PG từ Nepal đến các nơi , không kể Hy Lạp và Ai Cập
sự hình thành đại thừa
The
Formation of Mahayana
John R. O'Neil, Phước Hạnh trích dịch
Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về
sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250
năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có
từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ với một cá nhân nào, và cũng không đặc
biệt liên kết với một tông phái nào của thời kỳ Phật Giáo sơ khai. Có thể phong
trào đó khởi dậy từ nhiều nơi trong xứ Ấn Độ, tại miền nam, miền tây bắc và miền
đông.
Phong trào nầy có ba đặc tính tổng quát. Thứ nhất là sự
đồng tình hết lòng với quan niệm về Bồ Tát Đạo vốn đã được một vài tông phái
nguyên thủy khởi xướng từ trước. Thứ hai, họ đưa ra một vũ trụ quan mới, dựa
vào các pháp quán kiến về Đức Phật mà dưới cái nhìn mới, đã trở thành một vị
siêu nhân, siêu thế. Thứ ba, họ có những quan niệm mới về A-tỳ-đàm (Abhidhamma,
Vi Diệu Pháp), phát nguồn từ kết quả thiền quán về "không tính" sâu
kín của vạn vật và từ đó có một nhãn quan triết lý mới. Từ ba đặc tính nầy,
phát sinh một định hướng mới về giáo pháp của đạo Phật và tạo ra hằng loạt các
diễn giải mới lạ, và dần dần tạo nắn thành một phong trào gọi là Đại thừa với
tính chất riêng biệt.
Mahayana đi vào lịch sử như một liên hiệp lỏng lẻo của
nhiều nhóm, mỗi nhóm liên kết với một hay nhiều kinh điển mới. Các kinh điển nầy
được viết ra bằng các phương ngữ miền Trung Ấn chẳng bao lâu sau khi chúng được
trước tác. Tiếp theo là các sửa đổi, rồi dần dần trở thành một loại ngữ văn
"Sanskrit tạp", rất gần với Sanskrit cỗ, ngữ văn quý trọng của Ấn Độ.
Những người nào chấp nhận các văn liệu nầy là kinh điển chính thống -- lời giảng
dạy của Đức Phật -- được xem như thành viên của phong trào mới. Điều đó không
có nghĩa là các tu sĩ trong phong trào mới nầy bắt buộc phải từ bỏ truyền thống
cũ, vì họ vẫn tiếp tục tuân giữ các giới luật trong truyền thống cũ của họ. Các
người Đại thừa vẫn là một thiểu số trong giới Phật tử Ấn Độ trong một thời gian
dài. Đến thế kỷ thứ bảy, nhà hành hương Huyền Trang ước tính là phân nửa trong
số 200.000 vị tu sĩ tại Ấn Độ theo phong trào Đại thừa.
Phật thuyết Vi Diệu Pháp ở cung trời Đao Lợi
Những người truyền thống lúc đó không chấp nhận các
văn liệu mới nầy là "lời dạy của Đức Phật" (Phật ngôn -
Buddhavaccana) như các kinh nguyên thủy. Thật ra, kinh điển nguyên thủy cũng
bao gồm bài giảng của các vị đại đệ tử nhưng được họ chấp nhận là vì Đức Phật
đã từng khen ngợi các vị đại đệ tử đó và Ngài đồng ý với các bài giảng đó. Ngay
cả sau khi những vị đó đã qua đời, một vài bài kinh khác đã được thêm vào nếu
chúng có cùng văn phong và nội dung với tạng kinh luật.
Kinh điển mới của Mahayana hoàn toàn khác hẳn về văn
phong và âm điệu. Nhưng chúng được nhiều người theo phong trào mới chấp nhận là
"Phật ngôn" vì nhiều lý do. Thứ nhất, họ tin rằng Đức Phật vẫn hiện hữu,
cảm nhận được qua các trạng thái nhập thiền và mộng tưởng, và đã giảng các bộ
kinh đó. Thứ hai, chúng được xem như sản phẩm từ các tuệ giác bát nhã có cùng một
căn bản như các bài pháp của Đức Phật. Thứ ba, về sau nầy, nhiều người Đại thừa
lại tin rằng các kinh điển đó là lời giảng của Đức Phật nhưng đã được dấu đi tại
quốc độ của các loài thần rắn (Naga, Long vương), cho đến khi nào loài người có
thể nhận thức được tầm mức quan trọng của kinh thì mới thỉnh được chúng qua
năng lực trong lúc tham thiền. Mỗi một giải thích đều cho rằng các kinh điển nầy
được phát khởi từ kinh nghiệm tham thiền. Tuy nhiên, chúng thường có dạng các lời
đối thoại giữa Đức Phật lịch sử và các đệ tử cùng với sự hiện diện của chư
thiên.
