy tam đợi, ngũ đợi từ đường của mi. Mụ
cô là đời thứ ba ngang với ông nội. Tam đợi từ đường là nhà thờ họ thờ đến thế
hệ ông và thường thêm hai đời nữa là cố và cao, thành ngũ đợi.
Trụ và trụ tam đợi, như tôi hiểu khi
nghe, nói tới một kẻ dâm ô, ăn chơi, thường là nam giới. Bà nhọn mồm, miệng có quai nói trên quá khích,
hể thấy ai đi ve gái, quà cáp cho người đẹp bà dện một chữ: trụ tam đợi. Khỏe
ru bà rù. Thấy hình con gái Huế tắm bển Thuận An mặc bain de soleil chỉ lòi tứ
chi và cổ, thím tôi cũng phán như tòa phán ba chữ trụ tam đợi. Thời nay nếu còn
sống nhìn ra đường, có một lũ cổ truồng mừng thắng cuộc thể thao; có lẽ bà sẽ
nói trụ tam thập đợi hay trụ bách đợi, trụ từ trăm đời trụ từ thờ ông cố nộ chúng
chết xác còn sờ sờ như con ma dâm.
Có thể suy diễn từ Trụ Vương, kẻ dâm loan
ăn chơ vô đạo, như phản chủ đầu trâu.
‘’Tam đợi’’ xem như một trạng từ, rất
nhiều, thứ thiệt, món gia truyền từ đời ông, có căn có gốc, không phải lơ phơ lất
phất.
Trụ tam đợi là một gallicisme VN.
Những thành ngữ nầy nay đã lỗi thời.
Chúng cho thấy Hán Tự (văn viết) của giới sĩ tử đã thấm qua văn nói của đại
chúng, mang một sắc thái riêng. Lối đặt thành ngữ mới luôn xẩy ra, rồi quen rồi
thành nếp như tuyệt cú mèo, chấm dứt chương trình, tận cùng bằng số; an toàn xa
lộ, bát xê ô loi (passer les coups de poing; đấm qua đấm về).
==============================================
No comments:
Post a Comment