add this

Saturday, January 3, 2015

trước thời PG ra đời



truông cỏ, thảo nguyên, steppe

bối cảnh trước thời Phật Giáo
Peter Della Santina, ttt dịch

Mặc dù thông thường các bài nghiên cứu về Phật Giáo (PG) bắt đầu với đời sống của vị sáng lập là Đức Phật, tôi mong muốn xem xét hoàn cảnh trội yếu ở Ấn Độ trước thời của Ngài: bối cảnh trước khi PG ra đời. Tôi hoàn toàn tin rằng một cuộc cứu xét như vậy rất ích lợi vì nó giúp chúng ta hiểu đời sống và giáo lý của Ngài trong một khung cảnh lịch sử và văn hóa rộng lớn hơn. Lối xem xét ngược dòng ấy có thể cho chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của PG nói riêng, và có lẽ nói chung, tổng quát bản chất của triết lý và tôn giáo Ấn Độ.

Xin bắt đầu xem xét nguồn gốc và sự phát triển triết học và tôn giáo Ấn với một sự tương tự địa dư. Ở phương bắc của tiểu lục địa Ấn có hai con sông lớn: sông Hằng và sông Yamuna. Hai con sông lớn ấy bắt nguồn từ hai nơi khác biệt trong Hy Mã Lạp Sơn; hầu như suốt cả dòng luân lưu, chúng cũng tách riêng. Dần dà, chúng tiến gần nhau để rồi gặp nhau trong đồng bằng Bắc Ấn, gần nơi hiện nay là thị trấn Allahabad. Từ điểm qui hợp ấy chúng cùng nhau chảy vào vịnh Bengal.
Địa lý của hai con sông to lớn ấy gợi lên ý niệm về nguồn gốc và sự phát triển của triết học và tôn giáo Ấn, bởi vì trong văn hóa Ấn giống như trong địa dư Ấn, có hai nguồn tư tưởng lớn nguyên gốc đã khác nhau và mang hai bản sắc tách biệt. Qua bao thế kỷ, dòng luân lưu của hai nguồn ấy vẫn tách biệt và khác biệt nhưng đến một lúc nào đó, chúng tiến gần nhau, nhập chung với nhau và tiếp tục luân lưu cùng nhau, không thể phân biệt rời nhau, chảy mãi cho đến ngày nay. Có lẽ khi xúc tiến suy xét văn hóa Ấn trước PG, chúng ta nên ghi nhớ hình ảnh hai con sông to lớn ấy, với nguồn gốc khác nhau nhưng ở một điểm nào đó gặp nhau để cùng tiếp tục ra biển.
Khi nhìn ngay vào tiền sử Ấn, chúng ta thấy rằng trong thiên kỷ thứ ba tTC (trước Thiên Chúa), trên tiểu lục địa nầy đã có một nền văn minh phát triển cao độ. Văn minh nầy cũng lâu năm không kém văn minh Ai Cập và Ba Tư (hai thứ được xem là các nôi sinh văn minh con người). Nó bung nở từ 2800 đến 1800 tTC và được gọi là văn minh Thung Lũng Indus (TLI), hay văn minh Harappa. Nó trải rộng từ nơi bây giờ là Tây Hồi, xuống phía Nam đến tận Bombay, chạy sang đông đến gần Shimla dưới chân Hy Mã Lạp Sơn.
Nhìn bản đồ Á Châu, bạn sẽ thấy ngay khung dạng bao la của văn minh TLI. Không những vững chắc một ngàn năm, nó còn rất tiến bộ về vật chất lẫn tinh thần.
Về vật chất, văn minh TLI thuộc nông nghiệp, biểu lộ một kỹ năng cao cấp về dẫn thủy và kế hoạch hóa thành thị. Có bằng chứng cho biết người dân trong nền văn minh nầy đã tiến tới một hệ thông toán học đặt trên mô thức nhị phân (binary) giống như trong computer hiện nay. Dân chúng biết chữ và đã phát triển một hệ thông ký tự cho đến nay không ai giải mã được. Thêm vào đó, nền văn minh nầy đã phát sinh một nền văn hóa tinh thần ở tầm mức cao rộng. Các cuộc khai quật khảo cổ ở hai địa điểm chính Mohenjo-daro và Harappa minh chứng việc nầy.
Dòng sinh mạng thái hòa của nên văn minh vĩ đại xưa cổ nầy đột nhiên bị ngưng chận trong khoảng 1800 đến 1500 tTC bởi một cuộc xâm lăng.
Chắc chắn cùng lúc hay ít lâu sau sự lụn bại của nền văn minh nầy, tiểu lục địa bị xâm chiếm từ phương tây bắc – cũng giống như mấy thế kỷ sau, người Hồi cũng chiếm Ấn từ phương hướng nầy.
Lần nầy dân xâm chiếm được biết là người Aryans. Danh từ nầy để chỉ một bộ tộc nguyên gốc ở Đông Âu, có lẽ từ các truông cỏ không cây hiện nay ở Ukraine và Ba Lan. Người Aryan rất khác với dân trong TLI.
Nếu dân địa phương sống về nghề nông và định canh, người Aryan du cư và chăn nuôi theo đồng cỏ. Họ không quen lối sống thành thị, phần lớn sống nhờ các sự chiếm đoạt khi chinh phục các dân tộc mà họ đô hộ trên đường di dân. Khi người Aryan đến Ấn, họ áp đặt một nền văn minh thống trị; sau giữa thiên kỷ thứ hai tTC, xã hội Ấn hoàn toàn bị chi phối bởi các giá trị Aryan.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét thái độ tôn giáo của dân chúng trong hai nền văn minh TLI và Aryan. Đây là điều đáng chú tâm. Như đã nói trên, văn minh TLI đã có chữ viết nay chưa ai đọc ra. Tuy vậy, sự hiểu biết về nền văn minh nầy dựa vào hai đầu mối: các phát giác khảo cổ ở Monhejo-daro và Harappa cùng các ký liệu người Aryan mô tả thái độ tôn giáo và các tín ngưỡng của sắc dân mà họ đến đô hộ.
Các cuộc khai quật phát lộ một số biểu tượng quan trọng đối với dân chúng trong văn minh TLI. Những biểu tượng ấy có ý nghĩa tôn giáo, và chúng cũng mang tính chất thiêng liêng trong PG. Trong số đó có cây bồ đề và các con vật như voi và nai. Nhưng có ý nghĩa nhiều nhất là hình ảnh người ngồi xếp bằng (chéo chân), hai tay để trên hai đầu gối, mắt lim dim – chắc hẵn  gợi lên tư thế nhập định. Nhờ khảo cổ và các bằng chứng khác, các học giả hàng đầu đã kết luận rằng thiền định và yoga xuất phát từ văn minh TLI.
Hơn thế nữa, khi nghiên cứu việc mô tả việc hành đạo của dân TLI trong các ký liệu xưa cổ nhất của người Ayan, tức là bộ Vedas, người ta tìm gặp nhiều lần hình ảnh đạo sĩ khổ hạnh du hành. Các người khổ hạnh ấy trì hành các phương pháp huấn luyện tâm thức, sống độc thân, khỏa thể hay chỉ mặc rất đơn sơ, không có chỗ ở nhất định, họ dạy đạo lý xa vượt trên sự sống chết.
