add this

Thursday, April 20, 2023

Gia Địch, Zadig, conte de Voltaire

 


Gia Địch, chuyện định mệnh

Zadig ou la Destinée, Voltaire

Tôn Thất Tuệ

Tụ tập hai bên một thánh điện lớn là hai đám đông đã từng đánh nhau vì chủ trương dùng chân trái hay chân phải bước vô mà không vi phạm giáo chỉ. Họ đến chờ lãnh tụ quốc gia bước vô bằng chân nào để xem ai trúng ai trật. Nếu bạn là đấng anh minh nầy thì bạn chụm hai chân và nhảy cóc vô chứ gì. Đúng vậy, Gia Địch đã làm không khác để hóa giải tương tranh vô lối nầy.

Gia Địch (không phải già dịch, già dê) là diễn âm tên nhân vật chính của một tập truyện của Phúc Lộc Đắc Nhĩ.

Vâng, cấy ôn ni người Tây, nói tên Tây thì ai nghe cũng biết như nuốt nước đường cái ót gọn trơn. Voltaire (1694-1778) ấy mà. Gia Địch là Zadig trong Zadig ou la Destinée, conte de Voltaire.

Voltaire (1694-1778)

Năm 1957, thầy Cao Hữu Hoành dạy Pháp văn tam C; đệ tam học thế kỷ 18 của văn chương Pháp. Do đó thầy Hoành đem cuốn Zadig bảo chúng tôi đọc và thầy hướng dẫn. Nhưng gió thổi hết. Tuy vậy, cả cuộc đời, tôi vẫn thích Voltaire. Tôi cứ tự hỏi câu nói triết lý: il faut cultiver notre jardin  (hãy trồng xới mảnh vườn của chúng ta) là từ cuốn Zadig hay Candide. Nói thiệt, có lẽ học tiếng Pháp e không chí căn chí cốt như thế hệ ông già, nên chỉ lớn phớn cho xong chuyện. Tôi đã làm hết hồn một bà người Pháp khi nói đã học ba thế kỷ văn học Pháp 17, 18 và 19. Hù dọa bằng thích, tuy còn thua giở lật xem tranh.

Nhưng không trách, việc học trong trường chỉ gợi ý. Vì lương tâm, qua năm hai ngàn, tôi mới đọc hết cuốn Candide khi giới thiệu bài Thằng Khùng của Phùng Quán, Thằng Khùng trong trại tù chính trị đã thuộc lòng Candide đọc cho bạn tù nghe.

Cũng vậy, nay đọc Zadig nhớ tới thầy Cao Hữu Hoành mà thương. Thầy không xuống phòng giáo sư để nghỉ, chỉ đứng ngoài lớp nhìn xuống sân, hút đều đều nối đuôi Melia vàng.

Những ai vào đệ thất trước và sau 1952 đều nhận thấy Pháp văn được chú trọng hơn Anh văn. Pháp văn nhiều giờ hơn. Trong khi đi thi diplome, Pháp văn phải làm luận và dịch, Anh văn chỉ có hai bài dịch. Và trong ba năm đệ nhị cấp, không thấy văn học sử Anh Mỹ, học sinh hầu như không biết tên các văn nhân Anh. Đại học sư phạm thì khác .

Hôm tôi ngồi ở Ngân Đình, Aux Coins des Blagueurs, thấy tôi lạnh vì gió sông mùa hè, ông bạn Mỹ lấy cái khăn ăn phủ lên vai tôi thì ông quản lý hay chủ nổi sùng, nói to: “Moi je suis français”. Tuy không hiểu ông muốn nó gì, tôi xoay qua giúp vui: Moi, je suis français aussi, j’ai froid. Rứa thì tui cũng là français nói tiếng bồi, nhưng không nói ‘je suis chaud’! Et bon, pas mal.

Nếu contes của Perrault là chuyện thần tiên như La Belle au bois dormant, Cendrillon thì contes của Voltaire nặng nề, không bay bỗng, rất trần gian, đầy khổ lụy và rất hài hước, đầy châm biếm đau như bị chó cắn (sarcasme mordant), và dĩ nhiên rất chi là triết lý. Của cả hai tác giả đều là chuyện đời xưa. Đời xửa đời xưa, có bà bán dưa. Il était, (il y avait) une fois une vendeuse de melon; Once upon a time, there was a melon merchant. Không phải là những truyện ngắn, những đoản thiên, nouvelle (novellas, short story) mà đúng như tiếng Anh là tale, chuyện kể.

Thật vậy, chúng tôi muốn giới thiệu Zadig là chuyện nghe răng kể rứa mà Voltaire cho là câu chuyện định mệnh, trình bày song ngữ Việt Pháp đối chiếu, xuất bản đã lâu, ở Hà Nội 1928. Việt ngữ không khác gì bây giờ cho lắm về ngôn tự và chính tả.