Các loại kinh điển mới nầy được các người Đại thừa xem
như "thời kỳ Chuyển Pháp Luân lần thứ hai", một cấp độ giảng dạy cao
sâu hơn các kinh nguyên thủy. Giờ đây, các đệ tử Bồ Tát được hình dung ra như
có trí tuệ cao hơn các vị A-la-hán. Vì các kinh điển mới được xem như có giá trị
giải thoát, các người Đại thừa cho rằng sẽ có nhiều phước đức nếu chúng được
sao chép lại, quảng bá, tụng đọc, tham cứu, thực hành, và ngay cả việc tôn thờ
lễ lạc chúng. Điều nầy cho thấy có một thái độ tự vệ của phong trào mới, vẫn
còn là thiểu số, đang cố gắng củng cố, xây dựng một thế đứng, phản ứng chống lại
các chỉ trích của giới tăng sĩ truyền thống. Có lẽ các kinh điển Mahayana được
trước tác bởi một số các vị pháp sư có uy tín và muốn khởi xướng phong trào mới.
Các vị nầy, tu sĩ lẫn cư sĩ, truyền bá tư tưởng mới trong và ngoài cộng đồng Phật
giáo đương thời để lôi cuốn thêm tín đồ mới. Họ ca ngợi các tính chất cao quí của
quả vị Phật Chánh Đẳng Giác, một sự hoán chuyển tâm thức sâu xa, thực hiện qua
việc khai phát tâm thức giác ngộ -- giác tâm (bodhi-citta), một lòng hứng khởi
để đạt quả vị Phật, qua các phương tiện của Bồ Tát Đạo.
Các quan niệm mới về giá trị của kinh điển đã khuyến
khích phong trào Đại thừa có thêm nhiều tự do phóng khoáng, nhiều sự "mặc
khải", để tạo ra hằng loạt các kinh điển mới ở Ấn Độ cho đến khoảng năm
650 CN. Các bộ kinh nầy thường được trước tác bởi các vị tu sĩ ẩn danh, thông
thường có một nhóm tác giả viết ra một văn bản mới với nhiều chi tiết, càng
ngày càng phát triển rộng thành các tác phẩm lớn, có khi lên đến vài trăm trang
giấy. Trong khi đó, các kinh điển nguyên thủy thường ngắn gọn hơn, mỗi bài kinh
chỉ có vài ba trang. Thật ra, trong một vài bài kinh nguyên thủy, Đức Phật được
nhắc đến như là một đại nhân cao quý, xuất chúng, chung quanh là hàng trăm vị
chư thiên và đại đệ tử. Các kinh điển Mahayana đã mô phỏng theo lối diễn tả nầy.
Trong các kinh đại thừa, Đức Phật thường dùng các ẩn dụ, lời nói bóng bẩy, đa
nghĩa, và giảng cho nhiều vị Phật khác, nhiều vị Bồ Tát trong nhiều tầng trời của
vũ trụ. Những vị cứu rỗi nầy, chư Phật và chư Bồ Tát với nhiều danh hiệu và nguồn
gốc mới lạ, trở thành đối tượng cho việc tôn thờ, sùng bái và cầu nguyện, và từ
đó hấp dẫn, thu hút quần chúng, giúp thành công cho việc truyền bá phong trào Đại
thừa.
Đầu tiên, phong trào mới nầy được gọi là Bồ Tát Thừa
(Bodhisatva-yana). Tên gọi đó để phân biệt với Thanh Văn Thừa (Sravaka-yana) của
những người hành trì các lời dạy nguyên thủy của Đức Phật và nhắm đến quả vị
A-la-hán (Arahat), không phải quả vị Chánh Đẳng Giác (Samma-sambuddho). Tên gọi
đó cũng để phân biệt với Độc Giác Thừa (Pratyeka-Buddha-yana), dùng để chỉ các
vị tu sĩ sống đơn độc, trong các thời xa xưa, tự giác ngộ nhưng không truyền dạy
cho người khác. Dần dần, khi bị nhiều chỉ trích và phê bình của những người
không tán đồng các tư tưởng mới, phong trào nầy phản ứng lại bằng cách gia tăng
ca ngợi tầm mức quan trọng của hạnh Bồ Tát và đưa ra một danh xưng mới:
Mahayana (Đại thừa). Các "thừa" khác giờ đây bị khinh chê là thấp
kém, và bị gán cho một tên gọi khác là Hinayana (Tiểu thừa). Lý do biện minh
cho cái "lớn" của Đại thừa ở trong 3 lãnh vực: ý nguyện từ bi muốn cứu
vớt muôn loài, tuệ giác thâm sâu mà họ cổ võ, và mục tiêu nhắm đến quả vị tối
thượng của Phật.