Các chứng cớ trong khảo cổ và các tài liệu của người Aryan đã  đủ để thấy các nét trọng yếu. Thứ nhất là thiền định, hay tu tập huấn luyện tâm. Điểm thứ hai là việc ly gia, tức là từ bỏ đời sống gia đình, sống khổ hạnh vô gia cư, khất thực. Thứ ba là quan niệm tái sinh hay luân hồi tiếp tục một chuổi dài vô tận các kiếp sống; thứ tư là ý nghĩa của trách nhiệm luân lý rộng lớn hơn cuộc sống hiện tại, nói khác đó là một lối quan niệm về nghiệp. Và cuối cùng là mục tiêu tối hậu của đời sống tôn giáo, nói rõ là mục đích giải thoát, khỏi sự khống chế của chu kỳ sinh tử vô tận. Đấy là những đường nét trội yếu về tôn giáo của nền văn minh cổ sơ của Ấn.
Tiếp theo, chúng ta hãy xem xét tôn giáo của người Aryan mới đến, một thứ tôn giáo hoàn toàn đối nghịch với tôn giáo TLI. Thật vậy, thật khó lòng tìm ra hai đạo nào lại khác nhau triệt để như vậy. Tạo ra một bức ảnh về thái độ và hành đạo của người Aryan thật dễ dàng và đơn giản hơn đối với trường hợp Ấn. Khi đến tiểu lục địa nầy, người Aryan mang theo một tôn giáo có bản chất hoàn toàn thế tục. Họ là một xã hội chủ trương bành trướng, một xã hội đi tiên phong khai phá mở đường. Họ có gốc từ Đông Âu và tôn giáo của họ, trên nhiều khía cạnh, giống như tôn giáo cổ đại Hy Lạp.
Nhìn tổng lược các thần linh Hy Lạp, bạn thấy ngay sự song đôi. Người Aryan tôn thờ một số thần linh như những nhân thể hóa các hiện tượng thiên nhiên, vài ví dụ ít ỏi: Indra (chẳng khác Zeus) thần sấm chớp; Agni, thần lửa, Varanu, thần nước.
Nếu trong hệ thống giá trị tôn giáo TLI, người khổ hạnh mang hình ảnh vào mức thượng thừa thì trong cơ cấu tôn giáo Aryan, tu sĩ quan trọng nhất. Nếu trong hệ thống giá trị tôn giáo của TLI, sự thoát tục chiếm địa vị tổng thể thì trong hệ thống Aryan, người của gia đình, hay người giữ gia nghiệp, có địa vi cao quí nhất. Nếu trong văn hóa tôn giáo TLI, giá trị của hậu duệ không được chú trọng thì người Aryan đặt chuyện hậu duệ, nhất là con trai, vào thứ tự ưu tiên cao nhất.
Tôn giáo trong văn minh TLI nhấn mạnh việc quán tưởng trong lúc đức tin Aryan dựa vào việc cúng tế; mà cúng tế là phương tiện hàng đầu của họ để giao tiếp với thần linh, bảo đảm chiến thắng, có con trai và giàu có, và sau cùng được lên trời. Văn minh TLI du nhập quan niệm tái sinh và nghiệp, những điều mà người Aryan không biết đến. Ý niệm về trách nhiệm luân lý vượt trên đời sống hiện tại là điều xa lạ với người Aryan, với họ giá trị xã hội to lớn nhất là sự trung thành với tập thể, một đức tính được ung đúc đóng góp xây dựng sức mạnh và sự vững chắc của bộ lạc. Sau cùng, mục đích tối thượng của đời sống tôn giáo Ấn là sự giải thoát, trạng thái siêu thăng khỏi sự sống chết, trong lúc ấy với người Aryan mục tiêu ấy đơn giản chỉ là cõi trời; mà cõi trời ấy cũng giống như thế giới nầy chỉ có khác là hoàn thiện hơn.
Tóm lược, một bên, tôn giáo của nền văn minh TLI chú tâm đến việc thoát tục, quán niệm, tái sinh, nghiệp và cuối cùng là giải thoát, còn bên kia tôn giáo Aryan nhấn mạnh cuộc đời nầy, cúng tế theo nghi thức, trung thành, giàu có, con cái, quyền lực và cõi trời. Như vậy đã rõ toàn bộ thái độ tôn giáo, cách hành đạo và các giá trị của hai nền văn minh xưa tại Ấn Độ hầu như đi ngược nhau 180 độ. Tuy thế, xuyên qua hằng thế kỷ sống chung, hai nguồn tôn giáo ấy đã gặp nhau và trên thực tế không thể phân biệt rời nhau.
Văn hóa tôn giáo Aryan, ngoài ra, được đánh dấu bởi hai yếu tố xa lạ với nền văn minh Ấn. Đó là, thứ nhất, giai cấp (việc chia xã hội thành những đẳng cấp xã hội), và thứ hai, tin tưởng vào quyền năng và sự bất hoặc của mặc khải, ở đây muốn nói kinh điển xưa gọi là Vedas (Vệ Đà)
Lịch sử tôn giáo Ấn từ 1500 tTC đến thế kỷ thứ sáu tTC (nghĩa là thời Đức Phật) là lịch sử của sự tương tác giữa hai dòng tư tưởng nguyên thủy đối nghịch nhau. Khi dần dà chuyển về phía đông và phía nam để an lập và gieo ảnh hưởng văn hóa trên hầu hết bán lục địa, người Aryan chấp nhận một lối sống có nhiều tính cách định cư hơn. Từng chút một, các nền văn minh tôn giáo đối nghịch của hai dân tộc bắt đầu tương tác, ảnh hưởng nhau, và đi đến việc cùng đi chung. Đó là hiện tượng mà tôi nghĩ tưởng trước đây khi nhắc đến việc hội nhập của hai con sông lớn của Ấn, sông Hằng và Yamuna.
Vào thời của Đức Phật, một nền văn hóa tạp lục đa dạng đang bung nở khắp nước Ấn. Nhìn sơ qua vài sự kiện trong cuộc đời Ngài cũng đủ chứng minh việc nầy. Ví dụ, sau ngày đản sinh, có hai nhóm người khác biệt đã tiên đoán tương lai rực rỡ của Ngài. Lời tiên tri thứ nhất là của Asita, một đạo sĩ khắc khổ sống trong rừng nhưng các ký liệu về Đức Phật đều viết rằng Asita là một Ba La Môn, thuộc giai cấp tăng lữ trong xã hội Aryan. Điều nầy là một chứng cớ rõ ràng về sự tương tác của hai truyền thống tôn giáo cổ đại, nó cũng cho biết rằng vào thế kỷ thứ sáu tTC ngay cả người Bà La Môn cũng đã bắt đầu bỏ cuộc sống gia đình và chấp nhận lối sống vô gia cư theo hạnh khắc khổ, điều không thể xẩy ra ngàn năm trước. Tiếp theo là chuyện 108 vị Bà La Môn được mời đến dự buổi lễ đặt tên cho ông Phật trẻ nầy và họ cũng tiên đoán tương lai rực rỡ của chú bé. Họ rõ là những tăng lữ chưa ly gia và đang hành đạo theo đường lối chính thống của giai tầng Aryan.


