add this

Monday, April 10, 2023

hoa sứ, hoa đại



Hoa Sứ muôn năm

Tôn Thất Tuệ


Khoa bonsai có dạy: nhất rễ nhì thân; rễ và thân cần trình ra cho đẹp, không để lá và đất che mất. Mỗi lần đứng trước những cây sứ cũ chúng tôi nghĩ đến phương châm nầy. Rễ thì không có, nhưng thân sứ không có cách phát triển như nhau. Thân sứ trông không chắc như cây lim, và không có tính chất gỗ tạp của cây vông gai. Chủ quan và lãng mạng thì nói thân sứ mang dấu tích của thời gian, lá sứ thưa như tóc đã rụng vì thâm niên. Cây sứ cổ điển mềm mại không như các thứ mới du nhập giữa thế kỷ 20, tuy chúng đều là các cây tương cận.

Thiết nghĩ cây sứ ở các thắng tích cổ như lăng tẫm, chùa chiền, gần với dân chúng hơn cây ngô đồng vương giả. Sự hiện diện nầy có thể bắt nguồn từ xa xưa, vì bông sứ tượng trưng cho dân tộc Chàm. Trong luồng văn minh mà Chàm tiếp nhận, hoa sứ được chạm trỗ ở các bức bán tượng (bar-relief) tìm thấy ở đền đài Java. Tiếng Anh bông sứ là plumeria. Ấn Độ dùng nhiều thứ hoa làm nguyên liệu chính của xạ hương hay nấu nước tắm, có hoa plumeria champa và nhóm hoa champaca. Ấn Độ có loại hương (nhang) gọi chung là champa. Chúng tôi không rành ngôn ngữ nhưng cứ đoán hai chữ champa và champaca thì nói là cái hoa sứ mình thấy được tiếp nhận từ đế quốc Chiêm Thành. (Tiếng Lào, champa là hoa sứ).

Vì sao gọi là sứ thì dành cho các học giả nhưng người ngoài Bắc còn gọi là hoa đại. Đại sứ? Ambassadeur? Có nơi trong Nam gọi là sứ cùi. Phải chăng cùi vì những cây sứ già, thân khẳng khiu, có khi thêm chùm rễ phụ như bộ râu, khi lá rụng mùa lạnh, sứ chỉa lên không những ngón tay cùi.

Cây sứ, lá và thân, có mủ được xếp vào loại succulent (khác với cao su hay cây mít) như một số cây nhiệt đới, cây trường sinh v.v... Khi cắt nhánh trồng, phải để ít hôm cho chỗ cắt khô nhựa mới dâm xuống đất ẩm, nhờ vậy nước không vào làm thối giống. Sách nói rằng sứ không thể sanh sản từ hoa; chỉ trồng theo lối dâm cành (cutting, bouturage). Điều nầy chỉ đúng với sứ cùi của mình.

Những loại sứ mới du nhập giữa thế kỷ 20 có trái đôi như hai sừng trâu giống như trái mai chiếu thủy trong nam. Hột của chúng như hột bí và gieo sẽ lên cây. Nhưng thực tế dù loại sứ nào cũng cắt nhánh trồng, cũng như không ai gieo hạt chuối, biết khi mô có trái mà ăn. Các chợ trời bán những khúc cành sứ như đốt mía làm giống.

Vẫn theo sách, mủ cây sứ có chất độc. Chúng tôi bèn nghĩ đến hoa trúc đào (oleander). California trồng cây nầy giữa freeway để xe ngược chiều không chói mắt nhau. Bỗng nhiên có phát giác trúc đào có chất độc, bèn thi nhau triệt hạ. Bây giờ thì dung hòa, ghi nhận rằng mủ trúc đào có chất độc nhưng không thải ra không khí; ngồi bên cạnh không sao, miễn là không nhai lá nhai bông; cành trúc đào không nên đốt và cho nó tự mục, chất độc phân hóa ngay. Đừng chặt "hoa trúc đào" của Nguyễn Tất Nhiên, Anh Bằng phổ nhạc.

Thiết nghĩ cây sứ cũng như cây trúc đào. Nhưng chắc chắn hoa sứ không có chất độc vì Ấn Độ dùng làm xạ hương và nấu nước tắm. Và chúng tôi có thể đưa ra lời đối chứng đã ăn hoa sứ xào số lượng lớn mà không chết.

Chùa Phổ Quang, gốc cây sứ, 04.2023

Đứng ở cây thị bến đò xưa chợ Bến Ngự hay mé chợ, nhìn lên thì sẽ thấy một ngôi chùa uy nghi trên đồi cao, là Phổ Quang của Thích Mật Thể; khi vỡ mặt trận Pháp Việt 1945, chùa bỏ hoang, được trùng tu chừng 1954. Tuy ở trong núi sâu, mé hông chùa chỉ cách dốc Bến Ngự bởi cái vườn nhỏ của ông Lê Đình Thám, nhân vật Phật Học danh tiếng. Nhân mùa Phật Đản chừng 1949, mấy chú điệu ở chùa Thiên Minh từ dốc Nam Giao qua đường kiệt đến dốc Bến Ngự băng qua vườn ông Lê Đình Thám (cũng bỏ trống) qua chùa nầy hái bông sứ đem về kết tràng phan. Lễ xong hoa đã héo gần khô, thay vì đổ rác, bà Tâm Dung (tức là bà chùa) đem vào, cắt bỏ cuống hoa (rất đắng), phần còn lại đem xào. Nghèo lắm không có dầu, bèn lấy mươi trái dầu lai tươi rán thành dầu như rán mỡ mà xào. U chao ăn ngon mần răng như muốn thấy Phật thấy trời.

Viva plumeria. Hoa sứ muôn năm. Hoa đại ngàn năm.---

======================================================

cây sứ, thủy tạ lăng Tự Đức

========================================

 


No comments:

Post a Comment