Vào khoảng năm 200 CN, một bộ kinh mới có tên Diệu
Pháp Liên Hoa, Saddharmapundarika được viết ra với một cái nhìn mới: mặc dù vẫn
còn chống báng "Tiểu thừa", bộ kinh cho rằng Tiểu thừa được bao gồm
trong và hoàn mãn bởi Đại thừa. Phẩm 2 của bộ kinh nầy, trong việc dung nạp Tiểu
thừa, đưa ra một quan niệm về sau trở nên rất phổ thông trong Đại thừa: quan niệm
về cách dùng "phương tiện thiện xảo". Họ dựa vào một quan niệm vốn đã
có sẵn từ trước cho rằng Đức Phật đã khéo léo giảng dạy tùy theo trình độ và
căn duyên của người nghe -- việc nầy được thực hiện bằng cách chọn lựa các bài
giảng của Ngài trong tạng kinh luật đã có sẵn. Tuy nhiên giờ đây, Ngài được xem
như đã giảng dạy với nhiều cấp độ khác nhau và có vẻ như mâu thuẩn. Những người
có trình độ cao cần phải tháo bỏ các lời giảng giản dị dành cho những người căn
cơ thấp. Mặc dù mọi người đều có khả năng thành Phật, không thể nào giảng các
bài pháp cao siêu cho những hạng căn cơ thấp vì họ sẽ bị rối loạn. Vì vậy, cho
những người "vô minh, căn cơ thấp", Đức Phật dạy về Tứ Diệu Đế, tạo mục
đích đạt Niết Bàn qua quả vị A-la-hán. Vị A-la-hán giờ đây được xem như vẫn còn
ngã mạn và không đủ lòng từ bi vì chỉ muốn thoát khổ một mình, không chịu giúp
các chúng sinh khác. Cho những ai muốn nghe thêm nữa, Đức Phật giảng về Niết
Bàn thật sự của quả vị Phật, và tất cả chúng sinh đều có thể đạt được quả vị nầy,
kể cả hàng A-la-hán, dù rằng những vị A-la-hán vẫn tưởng rằng họ đã đạt được mục
đích tối hậu. Đức Phật chỉ có một cỗ xe, Nhất Thừa (eka-yana), cỗ xe của Phật,
nhưng Ngài dùng "phương tiện thiện xảo" để tạo ra 3 cỗ xe khác: Thanh
văn thừa, Độc giác thừa, và Bồ tát thừa. Ngài truyền cỗ xe nào thích hợp với
căn cơ của từng người, nhưng khi họ đã phát triển tới một cấp độ nào đó thì
Ngài sẽ truyền cho cỗ xe Phật tối thượng. Dù vậy, vì kinh đề cao Bồ tát đạo là
con đường đưa đến Phật quả, thật khó mà phân biệt được giữa Bồ tát thừa và Phật
thừa. Cuối cùng, kinh nầy vẫn hàm chứa ý nghĩa đề cao các hàng Bồ Tát theo định
nghĩa của phong trào mới. Thật ra, không phải các kinh điển Mahayana đều theo
quan niệm Nhất Thừa nầy. Có vài bộ kinh cho rằng trong ba thừa đó, quả vị
A-la-hán không thể tiến xa hơn nữa, và Niết Bàn của A-la-hán có tầm mức thấp
kém hơn Phật quả.
Tuy nhiên, theo các tiêu chuẩn của quả vị A-la-hán qua
kinh điển nguyên thủy của nhiều tông phái, chẳng hạn như tông phái Theravada
ngày nay, thì quan niệm trên -- về sự thấp kém của A-la-hán -- là một điều khó
hiểu và vô lý. Không thể nào cho rằng A-la-hán là một người còn chấp ngã và ích
kỷ. Theo định nghĩa trong kinh điển nguyên thủy, vị A-la-hán là người đã hoàn
toàn tận diệt các tư tưởng về "tự ngã, cái tôi", vốn là nguồn gốc của
chấp ngã và ích kỷ. Vị ấy cũng thường được kinh điển nguyên thủy mô tả như một
người có lòng từ bi vô lượng, và hết lòng giảng dạy truyền bá đạo pháp, đem lại
nhiều lợi lạc, hạnh phúc cho người khác. Niết Bàn và Giác ngộ chỉ có một, không
có phân chia cấp độ. A-la-hán là những người đã đi theo con đường Phật dạy,
phát triển tuệ giác, hoàn toàn tận diệt mọi lậu hoặc, và không còn tạo nghiệp để
vướng mắc trong luân hồi sinh tử. Sự khác biệt giữa Phật và A-la-hán chỉ là
khác biệt giữa vị Thầy khai sáng Chánh Pháp và các vị đệ tử hành trì thành công
Chánh Pháp đó.