The Taj Mahal, on the southern bank of the Yamuna River, Agra, India.
Đền Taj Mahal trên bờ Yamuna
Làm sao hai truyền thống khởi thủy khác biệt nay có thể hội nhập vào nhau? Theo tôi, câu trả lời nằm trong các sự thay đổi sâu đậm xẩy ra trong đời sống dân Ấn từ giữa thiên kỷ thứ hai tTC và thời Đức Phật. Sự bành trướng chấm dứt khi người Aryan đã trải khắp các cánh đồng Ấn; nó đưa đến các thay đổi xã hội, kinh tế và chính trị.
Trước nhất, lối sống theo bộ lạc, du cư và chăn nuôi theo đồng cỏ của người Aryan đã dần dần mang hình thái ngày càng ít di chuyển, hướng về canh nông và sau đó mang tính cách đô thị. Mà người sống trong những tập hợp đô thị xa rời các sức mạnh thiên nhiên mà người Aryan xưa đã nhân thể hóa thành những thần linh.
Thứ đến, thương mãi trở nên ngày một quan trọng. Trong khi trước đây tăng lữ và chiến sĩ là hai hình ảnh trội yếu trong xã hội Aryan – tăng lữ vì liên thông với thần linh; chiến sĩ vì điều động chiến tranh chống kẻ thù của bộ lạc và đem chiến lợi phẩm về - ngày nay thương gia bắt đầu đi lên. Trong thời của Phật, xu hướng nầy rất rõ ràng qua các đệ tử nổi tiếng thuộc giới thương gia, ví dụ ông Cấp Cô Độc.