Zadig là chuyện có hậu, chuyện của một chàng trẻ thông minh dĩnh ngộ, ba chìm bảy nổi, vào tù ra khám, đã lên đoạn đầu đài v.v… rồi được lên làm vua. Những chặng đường nầy thường được trình bày với các chi tiết hài hước. Một đại danh y không thể làm cho Zadig khỏi cảnh chột vì con mắt bị thương bên trái, giá như bên phải thì danh y đã trị lành. Voltaire dùng chuyện “cầm vồ bửa săn”, lấy quả tim chồng chưa chôn chữa bệnh cho tình quân mới gặp. Voltaire đã thay quả tim bằng cái mũi.

Chuyện vui nhất mà ai mó đến văn chương Pháp đều biết là Hành Lang Cám Dỗ. Le Corridor de temptation là đầu đề đoạn văn tập đọc đã có trong sách. Zadig cam kết với vua sẽ có một người thanh liêm nhất để giữ ngân khố, người trúng giải nhảy đầm đẹp nhất; thí sinh phải từng người một đi qua hành lang tối mờ đầy vàng bạc, kim cương … trước khi vào đại sảnh. Các ông quý tộc nhảy như mang gánh nặng, chân cứng như củi vì sợ các thứ đã lấy rơi xuống sàn nhà. Chỉ có một gã thanh niên nhảy như bướm bay vì không có gì sợ rơi. Người ấy được chọn, không chắc là một nhà kinh tế giỏi nhưng hết sức thanh liêm.

Chương cuối giúp chúng ta hiểu vì sao các cuộc thi hoa hậu hiện nay kèm theo những câu hỏi “thông minh” (hoặc mang tính chất chính trị). Sau khi đã thắng các cuộc tỷ thí võ công, Zadig phải giải đáp câu hỏi: Trong thế gian thì cái gì vừa dài nhất vừa ngắn nhất, vừa nhanh nhất vừa chậm nhất, vừa có thể phân nhỏ ra vừa bao la rộng rãi nhất; vừa bỏ phí nhất vừa được tiếc nhất, không có nó thì không làm gì được, vừa làm cho những việc nhỏ mọn tiêu diệt, vừa làm cho những việc lớn sống bền.

Zadig trả lời: thời gian: không có cái gì dài hơn thời gian vô tận; không có gì ngắn hơn vì khi ta định làm việc gì thì không đủ; chờ đợi làm thời gian chậm nhất, sung sướng làm thời gian nhanh nhất. Ai cũng bỏ phí thì giờ, mất rồi lại tiếc. Không thì giờ thì chẳng làm được gì. Cái gì không đáng truyền cho hậu thế thì cho quên đi, sự nghiệp to tát thì giữ muôn đời.

Kỳ thật, thí sinh phải trả lời những câu hỏi về cách trị dân, về tư cách cao quý ... Zadig đều trả lời thông suốt và được hội đồng kỳ mục cho làm vua.

Đoạn kết rất vui, đúng là chuyện đời xưa đời xửa, nhưng Voltaire đã dẫn lối một nền cộng hòa; các vua chúa đều do thi tuyển mà ra. Nhiều ứng viên nói với hội đồng rằng những câu hỏi không cần thiết, chỉ cần võ công thượng thừa là đủ để trị nước, giữ nước. Voltaire đã đi trước dẫn trước quan niệm tiến bộ quân sự và chính trị tương hợp.

Voltaire, với sarcasme mordant không tha một ai, từ Giáo Hoàng cho đến anh tú lờ khờ bằng giả. Giáo hội đã khai trừ Voltaire. Khi Voltaire chết gia đình xin Giáo hội làm phép lúc an táng nhưng bị từ chối.

Mãi cho đến rất gần đây, “athéiste” không mang nghĩa vô thần mà là bất cứ ai chống giáo hội như một trong những tổ chức tôn giáo. Nhiều phê bình gia cho rằng Voltaire là một théiste, hữu thần, tin có đấng huyền nhiệm. Điểm nầy hiện rõ trong Zadig tuy đầy rẫy châm biếm dành cho các lãnh tụ tinh thần tôn giáo nói chung. Không biết Voltaire sẽ nói gì nếu sống hôm nay (tháng 4.2023) khi mục sư John Blanchard, đứng đầu một mega church ở Virginia, bị bắt vì điều hành một ổ mãi dâm và dẫn gái 17 tuổi (cảnh sát chìm) đến phòng ngủ khách sạn.

Zadig cho thấy một Voltaire có tầm nhìn vô cùng rộng rãi. Không ngạc nhiên vì ông đã soạn một cuốn bách khoa từ điển về triết học và lịch sử.