Quán Thế Âm bình dị như mọi ngươi
Cũng cần ghi nhận ở đây là các vị tu sĩ Thanh Văn Thừa
đã đóng góp tích cực cho công trình quảng bá đạo Phật trong toàn xứ Ấn Độ và
các nước lân bang trong một thời gian dài hơn 500 năm, từ khi Đức Phật hoằng
khai Chánh Pháp cho đến khi có mặt phong trào Đại thừa. Thêm vào đó, truyền thống
Theravada vẫn công nhận rằng con đường lâu dài đưa đến quả vị Phật, trải qua rất
nhiều kiếp sống, là con đường cao thượng nhất, bởi vì sẽ cứu giúp được vô lượng
chúng sinh. Con đường Bồ Tát nầy vẫn được một số các Phật tử Theravada trì hành,
và xem như là một con đường đáng ngưỡng phục. Tuy nhiên, không phải người nào
cũng đạt đến quả vị Phật vì chỉ có một vị Phật trong mỗi thời kỳ, và vị Phật
trong thời kỳ tới là Bồ Tát Di Lặc. Vì vậy, đa số Phật tử Theravada đi theo con
đường A-la-hán, họ trì hành theo các lời giảng dạy đã có sẵn của Đức Phật Cồ
Đàm, ngày nay vẫn còn được lưu truyền rộng rãi, với mục đích có thể chứng đắcmột
trong bốn quả thánh (Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, và A-la-hán) đưa đến giác ngộ,
giải thoát ngay trong đời nầy hoặc đời sau.
Trong giai đoạn đầu khi mới thành hình, phong trào Đại
thừa khuyến khích các cư sĩ đi theo Bồ Tát Đạo, thoát khỏi ràng buộc gia đình
và lập ý nguyện xuất gia, trở thành tu sĩ, trì hành để đạt đến một trình độ tâm
linh cao thượng. Về sau, vai trò của cư sĩ tại gia lại được đề cao hơn, chẳng hạn
như trong kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti-nirdesa). Từ quan niệm nguyên thủy Bồ
Tát là người sắp thành Phật và thường dùng để chỉ các tiền thân của Phật Cồ
Đàm, quan niệm về Bồ Tát trong Đại thừa được khai triển với ý nghĩa mới, trở
thành một người cao thượng, giàu lòng hy sinh và từ bi để cứu nhân độ thế, làm
việc từ thiện, chia xẻ công đức, đáp ứng các lời cầu nguyện, khuyến khích lễ lạc,
phúng tụng, xây tháp v.v. Quan niệm nầy càng ngày càng trở nên phổ thông, nhất
là khi Đại thừa được truyền sang Trung Hoa và một số kinh điển đã được trước
tác thêm tại đó.
Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Phật Giáo tại Ấn Độ học tập
và trì hành theo cả hai truyền thống Thanh Văn Thừa và Đại Thừa, có khi họ cùng
ở chung một tự viện. Ngay cả các nhà hành hương Trung Hoa cũng không phân biệt
được Đại thừa như là một phong trào riêng rẻ trước thế kỷ 4 Công Nguyên. Về sau
nầy, danh từ Tiểu thừa (Hinayana) đã bị nhiều người đồng hóa với ý nghĩa hạ tiện,
thấp kém, và do đó cần phải tiến lên một mức độ cao hơn của Đại thừa
(Mahayana).Trong ý nghĩa lịch sử, danh từ Hinayana khởi nguyên do các kinh điển
Mahayana đặt ra để chỉ những truyền thống và bộ phái nguyên thủy vốn không công
nhận các kinh điển mới của phong trào Đại thừa.
Các nhà Phật học ngày nay thường dùng danh từ "Phật
Giáo Kinh Bộ" (Nikaya Buddhism) hoặc "Phật Giáo Nguyên Khởi"
(Original Buddhism) để chỉ các tông phái sử dụng kinh điển nguyên thủy trước thời
kỳ phát triển kinh điển đại thừa. Để chỉ các truyền thống Phật Giáo hiện tại, họ
dùng danh từ "Phật Giáo Bắc Phương" (Northern Buddhism) để chỉ Phật
Giáo Tây Tạng (Mật tông), "Phật Giáo Đông Phương" (Eastern Buddhism)
để chỉ Phật Giáo tại Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam, và "Phật
Giáo Nam Phương" (Southern Buddhism) để chỉ Phật Giáo tại Tích Lan, Miến
Điện, Thái Lan, Lào và Cam Bốt.
No comments:
Post a Comment