Sau cùng tổ chức xã hội theo đường hướng bộ tộc dần dần thành lỗi thời, và quốc gia có lãnh thổ bắt đầu hình thành. Xã hội không còn được tổ chức thành những bộ lạc móc kín với nhau bằng những sự trung thành cá nhân. Hình thức bộ lạc của tổ chức xã hội đã được thay thế bởi quốc gia có lãnh thổ trong đó nhiều người thuộc các bộ lạc khác nhau cùng chung sống. Ví dụ về sự hình thành quốc gia lãnh thổ là nước Magadha (Ma Kiệt Đà) của vua Bimbisara, người hổ trợ và đệ tử của Phật.
Những thay đổi xã hội, kinh tế chính trị nầy đã đóng góp công sức làm cho người Aryan ngày càng chấp nhận và theo các tư tưởng tôn giáo của nền văn minh TLI.
Mặc dù người Aryan đã đô hộ về vật chất nền văn minh tại chỗ của bán lục địa Ấn, một ngàn hay hai ngàn năm sau chứng kiến họ chìm dần trong ảnh hưởng của thái độ tôn giáo và cách hành đạo cũng như các giá trị xuất phát từ tôn giáo của văn minh TLI. Do đó, từ khi bắt đầu công nguyên, ngày một thêm khó trong việc phân định truyền thống Aryan và truyền thống TLI. Quả vậy, sự thật lịch sử nầy đã đưa đến ngộ nhận rằng Phật Giáo là sự đối kháng Ấn Giáo hay ngộ nhận PG là con đẻ của Ấn Giáo.
Phần lớn các nguồn hứng khởi của PG bắt nguồn từ văn hóa tôn giáo của nền văn minh TLI.  Các yếu tố như ly gia, thiền định, tái sinh, nghiệp và giải thoát là những thành tố hết sức quan trọng trong văn minh tôn giáo của người TLI chẳng khác nào trong PG. Có thể hiểu rằng Đức Phật muốn nêu rõ nguốn gốc tôn giáo mà Ngài quảng diễn nằm trong văn minh TLI khi Ngài nói rằng con đường Ngài dạy là con đường xưa và mục đích Ngài nêu ra cũng là mục đích xưa. PG xác nhận có sáu vị cổ  Phật đã thành đạt rực rỡ trước Phật Thích Ca. Điều nầy cho thấy sự liên tục giữa văn hóa tôn giáo TLI và các giáo lý của Đức Phật.
Khi xem xét hai hiện tượng tôn giáo gọi là PG và Ấn giáo, chúng ta tìm gặp ít nhiều vay mượn của nhau giữa hai nguồn tôn giáo lớn thời Ấn Độ xưa. Trong PG, một tỷ suất khá lớn các thành tố nhiều ý nghĩa được thừa hưởng từ tôn giáo của TLI, trong lúc một phần rất nhỏ được tìm thấy từ tôn giáo người Aryan thời xưa, ví như các thần linh trong Vedas, nhưng với giá trị ngoại biên.