Thế kỷ 18 được gọi là thế kỷ ánh sáng xuất hiện như con cá nhảy ra khỏi nước, khác biệt với hai thế kỷ trước và sau. Thế kỷ nầy đã tạo cuộc cách mạng Pháp, ảnh hưởng đến hiến pháp HK và ngay cả về sau hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Dật Tiên. Nói rằng tách biệt với thế kỷ sau không hoàn toàn đúng vì Rousseau đã mở đường cho phong trào lãng mạn có Chateaubriand, Hugo v.v…Nhưng là một thế kỷ nhiều lý luận; nhiều tác giả khó tính đã kết án mạnh mẽ thế kỷ nầy đã nẩy sinh chủ thuyết duy vật, kể cả duy vật sử quan của thế kỷ 20 gây bao nhiêu đổ máu. Các vị nầy có thể căn cứ vào quan niệm phi thần của Diderot khi ông hoàn tất bộ bách khoa từ điển.

Lời quy trách nầy không thể dựa vào tư tưởng của Voltaire. Contes de Voltaire (Candide, Zadig. Micromega v.v…) mang rất nhiều tư tưởng Đông phương, không thuần túy chuyện trên trời hay thuần túy dưới đất. Nếu thế kỷ 18 đưa đến duy vật thì nó cũng tạo nên căn cứ cho chủ trương nhân bản, trong đó con người làm trung tâm của mọi sinh hoạt, vừa tác động và thụ nhận. Il faut cultiver notre jardin. Jardin của Voltaire vừa là xã hội, vừa là cuộc sống cá nhân, cuộc sống tâm linh, là “tâm điền, tâm địa” của Khổng Lão Thích.

Về phần Voltaire, vinh dự của ông là tên ông được dùng đặt tên cho một thế kỷ văn học vô cùng đặc biệt: Le Siècle de Voltaire; giống như Gia Địch lên ngôi vua.

Chuyện chàng Gia Địch, (xin down load dễ đọc) **

============================================

*Phúc Lộc Đắc Nhĩ viết theo cách đọc xưa của Tàu (fou lou de el). Ngày nay Voltaire chính thức phiên âm gần giống là 伏爾泰 phục nhĩ thái. Phạm Quỳnh ngạc nhiên trí thức VN đọc trực tiếp sách Pháp mà gọi tên tác giả theo kiểu Tàu không ai hiểu: Montesqieu, Mạnh Đức Tư Cưu. Thiết nghĩ các nho sĩ làm quen với tư tưởng Âu Tây qua sách của Tàu và Nhật; hai tiếng nầy không có mẫu tự La tinh phải viết theo Hán Tự. Nho sĩ VN chưa chắc đã thấy Montesqieu, Rousseau…

** Gallica in thiếu trang đầu, xin điền thế và dịch

Chapitre I:  Le borgne

Du temps du roi Moabdar il y avait à Babylone un jeune homme nommé Zadig, né avec un beau naturel fortifié par l'éducation. Quoique riche et jeune, il savait modérer ses passions; il n'affectait rien; il ne voulait point toujours avoir raison, et savait respecter la faiblesse des hommes. On était étonné de voir qu'avec beaucoup d'esprit il n'insultât jamais par des railleries à ces propos si vagues, si rompus, si tumultueux, à ces médisances téméraires, à ces décisions ignorantes, à ces turlupinades grossières, à ce vain bruit de paroles, qu'on appelait conversation dans Babylone. Il avait appris, dans le premier livre de Zoroastre, que l'amour-propre est un ballon gonflé de vent, dont il sort des tempêtes quand on lui a fait une piqûre. Zadig surtout ne se vantait pas de mépriser les femmes et de les subjuguer. Il était généreux; il ne craignait point d'obliger des ingrats, suivant ce grand précepte de Zoroastre ….

Chương I: Kẻ chột mắt

Vào thời vua Moabdar, ở thành Ba By Luân có thanh niên tên Gia Địch sinh ra với tư chất thiện hảo và nhờ giáo dục mà tốt thêm. Mặc dù giàu và trẻ, chàng biết tiết chế các tham vọng, chẳng tha thiết gì; chẳng bao giờ tự phụ có lý hoàn toàn, chàng biết tôn trọng các yếu hèn của con người. Đáng ngạc nhiên, tuy với đầu óc đầy trí thức, chàng không bao giờ chế nhạo chỉ trích các lời qua tiếng lại ở thành Ba By Luân, mơ hồ, nhai lui nhai tới, hổn tạp, bạo miệng, ngu dốt, khôi hài thô tục, rỗng tếch. (Bởi lẽ), chảng đã học trong cuốn sách đầu tiên của Dô Lộ Át rằng tự ái là quả bong bóng căng đầy hơi, kim chích lỗ nhỏ đủ làm bung ra một trận cuồng phong. Chàng không bao giờ vênh vang đã khinh thị đàn bà, đã đè bẹp, dìm đàn bà. Chàng rộng lượng, không ngại giúp kẻ vô ân bội nghĩa vì chàng theo lời chỉ dạy của Do Lộ Át:  Khi ăn, ngươi hãy cho chó ăn cùng, dù chó cắn ngươi đi chăng”. …..

 

 

 


No comments:

Post a Comment