Cũng giống vậy, nhiều trường phái Ấn giáo vẫn duy trì phần lớn các thành tố thừa hưởng từ truyền thống Aryan nhưng vẫn có một phần nhỏ rút từ tôn giáo TLI. Các trường phái nầy vẫn còn nhấn mạnh đến hệ thống giai cấp, quyền năng bất hoặc của mặc khải trong khuôn dạng của Vệ Đà, và sự linh ứng hiệu nghiệm của việc cúng tế. Thế nhưng vẫn còn dành một chỗ cho những thành tố quan yếu của văn hóa TLI như việc ly gia, thiền định, tái sinh, nghiệp và giải thoát.-


Ghi chú của người dịch:

 Thiết nghĩ sự so sánh lịch sử tư tưởng và sự hợp nhất của hai con sông Hằng và Yamuna chỉ có tính cách tượng trưng. Rất nhiều con sông nhập vào sông Hằng, biến nó thành một con rồng to lớn. Sau khi được Yamuna tiếp nước ở Allahabad, sông Hằng tiếp tục nhận sự kết hợp với nhiều nhánh sông khác từ đó xuống cửa biển.  Yamuna quá nhỏ so với sông Hằng về chiều dài, về lưu vực quanh mình. Nhất là về tính chất linh thiêng người Ấn đặt để vào. Rất có thể Santina muốn nói sông Hằng là cả nền văn hóa rộng lớn trong thung lũng Indus, và Yamuna chỉ là văn hóa thế tục của người xâm chiếm.

Sự đóng góp vào bữa cơm chung có phần của Aryan nhưng phần nầy quá nhỏ, tuy bề ngoài có vẻ dềnh dang của người hung bạo. Yamuna phải nhập chung vào sông Hằng. Lịch sử tái diễn trên những vùng đất to nhỏ khác nhau: kẻ xâm chiếm hung bạo, mang máu rừng, rồi chóng hay chầy sẽ bị thu hút vào nền văn hóa của kẻ bị xâm chiếm.
Trở về sông Hằng, kinh Phật luôn dùng cát sông Hằng để nói đến số lượng vô biên, Hằng Hà sa số; thành ngữ nầy nhiều người dùng, không cần truy nguyên ngữ căn, chỉ nói để chỉ số nhiều.

"The Ganga, especially, is the river of India, beloved of her people, round which are intertwined her memories, her hopes and fears, her songs of triumph, her victories and her defeats. She has been a symbol of India's age long culture and civilization, ever changing, ever flowing, and yet ever the same Ganga." (Hằng Hà, đặc biệt, là dòng sông của Ấn Độ, là sông thương mến của dân Ấn; vấn riết quanh mình những ký ức, những hy vọng, những sợ hãi, những khúc ca khải hoàn, những chiến thắng, những chiến bại. Từ xưa đến nay, sông là biểu tượng của nền văn hóa và văn minh lâu đời  của Ấn, luôn thay đổi, luôn trổi chảy nhưng vẫn là một Hằng Hà bất biến).

Lời nói trên của Nehru có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào sông Hằng chảy qua, như Bangladesh, không riêng gì cho Ấn Độ. Mặt khác sự diễn tả nầy có thể đem áp dụng cho nhiều dòng sông trên thế giới, những dòng sông danh tiếng trong đó có La  Moldau để viết thành nhạc của Smetana; sông Rhin Đức mà Beethoven xem như cha đẻ của mình, cha đẻ nhựn cảm nghĩ những hứng khởi sáng tạo, và có sông Hương, sông Tiền sông Hậu ...




No comments:

Post a Comment